Bộ Ngoại giao Mỹ ra mắt ‘Nhà Trung Quốc’ trong bối cảnh cạnh tranh với Bắc Kinh
Reuters, VOA, 17/12/2022
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 16/12 trình làng "Nhà Trung Quốc" được lên kế hoạch từ lâu, một việc tổ chức lại nội bộ để giúp mở rộng và làm sắc nét hoạch định chính sách đối với đối thủ địa chính trị hàng đầu của mình.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Ngoại trưởng Antony Blinken vào tháng 5 đã công bố việc thành lập Nhà Trung Quốc, gọi đây là một nhóm thống nhất sẽ điều phối và thực hiện chính sách của Hoa Kỳ về các vấn đề và khu vực.
"Quy mô và phạm vi của thách thức do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặt ra sẽ thử thách chính sách ngoại giao của Mỹ mà chúng ta chưa từng thấy trước đây", ông Blinken nói vào tháng 5 năm nay.
Ông Blinken ngày 16/12 chủ trì lễ khai trương chính thức đơn vị này, với tên gọi chính thức là Văn phòng Điều phối Trung Quốc, lưu ý rằng nó sẽ đảm bảo Hoa Kỳ có thể "quản lý một cách có trách nhiệm" sự cạnh tranh với Bắc Kinh, theo một tuyên bố của Bộ.
Nhà Trung Quốc sẽ tập hợp các chuyên gia về Trung Quốc từ khắp các cơ quan trong Bộ để phối hợp với "mọi văn phòng khu vực và các chuyên gia về an ninh quốc tế, kinh tế, công nghệ, ngoại giao đa phương và truyền thông chiến lược", tuyên bố dẫn lời ông Blinken.
Đơn vị này sẽ thay thế khâu phận phụ trách các vấn đề Trung Quốc của Bộ, nhưng sẽ tiếp tục được giám sát bởi ông Rick Waters, phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ tại Cục Đông Á và Thái Bình Dương, theo một quan chức.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã vạch ra một chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc, tập trung vào việc đầu tư vào khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ và liên kết với các đồng minh và đối tác.
Hai nước đã làm việc để ổn định mối quan hệ bị rung chuyển bởi một loạt các động thái gần đây của Hoa Kỳ nhằm mở rộng kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ chiến lược, chẳng hạn như chất bán dẫn, và chuyến thăm Đài Loan vào tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, mà Bắc Kinh đã đáp trả bằng các cuộc tập trận quy mô lớn.
Ông Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp trực tiếp tại đảo Bali của Indonesia vào đầu tháng 11 và hai nước đã đồng ý tiếp tục các cuộc thảo luận, bao gồm chuyến thăm dự kiến tới Trung Quốc của ông Blinken vào đầu năm 2023.
Theo Reuters, VOA, 18/12/2022
**************************
Những điểm chính từ hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali
Reuters, VOA, 16/11/2022
Các nhà lãnh đạo của nhóm 20 quốc gia giàu có nhất thế giới G-20 vừa kết thúc hội nghị thượng đỉnh hai ngày tại đảo Bali của Indonesia hôm 16/11, lên án Nga xâm lăng Ukraine "bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất", trong số những điểm nổi bật khác, theo Reuters.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden, tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022.
Dưới đây là những điểm chính rút ra từ hội nghị :
Lên án Nga xâm lược Ukraine
Hội nghị các bộ trưởng G-20 hồi đầu năm đã kết thúc mà không có tuyên bố chung do Nga phản đối việc đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine. Tuần này, các nhà lãnh đạo đã thông qua một tuyên bố lên án hành động xâm lược của Nga ở Ukraine "bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất" và yêu cầu nước này rút quân vô điều kiện. Họ cũng nhận ra rằng trong khi hầu hết các thành viên lên án cuộc chiến ở Ukraine, vẫn "có những quan điểm khác và đánh giá khác về tình hình và các lệnh trừng phạt".
Những người tham gia cho biết tuyên bố đã được nhất trí thông qua. Chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, cho biết tất cả đã thể hiện "sự linh hoạt".
"Hầu hết các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây ra sự đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu - kìm hãm tăng trưởng, gia tăng lạm phát, phá vỡ chuỗi cung ứng, làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng, đồng thời làm tăng rủi ro ổn định tài chính", tuyên bố của các nhà lãnh đạo cho biết.
Họ cũng lên án bất kỳ mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nào, một sự khiển trách ngầm đối với Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh khi Tổng thống Vladimir Putin vắng mặt, đã lên án việc "chính trị hóa" cuộc họp này.
Quan hệ Mỹ-Trung có nền tảng tốt hơn
Trước hội nghị thượng đỉnh là cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống.
Mặc dù có ít kết quả hữu hình, nhưng nhìn chung đây là một cuộc gặp tích cực sau khi quan hệ giữa hai siêu cường giảm xuống gần mức thấp lịch sử hồi đầu năm.
Cả hai bên cho biết trong khi cuộc họp kéo dài ba giờ đặt ra những khác biệt lớn, đặc biệt là về Đài Loan, các hạn chế thương mại và chuyển giao công nghệ, hai bên đã đồng ý giữ liên lạc cởi mở và tránh đối đầu.
Có lẽ kết quả cụ thể nhất là việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hiện có kế hoạch thăm Trung Quốc vào đầu năm tới, chuyến thăm cấp cao nhất của Hoa Kỳ tới Trung Quốc trong hơn bốn năm.
Tập trung vào kinh tế toàn cầu
Các nền kinh tế G-20 đồng ý trong tuyên bố rằng cần từng bước tăng lãi suất một cách thận trọng để tránh tác động lan tỏa và cảnh báo về "sự biến động gia tăng" trong các động thái tiền tệ, một sự thay đổi lớn so với năm ngoái khi ấy chỉ tập trung vào việc khắc phục những hậu quả của đại dịch Covid-19.
Liên quan đến hiệu ứng lan tỏa là một sự đồng thuận trước những lo ngại của các nền kinh tế mới nổi về khả năng dòng vốn khổng lồ chảy ra ngoài nếu Mỹ tiếp tục tăng lãi suất mạnh.
Với cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra, cũng như các gói chi tiêu khổng lồ trong thời kỳ đại dịch bị đổ lỗi là nguyên nhân thúc đẩy lạm phát tăng cao, các nước G-20 cho biết các biện pháp kích thích kinh tế tiếp theo nên là "tạm thời và có mục tiêu".
Về nợ, nhóm bày tỏ quan ngại về tình hình "xấu đi" của một số quốc gia có thu nhập trung bình và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các chủ nợ cùng chia sẻ gánh nặng.
An ninh lương thực
Các nhà lãnh đạo hứa sẽ phối hợp hành động để giải quyết các thách thức về an ninh lương thực và hoan nghênh sáng kiến về ngũ cốc ở Biển Đen, nhưng các nhóm xã hội dân sự chỉ trích điều mà họ cho là thiếu các biện pháp cụ thể để giải quyết nạn đói.
Ông Friederike Roder thuộc nhóm Global Citizen cho biết : "G-20 chỉ đơn thuần là lặp lại các cam kết cũ từ những năm trước hoặc ghi nhận sự phát triển ở những nơi khác, thay vì tự mình đảm nhận vai trò lãnh đạo". Ông nói : "50 triệu người đang đứng trước bờ vực của nạn đói khi chúng ta đang bàn chuyện. Không còn thời gian để G-20 đưa ra lời kêu gọi hành động – mà chính họ mới là những người phải hành động".
Biến đổi khí hậu
Các nhà lãnh đạo G-20 nhất trí theo đuổi nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C - khẳng định họ sát cánh với mục tiêu nhiệt độ từ Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu.
Điều đó có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của Liên Hợp Quốc ở Ai Cập, nơi một số nhà đàm phán lo ngại G-20 sẽ không ủng hộ mục tiêu 1,5 độ C - có khả năng cản trở một thỏa thuận giữa gần 200 quốc gia tại các cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các đối tác cho biết họ sẽ huy động 20 tỷ đôla tài chính công và tư để giúp Indonesia đóng cửa các nhà máy điện than và đưa thời hạn phát thải cao nhất của ngành này còn 7 năm đến năm 2030.
Ông Biden và ông Tập đồng ý nối lại hợp tác về biến đổi khí hậu.
Ngoại giao của Trung Quốc
Chỉ trong chuyến thăm nước ngoài thứ hai kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, ông Tập tổ chức các cuộc gặp song phương với nhiều đồng minh của Hoa Kỳ, thể hiện thiện chí hàn gắn quan hệ với những người chỉ trích.
Bên cạnh cuộc gặp với ông Biden, ông Tập đã hội đàm với Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Phố Downing cho biết cuộc gặp với Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã bị hủy do vướng lịch trình. Ông Tập sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào cuối tuần này.
Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói về các cuộc gặp của ông Tập tại cuộc họp : "Đây chưa phải mang tính quyết định nhưng là một bước quan trọng để cố gắng giảm bớt những bất đồng".
Theo Reuters, VOA, 16/12/2022
**************************
Ông Biden cảnh báo Trung Quốc về Triều Tiên, đụng độ với ông Tập về Đài Loan
Reuters, VOA, 15/11/2022
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 14/11 cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ sẽ tăng cường vị thế an ninh của mình ở Châu Á nếu Bắc Kinh không thể kiềm chế các chương trình vũ khí của Triều Tiên. Trong cuộc họp kéo dài ba giờ đồng hồ, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung cũng có những lời lẽ mạnh mẽ về Đài Loan.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 14/11 gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia.
Tổng thống Biden, trong cuộc họp báo sau cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên với ông Tập kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ vào đầu năm 2021, cho biết hai bên đã nói chuyện thẳng thắn về nhiều vấn đề đang khiến mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.
Ông Biden nói không cần một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, và nói thêm rằng ông không nghĩ Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh nóng.
Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, ông Tập nói Đài Loan là "lằn ranh đỏ đầu tiên" không được vượt qua trong quan hệ Mỹ-Trung, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết.
Ông Biden nói ông muốn đảm bảo với ông Tập rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan không thay đổi, tìm cách giảm căng thẳng đối với hòn đảo tự trị này. Ông nói với các phóng viên : "Tôi không nghĩ có bất kỳ âm mưu nào sắp xảy ra từ phía Trung Quốc nhằm xâm lược Đài Loan".
Về Triều Tiên, ông Biden nói nếu Trung Quốc không thể kiềm chế các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng thì Hoa Kỳ sẽ làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực.
Bắc Kinh đã tạm dừng một loạt các kênh đối thoại chính thức với Washington, bao gồm cả về biến đổi khí hậu và các cuộc đàm phán giữa quân đội với quân đội, sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8 vừa qua.
"Vấn đề Đài Loan là cốt lõi của các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, là nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ, và là ranh giới đỏ đầu tiên không được phép vượt qua trong quan hệ Trung-Mỹ", Tân Hoa xã trích lời ông Tập Cận Bình.
Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Chính phủ dân cử của Đài Loan bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hòn đảo này. Bắc Kinh thường xuyên cáo buộc Hoa Kỳ trong những năm gần đây khuyến khích Đài Loan độc lập.
Ông Biden cho biết hai bên đã thiết lập một cơ chế liên lạc thường xuyên hơn và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ tới Trung Quốc để tiếp tục các cuộc thảo luận. "Tôi nghĩ chúng ta hiểu nhau", ông nói.
