Nhưng thế nào ông Joe Biden cũng phải đánh trả thù, vì năm nay dân Mỹ sẽ đi bầu. Ông sẽ phải chứng tỏ mình cứng rắn, cho giới lãnh đạo Iran biết, và cho các cử tri Mỹ thấy.
Ba quân nhân Mỹ, từ trái : Trung sĩ William Rivers, chuyên viên Breona Moffett và Kennedy Sanders, thiệt mạng hôm 28/1/2024 ở Jordan.
Lần đầu tiên binh sĩ Mỹ tử thương, kể từ khi Hamas tấn công Israel, gây ra cuộc chiến ở Giải Gaza. Nhóm "Kháng chiến Hồi Giáo" (Islamic Resistance) ở Iraq, từ khi xuất hiện năm 2023 vẫn được Iran nuôi dưỡng và cung cấp vũ khí, đứng ra nhận trách nhiệm đã dùng máy bay không người lái đánh vào ba căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq trong cùng ngày và giết ba người Mỹ tại căn cứ ở Jordan. Chính phủ Iraq, vẫn được Mỹ viện trợ, cũng lên án hành động này.
Chính phủ Mỹ coi Iran là thủ phạm chính. Nghị sĩ Mitch McConnell, Kentucky, trưởng khối Cộng Hòa tại Thượng viện cảnh cáo : "Cả thế giới đang quan sát coi ông tổng thống có sẵn sàng sử dụng sức mạnh của Mỹ để buộc Iran phải thay đổi hay không ?" Nghị sĩ Lindsey Graham, Cộng Hòa, South Carolina, nói thẳng : "Phải đánh Iran ngay ! Đánh dữ dội !"
Đây không phải là lần đầu tiên các nhóm dân quân do Iran bảo trợ tấn công các căn cứ Mỹ. Những nhóm này quy tụ các tín đồ phái Shi A trong Hồi Giáo, giống như giới lãnh đạo và đa số dân Iran. Từ ngày 7 tháng 10 năm ngoái, họ dùng máy bay tự động (drones), đại pháo hoặc hỏa tiễn đánh 60 lần ở Iraq và 90 lần ở Syria ; bị hệ thống phòng thủ của quân đội Mỹ ngăn chặn, rồi đánh trả đũa. Tháng 11 năm ngoái, quân Mỹ đánh thẳng vào căn cứ tại Iraq của "Vệ Binh Cộng Hòa Iran", là lực lượng phụ trách huấn luyện và cung cấp vũ khí cho các nhóm dân quân chống Mỹ trong cả vùng Trung Đông. Cuối tháng 12 năm ngoái, một căn cứ Mỹ ở miền Bắc Iraq bị drone của một nhóm thân Iran tấn công khiến ba binh sĩ bị thương. Sau đó, ngày 4 tháng 1, Mỹ đã dùng drone đánh hỏa tiễn vào căn cứ của nhóm chủ mưu ở Baghdad, giết chết Mushtaq Jawad Kazim al-Jawari, thủ lãnh của nhóm này, theo báoNew York Times.
Lần này, căn cứ Mỹ Tower 22 ở Jordan, trong vùng biên giới với Iraq và Syria không phòng bị ; vì đúng lúc những chiếc drones họ gửi đi công tác trở về thì drones bên địch cũng tới đánh, họ không biết mình bị tấn công. Theo Associated Press, Tower 22 có khoảng 350 binh sĩ đồn trú, là một trung tâm tiếp liệu cho hàng ngàn quân Mỹ đóng tại ba nước chung quanh.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ trả thù cho ba binh sĩ tử thương. Ông cần phải đáp ứng mạnh mẽ sau những lời kêu gọi của các đại biểu quốc hội thuộc cả hai đảng. Ông Biden nói sẽ trừng phạt "tất cả những kẻ chịu trách nhiệm" gây cái chết của ba binh sĩ Mỹ "theo phương cách và vào thời điểm" chính phủ Mỹ sẽ chọn.
Ông Biden sẽ phải hành động, và phải cho thấy đã thành công, vì năm nay dân Mỹ sẽ bầu tổng thống. Nhưng ông sẽ làm gì ? Ngoài việc đánh trả đũa vào căn cứ của nhóm dân quân thủ phạm, Mỹ sẽ tấn công thẳng vào nước Iran hay không ?
Bất cứ hành động trừng phạt nào cũng phải nhắm mục đích làm cho chính quyền Iran hiểu rằng họ phải kiềm chế các nhóm dân quân do họ nuôi dưỡng ở các nước chung quanh như Iraq, Syria, Lebanon và Yemen.
Trước khi đánh thẳng vào nước Iran, Mỹ có thể bắt đầu bằng những vụ hạ sát các thủ lãnh quan trọng. Năm 2020, Tướng Qassem Soleimani, một người chỉ huy của "Vệ Binh Cộng Hòa Iran" đã bị drones và hỏa tiễn Mỹ bắn chết tại Iraq. Soleimani là người huấn luyện và điều hành nhiều nhóm dân quân thân Iran tại nhiều nước trong vùng. Vụ ám sát này là một biến cố lớn, nhưng sau một thời gian mọi chuyện lại trở về như cũ, các nhóm quân thân Iran tiếp tục hoạt động.
Muốn tác động mạnh và ảnh hưởng lâu dài hơn, Mỹ có thể tấn công vào một số địa điểm trong nước Iran. Những cuộc tấn công đó có thể được công bố trước, với mục tiêu có giới hạn, để tránh không đưa tới một cuộc chiến tranh lớn giữa hai nước. Tướng CQ Brown, tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ mới nói với đài ABC News rằng nước Mỹ "chỉ nhắm mục tiêu ngăn cản họ" mà "không muốn một cuộc chiến lan rộng trong vùng".
Guồng máy lãnh đạo an ninh, quân sự Mỹ đã đặt câu hỏi vụ tấn công căn cứ ở Jordan gần đây có phải là dấu hiệu một chuyển hướng trong chiến lược và chiến thuật của Iran hay không ? Trong ba tháng qua đã có 150 cuộc tấn công như vậy, lần này chỉ khác là ba binh sĩ Mỹ tử thương vì hệ thống phòng thủ lỏng lẻo. Tòa Bạch Ốc không tin rằng Iran muốn gây một cuộc chiến tranh trực diện với Mỹ, theo báo New York Times.
Cho nên, nếu Mỹ đánh thẳng vào đất Iran thì sẽ chỉ nhắm một số mục tiêu có giới hạn. Năm 2019, chính phủ Mỹ đã trải qua một kinh nghiệm tương tự. Tháng 6 năm đó, Iran đã bắn hạ Global Hawk, một máy bay thám thính không người lái của Mỹ trong vịnh Oman. Tổng thống Donald Trump họp với bộ tham mưu an ninh nhiều lần bàn về hành động "trừng phạt". Bộ Quốc phòng đề nghị bắn một chiến hạm Iran mà quân Mỹ vẫn theo dõi. Sẽ báo cho đoàn thủy thủ Iran rời bỏ chiếc tàu thủy trước khi đánh bom và hỏa tiễn. Có người đề nghị phải đánh vào đất liền, cho mạnh hơn. Họ chọn được ba địa điểm làm mục tiêu. Lệnh được truyền xuống cho hàng không mẫu hạm Abraham Lincoln và các chiến hạm tùy tùng chuẩn bị, dự tính sẽ đánh lúc 9 giờ tối, giờ Washington, ngày 20/6. Tướng Joseph F. Dunford, tổng tham mưu trưởng liên quân lúc đó, nhận xét rằng sẽ có khoảng 150 người Iran sẽ chết tại ba nơi bị đánh ; trong khi không người Mỹ nào chết với chiếc drone Global Hawk. Sự khác biệt này có thể khiến chính quyền Iran phản ứng mạnh và cuộc đối đầu có thể leo thang lên nhiều bậc. Theo báoThe New York Times, Tướng Joseph F. Dunford còn tỏ ý lo ngại rằng khi phải đưa thêm quân Mỹ từ nhiều nơi về vùng Trung Đông để ứng chiến thì mặt trận Thái Bình Dương sẽ bỏ trống, Trung Qu ốc sẽ chiếm lợi thế.
Sau đó, Tổng thống Donald Trump lại nhận được tin nói rằng việc bắn hạ chiếc Global Hawk là do một viên chỉ huy địa phương quyết định, không do lệnh của giới lãnh đạo ở Tehran. Ba giờ sau, ông Trump ra lệnh ngưng mọi hành động trừng phạt, 10 phút trước khi mẫu hạm Abraham Lincoln dự tính bắt đầu phóng hỏa tiễn.
Một cuộc chiến tranh trực diện với Iran sẽ tổn hại cả người và vũ khí, tiền bạc mà không đem lại ích lợi gì thiết thực cho nước Mỹ. Quân Mỹ đã từng đánh, chiếm đóng Afghanistan, Iraq, rồi cũng rút về.
Ngay sau khi bị coi là thủ phạm tấn công căn cứ Mỹ ở Jordan, chính quyền Iran đã cải chính. Đầu tuần này, phát ngôn viên bộ ngoại giao Iran là Nasser Kanaani đã bác bỏ lời tố cáo Iran chủ mưu cuộc tấn công này. Bộ trưởng tình báo Esmail Khatib cũng nói các nhóm dân quân hoàn toàn tự quyết định lấy chứ không đợi lệnh của Tehran. Hãng thông tấn Associated Press cho biết họ đã tiếp xúc với ba thủ lãnh dân quân thân Iran ; những người này nói rằng cuộc tấn công vừa qua là do một nhóm dân quân người Iraq. Vẫn theo tin AP, một số dân quân thân Iran tại Syria bắt đầu rời khỏi căn cứ của họ để tránh bị Mỹ đánh.
Nhưng thế nào ông Joe Biden cũng phải đánh trả thù, vì năm nay dân Mỹ sẽ đi bầu. Ông sẽ phải chứng tỏ mình cứng rắn, cho giới lãnh đạo Iran biết, và cho các cử tri Mỹ thấy. Quân đội Mỹ, cùng hai hàng không mẫu hạm bên bờ Địa Trung Hải, có thể dùng drones, bắn hỏa tiễn, đại pháo trên nhiều căn cứ dân quân thân Iran trong nhiều nước cùng một lúc, với một số địa điểm nằm trong nước Iran. Song song với các trận đánh này, máy bay không người lái của Mỹ có thể tìm và hạ sát một số chỉ huy của Vệ Binh Cộng Hòa mà họ vẫn theo dõi. Họ có thể được tình báo Israel hỗ trợ. Ngày 20 tháng 1/2024 vừa qua, hãng thông tấn Reuters cho biết, Israel đã hạ sát bốn sĩ quan Vệ Binh Cộng Hòa Iran tại Damascus, thủ đô Syria.
Nhưng các hành động trả đũa này sẽ khó lòng thay đổi chính sách lâu dài của Iran, là nuôi dưỡng các nhóm dân quân địa phương cho tiếp tục đánh vào Israel và các căn cứ quân sự Mỹ trong vùng. Chỉ khi nào cuộc chiến ở Gaza chấm dứt và một quốc gia Palestine tự trị ra đời thì mới hy vọng có thể thương lượng.
Ngày 30/1/2024, nhóm dân quân Kataib Hezbollah, tự nhận đã tấn công vào căn cứ Mỹ ở Jordan, đã tuyên bố từ nay sẽ chấm dứt không tấn công vào quân Mỹ nữa. Họ nêu lý do là không muốn gây hoàn cảnh khó xử cho chính quyền Iraq. Nhưng lý do chính có thể là giới lãnh đạo Iran muốn chứng tỏ họ bắt đầu kiềm chế các toán dân quân theo mình, vì không muốn gây chiến với Mỹ.
Nhưng Tổng thống Joe Biden sẽ phải đánh trừng phạt để trả thù cho ba quân nhân Mỹ thiệt mạng, ông không thể nào nuốt lại những lời lẽ cứng rắn vừa mới tuyên bố.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 31/01/2024
Tổng thống Trump đe dọa cả Iran và Iraq (VOA, 06/01/2020)
Hôm 5/1, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp tục đe dọa tấn công vào các mục tiêu văn hóa của Iran, cảnh báo sẽ "trả đũa lớn" nếu Iran tấn công đáp trả Hoa Kỳ, Reuters loan tin hôm 6/1.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cảnh báo sẽ "trả đũa lớn" nếu Iran tấn công đáp trả Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump nói thêm với các phóng viên trên Air Force One rằng Hoa Kỳ cũng sẽ trừng phạt đối với Iraq, một đồng minh của Hoa Kỳ, sau khi quốc hội nước này thông qua nghị quyết đòi quân đội Mỹ rời khỏi Iraq.
Tổng thống Trump và các cố vấn của ông biện hộ cho việc cử máy bay không người lái của Hoa Kỳ tấn công giết chết chỉ huy quân đội Iran Qasem Soleimani, theo Reuters. Ông Trump nói rằng tướng Soleimani đã lên kế hoạch tấn công nhằm vào người Mỹ và nói rằng ông sẽ xem xét công bố các thông tin tình báo khiến ông chỉ đạo vụ tấn công này.
Khi được hỏi về sự trả đũa tiềm năng của Iran, ông Trump nói rằng "nếu họ làm bất cứ điều gì, thì sẽ có sự trả đũa lớn".
Ông Trump cho biết rằng chiến dịch được tiến hành để tránh chiến tranh với Tehran và cảnh báo không làm tình hình leo thang hơn nữa.
Trước đó, hôm 4/1, ông Trump viết trên Twitter rằng Hoa Kỳ "đã nhắm mục tiêu vào 52 địa điểm của Iran", một số ở "cấp rất cao & quan trọng đối với Iran & văn hóa của Iran, và những mục tiêu đó và cả Iran, sẽ bị tấn công rất nhanh và rất mạnh".
Theo Reuters, nhắm mục tiêu các địa điểm văn hóa với hành động quân sự được xem như là tội ác chiến tranh theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ mà chính quyền Trump hậu thuẫn vào năm 2017 và Công ước Hague năm 1954 về Bảo vệ Tài sản Văn hóa.
Tổng thống Trump cũng đưa ra một mối đe dọa đối với Baghdad sau khi Quốc hội Iraq kêu gọi Hoa Kỳ và các quân đội nước ngoài khác rút khỏi nước này trong một phản ứng dữ dội phản đối việc giết chết tướng Soleimani.
"Chúng tôi có một căn cứ không quân cực kỳ đắt đỏ ở đó. Việc xây dựng căn cứ này tốn hàng tỷ đôla, được xây trước nhiệm kỳ của tôi. Chúng tôi không rút đi trừ khi họ hoàn tiền cho chúng tôi", ông Trump nói với các phóng viên.
Ông Trump nói rằng nếu Iraq yêu cầu các lực lượng Hoa Kỳ rời đi và điều đó không được thực hiện trên cơ sở thân thiện, "thì chúng tôi sẽ trừng phạt họ, với mức độ chưa từng thấy trước đây. Có thể còn nặng hơn cả lệnh trừng phạt đối với Iran".
****************
Những nguy cơ Iran trả thù sau vụ Mỹ hạ sát tướng Soleimani (RFI, 06/01/2020)
Ngày 05/01/2020, tổng thống Mỹ dọa đánh vào 52 điểm của Iran nếu chế độ Tehran có ý định trả đũa vụ Hoa Kỳ hạ sát tướng Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng Al-Quds của Vệ Binh Cách Mạng. Phát ngôn viên giáo chủ Ali Khameini đáp lại "câu trả lời chắc chắn sẽ bằng quân sự". Vậy đâu là những nguy cơ mà Iran có thể tiến hành trả đũa nước Mỹ ?
