"Hậu phong tỏa" Covid-19 : Châu Âu buộc phải áp dụng kỹ thuật "định vị"
Nước Pháp bước vào tuần phong tỏa thứ tư, do đại dịch Covid-19. Viễn cảnh kinh tế trong nước và quốc tế ngày một ảm đạm, cùng tình hình dịch bệnh chưa nhìn thấy lối ra, là chủ đề chính của Les Echos, với tựa trang nhất "Cú sốc lịch sử". Giai đoạn phong tỏa gian nan đã có được "những kết quả đầu tiên" là tựa lớn của Le Figaro. Có kết quả, nhưng "không buông lỏng": Libération khuyến cáo. Pháp nỗ lực chống nguy cơ sa thải hàng loạt là chủ đề chính của La Croix.
Định vị bằng điện thoại di động có sẽ là một phương tiện chống dịch hiệu quả ở Châu Âu thời kỳ "hậu phong tỏa" ? AFP - Catherine Lai
Le Monde dành nhiều bài vở cho một giải pháp có ý nghĩa quyết định giúp cho giai đoạn ra khỏi phong tỏa thành công : Sử dụng kỹ thuật định vị qua điện thoại. Trang nhất Le Monde : "Những thách thức của việc áp dụng định vị qua điện thoại di động". Về chủ đề này, Le Monde có bài xã luận đáng chú ý, với tựa đề "Định vị người nhiễm virus. Đồng ý, nhưng vấn đề là phải có các bảo đảm".
"Bước ngoặt 180°"
Giai đoạn phong tỏa tại Pháp sẽ kéo dài đến khi nào ? Về mặt chính thức, cho đến ngày 15/04. Theo Le Figaro, tiếp sau đó, rất nhiều khả năng phong tỏa sẽ được triển hạn thêm hai tuần. Và việc triển hạn tiếp theo là hoàn toàn có thể, tùy thuộc vào khả năng đỉnh dịch đã qua chưa, số lượng người nhiễm virus phải nhập viện, người lâm bệnh nặng là bao nhiêu…
Tuy nhiên, điều đó cũng phụ thuộc vào khả năng có được các phương tiện cho phép bảo đảm an toàn cho giai đoạn ra khỏi phong tỏa, với số người nhiễm nằm trong tầm kiểm soát. Cùng với việc áp dụng các hành vi giữ khoảng cách, bảo vệ an toàn cho người khác hay các phương tiện xét nghiệm, kỹ thuật "định vị qua điện thoại" ngày càng được nói đến như một biện pháp không thể tránh khỏi tại Pháp, cho dù cho đến rất gần đây, biện pháp này được coi là điều hoàn toàn bị loại trừ, do nguy cơ xâm phạm quyền tự do cá nhân.
Theo Le Figaro, chỉ trong vòng 10 ngày, chính phủ Pháp đã hoàn toàn thay đổi quan điểm trong vấn đề này. Ngày 26/03, trên đài truyền hình France 2, bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner nói thẳng : "giải pháp này không nằm trong văn hóa Pháp". 10 hôm sau, cũng trong một cuộc trả lời khác trên đài France 2, ông bảo đảm là kỹ thuật này được toàn bộ người Pháp ủng hộ, với điều kiện tôn trọng các quyền tự do cá nhân và chỉ được sử dụng cho cuộc chiến chống virus. Vấn đề là giải pháp này cụ thể sẽ được tiến hành ra sao ?
Ngày 08/04, quốc vụ khanh phụ trách Kỹ thuật số Cédric O sẽ lần đầu tiên đưa ra các nội dung cụ thể cho giải pháp này, cùng với bộ trưởng Y tế. Tiếp theo đó, ngày thứ Năm, Ủy Ban Tư Pháp, Hạ Viện Pháp sẽ nghe giải trình của chính phủ. Trước đó, cựu quốc vụ khanh về Kỹ thuật số Mounir Mahjoubi, cũng chuyển đến các nghị sĩ của đảng cầm quyền một báo cáo 40 trang về chủ đề này, để cung cấp các cứ liệu, giúp cho cuộc thảo luận về "chủ đề nóng bỏng" này đi vào tâm điểm của vấn đề: các biện pháp cụ thể, cân bằng lợi hại của giải pháp định vị kỹ thuật số.
Định vị "các tiếp xúc" thay vì định vị "lộ trình"
Về chủ đề này, Le Monde có bài xã luận đáng chú ý, với tựa đề "Định vị người nhiễm virus. Đồng ý, nhưng vấn đề là phải có các bảo đảm". Le Monde ghi nhận biện pháp này đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi để phòng chống Covid-19, sử dụng mang tính cưỡng chế, như tại Trung Quốc, sử dụng được sự đồng thuận của người dân như ở Hàn Quốc và Singapore, nơi các thông tin về lộ trình di chuyển của các cá nhân nhiễm bệnh được gửi đến tất cả mọi người.
