Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/04/2020

Covid-19 : mạnh ai nấy lo, chênh lệch giàu nghèo thấy rõ

Tổng hợp

Tổ chức Y tế Thế giới : Vai trò suy yếu vì các nước "mạnh ai nấy làm" (RFI, 08/04/2020)

Kể từ khi được thành lập vào ngày 07/04/1948, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với 194 thành viên, chưa bao giờ phải đối mặt với đại dịch xảy ra đồng thời trên tất cả các Châu lục như hiện nay.

cov1

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus (giữa) họp báo tại Geneve, Thụy Sĩ, ngày 16/03/2020 Christopher Black/WHO/Handout via Reuters

Chưa bao giờ Tổ chức Y tế Thế giới có cơ hội khẳng định vai trò lãnh đạo về vấn đề sức khỏe của người dân toàn cầu như hiện nay. Thế nhưng, dường như các ý kiến chỉ đạo của WHO không được các quốc gia lắng nghe và tổ chức này còn gặp khó khăn hơn nữa khi muốn thuyết phục các nước. Lý do : Quan điểm ích kỷ của các quốc gia, kiểu "nước nào lo cho nước đó". Trên đây là nhận định của Libération, trong bài viết đăng ngày 31/03/2020.

Điều đầu tiên khiến Tổ chức Y tế Thế giới bị chỉ trích là sự phản ứng chậm chạp. WHO đã phản ứng chậm trễ khi virus Ebola bùng phát ở Tây Phi (Liberia, Sierra Leone, Guinea) vào năm 2014, mặc dù các thành viên của tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới khi đó đã báo động về tình trạng khẩn cấp. Lần này cũng vậy, WHO không kịp thời phản ứng khi virus corona hoành hành tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 01/2020. Phải đến ngày 11/03, khi virus corona làm chết biết bao người trên khắp thế giới, Covid-19 mới được gọi là "đại dịch" và những nước vốn xem nhẹ dịch bệnh, như Vương quốc Anh hoặc Hoa Kỳ, mới bắt đầu có biện pháp đối phó.

Sự chậm trễ này có thể là do WHO không muốn làm giảm uy tín của Trung Quốc. Khi được báo Libération hỏi về vấn đề này, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói : "Chúng tôi chưa và cũng không chịu áp lực từ các quốc gia thành viên. Chúng tôi đề ra nguyên tắc và đưa ra các lời khuyên, và chúng tôi tôn trọng cách thức các quốc gia áp dụng để chống lại virus, dù đó là nước giàu hay nghèo".

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là mối liên hệ gần gũi giữa tổng giám đốc WHO với chính quyền Bắc Kinh, quốc gia đóng góp tài chính nhiều thứ hai cho định chế này, sau Hoa Kỳ. Thực ra, trước khi được bầu lên làm lãnh đạo định chế y tế của Liên Hiệp Quốc, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từng là ngoại trưởng của Ethiopia, một trong những "thành trì" Trung Quốc tại Châu Phi. Hồi cuối tháng Giêng 2020, trong một cuộc họp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng giám đốc WHO không tiếc lời ca ngợi Bắc Kinh, trong khi chính Trung Quốc trước đó đã để virus lây lan nhanh chóng.

Vấn đề thứ hai là sự yếu kém của WHO trước thái độ ích kỷ của các quốc gia trong thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có. Antoine Flahault, giám đốc Viện Sức Khỏe Toàn Cầu thuộc đại học Genève, Thụy Sĩ, nhấn mạnh : "Tổ chức Y tế Thế giới đã không đưa ra chỉ dẫn rõ ràng cho các quốc gia, nhất là về việc triển khai biện pháp đóng cửa trường học, hạn chế tụ tập đông người … Về biên giới giữa các nước, WHO đề nghị các nước không đóng cửa khẩu, nhưng khi các nước như Đức, Ý, Áo phong tỏa biên giới thì tổ chức Y Tế Thế Giới lại không có phản ứng. Thực ra, biện pháp của các nước nói trên hoàn toàn vi phạm các quy định quốc tế về y tế mà chính các nước đã ký và có tính bắt buộc".

