Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/04/2020

Điểm báo Pháp - Sống chung với Covid-19 lâu dài

RFI tiếng Việt

Thế giới còn phải sống chung với Covid-19 lâu dài

Châu Âu vẫn đang chạy đua với thời gian, giành giật sự sống cho hàng vạn con người, chặn đà lây lan của đại dịch virus corona và hơn nữa là tìm cách để thoát khỏi phong tỏa, trở lại với cuộc sống bình thường. Chưa một ai dám khẳng định dịch đã đạt đỉnh, vài ngày qua dường như đại dịch giẫm chân tại chỗ.

song1

Châu Âu chưa rõ khi nào qua được đỉnh dịch Covid-19. Trong ảnh, một chuyến tàu tốc hành đưa bệnh nhân Covid-19 từ Strasbourg đi Bordeaux, ngày 03/04/2020. Reuters

Dư luận cũng như chính phủ một số nước đã nghĩ tới chuyện thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa, cho dù còn quá sớm. Nhưng thoát khỏi tình trạng này như thế nào là vấn đề lớn. Đây cũng là hồ sơ chính của nhật báo Le Monde với tựa lớn trang nhất : "Những kịch bản phức tạp của gỡ bỏ phong tỏa".

Theo Le Monde, các chính phủ và chuyên gia y tế đều rất lo sợ, tiếp theo đỉnh dịch này sẽ là một đỉnh dịch khác. Riêng với trường hợp của nước Pháp, việc gỡ bỏ phong tỏa xã hội là một tiến trình không hề đơn giản. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều mô hình toán học với các tham số dịch tễ đa dạng, để cố gắng phác họa ra những kịch bản thoát khỏi phong tỏa. Rất nhiều vấn đề đã được các nhà nghiên cứu đặt ra : Khi nào thì có thể gỡ bỏ phong tỏa và việc triển khai cần thế nào ? Vấn đề giám sát hậu phong tỏa ra sao ? Dường như các câu trả lời cho đến lúc này đều chưa đủ sức thuyết phục.

Chung sống lâu dài với Covid-19

Như để cảnh báo về một cuộc chiến dài lâu với đại dịch Covid-19, Le Monde có bài xã luận với tiêu đề "Chung sống dài lâu với Covid - 19". Tờ báo nhắc lại, cách đây một tháng vào lúc đại dịch tấn công Châu Âu, Châu Á đã trở thành hình mẫu trong cuộc chiến chống con virus corona. "Bất ngờ bị tấn công dữ dội, người Ý, người Tây Ban Nha rồi đến người Pháp hướng về phía Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và thậm chí cả Trung Quốc, để tìm kiếm ra các phương cách có thể cứu mình. Một tháng sau, các nước Châu Âu có lẽ đã cảm thấy đạt được độ bình ổn như hằng hy vọng. Đồ thị số người nhiễm mới và tử vong có vẻ đi xuống, nhiều người đã nghĩ rằng đà lây lan của căn bệnh đang chững lại. Tuy vậy, chính phủ các nước vẫn thận trọng chưa thể hô to đã chiến thắng dịch".

Tại sao ? Bởi vì cũng nhìn vào đồ thị của các nước Châu Á, họ thấy hiện lên điều đáng lo ngại, đó là các nước này đang gặp phải làn sóng dịch thứ 2.

Ấn tượng nhất là Singapore, đảo quốc 6 triệu dân này ngay từ đầu đã có những bước đi chống dịch rất mạnh mẽ và hiệu quả cho phép kiểm soát được đà lây lan, mà không cần đến biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội. Chính phủ cho tầm soát bệnh đại trà, theo dõi sát dấu vết và kiên quyết cách ly người nhiễm virus, hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại trong nước cũng như từ ngoài vào. Mặc dù vậy số ca nhiễm tuần qua ở Singapore bỗng tăng đột biến, do lây nhiễm nội địa và từ kiều dân trở về nước. Trước diễn biến không lường trước như vậy, thủ tướng Lý Hiển Long đã phải ra lệnh phong tỏa đất nước từ thứ Ba tuần này. Trường học, cửa hàng không thiết yếu đóng cửa đến 4/5. Rồi Hồng Kông, Trung Quốc cũng đang lo ngại sự trỗi dậy của các ca lây nhiễm mới. Nhật Bản cũng không cưỡng lại được phải ban hành tình trạng khẩn cấp từ ngày 7/4.

