Trung Quốc bơm hàng tỷ đô la vào nền kinh tế hậu Covid-19 (RFI, 24/05/2020)
Hôm 22/05/2020, trong phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, chính phủ Bắc Kinh đã loan báo một loạt biện pháp để khôi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhưng không đề ra mục tiêu tăng trưởng.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc diễn văn khai mạc khóa họp Quốc hội, Bắc Kinh, ngày 22/05/2020 Reuters - Carlos Garcia Rawlins
Là nơi xuất phát dịch virus corona chủng mới, Trung Quốc đã gần như khống chế được dịch bệnh, nhưng những hậu quả đối với kinh tế sẽ còn kéo dài và rất khó dự báo. Cho nên, lần đầu tiên trong phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, năm nay, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không đề ra một mục tiêu tăng trưởng kinh tế, trái với truyền thống lâu đời của chế độ Cộng sản Bắc Kinh.
Theo hãng tin AFP, trong bài phát biểu hôm nay, ông Lý Khắc Cường cảnh báo : "Đất nước chúng ta đang phải đối đầu với những thách thức chưa từng có đối với sự phát triển và những thách thức này sẽ còn kéo dài". Lần đầu tiên trong lịch sử của Trung Quốc, nền kinh tế nước này trong quý 1/2020 đã sụt giảm 6,8% do dịch bệnh đã khiến mọi hoạt động gần như bị ngưng trệ.
Ngoài khủng hoảng Covid-19 đang làm tê liệt toàn thế giới, Trung Quốc còn đang đối đầu với đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump áp các thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc để trừng phạt Bắc Kinh, mà ông tố cáo là đã che giấu dịch bệnh, khiến cho hiện nay đã có hơn 300 ngàn người chết trên thế giới vì virus corona.
Theo lời thủ tướng Lý Khắc Cường, để hỗ trợ nền kinh tế, Nhà nước Trung Quốc sẽ để cho thâm thủng ngân sách năm nay tăng lên thành 3,6% GDP (so với mức 2,8% năm ngoái), tức là sẽ tăng thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (128 tỷ euro). Ông Lý Khắc Cường cũng loan báo việc phát thành trái phiếu "Coronabonds", huy động 1.000 tỷ nhân dân tệ để khắc phục hậu quả kinh tế của dịch Covid-19.
Tổng cộng 2.000 tỷ nhân dân tệ sẽ được dùng để hỗ trợ việc làm và toàn bộ sẽ được chuyển cho các chính quyền địa phương, được yêu cầu phải thắt lưng buộc bụng và giành ưu tiên cho chính sách tạo công ăn việc làm, vào lúc mà tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 6%.
Ngân sách quốc phòng tăng chậm hơn
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Trung Quốc được công bố hôm nay, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm nay tăng chậm hơn, nhưng vẫn ở mức khá cao, đó là 6,6%(so với mức tăng 7,7%
Thanh Phương
******************
Cựu toàn quyền Hồng Kông : "Trung Quốc đã bội ước, Phương Tây nên thôi tự dối mình" (RFI, 24/05/2020)
Trung Quốc đã phản bội người dân Hồng Kông, vì vậy phương Tây nên ngừng việc khấu đầu trước Bắc Kinh với hy vọng hão huyền là sẽ đào được mỏ vàng lớn. Trên đây là nội dung nhận định của ông Chris Patten, toàn quyền cuối cùng của Anh Quốc tại Hồng Kông trong bài phỏng vấn ngày 23/05/2020 dành cho tờ báo Times tại Luân Đôn.
Cựu toàn quyền Hồng Kông Chris Patten trong một lần đến đặc khu hành chính ngày 19/09/2017. Reuters - Bobby Yip
Trong bối cảnh Bắc Kinh chuẩn bị áp đặt một bộ luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông sau một phong trào biểu tình đòi dân chủ kéo dài tại đặc khu này năm 2019, ông Patten cho rằng : "Người dân Hồng Kông đã bị Trung Quốc phản bội", và chính phủ Anh, có một nghĩa vụ "đạo đức, kinh tế và pháp lý" để đứng lên bảo vệ vùng lãnh thổ này.
Theo Tuyên Bố Chung năm 1984, ký kết giữa thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương và đồng nhiệm Anh Quốc Margaret Thatcher về việc trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc vào năm 1997, thì quyền tự trị của vùng lãnh thổ này được bảo đảm trong vòng 50 năm trong khuôn khổ nguyên tắc "một đất nước, hai chế độ".