Máy bay không người lái ?

WHO có nguồn tài chính rất khiêm tốn. Ngân sách dành cho WHO chỉ là 4,4 tỷ đô la (4 tỷ euro), chỉ gần gấp đôi so với ngân sách dành cho hoạt động của Bệnh viện đại học Genève, Thụy Sỹ. Chi phí đóng góp của 194 quốc gia thành viên hiếm khi được thanh toán đúng hạn. Và số tiền đóng góp đó cũng chỉ chiếm 1/5 tổng số ngân sách của WHO. 80% còn lại là từ các nguồn đóng góp tự nguyện từ các nước và các tổ chức tư nhân như vợ chồng tỉ phú Bill Gates và Melinda Gates hoặc các tỉ phú Jack Ma của Trung Quốc hay Aliko Dangote của Nigeria. Đây là những tỉ phú được cho là rất hào phóng với Tổ chức Y tế Thế giới. Đổi lại, các nhà hảo tâm này có quyền đòi hỏi tiền của họ được đầu tư vào đâu. Vấn đề là lựa chọn của họ không phải lúc nào cũng phù hợp với các ưu tiên của WHO.

Rõ ràng là, lẽ ra cuộc chiến chống virus corona phải mang lại cho Tổ chức Y tế Thế giới khả năng lãnh đạo thế giới, nhưng trên thực tế, WHO lại hài lòng với việc chỉ đồng hành cùng quyết định mà chính phủ các nước đưa ra. Chuyện này tương tự như tình trạng trong buồng lái máy bay không có ai điều khiển. Chúng ta hiện giờ không có bất cứ kế hoạch toàn cầu nào với những đường hướng rõ ràng để áp dụng cho toàn bộ thế giới.

Hàng ngày, vào một giờ cố định, từ phòng họp báo trống trải, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới chỉ nhắc lại là bằng mọi giá phải "làm gián đoạn chuỗi truyền bệnh". Trong khi đó, lãnh đạo các Nhà nước và chính phủ chỉ quan tâm đến dư luận trong nước, thông báo với dân chúng rằng họ đang nỗ lực tối đa để phòng chống dịch bệnh. Bác sĩ người Anh, David Nabarro, giám đốc Viện sáng kiến sức khỏe toàn cầu, Đại học Hoàng gia Luân Đôn, một chuyên gia trong cuộc chiến chống dịch Ebola, đặc phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới về dịch Covid-19 từ cuối tháng 02, nhấn mạnh một thực tế là hiện giờ thế giới không có một giải pháp nào với sự phối hợp liên chính phủ.

Vào năm 2005, hai năm sau khi dịch SARS bùng phát ở các nước Châu Á, WHO đã sửa đổi hoàn toàn các tiêu chuẩn để có khả năng phản ứng nhanh nhạy trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng dịch bệnh mới. Điều này phát huy hiệu quả khi xảy ra dịch cúm A (H1N1) năm 2009. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới khi đó ngay lập tức bị tố cáo hành động thái quá.

Điều cơ bản trong quy định mới về y tế của quốc tế khi đó là các Nhà nước thành viên trước hết phải báo cáo trực tiếp lên trụ sở của định chế WHO ở Genève, Thụy Sỹ, báo cáo ngay khi bùng phát dịch bệnh, và nhất là khẩn trương chia sẻ thông tin để cộng đồng khoa học quốc tế có thể nhanh chóng nắm bắt tình hình. Sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới đảm nhiệm việc điều phối hoạt động kiểm dịch, đưa ra các báo động và kiến nghị. 