Châu Âu vốn có quan điểm hoàn toàn khác về hình thức kiểm soát này. Cho đến nay, Châu Âu rất dè dặt trước khả năng các dữ liệu cá nhân được Nhà nước sử dụng một cách rộng rãi. Để hóa giải vấn đề này, nhiều nước Châu Âu tìm các phương pháp khác so với các nước Châu Á : Thay vì định vị toàn bộ quá trình di chuyển của cá nhân người bị nhiễm virus, mục tiêu định vị sẽ chỉ nhắm vào các tiếp xúc của đương sự, và thông tin về cá nhân được bảo mật. Cụ thể là xác định xem những ai đã từng ở sát đương sự, bằng cách xác định các điện thoại ở kế bên, đặc biệt thông qua kỹ thuật không dây Bluetooth. Biện pháp này "cho phép các cơ quan y tế cảnh báo những người có vị trí tiếp xúc gần, để họ nhanh chóng đi xét nghiệm, và nếu bị nhiễm virus, thì tiến hành điều trị hoặc chủ động tự cách ly".
Bảo vệ "các thành quả" dân chủ
Le Monde cũng ghi nhận các thăm dò dư luận đầu tiên cho thấy một tỉ lệ lớn người dân chấp nhận các biện pháp này. Điều đó có nghĩa là người dân sẵn sàng chấp nhận một số giới hạn về quyền tự do cá nhân, cơ bản, hiến định, một khi an ninh bị đe doạ. Tuy nhiên nhật báo Pháp cũng lưu ý là việc sử dụng các công nghệ định vị phải bảo đảm quyền tự do cá nhân, với các quy định chặt chẽ. Cụ thể là biện pháp này phải hoàn toàn "được giới hạn về mặt thời gian, phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, phải được Quốc Hội và tư pháp kiểm soát. Nhìn chung, phải tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện có".
Xã luận Le Monde kết luận : "Hiện tại dường như đã có một đồng thuận về việc thế giới "hậu virus corona" sẽ khác với thế giới trước đó. Tuy nhiên, không nên phủ nhận những thành quả của thế giới trước đó, mà việc bảo vệ các dữ liệu cá nhân, trên quy mô toàn Châu Âu, là một trong số đó".
Sẵn sàng áp dụng "từ giữa tháng 4"
Vẫn về chủ đề công nghệ định vị các tiếp xúc với người nhiễm virus, trên Le Monde có bài "Smartphone, ứng dụng, các thách thức của việc định vị áp dụng cho đại chúng để chống đại dịch". Khác biệt với các nước Châu Á, Châu Âu ưu tiên giải pháp xác định các tiếp xúc giữa các cá nhân với người nhiễm virus, chứ không phải là lộ trình của người nhiễm virus. Kỹ thuật không dây Bluetooth được ưu tiên, vì cho phép xác định các cá nhân có điện thoại gần kề với điện thoại của người nhiễm virus.
Ngày 01/04, PEPP-PT, một tổ hợp các nhà nghiên cứu Châu Âu, thông báo đã có đủ điều kiện để cho vận hành một cơ sở hạ tầng thông tin cho phép các cơ quan y tế xây dựng một ứng dụng theo dõi các bệnh nhân, bảo đảm các dữ liệu cá nhân được bảo vệ. Các trắc nghiệm cuối cùng đang được tiến hành, việc đưa ra ứng dụng chính thức lần đầu tiên có thể sẽ diễn ra ngay vào giữa tháng Tư. Chính quyền nhiều nước đang theo dõi sát thử nghiệm này. Tại Mỹ, các nhà nghiên cứu của Massachusetts Institute of Technology (MIT) cũng phát triển một ứng dụng tương tự, sử dụng công nghệ GPS và Bluetooth.
Theo tiến sĩ Lisa O. Danquah, trường Y tế Công Đại học Imperial College, Luân Đôn, thì "việc các cá nhân có quyền tự do chọn hay không việc tải nạp ứng dụng định vị này vào điện thoại là một trong các bảo đảm cho quyền bảo vệ thông tin cá nhân", cùng với việc các biện pháp khác, như việc thành lập các cơ chế giám sát việc thực thi giải pháp theo dõi, định vị các tiếp xúc với người bị nhiễm virus. Vấn đề bảo mật thông tin là yếu tố quyết định cho sự thành công của giải pháp này.
Theo một chuyên gia có tiếng về công nghệ tin học Yves-Alexandre De Montjoye, lãnh đạo Computational Privacy Group tại Đại học Imperial College, Luân Đôn, thì "một ứng dụng cho phép hoàn toàn bảo vệ bí mật cá nhân là nằm trong tầm tay, và không cần phải lựa chọn giữa một bên là bí mật cá nhân, và bên kia là kỹ thuật định vị. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải có đầu tư đủ mức".
