Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/04/2020

Điểm báo Pháp - Covid-19 : Pháp "theo dấu" bệnh nhân

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Chính phủ Pháp muốn "theo dấu" bệnh nhân, dư luận lo ngai

Báo chí Pháp ra ngày hôm 09/04/2020 tiếp tục bị virus corona chi phối, với chủ đề nổi bật là dự án của chính phủ Pháp dùng một loại ứng dụng cho điện thoại di động tạm gọi là "Stop Covid" để theo dõi những người nhiễm virus corona trong thời kỳ hậu phong tỏa. Hai tờ Le Monde và Le Figaro đã đặc biệt dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính cho chủ đề này.

tracing1

Chính phủ Pháp khẳng định ứng dụng Stop Covid chỉ được cài đặt trên điện thoại di động một cách tự nguyện. Ảnh minh họa. GETTY IMAGES NORTH AMERICA/AFP/File

Về dự án dùng ứng dụng Stop-Covid, Le Monde đã loan báo một cách khái quát trong hàng tựa : "Theo dõi bệnh nhân : Những gì mà chính phủ (Pháp) đang nghiên cứu".

Theo Le Monde, chính phủ Pháp đang xem xét việc sử dụng một ứng dụng "định vị" dùng trên điện thoại thông minh, cho phép giới hữu trách theo dõi những người mắc bệnh Covid-19.

Tờ báo Pháp đã phỏng vấn bộ trưởng Bộ Y tế Olivier Véran và quốc vụ khanh đặc trách kỹ thuật số Cédric O, và đã được hai quan chức cao cấp này giải thích rõ hơn về dự án.

"Tự nguyện" cài đặt ứng dụng trên điện thoại để kềm hãm dịch bệnh

Nhìn chung, đây là một ứng dụng mà người bệnh "tự nguyện" chấp nhận cài đặt trên điện thoại của mình, và việc theo dõi "có thể cho phép hạn chế đà phát tán của virus nhờ xác định rõ được các dây chuyền truyền nhiễm".

Hai vị bộ trưởng và quốc vụ khanh cho biết hiện nay, chính phủ vẫn chưa có quyết định dứt khoát về dự án này, nhưng nhấn mạnh rằng việc cài đặt ứng dụng định vị tại Pháp sẽ dựa trên cơ sở tình nguyện, trái với một số nước khác vốn bắt buộc người bệnh phải chấp nhận chế độ theo dõi.

Le Figaro cũng rất chú ý đến kế hoạch theo dõi những người bị nhiễm bệnh Covid-19 đang được xem xét nhưng chạy một tựa rất cụ thể : "Theo dõi bằng kỹ thuật số : Kế hoạch để khống chế dịch bệnh".

Theo Le Figaro, chính bộ trưởng Y tế Olivier Véran và quốc vụ khanh Kỹ Thuật Số Cédric O đã xác nhận với Le Monde rằng một ứng dụng trên điện thoại có khả năng được dùng đến để hỗ trợ cho tiến trình "phi phong tỏa hóa".

Đủ loại phản ứng dè dặt trước một công cụ về bản chất là để theo dõi

Le Figaro, tờ báo thiên hữu Pháp ghi nhận : Thông báo về việc này đã làm dấy lên nhiều phản ứng dè dặt trong chính giới Pháp, kể cả trong hàng ngũ của các đại biểu dân cử trong đảng Cộng Hòa Tiến Bước đang cầm quyền.

Ngoài những mối quan ngại liên quan đến quyền tự do cá nhân mà việc theo dõi đặt ra, Le Figaro đã nêu lên một loạt vấn đề có thể khiến cho việc sử dụng ứng dụng tin học này không mấy hiệu quả.

Tờ báo ghi nhận : "Công luận có dấu hiệu ủng hộ việc dùng đến công cụ này, nhưng vấn đề là cần phải thuyết phục được đa số người dân Pháp tải về và dùng đến ứng dụng đó. Có điều là hiện có 13 triệu người Pháp không có điện thoại thông minh, trong đó đa phần lại là những người lớn tuổi, là thành phần dễ bị nhiễm virus corona nhất".

"StopCovid : Những đám mây trước lúc dùng ứng dụng"

Theo Libération, chính phủ cố trấn an về tính chất của hệ thống theo dấu nhằm đối phó với dịch Covid-19, nhưng những tâm lý lo ngại vẫn còn rất mạnh.

Tờ báo nêu bật cam kết của chính phủ Pháp, theo đó việc áp dụng phương tiện theo dõi này được giới hạn trong thời gian, và những ai không đồng ý cài đặt ứng dụng sẽ không phải chịu bất kỳ hậu quả nào.

