Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/04/2020

Điểm báo Pháp - Đại dịch Covid-19 cần giải pháp chưa từng có

RFI tiếng Việt

Đại dịch Covid-19 : Khủng hoảng chưa từng có cần giải pháp chưa từng có

Nước Mỹ trở thành tâm dịch của thế giới, với viễn cảnh có thể hàng trăm nghìn người thiệt mạng vì Covid-19. Tổng thống Trump buộc phải điều chỉnh chính sách với hy vọng cố gắng để 100.000 người chết đã là đáng mừng. Châu Phi có nguy cơ là nơi gánh chịu các hậu quả thảm khốc nhất. Trên đây là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp hôm nay. 

cov1

Virus corona mới (SARS-CoV-2) buộc nhân loại phải tìm kiếm những giải pháp chưa từng có để thoát khỏi khủng hoảng. World Health Organization

Trước hết xin giới thiệu bài phân tích đáng chú ý trên Les Echos, khẳng định cuộc khủng hoảng "chưa từng có" với nhân loại này đòi hỏi các giải pháp chưa từng có. Nhà báo Nicolas Baverez mở đầu bài viết mang tựa đề "Cú sốc virus corona tạo nên một tình trạng vô cùng bất định về kinh tế và chính trị", với nhận định : đại dịch virus corona đang diễn ra gây ra một xung động chưa từng có, nhiều người muốn tìm cẩm nang đối phó trong các giải pháp đã có, nhưng điều đó là vô ích. 

Tại sao cú sốc Covid-19 là chưa từng có ? 

Nhà báo Les Echos đưa ra bốn nguyên nhân.

Thứ nhất, đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu, toàn bộ các quốc gia, các lĩnh vực đều lần lượt bị cuốn vào, với biện pháp phong tỏa, cách ly liên quan đến một nửa nhân loại, tính cho đến nay.

Thứ hai, mọi sinh hoạt kinh tế đột ngột dừng lại do sự đình chỉ hoàn toàn một bộ phận quan trọng của sản xuất và nhu cầu tiêu thụ là rất khác với một cuộc khủng hoảng tài chính, hay một nền kinh tế chuyển hướng sang kinh tế thời chiến, để dành các nguồn lực cho quốc phòng.  

Thứ ba, đây là một cuộc khủng hoảng phức tạp, bao gồm trong đó ba cuộc khủng hoảng đan xen vào nhau. Khủng hoảng y tế, với các mô hình dự báo cho thấy có thể đến 40 triệu người chết, nếu không có đáp ứng kịp thời của y tế công. Khủng hoảng kinh tế, với sự sụt giảm hoạt động kinh tế toàn cầu lên đến 3 đến 4% trong năm 2020. Và khủng hoảng tài chính với sự sụp đổ của các thị trường, với nguy cơ phá sản và sa thải dây chuyền. 

Nguyên nhân thứ tư khiến có thể nói đây là một đại khủng hoảng chưa từng có, là quy mô và tốc độ của các biện pháp hỗ trợ tài chính được đưa ra, chưa từng thấy, với tổng số tiền lên tới hơn 7.000 tỉ đô la, tín dụng, tiền bảo đảm từ phía các quốc gia, ngân hàng trung ương các nước để bảo vệ các doanh nghiệp và các gia đình. 

Đại dịch cúm Tây Ban Nha - Đại suy thoái 1930 - Khủng hoảng tài chính 2008 là hình ảnh mà nhà báo Les Echos đưa ra để nói về cú sốc Covid-19. Dịch cúm Tây Ban Nha có thể đã cướp mạng sống của 50 triệu người năm 1918, Đại suy thoái kinh tế thế giới những năm 1930 (đã dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít) và thứ ba là cuộc khủng hoảng tài chính 2008, bùng lên từ nước Mỹ. 