Đối với ông Patten, kế hoạch của Bắc Kinh nhằm áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông có nguy cơ phá hủy bản Tuyên Bố Chung. Vị cựu toàn quyền nhận định : "Những gì chúng ta đang thấy là một chế độ độc tài mới của Trung Quốc… (và) chính phủ Anh nên nói rõ rằng những gì chúng ta đang thấy là sự phá hủy hoàn toàn bản Tuyên Bố Chung".
Đặt vấn đề Hồng Kông vào trong khuôn khổ quan hệ chung giữa Phương Tây và Trung Quốc, ông Patten cho rằng các quốc gia Âu Mỹ nên "chấm dứt việc tự lừa dối mình khi cho rằng kết quả chung cuộc của tất cả các hành động khấu đầu (trước Bắc Kinh) sẽ là một hũ vàng lớn… Điều đó luôn luôn là một ảo ảnh".
Nhà ngoại giao kỳ cựu nói thẳng : "Chúng ta (tức Phương Tây) vẫn cứ tự trêu đùa mình, cho rằng nếu không làm mọi thứ mà Trung Quốc đòi hỏi thì bằng cách nào đó chúng ta sẽ bỏ lỡ những cơ hội giao thương tuyệt vời. Quả là một điều ngu xuẩn !".
Theo hãng tin Anh Reuters, cho đến tối ngày 23/5, chính phủ Anh chưa bình luận về phát biểu của ông Patten, nhưng hôm Thứ Sáu, 22/05, phát ngôn viên của thủ tướng Anh Boris Johnson, cho biết là Luân Đôn đang theo dõi tình hình và với tư cách là một bên ký kết bản Tuyên Bố Chung 1984, Vương Quốc Anh cam kết duy trì quyền tự trị của Hồng Kông và tôn trọng chế độ gọi là "nhất quốc lưỡng trị".
Trọng Nghĩa
*****************
Mỹ bổ sung hơn ba chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen (RFI, 23/05/2020)
Theo Reuters, ngày 22/05/2020, Bộ Thương Mại Mỹ đã thông báo bổ sung 33 công ty và tổ chức của Trung Quốc vào danh sách đen bị Mỹ trừng phạt kinh tế. Theo Washington, đó là những công ty và tổ chức đã tham gia hỗ trợ các hoạt động trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, sắc dân thiểu số theo Hồi Giáo sống chủ yếu ở vùng Tân Cương, Trung Quốc
Sĩ quan cảnh sát bán quân sự Trung Quốc bước theo đội hình vào Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, ngày khai mạc kỳ họp Quốc Hội, 22/05/2020. Reuters - Thomas Peter
Chính quyền Donald Trump có hành động như vậy vào lúc Quốc hội Trung Quốc đang thảo luận về luật an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính Hồng Kông.
Bảy công ty và 2 tổ chức bị Mỹ đưa vào danh sách đen vì đã vi phạm nhân quyền, trực tiếp dính líu vào các vụ bắt giữ hàng loạt, cải tạo tập trung người Duy Ngô Nhĩ. Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cũng liệt kê 24 công ty, tổ chức của chính phủ trong danh sách trừng phạt vì đã mua các trang thiết bị, vũ khí để quân đội Trung Quốc sử dụng vào các hoạt động trấn áp người Duy Ngô Nhĩ. Trong đó có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phần mềm nhận diện, vẫn phải mua các chi tiết công nghệ Mỹ.
Các đối tượng bị đưa vào danh sách đen sẽ bị hạn chế mua hàng của Mỹ hoặc các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài theo công nghệ Mỹ.
Cũng trong ngày 22/05, Bộ Giao thông Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đã ngăn các hãng hàng không của Mỹ nối lại hoạt động tại Trung Quốc. Hai hãng hàng không của Mỹ Delta Airlines và United Airlines muốn nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc vào tháng 6, sau khi ngừng đường bay do dịch Covid-19.
Anh Vũ
*********************
Trung Quốc cam kết tiến tới thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ (VOA, 22/05/2020)
Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục làm việc để thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Hoa Kỳ, vào lúc căng thẳng bùng lên giữa hai cường quốc kinh tế.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc báo cáo trước quốc hội nước này hôm 22/5
Trong báo cáo về hoạt động của chính phủ đọc trước quốc hội hôm thứ Sáu 22/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ nỗ lực vì tự do hóa thương mại và đầu tư toàn cầu.
"Chúng tôi sẽ hợp tác với Hoa Kỳ để thực hiện thỏa thuận kinh tế và thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ giai đoạn 1", ông Lý phát biểu.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại với các nước khác để mang lại lợi ích chung", vẫn theo lời ông Lý.
