Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/10/2019

Điểm báo Pháp - Vladimir Putin đại thắng ở Cận Đông

RFI tiếng Việt

Nhờ Donald Trump, Vladimir Putin đại thắng ở Cận Đông

Thời sự Cận Đông với việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chia nhau kiểm soát vùng biên giới phía bắc Syria sau khi quân Mỹ rút đi là một trong những đề tài được các tạp chí tuần này bình luận rộng rãi nhất.

putin1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (T) và đồng nhiệm Nga Vladimir Poutine, tại Sotchi, Nga, ngày 22/10/2019. SPUTNIK / VIA Reuters

Đáng chú ý hơn cả có lẽ là bình luận trên trang Ý kiến của tuần báo Pháp L’Obs mang tựa đề "Putin hay sự phục hận của người bị sỉ nhục", nêu bật "món quà vô cùng to lớn" mà tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ tặng cho đối thủ nặng ký của Hoa Kỳ là tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bài viết của Natacha Tatu mở đầu với câu hỏi : "Lịch sử sẽ ghi lại những gì về cuộc khủng hoảng sắp tròn hai tuần ở vùng Cận Đông ?". Hỏi tức là trả lời : Đó là cơn chấn động mà chính sách lệch lạc của ông Trump đã gây ra.

Khi đột ngột cho rút quân khỏi các vị trí đang trấn giữ trong vùng, tổng thống Mỹ đã bỏ rơi đồng minh Kurdistan để họ chịu các đòn tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cho người Kurdistan không còn chọn lựa nào khác là dựa vào sự che chở của tổng thống Syria Bachar al-Assad và người bảo trợ và chỉ huy trưởng của ông là Vladimir Putin.

Trật tự mới ở Cận Đông : Nga-Thổ thắng, Mỹ-Châu Âu thua

Theo tạp chí Pháp, đã bắt đầu thấy được dáng dấp của một trật tự thế giới mới, với kẻ thắng trước tiên là Putin và đồng minh Assad của ông, kế đến là tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Còn phe thua dĩ nhiên là Châu Âu, một lần nữa đã chứng tỏ tất cả những bất lực của mình, và nước Mỹ, đã lại cho thấy là "chính sách ngoại giao kỳ lạ của vị tổng thống thất thường của họ không có một la bàn định hướng nào khác ngoại trừ cái tôi của ông ta". Tin tưởng rằng mình sẽ có thêm cơ may tái đắc cử khi cho các "chàng lính Mỹ" trở về nhà, ông Trump đã thẳng tay gạch bỏ vị thế trên thế giới mà Mỹ từng áp đặt từ hơn nửa thế kỷ nay.

Khi làm như thế, Donald Trump đã tặng một món quà vô cùng to lớn cho chủ nhân điện Kremlin, người đã từng gây ngạc nhiên khi đứng ra hậu thuẫn cho tên "đồ tể thành Damascus" trong cuộc chiến chống khủng bố năm 2015, bất kể những vi phạm nhân quyền của chế độ al-Assad.

Putin đã sử dụng cuộc chiến ở Syria làm cột trụ cho chiến lược quốc tế của mình, và đã chuyển dịch cuộc tranh giành ảnh hưởng truyền thống với Mỹ sang vùng Trung Đông.

Đối với L’Obs, những ai vào thời đó đã tiên đoán một sự sa lầy của Nga trong cuộc chiến Syria, ít ra là vào lúc này, đều đã dự báo sai. Khi rút quân đi, Trump đã mở cho Putin cả một "đại lộ".

Và báo chí Nga đã đồng loạt khua chiêng gõ trống về cuộc "đại thắng của Nga ở Trung Đông". Tờ Moskovski Komsomolets chẳng hạn, đã cho rằng ông Putin đã "trúng số độc đắc". Tất cả báo Nga đều mỉa mai trên món quà tặng của Trump cho Putin, các kênh truyền hình cứ phát xoay vòng hình ảnh khó tưởng tượng của các căn cứ Mỹ trống rỗng, gợi lên cảnh tháo chạy thời chiến tranh Việt Nam.

Vladimir Putin, ngày phục hận

Theo nhà bình luận của tuần báo L’Obs, đối với tổng thống Nga Vladimir Putin, tình thế lúc này quả đúng là một sự phục hận.

