Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

31/03/2020

Điểm báo Pháp - Covid-19 làm đảo lộn các nền dân chủ

RFI tiếng Việt

Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn các nền dân chủ

Đại dịch virus corona không chỉ làm hàng chục nghìn người chết, hơn 700 nghìn người nhiễm bệnh trong vòng vài tháng qua ở trên khắp hành tinh mà đang làm đảo lộn mọi giá trị, trật tự xã hội cả thế giới. Covid-19 đang gây ra một cuộc khủng hoảng từ y tế, lan sang kinh tế rồi xã hội, chính trị.

cov1

Cửa hàng ở thành phố York, Anh Quốc, vắng vẻ vì dịch Covid-19, ngày 31/03/2020. Reuters - LEE SMITH

Vậy nền dân chủ có liên quan gì đến khủng hoảng Covid-19 ?

Chắc chắn là có. Để lý giải câu hỏi này, nhật báo Le Monde có bài "Dân chủ ở Châu Âu đang bị thử thách". Le Monde quan sát thấy, chỉ trong vòng vài tuần trở thành tâm dịch Covid-19 của thế giới, khắp Châu Âu liên tiếp các lệnh hạn chế được ban hành : Cấm tụ họp, đi lại phải được phép trong giới hạn, sử dụng tàu lượn để theo dõi, truy tìm những người vi phạm, thu thập dữ liệu định vị cá nhân.

"Tình trạng khẩn cấp y tế được nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu buộc phải tuyên bố đang đặt các quyền tự do cơ bản, cốt lõi của nền dân chủ, trước thử thách khắc nghiệt", tờ báo nhận định.

Các biện pháp cực đoan được sử dụng ở Trung Quốc như huy động công nghệ nhận diện để theo dõi người bị cách ly, giờ đây đang thu hút sự quan tâm ở lục địa Châu Âu, vốn vẫn được coi là cái nôi của những giá trị dân chủ. Tờ báo nhận xét, trước một thảm họa các chính phủ phải hành động là điều đương nhiên. Nhưng "chưa bao giờ, trong thời bình, các biện pháp triệt tiêu quyền tự do mới hôm qua còn là điều không thể nghĩ tới, thì giờ được áp dụng trên đất Châu Âu một cách nhanh chóng đến như vậy và lại được chấp nhận".

Theo Le Monde, từ Tây Ban Nha, đến nước Ý, đối mặt với thảm cảnh bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, số người chết tăng lên từng ngày, không một ai phản đối sự hiện diện của quân đội, cảnh sát trong các khu phố hay việc các công ty dịch vụ điện thoại cung cấp dự liệu cho chính quyền về chuyện di chuyển của người dân.

Tương tự ở Anh Quốc, nước vốn tự hào về nền dân chủ nghị viện của mình, nhưng cuối cùng đến ngày 23/03 vừa qua cũng ra lệnh phong tỏa dân cư. Cho đến nay quyết định này hầu như chưa có ý kiến phản đối nào từ dư luận truyền thông cho đến đảng phái chính trị. Ở nhiều nơi, người ta bắt đầu cho sử dụng thiết bị bay để theo dõi những người dạo bộ trong công viên có tuân thủ quy định hay không.

Tại Phần Lan, từ hôm 25/03, chính phủ cho phong tỏa cả một vùng Uusima gần Helsinki. Khoảng 1,7 triệu dân cư trong vòng không được quyền rời khỏi địa phương trước ngày 19/4 vì bất kỳ lý do gì.

Tại Đức, lệnh phong tỏa gần như đã được áp dụng từ hôm 23/03 và đã được tán đồng rộng rãi. Dư luận Đức chỉ nhắc nhở rằng các hạn chế quyền tự do này chỉ chính đáng khi được áp dụng tạm thời.

Le Monde đưa ví dụ ở Hungary, vốn được coi là thành viên ngỗ nghịch của Liên Hiệp Châu Âu về vấn đề dân chủ. Thủ tướng Viktor Orban muốn nhân cơ hội khủng hoảng y tế để luật hóa cho chính phủ được toàn quyền trong mọi lĩnh vực không giới hạn thời gian.