Nước nào lo cho nước đó

Các nguyên tắc mới này đã được tất cả các quốc gia phê chuẩn và có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao Châu Phi ở Genève nhận định : "Không mấy nước tôn trọng những quy định đó. Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng virus corona, các nước chỉ hành động vì nước đó mà thôi. Tất cả mọi quốc gia đều quên mất các chỉ thị mà chúng tôi đã phải vất vả đàm phán và có được, bởi vì không nước nào muốn từ bỏ một phần chủ quyền của mình cho một "bộ máy quốc tế". Luôn luôn là như vậy". Tổ chức Y tế Thế giới không thể trừng phạt những nước làm sai, cũng không buộc các quốc gia phải thực hiện biện pháp này hay hủy bỏ biện pháp khác, ngay cả khi rõ ràng là biện pháp đó không tốt.

Hồi tháng 02, giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gửi 2 lá thư riêng cho các quốc gia thành viên để nhắc nhở họ về nghĩa vụ. Thế nhưng, định chế y tế thế giới lại không chịu nêu đích danh các nước không tuân thủ quy định. Ông Michael Ryan, quan chức số 2 của tổ chức này nhắc lại : "WHO không can thiệp vào cuộc tranh luận công khai và không chỉ trích quyết định của các quốc gia thành viên".

Trong khi chờ đợi, từ phòng họp lớn vắng vẻ, các quan chức của WHO hàng ngày vẫn kiên nhẫn trả lời những câu hỏi ẩn chưa nỗi lo từ khắp các Châu lục. Câu trả lời của các đại diện Tổ chức Y tế Thế giới mang tính hướng dẫn chứ không mang lại kết quả, bởi vì các quyết định hiện nay vẫn do chính phủ từng nước đưa ra từ thủ đô mỗi quốc gia. Báo Libération kết luận Tổ chức Y tế Thế giới và cơ quan mẹ là Liên Hợp Quốc, xét đến cùng thì giống nhau ở chỗ đều bị chia rẽ.

Thùy Dương

********************

Covid-19 : Nhật tung 1.000 tỷ đô la cứu nguy kinh tế (RFI, 08/04/2020)

Ngày 07/04/2020 Tokyo thông báo kế hoạch 108.000 tỷ yen tức 1.000 tỷ đô la hỗ trợ kinh tế đối mặt với Covid-19. Số tiền này tương đương với 20 % GDP của Nhật Bản. Gói kích cầu đó gồm những gì ?

cov2

Chỉ số chứng khoánTokyo đổ dốc trong hiên giao dịch hôm 26/03/2020. Ảnh minh họa cho việc chính phủ Nhật phải tung kế hoạch 1.000 tỷ đô la hỗ trợ kinh tế khắc hục hậu quả Covid-19. AFP/Archivos

Theo hãng tin Pháp AFP, 80 % kế hoạch kích cầu đó hướng tới các doanh nghiệp Nhật bản với hai mục đích : một là nhằm bảo vệ công việc làm cho người lao động và hai là tránh để các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị vỡ nợ.

Chính quyền của thủ tướng Abe giúp các doanh nghiệp tiếp tục trả tiền lương cho nhân viên, tạo điều kiện cho số này có thể vay tín dụng ngân hàng với lãi suất ở số không. Sau cùng chính phủ trợ cấp cho các công ty nhỏ mà doanh thu bị giảm mất hơn phân nửa vì Covid-19. Các tập đoàn tổ chức sự kiện bị thua lỗ nặng do hàng loạt các sinh hoạt văn hóa, thể thao … bị hủy bỏ cũng sẽ được chính phủ giảm thuế và bồi thường thiệt hại.

Vế thứ nhì trong kế hoạch kích cầu của Nhật nhằm tiếp sức cho lĩnh vực y tế đang trên tuyến đầu chống dịch. Tokyo dự trù giải ngân 2.500 tỷ yen - tức 250 tỷ đô la, cho các bệnh viện trên toàn quốc. Các bệnh viện Nhật Bản cần mua thêm trang thiết bị y tế, khẩu trang và tăng cường các kho dự trữ thuốc men. Tokyo dự trù sản xuất và phân phối 15 triệu khẩu trang ngay trong/4/2020 và chuẩn bị 50.000 chỗ trong bệnh viện để xử lý các trường hợp nguy kịch do virus corona gây nên. Sản xuất máy trợ thở cũng là một ưu tiên của ngành y tế Nhật.