Do tương quan lực lượng bất cân xứng giữa Iran và Hoa Kỳ, giới chuyên gia tại Pháp nhận định, khủng bố, dầu hỏa và hạt nhân có thể là ba mối họa chính đối với Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực.
Hậu quả nhãn tiền thứ nhất là sự xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký kết năm 2015 với sáu cường quốc (Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Đức và Trung Quốc).
Ngày 05/01/2020, chính quyền Iran quyết định sẽ không tôn trọng bất cứ giới hạn nào trong lãnh vực tinh lọc Uranium. Cụ thể là không hạn chế khả năng tinh lọc, mức độ Uranium tách ly và số lượng máy ly tâm trang bị. Thông báo này xem như đã "khai tử" hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân Iran. Cơ may cho các nhà thương thuyết Iran áp đặt giải pháp ngoại giao đối với phe cứng rắn trong chế độ Tehran xem như là tan vỡ. Hơn bao giờ hết, nguy cơ phổ biến hạt nhân ngày càng hiện rõ. Nếu Iran quyết định sở hữu bom nguyên tử, các nước trong khu vực như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập cũng lao vào cuộc chạy đua hạt nhân.
Mối họa thứ hai mà Hoa Kỳ và cả các đồng minh của Mỹ phải đối mặt là sự trỗi dậy và đoàn kết mạnh mẽ của các lực lượng thân Iran, mà Hoa Kỳ liệt vào danh sách khủng bố. Nếu như tổng thống Donald Trump cho rằng việc tiêu diệt tướng chỉ huy Al-Quds có thể buộc Iran phải quy hàng trong hồ sơ hạt nhân, thì đây có lẽ là một sai lầm chiến lược. Theo quan điểm của ông Emmanuel Dupuy, chủ tịch Viện Dự phóng và An ninh Châu Âu (IPSE) với đài Franceinfo, "lằn ranh đỏ đã bị vượt qua" và vụ tấn công hoàn toàn bất cân xứng này của Washington tạo ra hậu quả là thúc đẩy sự đoàn kết, tập hợp tại Iran.
Ở bên ngoài, dưới sự chỉ huy của tướng Soleimani, chính quyền Iran từ nhiều thập niên qua đã mở rộng các mạng lưới ảnh hưởng trong toàn khu vực Trung Đông và lân cận như Liban, Iraq, Yemen hay Syria… Vẫn theo chuyên gia Dupuy, "kể từ giờ các nhóm lực lượng có xu hướng chính trị khác nhau tạo thành một mặt trận chung chống lại kẻ thù Hoa Kỳ".
Chỉ có điều, do tương quan lực lượng, chính quyền Iran sẽ không bao giờ chọn đối đầu vũ trang trực diện, mà đó sẽ là một cuộc chiến ủy thác. Hoa Kỳ triệt hạ một biểu tượng của Iran. Lời đáp trả cũng phải tương xứng : Đó sẽ là những nơi nào "mang tính biểu tượng của Mỹ (đại sứ quán, căn cứ quân sự, văn phòng đại diện…) hay các đồng minh của Mỹ trong khu vực" như lưu ý của bà Amélie Chelly, chuyên gia về Iran thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS).
Cuối cùng, vũ khí trả thù thứ ba mà Iran dường như đã sử dụng và nay sẽ gia tăng : đó là ngăn chặn tuyến vận chuyển dầu khí tại eo biển Ormuz. Đây chính là điểm khiến thế giới lo ngại nhiều nhất. Liệu Tehran có thể cho đóng cửa eo biển chiến lược này không, nơi trung chuyển của khoản 30% lượng dầu hỏa tiêu thụ của thế giới ?
Về điểm này, bà Amélie Chelly cho rằng Iran là một Nhà nước cực kỳ thực dụng : "Nếu như họ muốn đóng eo biển, họ sẽ làm ngay. Nhưng nếu như họ không làm, chính vì họ biết là chẳng có lợi gì".
Chỉ có điều an ninh cho eo biển có thể sẽ bị xáo trộn. Năm 2019, để trả đũa các lệnh trừng phạt của chính quyền Donald Trump, nhiều chiếc tầu chở dầu tuy không mang cờ hiệu Mỹ nhưng đã bị tấn công ngoài khơi vị Ba Tư và Iran bị nghi ngờ đứng sau các hành vi gây hấn này.
Minh Anh
*******************
Vụ Soleimani : Sức mạnh quân sự của Iran đáng sợ tới mức nào ? (BBC, 06/01/2020)
Iran tuyên bố sẽ trả đũa sau khi tư lệnh đầy quyền lực của nước này bị thiết bị drone Mỹ giết chết trong cuộc tấn công vào sân bay Baghdad.
Năng lực tên lửa của Iran đóng vai trò then chốt trong sức mạnh quân sự của nước này
"Cuộc báo thù tàn khốc đang chờ những kẻ đứng đằng sau vụ tấn công" (giết chết) tướng Qasem Soleimani, Lãnh tụ tối cao của Iran Ali Khamenei nói.
Vậy chúng ta đã biết những gì về năng lực quân sự của Iran ?
Quân đội Iran lớn mạnh tới mức nào ?
Hiện ước tính có khoảng 523.000 người đảm nhận các vai trò khác nhau trong quân đội, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Anh.
Trong số này có 350.000 quân chính quy và ít nhất 150.000 người thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).
Có thêm 20.000 người nữa phục vụ trong lực lượng hải quân của IRGC. Nhóm này nắm các tàu tuần tra có vũ trang trên Eo biển Hormuz, nơi trong 2019 đã xảy ra những cuộc đối đấu với các tàu dầu mang cờ nước ngoài.
IRGC cũng kiểm soát đơn vị Basij, lực lượng tình nguyện giúp đàn áp sự phán kháng trong nước. Đơn vị này có thể huy động tới hàng trăm ngàn người.
IRGC có lực lượng hải quân và không quân riêng, đồng thời kiểm soát các vũ khí chiến lược của Iran
IRGC được thành lập từ 40 năm trước để bảo vệ hệ thống Hồi giáo tại Iran, và đã trở thành một thế lực quân sự, chính trị và kinh tế lớn mạnh.
Tuy có ít lính hơn so với quân chính quy, nhưng lực lượng này được coi là có quyền lực quân sự mạnh nhất Iran.
Các hoạt động ở nước ngoài
Lực lượng Quds, do Tướng Soleimani dẫn dắt, tiến hành cac hoạt động bí mật ở nước ngoài cho IRGC, và báo cáo trực tiếp lên Lãnh đạo Tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei. Người ta tin rằng lực lượng này có chừng 5.000 người.
Đơn vị này đã được triển khai tới Syria, nơi họ tư vấn cho các thành phần quân sự trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và dân quân Shia có vũ trang.
Tại Iraq, đơn vị này ủng hộ cho lực lượng bán quân sự do người Shia nắm, vốn đã đóng vai trò dẫn tới sự thất bại của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tuy nhiên, Hoa Kỳ nói rằng lực lượng Quds đóng vai trò to lớn hơn qua việc tài trợ, huấn luyện, cấp vũ khí và thiết bị cho các nhóm bị Washington coi là khủng bố ở Trung Đông.
Trong số này có phong trào Hezbollah ở Lebanon và nhóm Islamic Jihad của Palestine.
IRGC của Iran đã bắt giữ tàu dầu mang cờ Anh, Stena Impero, ở Eo biển Hormuz trong năm 2019
Các vấn đề kinh tế và lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng tới việc Iran nhập khẩu vũ khí, vốn chỉ ở mức khá nhỏ so với sức mạnh khí tài của các nước khác trong khu vực.
Giá trị nhập khẩu quốc phòng của Iran từ 2009 đến 2018 chỉ bằng 3,5% lượng nhập khẩu của Ả-rập Saudi trong cùng kỳ, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Hầu hết hàng nhập khẩu Iran là đến từ Nga, còn lại là từ Trung Quốc.
Iran có tên lửa không ?
Có - năng lực tên lửa là một phần then chốt tạo nên sự can đảm quân sự của nước này, nếu xét tới việc nước này thiếu sức mạnh không quân so với các đối thủ như Israel và Ả-rập Saudi.
Một bản phúc trình của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ mô tả sức mạnh tên lửa của Iran là lớn nhất ở Trung Đông, chủ yếu bao gồm tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Bản phúc trình cũng nói Iran đang thử công nghệ không gian theo đó cho phép nước này phát triển tên lửa xuyên lục địa có thể đi được xa hơn nhiều.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đất-đối-không Patriot
Tuy nhiên, chương trình tên lửa tầm xa đã bị Iran tạm ngưng, theo nội dung một phần trong thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký với các nước khác trong năm 2015, theo tổ chức nghiên cứu Royal United Services Institute (Rusi). Tuy nhiên, viện nghiên cứu này nói thêm rằng chương trình này có thể đã được nối lại.
Trong bất kỳ trường hợp nào thì nhiều mục tiêu tại Ả-rập Saudi và Vùng Vịnh cũng sẽ nằm trong tầm hoạt động của các tên lửa tầm ngắn và tầm trung hiện nay của Iran, và có thể cả các mục tiêu tại Israel nữa.
Hồi tháng Năm năm ngoái, Hoa Kỳ đã triển khai hệ thống phòng chống tên lửa tại Trung Đông, khi căng thẳng với Iran gia tăng. Hệ thống này nhằm đối phó với các loại tên lửa đạn đạo, tên lửa tuần du và phi cơ tân tiến của đối phương.
Iran có vũ khí hạt nhân không ?
Iran hiện không có chương trình vũ khí hạt nhân, và trước đó nói rằng họ không muốn có.
Tuy nhiên, nước này có nhiều các nguyên liệu cũng như kiến thức cần thiết để có thể sản xuất hạt nhân phục vụ mục đích quân sự.
Năm 2015, chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Obama ước tính Iran chỉ cần từ hai đến ba tháng là có thể chế tạo đủ nhiên liệu cần thiết để làm ra một vũ khí hạt nhân.
Thỏa thuận hạt nhân năm đó giữa Tehran và sáu cường quốc thế giới - là thỏa thuận mà Tổng thống Trump đã rút khỏi vào năm 2018 - đưa ra những giới hạn và việc thanh sát quốc tế đối với các hoạt động hạt nhân của Iran.
Thỏa thuận này nhằm gây khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn trong việc phát triển nguyên liệu dùng để sản xuất vũ khí.
Sau vụ các lực lượng Hoa Kỳ giết Tướng Soleimani, Iran nói sẽ không chịu sự ràng buộc của các hạn chế này nữa. Nhưng Iran cũng nói họ sẽ tiếp tục hợp tác với Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế của Liên Hiệp Quốc.
Hoa Kỳ cáo buộc Iran là đã cung cấp cho các phiến quân Houthi phương tiện không người lái hoạt động trên không
Tuy bị trừng phạt trong nhiều năm, nhưng Iran vẫn đã phát triển được năng lực drone.
Tại Iraq, drone của Iran đã được sử dụng từ 2016 trong cuộc chiến chống lại IS.
Iran cũng đã vào không phận Israel bằng các drone có vũ trang và được điều khiển từ các căn cứ đặt tại Syria, theo Viện Rusi.
Tháng 6/2019, Iran bắn hạ một drone do thám của Mỹ, nói rằng thiết bị này vi phạm không phận Iran ở trên Eo biển Hormuz.
Một vấn đề nữa trong chương trình drone của Iran là nước này sẵn sàng đem bán hoặc chuyển giao công nghệ drone cho các nước đồng minh trong khu vực, phóng viên BBC Jonathan Marcus chuyên về quốc phòng và ngoại giao nói.
Năm 2019, các vụ tấn công bằng drone và tên lửa đã làm hư hại hai cơ sở dầu lửa quan trọng của Ả-rập Saudi.
Cả Hoa Kỳ và Ả-rập Saudi đều cho là Iran có liên hệ tới các vụ tấn công này, tuy nhiên Tehran bác bỏ việc có bất kỳ dính dáng nào và nói các việc đó do các phiến quân tại Yemen thực hiện.
Iran có năng lực tấn công trong không gian mạng không ?
Sau vụ tấn công mạng đình đám hồi 2010 nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, Tehran đã tăng cường năng lực trên không gian mạng của mình.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) được cho là có lực lượng trên mạng riêng, hoạt động trong lĩnh vực gián điệp thương mại và quân sự.
Nhóm phóng viên Reality Check
******************
Trump dọa trừng phạt Baghdad nếu lực lượng Mỹ buộc phải rời khỏi Iraq (RFI, 06/01/2020)
Ngày 05/01/2019, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã dọa thi hành các biện pháp trừng phạt Iraq "rất mạnh" nếu lực lượng Mỹ buộc phải rời khỏi nước này.
Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết yêu cầu lính Mỹ rút khỏi lãnh thổ Iraq. Ảnh ngày 05/01/2020. Reuters
Ông Trump đưa ra lời đe dọa nói trên sau khi Quốc hội Iraq vừa thông qua một nghị quyết yêu cầu chính phủ Baghdad trục xuất các binh lính Mỹ ra khỏi nước này. Nghị quyết, không có tính ràng buộc, đã được các nghị sĩ Iraq thông qua trong một phiên họp đặc biệt, với sự hiện diện của thủ tướng từ nhiệm Adel Abdel Mahdi.
Ngoài việc dọa trừng phạt, tổng thống Trump còn tuyên bố sẽ đòi Baghdad hoàn trả hàng tỷ đôla tiền xây dựng căn cứ không quân rất tốn kém ở Iraq, nếu quân Mỹ buộc phải ra đi.
Hiện giờ còn khoảng 5.200 quân nhân Mỹ trên lãnh thổ Iraq. Nhưng khoảng vài trăm binh lính đã được triển khai thêm vào tuần trước để tăng cường bảo vệ an ninh.
Năm 2018, tổng thống Trump đã làm mọi người bất ngờ khi thông báo rút hoàn toàn lực lượng Hoa Kỳ tại Syria, nhưng ông lại đề nghị các binh lính Mỹ ở lại Iraq để giám sát Iran. Quyết định này đã gây phẫn nộ dư luận Iraq, nhiều lãnh đạo chính trị và lãnh đạo các phe phái ở Iraq vẫn yêu cầu Washington rút quân khỏi nước này.
Hôm 04/01/2020, Baghdad thông báo đã triệu đại sứ Mỹ lên để phản đối về vụ oanh kích hạ sát tướng Soleimani, xem đây là một hành động "vi phạm chủ quyền của Iraq". Baghdad cũng đã đưa vụ này lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Thanh Phương
*******************
Iraq trong vòng kềm tỏa của Iran (RFI, 06/01/2020)
Việc tư lệnh lực lượng viễn chinh Iran, tướng Qasem Soleimani bị hạ sát gần thủ đô Baghdad là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy Iraq đang trong vòng kềm tỏa của Tehran. Iran từng bước củng cố ảnh hưởng với nước láng giềng sát cạnh và cũng là một nước cựu thù trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến quân sự hay kinh tế.
Trong bài viết mang tựa đề "Người Iraq vùng lên chống lại ảnh hưởng của Iran", đăng trên nguyệt san Le Monde Diplomatique tháng Giêng 2020, nhà báo Feurat Alani phân tích : Ngoài những đòi hỏi về kinh tế và đời sống được cải thiện, khủng hoảng chính trị và xã hội tại Iraq hiện nay bắt nguồn từ tinh thần bài Iran của một phần lớn công luận trên quê hương của Saddam Hussein.