Ông cũng phát biểu rằng Trung Quốc sẽ "tích cực tham gia cải cách WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới)" và làm việc để đi đến ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đồng thời thúc đẩy đàm phán thương mại tự do với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các phát biểu của thủ tướng Trung Quốc được đưa ra giữa lúc quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục xấu đi vì những lời đổ lỗi về đại dịch virus corona, tranh cãi về vấn đề tiếp cận thị trường tài chính, và luật an ninh quốc gia mới có thể áp dụng với Hong Kong sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, gây lo ngại về việc Trung Quốc ra tay kiểm soát thành phố này.
Thỏa thuận giai đoạn 1 được chờ đợi từ lâu đã được ký kết vào tháng 1 năm nay, sau các cuộc đàm phán kéo dài làm thị trường thấp thỏm trong phần lớn năm 2019. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây lại nói rằng đó không còn là ưu tiên của Washington, và đưa ra một vài lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt nhắm vào Trung Quốc do nước này có vai trò trong giai đoạn đầu bùng phát dịch virus corona.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm 21/5, Zhang Yesui, người phát ngôn của phiên họp thứ ba, quốc hội Trung Quốc khóa 13, nói rằng "mối quan hệổn định và phát triển giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ phục vụ lợi ích cao nhất của nhân dân Trung Quốc và Hoa Kỳ".
Zhang nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là "cùng nhau hợp tác để chống lại Covid-19", và đảm bảo sựổn định kinh tế toàn cầu, nhưng quan chức này cũng cảnh báo rằng nếu Mỹ cứ giữ não trạng chiến tranh lạnh, Trung Quốc sẽ buộc phải phản ứng.
(CNBC, Bloomberg)
******************
Nhà Trắng ra báo cáo về ‘các hoạt động xấu xa’ của Trung Quốc (VOA, 21/05/2020)
Ngoài cuộc khẩu chiến gay gắt với Trung Quốc về việc xử lý virus corona, Nhà Trắng tiếp tục đưa ra một cuộc tấn công trên diện rộng vào các chính sách kinh tế hung hãn, củng cố quân đội, các chiến dịch xuyên tạc và vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.
Tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng về virus corona.
AP dẫn nguồn tin từ một giới chức chính phủ cấp cao đề nghị giấu tên cho biết bản báo cáo dài 20 trang không báo hiệu sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, nhưng nó củng cố những chỉ trích mạnh mẽ của ông Trump, mà ông hy vọng sẽ gây tiếng vang với các cử tri đang tức giận về cách xử lý dịch bệnh của Trung Quốc khiến hàng chục triệu người Mỹ mất việc.
"Việc truyền thông chỉ tập trung vào rủi ro đại dịch hiện nay đã bỏ lỡ bức tranh lớn hơn về thách thức từ Đảng cộng sản Trung Quốc", AP dẫn lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói hôm 20/5, trước khi Nhà Trắng công bố báo cáo.
"Trung Quốc đang bị cai trị bởi một chế độ tàn bạo, độc tài, một chế độ cộng sản kể từ năm 1949. Trong nhiều thập niên, chúng ta nghĩ rằng chế độ này sẽ dần dần trở nên giống chúng ta hơn - thông qua thương mại, trao đổi khoa học, tiếp cận ngoại giao, cho phép họ tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới với tư cách một quốc gia phát triển. Điều đó đã không xảy ra", ông nói.
Sau đó trong ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đã chấp thuận bán ngư lôi tiên tiến cho quân đội Đài Loan, một động thái chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã thông báo cho Quốc hội về việc bán ngư lôi hạng nặng, các phụ tùng thay thế, thiết bị hỗ trợ và thử nghiệm, trị giá 180 triệu đô la, được cho là "sẽ giúp cải thiện an ninh của Đài Loan và hỗ trợ duy trì ổn định chính trị, cân bằng quân sự và tiến bộ kinh tế trong khu vực".
Trong 20 năm qua, Hoa Kỳ tin rằng nếu mở cửa thị trường rộng hơn, đầu tư nhiều tiền hơn vào Trung Quốc và cho các sĩ quan quân đội Trung Quốc được tiếp cận nhiều hơn với đào tạo và công nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ , thì dần dà sẽ khiến Trung Quốc tự do hóa, quan chức Mỹ nói với AP.
Nhưng thay vào đó, Trung Quốc ngày càng chuyên chế hơn bất cứ lúc nào kể từ khi Bắc Kinh giết người biểu tình chống chính quyền ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, và Đảng cộng sản Trung Quốc đang ngày càng khẳng định các ý tưởng chính trị của họ trên toàn cầu.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào thời chính quyền Nixon.
"Hơn 40 năm sau, rõ ràng là cách tiếp cận này đã đánh giá thấp ý chí của Đảng cộng sản Trung Quốc trong việc hạn chế phạm vi cải cách kinh tế và chính trị ở Trung Quốc", báo cáo của Mỹ nói. "Trong hai thập kỷ qua, các cải cách đã chậm lại, bị đình trệ hoặc đảo ngược".