Le Monde đặt câu hỏi : "Bài học nào có thể rút ra từ tiến triển dịch như vậy ?" Theo tờ báo, điều chủ chốt là đại dịch chỉ có thể bị đánh bại một khi chế được vác-xin, sản xuất và phân phối khắp toàn thế giới. Từ nay đến khi đó phải mất từ một năm đến một năm rưỡi nữa, theo đánh giá chung của các nhà chuyên môn. "Đó cũng là khoảng thời gian mà con virus này còn có thể đi đi, về về trên hành tinh này để gây ra những đợt sóng lây nhiễm mới trên các lục địa. Tiến trình gỡ bỏ phong tỏa ở đây đó hay nới lỏng các biện pháp hạn chế chỉ có thể làm dần dần và cũng thường chỉ là tạm thời".

Le Monde kết luận : "Cần phải học cách chung sống với virus corona. Vẫn luôn biết tiên liệu, chính phủ Singapore hôm thứ Hai vừa mới quyết định ngừng hoạt động nhà ga số 2 sân bay lớn nhất của họ, và cũng là một trong những sân bay hiện đại nhất thế giới, trong vòng 18 tháng, đúng bằng thời gian để có được vác-xin. Vậy là con đường còn dài".

Hai cuộc chiến với virus corona : Giành giật cuộc sống và duy trì lao động

Tâm lý nôn nóng muốn nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa cũng là dễ hiểu vì bên cạnh các con số tổn thất về nhân mạng, sức khỏe cộng đồng là những thiệt hại về kinh tế của mỗi quốc gia. Hậu quả thấy rõ ngay là nạn thất nghiệp tăng chóng mặt khiến các quốc gia lo ngại.

Đây cũng là đề tài được nhiều báo khai thác sau khi Tổ chức Lao động Thế giới (OIT) hôm qua, 07/04/2020, đưa ra những thống kê báo động về tình trạng lao động, việc làm trên thế giới bị đại dịch tấn công. Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Đại dịch làm bùng nổ nạn thất nghiệp trên thế giới". Trong khi tựa của Les Echos khẳng định "Đại dịch đã gây hệ quả tàn phá việc làm toàn cầu"

Le Figaro cho biết con số thống kê của OIT : Do khủng hoảng y tế, "hơn 4/5 trong số 3,3 tỷ người lao động trên toàn thế giới, tức khoảng 2,7 tỷ người bị tác động bởi tình trạng các nơi làm việc phải đóng cửa từng phần hoặc toàn bộ".

Tổ chức Lao động Thế giới nhận định : "tác động của dịch Covid-19 đối với công ăn việc làm là rất sâu và có quy mô rộng lớn chưa từng thấy". Việc một nửa nhân loại trên toàn cầu bị phong tỏa đã gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ 2 tới nay. Hệ lụy thấy ngay là hàng chục triệu người lao động mất việc làm.

Nếu Châu Á là khu vực bị tác động nặng nề nhất bởi khủng hoảng kinh tế thì Hoa Kỳ đang phải trả giá rất đắt với hơn 10 triệu người đăng ký thất nghiệp trong vòng 2 tuần. Nước Pháp và nhiều nước Châu Âu khác có hệ thống bảo hiểm thất nghiệp tạm thời khá tốt cũng không khỏi lao đao, vì con số quá lớn người phải nghỉ làm. Theo tờ báo, đó là số liệu thống kê trên còn chưa tính đến những nhân lực làm việc trong các ngành nghề kinh tế được gọi là không chính thức. Con số này chiếm tới 90% lực lượng lao động ở các nước Châu Phi, Ấn Độ, tất nhiên họ là những người không được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội gì.