Cười và bắt tay
Trước cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã mỉm cười và bắt tay nồng nhiệt trước quốc kỳ của họ tại một khách sạn trên đảo Bali của Indonesia, một ngày trước hội nghị thượng đỉnh Khối 20 (G20) vốn dự kiến sẽ đầy căng thẳng về cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.
"Thật tuyệt khi được gặp ông", ông Biden nói với ông Tập khi choàng tay ôm ông Tập trước cuộc gặp.
Theo Tòa Bạch Ốc, ông Biden đã đưa ra một số chủ đề gai góc với ông Tập, trong đó có nêu lên sự phản đối của Hoa Kỳ đối với "các hành động ngày càng hung hăng và cưỡng ép" của Trung Quốc đối với Đài Loan, "các hoạt động kinh tế phi thị trường" của Bắc Kinh và các hoạt động ở "Tân Cương, Tây Tạng, và Hong Kong, và vấn đề nhân quyền nói chung".
Cả hai nhà lãnh đạo đều không đeo khẩu trang để tránh Covid-19, mặc dù các thành viên trong phái đoàn của họ có đeo.
Ông Tập nói trước cuộc gặp rằng mối quan hệ giữa hai nước không đáp ứng kỳ vọng toàn cầu và các tuyên bố sau đó phản ánh sự rạn nứt đang tiếp diễn.
"Giải quyết vấn đề Đài Loan là vấn đề của Trung Quốc và nội bộ của Trung Quốc", ông Tập nói, theo truyền thông nhà nước.
"Bất kỳ ai tìm cách tách Đài Loan khỏi Trung Quốc sẽ vi phạm lợi ích cơ bản của đất nước Trung Quốc".
Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố sẽ kiểm soát Đài Loan và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để làm như vậy.
Văn phòng Tổng thống Đài Loan cho biết họ hoan nghênh việc ông Biden tái khẳng định chính sách của Hoa Kỳ. "Điều này một lần nữa chứng minh đầy đủ rằng hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan là kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế", văn phòng nói.
Quan hệ căng thẳng
Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc nóng lên trong những năm gần đây do căng thẳng gia tăng về các vấn đề từ Hong Kong, Đài Loan, Biển Đông, các tập tục thương mại của Trung Quốc và các hạn chế của Hoa Kỳ đối với công nghệ Trung Quốc.
Nhưng các quan chức Mỹ cho biết đã có những nỗ lực âm thầm của cả Bắc Kinh và Washington trong hai tháng qua để sửa chữa quan hệ.
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen trước đó đã nói với các phóng viên ở Bali rằng cuộc gặp nhằm mục đích ổn định mối quan hệ và tạo ra một "bầu không khí chắc chắn hơn" cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Bà cho biết ông Biden đã nói rõ với Trung Quốc về những lo ngại an ninh quốc gia liên quan đến các quy định đối với các công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ và đã nêu quan ngại về độ tin cậy của chuỗi cung ứng hàng hóa của Trung Quốc.
Ông Biden và ông Tập từng điện đàm qua 5 cuộc điện thoại hoặc video kể từ tháng 1 năm 2021. Lần gặp mặt trực tiếp gần đây nhất là dưới thời chính quyền Obama khi ông Biden là phó tổng thống.
Chủ nhà hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Joko Widodo của Indonesia cho biết ông hy vọng cuộc họp vào ngày 15/11 có thể "mang lại những mối quan hệ đối tác cụ thể có thể giúp thế giới phục hồi kinh tế".
Tuy nhiên, một trong những chủ đề chính tại G20 sẽ là cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Ông Tập và ông Putin đã trở nên gần gũi hơn trong những năm gần đây, cùng bị phương Tây không tin tưởng. Nga-Trung tái khẳng định quan hệ đối tác chỉ vài ngày trước khi Nga xâm chiếm Ukraine. Nhưng Trung Quốc đã cẩn thận không cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ vật chất trực tiếp nào có thể kích hoạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nước này.
Tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Campuchia hôm Chủ nhật, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh "sự vô trách nhiệm" của các mối đe dọa hạt nhân, cho thấy Trung Quốc không thoải mái với lời lẽ hạt nhân của Nga, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Phương Tây đã cáo buộc Nga đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi xâm lược nước láng giềng Ukraine vào tháng Hai năm nay. Ngược lại, Nga cáo buộc phương Tây có những lời lẽ "khiêu khích" về hạt nhân.
Theo Reuters, VOA, 15/12/2022
+ Hoa Kỳ xây dựng các đồng minh Châu Âu
+ Hội nghị thượng đỉnh tứ giác kim cương (Quad plus) gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc
+ Cuộc họp cấp ngoại trưởng, quốc phòng với Nhật Bản, Nam Hàn (2+2) và Ấn Độ.
+ Ngoại trưởng Hoa Kỳ xây dựng quan hệ với NATO và EU
+ Quyết tâm phối hợp để đối phó với Nga và Trung Quốc.
Báo chí thế giới bắt đầu gọi cuộc đối đầu Mỹ-Trung bằng cụm từ quen thuộc "Chiến tranh Lạnh". Không ít người lo ngại sẽ xảy ra đối đầu quân sự giữa hai cường quốc. Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng xấu đi là điều ai cũng có thể thấy. Nước Mỹ của Donald Trump đang thoái lui với chủ trương "America First" (nước Mỹ trước hết), cũng đồng nghĩa với "America Alone" (nước Mỹ một mình) và Trung Quốc thì có vẻ muốn lấp vào chổ trống mà Mỹ bỏ lại. Liệu chiến tranh có xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc để khẳng định ngôi vị bá chủ thế giới không ?
Đầu tiên, thế nào là "Chiến tranh Lạnh" ? Đây là cuộc chiến về ý thức hệ giữa hai khối "Cộng sản - Dân chủ" (Xã hội chủ nghĩa - Tư bản chủ nghĩa) do Liên Xô và Mỹ lãnh đạo sau thế chiến 2. Tuy hai siêu cường Mỹ và Liên Xô không trực tiếp giao chiến với nhau nhưng cả hai đều đã ủng hộ và giúp đỡ tận tình cho các nước đồng minh giao tranh với nhau trên toàn thế giới như Việt Nam, Triều Tiên, Indonesia, Afghanistan, Nicaragoa, Bolivia, Cuba… Các cuộc chiến đó không hề Lạnh chút nào mà rất Nóng. Trong cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) thì cả Trung Quốc và Mỹ đều đã trực tiếp tham chiến. Chiến tranh Việt Nam cũng vậy, Mỹ và quân đồng minh đã trực tiếp đổ quân vào miền Nam, Trung Quốc và Liên Xô cũng gửi chuyên gia và cố vấn đến miền Bắc. Hàng triệu người Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Gần 8 triệu tấn bom đã thả xuống Việt Nam (gấp 2 lần số bom được dùng trong thế chiến 2) chưa kể 7,5 triệu tấn đạn dược và 75 triệu lít chất độc hóa học...
Chiến tranh Lạnh có xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc không ?
Chiến tranh Lạnh kéo dài hơn 40 năm với tất cả quyết tâm hạ gục lẫn nhau của hai khối cộng sản và dân chủ. Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và chinh phục không gian đã làm Liên Xô kiệt quệ. Chiến tranh Lạnh kết thúc khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
Có thể thấy hiện nay Mỹ và Trung Quốc không hề có mâu thuẫn đối kháng về ý thức hệ như hồi Chiến tranh Lạnh dù hai chế độ có khác nhau về thể chế chính trị. Mỹ dưới thời Donald Trump đã từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới. Khối các nước dân chủ đang bối rối và chưa kịp trở tay trước sự rút lui đột ngột của Mỹ. Donald Trump gây hấn với tất cả các nước dân chủ, từ Châu Âu cho đến Châu Á trong khi lại tỏ ra thân thiết với Nga, Bắc Triều Tiên, Việt Nam...
Trung Quốc cũng vậy, họ gây hấn với tất cả thế giới kể cả với một quốc gia đàn em có cùng ý thức hệ độc tài cộng sản là Việt Nam. Mỹ công khai từ nhiệm vai trò lãnh đạo khối dân chủ và Trung Quốc cũng gây gổ để rút lui và co cụm lại như nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp). Cả hai đều không chuẩn bị cho chiến tranh vì họ không hề lôi kéo hay tranh thủ đồng minh. Rõ ràng là cả Mỹ và Trung Quốc đều không có ý định gây chiến với nhau.
Trong Chiến tranh Lạnh cả Mỹ và Liên Xô đều xông lên tuyến đầu và hai khối "Cộng sản - Dân chủ" đã hình thành hai chiến tuyến rất rõ ràng. Hiện nay cả Mỹ và Trung Quốc đều cô đơn. Không chỉ thế cả hai đang gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng trong nội bộ. Tại Mỹ, chủ nghĩa phóng khoáng đang bị khủng hoảng khi tự do được đẩy lên quá cao trong lúc liên đới xã hội và bình đẳng bị bỏ lại phía sau. Donald Trump là một tổng thống dân túy nên chỉ càng làm cho nước Mỹ chia rẽ sâu sắc hơn thay vì đoàn kết lại. Người dân tức giận và phẫn nộ trước sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc. Các cuộc biểu tình và bạo loạn sau cái chết của người Mỹ da đen George Floyd đã chứng minh cho điều đó.
Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc cô đơn ?
Trung Quốc đang gây hấn để co cụm như phân tích của Tập Hợp. Họ đang phải đối đầu với làn sóng chống đối quyết liệt của người dân Hồng Kông. Bất lực và sợ đám cháy Hồng Kông lan rộng nên Trung Quốc đã lấy một quyết định cứng rắn là xóa bỏ quyền tự trị của Hồng Kông khi thông qua "Đạo luật an ninh quốc gia" đối với Hồng Kông. Trung Quốc và các nước độc tài còn lại sẽ vô cùng khốn đốn sau đại dịch Covid-19. Nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc đang đứng trước bờ vực khủng hoảng và đổ vỡ. Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ tìm cách rút các nhà máy ra khỏi Trung Quốc sang các nước khác để bao vây và cô lập Trung Quốc. Một đồng thuận trên toàn thế giới (chứ không riêng mỗi chính quyền Donald Trump) là xem Trung Quốc như mối đe dọa cho hòa bình thế giới khi Trung Quốc phát triển nhưng vẫn từ chối công nhận các quyền cơ bản của con người.
Đó là bề chìm, còn bề nổi thì chúng ta đang chứng kiến các cuộc khẩu chiến ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ đã hủy bỏ những ưu đãi kinh tế dành cho Hồng Kông và mới nhất là việc ngoại trưởng Mỹ đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Tàu chiến Mỹ hiện diện ngày càng nhiều hơn ở khu vực này. Liệu có xảy ra đụng độ ở Biển Đông hay không ? Câu trả lời là có thể có, có thể không.
Biển Đông sẽ là nơi xảy ra xung đột Mỹ-Trung ?
