Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/05/2020

Điểm báo Pháp - Chấn hưng kinh tế Liên Âu : đầu tầu Pháp-Đức

RFI tiếng Việt

Chấn hưng kinh tế Liên Hiệp Châu Âu : Các nước "keo kiệt" thách thức đầu tầu Pháp-Đức

Trên các nhật báo ra ngày 20/05/2020, làm tốn giấy mực nhiều nhất vẫn là sáng kiến khôi phục kinh tế Liên Hiệp Châu Âu thời hậu Covid-19 vừa được hai đầu tầu Pháp-Đức tung ra hôm 18/05.

chanhung1

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và tổng thống Alexander Van der Bellen họp báo tại dinh tổng thống Hofburg Palace, Vienna, ngày 21/05/2019 Reuters - Leonhard Foeger

Các báo đều ghi nhận điểm nổi bật là tính chất liên đới tương trợ của đề nghị, một điểm đã lại làm dấy lên phản ứng bất bình trong một số thành viên mà tờ báo thiên hữu Le Figaro không ngần ngại mệnh danh là "keo kiệt". 

Về chủ đề Châu Âu thời hậu Covid-19, Le Monde chạy hàng tựa chính rất khách quan trên trang nhất : "Sáng kiến ​​của Macron và Merkel để khôi phục Châu Âu".

Tờ báo trước hết nhắc lại nội dung chính của kế hoạch chung Pháp-Đức nhằm khắc phục các tác hại ghê gớm mà dịch Covid-19 đã gây ra cho Liên Hiệp Châu Âu, với việc bơm 500 tỷ euro vào ngân sách chung của toàn khối dùng để chi cho các quốc gia, các vùng lãnh thổ, các ngành nghề bị đại dịch tác hại nhiều nhất.

Berlin thay đổi hoàn toàn lập trường

Điều được tờ báo tâm đắc nhất là sự kiện Berlin đã xóa bỏ một cấm kỵ về kinh tế mà nước Đức vẫn duy trì cho đến gần đây. Trong bài viết "Paris và Berlin đoàn kết bên nhau để thúc đẩy trở lại nền kinh tế Châu Âu", tờ báo nhấn mạnh là khi đồng ý với Pháp về việc toàn khối sẽ cùng nhau chia sẻ các món nợ tái thiết của mỗi quốc gia thành viên, Đức đã mạnh dạn phá bỏ một cấm kỵ cố hữu về kinh tế.

Mục tiêu mà lãnh đạo hai đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu là Đức và Pháp đề ra là "bảo đảm tính toàn vẹn của thị trường thống nhất Châu Âu và khu vực đồng euro" mà sự tồn tại bị đại dịch Covid-19 đe dọa.

Theo Le Monde, sáng kiến Pháp-Đức có thể được coi là một cuộc cách mạng nhỏ, đặc biệt là đối với Berlin. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người vẫn kiên quyết phản đối mọi ý tưởng về việc toàn khối gánh vác các khoản nợ tái thiết của các thành viên tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu ngày 26/03, rốt cuộc đã cởi mở hơn khi đáp ứng đề nghị thể hiện tình liên đới từng được tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra.

Nhật báo Pháp ghi nhận : "Kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, Ý và Tây Ban Nha đã luôn luôn yêu cầu toàn Liên Âu thể hiện tình đoàn kết. Các nước như Bồ Đào Nha, Hy Lạp hay Pháp cũng vậy. Ngược lại, các quốc gia được gọi là "tằn tiện" như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch đã kiên quyết chống lại. Cho đến nay, Đức vẫn là đồng minh của các nước vừa kể, nhưng giờ đây đã quyết định đổi phe.

Các nước "keo kiệt" nghĩ đến việc phản công

Nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng đồng quan điểm với Le Monde, cho rằng thay đổi lập trường của bà Merkel là một điều "Kolossal" - gọi theo tiếng Đức - nghĩa là cực kỳ to lớn.

Trong bài "Macron đã làm thế nào để lôi kéo được Merkel cùng chấp nhận ý tưởng về sự đoàn kết tài chính Châu Âu", Le Figaro còn nhấn mạnh đến tính chất to lớn về mặt tài chánh của sáng kiến chung Pháp-Đức : Ngân sách 500 tỷ euro dĩ nhiên là thua xa con số từ 1.000 đến 1.500 tỷ mà Paris hy vọng, nhưng vẫn cao hơn kế hoạch Marshall của Mỹ thời kỳ sau năm 1945.