Bài học từ ba nền dân chủ Đông Á

Làm thế nào để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chưa từng có này ? Theo tác giả, bởi cú sốc nói trên bắt nguồn từ khủng hoảng y tế (xuất phát từ Trung Quốc, do Bắc Kinh đã che giấu dịch bệnh), cần phải giải quyết trước hết vấn đề về mặt y tế, thiết lập lại tình trạng an toàn y tế cho xã hội. Cần phải rút ra trước hết các bài học từ "các chiến lược duy nhất có hiệu quả" của "các nền dân chủ Châu Á" : Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Bài học đó là, Nhà nước đóng vai trò dẫn đường, điều hợp các đối tác xã hội, cung ứng kịp thời cho toàn xã hội các phương tiện bảo vệ, các test xét nghiệm, sử dụng rộng rãi công nghệ số, cũng như kêu gọi tinh thần, trách nhiệm công dân. 

Điểm thứ hai cho phép thoát ra khỏi khủng hoảng phụ thuộc vào sự sống còn của các doanh nghiệp. Từ đó mà tăng trưởng có thể trở lại. Điều khẩn cấp hiện nay là triển khai nhanh chóng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. 

Điểm thứ ba, theo tác giả, cần đặc biệt chú ý là các nguy cơ mang tính toàn cầu. Cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay cho thấy "một chu kỳ toàn cầu hóa đã khép lại", tiến trình toàn cầu hóa trong chu kỳ này vốn đã bị khủng hoảng tài chính 2008 làm chao đảo. Cuộc khủng hoảng hiện nay khiến các quan hệ quốc tế thêm căng thẳng, đặc biệt là cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng này cũng cho thấy những nguy cơ lớn đặt ra "khi các định chế quốc tế đa phương bị giải thể, hay bị bỏ rơi vào tay Trung Quốc", với "các hậu quả thê thảm" đã thấy rõ, qua vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới trong việc xử lý cuộc khủng hoảng này. Cách nhìn nhận những thách thức đặt ra hiện nay cần phải hoàn toàn khác với hai thập niên đầu của thế kỉ XXI. 

Cơ hội tìm thế cân bằng mới

Nhà báo Les Echos cũng lưu ý đến một nhược điểm khác của các quốc gia phát triển, đó là sự lão hóa, tình trạng nợ nần chồng chất để đối phó với các khủng hoảng (mà tác giả gọi là xu thế "Nhật Bản hóa"). Theo tác giả, vấn đề quyết định hiện nay đối với các nền dân chủ là "tương lai của tự do chính trị", đối mặt với "các đòi hỏi không giới hạn về an toàn" (cụ thể như an toàn về y tế), rất dễ bị các thế lực dân túy lợi dụng, cũng như đối mặt với các đòi hỏi về bình đẳng, về đòi hỏi bảo trợ xã hội, cũng như hành động khẩn cấp về khí hậu. 

Nhà báo Les Echos kết luận với cái nhìn không thiếu phần lạc quan, khi bày tỏ hy vọng là trong cái rủi, có cái may, đại dịch Covid-19 có thể làm trầm trọng thêm xu thế suy yếu của các nền dân chủ, nhưng cũng có thể là "cơ hội cho phép các nền dân chủ nỗ lực tự đổi mới, tìm thấy một thế cân bằng mới giữa nhà nước và thị trường, giữa lợi ích cá nhân và tập thể, cân bằng giữa việc nâng cao khả năng chống chịu của các quốc gia với việc xây dựng một trật tự quốc tế, cân bằng giữa an ninh và quyền tự do". 