Là một người có xu hướng dân tộc chủ nghĩa triệt để, như những người cùng thế hệ, ông Putin đã bị chấn động trước cảnh hỗn độn của giai đoạn hậu perestroïka, sự sỉ nhục dưới thời Yeltsin, rồi sự sụp đổ của đế chế Nga. Từ khi lên cầm quyền cách đây 20 năm, ông chỉ có một ám ảnh duy nhất, đó khôi phục niềm tự hào cho đất nước.

Và ông Putin đã từ từ đẩy các con tốt về phía trước, trong lúc mà lời hứa hẹn của Donald Trump là "trả lại sự vinh quang cho nước Mỹ", rốt cuộc vẫn chỉ là một khẩu hiệu mơ hồ dành cho vận đông tranh cử.

Cách đây không đầy 10 năm, Trung Đông còn hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Mỹ. Bây giờ thì không còn là như thế nữa. Nhờ liên minh với Assad ở Syria trong lúc vẫn duy trì quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, thảo luận với Iran và cả với Israel, Saudi Arabia, Jordan, nhờ vai trò trung gian giữa Damascus và lực lượng Kurdistan, người hùng của điện Kremlin trở thành đối tác không thể thiếu vắng ở trong vùng, cho dù về quốc phòng, ngân sách của Nga không thể so bì với Mỹ.

Tóm lại, theo tuần báo L’Obs, trước tính chất khó lường và không còn đáng tin cậy của ngoại giao Mỹ, tổng thống Nga Putin đã thành công trong việc biến mình thành một trọng tài hòa bình mới ở Cận Đông.

Erdogan, kẻ tận diệt

Le Point cũng chú ý đến tình hình Syria, nhưng tập trung vào tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, được tờ báo đưa ảnh lên trang bìa với tựa đề "Kẻ tận diệt". Đối với tờ báo, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là môt nhà độc tài thật sự, một kẻ "diệt chủng". Tạp chí dành cho đề tài này một hồ sơ 15 trang với câu hỏi : "Liệu có để ông ta thảm sát người Kurdistan (và đe dọa Châu Âu) hay không ?".

Tạp chí trước tiên tỏ ra rất bức xúc trước quyết định rút quân của ông Trump : Chỉ qua một tin trên Twitter thông báo rút 2.000 quân khỏi vùng Rojava do lực lượng Kurdistan kiểm soát, ông Trump đã bỏ rơi những chiến sĩ mà chỉ trước đó vài tháng ông còn ca ngợi như nào là những chiến sĩ tuyệt vời, những đồng minh thông minh...

Với quyết định rút quân, ông Trump đã bật đèn xanh cho Erdogan triển khai quân đội và dân quân vào Syria diệt trừ người Kurdistan mà tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ căm ghét.

Le Point nhắc lại rằng chiến dịch tấn công không hề bất ngờ, mà đã được tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị từ lâu. Cách đây vài tháng, ông đã thông báo hết sức rõ ràng : "Chúng tôi sẽ khởi động một chiến dịch quân sự ở phía đông sông Euphrates, chúng tôi có thể khởi động chiến dịch ở Syria bất cứ lúc nào...".

Theo tuần báo Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu nay đã nhòm ngó một dải đất sát biên giới dài 444 cây số, sâu 30 cây số trên lãnh thổ Syria. Trên mặt chính thức, đây là một vùng an toàn nhằm bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trước những vụ tấn công khủng bố của người Kurdistan.

Thế nhưng, mục tiêu không được nói trắng ra chính là gởi trả 2 triệu người Syria tị nạn chiến tranh về mảnh đất nơi mà đa số dân là người Kurdistan, qua đó thay đổi lâu dài thành phần chủng tộc ở đấy.

Anh Quốc, vì sao nên nỗi ?

L’Obs dành ưu tiên cho hồ sơ Brexit, đăng ảnh của thủ tướng Anh Boris Johnson trên trang bìa với dòng tựa : "Brexit : Những nguyên nhân của một sự tự sát".

Tạp chí Pháp như tự hỏi : "Làm sao mà một nền dân chủ lâu đời như Anh Quốc lại có thể chìm vào một cuộc khủng hoảng chính trị, hiến pháp và bản sắc như vậy, đe dọa sự tồn vong của chính mình ?"