Đối với tờ báo, việc thủ tướng Đức thay đổi 180 độ lập trường, đồng thuận với tổng thống Pháp, đã khiến nhiều nước phải nghiến răng căm tức. Trong bài "Các nước "keo kiệt" đang suy tính đến một cuộc phản công", Le Figaro nêu bật phản ứng trước mắt của nhóm 4 nước Áo, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch, nổi tiếng về lập trường kiên quyết không chấp nhận gánh vác nợ nần của các thành viên khác.

Theo Le Figaro, thủ tướng Áo Sebastian Kurz, là người đầu tiên phản ứng, lên tiếng bày tỏ ngay vào tối thứ 18/05 thái độ phản đối của ông đối với đề xuất Pháp-Đức. Ông còn nhân danh nhóm bốn nước bao gồm Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển khẳng định rằng lập trường của họ vẫn giữ nguyên.

Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao Châu Âu đã thấy rằng quan điểm của Hà Lan có dấu hiệu thay đổi, như việc bộ trưởng Tài chánh Hà Lan Wopke Hoekstra, vốn rất nhanh nhảu trong việc phản đối, lần này đã kín tiếng hơn, trung thành với quan điểm của thủ tướng Hà Lan Mark Rutte theo đó phải đợi cho đến khi Ủy Ban Châu Âu cụ thể hóa đề xuất của Pháp-Đức vào tuần tới trước khi có phản ứng.

Pháp-Đức đề nghị tăng thẩm quyền y tế cho Liên Hiệp Châu Âu

Cũng liên quan đến sáng kiến mới Pháp-Đức, trong một bài viết được giới thiệu trên trang nhất, nhật báo kinh tế Âu Les Echos thấy rằng trong lãnh vực công nghiệp y tế, hai nhà lãnh đạo Macron và Merkel cũng mong muốn Châu Âu có một chính sách chung.

Đối với Les Echos, đại dịch Covid-19 đã phơi bày các giới hạn trong chính sách y tế riêng rẽ của từng quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Do vậy, Paris và Berlin muốn "trang bị cho Châu Âu những thẩm quyền rất cụ thể về mặt y tế".

Những thẩm quyền này có thể liên quan đến việc bảo đảm cho Liên Âu có một kho dự trữ chung về khẩu trang, các thiết bị xét nghiệm, hay là khả năng mua chung các loại thuốc trị liệu, vac-xin, hoặc là đề ra những kế hoạch phòng ngừa ở cấp Châu Âu.

Hai đầu tầu Đức và Pháp đã thấy đó là các hướng đi cần phát triển lâu dài, và Ủy Ban Châu Âu sẽ đưa ra đề nghị cụ thể vào tuần tới đây trong khuôn khổ ngân sách sắp tới của Liên Hiệp Châu Âu.

Covid-19 đe dọa chế độ làm việc 35 giờ/tuần ?

Trên trang nhất của mình, Le Figaro cũng chú ý đến các kế sách đối phó với khủng hoảng kinh tế mà dịch Covid-19 gây ra, nhưng nhấn mạnh đến tình hình tại Pháp.

Dưới hàng tựa lớn : "Phải chăng sẽ phải làm việc nhiều hơn để vượt qua khủng hoảng ?", Le Figaro ghi nhận một xu thế đang xuất hiện : "Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thúc đẩy các công ty xí nghiệp xem xét lại vấn đề tổ chức lao động, bắt đầu gây nên tranh luận về tuần lễ làm việc 35 giờ hiện nay".

Tờ báo trích dẫn một tuyên bố thẳng thắn của chủ tịch hiệp hội chủ nhân Pháp Medef, ông Geoffroy Roux de Bézieux trong một bài phỏng vấn, khẳng định rằng "sớm muộn gì thì cũng phải xem xét lại vấn đề thời gian làm việc, số ngày nghỉ lễ, và chế độ nghỉ phép có lương để hỗ trợ tiến trình khôi phục kinh tế và tạo điều kiện cho việc thúc đẩy thêm tăng trưởng bằng cách làm việc nhiều hơn".