Tính từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 12/2019, gần 450 người thiệt mạng, hơn 20.000 người bị thương trong các cuộc nổi dậy rải rác bùng lên khắp nơi. Từ quảng trường Tahrir, ngay giữa lòng thủ đô Baghdad, đến tận các thành phố ở miền nam, hàng ngàn người biểu tình đương đầu với chính quyền hay với các nhóm dân quân vũ trang. Phong trào phản kháng đòi thay đổi chế độ đã điều hành đất nước từ năm 2003 khi Hoa Kỳ và đồng minh can thiệp vào Iraq lật đổ Saddam Hussein.
Phe Shia lên tuyến đầu
Tại Iraq, cộng đồng Hồi giáo theo hệ phái Shia chiếm đa số tương tự như Iran và chính quyền của thủ tướng từ nhiệm Adel Abdel Mahdi cũng thuộc hệ phái Shia. Trong đợt nổi dậy lần này do cộng đồng người Iraq theo hệ phái Shia chủ xướng trong lúc thiểu số theo hệ phái Sunni rất thận trọng. Cho dù cùng một hệ phái Shia, nhưng đối thoại giữa đường phố và chính quyền trung ương ở Baghdad đã bị cắt đứt. Thêm một điều đáng chú ý khác là phe nổi dậy tại Iraq đã trực tiếp tấn công vào các cơ sở của Iran trên lãnh thổ Iraq.
Theo tác giả bài báo, Iraq đang mở ra một trang sử mới và tất cả bắt đầu vào ngày 27/09/2019. Đó là thời điểm hai sự kiện quan trọng cùng xảy ra một lúc. Trước hết, cảnh sát đã đàn áp thô bạo một nhóm sinh viên mới tốt nghiệp, có nhiều bằng cấp nhưng không tìm được việc làm, tập hợp trước văn phòng của thủ tướng. Cùng ngày, Baghdad cách chức một nhân vật có uy tín và được xem là công thần tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi giáo Daech. Trung tướng Abdel Wahab al Saadi, còn là người đứng đầu cơ quan chống khủng bố CTS và ông được xem là một nhân vật có lập trường thân Mỹ. Đối với lực lượng dân quân vũ trang Hachd Al Chaabi, thân Iran, tướng Abdel Wahab al Saadi là một "trở ngại".
Với công luận Iraq, hai sự kiện nói trên là giọt nước làm tràn ly vì theo họ, Iran đã can thiệp ở hậu trường trong cả hai sự kiện vừa nêu.
Can thiệp về chính trị và quân sự của Iran
Trong bài viết, Feurat Alani nêu bật những khó khăn triền miên khiến công luận Iraq bất mãn, nào là nạn tham nhũng, đến tình trạng 50 % dân số không có việc làm, hệ thống giáo dục không ngừng xuống cấp, đời sống đắt đỏ ... Tuy nhiên "ảnh hưởng của Iran" tại Iraq là "củi lửa" hun đúc cuộc nổi dậy lần này.
Từ cuộc can thiệp quân sự của Mỹ năm 2003, Iraq lâm vào thế trên đe dưới búa : sự hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài, guồng máy Nhà nước bị suy yếu đã mở đường cho cả Mỹ lẫn Iran cùng biến đất nước của Saddam Hussein thành đấu trường.
Từ năm 2011 khi chính quyền Obama quyết định rút quân khỏi Iraq, Tehran lại càng rộng đường hành động. Trung tuần tháng 11/2019 báo Mỹ New York Times và trang mạng The Intercept tiết lộ nhiều tài liệu mật cho thấy mức độ Tehran trực tiếp can thiệp vào Iraq, từ nam chí bắc, từ đông sang tây. Thủ tướng Iraq từ nhiệm, Adel Abdel Mahdi có một mối "quan hệ đặc biệt" với Tehran. Vẫn theo điều tra này, chính vì Hoa Kỳ rút lui, mật vụ Iran đã tuyển dụng không ít những người từng cộng tác với tình báo Mỹ CIA tại Iraq.
Về ảnh hưởng của tư lệnh lực lượng viễn chinh Iran Al Quds tại Iraq, trong một cuộc trả lời đài BBC năm 2013 cựu đại sứ Anh tại Iraq và Afghanistan, Ryan Croker, từng xác nhận rằng, tướng Soleimani luôn là người có tiếng nói sau cùng trên hồ sơ Iraq.
Chẳng vậy mà viên tướng đầy thế lực này của Iran thường xuyên hiện diện trên lãnh thổ Iraq. Trong những tuần lễ gần đây, ông đã chủ trì các cuộc họp khi thì tại Baghdad lúc thì tại thành phố Najaf ở miền nam để thuyết phục các đảng phái chính trị Iraq ủng hộ thủ tướng Adel Abdel Mahdi, có lập trường thân Tehran, trong lúc đường phố đòi ông này từ chức. Một khi thủ tướng Iraq thông báo từ nhiệm, thì cũng tư lệnh lực lượng viễn chinh Iran là người ở hậu trường thu xếp tìm kiếm người sẽ ngồi vào chiếc ghế thủ tướng thay thế ông Mahdi.
Khi hay tin tướng Soleimani thiệt mạng trên lãnh thổ Iraq, tướng Mỹ, David Petraeus, cựu lãnh đạo tình báo Mỹ CIA và cũng là người từng đứng đầu lực lượng Hoa Kỳ tại Baghdad kể lại, đầu năm 2008 ông từng nhận được bức điện với nội dung như sau : "Tướng Petraeus, ông cần biết rằng, chính sách của Iran về Iraq, Liban, Gaza và Afghanistan đều trong tay tôi, Qasem Soleimani".
Về quân sự, Iran là đồng minh then chốt giúp Iraq giành lại quyền kiểm soát các thành phố như Mossoul hay Falluhja, Tikrit... từ tay quân thánh chiến Daech.
Ở hậu trường, sứ giả của Iran là tướng Soleimani vận động để Baghdad đuổi quân Mỹ ra khỏi bờ cõi. Feurat Alani trên báo Le Monde Diplomatique nhắc lại tháng 4/2019, nhóm dân biểu Quốc hội thân Iran tại Baghdad đã đệ trình một dự luật đòi lính Mỹ nhanh chóng rời khỏi Iraq. Đó cũng là thời điểm, thủ tướng Iraq vừa công du Tehran, được tổng thống Iran và giáo chủ Khamenei tiếp đón còn tại Washington chính quyền Trump xếp Vệ Binh Cách Mạng Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Trong đợt oanh kích đêm mồng 2 rạng sáng mồng 3 tháng Giêng 2020 khiến tướng Soleimani thiệt mạng, nhân vật số hai của tổ chức vũ trang mang tên Hachd Al Chaabi cũng đã bỏ mình. Tổ chức này được thành lập từ năm 2014 với mục đích đánh đuổi tổ chức tự nhận là Nhà Nước Hồi giáo tập hợp nhiều lực lượng dân quân vũ trang, với đa số theo hệ phái Hồi giáo Shia. Hachd Al Chaabi được Iran hỗ trợ về mặt tài chính và được chính Vệ Binh Cách Mạng Iran đào tạo.
Đối tác giữa Iran và Iraq còn bao gồm luôn cả vế kinh tế và thương mại. Mỹ gia tăng sức ép, trừng phạt kinh tế Iran, giúp trao đổi mậu dịch hai nước cựu thù là Iran và Iraq tăng hơn 50 % trong vòng một năm. Tính đến tháng 4/2019, Iran xuất khẩu 9 tỷ đô la hàng hóa sang nước láng giềng sát cạnh và Tehran có tham vọng tăng tổng kim ngạch xuất khẩu với Iraq lên thành 20 tỷ trước năm 2022.
Một nguồn tin trong chính quyền Baghdad cho hãng thông tấn Pháp, AFP biết, "Iran đã cử đại diện đến Baghdad để điều đình về việc chọn lựa người thay thế thủ tướng Mahdi nhằm vào bệ quyền lợi của Tehran tại Iraq".
Iran và Iraq, hai nước cựu thù
Ảnh hưởng gần như trên mọi mặt của Iran tại Iraq khiến một phần công luận Iraq phẫn nộ. Nhà quan sát và đấu tranh vì nhân quyền cho Iraq Moubtadhar Nasser được Le Monde Diplomatique trích dẫn lưu ý rằng "trong suốt dòng lịch sử, người dân Iraq luôn vùng lên chống quân ngoại xâm".
Không phải ngẫu nhiên mà làn sóng nổi dậy tại Iraq từ mùa thu vừa qua đã tấn công vào một số cơ sở của Iran : ngày 04/11/2019 tòa lãnh sự Iran tại Kerbala bị đốt phá, hai tuần sau đó đến lượt văn phòng đại diện Iran tại Nadjaf, thánh địa của cộng đồng người Hồi giáo Shia tại Iraq trở thành mục tiêu tấn công. Trên toàn lãnh thổ Iraq, người biểu tình hô to khẩu hiệu đuổi Iran ra khỏi đất nước. Moubtadhar Nasser phân tích : "Đây là thời khắc mà tất cả người dân Iraq cùng mong đợi. Đất nước bị chia rẽ từ năm 2003. Bản sắc Iraq bị chà đạp (...) Giờ đây giới trẻ Iraq muốn trông thấy một Nhà nước Iraq thực thụ được hình thành, và được công nhận là những công dân Iraq, bất luận đó là người theo hệ phái Shia hay Sunni". Có điều, như ghi nhận của tác giả bài báo, cộng đồng người Sunni, vốn chiếm thiểu số tại Iraq tới nay vẫn im lặng và không dám bước lên tuyến đầu trong cuộc đấu tranh lần này, bởi số này rất sợ các tổ chức dân quân thân Iran, như Hachd Al Chaabi và vẫn ý thức được rằng, chính quyền Baghdad xem họ như kẻ thù.
Trả lời tuần báo L'Express hồi tháng 10/2019, nhà nghiên cứu Pháp về Trung Đông bà Myriam Benraad, cho rằng "dù theo hệ phái Shia hay Sunni, phần đông người Iraq đấu tranh vì chủ quyền của đất nước, ngăn chận ảnh hưởng của Iran. Đừng quên rằng Iran và Iraq là hai nước cựu thù, chiến tranh giữa hai nước đã nổ ra trong suốt thời gian từ 1980 đến 1988".Do vậy theo chuyên gia này, "Iran không có lợi ích gì để cho Iraq ngóc đầu vươn lên. Tehran muốn giữ Baghdad trong thế yếu để không bao giờ Iraq có thể trở thành một đối thủ trong khu vực".
Thanh Hà
*****************
Iran : Biểu tình rầm rộ, con gái tướng Soleimani cảnh báo ‘ngày đen tối’ cho Mỹ (VOA, 06/014/2020)
Hôm 6/1, hàng trăm ngàn người Iran đã xuống đường biểu tình trên đường phố Tehran trong tang lễ của chỉ huy quân đội Qasem Soleimani, người bị triệt hạ trong vụ tấn công của máy bay không người lái của Hoa Kỳ vào tuần trước. Hãng tin Reuters dẫn lời con gái tướng Soleimani nói rằng cái chết của ông sẽ dẫn tới một "ngày đen tối" cho Hoa Kỳ.
Hôm 6/1, hàng trăm ngàn người Iran đã xuống đường biểu tình trên đường phố Tehran trong tang lễ của chỉ huy quân đội Qasem Soleimani.
"Này ông Trump điên rồ, đừng nghĩ rằng mọi thứ đã kết thúc sau khi cha tôi ngã xuống", bà Zeinab Soleimani nói trong bài phát biểu được phát trên truyền hình nhà nước Iran.
Hôm 3/1, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra lệnh tấn công, khiến tướng Soleimani, kiến trúc sư quân sự của Iran trong việc mở rộng ảnh hưởng của Tehran trên toàn khu vực, thiệt mạng. Iran quyết sẽ trả thù cho cái chết của ông.
Đáp lại những cảnh báo về sự trả đũa của Iran, ông Trump đã đe dọa sẽ tấn công 52 mục tiêu Iran, bao gồm cả các mục tiêu văn hóa, nếu Tehran tấn công vào công dân Hoa Kỳ hoặc các tài sản của Mỹ.
Quan tài của thủ lĩnh của quân đội Iran Soleimani và của thủ lĩnh dân quân Iraq, Abu Mahdi al-Muhandis, người cũng bị thiệt mạng trong cuộc tấn công của Mỹ, đã được đám đông người than khóc di chuyển bằng những cánh tay nâng cao quá đầu.
Quốc hội Iraq hôm 5/1 thông qua một nghị quyết, thúc giục chính phủ chấm dứt sự hiên diện của binh sĩ nước ngoài ở Iraq như thủ tướng nước này đề nghị và bảo đảm rằng họ không sử dụng đường bộ, đường không và lãnh hải vì bất cứ lý do gì.
Hiện có khoảng 5.000 binh sĩ Hoa Kỳ đang đồn trú ở Iraq, chủ yếu là cố vấn. Iraq là quốc gia láng giềng của Iran.
Hôm 3/1, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố rằng Iran sẽ trả đũa Mỹ vì gây ra cái chết của ông Soleimani.
*******************
Mỹ 'sẽ nhắm vào' 52 khu vực của Iran nếu Tehran tấn công (BBC, 05/01/2020)
Tổng thống Trump cảnh báo Mỹ đang "nhắm mục tiêu" 52 địa điểm của Iran và sẽ tấn công "rất nhanh và rất mạnh" nếu Tehran tấn công công dân hay tài sản Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump cảnh báo Iran không được tấn công công dân hay tài sản Hoa Kỳ
Ông Trump ra tuyên bố trên sau vụ ám sát Qasem Soleimani, một tướng lĩnh hàng đầu của Iran, trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Iran sau đó thề sẽ trả thù cho cái chết của Soleimani.
Ông Trump viết trên Twitter rằng Iran "đang rất mạnh miệng về việc nhắm mục tiêu vào một số tài sản của Hoa Kỳ" để đáp trả lại cho cái chết của vị tướng.
Ông nói Hoa Kỳ đã xác định được 52 địa điểm ở Iran, một số "có tầm cao cấp và quan trọng đối với Iran và văn hóa Iran, và các mục tiêu đó, và cả chính Iran, SẼ BỊ TẤN CÔNG RẤT NHANH VÀ RẤT MẠNH" nếu Tehran tấn công Mỹ.
"Hoa Kỳ không muốn có thêm mối đe dọa nào nữa !" Trump nói thêm.
Tổng thống cho biết 52 mục tiêu đại diện cho 52 người Mỹ bị bắt làm con tin ở Iran trong hơn một năm kể từ cuối năm 1979, sau khi họ bị bắt tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran.
Sau khi các dòng tweet của ông Trump được đăng lên, một trang web của chính phủ Hoa Kỳ dường như đã bị tấn công bởi một nhóm tự xưng là "Nhóm tin tặc an ninh mạng Iran".
Một thông điệp trên trang web Chương trình Thư viện Lưu ký Liên bang Hoa Kỳ có đoạn : "Đây là một tin nhắn từ Cộng hòa Hồi giáo Iran.
"Chúng tôi sẽ không ngừng hỗ trợ bạn bè trong khu vực : những người dân bị áp bức ở Palestine, những người dân bị áp bức ở Yemen, người dân và chính phủ Syria, người dân và chính phủ Iraq, người dân bị áp bức ở Bahrain, những người kháng chiến Mujahideen ở Lebanon và Palestine, [họ] sẽ luôn được chúng tôi hỗ trợ".
Trang web còn hiện một hình ảnh đã được chỉnh sửa của Tổng thống Trump, cho thấy ông bị đánh vào mặt chảy máu miệng.