Theo báo cáo, chính quyền Trump thấy rằng "không có giá trị gì" khi can dự với Bắc Kinh chỉ để có tính biểu tượng và phô diễn. "Khi ngoại giao âm thầm tỏ ra vô ích, Hoa Kỳ sẽ gia tăng áp lực công cộng" đối với Trung Quốc.
Ví dụ mới nhất về sự cạnh tranh sức mạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong hội nghị thường niên của cơ quan y tế thuộc Liên Hiệp Quốc vào tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham gia vào hội nghị qua video để cung cấp thêm tiền và hỗ trợ cho WHO. Trong khi đó, ông Trump lên tiếng chống lại WHO trong một lá thư, cáo buộc tổ chức này đã cùng với Trung Quốc che đậy sự bùng phát virus corona, và ông đe dọa sẽ ngừng vĩnh viễn tài trợ của Hoa Kỳ, vốn là nguồn tài chính chính của WHO trong nhiều năm qua.
Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc về việc củng cố quân đội, tham gia vào các cuộc tấn công mạng, và cam kết chấm dứt các hoạt động kinh tế hung hãn của Bắc Kinh "đã bị vùi lấp bởi những lời hứa lèo rỗng tuếch".
Trong thời chính quyền Obama, Trung Quốc đã hứa sẽ ngăn chặn các hành vi trộm cắp, do chính phủ chỉ đạo, ở trên mạng hay nhằm vào các bí mật thương mại, nhằm thu lợi từ thương mại, và đã lặp lại lời hứa tương tự trong hai năm đầu tiên của chính quyền Trump, AP dẫn báo cáo nói.
Tuy nhiên, vào cuối năm 2018, Hoa Kỳ và hàng chục quốc gia khác đã báo cáo rằng Trung Quốc đang tấn công các máy tính, nhắm mục tiêu vào sở hữu trí tuệ và đánh cắp thông tin kinh doanh.
Chính quyền Trump cũng bất bình về cách Trung Quốc tiếp tục tranh luận với Tổ chức Thương mại Thế giới rằng mình là "quốc gia đang phát triển", mặc dù Trung Quốc đã là nhà nhập khẩu hàng đầu các sản phẩm công nghệ cao và chỉ đứng sau Hoa Kỳ về tổng doanh thu sản phẩm nội địa, chi tiêu quốc phòng và đầu tư bên ngoài.
Dưới thời Tập Cận Bình, các quan chức Trung Quốc đã thanh trừng phe đối lập chính trị ; các blogger, nhà hoạt động và luật sư bị truy tố bất công ; áp đặt kiểm soát nghiêm ngặt để kiểm duyệt không chỉ truyền thông, mà cả các trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ ; công dân và các tập đoàn bị nhắm mục tiêu giám sát ; và những người được coi là bất đồng chính kiến đã bị giam giữ tùy tiện, tra tấn và lạm dụng.
"Trung Quốc tiếp tục giữ cấu trúc kinh tế phi thị trường và cách tiếp cận do nhà nước dẫn đầu về thương mại và đầu tư", báo cáo nói. "Những cải cách chính trị cũng đã suy yếu hoặc đảo ngược, và sự phân biệt giữa chính phủ và Đảng cộng sản Trung Quốc đang bị xóa nhòa".
********************
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật giám sát các công ty Trung Quốc (VOA, 21/05/2020)
Dự luật do Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Kennedy, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Kevin Cramer bảo trợ.
Trụ sở công ty thương mại điện tử khổng lồ Alibaba ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc
Dự luật này buộc các công ty phải chứng nhận là "không do chính phủ nước ngoài làm chủ hay kiểm soát".
Dự luật được thông qua mà không vấp phải sự chống đối nào.
Cổ phiếu của Alibaba, công ty thương mại điện tử khổng lồ có trụ sở tại Trung Quốc, giảm hơn 2% sau khi có tin này.
Dù dự luật có thể được áp dụng cho bất cứ công ty nước ngoài nào tìm cách tiếp cận vốn của Mỹ, các nhà lập pháp nói rằng động thái này chính yếu nhắm vào Bắc Kinh.
"Đảng cộng sản Trung Quốc lừa dối, và Luật Qui trách nhiệm Các công ty Nước ngoài có thể chặn đứng những công ty này lừa gạt trên thị trường chứng khoán Mỹ", ông Kennedy viết trên Twitter chiều này 19/5. "Chúng ta không thể để các đe dọa nước ngoài đối với quỹ hưu bổng của người Mỹ bám rễ vào thị trường chúng khoán chúng ta".
(Nguồn AFP/Market Watch)