Trung Quốc bị vây bọc tứ phía trên biển, biển Hoa Đông thì có Nhật trấn giữ, rồi đến Đài Loan và sau đó là Biển Đông. Việc Trung Quốc hù dọa tấn công Đài Loan là chuyện khó xảy ra vì không quân của Đài Loan được giới chuyên gia nhận định là tinh nhuệ nhất thế giới. Nhật Bản lại càng không thể, như vậy chỉ có Biển Đông là yếu nhất. Philippines và Việt Nam đều không phải là đối thủ của Trung Quốc, trình trạng pháp lý nơi đây không được rõ ràng và đang có tranh chấp giữa nhiều quốc gia. Nếu cần một cuộc giao chiến trên biển thì chắc chắn Trung Quốc sẽ chọn Biển Đông. Tuy nhiên như đã phân tích, Trung Quốc không sẵn sàng cho một cuộc chiến với Mỹ và EU. Tương quan lực lượng giữa hai bên quá chênh lệch.
Chính quyền Donald Trump đang khiêu khích và gây gỗ với Trung Quốc trên mọi mặt trận vì chống Trung Quốc là lá bài cuối cùng của Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Chúng ta hy vọng là Trung Quốc không mắc mưu Mỹ khi khai chiến ở Biển Đông. Tất nhiên là Trung Quốc sẽ không nhằm vào quân đội Mỹ mà sẽ nhắm vào Việt Nam vì vậy chính quyền Việt Nam cũng cần cảnh giác, tránh khiêu khích hay chọc giận Trung Quốc để họ có cớ tấn công, chiếm đóng các đảo của Việt Nam. Đồng thời phải chuẩn bị để đối phó các cuộc tấn công từ Trung Quốc. Việt Nam phải kiên quyết giữ các đảo đến cùng vì nếu mất đi sẽ không bao giờ lấy lại được. Nên gửi đến Trung Quốc một thông điệp là Việt Nam sẵn sàng biến một xung đột khu vực thành xung đột quốc tế. Với thái độ chống Trung Quốc như hiện nay trên thế giới thì Bắc Kinh sẽ mất nhiều hơn là Hà Nội. Bài học từ Ukraine vẫn còn đó. Nga lấy được bán đảo Crimea nhưng bị Mỹ và EU cấm vận, Ukraine thì mất đất. Chỉ có Mỹ là được lợi khi có cớ cấm vận và làm suy yếu nước Nga.
Nếu Trung Quốc vì bị khiêu khích hay vì một lý do (điên rồ) nào đó mà quyết định gây ra một cuộc hải chiến nhỏ, cho dù có kềm chế, trên Biển Đông thì hậu quả Trung Quốc sẽ bị cấm vận còn Việt Nam sẽ mất đảo và cũng chỉ Mỹ là hưởng lợi. Mỹ sẽ không đánh trả Trung Quốc nếu Trung Quốc không trực tiếp tấn công Mỹ. Khác với Đài Loan, Mỹ cũng không có lý do gì để giúp Việt Nam chiếm lại các đảo nếu bị Trung Quốc xâm chiếm. Quan hệ Mỹ-Việt chưa đủ lớn và đủ độ tin cậy để Mỹ làm điều đó. Hy vọng Donald Trump đánh Trung Quốc hộ Việt Nam chỉ là giấc mơ hoang đường. Cũng may cho Mỹ và thế giới là Donald Trump kém cỏi và vụng về nếu không hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Theo nhận định của Tập Hợp thì căng thẳng Mỹ-Trung là có thật và ngày càng dâng cao khi mọi thăm dò đều cho thấy Donald Trump đang bị thua điểm Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 sắp tới. Tuy nhiên chiến tranh sẽ không xảy ra dù Nóng hay Lạnh. Mỹ và Trung Quốc không hề đối đầu về ý thức hệ mà chỉ vì lý do kinh tế. Mỹ không còn là lãnh đạo của khối dân chủ mà chỉ là một "chế độ tài phiệt". Trung Quốc cũng không còn là quốc gia cộng sản mà chỉ là chế độ độc tài cá nhân trị. Cả hai nước đều sỡ hữu vũ khí hạt nhân, cả hai đều không dám gây chiến và xung đột, ngoại trừ "khẩu chiến".
Vậy Mỹ và Trung Quốc sẽ làm gì ? Cả hai sẽ ngày càng to tiếng và "ăn miếng trả miếng" với nhau để đổ lỗi và biện hộ cho những thất bại trong đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế. Khả năng cao là Mỹ sẽ có tổng thống mới trong cuộc bầu cử tới đây. Đoàn kết người dân Mỹ, hàn gắn với các đồng minh dân chủ sẽ là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền mới. Mỹ cũng cần thời gian để trấn tĩnh và chấn chỉnh lại nền dân chủ của mình.
Khả năng cao là Mỹ sẽ có một vị tổng thống mới biết đoàn kết người dân Mỹ, hàn gắn với các đồng minh dân chủ - Ảnh minh họa Donald Trump và Joe Biden (phải)
Trung Quốc sẽ rút lui và co cụm lại trước khi tan vỡ. Thời gian này có thể kéo dài khoảng 10 năm. Làn sóng bất mãn sẽ gia tăng khi kinh tế Trung Quốc sa sút. Người dân Trung Quốc đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Họ làm ăn và đi du lịch khắp thế giới, cuộc sống của họ đã cải thiện rất nhiều, cho nên rất khó để quay lại với cuộc sống nghèo khó như trước. Không chỉ các tỉnh nghèo của Trung Quốc bất mãn mà sắp tới các tỉnh giàu có của Trung Quốc cũng sẽ bất mãn và không muốn chia sẻ gánh nặng với Bắc Kinh. Trung Quốc tan vỡ thành nhiều quốc gia độc lập là điều khó tránh khỏi. Hy vọng là sự tan vỡ đó xảy ra trong hòa bình như Liên Xô hồi trước.
Việt Nam có mọi lý do để lo lắng và thận trọng. Đảng cộng sản Việt Nam rất khó khăn khi bắt buộc phải chọn phe.
"Bỏ Tàu theo Mỹ" là một lựa chọn tình thế nhằm lợi dụng Mỹ trong quan hệ song phương chứ không hẳn vì chia tay ý thức hệ cộng sản. Sự xoay trục nửa vời này có thể sẽ gặp rắc rối với Donald Trump, một tổng thống dân túy bốc đồng. Sau khi Trung Quốc co cụm và rút lui thì vai trò của Việt Nam sẽ giảm đi, những ưu đãi và dễ dãi của Mỹ và EU dành cho Việt Nam cũng không còn. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ rất bối rối và khốn đốn trong những ngày tới.
Việt Hoàng
(06/06/2020)
Virus corona thúc đẩy cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung
"Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Hoa" của Tập Cận Bình không còn ai mơ đến, thế nên nhà độc tài bèn thúc đẩy tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Trong khi phương Tây đang choáng váng trước hậu quả nặng nề của đại dịch, Bắc Kinh cho thấy đã sẵn sàng vi phạm các hiệp ước quốc tế, như thỏa thuận với Luân Đôn về Hồng Kông. Virus corona cũng đã đẩy nhanh cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Bắc Kinh và Washington.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bấm nút thông qua luật an ninh quốc gia về Hồng Kông trong kỳ họp Quốc hội ở Bắc Kinh ngày 28/05/2020. © Reuters/Carlos Garcia Rawlins
Xã luận của Le Point mang tựa "Sự biến tướng độc tài của Trung Quốc" đặt vấn đề, hôm nay là Hồng Kông, ngày mai sẽ đến lượt Đài Loan bị tấn công bởi bàn tay sắt của Tập Cận Bình – người quyết liệt đẩy mạnh kiểu chủ nghĩa xã hội hủy hoại tự do.
Siết tự do Hồng Kông, Bắc Kinh không ngại vi phạm thỏa thuận quốc tế
Lợi dụng đại dịch virus corona đang thu hút toàn bộ sự chú ý của thế giới, Trung Quốc kết thúc quyền tự trị của Hồng Kông. Đảng cộng sản Trung Quốc muốn dập tắt tiếng nói của hàng trăm ngàn người dân đặc khu đấu tranh cho dân chủ trước khi nạn dịch xảy ra, và nay vừa bắt đầu tiếp tục phản kháng. Theo tác giả Luc de Barochez, thông điệp sát hại dân chủ của Tập Cận Bình đã vượt khỏi Hồng Kông, liên hệ trực tiếp đến Châu Âu, cho thấy Trung Quốc đã lợi dụng phương Tây như thế nào.
Năm 1997, khi Anh quốc trao trả Hồng Kông, Bắc Kinh đã cam kết dành quyền tự quyết cao độ cho đặc khu trong nửa thế kỷ, cho đến năm 2047. Thế nhưng phương Tây đã tỉnh mộng. Trong tám năm cầm quyền, Tập Cận Bình siết chặt kiểm soát người dân Hoa lục với một loạt công nghệ mà những người tiền nhiệm không có được như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu khổng lồ, giám sát video, công nghệ nhận diện, kiểm soát toàn bộ các mạng xã hội.
Sau Hồng Kông, Đài Loan đang trong tầm ngắm, nhất là khi đã chứng tỏ được một nền dân chủ có thể kiểm soát nạn dịch hiệu quả hơn độc tài. Đối với Tập Cận Bình, đây là một thách thức không thể chấp nhận được. Lần đầu tiên mục tiêu thống nhất "hòa bình" với Đài Loan không còn được nêu ra trong báo cáo thường niên của Quốc hội Trung Quốc vừa rồi. Chưa phải là đe dọa chiến tranh, nhưng không còn là bảo đảm hòa bình.
Nhân đại dịch, Tập Cận Bình đẩy mạnh mô hình toàn trị
Những gì đang diễn ra ở phương Đông là một hình ảnh mới của cuộc xung đột giữa cộng sản độc tài và dân chủ tự do, vốn đã đánh dấu thế kỷ 20. Ngay từ 2013, ông Tập đã dự báo "sự biến mất của chủ nghĩa tư bản và chiến thắng tối hậu của chủ nghĩa xã hội". Dưới cái vỏ "Con đường tơ lụa mới", ông ta xây dựng một thế giới mới với trung tâm không còn là Âu-Mỹ mà là Trung Quốc.
Đối với Tập Cận Bình, Trung Quốc toàn trị dưới sự thống trị của đảng cộng sản là mô hình mà thế giới phải noi theo. Nhà độc tài đỏ lợi dụng đại dịch corona để thúc đẩy những con cờ của mình, áp dụng nguyên tắc của Winston Churchill "không nên phí hoài một cuộc khủng hoảng".
Chủ tịch Trung Quốc biết rằng thảm họa kinh tế do con virus từ Vũ Hán gây ra có nguy cơ gây hỗn loạn xã hội tại Hoa lục, việc tăng 6,6% ngân sách quốc phòng bất chấp phúc lợi xã hội bị cắt giảm, và quyết định làm chủ tịch suốt đời của ông ta gây bất mãn ngay trong giới cầm quyền Trung Quốc.
"Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Hoa" của ông Tập không còn ai mơ đến, thế nên nhà độc tài bèn thúc đẩy tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Trong khi phương Tây đang choáng váng trước hậu quả nặng nề của đại dịch, Bắc Kinh cho thấy đã sẵn sàng vi phạm các hiệp ước quốc tế, như thỏa thuận với Luân Đôn về Hồng Kông. Các đối tác của Trung Quốc cần rút ra kinh nghiệm.
Virus corona làm tăng tốc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung
L’Expresslý giải "Virus corona đã đẩy nhanh cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Bắc Kinh và Washington như thế nào".
