Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/01/2020

ICJ buộc Myanmar bảo vệ người Rohingya, Mỹ bảo vệ Đạt Lai Lạt Ma

Tổng hợp

Tòa án Công lý Quốc tế ban hành lệnh tạm thời yêu cầu Myanmar ngăn chặn diệt chủng người Rohingya (RFA, 30/01/2020)

Hôm 23/1/2020, Tòa án Công lý Quốc tế đã ban hành một Lệnh tạm thời , đưa ra các biện pháp khẩn cấp theo đề nghị của nhà nước Gambia, yêu cầu nhà nước Myanmar phải thực hiện các hành động ngăn chặn hành vi diệt chủng đối với người sắc tộc thiểu số Rohingya.

Lệnh này đã yêu cầu nhà nước Myanmar "thực hiện mọi biện pháp trong quyền hạn của mình" để ngăn chặn mọi hành vi vi phạm Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng.

lama1

Ngày 23/1/2020, Tòa án Công lý Quốc tế đã yêu cầu nhà nước Myanmar phải ngăn chặn hành vi diệt chủng đối với người sắc tộc thiểu số Rohingya.

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà nhà nước Myanmar phải thực hiện bao gồm : ngăn chặn giết người, tấn công nghiêm trọng lên thể xác và tinh thần, căn trở sinh đẻ, và cưỡng ép di cư đối với người Rohingya.

Lệnh này cũng yêu cầu nhà nước Myanmar đảm bảo rằng quân đội cũng như bất kỳ đơn vị vũ trang nào của quốc gia này không được thực hiện bất kỳ hành vi nào liên quan tới tội ác diệt chủng hoặc âm mưu thực hiện tội ác diệt chủng. Đồng thời yêu cầu nhà nước Myanmar ngăn chặn việc tiêu hủy chứng cứ, và đảm bảo việc lưu giữ các bằng chứng liên quan đến cáo buộc diệt chủng.

Tòa án cũng yêu cầu Myanmar đệ trình báo cáo lên Tòa án về tất cả các biện pháp được thực hiện theo Lệnh này trong vòng bốn tháng, và sau đó cứ sáu tháng một lần, cho đến khi có quyết định cuối cùng được đưa ra bởi Tòa án.

Một ngày sau khi lệnh tạm thời được ban hành, hôm 24/1, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã hoan nghênh Lệnh của Tòa án Công lý Quốc tế, và kêu gọi Myanmar thực hiện ngay lập tức, vô điều kiện, đầy đủ và nhất quán với các nghĩa vụ của mình theo Hiến chương LHQ và theo Điều lệ của Tòa án. 

Trước đó, hôm 11/11/2019, nhà nước Gambia đã nộp đơn khởi kiện nhà nước Myanmar lên Tòa án Công lý Quốc tế, cáo buộc Myanmar đã vi phạm Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng, khi chính quyền và quân đội nước này thực hiện các hành vi diệt chủng người sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Phiên tòa điều trần được mở từ ngày 10 đến ngày 12/12 năm 2019. Bà Aung San Suu Kyi, một "biểu tượng dân chủ", cố vấn nhà nước, đại diện cho Myanmar tham gia phiên tòa chống lại các cáo buộc đến từ Gambia.

Tòa án Công lý Quốc tế là cơ quan tư pháp chính của Liên Hợp Quốc, được thành lập theo Hiến Chương Liên Hợp Quốc, bắt đầu hoạt động vào năm 1946, có trụ sở đóng tại The Hague (Hà Lan). Tòa án gồm 15 thẩm phán được bầu bởi nhiệm kỳ 9 năm. Tòa án có vai trò giải quyết tranh chấp pháp lý được đệ trình giữa các quốc gia. Phán quyết của tòa có hiệu lực ràng buộc và không có kháng cáo cho các bên liên quan.

Minh Luật

******************

Tây Tạng : Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật bảo vệ Đạt Lai Lạt Ma (RFI, 29/01/2020)

Hạ Viện Hoa Kỳ hôm 28/01/2020 đã thông qua dự luật trừng phạt những quan chức Trung Quốc can thiệp vào việc chọn lựa người thay thế Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng 85 tuổi được cho là sẽ luân hồi sang kiếp khác.

INDIA-RELIGION-BUDDHISM-DALAI LAMA

Lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma (G) trong một buổi thuyết giảng ở Bodhgaya, Ấn Độ, ngày 04/01/2020 STR / AFP

Chính quyền Mỹ có thể phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh tất cả các quan chức Trung Quốc nào tìm cách nhận diện và đưa lên ngôi một Đạt Lai Lạt Ma mới do chính quyền Bắc Kinh duyệt xét, sau khi thủ lãnh tinh thần Tây Tạng qua đời.

Dự luật này còn phải được Thượng Viện chấp thuận, và thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio - vốn nhiều ảnh hưởng ở Thượng Viện, đã từng vận động thành công luật nhân quyền Hồng Kông - hứa sẽ ủng hộ. Sau đó sẽ được trình lên tổng thống Donald Trump để phê chuẩn.

Dự luật cũng cấm Trung Quốc mở thêm lãnh sự quán mới, một khi Hoa Kỳ chưa được mở phái bộ ngoại giao ở Lhassa, thủ phủ Tây Tạng.

Theo truyền thống, người Phật giáo Tây Tạng chọn Đạt Lai Lạt Ma theo nghi thức riêng, có thể kéo dài nhiều năm, thông qua một ủy ban có nhiệm vụ tìm kiếm một trẻ em có các dấu hiệu là Đạt Lai Lạt Ma đầu thai.

Tenzin Gyatso, tức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay, đã giảm hẳn các cuộc di chuyển và phải vào bệnh viện hồi tháng 4/2019 vì viêm phổi, nhưng ngài cho rằng sức khỏe vẫn tốt. Giải Nobel Hòa Bình 1989 sống lưu vong ở Ấn Độ sau cuộc nổi dậy bị đàn áp năm 1959, đã quyết định không theo tập tục truyền thống để ngăn trở bàn tay của Trung Quốc : ngài có thể tự chọn người kế nhiệm.

Các nhà đấu tranh Tây Tạng và Bắc Kinh đều biết rằng một khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, vị sư nổi tiếng nhất thế giới qua đời, niềm hy vọng Tây Tạng được tự trị cũng có thể mất theo. Chính quyền Trung Quốc có thể chỉ định một người chấp nhận tuân phục Bắc Kinh lên kế vị. Hồi năm 1995, Trung Quốc đã chọn một cậu bé 6 tuổi làm Ban Thiền Lạt Ma, và các tổ chức nhân quyền coi đây là tù nhân chính trị trẻ tuổi nhất hành tinh.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 594 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)