Vẫn theo AFP, mục tiêu thứ ba kế hoạch hỗ trợ kinh tế chính quyền Abe nhắm tới là củng cố cỗ máy công nghiệp. Tokyo dự trù rót thêm 15.700 tỷ yen (157 tỷ đô la) cho nền công nghiệp nước này để đối phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai. Một trong những mục đích lâu dài là giảm bớt mức độ lệ thuộc của nền công nghiệp Nhật Bản vào dây chuyền cung ứng của thế giới, giảm bớt mức độ tập trung đầu tư vào một quốc gia, và có thể là phân tán các khoản đầu tư của Nhật đến các nước Đông Nam Á nhiều hơn.

Sau cùng trong cuộc đại dịch lần này, ngành du lịch và tiểu thương đang điêu đứng, do vậy chính phủ dành đến 8.500 tỷ yen - tức khoảng 85 tỷ đô la để vực dậy từ các công ty du lịch đến ngành giải trí, khách sạn nhà hàng và vận tải. Đây là những lĩnh vực bị tác động kép, do Covid-19 và việc Thế Vận Hội Tokyo bị hoãn lại sang tới mùa hè 2021.

Thanh Hà

*******************

Covid-19 : Chính phủ Nhật ban hành tình trạng khẩn cấp ở 7 thành phố kể cả Tokyo (RFI, 07/04/2020)

Để đối phó với tình trạng dịch Corona đang tăng tốc lây lan tại Nhật Bản, chính phủ Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp dài một tháng, tại 7 vùng, trong đó có thủ đô Tokyo và phụ cận kể từ thứ Ba 07/04/2020. Song song với quyết định tế nhị tại một quốc gia có lịch sử quân phiệt, thủ tướng Nhật tung ra kế hoạch vực dậy kinh tế với hơn 1000 tỷ đô la.

cov3

Hành khách đeo khẩu trang trên một chuyến tàu ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 07/04/2020 Reuters - NAOKI OGURA

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles tường thuật :

"Cho đến nay, Nhật Bản chống dịch theo mô hình của Thụy Điển, rất tự do, không để tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế. Chính phủ kỳ vọng vào tập quán tôn trọng vệ sinh y tế cộng đồng và tinh thần kỷ luật của người Nhật.

Với 73 người chết và 3.650 ca lây nhiễm Covid-19, Nhật Bản vẫn đứng đầu bảng xếp hạng các nước ít bị thiệt hại nhân mạng so với những cường quốc khác như Thụy Sĩ, Pháp, Ý, Mỹ.

Thế nhưng, thủ tướng Shinzo Abe, dưới áp lực của truyền thông, báo chí và giới chuyên gia cố vấn, phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhất là tại thủ đô, bởi lẽ tình trạng lây nhiễm tại Tokyo sắp vượt tầm kiểm soát.

Dù sao đi nữa, dân Nhật chỉ bị áp đặt tình trạng khẩn cấp một cách tối thiểu. Biện pháp này không có hiệu lực pháp lý cưỡng chế dân chúng phải thi hành triệt để như tự hạn chế đi lại. Và dù bất tuân cũng không bị trừng phạt.

Chính phủ Nhật đặt tin tưởng vào tinh thần công dân của người Nhật và nhất là kỳ vọng vào áp lực rất mạnh của xã hội trong cơn đại dịch sẽ làm mọi người tuân thủ. 

Để yểm trợ cho kinh tế, chính phủ huy động một ngân sách kích hoạt 1000 tỷ đôla, gần 20% GDP, một kế hoạch lớn nhất từ trước đến nay.