Trong khi virus corona đã làm cho 100.000 người chết tại Mỹ, tổng thống Donald Trump nhấn mạnh đến "sự bất tài của Trung Quốc", nước phải chịu trách nhiệm về "vụ thảm sát hàng loạt ở tầm mức thế giới". Bắc Kinh tố cáo ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã "nói dối" khi khẳng định con virus độc hại đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Mới đây Washington đe dọa "sẽ phản ứng rất mạnh" nếu Trung Quốc áp đặt luật "an ninh quốc gia" lên Hồng Kông. Ông Pompeo còn chúc mừng bà Thái Anh Văn tiếp tục là người đứng đầu một "nền dân chủ sinh động", "nguồn cảm hứng cho khu vực và thế giới" khiến Bắc Kinh điên lên vì tức giận. Tại Biển Đông, các chiến hạm Mỹ thách thức Trung Quốc.
Về kinh tế, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 coi như bị chìm xuồng. Mới đây Washington còn cấm tất cả các nhà sản xuất chip điện tử trên thế giới có làm việc với Mỹ cung ứng sản phẩm cho Hoa Vi, một dạng bóp nghẹt kinh tế đối với tập đoàn này. Bắc Kinh trả đũa bằng cách lần đầu tiên từ tháng 3/2018 đã hạ giá đồng nhân tệ 15% so với đô la, dấu hiệu tiên khởi cho một cuộc chiến tranh tiền tệ.
Cộng hòa và Dân chủ Mỹ cùng đối nghịch Trung Quốc
Trong khi đó L’Obs trong bài xã luận "Cuộc chiến tranh lạnh mới và chúng ta", tỏ ra băn khoăn về vai trò của Châu Âu. Sự xuống cấp nhanh chóng trong quan hệ giữa hai siêu cường thế kỷ 21 đặt ra nhiều vấn đề, mà trước hết là câu hỏi, có thể gọi tên cuộc khủng hoảng này là gì ?
Điểm khác biệt lớn với cuộc chiến tranh lạnh Hoa Kỳ- Liên Xô trước đây là tầm vóc quy mô các trao đổi của đôi bên, trong khi thập niên 50 hầu như không có hoạt động thương mại giữa hai khối. Tác giả Pierre Haski cho rằng sẽ sai lầm nếu chỉ phân tích ở góc độ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới.
Đã hẳn chống Trung Quốc là một trong những chủ trương chính trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, một phần để làm quên đi cuộc khủng hoảng virus corona. Nhưng ở Mỹ, tâm lý thù địch Trung Quốc hiện nay là sâu sắc, được cả hai đảng chia sẻ và sẽ không biến mất một khi cuộc bầu cử kết thúc. Chỉ cần đọc văn bản 14 trang được công bố vào giữa tháng Ba, mang tựa đề "Cách tiếp cận chiến lược của Hoa Kỳ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", gọi Trung Quốc là kẻ "cạnh tranh hệ thống"- chủ trương này hẳn là được phe Dân chủ ủng hộ.
Châu Âu khó thể đứng về bên nào trong chiến tranh lạnh Mỹ-Trung
Vấn đề thứ hai mà cuộc khủng hoảng đặt ra là đối với thế giới, là phải đứng về bên nào ?. "Hãy chọn phe đi đồng chí !" - như khuyến cáo trước đây. Các nước Châu Âu, Châu Phi và phần còn lại của Châu Á phải có thái độ ra sao trước sự phân cực này ?
Trung Quốc của Tập Cận Bình đã đặt ra thách thức. Cho đến nay, thế giới vẫn chấp nhận chế độ này, hy vọng rằng độc tài sẽ giảm dần cùng với sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên Trung Quốc lại đi theo chiều hướng ngược lại, càng hùng mạnh thì lại càng độc đoán, và đại dịch virus corona càng làm xu hướng này tăng lên. Đang ở thế thủ, Đảng cộng sản Trung Quốc chọn thái độ hung hăng. Trong nước, Bắc Kinh thúc đẩy dân tộc chủ nghĩa, còn với thế giới thì khiêu khích, trả đũa mỗi lần bị chỉ trích.
Đối với Châu Âu, hầu như khó thể dung hòa giữa chủ trương cũng dân tộc chủ nghĩa của ông Donald Trump, và sự cần thiết buộc một Trung Quốc đang thô bạo hơn phải tôn trọng mình. Đặc biệt Châu Âu đang thua thiệt ở một trong những lãnh vực cạnh tranh là công nghệ. Trong khi đó hai siêu cường lại buộc Châu Âu phải chọn phe, trước hết là việc sử dụng 5G của Hoa Vi (Huawei).
Vào mùa xuân 2019, Ủy Ban Châu Âu đã nhận định Trung Quốc vừa là đối tác vừa là đối thủ chiến lược. Bắc Kinh là đối tác quan trọng trong Hiệp định khí hậu Paris mà tổng thống Mỹ đã rút ra, và còn là nước cùng ký kết hiệp ước nguyên tử với Iran… Nhưng ngoài việc lên án sự mập mờ của Trung Quốc về nguyên nhân đại dịch do con virus xuất xứ từ Vũ Hán cũng như Bắc Kinh đàn áp Hồng Kông, Tân Cương… Châu Âu có thể làm được gì khác ? Tác giả không tin rằng Châu Âu có thể hành động mạnh mẽ hơn.
Chiếc mặt nạ độc tài của Bắc Kinh đã rơi rụng từ lâu
Trong một bài viết khác, L’Obs nhấn mạnh "Trung Quốc đã đánh rơi chiếc mặt nạ". Tập Cận Bình có những quyết định thô bạo, trước hết về chính trị. Quy chế "Một đất nước, hai chế độ" của Hồng Kông bị hủy hoại với việc áp đặt các biện pháp kiểm duyệt, kiểm soát và đàn áp cư dân đặc khu, gây áp lực ngày càng lớn đối với Đài Loan.
Trên lãnh vực kinh tế, lần đầu tiên chính quyền không đề ra mục tiêu tăng trưởng, cuộc khủng hoảng virus corona được dùng làm một cái cớ. Sự chọn lựa này bộc lộ sự hoang mang của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước viễn tượng kinh tế. Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng trạng huống đồng thời với khủng hoảng cơ cấu, liên quan đến lão hóa dân số và kinh tế thế giới trì trệ.
Còn về "chiếc mặt nạ y tế" thì đã bị rơi rụng từ rất lâu. Người ta biết rằng Trung Quốc đã dối trá ngay từ đầu nạn dịch, giấu diếm những thông tin về việc lây từ người sang người – lẽ ra đã tránh được mấy chục ngàn cái chết. Bây giờ không phải là lúc để khuyến dụ như Trung Quốc đã làm trong nhiều thập niên qua : Bắc Kinh đã để lộ hẳn bộ mặt một chế độ độc tài.
Donald Trump : Tái đắc cử bằng mọi giá
Quay lại với nước Mỹ, tuần báo L’Obs được cho là thiên tả, dành 12 trang báo cho tổng thống Donald Trump trong cuộc chạy đua để giữ lại chiếc ghế ở Nhà Trắng. Tờ báo phân tích từ chiến lược của Trump và bộ tham mưu cho đến những ủng hộ viên sẵn sàng chiến đấu cho ông, bên cạnh đó là bài phỏng vấn giáo sư Allan Katz, một cựu đại sứ của Obama.
Joe Biden đã "già nua lẩm cẩm, kẻ quấy rối tình dục, ủng hộ Trung Quốc", một tấm ảnh chế cho thấy "Biden Bắc Kinh" đang được đút ăn bằng muỗng trong viện dưỡng lão… Chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump chỉ mới khởi đầu, đã báo hiệu rất ác liệt.
Một cuộc thăm dò tuần rồi cho biết Biden đang vượt Trump 8 điểm, và theo một thăm dò khác thì hơn đến 11 điểm, do kinh tế lao dốc và quản lý khủng hoảng tệ hại. Tuy nhiên với Donald Trump, tất cả đều có thể. Trang PredictIt vẫn dự đoán ông Trump sẽ thắng (50-46), và ngay cả nhiều cử tri đã bầu cho Dân Chủ vẫn nghĩ rằng Donald Trump sẽ lại đắc cử vào tháng 11 tới. Khó thể nói trước điều gì khi nước Mỹ đang chia rẽ đến nỗi, nói theo ông Katz, có những người vẫn sẵn sàng bầu cho Trump kể cả khi ông bắn hạ ai đó trên đại lộ số 5, còn người khác nhất quyết không bầu dù Trump có miễn phí cho tất cả bệnh nhân ung thư.
Trump, Merkel, Raoult : Trang nhất các tuần báo
Trang bìa của các tuần báo Pháp kỳ này dành cho ba nhân vật khác nhau.
L’Obsđăng ảnh tổng thống Mỹ với tựa đề "Ông Trump muốn thắng cử ra sao", với nhận xét tổng thống Mỹ không từ bất cứ điều gì để giành được nhiệm kỳ thứ nhì, và chiến dịch tranh cử sẽ rất quyết liệt.
Le Point đăng ảnh nữ thủ tướng Đức Angela Merkel với tựa lớn "Bà sếp" và tựa nhỏ phía dưới "Bà Merkel có thể cứu vãn Châu Âu như thế nào".
L’Expressdành trang bìa và hồ sơ chính cho giáo sư Didier Raoult, với phương pháp trị liệu Covid-19 bằng chloroquine gây tranh cãi.
Riêng Courrier International chạy tựa "Sức khỏe và khí hậu, cùng một cuộc chiến". Ở trang trong, các báo bàn luận rất nhiều về Trung Quốc và cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung.
Thiếu văn minh với loài vật, Trung Quốc khó bước lên hàng đại cường
Courrier International tuần này dành bốn trang báo cho vấn đề tiêu thụ thịt thú rừng tại Trung Quốc. Thường vụ Quốc hội nước này hôm 24/02 đã công bố lệnh ngưng buôn bán thú hoang bất hợp pháp, "để diệt trừ thói quen xấu là ăn thịt rừng và bảo đảm an toàn dịch tễ".
Tê tê, món ăn mà người Trung Quốc cho là bổ dưỡng, được buôn lậu từ Miến Điện. © Wikipedia/Dan Bennett
Như vậy những động vật nào có thể bị ăn thịt ? Một danh sách năm 2014 kê ra 159 loài sống trên cạn thuộc 7 hạng, trong đó phổ biến là heo, bò, cừu, gà vịt… có cả nai, nhưng không có bồ câu và chim cút ! Danh sách này cần phải điều chỉnh lại vì gồm cả những động vật hiếm phải bảo vệ. Còn đối với động vật sống dưới nước, đa số vật nuôi đều được phép ăn thịt kể cả cá sấu và cá tầm.
