Virus corona - Covid-19 : Ý, nước Châu Âu đầu tiên có thành phố bị cách ly (RFI, 23/02/2020)
Tại Châu Âu, Ý trở thành quốc gia đầu tiên đặt các thành phố trong tình trạng cách ly. Tình hình dịch bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng tại miền bắc nước này, với tổng cộng 2 người chết và 79 người bị nhiễm virus. Trung tâm ổ dịch được xác định tại Codogno, gần Milano.
Thị trấn Codogno, cách lá phổi kinh tế Milano của Ý 60 cây số trở thành ổ dịch Covid-19. Reuters/Flavio Lo Scalzo
Kể từ sáng 23/02/2020, 11 thành phố tại các vùng Lombardia và Vênto với 52.000 dân cư lâm vào cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Thủ tướng Ý Giuseppe Conte thông báo việc ra vào các khu vực này chỉ được phép trong những trường hợp đặc biệt, với sự đồng ý của nhà chức trách.
Từ Roma, thông tín viên RFI Anne Le Nir cho biết chi tiết :
"10 thành phố ở tỉnh Lodi, nơi được xác định là có ổ dịch chính, cũng như một thành phố khác ở Veneto gần ổ dịch, giờ đây trông giống như những thành phố ma : Tất cả những nơi công cộng, từ trường học, trung tâm thương mại, công sở, đến nhà thờ, đều bị đóng cửa.
Với những biện pháp mới mà chính phủ thông qua khẩn cấp, sau một cuộc họp kéo dài, cuộc sống hàng ngày của người dân sẽ trở nên khó khăn hơn nữa. Việc đến các khu vực xung quanh trung tâm ổ dịch sẽ bị cấm và hơn 50.000 dân cư trong vùng không được phép rời khỏi những nơi bị cách ly. Những quy định này đồng nghĩa với việc người lao động sẽ phải tạm thời ngưng mọi hoạt động.
Để đảm bảo những quy định nói trên được tuân thủ, chính quyền Roma dự kiến huy động binh lính và lực lượng phòng vệ dân sự. Ngoài ra, các trường đại học tại Lombardia và Veneto cũng sẽ phải đóng cửa. Trong các vùng này, mọi hoạt động lễ hội và sự kiện thể thao đều đã bị hủy. Chúng ta cùng chờ xem liệu các biện pháp nói trên có đủ để ngăn chặn đà lây lan của virus corona hay không".
Bộ Y tế Pháp lưu ý khả năng lây lan virus
Tại Pháp, trả lời phỏng vấn báo Le Parisien ngày 23/02/2020, tân bộ trưởng Y Tế, Olivier Véran cho biết chính phủ đang lưu ý đến tình hình ở nước láng giềng Ý và đang chuẩn bị đối phó với "khả năng dịch bệnh Covid-19" lây lan sang Pháp với những ca lây nhiễm mới.
*********************
Virus corona – Covid-19 : WHO báo động trước những ca "không điển hình" (RFI, 22/02/2020)
Tổng giám đốc Tổ chức Y Tế Thế giới WHO ngày 22/02/2020 bày tỏ lo ngại về số ca lây nhiễm virus corona – Covid-19 mà không thể phát hiện những triệu chứng viêm phổi chủng mới. Trong số này có những trường hợp không từ Trung Quốc trở về, hay không có liên hệ với các bệnh nhân.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Genève ngày 22/01/2020. PIERRE ALBOUY / AFP
Trên mạng xã hội Twitter ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh đến hai điểm : một là "lo ngại dịch bệnh tiềm tàng tiếp tục lây lan tại các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém", lãnh đạo WHO muốn nói đến một số ca lây nhiễm vừa được phát hiện tại Iran, hay Liban . Điểm đáng lo thứ nhì liên quan đến những trường hợp viêm phổi vì virus corona "không điển hình". Đó có thể là những ca không liên quan đến Trung Quốc, cho dù số này hiện nay là rất thấp.
Ngoài ra ngày càng có nhiều trường hợp bệnh nhân bị lây nhiễm nhưng không có triệu chứng viêm phổi. Chính quyền Vũ Hán hôm nay (22/02/2020) thông báo phát hiện ca đã ủ bệnh trong vòng 27 ngày, hay trường hợp một cụ bà đã truyền virus cho 5 người chung quanh, dương tính với Covid-19 mà không hề có dấu hiệu ho, sốt hay viêm phổi.
Theo thống kê chính thức của Tổ Chức Y Tế Thế giới trong số những ca lây nhiễm, 80 % vẫn đang trong vòng điều trị và trong số này, có 20 % thuộc diện "bệnh tình nghiêm trọng". Dù vậy vẫn theo WHO các trường hợp tử vong chiếm 2 % trong số những người bị nhiễm.
Thanh Hà
******************
Virus corona – Covid-19 : Một vài ngộ nhận (RFI, 22/02/2020)
Thông tin về dịch virus corona (Covid-19) và cách thức trị bệnh tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên mạng xã hội. Để tránh tình trạng "bội thực" thông tin cả đúng lẫn sai, báo Pháp Le Parisien, ngày 20/02/2020, nêu ra 6 câu hỏi-đáp để làm rõ một vài ngộ nhận, hoặc thông tin chưa chính xác.
Virus corona mới AFP
Thời gian ủ bệnh là bao lâu ?
Các tờ báo đưa ra số ngày khác nhau, như 7, 14, 24, 34…Tại Pháp, Viện Pasteur thẩm định là thời gian ủ bệnh "dường như là khoảng 7 ngày nhưng có thể kéo dài đến 14 ngày". Đây cũng là số ngày mà Tổ Chức Y Tế Thế giới (WHO) thường xuyên nêu ra.
Cách nay hơn chục ngày, một nhóm chuyên gia Trung Quốc đã công bố một tiền-nghiên cứu (chưa được cơ quan độc lập thẩm định khoa học chính thức công nhận), với số liệu liên quan đến 1099 bệnh nhân Trung Quốc. Các tác giả khẳng định thời gian ủ bệnh có thể từ 0 đến 24 ngày, với thời gian trung bình là 3 ngày. Trong khi chờ đợi nghiên cứu được chấp nhận về mặt khoa học, các chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh là "không nên sử dụng nghiên cứu này để làm hướng dẫn cho các xử lý lâm sàng".
Virus corona (Covid-19) trở thành "đại dịch" ?
Cho đến lúc này, Tổ Chức Y Tế Thế giới chưa coi là "đại dịch". Vào cuối tháng Giêng, WHO mới chỉ nâng mức báo động dịch lên mức "khẩn cấp quốc tế". Bà Sylvie Briand, phụ trách vụ Chuẩn bị đối phó với nguy cơ dịch bệnh trên thế giới của WHO, cho biết, "hiện nay, chúng ta không ở trong tình trạng đại dịch" mà chỉ trong giai đoạn có dịch với nhiều ổ dịch.
Theo giải thích của giới chuyên gia, tình trạng "khẩn cấp quốc tế" có nghĩa là dịch bệnh "nghiêm trọng, bất ngờ, không như thông lệ hoặc không ngờ tới" và dịch bệnh gây ra "những hệ quả đối với lĩnh vực y tế công cộng, vượt ra ngoài biên giới quốc gia của nước bị nhiễm", do vậy, có thể quốc tế phải hành động ngay lập tức.
Virus sống tới 9 ngày trên bề mặt đồ vật ?
Cư dân trên mạng xã hội xôn xao báo động : "Virus corona có thể sống tới 9 ngày". Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng rất khó để khẳng định điều này hoàn toàn đúng.
Thực ra, đây là thông tin mà các nhà khoa học Đức đưa ra khi nghiên cứu về virus cùng chủng loại, như virus dịch viêm phổi cấp tính điển hình SARS (được phát hiện vào năm 2002) và virus hội chứng hô hấp ở Trung Đông Mers (hồi năm 2012). Theo tạp chí Sciences et Avenir, trong nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học Đức khẳng định là virus có thể sống sót trên bề mặt nhiều đồ vật, từ "2 giờ đến 9 ngày".