Tú Anh

******************

Covid-19 : Thêm gần 2.000 người chết ở Mỹ, Donald Trump chỉ trích WHO (RFI, 08/04/2020)

Tính đến sáng 08/04/2020, thế giới có 1.430.453 người bị nhiễm virus corona và 82.133 người chết. Mỹ chiếm đến gần một phần tư số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới, với 401.608 người, và 12.902 ca tử vong. Chỉ riêng trong vòng 24 giờ qua, Mỹ có thêm 1.939 người thiệt mạng, hiện là con số người chết cao nhất trong một ngày tính đến nay.

cov4

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một buổi làm việc về đại dịch Covid-19 tại Nhà Trắng, Washington, ngày 05/04/2020. Reuters - Joshua Roberts

Về số ca nhiễm Covid-19 ngày càng nhiều, trong buổi họp báo tối 07/04, tổng thống Donald Trump giải thích là nhờ vào việc "Mỹ tiếp tục xét nghiệm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới", cụ thể là 1,8 triệu xét nghiệm.

Cũng trong buổi họp báo, tổng thống Mỹ dọa sẽ ngừng đóng góp cho Tổ chức Y tế Thế giới (WH0), vì theo ông, WHO đã bất lực để xảy ra đại dịch Covid-19 và quá ủng hộ Trung Quốc : "Chúng ta (Hoa Kỳ) chi trả phần lần lớn cho ngân sách của họ (Tổ chức Y tế Thế giới), vậy mà họ chỉ trích tôi đã ra lệnh đóng cửa biên giới. Họ đã nhầm và họ sai lầm về nhiều thứ. Có rất nhiều thông tin mà họ đã không muốn công bố sớm hơn và họ có vẻ rất thiên vị Trung Quốc. Nhưng chúng ta sẽ theo dõi chặt chẽ hơn Tổ chức Y tế Thế giới, vì họ đã thực sự sai lầm. Họ đã không cảnh báo, lẽ ra họ đã phải làm điều đó sớm hơn một tháng".

Donald Trump phớt lờ cảnh báo đại dịch, từ cuối tháng Giêng

Tuy nhiên, theo hai bản ghi nhớ của cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, được báo chí Mỹ công bố, tổng thống Donald Trump lẽ ra đã có thể chuẩn bị đối phó dịch ngay từ cuối tháng 01/2020. Tuy nhiên, chủ nhân Nhà Trắng từng khẳng định không được báo trước và tiếp tục giảm thiểu quy mô dịch Covid-19 tại Mỹ.

Thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình từ Washington :

"Đó là một lời cảnh báo trực tiếp, được gửi ngay từ ngày 29/01 đến Nhà Trắng. Trong đó cố vấn Peter Navarro ghi rõ : Nếu không có biện pháp phòng vệ hoặc không có vác-xin, người dân Mỹ sẽ không có khả năng chống đỡ, trong trường hợp xảy ra dịch virus corona.

Trong bản lưu ý đầu tiên này, cố vấn thương mại đã nêu khả năng virus sẽ khiến khoảng một nửa triệu người dân Mỹ thiệt mạng. Hai ngày sau, tổng thống Donald Trump ra lệnh đóng cửa biên giới với Trung Quốc, nhưng ông vẫn tiếp tục giảm thiểu nguy cơ. Thậm chí, tổng thống Mỹ còn trấn an rằng virus sẽ tự biến mất.

Được cảnh báo, ông Peter Navarro đã thảo bản lưu ý nội bộ thứ hai vào ngày 23/02. Lần này, ông nhắc đến khả năng rất cao đại dịch xảy ra và ghi chú rằng hàng trăm triệu người Mỹ có thể sẽ bị nhiễm virus corona, khiến khoảng 1,2 triệu người chết. Vị cố vấn thương mại yêu cầu chính quyền chi ngay 3 tỉ đô la để tổ chức công tác phòng chống và chẩn đoán, nói cách khác là để sản xuất bộ xét nghiệm.