Trong khi những người nuôi thú hoang để giết thịt bán đấu tranh cho một "danh sách trắng", thì giới bảo vệ động vật tung ra chiến dịch vì một "danh sách đen" những loài vật không nên ăn thịt, còn Liên minh Trung Quốc bảo vệ các loài thú họ Mèo (CFCA) lập ra "danh sách đỏ". Trong danh sách đỏ này có cả những loại thường được tiêu thụ trong các nhà hàng như cá chuột mũi dài để ăn lẩu, hãi mã để nấu súp…
"Văn hóa hạ cấp"
"Virus corona chủng mới xuất hiện ở Vũ Hán là sản phẩm từ nền văn hóa hạ cấp của Trung Quốc, bắt và ăn thịt thú rừng, đối xử vô nhân đạo và tiếp tục xơi thịt chúng để thỏa mãn ý thích của mình, thói quen xấu xí này của người Trung Quốc là nguồn virus". Giáo sư Viên Quốc Dũng (Yuen Kwok Yung) và trợ lý David Lung của ông hôm 18/03 đã viết như thế trên nhật báo lớn của Hồng Kông là Minh Báo. Bài viết bị rút xuống trong cùng ngày !
Vị giáo sư sinh học là người đầu tiên hồi năm 2003 đã nhận ra một loại virus corona là nguyên nhân gây ra dịch SARS, và ông đã đích thân đi thực tế ở Vũ Hán hôm 17/01. Các tác giả bài viết than phiền lệnh cấm ăn thịt thú hoang thực tế không hề được tôn trọng.
Nghịch lý thay, dịch SARS năm 2003 đã làm bùng nổ việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã tại Trung Quốc. Tạp chí Tài Kinh dẫn một báo cáo chính thức năm 2016 cho biết, tổng cộng ngành này thu dụng 14 triệu nhân công, với doanh số lên đến 520 tỉ nhân dân tệ (66,9 tỉ euro). Một người ở Nam Ninh cho biết hiện còn 7.000 con rắn nước và rắn hổ mang trị giá trên 1 triệu nhân dân tệ, nhưng không thể bán được.
Dân tộc văn minh phải tử tế với thiên nhiên
Courrier International dịch một bài trên Liên Hợp Báo (Lienhepao) của Đài Loan, kêu gọi "Bắc Kinh phải làm thay đổi cách nghĩ". Người dân Hoa lục cho rằng ăn thịt rừng làm tăng cường sức lực, "tráng dương bổ thận", đồng thời chứng tỏ "đẳng cấp". Tuy nhiên xã hội hiện đại đã có biến chuyển sâu sắc trong việc bảo vệ thiên nhiên, có các quy định chặt chẽ về thực phẩm.
Đại dịch virus corona đã tác hại nặng nề đến hình ảnh Trung Quốc, dân Hoa lục bị thế giới coi là những kẻ kỳ dị, xơi cả loài dơi và công. Cuộc khủng hoảng Covid-19 "đã làm rúng động toàn hành tinh vì người Vũ Hán ăn thịt rừng", dân Hoa lục nhận được một bài học đích đáng với việc phong tỏa thành phố. Với 1 tỉ con heo, bò và 13 tỉ con gà vịt giết thịt hàng năm, tờ báo cho rằng dân Hoa lục không hề thiếu nguồn protein để phải ăn thịt thú hoang.
Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã bước lên hàng cường quốc về kinh tế, quân sự và khoa học, nhưng về văn hóa lại ở mức thấp về mặt tôn trọng môi trường và sinh vật (chẳng hạn ăn vi cá mập, tay gấu). Nếu không lấp được khoảng cách này, thì tư cách đại cường khó mà đạt được. Gandhi đã nói : "Người ta nhận ra mức độ văn minh của một dân tộc thông qua cung cách mà họ đối xử với loài vật".
Trong một bài viết khác trên tờ báo đối lập Apple Daily, ông Đái Diệu Đình (Benny Tai), giáo sư luật và là khuôn mặt điển hình của phong trào dân chủ Hồng Kông cho rằng "văn hóa hạ cấp của Trung Quốc" không chỉ giới hạn ở Covid-19. "Có một loại virus chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc độc tài đang lan truyền trên thế giới. Nếu không nhanh chóng ngăn chận, một thảm họa khác có thể gây hại cho hành tinh chúng ta". Ông Đái Diệu Đình nhấn mạnh, virus độc tài có nhiều đặc tính, như "đặt ổn định xã hội lên trên tất cả" và "trốn tránh trách nhiệm".
Thụy My
Trung Quốc bơm hàng tỷ đô la vào nền kinh tế hậu Covid-19 (RFI, 24/05/2020)
Hôm 22/05/2020, trong phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, chính phủ Bắc Kinh đã loan báo một loạt biện pháp để khôi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhưng không đề ra mục tiêu tăng trưởng.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc diễn văn khai mạc khóa họp Quốc hội, Bắc Kinh, ngày 22/05/2020 Reuters - Carlos Garcia Rawlins
Là nơi xuất phát dịch virus corona chủng mới, Trung Quốc đã gần như khống chế được dịch bệnh, nhưng những hậu quả đối với kinh tế sẽ còn kéo dài và rất khó dự báo. Cho nên, lần đầu tiên trong phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, năm nay, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không đề ra một mục tiêu tăng trưởng kinh tế, trái với truyền thống lâu đời của chế độ Cộng sản Bắc Kinh.
Theo hãng tin AFP, trong bài phát biểu hôm nay, ông Lý Khắc Cường cảnh báo : "Đất nước chúng ta đang phải đối đầu với những thách thức chưa từng có đối với sự phát triển và những thách thức này sẽ còn kéo dài". Lần đầu tiên trong lịch sử của Trung Quốc, nền kinh tế nước này trong quý 1/2020 đã sụt giảm 6,8% do dịch bệnh đã khiến mọi hoạt động gần như bị ngưng trệ.
Ngoài khủng hoảng Covid-19 đang làm tê liệt toàn thế giới, Trung Quốc còn đang đối đầu với đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump áp các thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc để trừng phạt Bắc Kinh, mà ông tố cáo là đã che giấu dịch bệnh, khiến cho hiện nay đã có hơn 300 ngàn người chết trên thế giới vì virus corona.
Theo lời thủ tướng Lý Khắc Cường, để hỗ trợ nền kinh tế, Nhà nước Trung Quốc sẽ để cho thâm thủng ngân sách năm nay tăng lên thành 3,6% GDP (so với mức 2,8% năm ngoái), tức là sẽ tăng thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (128 tỷ euro). Ông Lý Khắc Cường cũng loan báo việc phát thành trái phiếu "Coronabonds", huy động 1.000 tỷ nhân dân tệ để khắc phục hậu quả kinh tế của dịch Covid-19.
Tổng cộng 2.000 tỷ nhân dân tệ sẽ được dùng để hỗ trợ việc làm và toàn bộ sẽ được chuyển cho các chính quyền địa phương, được yêu cầu phải thắt lưng buộc bụng và giành ưu tiên cho chính sách tạo công ăn việc làm, vào lúc mà tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 6%.
Ngân sách quốc phòng tăng chậm hơn
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Trung Quốc được công bố hôm nay, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm nay tăng chậm hơn, nhưng vẫn ở mức khá cao, đó là 6,6%(so với mức tăng 7,7%
Thanh Phương
******************
Cựu toàn quyền Hồng Kông : "Trung Quốc đã bội ước, Phương Tây nên thôi tự dối mình" (RFI, 24/05/2020)
Trung Quốc đã phản bội người dân Hồng Kông, vì vậy phương Tây nên ngừng việc khấu đầu trước Bắc Kinh với hy vọng hão huyền là sẽ đào được mỏ vàng lớn. Trên đây là nội dung nhận định của ông Chris Patten, toàn quyền cuối cùng của Anh Quốc tại Hồng Kông trong bài phỏng vấn ngày 23/05/2020 dành cho tờ báo Times tại Luân Đôn.
Cựu toàn quyền Hồng Kông Chris Patten trong một lần đến đặc khu hành chính ngày 19/09/2017. Reuters - Bobby Yip
Trong bối cảnh Bắc Kinh chuẩn bị áp đặt một bộ luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông sau một phong trào biểu tình đòi dân chủ kéo dài tại đặc khu này năm 2019, ông Patten cho rằng : "Người dân Hồng Kông đã bị Trung Quốc phản bội", và chính phủ Anh, có một nghĩa vụ "đạo đức, kinh tế và pháp lý" để đứng lên bảo vệ vùng lãnh thổ này.
Theo Tuyên Bố Chung năm 1984, ký kết giữa thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương và đồng nhiệm Anh Quốc Margaret Thatcher về việc trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc vào năm 1997, thì quyền tự trị của vùng lãnh thổ này được bảo đảm trong vòng 50 năm trong khuôn khổ nguyên tắc "một đất nước, hai chế độ".
Đối với ông Patten, kế hoạch của Bắc Kinh nhằm áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông có nguy cơ phá hủy bản Tuyên Bố Chung. Vị cựu toàn quyền nhận định : "Những gì chúng ta đang thấy là một chế độ độc tài mới của Trung Quốc… (và) chính phủ Anh nên nói rõ rằng những gì chúng ta đang thấy là sự phá hủy hoàn toàn bản Tuyên Bố Chung".
Đặt vấn đề Hồng Kông vào trong khuôn khổ quan hệ chung giữa Phương Tây và Trung Quốc, ông Patten cho rằng các quốc gia Âu Mỹ nên "chấm dứt việc tự lừa dối mình khi cho rằng kết quả chung cuộc của tất cả các hành động khấu đầu (trước Bắc Kinh) sẽ là một hũ vàng lớn… Điều đó luôn luôn là một ảo ảnh".
Nhà ngoại giao kỳ cựu nói thẳng : "Chúng ta (tức Phương Tây) vẫn cứ tự trêu đùa mình, cho rằng nếu không làm mọi thứ mà Trung Quốc đòi hỏi thì bằng cách nào đó chúng ta sẽ bỏ lỡ những cơ hội giao thương tuyệt vời. Quả là một điều ngu xuẩn !".
Theo hãng tin Anh Reuters, cho đến tối ngày 23/5, chính phủ Anh chưa bình luận về phát biểu của ông Patten, nhưng hôm Thứ Sáu, 22/05, phát ngôn viên của thủ tướng Anh Boris Johnson, cho biết là Luân Đôn đang theo dõi tình hình và với tư cách là một bên ký kết bản Tuyên Bố Chung 1984, Vương Quốc Anh cam kết duy trì quyền tự trị của Hồng Kông và tôn trọng chế độ gọi là "nhất quốc lưỡng trị".
Trọng Nghĩa
*****************
Mỹ bổ sung hơn ba chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen (RFI, 23/05/2020)
Theo Reuters, ngày 22/05/2020, Bộ Thương Mại Mỹ đã thông báo bổ sung 33 công ty và tổ chức của Trung Quốc vào danh sách đen bị Mỹ trừng phạt kinh tế. Theo Washington, đó là những công ty và tổ chức đã tham gia hỗ trợ các hoạt động trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, sắc dân thiểu số theo Hồi Giáo sống chủ yếu ở vùng Tân Cương, Trung Quốc
Sĩ quan cảnh sát bán quân sự Trung Quốc bước theo đội hình vào Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, ngày khai mạc kỳ họp Quốc Hội, 22/05/2020. Reuters - Thomas Peter
Chính quyền Donald Trump có hành động như vậy vào lúc Quốc hội Trung Quốc đang thảo luận về luật an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính Hồng Kông.