"Đây chỉ là một phần nhỏ trong khả năng không gian mạng của Iran !" [sic], các tin tặc viết.
Chuyện gì đã xảy ra vào thứ Bảy ?
Ông Trump đăng các dòng tweet trên sau khi một đám tang khổng lồ dành cho tướng Soleimani được tổ chức tại Baghdad, nơi ông đã bị giết hôm thứ Sáu.
Những người khóc than vẫy cờ Iraq và dân quân và hô vang "cái chết cho nước Mỹ".
Một số vụ tấn công bằng tên lửa đã làm rung chuyển khu vực này ngay sau lễ đưa tang, bao gồm một vụ tấn công ở Green Zone gần Đại sứ quán Mỹ.
Quân đội Iraq cho biết không ai bị thương. Không có nhóm nào thừa nhận đứng đằng sau vụ việc. Trong khi, các chiến binh ủng hộ Iran đã bị đổ lỗi cho các cuộc tấn công gần đây.
Phân tích của nhà báo mảng quân sự, Jonathan Marcus
Với việc Iran đã đe dọa các cuộc trả thù mạnh mẽ cho cái chết của chỉ huy Lực lượng Quds, Tổng thống Trump đã xác định rõ ràng rằng cách tốt nhất để giảm leo thang là dâng cao tình hình, cho Iran thấy Mỹ sẽ làm gì nếu Tehran tiến hành những lời đe dọa của mình.
Tweet của Trump gây tò mò theo nhiều cách - không chỉ là đề cập tính biểu tượng của 52 mục tiêu của Iran đang bị đe dọa - tương đương với 52 con tin Mỹ từng bị bắt tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran hồi tháng 11/1979.
Việc ông đề cập đến các mục tiêu quan trọng "đối với văn hóa Iran" cho thấy một danh sách mục tiêu rộng hơn nhiều, chứ không chỉ các khu vực chính trị, quân sự hoặc kinh tế.
Tổng thống Trump đang tìm cách răn đe. Nhưng quả bóng bây giờ rất rõ ràng đang ở bên sân của Iran và khó mà Tehran không hành động.
Ông Trump đã theo đuổi chính sách khá mâu thuẫn kể từ khi ông từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Tehran - gia tăng áp lực kinh tế, đe dọa hành động quân sự, nhưng thực sự ông đã làm rất ít, ngay cả khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ và tấn công các cơ sở dầu mỏ ở Ả Rập Saudi.
Trên hết, ông cũng nhiều lần nhấn mạnh sự mệt mỏi của mình và Washington về sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trong khu vực. Điều này làm suy yếu sự răn đe của Hoa Kỳ, điều mà giờ ông Trump đang tìm cách tăng cường thể hiện, dù khá muộn màng.
Tại sao Hoa Kỳ giết Soleimani ?
Tướng Soleimani được coi là nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran, sau Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Người đàn ông 62 tuổi này dẫn đầu các hoạt động ở Trung Đông của Iran với tư cách là người đứng đầu Lực lượng Quds ưu tú, và được ca ngợi là một anh hùng quốc gia.
Nhưng Hoa Kỳ cho rằng Soleiman và Lực lượng Quds là những kẻ thủng bố, buộc họ phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm nhân viên Hoa Kỳ.
Phát biểu vào chiều thứ Sáu, Tổng thống Trump cho biết Soleimani đang "âm mưu các vụ tấn công nham hiểm" đối với các nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ ở Iraq và các nơi khác trong khu vực.
Vị tướng này đã thiệt mạng trong một cuộc không kích tại sân bay Baghdad vào đầu ngày thứ Sáu, theo lệnh của Tổng thống Trump. Tổng thống cho biết hành động này được thực hiện để ngăn chặn một cuộc chiến, chứ không phải gây ra nó.
Lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Khamenei nói rằng "sự trả thù ác nghiệt đang trông chờ bọn tội phạm".
Cái chết của Soleimani sẽ làm gia tăng gấp đôi "tình thần kháng" Mỹ và Israel, ông nói thêm.
Người Iraq cũng đang thương tiếc cái chết của Abu Mahdi al-Muhandis, một người Iraq chỉ huy nhóm Kataib Hezbollah do Iran hậu thuẫn và bị giết cùng với Soleimani.
Hôm thứ bảy nhóm đã đưa ra một cảnh báo cho lực lượng an ninh Iraq "tránh xa khu vực căn cứ Mỹ với một khoảng cách không dưới [hơn] 1000m bắt đầu từ tối chủ nhật", al-Mayadeen TV đưa tin.
Để đối phó với các mối đe dọa trả thù của Iran, Mỹ đã gửi thêm 3.000 binh sĩ đến Trung Đông và khuyên công dân của Hoa Kỳ rời khỏi Iraq.
*****************
Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết chấm dứt hiện diện của lính nước ngoài (VOA, 05/01/2020)
Quốc hội Iraq hôm 5/1 thông qua một nghị quyết, thúc giục chính phủ chấm dứt sự hiên diện của binh sĩ nước ngoài ở Iraq và bảo đảm rằng họ không sử dụng đường bộ, đường không và lãnh hải vì bất cứ lý do gì, theo Reuters.
Hãng tin Anh dẫn nghị quyết có đoạn nói rằng "chính phủ cam kết chấm dứt yêu cầu hỗ trợ từ liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo vì sự kết thúc các hoạt động quân sự ở Iraq và việc đã giành thắng lợi".
"Chính phủ Iraq phải làm việc để chấm dứt sự hiện diện của bất kỳ binh sĩ nước ngoài nào trên đất Iraq và cấm họ sử dụng đường bộ, không phận hoặc lãnh hải của Iraq vì bất kỳ lý do gì", nghị quyết có đoạn.
Theo Reuters, không giống như các đạo luật, các nghị quyết của quốc hội Iraq không mang tính ràng buộc đối với chính phủ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi trước đó kêu gọi quốc hội chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài.
Quốc hội Iraq có động thái trên hai ngày sau khi chỉ huy quân sự Iran Qasem Soleimani bị giết hôm 3/1 trong một cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ nhắm vào đoàn xe của ông tại sân bay ở Baghdad.
Trung Quốc, Nga chỉ trích Mỹ về vụ hạ sát lãnh đạo quân sự Iran (VOA, 05/01/2020)
Mỹ nên chấm dứt lạm dụng vũ lực và tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc nói, sau khi một cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad ngày thứ Sáu giết chết chỉ huy quân sự nổi bật nhất của Iran.
Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt tay người đồng cấp của Iran Mohammad Javad Zarif trong một cuộc hội kiến tại nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 31/12/2019.
Hành vi nguy hiểm của quân đội Mỹ vi phạm các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế và sẽ làm gia tăng căng thẳng và rối loạn trong khu vực, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif trong một cuộc điện đàm vào ngày thứ Bảy.
Trung Quốc sẽ đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Vùng Vịnh Trung Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một phát biểu, dẫn lời của ông Vương trong cuộc điện đàm.
Trong khi đó Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng nói chuyện với ông Zarif qua điện thoại hôm thứ Sáu để thảo luận về vụ sát hại lãnh đạo quân sự Iran Qasem Soleimani, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một thông cáo.
"Ông Lavrov gửi lời chia buồn về vụ sát hại này", thông cáo nói. "Hai bộ trưởng nhấn mạnh rằng những hành động như vậy của Mỹ vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực của luật pháp quốc tế".
Ông Soleimani, viên tướng 62 tuổi, là chỉ huy quân sự hàng đầu của Tehran. Trong vai trò là người đứng đầu Lực lượng Quds ở nước ngoài của Vệ binh Cách mạng Iran, ông là kiến trúc sư của hoạt động mở rộng ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Sáu nói rằng ông Soleimani trước đó đang mưu đồ thực hiện các vụ tấn công sắp sửa xảy ra nhắm vào các nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ. Những người chỉ trích cuộc không kích cho rằng hành động của ông Trump là liều lĩnh và rằng ông đã làm trầm trọng hơn nguy cơ xảy ra nhiều vụ đổ máu hơn ở một khu vực nguy hiểm.
*****************
Tổng thống Trump : Triệt tướng Iran để "ngăn chặn chiến tranh" (RFI, 04/01/2020)
Vào lúc tình hình tại Trung Đông sôi sục sau cái chết của tướng Soleimani, tại Hoa Kỳ, ngày 03/01/2020, tổng thống Donald Trump giải thích ra lệnh triệt hạ viên tướng hàng đầu của Iran nhằm "ngăn chặn chiến tranh".
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu sau vụ tấn công nhắm vào đoàn xe của tướng Iran Qasem Soleimani ở Baghdad, Iraq, tại West Palm Beach, bang Floride, Hoa Kỳ, ngày 03/01/2020. Reuters/Tom Brenner
Theo chủ nhân Nhà Trắng, tướng Soleimani "có âm mưu xấu nhắm vào giới ngoại giao và quân sự của Mỹ". Tuy nhiên, đợt oanh kích vừa qua nhắm vào viên tướng hàng đầu của Iran không nhằm lật đổ chế độ tại Tehran.
Thông tín viên đài RFI từ thủ đô Washington, Anne Corpet, phân tích :
"Từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Donald Trump nhắc đi nhắc lại rằng mục tiêu của ông là đưa quân nhân Mỹ đồn trú ở hải ngoại về nước, rút khỏi các cuộc xung đột tại Trung Cận Đông. Lời lẽ này có vẻ trái ngược với chính sách của Hoa Kỳ.
Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng như chủ trương gây áp lực tối đa với chính quyền Tehran càng làm gia tăng căng thẳng. Cái chết của tướng Qasem Soleimani có nguy cơ thúc đẩy Iran trả đũa và dẫn tới tình trạng leo thang về mặt quân sự. Phía Hoa Kỳ ý thức được điều đó. Washington điều thêm hơn 3.000 quân đến Kuwait để đề phòng mọi khả năng. Trước đó, Mỹ đã thông báo vào đầu tuần tới triển khai thêm 750 lính đến khu vực.
Tổng thống Trump trong cuộc họp báo đã quả quyết là ông hành động nhằm "ngăn chặn một cuộc chiến". Tuyên bố này được ông đưa ra một ngày sau vụ oanh kích tại Baghdad, Iraq. Tối qua, tổng thống Trump một lần nữa đã nhắc lại với những người ủng hộ ông tại Miami rằng ông ra lệnh hạ sát tướng Soleimani là để cứu lấy mạng sống của nhiều người khác và chính quyền Washington theo đuổi mục đích hòa bình và ổn định trên toàn thế giới.
Sự thể có thế nào đi chăng nữa, điều quan trọng nhất đối với Donald Trump là duy trì được tín nhiệm của thành phần cử tri ủng hộ ông. Số này đành rằng mong muốn Mỹ nhanh chóng rút quân về nước nhưng đồng thời hài lòng khi thấy tổng thống Trump có khả năng hành động cứng rắn khi quyền lợi của nước Mỹ bị đe dọa".
Như thông tín viên Anne Corpet vừa cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 03/01/2020 thông báo sẽ điều từ 3.000 đến 3.500 quân đến Kuwait nhằm tăng cường an ninh cho các cơ sở của Hoa Kỳ tại Trung Đông sau vụ tướng Soleimani bị hạ sát. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết thêm là "nhiều đơn vị khác" trong quân đội được đặt trong tình trạng báo động và sẵn sàng trong trường hợp cần thiết.
Thanh Hà
*****************
Nga lên án vụ Mỹ hạ sát Tư lệnh Iran (VOA, 04/01/2020)
Nga lên án cuộc không kích của Mỹ tại Iraq hạ sát tư lệnh Iran hôm 3/1 là một "bước khinh suất" gây rủi ro cho "hòa bình và ổn định khu vực" ở Trung Đông.
Một người Iran cầm ảnh của Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran bị Mỹ hạ sát hôm 3/1/2020.
Hoa Kỳ hạ sát Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran trong cuộc không kích khi đoàn xe của ông này rời khỏi phi trường chính của Baghdad.
Giới chức Ngũ Giác Đài cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh thực hiện cuộc không kích để ngăn ngừa các cuộc tấn công sắp tới nhắm vào lực lượng Mỹ trong khu vực.
Với việc lãnh đạo Iran thề quyết trả đũa quân sự, Nga lên tiếng rằng "Các hành động như thế không đưa tới… tìm ra giải pháp cho những vấn đề phức tạp ở Trung Đông. Ngược lại, sẽ dẫn tới vòng leo thang căng thẳng tiếp theo trong vùng", theo thông cáo đăng trên website Bộ Ngoại giao.
Trong một phát biểu khác, Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng ông Soleimani đã "tận tâm phục vụ và bảo vệ các lợi ích quốc gia của Iran" và ngỏ lời chia buồn tới người dân Iran về cái chết của ông Soleimani.
Điện Kremlin sau đó loan báo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận qua điện thoại với người đồng nhiệm phía Pháp Emmanuel Macron về cuộc tấn công của Mỹ và đôi bên nhất trí rằng "hành động này có thể sẽ leo thang căng thẳng nghiêm trọng trong khu vực".
Phản ứng của Nga cho thấy quan hệ ngày càng gần gũi giữa Moscow với Iran.
Ông Soleimani có tên trong một danh sách chế tài du hành của Liên Hiệp Quốc và bị Mỹ chế tài từ 2005 như là một người ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
*****************
Trump : Tư lệnh Iran ‘lẽ ra phải bị triệt hạ nhiều năm trước kia’ (VOA, 04/01/2020)
Tổng thống Mỹ Donald Trump bênh vực cuộc không kích của Washington hạ sát một trong những tướng lãnh quyền lực nhất của Iran, gạt qua một bên những lời đe dọa từ Iran rằng họ sẽ đáp trả khốc liệt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump quy trách nhiệm cho viên tướng chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran đã gây ra hàng ngàn cái chết cho công dân Mỹ.
Trong lời bình luận đầu tiên của mình kể từ khi các giới chức quốc phòng xác nhận Mỹ đã tiến hành cuộc không kích gần sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq sáng sớm 3/1, ông Trump quy trách nhiệm cho viên tướng chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran đã gây ra hàng ngàn cái chết cho công dân Mỹ và nói rằng cuộc không kích này lẽ ra phải được thực hiện từ lâu rồi.
"Tướng Qasem Soleimani đã sát hại hoặc gây thương tích trầm trọng cho hàng ngàn người Mỹ trong một thời gian kéo dài, và còn âm mưu sát hại thêm nhiều người nữa", ông Trump viết trên Twitter ngày 3/1.
"Soleimani bị căm ghét và kinh sợ", Tổng thống Mỹ viết tiếp. "Ông ấy lẽ ra phải bị triệt hạ nhiều năm trước kia !"
Trước đó trong ngày 3/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trên đài CNN rằng Iran và ông Soleimani đã khiến Washington không còn lựa chọn nào khác.
"Ông ấy tích cực hoạch định trong khu vực để hành động-hành độnglớn, như ông ấy mô tả-để đẩy sinh mạng của hàng chục, nếu không phải là hàng trăm, người Mỹ đứng trước nguy cơ", ông Pompeo nói về tư lệnh của lực lượng Quds. "Chúng tôi biết chuyện đó sắp xảy ra".
Các giới chức Ngũ Giác Đài khuya ngày 2/1 đã xác nhận cuộc không kích nhắm vào Soleimani, cho biết hành động này được thực hiện theo mệnh lệnh của Tổng thống Trump.