Những khó khăn kỹ thuật và vấn đề "tự nguyện"
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo về hiệu quả của giải pháp định vị bằng Bluetooth, chưa hẳn đã là "cây đũa thần" cho phép xác định chính xác các tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm, bởi nhiều khó khăn kỹ thuật, như "mật độ người có mặt tại điểm đo lường". Về mặt dịch tễ học, nhiều câu hỏi về virus SARS-CoV-2 hiện chưa có lời giải, như trong vòng bao lâu một người mang virus không triệu chứng có nguy cơ lây nhiễm sang người khác ? Mật độ virus là bao nhiêu thì xuất hiện nguy cơ lây nhiễm ? Ở khoảng cách bao nhiêu và trong thời bao lâu, một tiếp xúc được coi là có nguy cơ lây nhiễm ?
Bên cạnh đó, một trong các đòi hỏi hàng đầu là giải pháp định vị nói trên phải được sự hưởng ứng của một số lượng đông đảo người nhất định thì biện pháp này mới có được kết quả mong muốn. Đó là có được nhiều người tải nạp cũng như ứng dụng phải được để mở liên tục. Và muốn được như vậy, điều kiện hàng đầu là người sử dụng "phải tin tưởng" vào hệ thống công nghệ này.
Phong tỏa : "Những kết quả đầu tiên" có thể gây mất cảnh giác
Vẫn về Covid-19 tại Pháp, Le Figaro nói đến "những kết quả đầu tiên của chính sách phong tỏa". Ba tuần kể từ đầu đến nay, biện pháp này rõ ràng đã cho phép làm chậm lại số ca mới nhiễm, số ca phải điều trị tích cực, hay phải đưa vào khoa hồi sức.
Tuy nhiên, giới y tế rất lo ngại việc dân chúng trở nên mất cảnh giác. Bởi cho dù dịch bệnh đã tiến triển chậm lại, nhưng đỉnh dịch trên toàn quốc nhìn chung vẫn chưa tới. Le Figaro lo ngại trước tình trạng một bộ phận dân chúng, trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, tranh thủ thời tiết ấm áp, trở lại các công viên, dạo chơi, tắm nắng. Và đây cũng là thời điểm kỳ nghỉ Xuân thường lệ, phản xạ muốn nghỉ ngơi thư giãn bên ngoài trở lại với nhiều người. Nhật báo thiên hữu dẫn lời của bộ trưởng Nội vụ, nhấn mạnh với công chúng, là đừng nên quyết định ra ngoài hay không vì lý do thời tiết thay đổi, vì đây là vấn đề chống dịch. Nguy cơ hiện nay là buông thả.
Tuy nhiên, bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cũng đánh giá là về cơ bản người Pháp tuân thủ nguyên tắc phong tỏa thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Cụ thể là số lượt người đi đến các phương tiện công cộng giảm 87% kể từ đầu phong tỏa, đến các địa điểm tiêu thụ, giải trí giảm 88%. Thứ hai tuần này, tổng cộng chính quyền đã tiến hành tổng cộng 8,2 triệu lượt kiểm soát, và lập 480 000 biên bản phạt. Gần 1,4 triệu lượt kiểm soát được tiến hành chỉ riêng trong ba ngày gần đây.
Suy nghĩ cho giai đoạn "hậu phong tỏa"
Bài xã luận của Libération thiên tả, mang tựa đề "Nỗ lực" cũng theo cùng hướng. Đó là cho dù đã nhìn thấy le lói ánh sáng cuối đường đường hầm, nhưng mọi người phải tiếp tục cố gắng, ai ở yên chỗ đấy. Không nên chủ quan, với các số liệu có phần khả quan tại Pháp, Ý và Tây Ban Nha được công bố cuối tuần qua. Bởi vì, cho dù giai đoạn khó khăn nhất đã qua, nhờ ở việc các nhân viên y tế đã nỗ lực hết mình, và hiệu quả của chính sách phong tỏa, nhưng đại dịch vẫn tiếp tục hoành hành, rất nhiều cá nhân và gia đình vẫn đang là nạn nhân của Covid-19. Điều tốt nhất với đông đảo mọi người là hãy tiếp tục sống cách ly, giãn cách, "tận dụng những ngày sống gián cách này để suy nghĩ về các bước tiếp theo".
Tương tự như giai đoạn phong tỏa, giai đoạn hậu phong tỏa cũng hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Libération báo trước là để trở lại với cuộc sống bình thường sẽ phải có cả "một cơ chế phức hợp", vừa cho phép giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm, và đồng thời tránh được những phân biệt kỳ thị. Bởi sau giai đoạn này, sẽ có những người nhiễm virus lành bệnh, người được miễn nhiễm với virus, nhưng cũng có người chưa nhiễm virus do sống trong cách ly, lo lắng trước một tương lai bất định.
Trọng Thành