Bảy công ty và 2 tổ chức bị Mỹ đưa vào danh sách đen vì đã vi phạm nhân quyền, trực tiếp dính líu vào các vụ bắt giữ hàng loạt, cải tạo tập trung người Duy Ngô Nhĩ. Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cũng liệt kê 24 công ty, tổ chức của chính phủ trong danh sách trừng phạt vì đã mua các trang thiết bị, vũ khí để quân đội Trung Quốc sử dụng vào các hoạt động trấn áp người Duy Ngô Nhĩ. Trong đó có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phần mềm nhận diện, vẫn phải mua các chi tiết công nghệ Mỹ.
Các đối tượng bị đưa vào danh sách đen sẽ bị hạn chế mua hàng của Mỹ hoặc các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài theo công nghệ Mỹ.
Cũng trong ngày 22/05, Bộ Giao thông Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đã ngăn các hãng hàng không của Mỹ nối lại hoạt động tại Trung Quốc. Hai hãng hàng không của Mỹ Delta Airlines và United Airlines muốn nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc vào tháng 6, sau khi ngừng đường bay do dịch Covid-19.
Anh Vũ
*********************
Trung Quốc cam kết tiến tới thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ (VOA, 22/05/2020)
Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục làm việc để thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Hoa Kỳ, vào lúc căng thẳng bùng lên giữa hai cường quốc kinh tế.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc báo cáo trước quốc hội nước này hôm 22/5
Trong báo cáo về hoạt động của chính phủ đọc trước quốc hội hôm thứ Sáu 22/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ nỗ lực vì tự do hóa thương mại và đầu tư toàn cầu.
"Chúng tôi sẽ hợp tác với Hoa Kỳ để thực hiện thỏa thuận kinh tế và thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ giai đoạn 1", ông Lý phát biểu.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại với các nước khác để mang lại lợi ích chung", vẫn theo lời ông Lý.
Ông cũng phát biểu rằng Trung Quốc sẽ "tích cực tham gia cải cách WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới)" và làm việc để đi đến ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đồng thời thúc đẩy đàm phán thương mại tự do với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các phát biểu của thủ tướng Trung Quốc được đưa ra giữa lúc quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục xấu đi vì những lời đổ lỗi về đại dịch virus corona, tranh cãi về vấn đề tiếp cận thị trường tài chính, và luật an ninh quốc gia mới có thể áp dụng với Hong Kong sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, gây lo ngại về việc Trung Quốc ra tay kiểm soát thành phố này.
Thỏa thuận giai đoạn 1 được chờ đợi từ lâu đã được ký kết vào tháng 1 năm nay, sau các cuộc đàm phán kéo dài làm thị trường thấp thỏm trong phần lớn năm 2019. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây lại nói rằng đó không còn là ưu tiên của Washington, và đưa ra một vài lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt nhắm vào Trung Quốc do nước này có vai trò trong giai đoạn đầu bùng phát dịch virus corona.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm 21/5, Zhang Yesui, người phát ngôn của phiên họp thứ ba, quốc hội Trung Quốc khóa 13, nói rằng "mối quan hệổn định và phát triển giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ phục vụ lợi ích cao nhất của nhân dân Trung Quốc và Hoa Kỳ".
Zhang nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là "cùng nhau hợp tác để chống lại Covid-19", và đảm bảo sựổn định kinh tế toàn cầu, nhưng quan chức này cũng cảnh báo rằng nếu Mỹ cứ giữ não trạng chiến tranh lạnh, Trung Quốc sẽ buộc phải phản ứng.
(CNBC, Bloomberg)
Ngoài cuộc khẩu chiến gay gắt với Trung Quốc về việc xử lý virus corona, Nhà Trắng tiếp tục đưa ra một cuộc tấn công trên diện rộng vào các chính sách kinh tế hung hãn, củng cố quân đội, các chiến dịch xuyên tạc và vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.
Tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng về virus corona.
AP dẫn nguồn tin từ một giới chức chính phủ cấp cao đề nghị giấu tên cho biết bản báo cáo dài 20 trang không báo hiệu sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, nhưng nó củng cố những chỉ trích mạnh mẽ của ông Trump, mà ông hy vọng sẽ gây tiếng vang với các cử tri đang tức giận về cách xử lý dịch bệnh của Trung Quốc khiến hàng chục triệu người Mỹ mất việc.
"Việc truyền thông chỉ tập trung vào rủi ro đại dịch hiện nay đã bỏ lỡ bức tranh lớn hơn về thách thức từ Đảng cộng sản Trung Quốc", AP dẫn lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói hôm 20/5, trước khi Nhà Trắng công bố báo cáo.
"Trung Quốc đang bị cai trị bởi một chế độ tàn bạo, độc tài, một chế độ cộng sản kể từ năm 1949. Trong nhiều thập niên, chúng ta nghĩ rằng chế độ này sẽ dần dần trở nên giống chúng ta hơn - thông qua thương mại, trao đổi khoa học, tiếp cận ngoại giao, cho phép họ tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới với tư cách một quốc gia phát triển. Điều đó đã không xảy ra", ông nói.
Sau đó trong ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đã chấp thuận bán ngư lôi tiên tiến cho quân đội Đài Loan, một động thái chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã thông báo cho Quốc hội về việc bán ngư lôi hạng nặng, các phụ tùng thay thế, thiết bị hỗ trợ và thử nghiệm, trị giá 180 triệu đô la, được cho là "sẽ giúp cải thiện an ninh của Đài Loan và hỗ trợ duy trì ổn định chính trị, cân bằng quân sự và tiến bộ kinh tế trong khu vực".
Trong 20 năm qua, Hoa Kỳ tin rằng nếu mở cửa thị trường rộng hơn, đầu tư nhiều tiền hơn vào Trung Quốc và cho các sĩ quan quân đội Trung Quốc được tiếp cận nhiều hơn với đào tạo và công nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ , thì dần dà sẽ khiến Trung Quốc tự do hóa, quan chức Mỹ nói với AP.
Nhưng thay vào đó, Trung Quốc ngày càng chuyên chế hơn bất cứ lúc nào kể từ khi Bắc Kinh giết người biểu tình chống chính quyền ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, và Đảng cộng sản Trung Quốc đang ngày càng khẳng định các ý tưởng chính trị của họ trên toàn cầu.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào thời chính quyền Nixon.
"Hơn 40 năm sau, rõ ràng là cách tiếp cận này đã đánh giá thấp ý chí của Đảng cộng sản Trung Quốc trong việc hạn chế phạm vi cải cách kinh tế và chính trị ở Trung Quốc", báo cáo của Mỹ nói. "Trong hai thập kỷ qua, các cải cách đã chậm lại, bị đình trệ hoặc đảo ngược".
Theo báo cáo, chính quyền Trump thấy rằng "không có giá trị gì" khi can dự với Bắc Kinh chỉ để có tính biểu tượng và phô diễn. "Khi ngoại giao âm thầm tỏ ra vô ích, Hoa Kỳ sẽ gia tăng áp lực công cộng" đối với Trung Quốc.
Ví dụ mới nhất về sự cạnh tranh sức mạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong hội nghị thường niên của cơ quan y tế thuộc Liên Hiệp Quốc vào tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham gia vào hội nghị qua video để cung cấp thêm tiền và hỗ trợ cho WHO. Trong khi đó, ông Trump lên tiếng chống lại WHO trong một lá thư, cáo buộc tổ chức này đã cùng với Trung Quốc che đậy sự bùng phát virus corona, và ông đe dọa sẽ ngừng vĩnh viễn tài trợ của Hoa Kỳ, vốn là nguồn tài chính chính của WHO trong nhiều năm qua.
Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc về việc củng cố quân đội, tham gia vào các cuộc tấn công mạng, và cam kết chấm dứt các hoạt động kinh tế hung hãn của Bắc Kinh "đã bị vùi lấp bởi những lời hứa lèo rỗng tuếch".
Trong thời chính quyền Obama, Trung Quốc đã hứa sẽ ngăn chặn các hành vi trộm cắp, do chính phủ chỉ đạo, ở trên mạng hay nhằm vào các bí mật thương mại, nhằm thu lợi từ thương mại, và đã lặp lại lời hứa tương tự trong hai năm đầu tiên của chính quyền Trump, AP dẫn báo cáo nói.
Tuy nhiên, vào cuối năm 2018, Hoa Kỳ và hàng chục quốc gia khác đã báo cáo rằng Trung Quốc đang tấn công các máy tính, nhắm mục tiêu vào sở hữu trí tuệ và đánh cắp thông tin kinh doanh.
Chính quyền Trump cũng bất bình về cách Trung Quốc tiếp tục tranh luận với Tổ chức Thương mại Thế giới rằng mình là "quốc gia đang phát triển", mặc dù Trung Quốc đã là nhà nhập khẩu hàng đầu các sản phẩm công nghệ cao và chỉ đứng sau Hoa Kỳ về tổng doanh thu sản phẩm nội địa, chi tiêu quốc phòng và đầu tư bên ngoài.
Dưới thời Tập Cận Bình, các quan chức Trung Quốc đã thanh trừng phe đối lập chính trị ; các blogger, nhà hoạt động và luật sư bị truy tố bất công ; áp đặt kiểm soát nghiêm ngặt để kiểm duyệt không chỉ truyền thông, mà cả các trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ ; công dân và các tập đoàn bị nhắm mục tiêu giám sát ; và những người được coi là bất đồng chính kiến đã bị giam giữ tùy tiện, tra tấn và lạm dụng.
"Trung Quốc tiếp tục giữ cấu trúc kinh tế phi thị trường và cách tiếp cận do nhà nước dẫn đầu về thương mại và đầu tư", báo cáo nói. "Những cải cách chính trị cũng đã suy yếu hoặc đảo ngược, và sự phân biệt giữa chính phủ và Đảng cộng sản Trung Quốc đang bị xóa nhòa".
********************
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật giám sát các công ty Trung Quốc (VOA, 21/05/2020)
Dự luật do Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Kennedy, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Kevin Cramer bảo trợ.
Trụ sở công ty thương mại điện tử khổng lồ Alibaba ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc
Dự luật này buộc các công ty phải chứng nhận là "không do chính phủ nước ngoài làm chủ hay kiểm soát".
Dự luật được thông qua mà không vấp phải sự chống đối nào.
Cổ phiếu của Alibaba, công ty thương mại điện tử khổng lồ có trụ sở tại Trung Quốc, giảm hơn 2% sau khi có tin này.
Dù dự luật có thể được áp dụng cho bất cứ công ty nước ngoài nào tìm cách tiếp cận vốn của Mỹ, các nhà lập pháp nói rằng động thái này chính yếu nhắm vào Bắc Kinh.
"Đảng cộng sản Trung Quốc lừa dối, và Luật Qui trách nhiệm Các công ty Nước ngoài có thể chặn đứng những công ty này lừa gạt trên thị trường chứng khoán Mỹ", ông Kennedy viết trên Twitter chiều này 19/5. "Chúng ta không thể để các đe dọa nước ngoài đối với quỹ hưu bổng của người Mỹ bám rễ vào thị trường chúng khoán chúng ta".
(Nguồn AFP/Market Watch)
Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung : Nguy hại hơn thời Liên Xô cũ
Về cuộc xung đột hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tác giả Nouriel Roubini trên Les Echos hôm 23/05/2019 cho rằng "Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung sẽ tệ hại hơn so với Liên Xô trước đây".