Song song với cuộc chiến y tế chống đại dịch virus corona, bảo vệ sức khỏe của người dân, thế giới đang phải lao vào cuộc chiến kinh tế còn cam go không kém là duy trì hoạt động sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động. Trước tình trạng bi đát như vậy, và có thể còn kéo dài, Tổ chức Lao động Thế giới không thể làm được gì hơn là đưa ra những cảnh báo và kêu gọi "phối hợp hành động quốc tế" để cứu giúp những người có hoàn cảnh thiệt thòi nhất, trắng tay khi không có việc làm.

Nông nghiệp cả Châu Âu tê liệt, mùa màng có nguy cơ mất trắng

Khi dịch virus corona bùng phát trên toàn cầu, một phần thế giới bị phong tỏa, người ta hay nhắc đến những lĩnh vực phải gánh chịu hậu quả đầu tiên như du lịch, nhà hàng, khách sạn thương mại hàng không… giờ đây nông nghiệp, lĩnh vực nuôi sống thế giới đang bị đe doạ, đặc biệt tại Châu Âu.

Trở lại với Le Monde, tờ báo ghi nhận "Nông nghiệp Châu Âu bị tê liệt". Việc đóng cửa biên giới vì cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có đang khiến các nhà sản xuất nông nghiệp ở khắp Châu Âu khó kiếm được lao động thời vụ như mọi khi, chủ yếu là những lao động từ Đông Âu sang. Trong lúc các sản phẩm nông nghiệp đang vào vụ thu hoạch. Mỗi năm vào thời điểm thu hoạch rau hoa quả này, các cánh đồng ở Tây Âu vẫn đón nhận hàng trăm nghìn lao động thời vụ từ Đông Âu. Giờ đây phong tỏa để ngăn dịch đã làm cho các vụ mùa từ khắp các nước Châu Âu có thể bị phá hỏng vì thiếu lao động.

Le Monde nêu ví dụ như Tây Ban Nha, quốc gia sản xuất hoa quả hàng đầu Châu Âu, thì giờ đây hầu như tất cả các cánh đồng ở nước này không có người thu hoạch. Tờ báo cho hay không chỉ ở Tây Ban Nha mà khắp Châu Âu, Pháp, ý, Bỉ, rồi Hà Lan, Đức sang tới Ba Lan… đâu đâu cũng lên tiếng báo động về tình trạng nông nghiệp bị tê liệt vì khan hiếm nhân lực. Các nước đang cố gắng, trong điều kiện cho phép, để tìm ra những giải pháp tình thế, tạm thời giải cứu ngành nông nghiệp sản xuất ra lương thực, thực phẩm thiết yếu với cuộc sống hàng ngày.

Người phát phì nguy cơ nhiễm virus corona cao

Vẫn liên quan đến bệnh dịch Covid-19, theo Le Monde, những người béo phì dễ bị nhiễm virus. Tại Pháp cũng như ở nhiều nước Châu Âu, người ta đã quan sát thấy những người ở thể trạng béo phì dường như dễ bị nhiễm bệnh hơn. Theo Mạng lưới Nghiên cứu Châu Âu về hô hấp nhân tạo (REVA), 83% bệnh nhân phải hồi sức tích cực là những người thừa cân hoặc béo phì. Số liệu nói trên được đưa ra dựa trên thông tin liên quan đến khoảng 2000 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại 195 khoa hồi sức, chủ yếu là tại Pháp. 

Rõ ràng là những đối tượng quá cân hoặc mắc chứng béo phì chiếm tỷ lệ rất cao trong số các bệnh nhân Covid-19 nhập khoa hồi sức tăng cường. Tại Anh cũng có khoảng 35% bệnh nhân hồi sức tích cực là những người béo phì. Mà những người quá cân thường kèm có các chứng bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường…. Những yếu tố bệnh lý gây khó khăn cho điều trị bệnh nhân Covid-19.

Các chuyên gia y học ở nhiều nước Châu Âu đang rất chú ý đến nghiên cứu mới này để có các biện pháp đề phòng cho những đối tượng chiếm tới 15% số người cao tuổi ở Pháp.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 480 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)