Tạp chí dành 12 trang cho chủ đề này, lần ngược về thời điểm đầu, thời cựu thủ tướng David Cameron tổ chức trưng cầu dân ý, nghĩ rằng có thể làm im đi những tiếng nói bài Liên Hiệp Châu Âu trong đảng Bảo thủ và phe cánh của Nigel Farage, đối thủ đáng gờm của ông.

Theo L’Obs, đấy chính là "tội gốc" ban đầu. David Cameron những tưởng sẽ dập tắt được lửa, nào ngờ ông lại khơi nó lên. Ông đã không dự đoán được hậu quả, khơi dậy nhiều nỗi bất bình : Từ những người gặp khó khăn do chính sách thắt lưng buộc bụng sau cuộc khủng hoảng tài chính, cho đến giới mất tin tưởng vào tầng lớp chính trị bị cho là bất lực và chỉ lo quyền lợi riêng tư. Bên cạnh đó là những vấn đề như nạn bài ngoại do có quá đông người Đông Âu đến Anh, rồi vấn đề nhập cư tị nạn. Chưa kể đến những thành phần mơ tưởng về thời vàng son đã qua của nước Anh.

Trường học thế tục và Hồi giáo

L’Express tuần này đã chú tâm đến vấn đề xã hội Pháp, cụ thể là trường học ở Pháp với câu hỏi ở trang bìa : "Trường học còn phi tôn giáo nữa hay không ?". Trong một hồ sơ 10 trang, tạp chí đã nhường lời cho các giáo viên, ban giám hiệu trường học, các phụ huynh học sinh.

Tại Pháp, từ năm 1905, đã có một đạo luật quy định tính chất thế tục, hay là phi tôn giáo của các trường công lập. Ngày nay, trong bối cảnh tranh cãi về khăn quàng Hồi giáo đang thu hút dư luận, L’Express muốn tìm hiểu xem tính thế tục trong trường lớp còn lại những gì ?

Dựa trên các câu trả lời, nhất là của giới phụ trách học đường, tạp chí cho là tính thế tục có giảm đi phần nào trong các lớp học, sân chơi, trong các cuộc trò chuyện. Không có gì biểu hiện lộ liễu, cố ý, không có yêu sách lớn lao, chỉ có những cử chỉ nhỏ, những câu nói nhẹ nhưng cũng làm lung lay luật 1905 - tính chất thế tục.

Dĩ nhiên là nguyên tắc thế tục không bị tấn công mọi lúc, mọi nơi. Nhưng từ mẫu giáo đến cấp trung học, những người làm việc trong những trường hỗn hợp nam nữ, hay những trường bình dân luôn có những câu chuyện đáng kể lại.

Louis, giám đốc một trường tiểu học ở Paris chẳng hạn, kể lại là ông ngày càng thấy con trai không chịu chìa tay cho con gái khi xếp hàng hay ngồi cạnh trong lớp học. Khi hỏi tại sao thì các cậu bé trả lời "Chúng tôi", không ai làm chuyện đó. Và "chúng tôi", như ông Louis giải thích là "Chúng tôi, người Hồi giáo".

L’Express, ngoài ra cũng dành một hồ sơ cho vấn đề khăn choàng Hồi giáo lại đang gây tranh cãi, và nêu nhận định của nhà văn Hakim El Karoui, tác giả quyển Đạo Hồi, một tôn giáo Pháp (L’Islam, une religion française), và giáo sư sử địa Fatiha Agag-Boudjahlat, tác giả quyển tiểu luận Đấu tranh chống trùm khăn (Combattre le voilement).

Theo giải thích của Hakim El Karoui : "Trong các thế hệ trước, khăn choàng không bị bắt buộc, nhưng ngày nay đã trở thành điều quy định với ảnh hưởng của Hồi giáo cực đoan, cho nên dễ hiểu là đã đặt ra vấn đề…".

Nên xem tuổi già là một căn bệnh ?

Trang bìa Courrier International đã rời xa những vấn đề thời sự để thảo luận về tuổi già, nhưng dưới lăng kính khoa học với tựa lớn trang bìa : "Già yếu (là bệnh) cần chữa trị".