"Hậu khủng hoảng Covid-19" : Pháp tìm chiến lược 

Về chiến lược đối phó với đại khủng hoảng do dịch Covid-19, Le Monde có bài viết đáng chú ý về các nỗ lực của Pháp, mang tựa đề : "Các lo ngại của Paris trước ‘sự thao túng’ của Trung Quốc". Theo Le Monde, trong những ngày gần đây, nỗ lực của Phủ tổng thống và Bộ ngoại giao Pháp tập trung vào việc đưa các công dân đang bị kẹt ở nước ngoài về nước. Nhiệm vụ hoạch định chính sách ra khỏi khủng hoảng được phó thác cho Trung tâm Phân tích, Dự báo và Chiến lược (CAPS), thuộc Bộ ngoại giao. Le Monde có được hai báo cáo chi tiết cuối tuần trước về cuộc khủng hoảng Covid, một về khủng hoảng hiện tại, một về các kịch bản ra khỏi khủng hoảng. Hai báo cáo được gửi đến ngoại trưởng và tổng thống. Trung tâm CAPS bao gồm các viên chức của bộ và nhiều chuyên gia bên ngoài. 

Báo cáo của CAPS đặc biệt nhấn mạnh đến các quan điểm sai lầm khiến cho xã hội Pháp dễ tổn thương, cụ thể là tư tưởng cho rằng tiến bộ khoa học sẽ đẩy lùi mọi bệnh tật. Thực tế cho thấy, điều ngược lại, các virus mới và các loài vi trùng mới kháng thuốc đang tiếp tục xuất hiện. Le Monde đặt câu hỏi : Phải chăng sẽ có một sự thay đổi triệt để về cách nhìn ("một cuộc cách mạng Copernic ?"). 

Bản báo cáo này đặt lại vấn đề về toàn bộ mô hình công nghiệp và thương mại được gọi là "mang tính tự do", thống trị lâu nay, về các lối tiêu thụ, cũng như về biến đổỉ khí hậu, sức khỏe động vật nuôi. Tuy nhiên, Le Monde cũng thừa nhận là Trung tâm Phân tích, Dự báo và Chiến lược (CAPS) không hình dung sẽ có một cuộc thay đổi cách mạng. Theo báo cáo của CAPS, "ít có khả năng toàn cầu hóa bị đẩy lùi trên quy mô lớn, trừ phi có các áp lực mạnh từ phía các nhà nước, bởi các doanh nghiệp không có lý do gì để từ bỏ các lợi thế của chuỗi cung ứng sản xuất quốc tế, do vấn đề giá cả, tính cạnh tranh, và khả năng mang lại lợi nhuận". Ngược lại, "việc đa dạng hóa các dây chuyền sản xuất, cung ứng lại là điều có thể", theo nhóm chuyên gia. 

CAPS tỏ ra thất vọng về vai trò của Liên Hiệp Châu Âu, ít nỗ lực hành động với tầm nhìn địa chính trị toàn cầu, bất lực trong việc thúc đẩy các hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia, trong bối cảnh các nước đang bị cuốn theo cách hành xử mỗi người vì mình. Tuy nhiên, báo cáo của CAPS tập trung chỉ trích mạnh mẽ việc WHO liên tục ca ngợi Bắc Kinh một cách thái quá, trong lúc cộng đồng quốc tế thiếu lực lượng đứng ra điều phối đối phó với khủng hoảng đại dịch Covid-19. CAPS đánh động chính quyền Pháp về hành xử lấn lướt của Trung Quốc hiện nay, khi tự cho mình có thể xuất khẩu các bài học được coi là thành công trong việc đối phó với dịch Covid-19, cho dù không có gì cho phép chứng minh điều này. Theo CAPS, trong cuộc tranh luận về phương thức đối phó với đại dịch Covid-19, "vấn đề quyền con người và minh bạch dường như đang bị coi nhẹ". 

Không để "cách làm kinh tế cũ", "mô hình cũ" dẫn dắt cuộc chơi

Điểm đặc biệt đáng chú ý, báo cáo của CAPS nhấn mạnh đến "nguy cơ thực sự" là "các nỗ lực kích thích tăng trưởng sẽ là cơ hội cho lối làm kinh tế cũ trở lại vị trí trung tâm", có hại cho xu hướng cách tân hơn và chuyển nhiều hơn sang nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. 

