Hiệp ước Liên Âu–Mercosur : "Tự do thương mại không phanh là thuốc độc"
Hiệp ước tự do mậu dịch Liên Âu-Mercosur bị phản đối dữ dội tại Pháp, các thành viên Liên Âu thống nhất được dàn lãnh đạo mới, Pháp lập lực lượng "cảnh sát chống lậu thuế" mới, biểu tình tại Paris đòi chính quyền "hành động khẩn" chống nạn chồng bạo hành vợ là một số tựa chính trang nhất báo chí Pháp hôm nay.
Thỏa thuận giữa Liên Âu với bốn nước Nam Mỹ thuộc khối Mercosur là hiệp định tự do mậu dịch lớn nhất với Châu Âu. European Commission
Les Echos ghi nhận hiệp định thương mại tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu với khối Mercosur (bốn nước Nam Mỹ), được Ủy Ban Châu Âu bật đèn xanh, hướng đến mở ra một thị trường khổng lồ với khoảng 800 triệu người tiêu thụ, đang gây bất ổn ngày càng lớn trong nội bộ đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) của tổng thống Macron.
Tổng thống bị chỉ trích trong nội bộ đảng cầm quyền
Theo một số nhà quan sát, đây có lẽ là lần đầu tiên mà một nghị sĩ của đảng cầm quyền lại công khai trực diện phản đối tổng thống mạnh mẽ đến như vậy. Hôm qua, dân biểu Jean-Baptiste Moreau tuyên bố thẳng "đây là một thỏa thuận tồi", và cho biết "sẽ cố gắng thuyết phục" tổng thống. Dân biểu Moreau bản thân cũng là một người làm nông, và tiếng nói của ông về lĩnh vực này rất được lắng nghe trong nội bộ đảng. Không chỉ có nghị sĩ Moreau, nhiều nghị sĩ LREM cũng bày tỏ sự dè dặt cao độ.
Theo Les Echos, làn sóng phản đối, từ cực tả đến cực hữu, không kể giới nông gia, khiến chính quyền buộc phải điều chỉnh thái độ. Tối thứ ba, tại Bruxelles, tổng thống Pháp – cho dù vẫn tiếp tục lên án "chủ nghĩa bảo hộ mới" – đã nhấn mạnh đến việc mở cửa thị trường phải đi kèm với các kế hoạch hỗ trợ các ngành kinh tế bị đe dọa, cũng như các đòi hỏi nghiêm khắc về khí hậu. Khác hẳn với phát biểu hồi tuần trước bên lề G20, khi ông Emmanuel Macron khẳng định đây là một "hiệp định tốt", chính phủ tuyên bố Hiệp định sẽ không thể được ký kết trong tình trạng hiện nay.
Ngày 17/07 tới, dự thảo hiệp định với Mercosur sẽ phải được bỏ phiếu tại một ủy ban Quốc hội Pháp, cùng với một thỏa thuận tự do thương mại khác với Canada (CETA), vốn cũng bị rất nhiều chỉ trích (72 hiệp hội yêu cầu không phê chuẩn). Chính phủ lo ngại tình hình vượt tầm kiểm soát, khi cả hai dự luật bị chống đối dữ dội cùng lúc. Chưa kể hiện tồn tại có cả "một hố sâu ngăn cách" giữa dự luật mậu dịch tự do Mercosur và kế hoạch "tăng tốc chuyển sang nền kinh tế sinh thái", mà chính phủ hứa hẹn cho phần hai của nhiệm kỳ tổng thống.
"Những giới hạn của một mô hình"
Vì sao Hiệp định tự do mậu dịch Liên Âu – Mercosur bị phản đối dữ dội ? Le Figaro có bài xã luận đáng chú ý mang tựa đề "Những giới hạn của một mô hình". Bài xã luận nhấn mạnh : cho dù Ủy Ban Châu Âu có hết sức hô hào cổ vũ cho một thỏa thuận gọi là mang tính "chiến lược" và "cân bằng", hết sức phấn chấn với việc thị trường khổng lồ tại Nam Mỹ mở ra đối với các nhà xuất Liên Âu, thì không ai tin tưởng vào những từ ngữ giả dối này.