Theo nhật báo Pháp, từ ngày có bài phỏng vấn đó đến nay, tranh luận bắt đầu nỗi lên về việc làm sao để các xí nghiệp thích nghi được với khủng hoảng. Nhiều xí nghiệp bị tác động mạnh sau hai tháng hoạt động hoàn toàn bị ngưng trệ, sẽ bắt đầu các cuộc thương lượng để điều chỉnh cách tổ chức sản xuất, với việc kéo dài thời gian lao động để cứu vãn công ăn việc làm.

Một cơ chế mới, thỏa thuận về hiệu năng tập thể, ký với các công đoàn đại diện cho đa số người lao động, cho phép xem xét lại các điều kiện làm việc trong một khoảng thời gian nhất định, từ vấn đề mức lương, nơi làm việc và thời gian lao động, cho đến vấn đề vận hành theo ê kíp làm việc.

Tờ báo thiên hữu đã không ngần ngại bênh vực cho việc xem xét lại chế độ làm việc 35 giờ từng được một chính quyền cánh tả tại Pháp đề ra khi ghi nhận "cánh hữu Pháp tiếp cận vấn đề lao động 35 giờ trên tinh thần không để cho ý thức hệ chi phối và một cách sáng suốt".

Hàng tồn kho chất đống tại Pháp vì Covid19

Cũng quan tâm đến tình trạng kinh tế Pháp thời hậu Covid-19, nhật báo kinh tế Les Echos đã chú ý đến một hậu quả thương mại bất ngờ : khối lượng hàng tồn kho cực lớn của hầu hết các doanh nghiệp.

Tựa lớn trang nhất của Les Echos xác định : "Nền kinh tế đang lâm bệnh với khối hàng không bán được".

Trên ba trang báo, tờ báo kinh tế đã liệt kê tình trạng hàng tồn kho càng lúc càng chồng chất ở các doanh nghiệp, trong lúc giới phân phối muốn chính quyền bật đèn xanh cho mùa hạ giá (Soldes hay Sales trong tiếng Anh) được mở ra sớm hơn.

Les Echos đặc biệt ghi nhận hai lãnh vực bị hiện tượng hàng ứ đọng tác hại. Trước hết là ngành thời trang may mặc, đang phải liên tục giảm giá, kế đến là ngành chế tạo ô tô, với những chiếc xe hơi chồng chất ở các đại lý mà không có người mua.

Một ví dụ điển hình được Les Echos phân tích là tình trạng của tập đoàn chế tạo ô tô Renault nổi tiếng của Pháp. Trong tình thế cực kỳ khốn khó, Renault đã được Nhà nước bảo đảm cho một khoản tín dụng lên đến 5 tỷ euro.

Bộ trưởng và đại biểu dân cử bị kiện vì virus corona

Trái với các đồng nghiệp, Libération và La Croix chú ý đến khía cạnh xã hội của giai đoạn hậu Covid-19.

Libération chú ý đến phương diện tư pháp, với câu hỏi lớn trên trang nhất : "Virus corona : Phải chăng sẽ có phản ứng quật ngược lại về mặt pháp lý ?"

Theo tờ báo, hiện nay đã có rất nhiều đơn kiện, từ hàng chục đơn kiện các bộ trưởng (và kể cả thủ tướng) trước Tòa án của Nền cộng hòa, cơ chế đặc trách xét xử các thành viên chính phủ đương nhiệm, cho đến những đơn kiện giới hạn ở cấp địa phương hay liên quan đến chế độ làm việc thời phong tỏa vì Covid-19.

Các đơn kiện này, đặc biệt là các khiếu nại trước Tham chính viện hay Tòa án của Nền cộng hòa, cộng thêm với các đòi hỏi Quốc hội thành lập ủy ban điều tra, đều nhằm buộc các đại biểu dân cử và các lãnh đạo cao cấp giải thích cách họ xử lý dịch bệnh trong thời gian qua.

Nhật báo La Croix thì chú ý đến lãnh vực tôn giáo, thở phào nhẹ nhõm trước việc "Cánh cửa những nơi thờ phượng đang hé mở", tựa lớn trang nhất, trên nền Nhà Thờ Đức Bà Paris với một vài giáo dân đeo khẩu trang đứng phía trước.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 705 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)