Ngũ Giác Đài mô tả cuộc không kích là một "hành động phòng thủ quyết định để bảo vệ nhân sự Mỹ ở nước ngoài" và khuyến cáo rằng "Mỹ sẽ tiếp tục có mọi hành động cần thiết để bảo vệ người dân và những lợi ích của chúng tôi ở bất cứ nơi nào trên thế giới".
Các quan chức Iraq cho biết cuộc không kích của Mỹ cũng hạ sát Abu Mahdi al-Muhandis, phó chỉ huy của Lực lượng Dân quân Iraq do Iran hậu thuẫn và rằng các giới chức hàng đầu khác có thể cũng đã bị hạ sát.
Lãnh tụ tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, yêu cầu tổ chức 3 ngày quốc tang và thề quyết trả đũa mạnh tay.
Ngoại trưởng Iran, Javad Zarif, tố cáo cuộc không kích của Mỹ là "hành động khủng bố", và trên Twitter, ông mô tả đây là "hành động leo thang cực kỳ nguy hiểm và ngu xuẩn".
Chưa biết Iran sẽ trả đũa khi nào và bằng cách nào. Quan chức tình báo và quốc phòng của Mỹ từ lâu đã khuyến cáo về khả năng Iran dùng đến các thủ thuật phi đối xứng chẳng hạn như khủng bố và tấn công tin tặc nhắm mục tiêu vào Mỹ và các nước phương Tây.
Tuy nhiên, trong những giờ khắc kể từ khi hình ảnh của Qasem Soleimani bắt đầu được lan truyền trên mạng xã hội, giới chức Hoa Kỳ đã liên lạc với các đồng minh để chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra kế tiếp.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Pompeo đã gọi điện cho Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas để bàn về "hành động phòng thủ để loại trừ" Soleimani, và cảm ơn họ vì các phát biểu gần đây xác nhận mối đe dọa hung hăng tiếp diễn từ Iran và lực lượng Quds. Ngoại trưởng Mỹ ngày 3/1 cũng trao đổi với Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani, và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pakistan, Tướng Qamar Javed Bajwa.
Trong những ngày tháng cận kề cuộc không kích nhắm vào Soleimani, Mỹ đã rũ bỏ các quan ngại rằng leo thang căng thẳng có thể dẫn tới chiến tranh.
"Tôi không nghĩ Iran muốn điều đó xảy ra", Tổng thống Trump nói với báo giới hôm 31/12.
Dẫu vậy, các giới chức quốc phòng đã chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới.
Mỹ đã triển khai 750 binh sĩ tới Kuwait để củng cố sự phòng vệ cho các căn cứ và nhân sự của Mỹ trong khu vực. Hôm 2/1, quan chức quốc phòng Mỹ cho biết sẽ gửi thêm binh sĩ nếu cần.
******************
Iraq bên bờ hỗn loạn sau vụ sát hại tướng Soleimani (RFI, 03/01/2020)
Vốn đã gặp nhiều xáo trộn do phong trào biểu tình chống chính phủ từ ba tháng qua, Iraq nay có nguy cơ rơi vào hỗn loạn sau vụ trực thăng Mỹ oanh kích và sát hại tướng Iran Soleimani và cánh tay phải người Iraq từ bao thập niên qua Abou Mehdi al-Mouhandis.
Một cuộc biểu tình phản đối trước tòa đại sứ Mỹ ở Baghdad ngày 02/01/2020. Reuters/Khalid al-Mousily
Với vụ oanh kích này, Hoa Kỳ đã triệt hạ toàn bộ dàn chỉ huy các lực lượng thân Iran ở Iraq : Soleimani là tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Al-Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, chuyên trách các vấn đề Iraq, còn al-Mouhandis là lãnh đạo lực lượng dân quân Hash al-Chabi thân Iran.
Trong một thời gian dài không có phản ứng gì với việc người dân Iraq nổi dậy chống chính quyền Baghdad, Hoa Kỳ nay đã can thiệp trở lại vào Iraq bằng quân sự, nhắm vào tướng Soleimani, người đang dàn xếp việc thành lập một chính phủ mới ở Baghdad theo hướng bảo vệ các lợi ích của Iran.
Một dấu hiệu cho thấy sự tê liệt của một quốc gia vốn vẫn cố giữ thế cân bằng giữa hai đồng minh lớn là Hoa Kỳ và Iran, nhà nước Iraq vẫn chưa có phản ứng chính thức gì về vụ sát hại tướng Soleimani. Quốc hội Iraq sẽ họp lại ngày mai để xác định lập trường sau sự kiện này.
Nhưng thủ tướng từ nhiệm của Iraq Adel Abdel Mahdi ngay từ hôm nay đã dự báo là cái chết của tướng Soleimani sẽ "gây ra một cuộc chiến tàn khốc tại Iraq". Chính quyền Donald Trump coi như đồng ý với dự báo này, bởi vì họ vừa kêu gọi các công dân Mỹ phải rời khỏi Iraq "ngay lập tức". Còn đối với Ngoại trưởng Iran, Mohammed Javad Zarif, vụ sát hại tướng Soleimani là một "bước leo thang cực kỳ nguy hiểm". Nhưng như vậy thì Iran sẽ đáp trả Hoa Kỳ như thế nào và khi nào ?
Theo các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn, rất khó dự đoán được phản ứng của Tehran trước cái chết của một trong những nhân vật được người dân Iran mến mộ nhất, bởi vì sự kiện này chưa có tiền lệ. Nhưng một điều chắc chắn, theo nhà nghiên cứu Ramzy Mardini, Viện Mỹ vì Hòa bình (United States Institute of Peace), kể từ nay hai nước Hoa Kỳ và Iran sẽ đối đầu trực diện với nhau. Tehran nay không còn có thể sử dụng tay chân của họ ở Iraq để đe dọa và tấn công vào các lợi ích của Mỹ mà không bị Wasington trả đũa quân sự như trong một cuộc chiến quy ước.
Từ nhiều năm qua, Baghdad vẫn cảnh báo hai đồng minh Mỹ Iran là không nên dùng lãnh thổ của họ như là chiến trường để thanh toán lẫn nhau, nhất là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong hồ sơ hạt nhân Iran. Theo giải thích của chuyên gia về Iraq Fanar Haddad, nếu Iran có trả đũa thì sẽ không phải là bằng các vụ bắn rocket vào sứ quán Mỹ, mà sẽ dưới dạng một cuộc xung đột lớn giữa hai nước ở Iraq.
Năm 2003, Hoa Kỳ đã lật đổ Saddam Hussein để lập ra một chế độ mới, nhưng chế độ này nay đang dần dần bị Iran kiểm soát. Vẫn theo chuyên gia Haddad, chính quyền Washington dường như đang cố gắng kéo chính trường Iraq ngả theo Mỹ trở lại. Nhưng nếu họ thất bại, Iraq sẽ rơi vào vòng xoáy của đấu đá nội bộ và Iran lại càng có cơ hội để gia tăng kiểm soát chế độ Baghdad.
Trước mắt, theo dự báo của nhà nghiên cứu Ranj Alaaldin, Viện Brookings tại Doha, sau cái chết của hai nhân vật có thế lực nhất ở Iran, rất có thể sẽ có thanh trừng nội bộ trong chính quyền Iraq, vì Iran rất muốn biết "làm thế nào mà Mỹ biết được tướng Soleimani đến Baghdad ? Ai là kẻ chỉ điểm ?"
Tóm lại, chưa biết là tình hình sẽ diễn tiến ra sao, sau vụ hạ sát tướng Soleimani, nhưng rõ ràng là không thể loại trừ nguy cơ một cuộc chiến tranh vùng Vịnh mới, mà Iraq sẽ là chiến trường chính.
Thanh Phương
*****************
Vụ Soleimani : Mỹ yêu cầu công dân rời Iraq, quốc tế kêu gọi kiềm chế 'RFI, 03/01/2020)
Ngay sau khi thông tin về vụ tướng Iran, Qasem Soleimani bị thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ tại Iraq được loan tải ngày 03/01/2019, làm dấy lên nhiều phản ứng gay gắt từ phía Iran và Iraq, nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng kêu gọi các bên kềm chế.
Cờ Mỹ được trải trên mặt đường ở Badgad ngày 03/01/2020 để cho xe giẫm qua sau cái chết của tướng Iran Qasem Soleimani. AFP Photos/Ahmad Al-Rubaye
Riêng tại Hoa Kỳ, tranh cãi đã bùng lên giữa đảng Cộng hòa, bênh vực quyết định dứt khoát của tổng thống Trump, và đảng Dân chủ, lo ngại trước nguy cơ lò thuốc súng Trung Đông bùng nổ. Trước mắt, Hoa Kỳ đã yêu cầu tất cả công dân Mỹ rời khỏi Iraq.
Trong một bản thông cáo, đại sứ quán Mỹ tại Baghdad đã kêu gọi các công dân nước này rời khỏi Iraq ngay lập tức, "thông qua đường hàng không ngay khi có thể, còn nếu không được, thì hãy tới các quốc gia khác bằng đường bộ".
Lời kêu gọi của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra trong bối cảnh tranh luận lại nổi lên ở Mỹ, chủ yếu là giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về tính chất đúng đắn của quyết định tấn công giết chết tướng Qasem Soleimani.
Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Murphy thuộc đảng Dân chủ trong một tin nhắn Twitter một mặt cho rằng "Soleimani là kẻ thù của Mỹ, đó là điều không cần bàn cãi", nhưng việc ám sát nhân vật này có nguy cơ "khơi mào một cuộc chiến khốc liệt trong khu vực".
Đây cũng là ý kiến của thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người đang tranh chức ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Nhìn chung, phía đảng Dân chủ cho rằng quyết định triệt hạ một nhân vật quan trọng như viên tướng Iran này là một hành động "gây chiến", nên cần phải được Quốc hội bật đèn xanh trước.
Ngược lại, về phía đảng Cộng hòa, rất nhiều tiếng nói ca ngợi tính "dứt khoát" trong quyết định của tổng thống Mỹ. Bà Nikki Haley, nguyên đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố "hãnh diện về tổng thống Trump đã có một hành động mạnh mẽ và đúng đắn".
Quốc tế kêu gọi kềm chế
Về phản ứng quốc tế, Trung Quốc là nước đầu tiên lên tiếng kêu gọi các bên giữ bình tĩnh và tự kềm chế nhằm tránh cho căng thẳng leo thang thêm. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng không quên đả kích Mỹ khi nhấn mạnh rằng Bắc Kinh "luôn phản đối sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế", và "chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq phải được tôn trọng".
Bộ Ngoại giao Nga, lời lẽ thẳng thừng hơn với Mỹ, cho rằng vụ hạ sát tướng Iran là một bước "liều lĩnh và sẽ làm gia tăng căng thẳng trên toàn khu vực". Thông báo của Nga còn gởi lời chia buồn đến người dân Iran.
Ở các nước Tây Âu, chính quyền Berlin kêu gọi các bên liên quan "thận trọng" và "xuống thang", Luân Đôn cũng kêu gọi các bên giảm nhiệt, cho rằng việc leo thang căng thẳng không có lợi cho ai.
Riêng nước Pháp thì, qua lời quốc vụ khanh đặc trách Châu Âu và Ngoại Vụ Amélie Montclair, nhấn mạnh đến ưu tiên "ổn định" cho khu vực, và trong chiều hướng đó sẽ liên lạc với tất cả các tác nhân và đối tác của Pháp trong vùng.
Đại sứ quán Pháp tại Tehran cũng khuyến cáo công dân Pháp ở Iran là nên tránh xa những nơi tụ tập đông người, nhất là trong bối cảnh Iran sẽ tổ chức 3 ngày lễ tang cho tướng Soleimani.
Trọng Nghĩa
Mỹ - Iran trao đổi tù nhân : Tổng thống Donald Trump cảm ơn Tehran (RFI, 08/12/2019)
Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Iran vẫn đang căng thẳng, hôm qua 07/12/2019, trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảm ơn chính quyền Iran về những cuộc thương lượng dẫn tới cuộc trao đổi tù nhân giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington, ngày 06/12/2019. CHIP SOMODEVILLA / GETTY IMAGES NORTH AMERICA / AFP
Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki cho biết thêm chi tiết :
"Quý vị thấy đấy, chúng ta có thể cùng nhau đạt được một thỏa thuận". Trong hàng loạt tin nhắn Twitter, tổng thống Mỹ tỏ ra vui mừng về cuộc trao đổi tù nhân. Ông cũng cảm ơn Iran về, xin trích, "những cuộc thương lượng đúng đắn và công bằng".
Cuộc trao đổi tù nhân liên quan đến một người Mỹ gốc Hoa 38 tuổi bị Tehran tố cáo làm gián điệp. Vương Tập Việt (Xiyu Wang) bị giam giữ từ 3 năm nay tại Tehran. Người thân của Vương Tập Việt và chính quyền Mỹ luôn bác bỏ những cáo buộc nói trên của Iran. Vương Tập Việt đến Iran vì các hoạt động nghiên cứu trong quá trình làm nghiên cứu sinh ở đại học Princeton.
Hôm qua, một quan chức ngoại giao Mỹ giải thích các cuộc thương lượng để Xiyu Wang được trả tự do đã kéo dài nhiều tháng. Đàm phán đôi khi trở nên khó khăn do quan hệ giữa Washington và Tehran trở nên căng thẳng vì hồ sơ hạt nhân và các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Vụ trao đổi tù nhân diễn ra ở Thụy Sĩ. Chính quyền Tehran đòi Mỹ thả một trong những công dân Iran bị bắt hồi năm ngoái tại Chicago. Trong các tin nhắn trên Twitter, Donald Trump hứa là Washington sẽ làm tất cả để mọi công dân Mỹ vô cớ bị giam giữ tại Iran hoặc ở những nơi khác được trả tự do.
Chủ nhân Nhà Trắng cũng không bỏ lỡ cơ hội để công kích người tiền nhiệm Obama khi nhấn mạnh là Vương Tập Việt đã bị Tehran bắt giam dưới thời Obama làm tổng thống Mỹ. Donald Trump mỉa mai là chính nhờ có Obama mà giờ đây ông đã giải thoát được công dân Mỹ".
Thùy Dương
*****************
Afghanistan : Hoa Kỳ và phe Taliban nối lại đàm phán ở Doha (RFI, 07/12/2019)
Theo AFP, một nguồn tin ngoại giao Mỹ khẳng định ngày 07/12/2019, Hoa Kỳ đã nối lại các cuộc đàm phán với phe nổi dậy Taliban ở Qatar, sau ba tháng gián đoạn.
Tổng thống Trump đến thăm các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan ngày 28/11/2019.Reuters
Vẫn theo nguồn tin này, "các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc giảm bớt các cuộc tấn công khủng bố để có thể tiến hành các cuộc thương thuyết giữa các phe Afghanistan và ban hành lệnh ngừng bắn".
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư, 04/12/2019, thông báo đặc sứ Mỹ phụ trách đàm phán với quân nổi dậy Taliban, ông Zalmay Khalilzad, sẽ lên đường đến Doha để "nối lại các cuộc thương lượng với Taliban". Cùng ngày hôm đó, đặc sứ Mỹ cũng đã đến Kabul để gặp tổng thống Ashraf Ghani và nhiều quan chức khác.
Hôm 07/09/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ngưng cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban mà Khalilzad tiến hành từ một năm qua, và dường như sắp đi đến việc đúc kết một thỏa thuận.
Nhà Trắng còn hủy lời mời bí mật các lãnh đạo Taliban đến gặp tổng thống Mỹ khi viện dẫn vụ một binh sĩ Mỹ bị thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố do quân nổi dậy tiến hành tại Kabul.