Tuy nhiên, hiệp hội bảo vệ quyền tự do La Quadrature du Net chẳng hạn thì tỏ ý rất nghi ngờ : "Kể cả khi tất cả các tiêu chí công nghệ và pháp lý đều được tôn trọng, đây vẫn là một công cụ để theo dõi và giám sát mọi người". Mặt khác, liệu những người bị nhiễm Covid-19 thực sự có quyền từ chối cài đặt ứng dụng này hay không trước "sức ép của xã hội" đòi họ phải dùng phương tiện này…

Cả Châu Âu đều muốn theo dõi bệnh nhân Covid-19

Tờ báo Pháp cũng đề cập đến ứng dụng StopCovid trên trang nhất trong bài "Theo dõi : Nhà Nước chuẩn bị khả năng này như thế nào".

Theo tờ báo, dự án này đã làm dấy lên những phản ứng dè dặt dữ dội, ngay cả trong những chính khách thuộc đa số đang cầm quyền tại Pháp. Đối với Les Echos, có hai vấn đề chưa được rõ ràng : Tính hữu ích trên bình diện y tế của ứng dụng, cũng như những điều kiện kỹ thuật cho phép bảo vệ đời tư của người dân.

Les Echos ghi nhận rằng những sáng kiến tương tự cũng xuất hiện ở nhiều nước Châu Âu khác. Tình hình này đã buộc Ủy Ban Châu Âu phải suy nghĩ đến việc đề ra một khuôn khổ chung để quản lý các hệ thống định vị, sao cho các quyền tự do được tôn trọng, và những ứng dụng tại những nước khác nhau có thể ít nhiều tương thích với nhau.

2 tuần phong tỏa vì Covid-19 xóa đi 5 năm tăng trưởng của Pháp

Nhật báo kinh tế Pháp ghi nhận : Theo Ngân hàng Pháp quốc (tức là Ngân hàng Trung ương Pháp) ngày 08/04/2020, GDP của nước Pháp dự trù tuột giảm 6%. Nguyên nhân đến từ các biện pháp phong tỏa được chính phủ ban hành để chống dịch Covid-19.

Một cách cụ thể, Ngân hàng Pháp quốc cho biết là guồng máy sản xuất của Pháp chỉ hoạt động có 32% khả năng của mình, một ước tính rất gần với đánh giá của Viện Thống kê Insee, nói đến mức 35%. Mức tiêu thụ các hộ gia đình cũng sụt giảm khoảng 30%.

Đối với Les Echos, phải lần ngược về giữa năm 2015 mới thấy GDP sụt giảm đến 6%. Nói cách khác, chỉ hai tuần phong tỏa vừa qua, đã xóa đi gần 5 năm tăng trưởng của nước Pháp. Thiệt hại rất to lớn vì mỗi tuần phong tỏa làm nước Pháp mất đi gần 20 tỷ euro

"Tự do (đang) bị phong tỏa" tại Pháp

Báo Libération đã liệt kê một loạt yếu tố cho thấy tình trạng mất tự do hiện nay : "Đi lại bị hạn chế, tụ tập bị cấm, bị cảnh sát kiểm tra đôi khi một cách tùy tiện, chủ trương theo dõi bằng phương tiện kỹ thuật số...".

Theo ghi nhận của tờ báo, các biện pháp đặc biệt kể trên, được đưa ra để chiến đấu chống dịch Covid-19, đang khiến giới bảo vệ các quyền tự do lo lắng. Họ sợ rằng tàn dư của các biện pháp phi tự do đó sẽ tiếp tục tồn tại sau khi khủng hoảng được vượt qua.

"Chloroquine : Hứa hẹn và nghi vấn"

Theo Les Echos, tính chất hữu hiệu của liệu pháp dùng Chloroquine để trị bệnh Covid đã làm dấy lên những tranh luận gay gắt, đặc biệt là những chỉ trích theo đó giáo sư Didier Raoult, người đề xuất ra liệu pháp, đã thiếu trung thực khi cho thử nghiệm cách chữa của mình.

Trên tờ báo kinh tế Pháp, giáo sư Didier Raoult đã đích thân chấp bút bảo vệ phương pháp trị liệu của ông.

Les Echos đồng thời điểm lại những liệu pháp khác, ngoài việc dùng chất chloroquine, để trị bệnh do virus corona gây ra.

Những gì đã biết (hay chưa biết) về virus corona

"Con virus qua 15 câu hỏi" là tựa đề lớn trên trang nhất nhật báo công giáo La Croix, trên nền hình của con virus corona, nhưng được tô màu xanh, màu thường được cho là màu của hy vọng trong tâm thức người phương Tây.