Thời kỳ trăng mật Trump-Tập đã qua, bây giờ là cuộc chiến tranh lạnh mới. Ảnh tư liệu chụp ngày 09/11/2017 khi tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Bắc Kinh. REUTERS/Damir Sagolj/File Photo
Tuy cả Washington lẫn Bắc Kinh đều ý thức về "chiếc bẫy Thucydide" - một cuộc chiến tranh khó tránh khỏi giữa cường quốc đang thống trị và cường quốc đang lên muốn hất cẳng - nhưng cả đôi bên dường như đều ngả theo xu hướng này. Nếu một cuộc chiến tranh trực diện giữa hai đại cường Mỹ-Trung khó thể xảy ra, nhưng sự kiện được khởi đầu như một cuộc chiến thương mại từ nay chuyển thành tình trạng xung khắc thường trực.
Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Donald Trump coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược", cần ngăn chặn trên mọi lãnh vực. Hoa Kỳ hạn chế hẳn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các lãnh vực nhạy cảm, và có những động thái để bảo đảm sự thống trị của phương Tây trong những ngành kỹ nghệ chiến lược như trí thông minh nhân tạo và 5G.
Mỹ gây áp lực để các đồng minh và đối tác không tham gia chương trình đại quy mô từ Âu sang Á mang tên "Một vành đai, Một con đường" của Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng tăng cường các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải tại Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh ngày càng tỏ ra hung hăng để áp đặt các yêu sách chủ quyền gây tranh cãi.
Tác giả cho rằng hậu quả toàn cầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trầm trọng hơn chiến tranh lạnh trước đây giữa Hoa Kỳ và Liên Xô cũ.
Bởi vì nếu Liên Xô thời đó là một cường quốc đang đi xuống, với mô hình kinh tế thất bại, thì Trung Quốc lại sắp trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới và còn tiếp tục phát triển. Ngoài ra, trao đổi thương mại giữa Mỹ và Liên Xô rất ít ỏi, trong khi Trung Quốc nay đã hội nhập hoàn toàn vào hệ thống thương mại và đầu tư thế giới, có quan hệ tương tác chặt giữa các bên, cụ thể là với Hoa Kỳ.
Một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện có nguy cơ gây ra một thời kỳ mới phi toàn cầu hóa, hay một sự phân đôi thành hai khối kinh tế không tương hợp. Trong các kịch bản này, việc buôn bán hàng hóa, dịch vụ, người lao động, công nghệ và dữ liệu bị giới hạn, môi trường kỹ thuật số không còn nối kết giữa phương Tây và Trung Quốc. Như khi Mỹ trừng phạt Hoa Vi (Huawei) và ZTE (Trung Hưng), Bắc Kinh sẽ giúp hai tập đoàn này có được các đầu vào quan trọng, có thể từ các đối tác thương mại bạn bè độc lập với Mỹ.
Trong thế giới phân cực này, cả Washington lẫn Bắc Kinh đều chờ đợi các nước khác chọn lựa đứng về phía mình, trong khi đa số các chính phủ cố gắng duy trì quan hệ kinh tế tốt đẹp với cả hai. Số đồng minh của Mỹ làm ăn với Trung Quốc nhiều hơn với Hoa Kỳ, và việc thỏa hiệp ngày càng khó khăn hơn.
Dù sao đi nữa, quan hệ Mỹ-Trung là vấn đề địa chính trị chủ yếu của thế kỷ, một sự đối địch, ở mức nào đó, là không thể tránh khỏi. Trong giả thiết lạc quan, hai bên có thể hợp tác trên một số vấn đề và cạnh tranh lành mạnh trên các lãnh vực khác. Một trật tự thế giới mới được thành lập, dựa trên việc công nhận vai trò của cường quốc trong việc hình thành các quy chuẩn và định chế quốc tế.
Còn ngược lại, nếu Mỹ nhất quyết cản trở trong lúc Trung Quốc hung hăng phô diễn sức mạnh tại Châu Á và trên thế giới, thì không loại trừ giả thiết cuộc chiến tranh lạnh sẽ được tiếp nối bằng một cuộc chiến mở rộng, hoặc một loạt các cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Chiếc bẫy Thucydide trong thế kỷ 21 có nguy cơ nuốt chửng không chỉ hai cường quốc này, mà cả phần còn lại của thế giới.
Điện thoại Hoa Vi bị loại ở Anh và Nhật
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echos nêu ra việc "Các điện thoại thông minh của Hoa Vi bị loại ở Anh và Nhật".
Tuần tới, công nghệ 5G sẽ trở thành hiện thực ở Luân Đôn và năm thành phố khác của Anh quốc. Khách hàng của hãng EE, nhánh điện thoại di động của BT, có thể lướt web nhanh gấp 10 lần so với các láng giềng… nhưng không phải với một điện thoại do Hoa Vi sản xuất. Mẫu điện thoại 5G mới nhất của Hoa Vi là Mate20X sẽ không được EE đề nghị với khách hàng trong dịp này.
Đau hơn nữa cho Hoa Vi, EE không phải là trường hợp đơn lẻ. Tập đoàn Anh Vodafone, sẽ cung cấp 5G vào mùa này, cũng ngưng mua các điện thoại hiệu Huawei. Tại Nhật Bản, nhiều nhà cung cấp cũng theo chân : NTT DoCoMo, KDDI và Softbank. Chưa hết, theo BBC, hãng Anh ARM trong một thông cáo nội bộ đã chỉ thị cho các nhân viên ngưng mọi việc hợp tác với Hoa Vi. Hãng này cung ứng các thành phần căn bản và thiết kế các chip vi xử lý cho điện thoại di động Hoa Vi. Phát triển các vi mạch mới mà không còn đối tác Anh cũng phức tạp như không còn dịch vụ của Google.
Nga : Biểu tình và một xã hội dân sự mới
Tại Nga "Những vụ xuống đường lẻ tẻ của người dân cũng đã làm rung chuyển điện Kremlin", theo Les Echos. "Một dự án nhà thờ làm Ekaterinbourg bốc lửa" -phóng sự của Libération.
Les Echos cho rằng thắng lợi của đường phố đã khẳng định sự trỗi dậy của một xã hội dân sự mới tại Nga : sẵn sàng phản kháng Kremlin. Tại Ekaterinbourg, thủ phủ Ural, quê hương của Boris Yeltsin, các nhà đấu tranh sau bốn ngày đêm đã làm chính quyền thành phố, các nhà tài phiệt và giới chức Chính Thống giáo phải lùi bước. Họ phản đối một dự án xây nhà thờ mới tại một trong những quảng trường ưa thích của người dân, hiện vẫn tránh được cơn sốt xây dựng.
Đây không phải là chiến thắng đầu tiên của người biểu tình. Tại Arkhangelsk, một thành phố lớn phía bắc Moskva, hàng ngàn người liên tục xuống đường phản đối một bãi rác do tài phiệt cấu kết với chính quyền âm thầm lập ra. Nhiều người thay phiên nhau canh gác địa điểm, rốt cuộc Moskva đã yêu cầu ngưng dự án. Không có thủ lãnh lẫn tổ chức, các phong trào loại này đều tự khởi phát trên mạng xã hội.
Venezuela : Đối thoại giữa Maduro và đối lập qua trung gian Na Uy
Le Figaro nhìn sang Venezuela, cho biết "Na Uy cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Maduro và Guaido". Các cuộc đối thoại sẽ được tái khởi động vào tuần tới ở Oslo, nhưng không có cuộc gặp trực tiếp nào giữa hai phe.
Đối với nhiều người trong phe đối lập, từ "đối thoại" lâu nay bị coi là cấm kỵ. Dù sao đi nữa, ngày càng nhiều người nhận ra rằng những lời kêu gọi đối với quân đội không mang lại hiệu quả, và cần đối thoại với phe Maduro. Thật ra đôi bên cũng đã từng đàm phán tại Saint-Domingue năm 2017 để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống. Ủy ban bầu cử được bố trí lại, có cả sự hiện diện của quan sát viên quốc tế, nhưng rốt cuộc những người cực đoan của cả hai phía đã làm cuộc đối thoại thất bại.
Còn các đại diện của Maduro cố lợi dụng tối đa việc hòa giải ở Oslo để gây chia rẽ trong phe đối lập, và trưng ra một bộ mặt ôn hòa. Nicolas Maduro nói rằng ông ta đã đề nghị đối thoại "hơn 600 lần" và sẽ còn tiếp tục. Nhưng mỗi một ngày trôi qua mà không có thay đổi gì là Maduro lại được lợi, còn thủ lãnh đối lập Juan Guaido bị thiệt hại : tình trạng này càng kéo dài, người ủng hộ càng nản lòng.
Trong khi chờ đợi, Quốc hội được bầu lên một cách dân chủ và do đối lập kiểm soát vẫn rất khó khăn để thực hiện nhiệm vụ. Các dân biểu không được trả lương từ năm 2015 đến nay, quyền đặc miễn của một số bị bãi bỏ, số khác bị khởi tố, và đôi khi lối vào tòa nhà Quốc hội còn bị phong tỏa.
Công chúng và sức sáng tạo của điện ảnh Pháp
Trên lãnh vực văn hóa, xã luận của Le Monde kêu gọi "Bảo vệ sáng tạo trong điện ảnh".
Trước khi Liên hoan điện ảnh Cannes lần thứ 72 khai mạc, chủ tịch hội đồng giám khảo người Mexico khi trả lời phỏng vấn đã đặt câu hỏi : "Trong số những phim mà chúng ta sẽ xem, có bao nhiêu phim sẽ được chiếu hàng loạt tại các rạp ? May lắm là 10%". Theo Le Monde, tỉ lệ này đúng đối với Mỹ và Mexico, nhưng không đúng đối với Pháp.
Mỗi tuần lại có khoảng 20 phim mới ra rạp, trong đó phân nửa sản xuất tại Pháp, và không chỉ ở các thành phố lớn, nhờ một mạng lưới rạp chiếu duy nhất trên thế giới : phim Nhật "Một câu chuyện gia đình", đoạt Cành cọ vàng năm 2018 hay phim bom tấn "Avengers" đều thu hút đông đảo công chúng.
Tuy nhiên ngân sách trung bình cho phim đang giảm xuống từ 10 năm qua, còn số lượng phim lại tăng lên, trong đó có những phim không đủ tầm để ra rạp. Le Monde cho rằng để cứu vãn điện ảnh Pháp, một mặt cần có sự hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà sáng tác, mặt khác chính phủ cần phải hỗ trợ.
Các chương trình tự động nhập dữ liệu đe dọa việc làm tại Ấn Độ
Về công nghệ cao, Les Echos nói về hiện tượng "Bùng nổ các chương trình tự động nhập dữ liệu". Được đặt tên là "RPA", những phần mềm nằm gần ranh giới trí thông minh nhân tạo thu hút các nhà đầu tư, tuy nhiên đang đe dọa công ăn việc làm của hàng trăm ngàn chuyên gia vi tính Ấn Độ.
Đối với những nhà sáng chế, đây là các "nhân viên ảo" đắc lực, xuất hiện bên cạnh những người thật tại các ngân hàng, công ty bảo hiểm, trung tâm hành chính. Nhưng tại Ấn Độ, người ta bắt đầu lo sợ cho tương lai của các chuyên gia vi tính làm việc cho các công ty phương Tây từ những năm 2000. Theo Viện nghiên cứu HFS, khoảng 750.000 việc làm không cần chuyên môn cao sẽ biến mất từ nay cho đến năm 2022, đặc biệt là những ai làm các công việc cần lặp đi lặp lại nhiều lần những thao tác.