Sau vụ việc này, tổng thống Mỹ còn tuyên bố các cuộc thương lượng "đã chết và bị chôn vùi". Tuy nhiên, dường như ông Trump đã nới lỏng lập trường, để ngỏ cánh cửa đối thoại nếu Taliban chấm dứt các vụ tấn công. Các kênh liên lạc không chính thức đã được đề cập đến, nhưng chưa bao giờ được xác nhận chính thức.
AFP nhắc lại, chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan kéo dài từ 18 năm qua và hồi hương các binh sĩ Mỹ là một trong những lời hứa của tổng thống Trump khi tranh cử .
Minh Anh
*******************
Hoa Kỳ giữ chức chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An (RFI, 07/12/2019)
Kể từ 06/12/2019, Hoa Kỳ chính thức nắm chức chủ tịch Hội Đồng Bảo An trong vòng một tháng. Bà Kelly Craft, cựu đại sứ Mỹ Canada, được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc cách nay ba tháng, thay thế bà Nikki Haley, sẽ phải bảo vệ lợi ích của Washington trong các hồ sơ "nóng" tại định chế quốc tế này.
Tổng thống Donald Trump và đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc Kelly Craft tại Nhà Trắng ngày 05/12/2019. Reuters
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten giải thích :
"Không có chuyện giữ khoảng cách với định chế mà tổng thống Mỹ không mấy gì ưa thích, bà Kelly Craft dường như đã thực hiện vai trò của mình một cách nghiêm túc. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên về việc ủng hộ Israel vô điều kiện hay như chuyện gây áp lực tối đa mà bà mong muốn duy trì với Iran.
Về vấn đề tài chính, một cách công khai, bà đi theo đường hướng của Washington, vốn dĩ đang tìm cách giảm chi phí bằng mọi giá – thế nhưng, bà lại được giới công chức tại Liên Hiệp Quốc xem như là một đại diện tích cực, người đã thuyết phục được Hoa Kỳ trả phần đóng góp của mình vào lúc ngân quỹ của Liên Hiệp Quốc đang ở mức thấp nhất.
Dù vậy, Kelly Craft cũng khó đi sâu vào các hồ sơ và chỉ đưa ra những tuyên bố đơn giản cho thấy thiếu sự tinh tế địa chính trị. Là một tân binh, có thể cảm thấy bực bội trước những hồ sơ chất chồng từ năm này qua năm khác, bà cố gắng đánh động các đồng nhiệm tại Hội Đồng Bảo An.
Kelly Craft nhắc nhở rằng họ phải để ý đến cả những nơi khác trên thế giới và bà sẽ phải tận dụng một tháng làm chủ tịch luân phiên để có thể đưa ra một bảng tổng kết và để biết được Hội Đồng có hiệu quả hay không. Bà nói : ʺUy tín của Liên Hiệp Quốc phụ thuộc vào điều đó !ʺ
Một điều chắc chắn là nếu bà không phải là một chính khách như Nikki Haley, thì Kelly Craft sẽ thổi bùng một cách có hệ thống các vấn đề nhân quyền. Bà đã kể lại chuyến đi đến Nam Sudan đầu tiên mà nước mắt lưng tròng – một lối kể chuyện gần giống với các nhà hảo tâm nổi tiếng của tổ chức quốc tế, hơn là với các biệt ngữ thông thường của giới chức Liên Hiệp Quốc".
Minh Anh
Iran ngưng thực hiện một số cam kết trong hiệp định hạt nhân (RFI, 08/05/2019)
Hôm 08/05/2019, Iran thông báo sẽ ngưng thực hiện một số cam kết trong khuôn khổ hiệp định hạt nhân ký với quốc tế vào năm 2015, để đáp lại việc Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định này cách đây một năm. Thông báo này chắc chắc sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Tehran với Washington.
Tổng thống Iran Hassan Rohani, phát biểu trong cuộc họp chính phủ tại Tehran ngày 08/05/2019.Iranian Presidency / AFP
Trong một tuyên bố đọc trên đài truyền hình Nhà nước, tổng thống Rohani thông báo kể từ hôm nay, Iran sẽ ngưng việc gởi ra nước ngoài phần dư thừa của sản lượng uranium được làm giàu. Theo hiệp định hạt nhân ký với quốc tế, Tehran chỉ được phép giữ lại trên lãnh thổ Iran 300 kg uranium được làm giàu với tỷ lệ 3,67%. Iran cũng sẽ không gởi ra nước ngoài sản lượng nước nặng dư thừa. Trên nguyên tắc, Tehran chỉ được phép giữ 130 tấn nước nặng.
Tổng thống Rohani nói thêm là trong vòng 60 ngày, Iran sẽ thương lượng với 5 quốc gia tham gia ký kết hiệp định hạt nhân gồm Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc để tìm ra một giải pháp và bù đắp thiệt hại do các biện pháp trừng phạt của Mỹ về dầu hỏa và ngân hàng.
Ông cũng cảnh báo là nếu sau 60 ngày mà vẫn chưa tìm ra một giải pháp nào thì Iran sẽ không tuân thủ mức giới hạn 3,67% và sẽ làm giàu chất uranium với những tỷ lệ cao hơn. Với mức cao hơn 20%, chất uranium được làm giàu có thể được sử dụng vào mục đích quân sự. Ông Rohani còn thông báo là Iran cũng sẽ khởi động trở lại công trình xây dựng lò phản ứng hạt nhân Arak.
Cuối cùng, tổng thống Rohani cảnh báo là nếu các cường quốc dùng quyết định của Tehran làm cớ để đưa hồ sơ hạt nhân Iran ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và để ban hành những trừng phạt mới đối với nước này, Tehran sẽ đưa ra những quyết định cứng rắn hơn.
Thông báo của Iran được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Tehran với Washington. Hôm qua, Hoa Kỳ vừa loan báo điều oanh tạc cơ B-52 đến vùng Vịnh và cùng ngày trong chuyến viếng thăm thăm bất ngờ tại Bagdad, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran đang chuẩn bị các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng Mỹ trong khu vực. Trong chuyến viếng thăm Luân Đôn hôm nay, ông Pompeo sẽ cố thuyết phục đồng minh Anh Quốc ủng hộ Hoa Kỳ trong cuộc đối đầu với Iran.
Phản ứng về quyết định nói trên của Iran, thủ tướng Benjamin Netayahu tuyên bố là Israel sẽ không để cho Tehran trang bị vũ khí hạt nhân. Về phần Trung Quốc, một trong sáu nước còn tham gia hiệp định hạt nhân Iran, phát ngôn viên bộ ngoại giao Cảnh Sảng kêu gọi tiếp tục duy trì hiệp định này. Trong khi đó, tại Nga, điện Kremlin lên án "áp lực phi lý" mà Iran đang gánh chịu, khiến nước này buộc phải ngưng thực hiện một số cam kết trong hiệp định hạt nhân 2015.
Sau cuộc hội đàm với đồng nhiệm Iran Mohammad Javad Zarif hôm nay, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov kêu gọi các nước còn tham gia hiệp định hạt nhân Iran thực hiện các nghĩa vụ của mình để cứu vãn hiệp định này. Về phần ngoại trưởng Iran, ông cáo buộc ba nước Pháp, Anh, Đức đã không thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào của họ trong khuôn khổ hiệp định hạt nhân.
Thanh Phương
****************
Pháp : EU sẽ tái lập chế tài nếu Iran đi ngược lại thỏa thuận hạt nhân (VOA, 08/05/2019)
Các nước Châu Âu sẽ tái áp đặt các chế tài lên Iran nếu nước này đi ngược lại các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân, Reuters dẫn một nguồn tin từ văn phòng Tổng thống Pháp cho biết hôm thứ Ba, sau khi Tehran tuyên bố sẽ hạn chế tuân thủ một năm sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận.
Hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln lớp Nimitz đi qua Eo biển Gibraltar vào Địa Trung Hải, ngày 13 tháng 4, 2019.
Iran nói thông báo của Mỹ điều một hàng không mẫu hạm đến Trung Đông là tin cũ xài lại cho chiến tranh tâm lý, và nói rằng họ sẽ sớm công bố kế hoạch rút lại một số cam kết của họ theo thỏa thuận năm 2015.
Căng thẳng đã tăng lên trước dịp kỉ niệm một năm tròn Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, theo đó Iran đồng ý kiềm chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các chế tài quốc tế.
Chính quyền Trump đã khôi phục các chế tài của Mỹ và mở rộng chúng, trên thực tế ra lệnh cho các quốc gia trên thế giới ngừng mua dầu của Iran hoặc đối mặt với các chế tài nhắm vào chính họ.
Iran vẫn tiếp tục tuân thủ thỏa thuận. Các đồng minh Châu Âu của Washington, vốn phản đối Mỹ rút đi, đã cố gắng nhưng không tìm được cách giảm bớt tác động kinh tế từ hành động của Mỹ trong khi thúc giục Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận.
Truyền thông Iran đưa tin Tehran sẽ viết thư cho các nước còn kí kết thỏa thuận - các đồng minh của Mỹ là Anh, Pháp và Đức cũng như Nga và Trung Quốc - vào ngày thứ Tư để cung cấp cho họ thông tin chi tiết về kế hoạch "thu hẹp các cam kết của mình" theo thỏa thuận.
Các bản tin của truyền thông nhà nước Iran cho biết Iran không định rút khỏi thỏa thuận, nhưng sẽ khôi phục một số hoạt động hạt nhân đã bị đình chỉ theo thỏa thuận.
Nguồn tin từ văn phòng Tổng thống Pháp cho Reuters biết các nước Châu Âu chưa biết chính xác những bước mà Iran hiện đang định thực hiện, nhưng họ sẽ phải tái áp đặt các chế tài lên Iran nếu những bước đó ngang với việc đi ngược lại thỏa thuận.
Các quan chức Mỹ những ngày gần đây đã nói về thông tin tình báo cho biết có mối đe dọa quân sự từ Iran, dù họ không đưa ra chi tiết cụ thể.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton hôm Chủ nhật nói rằng Mỹ đang triển khai nhóm hàng không mẫu hạm tấn công Abraham Lincoln và một lực lượng đặc nhiệm máy bay ném bom đến Trung Đông để cảnh báo về các mối đe dọa của lực lượng Iran.
Nhưng Keyvan Khosravi, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, nói tàu Abraham Lincoln vốn theo lịch trình sẽ tới Vùng Vịnh và cho rằng thông báo này là một nỗ lực "vụng về" xài lại tin tức cũ cho "chiến tranh tâm lý".
Mỹ thường luân phiên điều hàng không mẫu hạm tới Vùng Vịnh để giữ vai trò dẫn đầu Hạm đội 5 đặt tại Bahrain. Hàng không mẫu hạm trước đó trong khu vực, John C Stennis, đã rời đi vào tháng 4 để về nhà khi hết đợt điều động.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan hôm thứ Hai nói ông đã chấp thuận việc điều động nhóm hàng không mẫu hạm tấn công và máy bay ném bom do có các chỉ dấu của một "mối đe dọa khả tín từ lực lượng của chế độ Iran". Ông không đưa ra chi tiết về thông tin tình báo làm căn cứ cho quyết định này.
**********************
Căng thẳng Mỹ-Iran đe dọa hiệp ước TNP (RFI, 08/05/2019)
Tương lai của Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân (gọi tắt theo tiếng Pháp là TNP) sẽ ra sao ? Câu hỏi này đang được đặt ra ngày càng khẩn thiết, nhất là với việc Iran đang dọa sẽ rút ra khỏi hiệp ước này để đáp lại việc Hoa Kỳ đơn phương tái lập các trừng phạt đối với Tehran.
Tổng thống Iran Hassan Rohani (phải) xem triển lãm thành tựu công nghệ hạt nhân Iran, ngày 09/04/2019 tại TehranIranian Presidency / AFP
Trong một năm nữa sẽ diễn ra hội nghị nhằm xem xét việc thực hiện TNP, mà cộng đồng quốc tế đã đạt được vào năm 1968 và có hiệu lực kể từ năm 1970. Hiệp ước nay đã được hầu như toàn bộ các quốc gia trên thế giới ký kết, cụ thể là 188 trên 192 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đã tham gia TNP.
Mặc dù đã có một số tiến bộ (từ 70 000 đầu đạt hạt nhân trên thế giới trong thập niên 1980 xuống còn 15 000 hiện nay), cộng đồng quốc tế vẫn chưa đạt được mục tiêu loại trừ nguy cơ của bom nguyên tử. Vào năm 1968 chỉ có 5 cường quốc nguyên tử, nay con số này nay đã lên đến 9 quốc gia, với Israel, Ấn Độ, Pakistan và mới đây là Bắc Triều Tiên gia nhập câu lạc bộ các nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
Vào năm 2017, ICAN, liên minh của gần 500 tổ chức phi chính phủ hoạt động về giải trừ vũ khí hạt nhân, đã được trao giải Nobel Hòa bình, cho thấy là thế giới ý thức nhiều hơn về nguy cơ của bom nguyên tử, thế nhưng, thái độ của các cường quốc hạt nhân thì vẫn không có gì thay đổi.
Trong hội nghị xem xét việc thực hiện TNP vào năm 2015, các quốc gia ký kết đã không đồng ý được với nhau về những bước tiếp theo. Trong tuần này, các nước đang họp lại tại New York để chuẩn bị cho hội nghị năm 2020, với hy vọng có thể đạt được những tiến bộ cụ thể. Nhưng nếu hội nghị lần tới vẫn gặp bế tắc, liệu TNP sẽ còn giá trị ?
Theo nhận xét của ông Jean-Marie Collin, phát ngôn viên của tổ chức ICAN France, trả lời RFI Pháp ngữ, bối cảnh hiện nay rất là bất lợi :
"Có rất ít hy vọng. Bởi vì chúng tôi nhận thấy là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đã ký kết hiệp ước và trong những năm gần đây đã chấp nhận những biện pháp mà họ đã biểu quyết thông qua, nhưng họ lại không thực hiện các biện pháp đó.
Nếu vào năm tới, TNP lại gặp trắc trở, chúng ta sẽ gặp nguy cơ phổ biến hạt nhân thật sự, đó sẽ là một bước lùi lớn. Chúng ta sẽ quay trở lại thời kỳ của những thập niên 1950, 1960, với nguy cơ là sẽ có đến 25 quốc gia sở hữu bom nguyên tử. Và đó sẽ là lỗi của những quốc gia hiện đang có vũ khí hạt nhân."
Bắc Triều Tiên đã rút khỏi TNP vào năm 2003 và từ đó đã dần dần trở thành một quốc gia sở hữu bom nguyên tử. Chính là để tránh nguy cơ tương tự mà các cường quốc đã thuyết phục Iran ký hiệp định hạt nhân 2015. Nhưng nay Tehran vừa thông báo ngưng thực hiện một số cam kết trong hiệp định này.
Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif vào cuối tháng Tư vừa qua đã tuyên bố một trong những phương án mà Iran dự trù để đáp lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đó là rút khỏi hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Tehran đã từng dọa rút khỏi TNP sau khi tổng thống Trump vào tháng 05/2018 quyết định đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran.
Mỹ bóp nghẹt về dầu lửa, Iran vất vả tìm cách sống sót
Các bài học cần rút ra từ ngày lễ Lao động 1/5 vừa qua, ảnh hưởng của các nghiệp đoàn lên giới công chức, vụ những người biểu tình đột nhập vào bệnh viện La Pitié-Salpétrière, các nhà hát Opéra tại Pháp, sức mua....là tựa chính các báo Paris hôm nay. Về thời sự quốc tế, tình hình Venezuela và Iran được bàn luận nhiều nhất.
Một giàn khoan dầu ở giếng Soroush của Iran trên vịnh Péc-xích. Ảnh tư liệu chụp ngày 25/07/2005. Reuters/Raheb Homavandi/File Photo
Suy thoái, lạm phát đang chờ
Còn tại Trung Đông, Libération nhận định "Trừng phạt Iran : Phương pháp thô bạo của Trump", Les Echos nói về "Cú siết cuối cùng của Hoa Kỳ lên dầu lửa Iran", "Washington gia tăng áp lực lên Iran", theo Le Monde. Hôm qua Hoa Kỳ thông báo không còn đặc miễn cho bất kỳ nước nào để mua dầu của Iran. Sự bóp nghẹt này có thể làm lạm phát của Iran lên đến 37% và tạo ra suy thoái ở mức kỷ lục.
Trong số 8 nước trước đây còn được mua, Ấn Độ lập tức ngưng, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Mỹ suy nghĩ lại, còn Đài Loan, Ý, Hy Lạp thì đã ngưng giao dịch trước đó. Bắc Kinh vốn mua của Iran 580.000 thùng dầu/ngày trong năm ngoái, mạnh mẽ tố cáo Washington, nói rằng không chấp nhận tuân lệnh Mỹ, nhưng Tehran chẳng nhận được đơn đặt hàng nào trong tháng Năm của Trung Quốc cũng như các nước khác.
Le Mondenhận định "Các phương tiện né tránh cấm vận giảm xuống nhiều đối với Tehran". Năm ngoái, toàn bộ các tàu hàng của Iran đều vô hiệu hóa hệ thống định vị GPS từ vùng biển quốc gia cho đến eo biển Ormuz để chống theo dõi. Nhiều vụ sang mạn dầu lửa ngoài khơi đã được ghi nhận tại vùng biển xung quanh các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, xuất xứ dầu thô Iran được che giấu bằng giấy tờ giả.
Khó thể lén lút bán đến 1 triệu thùng dầu/ngày
Nhưng Abudi Zein, giám đốc công ty ClipperData chuyên nghiên cứu lượng giao dịch dầu lửa quốc tế khẳng định : "Không dễ che giấu một lượng dầu quá lớn, Iran chỉ có thể xuất đi tối đa 350.000 thùng/ngày từ tháng Giêng đến tháng Hai năm 2019". Bà Sara Vakhshouri, cựu giám đốc Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) cho rằng ước tính trên vẫn còn quá cao, Tehran chỉ có khả năng xuất lậu được khoảng 150.000 – 200.000 thùng. Đặc biệt là do mạng lưới vệ tinh và ăng-ten theo dõi đã dày đặc thêm từ 5 năm qua. Việc xử lý khối lượng dữ liệu được tự động hóa, và các hình ảnh vệ tinh ngày càng chính xác, giúp ước tính được trọng tải của các tàu.
Cho đến năm 2015, Iran bí mật chuyển dầu bằng đường bộ sang Thổ Nhĩ Kỳ và được trả bằng vàng để né tránh chuyển ngân. Nay Tehran cũng có thể sử dụng cách tương tự với miền nam Iraq hay Azerbaizan, hoặc đưa dầu qua biển Caspi (Caspienne). Nhưng làm thế nào nhận tiền mà không bị Mỹ phát hiện ? Một chuyên gia nhận xét : "Iran luôn có thể lén bán dầu, nhưng cần phải bán được 1 triệu thùng mỗi ngày để có thể sống sót, như thế là quá nhiều !".
Cấm vận và nghĩa địa máy bay ở thủ đô Tehran
Trong khi chính quyền khoe khoang đã chống chọi được trước các trừng phạt của Mỹ, những chiếc phi cơ chờ đợi phụ tùng thay thế hay đã quá cũ nằm chen chúc tại sân bay Mehrabad, ở thủ đô Iran. Libération mô tả tình trạng này trong bài viết "Ngay giữa Tehran, một nghĩa trang máy bay cồng kềnh".
Từ trên không nhìn xuống là cả một khung cảnh lộn xộn : những cánh máy bay đan chéo nhau, mũi chiếc này đụng vào hông chiếc kia hoặc húc vào chiếc khác… ngay cả dùng Google Maps cũng thấy được, chẳng cần hình ảnh vệ tinh. Chúng phải nằm bẹp trên mặt đất do bị quốc tế cấm vận từ 40 năm qua, và từ năm 2018 tổng thống Mỹ Donald Trump lại siết chặt thêm, cấm bán phụ tùng máy bay cho Tehran.
Phát ngôn viên tổ chức hàng không dân dụng Iran (OACI) nói với các nhà báo là số chuyến bay đã tăng lên gấp 10, và số phi trường thì gấp đôi, kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo. Tuy nhiên theo Libération, số phi cơ bay được chỉ là 145/311 chiếc vì cũ kỹ, chúng trở thành nguy hiểm. Tỉ lệ hành khách tử vong lên đến 1,89 trên 1 triệu người, trong khi mức trung bình của thế giới là 0,34.
Với hiệp định nguyên tử Iran, Mỹ cho phép Tehran được mua máy bay và phụ tùng. Airbus đã bán được 118 chiếc trị giá 27 tỉ đô la cho Iran Air, cho thuê thêm 29 chiếc với giá 17 tỉ đô la ; một số công ty hàng không nhỏ hơn cũng đặt mua nhiều máy bay. Nay hầu như không có chiếc nào được giao ngoài ba chiếc Airbus lúc đầu. Về phụ tùng, một công ty Na Uy là Norwegian Air Shuttle đã có kinh nghiệm xương máu khi phải hạ cánh khẩn cấp xuống Shiraz, miền nam Iran và phải nằm ở đó suốt hai tháng trời chờ OFAC, cơ quan áp dụng cấm vận của Mỹ cấp giấy phép mới sửa chữa được.
Diễn biến cuộc đảo chính bất thành ở Venezuela
"Tại Venezuela, Maduro chống chọi với cuộc tấn công mới của Guaido", đó là nhận xét của Le Monde. Trong khi đó, "Washington hy vọng lôi kéo được những người ủng hộ chế độ".
Thủ lãnh đối lập Juan Guaido đã kêu gọi tham gia "cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử đất nước"vào ngày 1/5. Nhưng 24 giờ trước đó, ông gây bất ngờ khi tung ra "giai đoạn cuối cùng của chiến dịch Tự Do" chống Maduro, và đã không thành công. Ông Maduro đã chiến thắng, như những người ủng hộ ông khẳng định, hay ngược lại, sự kiện này đã làm chế độ thêm yếu đi và chia rẽ ?
Đặc phái viên của Le Monde tại Caracas thuật lại, ngay từ rạng đông hôm thứ Ba 30/4, một video của Juan Guaido đã xuất hiện trên các mạng xã hội. Ông đứng cạnh Leopoldo Lopez, thủ lãnh chính trị uy tín đã bị kết án 14 năm tù, cùng với nhiều vệ binh quốc gia vũ trang, gần một căn cứ quân sự ở La Carlotta, trung tâm Caracas. Ông Lopez từ cuối năm ngoái được chuyển sang quản thúc tại gia, và vừa được các quân nhân giải thoát. Những người lính đứng bên cạnh đều đeo băng xanh, tỏ dấu hiệu đứng về phía chiến dịch Tự Do.
Các nhà đối lập tin rằng thời khắc đã đến, các tướng lãnh đã bỏ rơi Maduro, những lời kêu gọi xuống đường nở rộ trên các mạng xã hội. Trong nhiều tiếng đồng hồ, tình hình vẫn lộn xộn : hơi cay, đạn cao su được bắn vào đám đông, ông Nicolas Maduro không thấy xuất hiện. Métro không hoạt động, nhiều trang web thông tin bị đóng. Trên Twitter, hình ảnh một xe bọc thép của cảnh sát lao vào những người biểu tình gây lo sợ bạo động. Đến chiều thì đã rõ : các tướng lãnh không theo phe đối lập. Leopoldo Lopez và gia đình vào tị nạn tại đại sứ quán Chilê, sau đó sang tòa đại sứ Tây Ban Nha. Buổi tối, mới thấy ông Maduro trên truyền hình.
Maduro trụ lại được, nhưng ngờ vực bao trùm
Thông tín viên Le Monde tại Washington dẫn lời ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết thêm : "Một chiếc máy bay đã đậu sẵn trên đường băng, Maduro đã định chạy trốn nhưng người Nga khuyên không nên".
Theo những người thân cận của ông Guaido, thì"giai đoạn cuối cùng của chiến dịch Tự Do"dự kiến vào thứ Tư 1/5. Nhưng có thông tin là chế độ định bắt giam cả hai thủ lãnh Guaido và Lopez, khiến họ phải tiến hành sớm hơn. Dường như sự phối hợp với các nhà đối lập khác bị trục trặc. Maduro đe dọa trừng trị những quân nhân phản bội. Còn phe đối lập cho rằng đã thắng khi chính quyền không dám bắt giữ hai thủ lãnh.
Le Monde cho biết các tướng lãnh đã do dự mất nhiều tiếng đồng hồ, còn các lãnh đạo ở tỉnh thì buộc chế độ phải trả giá đắt cho sự trung thành của họ. Theo Washington, liên lạc đã được thiết lập với nhiều tướng tá và nhân vật quan trọng trong chính quyền, nhưng vào phút chót họ lại đổi ý. Nhà cựu ngoại giao Nicolas Rojas nhận xét : "Maduro giờ đây nghi ngờ lòng trung thành của các tướng và những người thân cận. Ông ta vẫn chống chọi được nhưng không còn lãnh đạo nổi".
Tại Paris, đại diện của ông Guaido giải thích chiến lược là nhằm duy trì áp lực thường trực lên chế độ, dần dà tranh thủ giới quân đội. Le Monde ghi nhận ý kiến của một người dân : "Kêu gọi tổng đình công tại một đất nước không làm việc, chẳng sản xuất được gì ? Thật vô nghĩa !". Ông tin rằng chỉ có can thiệp quân sự mới thay đổi được chính thể, và nhiều người Venezuela khác cũng chia sẻ quan điểm này.
Vùng phi quân sự Triều Tiên sẽ thành khu du lịch
Về Châu Á, đặc phái viên La Croix mô tả vùng phi quân sự Triều Tiên, vẫn còn là khu vực quân sự nhưng sẽ trở thành khu du lịch sinh thái trong tương lai.
Hiệp định quân sự liên Triều được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh Bàn Môn Điếm hồi tháng Chín năm ngoái dự kiến biến vùng phi quân sự (DMZ), biểu tượng của cuộc chiến tranh lạnh, thành vùng đất hòa bình. Nhiều con đường dã ngoại sẽ được mở ra từ nay cho đến mùa xuân, "du lịch sinh thái" được thử nghiệm với một nhóm nhà báo quốc tế. Năm ngoái có sáu triệu du khách đến thăm trong đó 40% là khách ngoại quốc, và văn phòng du lịch Gyeonggi dự định xây dựng cáp treo, công viên giải trí. Họ cho biết "Người miền Bắc không còn là kẻ thù", sau làn sóng hòa bình mới đây.
Tuy vậy vẫn còn một triệu lính Bắc Triều Tiên ở phía bên kia, và gần 600.000 quân nhân (trong đó có 25.000 lính Mỹ) đóng ở phía Nam. Mối đe dọa vẫn còn đó, dù không rõ rệt như trong quá khứ. Một hướng dẫn viên chuyên nghiệp nhận xét : "Sau phép lạ kinh tế Hàn Quốc, chúng tôi cần phải hoàn tất phép lạ cuối cùng, đó là thống nhất đất nước".
Thụy My
Mỹ-Brazil bàn cách tăng áp lực buộc Tổng thống Venezuela rời chức (VOA, 09/04/2019)
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gặp người đồng cấp phía Brazil, Hamilton Mourao, tại Tòa Bạch Ốc hôm 8/4 để thảo luận về các biện pháp chế tài và Ngoại giao nhằm tăng áp lực để Tổng thống theo chủ nghĩa xã hội của Venezuela, Nicolas Maduro, phải ra đi.
Phó Tổng thống Brazil, Hamilton Mourao.
Mục đích của ông Pence là khuyến khích Phó Tổng thống Brazil dùng kinh nghiệm và ảnh hưởng để thúc đẩy giới lãnh đạo quân sự Venezuela-cũng như Trung Quốc và Nga-thôi ủng hộ ông Maduro, một giới chức Tòa Bạch Ốc cho Reuters biết.
Hoa Kỳ và đa số các nước phương Tây hậu thuẫn lãnh đạo đối lập Venezuela, Juan Guaido, người tự xưng là Tổng thống lâm thời từ đầu năm nay viện dẫn lý do rằng việc ông Maduro tái đắc cử hồi năm ngoái là bất hợp lệ.
Ông Maduro – người được hậu thuẫn bởi Nga và Trung Quốc và vẫn còn nắm quyền kiểm soát các định chế nhà nước và quân đội quốc gia – gọi ông Guaido là con rối của Mỹ.
Nguồn tin của Reuters cũng nhận định rằng Phó Tổng thống Brazil, Mourao, là người trong vị thế rất tốt để đương đầu với sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga dành cho ông Maduro, vì Brazil là một đối tác trong các nước thuộc BRICS, nhóm các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn nhất.
Mỹ chế tài công ty dầu khí quốc doanh Venezuela PDVSA từ đầu năm nay, nhằm cắt các nguồn thu từ dầu khí của chính quyền Maduro, đồng thời cũng trừng phạt các ngân hàng, các công ty vận tải của Venezuela cùng các cá nhân có liên hệ với ông Maduro.
Tòa Bạch Ốc muốn thấy các đồng minh như Brazil có các biện pháp kinh tế tương tự để cô lập Venezuela, theo giới chức Tòa Bạch Ốc được Reuters thuật lời.
*****************
Mỹ đưa "Vệ binh cách mạng" Iran vào danh sách khủng bố (RFI, 09/04/2019)
Vệ binh cách mạng Iran, lực lượng vũ trang bảo vệ chế độ giáo quyền, bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen các tổ chức khủng bố. Đây là lần đầu tiên một định chế của chính quyền Iran bị trừng phạt.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Washington, ngày 08/04/2019 Reuters/Yuri Gripas
Quyết định của tổng thống Mỹ công bố ngày 08/04/2019 sẽ có hiệu lực kể từ 15/04. Iran đáp trả tức khắc, xem lực lượng Hoa Kỳ tại Trung Đông là "các nhóm khủng bố".
Thông cáo của Nhà Trắng tố cáo "lực lượng Vệ binh cách mạng tiến hành các chiến dịch khủng bố trên thế giới theo lệnh của chính phủ Iran". Đích thân tổng thống Donald Trump cảnh báo "mọi giao dịch, buôn bán với lực lượng này là tài trợ cho khủng bố".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong cuộc họp báo chiều thứ Hai kêu gọi "doanh nghiệp và ngân hàng trên thế giới đình chỉ mọi hoạt động tài chính với Vệ binh cách mạng Iran". Người vi phạm có thể lãnh án 20 năm tù. Giới lãnh đạo Iran còn bị ngoại trưởng Mỹ gọi là "xã hội đen".
Iran phản ứng tức khắc. Tổng thống Hassan Rohani lên án Mỹ "đứng đầu khủng bố quốc tế". Hội đồng an ninh quốc gia Iran xếp lực lượng Mỹ tại Trung Đông và danh sách khủng bố của Iran. Biến chuyển mới này làm tăng nguy cơ xung đột giữa hai quân đội.
