Trung Quốc : Corona, siêu vi tự do ngôn luận ?
Chủ đề chính của báo Pháp hôm nay vẫn là dịch viêm phổi mới hoành hành tại Trung Quốc và các hệ quả : Số người chết và bị lây nhiễm tăng vọt từng ngày, các cấp chính quyền nói nhiều nhưng bất lực, dân chúng nổi giận, thị trường chứng khoán dao động, quốc tế chuẩn bị di tản kiều dân và lần đầu tiên chế độ chuyên chế bị phê phán.
Đường phố Vũ Hán vắng vẻ sau khi chính quyền tuyên bố cấm các phương tiện giao thông không thiết yếu lưu thông trong khu vực trung tâm, ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Trung Quốc. cnsphoto via REUTERS.
Siêu vi Corona lan nhanh tại Trung Quốc. Chính quyền "tác chiến" trong thế hỗn độn. Lo sợ biến thành hoảng loạn tinh thần. Đây là cú "sốc" cho kinh tế Trung Quốc. Sàn giao dịch thế giới chao đảo. Doanh nhân Pháp tại Vũ Hán sợ tác động cho công việc làm ăn. Đó là một loạt tựa lớn trên trang nhất của Le Monde, Libération, Les Echos.
Tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo chống kiểm duyệt thông tin
Vào lúc chính quyền trung ương chỉ đạo kiểm soát tình hình thì ở địa phương, chính quyền các thành phố lập hàng rào chống dịch trong hỗn loạn. Điển hình là ở Vũ Hán, trong số 11 triệu dân thì đã có 5 triệu người đi về quê. Chỉ trong vòng 2 ngày cuối tuần, số trường hợp lây nhiễm tăng gấp 4 lần, số tử vong tăng lên 5 lần. Nhưng thế nào là biện pháp "của trung ương" ? Le Monde mô tả : Truyền hình nhà nước cho thấy Tập Cận Bình triệu tập Bộ chính trị, chỉ đạo, còn 6 ủy viên ngồi ghi chép "tăng cường tập trung lãnh đạo và đoàn kết trung ương đảng".
Trong khi đó, chính quyền Vũ Hán bị tố cáo "che giấu, làm nhẹ khủng hoảng" vì nhiều lý do : vì sợ Tập Cận Bình, vì sợ gây hoảng loạn phải dẹp đại tiệc tân niên được chuẩn bị để phá kỷ lục về số món ăn thịnh soạn. Do vậy, chính quyền Vũ Hán cấm cơ quan y tế báo động công luận cũng như cấm báo chí loan tin.
Ngay nhà báo Ngải Hiểu Minh, một nữ phóng viên làm phim tài liệu, dân Vũ Hán, có mặt tại địa phương từ tháng 12/2019 cũng chỉ nghe tin phong phanh. Đến khi Ngải Hiểu Minh được một người bạn cho biết trong bệnh viện nhân viên y tế "ngã bệnh hàng loạt" thì trên báo chí cũng chẳng có một dòng.
Nhà phân tích Alex Payet, chuyên gia về quyền lực tại Hoa lục cho rằng căn nguyên nguồn cội cũng từ bản chất chế độ độc tài. Cán bộ Đảng cộng sản Trung Quốc ở trong thế tế nhị : làm phiền Bắc Kinh vì một vấn đề nhỏ có thể bị trừng phạt, nói thật với dân thì sợ gây hoang mang trong mùa Tết. Làm gì cũng kẹt.
Không dám chỉ trích trung ương thì công kích chính quyền địa phương không tôn trọng quyền thông tin đa chiều. Đó là thái độ của Hồ Tích Tấn (Hu Xi Jin), chủ nhiệm tờ báo đảng Hoàn Cầu Thời Báo. Ông phê phán như sau : "Dịch truyền nhiễm này rất giống dịch SARS năm 2003. Họa này lẽ ra không thể xảy ra ở một nước như Trung Quốc, nơi mà y học phát triển rất tốt và có tổ chức xã hội vững chắc. Theo tôi, cơ quan hành chánh quản lý y tế có trách nhiệm. Nhưng còn nguyên nhân sâu xa hơn nữa là khả năng đối trọng của truyền thông đã bị suy giảm". Hồi Tích Tấn không ngần ngại tuyên truyền, trên blog, chống Bộ Công an, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, kềm kẹp giới phóng viên nhà báo Trung Quốc. Ông được 87 ngàn người chia sẻ, ưa thích.
Bắc Kinh đang đánh cược uy tín
Các bài xã luận cũng cùng một chiều hướng phê phán. Le Monde nhận định "Trung Quốc chưa thuộc bài học dịch viêm phổi cấp tính 2003". Les Echos thì cho là Bắc Kinh đang đánh cược uy tín trên trường quốc tế.
Thị trường chứng khoán Châu Âu mất điểm 2%, giá dầu hỏa xuống dưới ngưỡng 60 đô la mỗi thùng, nhiều lĩnh vực kinh tế Trung Quốc bị tác hại mạnh vì siêu vi Corona : giao thông bị đình đốn, du lịch tê liệt, hoạt động thương mại, văn hóa, giải trí bị gián đoạn, Les Echos đưa một danh sách khá dài. Bài xã luận của nhật báo kinh tế nêu lên những thách thức của Đảng cộng sản Trung Quốc không phải chỉ về mặt y tế mà còn liên quan đến uy tín của nước Trung Hoa. Là lãnh đạo đầy quyền uy, Tập Cận Bình phải chứng tỏ đủ sức ngăn chận dịch bệnh đe dọa hàng chục triệu người, một cuộc chạy đua với thời gian vô cùng khó khăn vì cán bộ địa phương phản ứng chậm.