Trong bài xã luận Le Monde khẳng định : Không ai có thể phủ nhận thực tế "tình trạng khẩn cấp y tế" và sự cần thiết của những biện pháp đặc biệt nhằm ngăn chặn đại dịch… Đấu tranh chống một đại dịch đang phá hủy đời sống con người và đe dọa hành tinh là một ưu tiên tuyệt đối. Cần phải ủng hộ ngay những biện pháp y tế, cổ vũ thực thi các biện pháp đó và người vi phạm phải bị phạt. Đó là tôn trọng và hỗ trợ cho các nhân viên y tế đang mệt lả trên tuyến đầu chống dịch. Giữa sức khỏe và các quyền tự do, chúng ta không có gì phải lựa chọn. Là mối đe dọa sống còn, Covid-19 đang thách thức nền dân chủ.

"Nước Mỹ trước tiên" và khó khăn trước mặt

Vẫn trên góc độ tác động của đại dịch vào địa chính trị, Le Monde có bài viết mang tựa đề "Cuộc khủng hoảng y tế đang phơi bày trục trặc vai trò thủ lĩnh của nước Mỹ".

Theo bài báo, làn sóng djch Covid-19 đang tấn công ồ ạt vào Hoa Kỳ. Nước Mỹ sẽ phải tập trung toàn lực của mình trong những tuần tới để chống dịch. Cuộc khủng hoảng y tế này đang làm nổi rõ đường lối biệt lập mà chính quyền Donald Trump theo đuổi từ 3 năm qua, khiến nước Mỹ rời xa hơn vai trò điều hành trật tự thế giới mà nhờ đó Washington được hưởng lợi chính từ nhiều thập kỷ nay.

Bài báo điểm lại các phản ứng của chính quyền Trump từ đầu dịch đến giờ khi tình hình ngày càng trở nên trầm trọng với nước Mỹ. Có điều dễ thấy là tổng thống Mỹ luôn tỏ từ chối hành động chung trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này. Ngay ở trong nước, Washington cũng tỏ ra chậm trễ khiến các thống đốc bang phải tự hành động trước.

Nhưng theo Le Figaro, sau một thời gian dài cố giảm nhẹ quy mô và mức độ nghiêm trọng của dịch, tổng thống Donald Trump cuối cùng đã phải thay đổi, trước áp lực mối đe dọa của dịch virus corona đã trở nên quá lớn với nước Mỹ. Từ vài ngay qua, người ta đã thấy ông Trump trong cương vị của một tổng thống thời khủng hoảng.

Trong bài xã luận mang tiêu đề "trận chiến đơn độc", Le Figaro nhận xét : Nước Mỹ rộng lớn và cơ cấu liên bang phức tạp đang có nguy cơ khiến dịch lan tràn còn nhanh hơn cả ở những nơi khác. Tờ báo nhấn mạnh "chúng ta đều bình đẳng trước virus corona, là cường quốc kinh tế, quân sự đứng đầu thế giới nhưng nước Mỹ tỏ cho thấy cũng không chuẩn bị tốt hơn so với phần còn lại của thế giới".

Thậm chí nước Mỹ còn có vẻ hơi yếu vì tổ chức xã hội bất bình đẳng sâu sắc. Hệ thống y tế tư nhân có giá nhất thế giới nhưng nước Mỹ lại có số lượng bệnh viện và bác sĩ tính trên đầu người còn thấp hơn nhiều nước phát triển. Ngoài các bệnh viện tư và phòng thí nghiệm tiên tiến hiện đại, 1/3 dân Mỹ không dám đi khám chữa bệnh vì thiếu tiền.

Vì sao Pháp chậm làm xét nghiệm Covid-19 đại trà ?

Chuyển qua với nhật báo kinh tế Les Echos. Tiêu đề chính của tờ báo : "Xét nghiệm Covid-19 : Cuộc chạy đua với thời gian".

Les Echos cho biết trước tình trạng thiếu thiết bị xét nghiệm Covid-19 trầm trọng, các hãng công nghiệp đang phải tăng công suất gấp đôi cho dù khả năng sản xuất là không đủ. Hiện tại, Pháp xếp gần chót bảng chỉ có thể làm được hơn 36 nghìn xét nghiệm mỗi ngày, chỉ hơn có Tây Ban Nha làm được mỗi ngày 30 nghìn xét nghiệm. Trong khi đó, nước Đức muốn tăng khả năng năng làm từ 167 nghìn hiện nay lên 200 nghìn xét nghiệm mỗi ngày.