Cải cách Nhà nước, Brexit, Châu Âu : Tựa chính báo Pháp
Le Mondelo ngại "Cải cách Nhà nước sẽ dẫn đến hồi kết của những tên tuổi lớn" như Trường Quốc gia Hành chánh (ENA) trong việc đào tạo ra các quan chức cao cấp tương lai.
Về mặt xã hội, Libération chạy tựa "Vụ án France Télécom : Không có gì biện minh được cho cái chết tại nơi làm việc". Phiên xử các cựu lãnh đạo của tập đoàn điện thoại công kéo dài hai tuần qua về tội "quấy nhiễu" cho thấy cách hành xử có hệ thống, bất chấp những vụ tự tử của nhân viên. La Croix nêu ra một kết quả thăm dò cho thấy người Pháp vẫn chia rẽ về việc tiếp nhận người tị nạn, nhưng một phần ba sẵn sàng giúp đỡ về mặt cá nhân.
Le Figaronhận xét "Brexit : Nước Anh nóng rực vì bầu cử Nghị Viện Châu Âu". Thất bại được báo trước của đảng bảo thủ trong cuộc bầu cử hôm nay có thể làm cho thủ tướng Theresa May phải sớm ra đi.
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos nhận thấy "Gọng kềm đang siết lại xung quanh Boeing". Do không thể cho các máy bay 737 MAX hoạt động, một số hãng hàng không đòi Boeing bồi thường, trong khi tập đoàn Mỹ cố gắng lấy lại uy tín.
Thụy My
Washington ngày càng ngăn chặn nhiều vụ Trung Quốc thâu tóm công nghệ và yêu cầu các đồng minh hành động tương tự. Mục tiêu là chiến thắng trong cuộc cách mạnh kỹ nghệ sắp tới : trí thông minh nhân tạo.
Ảnh minh họa : Tìm việc tại hội chợ việc làm công nghệ TechFair ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ ngày 26/01/2017. Reuters/Lucy Nicholson /File Photo
Từ công nghệ nhận diện của một start-up…
Eva Chen không cần đến thẻ từ để vào được văn phòng lịch sự trên một tòa tháp bằng thép, đường bệ nhìn xuống khu Bund. Ở cửa vào, một con mắt thủy tinh bí ẩn nhận ra khuôn mặt của cô, và như có phép lạ, cánh cửa trụ sở Yitu mở ra.
Công ty start-up Thượng Hải đã làm nên tên tuổi trên thế giới về công nghệ nhận diện, thậm chí qua mặt cả Thung lũng Silicon. Cô Chen, phụ trách truyền thông của công ty, khoe : "Thuật toán của chúng tôi đứng hàng đầu thế giới, có thể nhận ra khuôn mặt một người trong số một tỉ người khác, chỉ trong vòng một giây đồng hồ".
Ngay cả Mỹ, thông qua cơ quan rất nghiêm túc là National Institute of Standards and Technology (NIST), đã trao cho Yitu giải nhất năm 2017…
Với tỉ lệ chính xác 95%, công nghệ này giúp rút tiền mặt từ máy ATM chỉ bằng một cái nhìn, hay nhận diện tất cả những người gây rối trong một đám đông, bảo đảm an ninh cho ông Tập Cận Bình trong Diễn đàn Bác Ngao gần đây. Phát ngôn viên Yitu cho biết : "Lãnh vực hoạt động chính của chúng tôi là an ninh công cộng, nhưng tôi không thể bình luận gì thêm". Công ty mới thành lập năm 2012 nhưng đã sinh lợi.
Hai nhà sáng lập của Yitu là bạn học cùng trường trung học Phúc Châu (Fuzhou) ở tỉnh Phúc Kiến (Fujian), sau đó sang Mỹ học MIT và đại học California ở Los Angeles (UCLA), trước khi làm giàu ở Thượng Hải và nay quay lại cạnh tranh với Thung lũng Silicon.
…đến 40 năm đuổi theo Mỹ về công nghệ
Thành công của start-up này là minh chứng cho sự rượt đuổi về công nghệ của Trung Quốc trong 40 năm, kể từ khi Đặng Tiểu Bình cho mở cửa năm 1978. Ngày nay Bắc Kinh thách thức nước Mỹ của ông Donald Trump ngay trong lãnh vực này, với mục tiêu chiếm lĩnh ngôi vị đầu thế giới.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại do tổng thống Donald Trump phát động, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), con gái người sáng lập tập đoàn Hoa Vi (Huawei) tại Canada theo yêu cầu của Mỹ, nhắc nhở rằng công nghệ chính là trung tâm của cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tập đoàn viễn thông do một cựu quân nhân Trung Quốc thành lập, đã bị cấm vào thị trường Mỹ do nghi ngờ làm gián điệp cho Bắc Kinh. Hôm nay Reuters cho biết tổng thống Trump dự định ra sắc lệnh cấm sử dụng thiết bị viễn thông do nước ngoài sản xuất : rõ ràng Hoa Vi và ZTE nằm trong tầm ngắm.
Washington cảm thấy phải ra tay ngăn chặn những vụ Bắc Kinh thâu tóm các công ty công nghệ, và các đồng minh Mỹ cũng bắt đầu theo chân.
Mục tiêu Trung Quốc : Hất cẳng toàn bộ các nước phương Tây
Alicia Garcia Herrero, kinh tế gia trưởng phụ trách Châu Á của Natixis tại Hồng Kông phân tích : "Mục tiêu của chiến tranh thương mại, trên thực tế là ngăn chặn việc Trung Quốc leo lên hàng đầu về công nghệ". Đặc biệt là chiến lược "Made in China 2025" do Tập Cận Bình đưa ra từ năm 2015, với tham vọng trở thành nước đứng đầu thế giới trong các lãnh vực kỹ nghệ chủ chốt.
Theo Council on Foreign Relations, tham vọng này là "mối đe dọa sống còn cho ngôi vị của công nghệ Mỹ". Think tank uy tín có trụ sở tại New York cảnh báo : "Mục đích của Trung Quốc không phải là cùng ngồi ngang hàng với các nước kỹ nghệ phát triển như Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà thay chân tất cả".
Để đạt được điều này, Bắc Kinh trợ cấp ồ ạt cho các tập đoàn quốc doanh, thông qua các ngân hàng nhà nước nhằm đè bẹp những người cạnh tranh trên thế giới, trong khi vẫn tiến hành chiến dịch thâu tóm những công ty mũi nhọn để rút ngắn khoảng cách về công nghệ.
Tập Cận Bình, sứ thần kiêu hãnh của tư bản đỏ nhà nước, hoàn toàn biết cách thủ lợi từ toàn cầu hóa, chủ trương "tự cung tự cấp". Trận đấu thế kỷ đã bắt đầu, và cũng diễn ra trong các phòng thí nghiệm, tại những "lò ấp start-up" như trên các chiến trường quân sự tương lai. Ngay cả trên trận địa ngày nay cũng đầy những sản phẩm công nghệ.
Sử dụng sức mạnh của chính đối thủ để quật ngã địch
Tuy nhiên chính Hoa Kỳ đã chắp cánh cho đối thủ của mình. Năm 1978, tổng thống Jimmy Carter lần đầu tiên chấp thuận cấp visa cho 52 nhà khoa học Trung Quốc đến Mỹ nghiên cứu, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền cộng sản Bắc Kinh. Những giảng viên đại học trẻ tuổi đã phải chịu đựng bạo lực của Hồng vệ binh trong Cách mạng văn hóa, sững sờ khám phá các khu đại học phủ xanh cây cỏ ở Mỹ. Một cuộc cách mạng đối với họ !
Năm ấy, Đặng Tiểu Bình với tầm nhìn xa đã lật sang một trang mới, tránh xa khỏi chủ nghĩa mao-ít điên rồ, đã mở ra cánh cửa của một Trung Quốc nghèo khổ cho các nhà đầu tư ngoại quốc, với khẩu hiệu "Hãy làm giàu !". Nhưng đây là việc dùng sức mạnh của địch để quật ngã địch.
Đợt các nhà nghiên cứu đến Mỹ lần đầu này là lớp tiên phong cho cả một đội quân trẻ tuổi khát khao kiến thức, và cả sự tự do. Ngày nay có đến 350.000 trí thức trẻ Trung Quốc đang thưởng thức American way of life, trước khi quay lại Hoa lục, đóng góp vào sự tái sinh của người khổng lồ Trung Hoa. Những con diều hâu ở Nhà Trắng nay đang đe dọa ngưng cấp visa cho sinh viên Trung Quốc để cắt ngang cặp cánh rồng.
Trung Hoa đỏ giàu lên sẽ có dân chủ ?
Vào thời đó, Washington và Bắc Kinh đang trong tuần trăng mật mặn mà, sau hoạt động ngoại giao lịch sử của tổng thống Richard Nixon năm 1972 – liên kết với chế độ cộng sản Trung Quốc để rảnh tay đối phó với địch thủ Liên Xô. Trong những đốm lửa cuối cùng của cuộc chiến tranh lạnh, lợi ích địa chính trị và kinh tế của hai bên phù hợp với nhau, với niềm tin vào toàn cầu hóa. Các tập đoàn Mỹ trước sự cất cánh ngoạn mục của Trung Quốc, cho di dời hàng loạt nhà máy đến "công xưởng thế giới".
Vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn tháng Sáu năm 1989 đã tưới lên một gáo nước lạnh, nhưng không cắt đứt mối quan hệ chiến lược. Họ Đặng siết chặt quyền lực, tái khẳng định sự toàn trị của Đảng cộng sản, nhưng tung ra một giai đoạn mới tự do hóa nền kinh tế, trấn an được thị trường.
Vào thời điểm bước qua thiên niên kỷ mới, nước Mỹ của ông Bush cũng như của ông Clinton tin chắc rằng hồi cuối lịch sử đang đến, sau khi Liên Xô và chế độ Saddam Hussein sụp đổ : Trung Quốc đỏ buộc phải tham gia vào kinh tế thị trường và đến một ngày nào đó, sẽ có được tự do dân chủ, mặc dù vẫn tiếp tục trưng ra ngọn cờ cộng sản.
Không hề hài lòng với vị trí thứ nhì thế giới
Nhưng giới tinh hoa phương Tây vẫn chưa biết được tham vọng và niềm kiêu hãnh thầm kín của Trung Quốc, không hiểu được lịch sử ngàn năm của nước này. Đối với các nhà lãnh đạo ở Bộ Chính trị cũng như một người bán hàng trên đường phố Nam Kinh, sự tái sinh của đế quốc Trung Hoa là cần thiết để xóa đi nỗi nhục nhã phải gục đầu trước những khẩu đại bác trong cuộc chiến tranh nha phiến. Trong lúc các nhà đầu tư chỉ nhìn thấy biểu đồ tăng trưởng, thì đảng muốn gợi lên tình cảm dân tộc chủ nghĩa.
Đại tá Lưu Minh Phúc (Liu Mingfu), giảng viên trường đại học Quốc phòng nói : "Giấc mộng Trung Hoa là vượt qua Hoa Kỳ. