Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/02/2020

Điểm báo Pháp - Thế giới đang bước vào một đại dịch ?

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Phải chăng thế giới đang bước vào một đại dịch ?

Nếu có một điểm chung gắn kết các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay, 25/02/2020, thì đó là từ khóa "coronavirus", xuất hiện trên toàn bộ các trang nhất. Một từ thứ hai cũng bắt đầu xuất hiện trong nhiều bài báo : Đó là từ "đại dịch" trong một cấu trúc nghi vấn.

pandemie1

Hình ảnh máy tính do Nexu Science Communication và Trinity College tạo ra về loại betacoronavirus liên quan đến Covid-19, công bố ngày 18/02/2020. NEXU Science Communication/via Reuters

Le Monde chạy hàng tựa lớn trên 5 cột báo: "Hiện tượng lây lan bùng lên ở Ý và Iran". Theo tờ báo Pháp, nước Ý đã trở thành quốc gia bị lây nhiễm virus corona nghiêm trọng nhất tại Châu Âu, với cả chục thị xã bị cách ly, hơn 200 ca dương tính với virus của dịch Covid-19, các nơi công cộng bị đóng cửa, lễ hội hóa trang nổi tiếng Carnaval thành phố Venise bị bỏ ngang.

Ít nhất 50 người chết vì Covid-19 tại Iran ?

Tại một ổ dịch thứ hai ngoài Châu Á, Le Monde trở lại với tình hình Iran, nơi đà lây lan nhanh chóng của con virus corona, theo một số nguồn tin không được chính quyền xác nhận, đã làm cho ít nhất 50 người chết. Tại quốc gia Hồi giáo này, người dân rất hoài nghi trước năng lực xử lý tốt tình hình của chính phủ.

Le Figaro cũng nêu bật vấn đề dịch Covid-19 ở trang nhất, bên trên ảnh chụp hai cô gái đeo khẩu trang trên quảng trường Duomo thuộc thành phố Milano miền Bắc Ý, ghi nhận trong hàng tựa : "Châu Âu bị nỗi sợ con virus corona chiếm lĩnh".

Theo tờ báo : "Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới còn ngần ngại chưa dám sử dụng từ đại dịch, đà tiến triển của dịch Covid-19 đang chuyển qua một bước ngoặt đáng lo ngại, với tình trạng bùng nổ bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là ở Ý và Hàn Quốc".

Cùng một góc nhìn với Le Figaro, nhật báo công giáo La Croix tự hỏi trong tựa lớn trang nhất : "Châu Âu đối phó ra sao ?" với dịch bệnh. Tờ báo ghi nhận : "Trước việc các ca lây nhiễm virus corona bất ngờ gia tăng gấp bội tại Ý, các nước Châu Âu đang gia cố các hệ thống dự phòng".

Libération thì tập trung trên tình hình tại Pháp nêu bật trong hàng tựa "Coronavirus, nước Pháp chuẩn bị đối phó như thế nào". Tờ báo thấy rằng : "Các cấp chính quyền Pháp đang huy động lực lượng để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh Covid-19, đã khiến ít nhất 6 người chết tại Ý", theo số liệu tính đến tối hôm qua.

Covid-19 : Virus lan rộng, thị trường tuột dốc

Les Echos dĩ nhiên xoáy mạnh trên khía cạnh tác động kinh tế của dịch bệnh bùng lên ngoài Trung Quốc trong hàng tựa "Virus corona: Các thị trường tuột dốc". Tờ báo liệt kê trên trang nhất nào là "Thị trường chứng khoán trên thế giới giảm mạnh", nào là "Dầu hỏa và đồng euro đang mất giá", nào là "Dịch bệnh đang làm hồi sinh nguy cơ suy thoái kinh tế ở Ý".

Theo Les Echos, đối với Viện Pasteur Paris : "Tình hình (dịch bệnh) trên thế giới đã đảo lộn" theo chiều hướng nguy hiểm hơn.

Trong tình hình đó, tờ báo kinh tế ghi nhận việc "Bắc Kinh đang cố gắng để "công xưởng của thế giới" hoạt động trở lại". Còn tập đoàn dược phẩm Sanofi thì đang có kế hoạch giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nhìn chung, các báo Pháp đều ít nhiều nêu lên câu hỏi là phải chăng dịch Covid-19, cho đến nay chủ yếu giới hạn ở Trung Quốc, đã biến thành một đại dịch cấp toàn cầu.

Còn bên bờ hay đã rơi xuống vực "đại dịch" Covid-19?

Nhật báo uy tín Le Monde không ngần ngại tự hỏi "Phải chăng chúng ta đang đứng trên bờ vực của một đại dịch, hay thậm chí đã rơi vào bên trong tình huống này ?". Đối với tờ báo Pháp, sự phát triển mạnh của các ổ dịch Covid-19 bên ngoài Trung Quốc - ở Hàn Quốc, Iran và Ý - có thể là đã đánh dấu sự cáo chung của hy vọng khoanh dịch bệnh bên trong biên giới của quốc gia nơi nó sinh ra, tức là Trung Quốc.

Nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro gián tiếp chỉ trích thái độ thận trọng của Tổ chức Y tế Thế giới OMS/WHO khi cho rằng "đại dịch" (tiếng Pháp gọi là pandémie) là "Một từ ngữ mà Tổ chức Y tế Thế giới không muốn sử dụng".

Thế nhưng, ngay chính tổng giám đốc WHO là ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, vào hôm qua, cũng phải gợi đến "một đại dịch có thể xảy ra" để kêu gọi các nước chuẩn bị tốt công việc đối phó.

Đối với Tổ chức Y tế Thế giới, trong bối cảnh đà lây lan của virus Covid-19 đang gia tăng trên khắp thế giới, sự bùng phát của các trường hợp lây nhiễm ở một số quốc gia "rất đáng lo ngại", bắt đầu từ Hàn Quốc, nơi đã trở thành ổ dịch lớn nhất của dịch bệnh bên ngoài Trung Quốc. Hôm qua, thậm chí chính quyền Hàn Quốc còn ghi nhận 230 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, điều chưa từng thấy kể từ khi virus corona xuất hiện.

Le Figaro không chỉ dừng lại ở Châu Á, mà cũng lo ngại trước các diễn biến ở Châu Âu, cụ thể là ở Ý, với số ca lây nhiễm từ vỏn vẹn 6 trường hợp lúc đầu, đã nhảy vọt lên 219 ca trong vỏn vẹn 4 bốn ngày, với 6 trường hợp tử vong tính đến hôm qua.

Một luồng gió hoảng loạn cũng đang thổi qua vùng Trung Đông, nơi virus đang lây lan mạnh ở Iran, nơi có 12 người chết vì Covid-19 và ít nhất 61 bệnh nhân.

Dịch bệnh tại Iran đã gây lo ngại nơi các láng giềng, từ Afghanistan, Bahrein, cho đến Koweit, Oman..., với một số nước bắt đầu loan báo những ca nhiễm virus đầu tiên. Irak, nơi chỉ có không đầy 10 bác sĩ trên 10.000 dân, theo WHO, cũng bị ảnh hưởng.

Pháp đang bị đe dọa và tìm cách phòng vệ

Nguy cơ đại dịch, với Ý vươn lên thành một ổ lây nhiễm tiềm tàng, dĩ nhiên gây lo ngại không ít tại Pháp, buộc Paris phải cấp tốc phòng vệ. Công cuộc chuẩn bị chống Covid-19 tại Pháp đã được tất cả các báo nêu bật, đi đầu là Libération, với cả một hồ sơ đặc biệt.

Đối với tờ báo cánh tả Pháp, việc chính quyền Pháp "chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất, tức là nguy cơ con virus corona xâm nhập vào lãnh thổ Pháp" là một điều logic.

Theo Libération, nguy cơ Pháp bị nhiễm Covid-19 từ Ý là điều có thực : Mỗi ngày đều có đến hàng chục ngàn người qua lại biên giới Pháp-Ý bằng ô tô hoặc xe buýt, đặc biệt là qua các đường hầm Mont-Blanc và Fréjus, hoặc xa hơn về phía nam bằng đường cao tốc Vintimille, chưa kể đến các chuyến tàu hỏa và hàng trăm chuyến bay nối các thành phố lớn của hai nước.

Tại vùng Alpes-Maritimes của Pháp, giáp giới với tỉnh Piemont miền Bắc Ý, hệ thống kiểm tra y tế đã được tăng cường, đặc biệt là để phát hiện càng nhanh càng tốt các trường hợp khả nghi và tăng khả năng tiếp nhận bệnh nhân trong các cơ sở chăm sóc nếu cần thiết.

Libération ghi nhận tuyên bố của bộ trưởng bộ Y tế Olivier Véran theo đó trên toàn nước Pháp, khoảng 70 bệnh viện bổ sung sẽ "được kích hoạt".

Đóng cửa biên giới hay không?

Một vấn đề nhức nhối đang được đặt ra cho các chính quyền Châu Âu là vấn đề đóng cửa biên giới để chống dịch, chủ yếu được các thành phần cực hữu kích động.

Hiện tại, biên giới giữa Pháp và Ý vẫn được mở gần như bình thường, nhưng một số tiếng nói bên cánh cực hữu như bà Marine Le Pen và ông Eric Ciotti đã đòi chính quyền phải đóng ngay biên giới để ngăn dịch.

Đối với nhật báo Libération đó là những phản ứng "vô trách nhiệm", tựa đề bài xã luận. Theo nhà bình luận của báo Pháp, cánh hữu triệt để rất cơ hội chủ nghĩa và luôn áp dụng cùng một chiến thuật: luôn luôn đòi hỏi những biện pháp hà khắc hơn những gì mà chính phủ đề xuất.

Tờ báo mỉa mai : "Như vậy là Marine Le Pen và Eric Ciotti, các chuyên gia được công nhận về đại dịch, đã yêu cầu kiểm soát biên giới chặt chẽ để ngăn chặn sự xâm nhập của người mang mầm bệnh coronavirus vào Pháp".

Có điều là chính phủ Pháp lần này, dù không che giấu nguy cơ lây nhiễm, đã quyết định kế hoạch của mình sau khi tham khảo ý kiến ​​của cộng đồng khoa học. Và giới khoa học vốn rất coi trọng vấn đề, đã thấy rằng các biện pháp được áp dụng trước mắt thích ứng với mức độ nguy hiểm mà Pháp có thể trải qua.

Và không loại trừ khả năng các biện pháp nghiêm ngặt hơn sẽ được thực hiện trong những ngày tới nếu diễn biến tình hình xấu đi thêm.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 488 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)