Vấn đề "các quyền tự do căn bản" cũng là một vấn đề trung tâm khác. Báo cáo nhấn mạnh là trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay, công nghệ số là nơi đối chọi giữa các lựa chọn mô hình xã hội, dân chủ hay phản dân chủ. Hàng loạt vấn đề cụ thể đặt ra, như các dữ liệu có được vô danh hóa hay không, thời gian lưu trữ dữ liệu, bí mật y học… CAPS gợi ý thành lập một nhóm chuyên gia độc lập với các nhà nước và các định chế quốc tế, để đưa ra các phân tích, đánh giá về quá trình đối phó với dịch bệnh vừa qua. Các nỗ lực nhằm soi sáng tình hình là rất khó khăn trong hoàn cảnh hiện nay, khi thế giới đang trong tình trạng đối đầu gia tăng giữa các cường quốc, chủ nghĩa dân tộc lên ngôi, các tuyên truyền dối trá được tổ chức bài bản. CAPS kết luận : "Các quốc gia dân chủ cần phải bảo vệ được các lợi ích và các giá trị của mình, để tránh cho việc giai đoạn hậu khủng hoảng chỉ là giai đoạn vá víu lại mô hình cũ, hoặc là giai đoạn cho phép Trung Quốc lấn tới chi phối tiến trình toàn cầu hóa, chi phối hướng đi của thế giới". 

(Cũng trên Le Monde có lời kêu gọi "Hội nghị Diên Hồng để tìm mô hình cho một xã hội hậu khủng hoảng Covid-19" của 9 nhà khoa học nghiên cứu, trong đó có hai nhà triết học Dominique Bourg et Frédéric Worms. Các tác giả đề nghị các nhà hoạt động chính trị, xã hội, các nhà khoa học, xã hội dân sự, trong thời kỳ phong tỏa, tiến hành thảo luận trên mạng về vấn đề này.)  

Báo cáo của trung tâm nghiên cứu Bộ ngoại giao Pháp đặc biệt chú ý đến nguy cơ dịch bệnh chuyển hướng sang tấn công các nước Nam bán cầu, khi mùa đông ở khu vực này đang đến, và yêu cầu các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho các nước dễ tổn thương nhất. 

Châu Âu cần hành động khẩn : Giúp Châu Phi cũng là giúp mình

Để thắng được Covid-19 không thể không giúp đỡ Châu Phi là tựa đề bài xã luận của Le Monde. Theo nhật báo Pháp, trong lúc các quốc gia phát triển đang quay cuồng trong vòng xoáy tự vệ chống dịch ngay tại nước mình, Châu Phi có nguy cơ biến mất khỏi màn hình radar, và đây sẽ là một sự khinh suất để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Le Monde nhắc lại lời cảnh báo của nhà sáng lập Microsoft, tỉ phú Bill Gates, hồi giữa tháng 2. Theo Bill Gates, người sáng lập Quỹ chống các dịch bệnh tại Châu Phi, thì hậu quả của đại dịch tại Châu Phi có thể còn nghiêm trọng hơn Trung Quốc, có thể hơn 10 triệu người chểt vì Covid 19. 

Tuy nhiên, đã có rất ít người coi đây là một lời cảnh báo nghiêm túc. Ngay tại Châu Phi, hiện tại đông đảo dân chúng vẫn còn cho rằng họ sẽ không bị đại dịch ảnh hưởng, và đây là "căn bệnh của người da trắng". Hiện tại, tình hình cho thấy Bill Gates đã dự đoán đúng, đại dịch Covid đã lan tới 46 quốc gia Châu Phi, với gần 5.000 ca nhiễm vào đầu tuần này, 146 người chết. 57 triệu dân Nam Phi, 20 triệu dân tại vùng Lagos, Nigeria, bắt đầu bị phong tỏa. Theo Le Monde, các nước Châu Âu cho dù tình hình rất khó khăn hiện nay cũng phải giang tay hỗ trợ, nếu không muốn "nhận trở lại các hậu quả ghê gớm", như cảnh báo của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.  