Tạp chí Pháp đã giới thiệu một bài điều tra dài của tạp chí công nghệ Mỹ MIT Technology Review của trường đại học tên tuổi của Mỹ MIT về một quan điểm ngày càng được nhiều nhà khoa học tán đồng, nhưng cũng đang gây tranh cãi : Đó là việc tuổi già chính là một loại bệnh, có thể được chữa trị như bất cứ chứng bệnh nào khác.

Bài báo đã phân tích kỹ lưỡng quan điểm đầy tranh cãi đó, đang được một ngày càng nhiều nhà khoa học tán đồng. Dĩ nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới, cho đến nay, vẫn từ chối xem tuổi già là một căn bệnh, nhưng theo bài báo, hiện nay các thử nghiệm đã được tiến hành và thuốc kéo dài tuổi thọ đang được nghiên cứu.

Hệ quả của việc công nhận bệnh già có thể rất lớn đối với xã hội, đặc biệt trong mối quan hệ với những người già và trong việc tài trợ cho các chính sách y tế. Vào lúc đang phải tranh luận về lương hưu, và vào lúc nhiều quốc gia đang phải đối mặt với sự lão hóa dân số, cách chúng ta nhìn về tuổi già là một vấn đề lớn trong những năm tới.

Đối với tờ báo rất nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra, như : Già đi ra sao ? Trong tình trạng như thế nào và với mức độ tự chủ nào ? Đến bao nhiêu tuổi thì hết đi làm ? Ai sẽ trả lương hưu cho chúng ta ? Chăm sóc cho cha mẹ chúng ta, cho bản thân chúng ta ? Cái chết có phải là số phận tất yếu hay không ? Chúng ta có nên thực sự sống đến 115 tuổi hay không ?

Elizabeth Warren, gương mặt mới của đảng Dân chủ Mỹ

Trái với các đồng nghiệp Pháp chú ý nhiều đến các vấn đề Châu Âu, tuần báo Anh The Economist đã dành trang nhất cho thời sự Mỹ, nói về ứng cử viên Elizabeth Warren tại vòng bầu cử sơ bộ trong đảng Dân Chủ Mỹ.

2222222222222222222

Ứng cử viên Elizabeth Warren tại vòng bầu cử sơ bộ trong đảng Dân Chủ Mỹ

Trong bài phân tích mang tựa đề : "Elizabeth Warren muốn tái tạo chủ nghĩa tư bản Mỹ", tuần báo đại diện cho xu hướng tự do kinh tế đã không ngần ngại nêu bật tính chất lý tưởng nhưng thiếu thực tế trong các đề nghi của nữ ứng cử viên.

Đối với The Economist, bà Elizabeth Warren thực sự là một nhân vật đáng chú ý. Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Oklahoma, bà đã nỗ lực để trở thành một giáo sư luật nổi tiếng tại đại học Harvard.

Là một bà mẹ đơn thân vào những năm 1970, bà đã phá vỡ các quy ước thời đó khi dành cả thời gian của mình cho sự nghiệp. Ngày nay, trong kỷ nguyên của thông điệp Twitter thống trị, bà đã trở thành một chính khách không hổ thẹn vì những thành công, và hiện là một trong những người có nhiều triển vọng nhất để đại diện đảng Dân chủ ra tranh chức tổng thống năm 2020.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, trong một cuộc đối đầu trực tiếp, bà sẽ giành được nhiều phiếu hơn là ông Donald Trump.

Nhưng theo tuần báo Anh, cũng đáng chú ý như câu chuyện đời của bà Warren là tham vọng tái tạo chủ nghĩa tư bản Mỹ của bà. Bà đã có một kế hoạch chi tiết đáng ngưỡng mộ để biến đổi một hệ thống mà bà cho là tham nhũng và không phục vụ cho quần chúng bình thường.

Rất nhiều ý tưởng của bà rất tốt. Bà Warren có lý khi muốn hạn chế việc các công ty khổng lồ tìm cách ảnh hưởng đến chính trị và nuốt chửng các đối thủ. Nhưng cốt lõi của kế hoạch này lại cho thấy một sự phụ thuộc có hệ thống vào những quy định và chủ nghĩa bảo hộ kinh tế. Trong hiện trạng, điều đó không phải là giải pháp cho các vấn đề của nước Mỹ.

Mai Vân

Quay lại trang chủ
Read 448 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)