Toàn cảnh dịch bệnh nói chung, theo mô tả của La Croix, khá u ám với 4 tỷ người phải sống trong hoàn cảnh bị phong tỏa tại khoảng một trăm quốc gia, với mốc 10 ngàn người chết đã bị vượt qua ở Pháp.

Trong tình hình đó, theo La Croix, hiểu biết về con virus corona chủng mới này vẫn chưa nhiều, với rất nhiều vấn đề vẫn ở dạng giả thuyết.

Tờ báo thận trọng nhấn mạnh rằng "Tất cả các thông tin được trình bày trong hồ sơ chỉ có giá trị vào thời điểm hiện nay, và không loại trừ khả năng trong vòng vài ngày hoặc vài tuần tới đây, tình hình sẽ chuyển biến khác đi nhờ các bước tiến của khoa học và y học trong việc tìm hiểu con virus".

"Virus corona : Vì sao Donald Trump tấn công WHO"

Trên bình diện quốc tế, Les Echos đã rất chú ý đến đòn tấn công mới nhất của tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khi ông dọa cắt nguồn tài trợ của Hoa Kỳ dành cho định chế Liên Hiệp Quốc này.

Tờ báo Pháp nhắc lại là vào đầu tháng Tư, một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ củng cố thêm mối nghi ngờ phổ biến ở Washington là Bắc Kinh không nói thật trên số ca tử vong do virus corona gây nên tại Trung Quốc.

Theo chính quyền Mỹ, những thông tin không đúng thật đã không cho phép các quốc gia khác đánh giá được mức độ dữ dội của đại dịch để chuẩn bị đối phó.

Vấn đề là WHO đã không phủ nhận các số liệu của Bắc Kinh. Và theo ông Donald Trump, WHO còn phản đối quyết định của Washington cấm các chuyến bay đến từ Trung Quốc, điều này cho thấy một sự thiên vị nào đó. Ông Donald Trump còn than phiền về phần đóng góp to lớn của Mỹ cho WHO.

Theo Les Echos, trong năm 2018-2019, ngân sách của WHO là khoảng 4,5 tỷ đô la. WHO nhận đóng góp của các cá nhân giàu có, các nhà hảo tâm, nhưng phần lớn thu nhập đến từ tài trợ của các quốc gia thành viên.

Và trên điểm này, Les Echos cho là ông Trump có lý khi than phiền, vì Mỹ rất hào phóng. Mỗi thành viên, trong số 194 quốc gia, đóng góp cho ngân sách WHO, tùy theo kích thước và mức sống của người dân chứ không phải là dựa trên GDP.

Kết quả là Mỹ đóng góp đến 22% trên tổng số tiền tài trợ từ các quốc gia cho WHO, trong lúc đóng góp của Trung Quốc chỉ là 8%, Pháp là 4,8%. Đây quả là một điều không mấy cân xứng khi mà GDP của Trung Quốc, như trong năm 2018, lên đến 25.270 tỷ đô la, trong lúc Mỹ "chỉ" là 20.494 tỷ.

Singapore đối phó với "làn sóng" Covid-19 thứ hai

Trở lại tình trạng dịch Covid-19 đang lây lan tại Đông Nam Á, Le Monde đặc biệt quan tâm đến tình hình Singapore.

Theo tờ báo, Singapore được xem như một điển hình trong việc xử lý nạn dịch gần đây, hiện đang phải đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn chống virus trong bối cảnh các ca nhiễm đột nhiên tăng lên.

Tính hữu hiệu của "mô hình" Singapore được ca ngợi là hữu hiệu trong việc chống Covid-19 lây lan có lẽ đang cho thấy giới hạn. Ngay cả trước khi số người bị nhiễm tăng vọt những ngày qua – 66 ca nhiễm mới ngày thứ Hai, 06/04 và 106 một hôm sau, Singapore đã quyết định cứng rắn hơn trong chiến lược chống virus : Đóng cửa tất cả những cửa hiệu, thương xá, nhà hàng. Và lần đầu tiên trường học buộc phải đóng kể từ 08/04.

Chính quyền cảnh báo là làn sóng chấn động của dịch bệnh có thể kéo dài đến năm 2021. Vào hôm thứ Hai 06/04, số ca nhiễm tính từ đầu khủng hoảng tại Singapore lên đến 1.381 người với 6 ca tử vong.

Theo Le Monde, "làn sóng" lây nhiễm thứ hai này, cũng sẽ dâng lên khắp vùng Đông Nam Á, nhưng sẽ không nghiêm trọng như ở Châu Âu hay Mỹ.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 500 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)