Tuy nhiên, không một biện pháp nào theo hướng này được tiến hành. Một tháng sau, ngày 21/03, Mỹ đã vượt ngưỡng 300 người tử vong vì virus corona và tổng thống Donald Trump phát biểu : Lẽ ra tôi muốn được báo trước sớm hơn. Chúng ta đã không được biết chuyện gì sắp xảy ra".

Thu Hằng

**********************

Covid-19 : Chủ trương "miễn dịch cộng đồng" bị chỉ trích tại Thụy Điển (RFI, 08/04/2020)

Tại Thụy Điển, chính quyền chỉ khuyến cáo người dân giới hạn các tiếp xúc và tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh, và quốc gia này không hề bị phong tỏa, cuộc sống vẫn diễn ra gần giống như trước khi có dịch. Nhưng trước con số tử vong đang tăng nhanh (591 người chết tính đến ngày 07/04/2020) ngày càng có nhiều người yêu cầu chính phủ thi hành các biện pháp mạnh hơn.

cov5

Tại một công viên ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển, ngày 22/03/2020 via Reuters - TT NEWS AGENCY

Sau đây là phóng sự của thông tín viên Frédéric Faux từ Stockholm :

"Mỗi ngày, Cơ quan Y tế Thụy Điển lại họp báo để công bố các số liệu về dịch bệnh và đưa ra các khuyến cáo. Nhưng hôm qua, với thông báo có thêm 114 ca tử vong chỉ trong một ngày, rõ ràng là Thụy Điển đang dần dần bỏ xa các nước Bắc Âu khác, những nước đã ban hành lệnh phong tỏa. 

Tuy chính quyền trấn an rằng con số nói trên là tính luôn cả những ca tử vong của những ngày trước nhưng chưa được khai báo, ông Stefan Hanson, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm rất có uy tín, không che giấu mối lo ngại của ông : Chỉ có một cách duy nhất để hiểu được những gì đã được làm hoặc không được làm, đó là nhìn nhận chính phủ nhắm đến việc miễn dịch cộng đồng. Chắc họ tự bảo rằng dầu sao thì tất cả mọi người rồi cũng sẽ bị lây nhiễm, nhưng họ không thể nói công khai điều đó được, vì như thế là không hợp đạo lý. Phải tự bảo vệ giống như các nước láng giềng của chúng tôi. Vẫn chưa quá trễ để làm điều này.

 Một trong những lập luận của những người chủ trương miễn dịch cộng đồng, đó là nó sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp có một đợt sóng thứ hai của dịch bệnh vào mùa thu năm nay, vì lúc đó đa số người dân đã miễn dịch.

 Nhưng chuyên gia Stefan Hanson nhắc lại rằng virus gây bệnh Covid-19 là virus corona hoàn toàn mới lạ, mà người ta chưa biết khả năng miễn dịch sẽ kéo dài bao lâu. Đối với ông, cũng như đối với một số đồng nghiệp của ông, chiến lược chống dịch của Thụy Điển có thể mang rất nhiều nguy cơ".

Số tử vong vẫn rất cao ở Tây Ban Nha và Ý

Theo thông báo của bộ Y Tế Tây Ban Nha hôm nay, 08/04/2020, trong vòng 24 tiếng đồng hồ qua đã có thêm 757 người chết vì dịch Covid-19 tại nước này. Như vậy tính đến nay, tổng số ca tử vong ở Tây Ban Nha đã lên tới 14.555 người. Tổng số ca lây nhiễm virus corona ở nước này đã lên đến gần 150 ngàn.

Tại Ý, hôm qua, số bệnh nhân nặng cần được điều trị tích cực đã giảm trong ngày thứ tư liên tiếp. Tuy vậy, số ca tử vong mỗi ngày vẫn rất cao, với thêm 604 người chết trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nâng tổng số ca tử vong từ đầu mùa dịch lên hơn 17.000.