Le Figaro nhắc đến tình trạng nông nghiệp Châu Âu bị đe dọa do nhiều bê bối thực phẩm nhập khẩu, và đặt câu hỏi là "liệu có cần nhập khẩu thêm thịt từ đầu kia thế giới, trong lúc chúng ta không hề thiếu thịt, trong lúc người ta lại nhân danh cuộc chiến vì khí hậu để cấm người Pháp sử dụng xe hơi ? Tại sao, cùng lúc với việc thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững, lại buôn bán với những người không hề tôn trọng các quy tắc đó ?".
Xã luận Le Figaro cũng chất vấn : Phải chăng đã có sự phóng đại về tầm quan trọng của Hiệp định này, trong lúc các hệ quả về kinh tế, vệ sinh, môi trường lại không được thực sự tính đủ ?
Rộng hơn nữa, nhân phong trào phản đối Hiệp định thương mại Liên Âu – Mercosur, tờ báo thiên hữu đặt vấn đề "những giới hạn của mô hình" toàn cầu hóa hiện nay. Theo Le Figaro, "tiến trình toàn cầu hóa rõ ràng đã giúp đưa một bộ phận dân chúng trên Trái đất ra khỏi tình trạng nghèo khó, đúng như điều mà mọi người thường nói, với việc tạo nên tăng trưởng kinh tế ở khắp nơi, giúp cho nhiều người có điều kiện được hưởng các sản phẩm và dịch vụ, trước đó vốn không thể tiếp cận. Tuy nhiên, toàn cầu cầu hóa cũng làm hủy hoại một phần nền công nghiệp, làm suy yếu xã hội chúng ta". Le Figaro kêu gọi, bởi tiến trình toàn cầu hóa hiện nay đã đạt đến các giới hạn, Liên Âu và các tân lãnh đạo cần phải xây dựng "các quy tắc mới" có đi có lại với các đối tác, về thương mại, về xã hội, về môi trường.
Không thể chống lại toàn cầu hóa, co cụm lại với "ảo ảnh" của chủ nghĩa bảo hộ, nhưng cũng không thể để mặc cho làn sóng tự do hóa cuốn đi. "Chủ nghĩa bảo hộ cũng như mậu dịch tự do không phanh hãm, không kiểm soát, đều là độc dược".
Khí hậu : Hiệp ước với Mercosur "hoàn toàn không có các bảo đảm"
Trong một bài trả lời phỏng vấn báo Les Echos, cựu dân biểu Mathieu Orphelin cũng nhấn mạnh là dự thảo hiệp định Mercosu hoàn toàn không mang lại các bảo đảm về khí hậu. Hiệp định Khí hậu Paris 2015 chỉ được nêu ra lấy lệ. Không có bất cứ một cơ chế nào cho phép đình chỉ thỏa thuận, nếu các quốc gia ký kết ngấm ngầm rời bỏ Hiệp định Paris, hoặc xa rời các cam kết về khí hậu. Cựu dân biểu thuộc đảng cầm quyền nhấn mạnh đến trường hợp chính quyền Brazil của tổng thống Bolsonaro, hứa hẹn ở lại với Hiệp định Paris, nhưng trên thực tế, kể từ khi lên nắm quyền, ông ta tiến hình chính sách ngược lại : tốc độ phá rừng tăng gấp đôi, với 450 hecta rừng Amazon bị tàn phá một ngày, kể cả trong các vùng rừng được bảo vệ.
Cựu dân biểu Pháp tỏ ra hết sức bi quan về các quy tắc thương mại hiện nay, mà theo ông, hoàn toàn không thể giúp nhân loại trong cuộc chiến hãm lại đà hâm nóng khí hậu. Theo ông, Liên Hiệp Châu Âu phải đưa tiến hành một cuộc cách mạng, thiết lập các thỏa ước thương mại kiểu mới, trong đó các sản phẩm nông nghiệp phải có được một quy chế khác với các hàng hóa khác. Bởi đằng sau các sản phẩm nông nghiệp là mô hình nông nghiệp, mô hình tiêu thụ thực phẩm, sức khỏe, và môi trường. Lĩnh vực nông nghiệp phải có một ví trí đặc biệt trong các thỏa thuận thương mại tự do.
"Luồng sinh khí mới" cho tổng thống Pháp
Căng thẳng đối mặt với làn sóng phản kháng trong nước trong vấn đề Hiệp định thương mại Liên Âu – Mercosur, nhưng tổng thống Pháp lại vừa gặt hái một thành công lớn. Les Echos ghi nhận "Một luồng sinh khí mới cho tổng thống Macron". Thỏa thuận về dàn lãnh đạo chủ chốt của Liên Hiệp Châu Âu, vừa được các quốc gia thành viên Liên Hiệp thông qua hôm thứ Ba vừa qua, ngày trước ngày tân Nghị Viện khai mạc với phiên bầu lãnh đạo mới, cho phép siết chặt quan hệ Pháp – Đức, cũng như mang lại cho tổng thống Pháp một số đồng minh quan trọng trên bàn cờ chính trị lớn của Châu lục.
Theo Les Echos, chính là nhờ tổng thống Pháp mà thủ tướng Đức Angela Merkel rút cục đã đưa được một người cộng sự Đức thân cận, nữ bộ trưởng quốc phòng Ursula von der Leyen, vào chức vụ lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu, cho dù phải cay đắng chấp nhận ứng cử viên Manfred Weber bị loại. Một thành công khác của tổng thống Pháp là đã đưa được thủ tướng Bỉ Charles Michel vào cương vị chủ tịch Hội Đồng Châu Âu. Les Echos nhấn mạnh ông Charles Michel là một "đồng minh quý giá". Thủ tướng Bỉ, người cùng thuộc gia đình các đảng phái Tự Do với tổng thống Pháp, đã góp phần tích cực trong việc đàm phán lựa chọn các gương mặt lãnh đạo mới. Với việc nữ tổng giám đốc người Pháp Christine Lagarde được đề cử vào chức chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu giúp Paris tránh được nguy cơ có một lãnh đạo ngân hàng ủng hộ một chính sách tiền tệ "siêu bảo thủ". Thêm một điểm tích cực nữa là tất cả các ứng cử viên vào các vị trí lãnh đạo Châu Âu đều là người nói tiếng Pháp.
Thắng lợi của tổng thống Pháp cũng thể hiện ở chỗ, ý tưởng lựa chọn ứng cử viên vào dàn lãnh đạo tối cao của Châu Âu đã bỏ qua nguyên tắc lựa chọn ứng viên trong số những người đứng đầu danh sách các đảng phái tranh cử Nghị Viện, theo lập trường của phía Đức (nguyên tắc "Spitzenkandidat").
Liên Âu : "Bộ tứ cân bằng nam nữ và dày dạn kinh nghiệm"
Về dàn lãnh đạo mới của Châu Âu, Le Monde có bài xã luận "Châu Âu : Một bộ tứ cân bằng nam nữ và dày dạn kinh nghiệm". Le Monde nhấn mạnh đến mục tiêu từ lâu nay của Châu Âu đối với bình đẳng nam nữ trong các vị trí lãnh đạo rốt cục đang trên đường trở thành hiện thực. Cả hai nữ chính trị gia ứng cử vào chức chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu được đánh giá là đều có nhiều kinh nghiệm trong các vị trí lãnh đạo tại Châu Âu và trên trường quốc tế. Le Monde khen ngợi là thỏa hiệp này đã cho phép tránh được nguy cơ tìm kiếm sự cân bằng tuyệt đối về khu vực địa lý hay đảng phái chính trị, thay cho năng lực cá nhân.
Theo Le Monde, ứng cử viên Charles Michel vào chức chủ tịch Hội Đồng Châu Âu làm nhớ lại vai trò của một trong những người tiền nhiệm Herman Van Rompuy, cũng là một thủ tướng Bỉ, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu (2010-2014), đã đóng vai trò quan trọng trong việc "xây dựng các thỏa hiệp". Một phẩm chất giờ đây đã trở thành tiêu chí hàng đầu cho việc lựa chọn chức vụ đứng đầu định chế Hội Đồng Châu Âu. Cựu ngoại trưởng Tây Ban Nha Joseph Borrell, 72 tuổi, cũng là một cựu chủ tịch Nghị Viện, được coi là "một ứng cử viên hoàn hảo" cho chức vụ lãnh đạo ngoại giao Liên Âu. Ê-kíp lãnh đạo mới "gắn bó, kiên định và vì Châu Âu" này rất cần thiết cho Liên Hiệp, trong bối cảnh Liên Âu đang bị đe dọa bởi các trào lưu dân tộc chủ nghĩa, các chia rẽ nội bộ.
Lãnh đạo Liên Âu : Đảng Xanh dù bị loại, nhưng vẫn có cơ hội tham gia
Vẫn theo Le Monde, một trong các điểm yếu quan trọng của quá trình đàm phán đề xuất dàn lãnh đạo mới, là đảng Xanh "vắng mặt hoàn toàn". Mà đây vốn là một lực lượng chính trị mới trỗi dậy tại Nghị Viện Châu Âu, sau cuộc bầu cử tháng 5.
Ngược với bài xã luận, tỏ ra hoan hỉ với dàn lãnh đạo mới, Le Monde cũng có bài viết khác ghi nhận thái độ nhiều phần thất vọng tại Nghị Viện Châu Âu, đặc biệt trong hàng ngũ hai liên đảng Xã Hội Dân Chủ và đảng Xanh, đảng lớn thứ hai và thứ tư trong Nghị Viện, trước hết đối với việc nữ bộ trưởng quốc phòng Đức được đề cử lãnh đạo Ủy Ban. Theo Le Monde, đảng Xanh – không được tham gia vào quá trình đề cử các vị trí lãnh đạo – sẽ phải nỗ lực tham gia vào "thỏa thuận liên minh cầm quyền" đang được bốn nhóm chính đảng lớn trong Nghị Viện (đảng bảo thủ PPE, đảng Xã Hội Dân Chủ, đảng Tự Do và đảng Xanh) thương lượng, để định hướng cho các hoạt động của Ủy Ban Châu Âu.
Hồng Kông : Ám ảnh vụ đập phá Nghị viện
Về thời sự quốc tế, vụ Nghị Viện Hồng Kông bị đập phá tan hoang trong ngày biểu tình vì dân chủ, 01/07, tiếp tục là chủ đề của Le Monde. Nhật báo Pháp ghi nhận cách hành xử cực đoan này gây chia rẽ trong giới tranh đấu, dân chúng lo ngại sẽ có nhiều vụ bắt bớ. Cho dù lo sợ chính quyền đàn áp gia tăng, nhưng mặt khác đối với nhiều thanh niên Hồng Kông, điều này không còn quá quan trọng, bởi điều chủ yếu với họ là khát vọng tranh đấu vì dân chủ vẫn còn, 5 năm sau thất bại của phong trào Dù Vàng.
Pháp tăng cường chống lậu thuế
Về nước Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos đặc biệt chú ý đến việc chính phủ cho thành lập lực lượng đặc biệt "chống lậu thuế", trực thuộc bộ tài chính, mang tên "Service d’enquete judiciaires des finances – SEJF". Các nhà điều tra của lực lượng này, với tổng số 266 người, được trang bị các phương tiện như của cảnh sát. Với lực lượng mới này, dự kiến số lượng hồ sơ trốn thuế chuyển sang cơ quan công tố sẽ tăng gấp đôi.
Chồng giết vợ : Kêu gọi chính quyền hành động khẩn
Hồ sơ chính của Libération hôm nay là nạn chồng bạo hành vợ, với 107 người chết vào năm ngoái 2018, trên tổng số 220.000 nạn nhân. Tờ báo thiên tả đăng trên trang nhất hình ảnh một người phụ nữ nằm sóng xoài trên mặt đất, gương mặt đầy máu. Xã luận Libération nhấn mạnh đến định kiến lâu nay, mọi người tưởng rằng các vụ giết người trong gia đình chỉ là những tấn kịch riêng tư, đơn lẻ trong thực sự có liên hệ với nhau, nhưng đây thực sự là một hiện tượng xã hội lớn.
Các vụ vợ bị chồng sát hại chiếm một tỉ lệ lớn trong tổng số các vụ giết người tại Pháp (107 vụ trên khoảng 800 vụ giết người/năm). Hôm nay tại, Paris, có cuộc tuần hành lên án tệ nạn này, kêu gọi chính phủ có biện pháp khẩn. Theo Libération, luật đã có, vấn đề hiện nay là phương tiện. Cụ thể là phải có đủ các cơ sở tiếp đón phụ nữ bị bạo hành, số điện thoại để họ được tư vấn. Libération nêu kinh nghiệm Tây Ban Nha, các nỗ lực từ phía chính quyền đã cho phép giảm 1/3 số vụ chồng giết vợ.
Trọng Thành