Việc hủy bỏ các khoản nợ song phương, đình hoãn các khoản nợ đáo hạn của IMF là một vài trong số các biện pháp đặt ra. Châu Âu cần phải có một chiến lược chung giúp Châu Phi, để bù khuyết cho các thiếu hụt của các định chế quốc gia tại lục địa này, trong khi chờ đợi "một hệ thống y tế toàn cầu", như mong mỏi của tỉ phú Bill Gates. 

Đại dịch Covid-19 : Mỹ, "siêu cường bất lực nhất thế giới"

Châu Phi đang cần trợ giúp khẩn cấp, trong lúc nước Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng thấy. Libération chơi chữ với hàng tựa "Les Etats-Unis face au virus : Première impuissance mondiale (tạm dịch là "Nước Mỹ đối mặt với virus: Siêu cường bất lực số một thế giới"). Le Figaro ngắn gọn hơn : "Nước Mỹ bị đánh trúng tim" với hình ảnh một người chạy bộ đơn độc, phía xa là hình ảnh một tòa nhà chọc trời. 

Bài xã luận của Le Figaro, mang tựa đề "Cuộc chiến đơn độc" chỉ rõ tổng thống Trump đã buộc phải thay đổi hoàn toàn chiến lược ngạo nghễ, tự tin sẽ chiến thắng ban đầu (như "chàng cao bồi chiến thắng con ngựa dịch bệnh bất kham" - diễn đạt được ông Trump nhắc đi nhắc lại 16 lần), sau khi các chuyên gia đưa ra dự đoán. Chỉ có giải pháp "giãn cách xã hội" (tức tăng cường tự cách ly, phong tỏa) đến cuối tháng 4 mới cho phép số tử vong không vượt quá từ 100.000 hay 200.000 người (viễn cảnh tồi tệ nhất là sẽ có 2 triệu người Mỹ chết vì Covid). 

Theo Le Figaro, nguyên nhân chính là do "tính chất bất bình đẳng" sâu sắc của hệ thống xã hội Mỹ : Chi phí cho y tế cao nhất thế giới, nhưng đó là do hệ thống y tế tư nhân. Tính trung bình, Hoa Kỳ có ít bác sĩ, ít bệnh viện tính trên đầu người, ít hơn phần lớn các quốc gia phát triển khác. Có đến một phần ba người Mỹ không được chăm sóc y tế, do không có tiền. Đại dịch Covid càng làm tăng tốc thêm sự khép lại của nước Mỹ trên trường quốc tế (vốn đã được tổng thống Trump khởi sự với chính sách "Nước Mỹ trên hết") để mặc sân chơi cho Trung Quốc. Le Figaro đặt câu hỏi : Phải chăng đây không phải là lúc Châu Âu trỗi dậy? 

Phong tóa : Cơ hội cho sự tái sinh của não bộ

Thời kỳ phong tỏa, cách ly kéo dài gây rất nhiều khó khăn, trở ngại cho xã hội. Nhưng đối với rất nhiều người, đây cũng có thể là một thời điểm hiếm có để tĩnh tâm, tìm lại sức khỏe tinh thần. Im lặng có lợi cho não bộ là ý tưởng trung tâm mà Le Monde muốn chuyển đến độc giả qua bài phỏng vấn hai nhà khóa học, nhà thần kinh học Michel Lê Văn Quyên (Paris) và nhà xã hội học David Le Breton (Strasbourg). Hai ông là tác giả của hai cuốn sách về Im lặng. Theo nhà nghiên cứu Michel Lê Văn Quyên, thời gian im lặng cho phép bộ não "xả bỏ những rác thải" trong quá trình hoạt động. Những rác thải này, được biết đến nhiều như bêta-amyloide, là độc hại. Cho đến gần đây, việc não đào thải các chất dư thừa ra khỏi não như thế nào là một điều bí ẩn. Theo Michel Lê Văn Quyên, chỉ đến năm 2012, nhà nghiên cứu Đan Mạch Maiken Nedergaard mới khám phá ra cơ chế này. 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 475 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)