Về phần mình, WHO nhận định : "Người ta vẫn không biết là virus 2019-nCov sống sót trên các bề mặt được bao lâu, cho dù các thông tin sơ khởi nói rằng chúng có thể sống sót được vài giờ. Các chất tẩy trùng đơn giản có thể khử được virus, ngăn cản chúng lây lan sang những người khác".
Virus lây lan qua không khí ?
Dường như đây là thông tin trên trang mạng của Tân Hoa Xã Trung Quốc, nhưng có ít chi tiết.
Tổ Chức Y Tế Thế giới vẫn thận trọng với giả thuyết này : "Virus corona mới là loại virus hô hấp lây lan chủ yếu do tiếp xúc với người bị nhiễm qua những sợi giọt nước, bụi nước của hệ thống hô hấp phun ra ngoài khi một người ho hoặc hắt xì hơi hoặc qua những giọt nước bọt, nước mũi".
Vẫn theo WHO, "khi một người ho hoặc hắt xì hơi, những giọt nước lớn có thể văng ra ngoài. Tuy nhiên, những giọt nước này không bay lơ lửng trong không khí lâu, chúng rơi xuống đất". Như vậy, cho đến nay, khó có thể khẳng định chắc chắn rằng virus corona mới lây lan qua không khí. Tuy nhiên, đối với một số virus khác như Mers, WHO cho biết là có "những thông tin về sự lây lan qua môi trường không khí bình thường".
Virus corona mới được tạo ra từ virus HIV ?
Giả thuyết này liên tục được nhắc tới kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, với các phiên bản khác nhau. Gần đây nhất, có tin nói rằng virus gây dịch bệnh lần này dường như do một phòng thí nghiệm tạo ra từ virus HIV.
Thực ra, đây chỉ là một tiền-nghiên cứu (tức là chưa được thừa nhận về mặt khoa học) của một nhóm chuyên gia Ấn Độ. Họ cho biết khi phân tích trình tự di truyền, đã tìm thấy những đoạn chèn "duy nhất" chỉ thấy có trong virus HIV và nhận thấy có nhiều tương đồng giữa virus corona mới và virus HIV. Thế nhưng, theo giới khoa học quốc tế, thì những đoạn chèn này cũng có thể được tìm thấy trong các bộ phận khác và không có gì cho phép khẳng định về mối liên hệ với virus HIV. Vả lại, từ đó, tiền-nghiên cứu này đã bị rút bỏ.
Cho đến nay, nguồn gốc virus dịch Covid-19 rất có thể xuất phát từ động vật, trong lúc giới chuyên gia vẫn chưa rõ loại thú nào có thể lây truyền virus sang người.
Cần lưu ý, không nên nhầm lẫn tranh luận về nguồn gốc virus corona mới với thông tin mà báo chí Mỹ đưa, theo đó, Trung Quốc đang thử chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona mới bằng cách kết hợp trị liệu cúm thông thường và chống virus HIV.
Liệu có "thuốc tiên" trị virus corona mới ?
Có đủ loại "thần dược", phương pháp "hiệu nghiệm" trên mạng xã hội, như uống nước javel ! ăn tỏi hay uống dầu vừng… Toàn những biện pháp chữa trị "thần kỳ" không hề được kiểm chứng. Xin cảnh báo, uống nước javel nguy hiểm, làm tổn thương dạ dầy và gây phản ứng nghiêm trọng nếu nồng độ javel cao.
Tổ Chức Y Tế Thế giới tuyên bố rõ ràng : "Không có liệu pháp cụ thể nào chống lại bệnh nhiễm virus corona mới". Vẫn theo định chế này, "tuy nhiên, có nhiều triệu chứng có thể xử lý được, chữa trị dựa trên tình trạng lâm sàng của bệnh nhân. Ngoài ra, việc chăm sóc hỗ trợ cho người bị nhiễm có thể rất hiệu quả".
Theo số liệu chính thức, tính đến ngày 20/02/2020, đã có 17 ngàn người khỏi bệnh trong tổng số 75 ngàn người bị nhiễm bệnh trên thế giới.
Đức Tâm