 Còn tại Đức, số liệu do Viện Robert Koch về các bệnh truyền nhiễm công bố hôm nay cho thấy, trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 254 người chết vì dịch Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 1.861 người. Số ca lây nhiễm đã tăng thêm khoảng 4.000, nâng tổng số lên hơn 100.000.

Nhìn sang Anh Quốc, hôm nay thủ tướng Boris Johnson tiếp tục nằm trong phòng điều trị tích cực do các triệu chứng của bệnh Covid -19 trở nên trầm trọng. Tuyên bố trên đài truyền hình Sky News hôm nay, bộ trưởng Y Tế Anh Quốc Edward Argar, cho biết tình trạng của thủ tướng Johnson "ổn định" và tinh thần của ông vẫn rất tốt.

Thanh Phương

********************

Covid-19 : Thổ Nhĩ Kỳ thả bớt tù hình sự, nhưng vẫn giữ tù chính trị (RFI, 07/04/2020)

Tính đến ngày 06/04/200, Thổ Nhĩ Kỳ có hơn 30 nghìn ca nhiễm và 679 người chết vì Covid-19. Trong bối cảnh dịch lan tràn như vậy, chính quyền Ankara quyết định giải tỏa một phần các nhà tù, hiện đã quá đông. Khoảng 90 nghìn tù nhân sẽ được trả tự do trước thời hạn hoặc quản thúc tại gia, theo một đạo luật được Quốc Hội thảo luận và thông qua ngày 07/04/2020. 

cov6

Cầu Galata ở Istanbul vắng hơn thường ngày do tình hình dịch Covid-19. Ảnh chụp từ trên không ngày 23/03/2020. Reuters - Mehmet Caliskan

Thế nhưng, chỉ có tù thường phạm mới được phóng thích, còn tù chính trị cũng như những người phạm tội "khủng bố" không nằm trong diện được hưởng chính sách trên.

Thông tín viên Anne Andlauer tường trình từ Istanbul :

Đúng là nghịch lý. Nếu như các nhà tù ở Thổ Nhĩ Kỳ đang quá tải- 240 nghìn chỗ trong khi có đến 300 nghìn tù nhân - đó là vì từ khi có cuộc đảo chính hụt năm 2016, hàng chục nghìn người đã bị giam vì các cáo buộc liên hệ với "khủng bố".

Họ là những người trung thành với giáo sĩ Fethullah Gulen, được cho người cầm đầu đảo chính, và cả các nhà báo, những nhà hoạt động nhân quyền, đối lập chính trị thuộc đảng ủng hộ người Kurdistan…

Thế nhưng, tất cả những tù nhân đó, phần lớn thuộc diện bị giam giữ để ngăn chặn, lại bị gạt ra khỏi diện được thả sớm. Theo luật sư Erdal Dogan, chuyên gia về các phiên xử chính trị, những người này lẽ ra phải là những người đầu tiên được trả tự do.

Ông nói : "Đó là những người không hề phạm tội gì khác ngoài suy nghĩ và viết. Họ là nạn nhân của sự tức tối và thù hằn của chính quyền. Không thể hiểu nổi cả về mặt pháp lý cũng như về mặt nhân đạo hay đạo đức".

Luật sư Erdal Dogan không tin vào thông báo của bộ trưởng Tư Pháp, theo đó không có ca nhiễm Covid-19 nào được phát hiện trong tù : "Quản lý trại giam buộc hàng nghìn tù nhân phải làm việc. Không thể có chuyện không có ai trong số họ bị nhiễm virus. Hơn nữa, các tù nhân chắc chắn không có đủ nước và xà phòng. Loại các tù chính trị ra khỏi diện thả sớm tức là đe dọa họ bằng cái chết và như vậy để đổ trách nhiệm cho chính họ về cái chết của mình".

Hơn thế, dịch bệnh khiến họ còn phải chịu thêm hình phạt là kéo dài thời gian chờ phiên xử. Do virus corona, các phiên xử tại tòa án đều tạm ngừng ít nhất cho đến cuối tháng này".

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 470 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)