Chính phủ Pháp bắt đầu chủ trương chiến lược tầm soát bệnh đại trà diện rộng. Các phương pháp xét nghiệm máu sẽ được tiến hành.

Trong bối cảnh đó, các công ty công nghệ sinh học tại Pháp đang lao vào cuộc chạy đua sản xuất các thiết bị xét nghiệm. Nhưng Les Echos cho biết, vấn đề là tổ chức sản xuất. Cũng giống như thuốc men, khẩu trang, lĩnh vực công nghiệp chuyên sản xuất thiết bị chẩn đoán bệnh cũng đã được toàn cầu hóa. Thế giới bị phong tỏa đang làm rối loạn chuỗi cung ứng, nhất là các nguyên vật liệu cơ bản giờ hầu như được sản xuất tại Trung Quốc. Bên cạnh đó các nhà máy của các hãng công nghiệp có khả năng chế tạo dụng cụ xét nghiệm thường nằm rải rác khắp thế giới.

Đại dịch Covid-19 : Trong cái rủi vẫn còn có cái may

Đại dịch virus corona đang tàn phá cuộc sống của loài người, đánh quỵ cả các cường quốc kinh tế chủ chốt của thế giới. Nhưng đại dịch cũng tạo ra những hệ quả bất ngờ, ít nhiều tích cực.

Đó là nội dung bài viết "Xung đột, ô nhiễm, tội phạm… những hệ quả bất ngờ của dịch" Covid-19 trên Les Echos. Tờ báo ghi nhận : siêu vi corona mới, vô cùng nhỏ bé nhưng độc hại kinh khủng. Từ nhiều tuần qua, người ta đã thấy nó hoành hành, gây ra làn sóng bệnh nhân ồ ạt đổ vào các bệnh viện trên khắp thế giới. Con virus đó khiến cho hơn 3 tỷ dân bị quản thúc tại gia, hàng nghìn nhà máy ngừng hoạt động và dường như nó đang quyết tâm kéo cả hành tinh vào trong suy sụp kinh tế chưa từng có.

Thế nhưng, trong cái rủi vẫn còn có cái may. Sự xuất hiện Covid-19 đã tạo nên sự đảo lộn đáng ngạc nhiên. Điều mà không có nền ngoại giao, chính trị, công đoàn hay các cuộc biểu tình của dân chúng hay thậm chí cả các cuộc chiến trong nhiều thập kỷ qua có thể làm được. Nhưng virus corona làm được điều đó triệt để, hiệu quả và rất khoa học.

Les Echos điểm lại từ khi có dịch virus corona, ô nhiễm trên toàn cầu giảm một cách ngoạn mục, nhất là ở các nước gây ô nhiễm lớn như Trung Quốc, nay đến Mỹ, Châu Âu. Hàng thập kỷ nay, có không biết bao nhiêu hội nghị quốc tế, cam kết, quyết định chính trị cũng không làm biến chuyển tình trạng ô nhiễm là bao. Vậy mà giờ đây vào thời dịch bệnh tràn lan, chất lượng không khí ở khắp nơi được cải thiện chưa từng có.

Các cuộc xung đột đẫm máu trên khắp thế giới cũng im tiếng súng, các tranh chấp địa chính trị ở nhũng điểm nóng cũng hạ nhiệt nhanh chóng. Về mặt kinh tế, trước cú sốc mạnh, khắp các quốc gia tư bản chủ nghĩa đã có những hành động chưa từng thấy là Nhà nước rút tiền ra ứng cứu thị trường và sản xuất kinh tế.

Về mặt xã hội, tình trạng tội phạm, trộm cắp giảm hẳn vì lệnh phong tỏa cùng với sự kiểm soát chặt chẽ của cảnh sát. Biên giới các quốc gia đóng cửa, buôn lậu động vật hoang dã cho đến ma túy cũng phải dừng.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 482 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)