Từ Teheran, thông tín viên Siavos Ghazi tường thuật :
"Hội đồng tối cao an ninh quốc gia, gồm tất cả lãnh đạo chính trị và chỉ huy quân sự cao cấp nhất của Iran, gọi Hoa Kỳ là chính phủ ủng hộ khủng bố. Centcom, hay bộ tư lệnh quân sự Mỹ trong khu vực và tất cả các lực lượng trực thuộc bố trí ở vùng Vịnh Ba Tư, Trung Đông, Afghanistan và Trung Á, đều bị xem là những phần tử khủng bố.
Diễn biến này làm gia tăng nguy cơ xung đột võ trang giữa Mỹ và Iran tại vùng Vịnh.
Thật vậy, hải quân của Vệ binh cách mạng kiểm soát eo biển Ormuz, kiểm soát tàu bè qua lại nhất là tàu quân sự ra vào Vịnh Ba Tư.
Quyết định trừng phạt của Mỹ chắc hẳn sẽ làm tăng thêm trọng lượng của Vệ binh cách mạng trên bàn cờ chính trị Iran trong lúc họ đã nắm trong tay phần lớn lãnh vực kinh tế quốc gia. Các công ty có quan hệ với lực lượng võ trang này đầu tư trong nhiều dự án hạ tầng đặc biệt là trong ngành năng lượng".
Theo AFP, quyết định của Mỹ được hai nước trong vùng là Ả Rập Xê Út và Israel hoan nghênh. Đang cần phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội 09/04/2019, để tái đắc cử nhiệm kỳ 5, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cám ơn "món quà" của chủ nhân Nhà Trắng.
Tú Anh
********************
Tổng thống Mỹ gọi Vệ binh Cách mạng Iran là 'khủng bố' (BBC, 09/04/2019)
Tổng thống Donald Trump đã định danh lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ (IRGC) của Iran là một tổ chức khủng bố nước ngoài.
Mỹ từng có chế tài trừng phạt bộ phận đối với Vệ binh Cách mạng của Iran từ trước
Đây là lần đầu tiên Mỹ gán cho quân đội của một quốc gia khác là một tổ chức khủng bố.
Iran trả đũa bằng cách tuyên bố lực lượng Mỹ ở Trung Đông là một tổ chức khủng bố, truyền thông nhà nước Iran đưa tin.
Căng thẳng Washington-Tehran đã tăng lên kể từ khi ông Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước hạt nhân quốc tế Iran.
Dán nhãn Vệ binh Cách mạng là một tổ chức khủng bố sẽ cho phép Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt tiếp theo - đặc biệt ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh, do sự tham gia của Vệ binh Cách mạng vào nền kinh tế Iran.
Một số thực thể của lực lượng này và các tổ chức liên kết đã bị Mỹ nhắm các lệnh trừng phạt vào vì các hoạt động bị cáo buộc là phổ biến, hỗ trợ cho khủng bố và vi phạm nhân quyền.
Tuyên bố của ông Trump hôm thứ Hai, 08/4/2019, nói :
"Bước tiến chưa từng có này, do Bộ Ngoại giao dẫn dắt, công nhận thực tế rằng Iran không chỉ là Nhà tài trợ khủng bố của Nhà nước, mà Vệ binh Cách mạng còn tích cực tham gia, tài trợ và thúc đẩy khủng bố như một công cụ của nhà nước".
Tổng thống Trump nói thêm rằng động thái này nhằm "mở rộng đáng kể phạm vi và quy mô" áp lực đối với Iran.
"Nếu bạn đang làm kinh doanh với Vệ binh Cách mạng, tức là bạn đang tài trợ cho khủng bố", ông Trump nói.
Các biện pháp sẽ có hiệu lực trong một tuần nữa, theo Bộ Ngoại giao.
Bất đồng trong chính quyền ?
Tổng thống Mỹ cảnh báo bất cứ ai làm ăn kinh doanh với Vệ sinh Cách mạng là đang 'tài trợ' cho khủng bố
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, cả hai nhân vật diều hâu đối với Iran, đã bảo vệ quyết định, nhưng không phải tất cả các quan chức đều ủng hộ.
Ông Pompeo nói với các phóng viên hôm thứ Hai, Mỹ sẽ tiếp tục trừng phạt và gây áp lực với Iran để buộc nước này "hành xử như một quốc gia bình thường" và kêu gọi các đồng minh của Mỹ hành động tương tự.
"Giới lãnh đạo của Iran không phải là những nhà cách mạng và người dân xứng đáng được hưởng điều tốt hơn", ông Pompeo nói. "Họ là những kẻ cơ hội".
Trong một thông điệp sau đó trên Twitter, ông nói Trump thêm : "Chúng tôi phải giúp người dân Iran lấy lại tự do".
Ông Bolton nói rằng việc dán nhãn Vệ binh Cách mạng là khủng bố là "định danh đúng đắn".
Nhưng một số quan chức Lầu Năm Góc, bao gồm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Joe Dunford, đã bày tỏ lo ngại về sự an toàn của quân đội, báo Wall Street Journal đưa tin.
Giới chức quân sự cảnh báo việc định danh này có thể gây ra bạo lực đối với các lực lượng Hoa Kỳ ở Trung Đông mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của Iran.
Tin cho hay Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) cũng đã phản đối động thái này.
Phản ứng của Iran
Hội đồng an ninh quốc gia Iran tuyên bố Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ (Centcom) là một tổ chức khủng bố sau khi Ngoại trưởng Javad Zarif viết cho Tổng thống Hassan Rouhani kêu gọi đáp trả như vậy, kênh tin tức nhà nước IRINN cho hay.
Lão đạo Iran đã lập tức có hành động đáp trả với Mỹ và gọi lực lượng quân sự của Mỹ ở Trung Đông (CentCom) là khủng bố
Centcom là một cánh của Bộ Quốc phòng giám sát các lợi ích an ninh của Washington trên toàn khu vực trung tâm của bản đồ thế giới, nổi bật nhất là Afghanistan, Iraq, Iran, Pakistan và Syria.
Cộng hòa Hồi giáo Iran cảnh báo sẽ trả đũa cụ thể vào tuần trước, sau khi tin tức về kế hoạch của chính quyền Trump lần đầu tiên xuất hiện.
"Chúng tôi sẽ đáp trả bất kỳ hành động nào được thực hiện chống lại lực lượng này bằng một hành động đối ứng", một tuyên bố được đưa ra bởi 255 trong số 290 nghị sĩ Iran cho biết, theo hãng tin IRNA của nhà nước.
Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đang tranh đấu cho sống còn về chính trị trong cuộc bầu cử hôm thứ Ba 09/4, đã cổ vũ cho động thái của Hoa Kỳ.
Vệ binh Cách mạng, đơn vị quân sự tinh nhuệ nhất của Iran, được thành lập ngay sau cuộc cách mạng năm 1979 của Iran để bảo vệ chế độ Hồi giáo của đất nước, và để tạo đối trọng trước các lực lượng vũ trang thông thường.
Vệ binh Cách mạng đã trở thành một lực lượng quân sự, chính trị và kinh tế lớn ở Iran, với mối quan hệ chặt chẽ với Lãnh tụ tối cao, Ayatollah Ali Khamenei, và nhiều nhân vật cấp cao khác.
Lực lược này ước tính có hơn 150.000 nhân viên hoạt động, tuyên bố rằng có các lực lượng bộ binh, hải quân và không quân của riêng mình, và giám sát vũ khí chiến lược của Iran, bao gồm cả hỏa tiễn đạn đạo.
Vệ binh Cách mạng gây ảnh hưởng ở những nơi khác ở Trung Đông bằng cách cung cấp tiền, vũ khí, công nghệ, đào tạo và tư vấn cho các chính phủ đồng minh và các nhóm vũ trang thông qua lực lượng hoạt động trong bóng tối ở nước ngoài được biết đến là Lực lượng Quds (Jerusalem).
Bằng việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tổng thống Donald Trump đang tính đến việc tái thương lượng hoặc thay đổi chế độ (tại quốc gia này). Trump dường như tính đến việc kết thúc nó bằng chiến tranh.
Tổng thống Donald Trump mặc định rằng những tổn thất về kinh tế do cấm vận, mới có thể buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán, như đã xảy ra với Bắc Hàn.
Vào ngày 8 tháng 5, Trump đã kết liễu mối quan hệ của giữa Mỹ và Iran bằng việc rút khỏi Thỏa thuận chung về chương trình hạt nhân của Iran (The Joint Comprehensive Plan of Action), nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran và đặt chương trình này dưới sự kiểm tra thường xuyên của quốc tế. Đổi lại Iran sẽ được bãi bỏ cấm vận. Sự rút lui từ thỏa thuận mà Trump gọi là "mục ruỗng" đã bảo toàn lời hứa của ông trong chiến dịch tranh cử. Nhưng, không chỉ thề sẽ phục hồi lại cấm vận Iran, ông còn hứa sẽ mở rộng nó, và trừng phạt bất cứ doanh nghiệp nào làm ăn kinh doanh với Iran dù doanh nghiệp đó đặt cơ sở ở đâu.
Từ khi Liên Hợp Quốc nói rằng Iran không hề vi phạm thỏa thuận và chỉ trích Mỹ về hành động đơn phương này thì chính quyết định của Trump đã làm tăng sự thuyết phục cho những lập luận thù địch rằng không thể tin tưởng được Mỹ vì các quy tắc quốc tế mà Mỹ tuyên bố duy trì đều dễ dàng bị phá bỏ. Câu hỏi cho tất cả các bên còn lại của thỏa thuận (Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp và Liên Hiệp Châu Âu) rằng : điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ? Câu hỏi đặt ra cho cả thế giới, đặc biệt là vùng Trung Đông : việc Iran sản xuất bom hạt nhân sẽ có ý nghĩa gì ?
Trong thông báo vào hôm thứ ba, Trump đã đưa ra câu trả lời của mình. Ông nói ông "muốn, sẵn sàng và có thể" điều đình một thỏa thuận mới để hạn chế sự hung hăng trong khu vực và kế hoạch hạt nhân của Iran, nhưng ông không có kế hoạch gì cụ thể. Ông cũng mở ra đề xuất cho người dân Iran, những người Trump gọi là "con tin" của chính quyền, nổi dậy chống lại kẻ đàn áp.
Trọng tâm kế hoạch của Trump dựa vào hiệu ứng về sự cấm vận. Đầu tiên nó mặc định rằng với sự cấm vận mạnh tay hơn, kinh tế của Iran sẽ có ít khả năng cho một cuộc chiến tranh tài chính với Iraq, Syria, Lebanon và Yemen. Nhưng thái độ thù hằn của Iran không phải là kết quả của bài toán tài chính. Mặc dù những cuộc biểu tình đường phố yêu cầu chính phủ chi tiền nhiều hơn trong nước, Iran vẫn chi tiền cho các nhóm phiến quân bởi vì họ mong muốn có được sự ảnh hưởng và do họ cảm nhận được những mối đe dọa. Trump bắt đầu đe dọa Iran trong tuần này rằng Trump có thể quyết tâm hơn.
Tiếp theo, Trump mặc định rằng những tổn thất về kinh tế do cấm vận, mới có thể buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán, như đã xảy ra với Bắc Hàn. Những cấm vận nặng nề có thể buộc các chế độ phải thương lượng, như Iran đã từng phải làm trong thỏa thuận mà Trump vừa hủy bỏ. Nhưng Trump dường như không hiểu rằng những người lãnh đạo mà Trump đã coi thường sẽ không chịu đầu hàng hoàn toàn trước yêu cầu của ông ta và sẽ tiếp tồn tại.
Có lẽ đây chính là điều đáng để bàn, và Trump đang cá cược rằng sự cấm vận sẽ dẫn đến những tổn thất kinh tế và sẽ đánh đổ chế độ. Nhưng người mullah sẽ không lãnh đạo Iran mãi mãi. Những kẻ như Castro ở Cuba đã đối mặt với cấm vận trong hàng thập kỉ. Những nhà thần quyền Iran đã chứng tỏ rằng họ sẵn lòng giữ chế độ bằng lực lượng quân sự của mình.
Chúng ta hoan nghênh sự chấm dứt sự thù địch của Iran, nhưng bằng một chính sách chứ không phải bằng một cảm tính. Thay vào đó, đối mặt với sự thất bại của kế hoạch của Trump, các bên trong cuộc của thỏa thuận sẽ cố gắng để giữ nó sống sót cho đến khi nào họ có thể. Một mặt để chứng tỏ rằng Trump và những người ủng hộ của ông ta rằng những luật lệ toàn cầu rất quan trọng. Ví dụ, EU nên tiếp tục gặp mặt các quan chức Iran và đề xuất sự phản đối với WTO về các cấm vận của Mỹ đối với các công ty của họ, như họ đã làm 20 năm trước, khi Mỹ áp đặt hàng loạt cấm vận lần thứ hai với Cuba. Một mặt để giữ chân Iran khỏi dự định tái khởi động chương trình hạt nhân.
Nhưng, hành động một cách thực tiễn, Trung Quốc và Nga không muốn kéo Trump ra khỏi cái hố mà ông ta tự nhảy xuống, và EU không thể giữ thỏa thuận một mình. Đồng dollar vẫn chiếm ưu thế (dù những gì Trump làm khiến người ta tưởng tượng một viễn cảnh khi đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền giao dịch toàn cầu). Các công ty, trước một lựa chọn hoạt động ở Mỹ hay Iran chắc chắn sẽ ngã về thị trường lớn hơn.
Cho nên những gì đạt được từ một thỏa thuận sắp tới sẽ không đáng kể và Iran có thể sớm muộn gì cũng tái khởi động chương trình hạt nhân. Thỏa thuận hạt nhân (đang có) với Iran đã tránh cho khả năng (khởi động chương trình hạt nhân) đó, bằng việc cung cấp những cảnh báo sớm và lựa chọn tránh áp đặt các lệnh trừng phạt. Thiếu đi thỏa thuận này, Iran có thể tìm đường quay lại chế độ bảo thủ trước đây, họ sẽ xây dựng những chiếc máy ly tâm mới, làm giàu uranium tới mức độ để làm vũ khí hạt nhân và các đầu đạn hạt nhân. Nếu chương trình của Iran tiến hành kín đáo theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, mọi chuyện sẽ đi ra ngoài tầm kiếm soát. Hơn nữa, nếu sự cấm vận đã được tăng cường mạnh mẽ thì Trump và người kế nhiệm của ông ta sẽ còn không gian ngoại giao để kiềm chế Iran. Thay vào đó, họ sẽ phải dùng đến các hành động quân sự.
Chiến tranh với Iran sẽ chẳng dễ dàng gì. Trump sẽ thắng khi phá hủy thêm một vài chiếc máy ly tâm ? Nhưng Iran vẫn có thể tiến về ngưỡng sỡ hữu hạt nhân. Và, dường như các chương trình hạt nhân của Iran và Syria đã từng bị phá hủy trong một chiến dịch bởi không quân Israel, Iran biết rằng khả năng công nghiệp không thể bị phá hủy hoàn toàn bởi bom. Nếu Iran quyết định sản xuất vũ khí, Mỹ và Israel sẽ phải đánh bom thêm một vài năm nữa. Và họ sẽ biện minh điều này thế nào ? Thật khó để tin rằng có một tổng thống Mỹ lại có thể hủy bỏ một thỏa thuận quốc tế cho những điều khó hiểu với một cái giá đắt như vậy.
Nguyên tác : Scrapping the Iran deal won’t do anyone any good, The Economist, 12/08/2018
Nguyễn Việt Anh chuyển ngữ (16/5/2018)