Thế mà Tập Cận Bình đang đứng trước một loạt thách đố lớn cùng một lúc từ cuộc nổi dậy tại Hồng Kông, tình hình kinh tế tăng trưởng chậm lại và thương chiến với Donald Trump. Trong "cuộc chiến chống siêu vi", chủ tịch Trung Quốc còn phải chứng tỏ là một người công khai, minh bạch, một thói quen mà ông không có. Đã vậy, Trung Quốc không phải một mình lãnh đòn siêu vi. Trong thời đại toàn cầu hóa, cả thế giới cũng bị thách đố. Pháp, Mỹ, Anh đã quyết định di tản kiều dân.
Bi kịch chống dịch : Quan chức đeo ngược khẩu trang
Phản ứng lúng túng, minh bạch nửa mùa của ban lãnh đạo Trung Quốc bị phê phán là "cội nguồn" của bi kịch cười ra nước mắt. Libération tường thuật qua bốn trang báo.
Được chỉ định làm "tư lệnh" lực lượng đặc nhiệm chống dịch, thủ tướng Lý Khắc Cường, trong bộ áo, mũ, khẩu trang chống trùng, chọn một bệnh viện ở Vũ Hán để chuyển "lệnh quyết chiến" của lãnh đạo số một. Thế nhưng, trong cuộc họp báo, tỉnh ủy Hồ Bắc ấp úng không biết tỉnh nhà làm được bao nhiêu khẩu trang, 18 tỷ, 1,8 tỷ hay 18 triệu. Trong khi đó, thị trưởng Vũ Hán lại đeo ngược khẩu trang. Những hình ảnh này biến thành đề tài chế giễu của dân Hoa lục.
Trong bài xã luận "sư phạm", Libération bi quan : Khi xảy ra đại dịch, giới chuyên gia sợ nhất hai nguy cơ : chính quyền không nhìn nhận sự thật và sau đó phản ứng quá trớn.
Theo nhật báo thiên tả, cái khó của chính quyền Trung Quốc là nói thật liệu có ai tin hay không ? Làm sao bây giờ, vì đó là chế độ độc tài chuyên chế. Tại Hoa lục, có hai đối tượng làm người dân luôn đề cao cảnh giác, để có thể sống còn : chính quyền và người láng giềng sát vách. Cho đến hôm nay, một số tín hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc có ít nhiều minh bạch nhưng nguy cơ dân chúng hoảng loạn chưa thể loại trừ. Các biện pháp đối phó làm hoảng loạn tinh thần chính là yếu tố thuận lợi cho dịch lan rộng.
Trung Đông : còn chỗ nào cho Palestine lập quốc ?
Chủ đề chính trị quốc tế được chú ý nhất là kế hoạch hòa bình Trung Đông của tổng thống Mỹ Donald Trump và chuyến đi vận động công luận Châu Âu của lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido.
Liệu kế hoạch hoà bình của Mỹ có thể áp dụng tại Trung Đông ? La Croix mời hai giáo sư chính trị học Paris góp ý. Đối với giáo sư Xavier Guignard, vì Israel và Palestine ngưng đối thoại từ 12 năm nay, vì Châu Âu ủng hộ một nước Palestine nhưng nói mà không làm, cho nên tổng thống Mỹ phải nhảy vào khoảng trống chính trị này. Kế hoạch của Donald Trump xuất phát từ nhận xét thực tế : Israel đã đóng đô ở Jerusalem, đã kiểm soát tất cả các thành phố lớn nhỏ khác… còn chỗ nào để lập quốc Palestine ? Câu hỏi duy nhất hiện nay là tương lai người Palestine ra sao ? Nhưng có ai quan tâm đến họ đâu.
Giáo sư Bertrand Badie cũng nhìn nhận kế hoạch này đã được Washington chuẩn bị từ 12 năm nay. Donald Trump đưa ra vào lúc này rất có thể là một công đôi ba việc : chứng tỏ ông can đảm hơn những người tiền nhiệm, tranh phiếu cộng đồng Do Thái và phục vụ nhu cầu địa chính trị thành lập một trục "thân Israel, chống Iran" trong khu vực.
Tuy nhiên, chính ở điểm này, kế hoạch của Washington có thể gặp khó khăn : hai đồng minh Saudi Arabia và Jordan không ủng hộ.
Venezuela : Maduro "liên kết với mafia"
Liên quan đến tình hình bế tắc ở Venezuela, Le Monde dành cho lãnh đạo đối lập một bài phỏng vấn dài nhân dịp ông đến Paris. Theo Juan Guaido, phương trình duy nhất để giải quyết khủng hoảng hiện nay là bầu cử tổng thống một cách dân chủ và minh bạch. Vấn đề là ông không ngờ Nicolas Maduro bằng mọi giá bám lấy quyền lực, kể cả nhượng quyền lợi kinh tế cho xã hội đen để có tiền chi trả cho dân quân đánh thuê bảo vệ chế độ. Cụ thể là giết thổ dân, chiếm đoạt đất đai khai thác mỏ vàng, kim cương, coltan …
Kết thúc điểm báo hôm nay với hai tin liên quan đến Pháp : Nạn thất nghiệp giảm mạnh trong năm 2019. Tin vui thứ hai là có thêm ba nhà hàng tại Pháp được cẩm nang ẩm thực Michelin chấm điểm "ba sao", trong đó có đầu bếp Nhật nổi tiếng Kei Kobayashi.
Tú Anh