Trung Quốc, Nga chỉ trích Mỹ về vụ hạ sát lãnh đạo quân sự Iran (VOA, 05/01/2020)
Mỹ nên chấm dứt lạm dụng vũ lực và tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc nói, sau khi một cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad ngày thứ Sáu giết chết chỉ huy quân sự nổi bật nhất của Iran.
Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt tay người đồng cấp của Iran Mohammad Javad Zarif trong một cuộc hội kiến tại nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 31/12/2019.
Hành vi nguy hiểm của quân đội Mỹ vi phạm các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế và sẽ làm gia tăng căng thẳng và rối loạn trong khu vực, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif trong một cuộc điện đàm vào ngày thứ Bảy.
Trung Quốc sẽ đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Vùng Vịnh Trung Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một phát biểu, dẫn lời của ông Vương trong cuộc điện đàm.
Trong khi đó Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng nói chuyện với ông Zarif qua điện thoại hôm thứ Sáu để thảo luận về vụ sát hại lãnh đạo quân sự Iran Qasem Soleimani, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một thông cáo.
"Ông Lavrov gửi lời chia buồn về vụ sát hại này", thông cáo nói. "Hai bộ trưởng nhấn mạnh rằng những hành động như vậy của Mỹ vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực của luật pháp quốc tế".
Ông Soleimani, viên tướng 62 tuổi, là chỉ huy quân sự hàng đầu của Tehran. Trong vai trò là người đứng đầu Lực lượng Quds ở nước ngoài của Vệ binh Cách mạng Iran, ông là kiến trúc sư của hoạt động mở rộng ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Sáu nói rằng ông Soleimani trước đó đang mưu đồ thực hiện các vụ tấn công sắp sửa xảy ra nhắm vào các nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ. Những người chỉ trích cuộc không kích cho rằng hành động của ông Trump là liều lĩnh và rằng ông đã làm trầm trọng hơn nguy cơ xảy ra nhiều vụ đổ máu hơn ở một khu vực nguy hiểm.
*****************
Tổng thống Trump : Triệt tướng Iran để "ngăn chặn chiến tranh" (RFI, 04/01/2020)
Vào lúc tình hình tại Trung Đông sôi sục sau cái chết của tướng Soleimani, tại Hoa Kỳ, ngày 03/01/2020, tổng thống Donald Trump giải thích ra lệnh triệt hạ viên tướng hàng đầu của Iran nhằm "ngăn chặn chiến tranh".
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu sau vụ tấn công nhắm vào đoàn xe của tướng Iran Qasem Soleimani ở Baghdad, Iraq, tại West Palm Beach, bang Floride, Hoa Kỳ, ngày 03/01/2020. Reuters/Tom Brenner
Theo chủ nhân Nhà Trắng, tướng Soleimani "có âm mưu xấu nhắm vào giới ngoại giao và quân sự của Mỹ". Tuy nhiên, đợt oanh kích vừa qua nhắm vào viên tướng hàng đầu của Iran không nhằm lật đổ chế độ tại Tehran.
Thông tín viên đài RFI từ thủ đô Washington, Anne Corpet, phân tích :
"Từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Donald Trump nhắc đi nhắc lại rằng mục tiêu của ông là đưa quân nhân Mỹ đồn trú ở hải ngoại về nước, rút khỏi các cuộc xung đột tại Trung Cận Đông. Lời lẽ này có vẻ trái ngược với chính sách của Hoa Kỳ.
Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng như chủ trương gây áp lực tối đa với chính quyền Tehran càng làm gia tăng căng thẳng. Cái chết của tướng Qasem Soleimani có nguy cơ thúc đẩy Iran trả đũa và dẫn tới tình trạng leo thang về mặt quân sự. Phía Hoa Kỳ ý thức được điều đó. Washington điều thêm hơn 3.000 quân đến Kuwait để đề phòng mọi khả năng. Trước đó, Mỹ đã thông báo vào đầu tuần tới triển khai thêm 750 lính đến khu vực.
Tổng thống Trump trong cuộc họp báo đã quả quyết là ông hành động nhằm "ngăn chặn một cuộc chiến". Tuyên bố này được ông đưa ra một ngày sau vụ oanh kích tại Baghdad, Iraq. Tối qua, tổng thống Trump một lần nữa đã nhắc lại với những người ủng hộ ông tại Miami rằng ông ra lệnh hạ sát tướng Soleimani là để cứu lấy mạng sống của nhiều người khác và chính quyền Washington theo đuổi mục đích hòa bình và ổn định trên toàn thế giới.
Sự thể có thế nào đi chăng nữa, điều quan trọng nhất đối với Donald Trump là duy trì được tín nhiệm của thành phần cử tri ủng hộ ông. Số này đành rằng mong muốn Mỹ nhanh chóng rút quân về nước nhưng đồng thời hài lòng khi thấy tổng thống Trump có khả năng hành động cứng rắn khi quyền lợi của nước Mỹ bị đe dọa".
Như thông tín viên Anne Corpet vừa cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 03/01/2020 thông báo sẽ điều từ 3.000 đến 3.500 quân đến Kuwait nhằm tăng cường an ninh cho các cơ sở của Hoa Kỳ tại Trung Đông sau vụ tướng Soleimani bị hạ sát. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết thêm là "nhiều đơn vị khác" trong quân đội được đặt trong tình trạng báo động và sẵn sàng trong trường hợp cần thiết.
Thanh Hà
*****************
Nga lên án vụ Mỹ hạ sát Tư lệnh Iran (VOA, 04/01/2020)
Nga lên án cuộc không kích của Mỹ tại Iraq hạ sát tư lệnh Iran hôm 3/1 là một "bước khinh suất" gây rủi ro cho "hòa bình và ổn định khu vực" ở Trung Đông.
Một người Iran cầm ảnh của Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran bị Mỹ hạ sát hôm 3/1/2020.
Hoa Kỳ hạ sát Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran trong cuộc không kích khi đoàn xe của ông này rời khỏi phi trường chính của Baghdad.
Giới chức Ngũ Giác Đài cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh thực hiện cuộc không kích để ngăn ngừa các cuộc tấn công sắp tới nhắm vào lực lượng Mỹ trong khu vực.
Với việc lãnh đạo Iran thề quyết trả đũa quân sự, Nga lên tiếng rằng "Các hành động như thế không đưa tới… tìm ra giải pháp cho những vấn đề phức tạp ở Trung Đông. Ngược lại, sẽ dẫn tới vòng leo thang căng thẳng tiếp theo trong vùng", theo thông cáo đăng trên website Bộ Ngoại giao.
Trong một phát biểu khác, Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng ông Soleimani đã "tận tâm phục vụ và bảo vệ các lợi ích quốc gia của Iran" và ngỏ lời chia buồn tới người dân Iran về cái chết của ông Soleimani.
Điện Kremlin sau đó loan báo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận qua điện thoại với người đồng nhiệm phía Pháp Emmanuel Macron về cuộc tấn công của Mỹ và đôi bên nhất trí rằng "hành động này có thể sẽ leo thang căng thẳng nghiêm trọng trong khu vực".
Phản ứng của Nga cho thấy quan hệ ngày càng gần gũi giữa Moscow với Iran.
Ông Soleimani có tên trong một danh sách chế tài du hành của Liên Hiệp Quốc và bị Mỹ chế tài từ 2005 như là một người ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
*****************
Trump : Tư lệnh Iran ‘lẽ ra phải bị triệt hạ nhiều năm trước kia’ (VOA, 04/01/2020)
Tổng thống Mỹ Donald Trump bênh vực cuộc không kích của Washington hạ sát một trong những tướng lãnh quyền lực nhất của Iran, gạt qua một bên những lời đe dọa từ Iran rằng họ sẽ đáp trả khốc liệt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump quy trách nhiệm cho viên tướng chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran đã gây ra hàng ngàn cái chết cho công dân Mỹ.
Trong lời bình luận đầu tiên của mình kể từ khi các giới chức quốc phòng xác nhận Mỹ đã tiến hành cuộc không kích gần sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq sáng sớm 3/1, ông Trump quy trách nhiệm cho viên tướng chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran đã gây ra hàng ngàn cái chết cho công dân Mỹ và nói rằng cuộc không kích này lẽ ra phải được thực hiện từ lâu rồi.
"Tướng Qasem Soleimani đã sát hại hoặc gây thương tích trầm trọng cho hàng ngàn người Mỹ trong một thời gian kéo dài, và còn âm mưu sát hại thêm nhiều người nữa", ông Trump viết trên Twitter ngày 3/1.
"Soleimani bị căm ghét và kinh sợ", Tổng thống Mỹ viết tiếp. "Ông ấy lẽ ra phải bị triệt hạ nhiều năm trước kia !"
Trước đó trong ngày 3/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trên đài CNN rằng Iran và ông Soleimani đã khiến Washington không còn lựa chọn nào khác.
"Ông ấy tích cực hoạch định trong khu vực để hành động-hành độnglớn, như ông ấy mô tả-để đẩy sinh mạng của hàng chục, nếu không phải là hàng trăm, người Mỹ đứng trước nguy cơ", ông Pompeo nói về tư lệnh của lực lượng Quds. "Chúng tôi biết chuyện đó sắp xảy ra".
Các giới chức Ngũ Giác Đài khuya ngày 2/1 đã xác nhận cuộc không kích nhắm vào Soleimani, cho biết hành động này được thực hiện theo mệnh lệnh của Tổng thống Trump.
Ngũ Giác Đài mô tả cuộc không kích là một "hành động phòng thủ quyết định để bảo vệ nhân sự Mỹ ở nước ngoài" và khuyến cáo rằng "Mỹ sẽ tiếp tục có mọi hành động cần thiết để bảo vệ người dân và những lợi ích của chúng tôi ở bất cứ nơi nào trên thế giới".
Các quan chức Iraq cho biết cuộc không kích của Mỹ cũng hạ sát Abu Mahdi al-Muhandis, phó chỉ huy của Lực lượng Dân quân Iraq do Iran hậu thuẫn và rằng các giới chức hàng đầu khác có thể cũng đã bị hạ sát.
Lãnh tụ tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, yêu cầu tổ chức 3 ngày quốc tang và thề quyết trả đũa mạnh tay.
Ngoại trưởng Iran, Javad Zarif, tố cáo cuộc không kích của Mỹ là "hành động khủng bố", và trên Twitter, ông mô tả đây là "hành động leo thang cực kỳ nguy hiểm và ngu xuẩn".
Chưa biết Iran sẽ trả đũa khi nào và bằng cách nào. Quan chức tình báo và quốc phòng của Mỹ từ lâu đã khuyến cáo về khả năng Iran dùng đến các thủ thuật phi đối xứng chẳng hạn như khủng bố và tấn công tin tặc nhắm mục tiêu vào Mỹ và các nước phương Tây.
Tuy nhiên, trong những giờ khắc kể từ khi hình ảnh của Qasem Soleimani bắt đầu được lan truyền trên mạng xã hội, giới chức Hoa Kỳ đã liên lạc với các đồng minh để chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra kế tiếp.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Pompeo đã gọi điện cho Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas để bàn về "hành động phòng thủ để loại trừ" Soleimani, và cảm ơn họ vì các phát biểu gần đây xác nhận mối đe dọa hung hăng tiếp diễn từ Iran và lực lượng Quds. Ngoại trưởng Mỹ ngày 3/1 cũng trao đổi với Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani, và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pakistan, Tướng Qamar Javed Bajwa.
Trong những ngày tháng cận kề cuộc không kích nhắm vào Soleimani, Mỹ đã rũ bỏ các quan ngại rằng leo thang căng thẳng có thể dẫn tới chiến tranh.
"Tôi không nghĩ Iran muốn điều đó xảy ra", Tổng thống Trump nói với báo giới hôm 31/12.
Dẫu vậy, các giới chức quốc phòng đã chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới.
Mỹ đã triển khai 750 binh sĩ tới Kuwait để củng cố sự phòng vệ cho các căn cứ và nhân sự của Mỹ trong khu vực. Hôm 2/1, quan chức quốc phòng Mỹ cho biết sẽ gửi thêm binh sĩ nếu cần.
******************
Iraq bên bờ hỗn loạn sau vụ sát hại tướng Soleimani (RFI, 03/01/2020)
Vốn đã gặp nhiều xáo trộn do phong trào biểu tình chống chính phủ từ ba tháng qua, Iraq nay có nguy cơ rơi vào hỗn loạn sau vụ trực thăng Mỹ oanh kích và sát hại tướng Iran Soleimani và cánh tay phải người Iraq từ bao thập niên qua Abou Mehdi al-Mouhandis.
Một cuộc biểu tình phản đối trước tòa đại sứ Mỹ ở Baghdad ngày 02/01/2020. Reuters/Khalid al-Mousily
Với vụ oanh kích này, Hoa Kỳ đã triệt hạ toàn bộ dàn chỉ huy các lực lượng thân Iran ở Iraq : Soleimani là tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Al-Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, chuyên trách các vấn đề Iraq, còn al-Mouhandis là lãnh đạo lực lượng dân quân Hash al-Chabi thân Iran.
Trong một thời gian dài không có phản ứng gì với việc người dân Iraq nổi dậy chống chính quyền Baghdad, Hoa Kỳ nay đã can thiệp trở lại vào Iraq bằng quân sự, nhắm vào tướng Soleimani, người đang dàn xếp việc thành lập một chính phủ mới ở Baghdad theo hướng bảo vệ các lợi ích của Iran.
Một dấu hiệu cho thấy sự tê liệt của một quốc gia vốn vẫn cố giữ thế cân bằng giữa hai đồng minh lớn là Hoa Kỳ và Iran, nhà nước Iraq vẫn chưa có phản ứng chính thức gì về vụ sát hại tướng Soleimani. Quốc hội Iraq sẽ họp lại ngày mai để xác định lập trường sau sự kiện này.
Nhưng thủ tướng từ nhiệm của Iraq Adel Abdel Mahdi ngay từ hôm nay đã dự báo là cái chết của tướng Soleimani sẽ "gây ra một cuộc chiến tàn khốc tại Iraq". Chính quyền Donald Trump coi như đồng ý với dự báo này, bởi vì họ vừa kêu gọi các công dân Mỹ phải rời khỏi Iraq "ngay lập tức". Còn đối với Ngoại trưởng Iran, Mohammed Javad Zarif, vụ sát hại tướng Soleimani là một "bước leo thang cực kỳ nguy hiểm". Nhưng như vậy thì Iran sẽ đáp trả Hoa Kỳ như thế nào và khi nào ?
Theo các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn, rất khó dự đoán được phản ứng của Tehran trước cái chết của một trong những nhân vật được người dân Iran mến mộ nhất, bởi vì sự kiện này chưa có tiền lệ. Nhưng một điều chắc chắn, theo nhà nghiên cứu Ramzy Mardini, Viện Mỹ vì Hòa bình (United States Institute of Peace), kể từ nay hai nước Hoa Kỳ và Iran sẽ đối đầu trực diện với nhau. Tehran nay không còn có thể sử dụng tay chân của họ ở Iraq để đe dọa và tấn công vào các lợi ích của Mỹ mà không bị Wasington trả đũa quân sự như trong một cuộc chiến quy ước.
Từ nhiều năm qua, Baghdad vẫn cảnh báo hai đồng minh Mỹ Iran là không nên dùng lãnh thổ của họ như là chiến trường để thanh toán lẫn nhau, nhất là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong hồ sơ hạt nhân Iran. Theo giải thích của chuyên gia về Iraq Fanar Haddad, nếu Iran có trả đũa thì sẽ không phải là bằng các vụ bắn rocket vào sứ quán Mỹ, mà sẽ dưới dạng một cuộc xung đột lớn giữa hai nước ở Iraq.
Năm 2003, Hoa Kỳ đã lật đổ Saddam Hussein để lập ra một chế độ mới, nhưng chế độ này nay đang dần dần bị Iran kiểm soát. Vẫn theo chuyên gia Haddad, chính quyền Washington dường như đang cố gắng kéo chính trường Iraq ngả theo Mỹ trở lại. Nhưng nếu họ thất bại, Iraq sẽ rơi vào vòng xoáy của đấu đá nội bộ và Iran lại càng có cơ hội để gia tăng kiểm soát chế độ Baghdad.
Trước mắt, theo dự báo của nhà nghiên cứu Ranj Alaaldin, Viện Brookings tại Doha, sau cái chết của hai nhân vật có thế lực nhất ở Iran, rất có thể sẽ có thanh trừng nội bộ trong chính quyền Iraq, vì Iran rất muốn biết "làm thế nào mà Mỹ biết được tướng Soleimani đến Baghdad ? Ai là kẻ chỉ điểm ?"
Tóm lại, chưa biết là tình hình sẽ diễn tiến ra sao, sau vụ hạ sát tướng Soleimani, nhưng rõ ràng là không thể loại trừ nguy cơ một cuộc chiến tranh vùng Vịnh mới, mà Iraq sẽ là chiến trường chính.
Thanh Phương
*****************
Vụ Soleimani : Mỹ yêu cầu công dân rời Iraq, quốc tế kêu gọi kiềm chế 'RFI, 03/01/2020)
Ngay sau khi thông tin về vụ tướng Iran, Qasem Soleimani bị thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ tại Iraq được loan tải ngày 03/01/2019, làm dấy lên nhiều phản ứng gay gắt từ phía Iran và Iraq, nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng kêu gọi các bên kềm chế.
Cờ Mỹ được trải trên mặt đường ở Badgad ngày 03/01/2020 để cho xe giẫm qua sau cái chết của tướng Iran Qasem Soleimani. AFP Photos/Ahmad Al-Rubaye
Riêng tại Hoa Kỳ, tranh cãi đã bùng lên giữa đảng Cộng hòa, bênh vực quyết định dứt khoát của tổng thống Trump, và đảng Dân chủ, lo ngại trước nguy cơ lò thuốc súng Trung Đông bùng nổ. Trước mắt, Hoa Kỳ đã yêu cầu tất cả công dân Mỹ rời khỏi Iraq.
Trong một bản thông cáo, đại sứ quán Mỹ tại Baghdad đã kêu gọi các công dân nước này rời khỏi Iraq ngay lập tức, "thông qua đường hàng không ngay khi có thể, còn nếu không được, thì hãy tới các quốc gia khác bằng đường bộ".
Lời kêu gọi của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra trong bối cảnh tranh luận lại nổi lên ở Mỹ, chủ yếu là giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về tính chất đúng đắn của quyết định tấn công giết chết tướng Qasem Soleimani.
Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Murphy thuộc đảng Dân chủ trong một tin nhắn Twitter một mặt cho rằng "Soleimani là kẻ thù của Mỹ, đó là điều không cần bàn cãi", nhưng việc ám sát nhân vật này có nguy cơ "khơi mào một cuộc chiến khốc liệt trong khu vực".
Đây cũng là ý kiến của thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người đang tranh chức ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Nhìn chung, phía đảng Dân chủ cho rằng quyết định triệt hạ một nhân vật quan trọng như viên tướng Iran này là một hành động "gây chiến", nên cần phải được Quốc hội bật đèn xanh trước.
Ngược lại, về phía đảng Cộng hòa, rất nhiều tiếng nói ca ngợi tính "dứt khoát" trong quyết định của tổng thống Mỹ. Bà Nikki Haley, nguyên đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố "hãnh diện về tổng thống Trump đã có một hành động mạnh mẽ và đúng đắn".
Quốc tế kêu gọi kềm chế
Về phản ứng quốc tế, Trung Quốc là nước đầu tiên lên tiếng kêu gọi các bên giữ bình tĩnh và tự kềm chế nhằm tránh cho căng thẳng leo thang thêm. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng không quên đả kích Mỹ khi nhấn mạnh rằng Bắc Kinh "luôn phản đối sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế", và "chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq phải được tôn trọng".
Bộ Ngoại giao Nga, lời lẽ thẳng thừng hơn với Mỹ, cho rằng vụ hạ sát tướng Iran là một bước "liều lĩnh và sẽ làm gia tăng căng thẳng trên toàn khu vực". Thông báo của Nga còn gởi lời chia buồn đến người dân Iran.
Ở các nước Tây Âu, chính quyền Berlin kêu gọi các bên liên quan "thận trọng" và "xuống thang", Luân Đôn cũng kêu gọi các bên giảm nhiệt, cho rằng việc leo thang căng thẳng không có lợi cho ai.
Riêng nước Pháp thì, qua lời quốc vụ khanh đặc trách Châu Âu và Ngoại Vụ Amélie Montclair, nhấn mạnh đến ưu tiên "ổn định" cho khu vực, và trong chiều hướng đó sẽ liên lạc với tất cả các tác nhân và đối tác của Pháp trong vùng.
Đại sứ quán Pháp tại Tehran cũng khuyến cáo công dân Pháp ở Iran là nên tránh xa những nơi tụ tập đông người, nhất là trong bối cảnh Iran sẽ tổ chức 3 ngày lễ tang cho tướng Soleimani.
Trọng Nghĩa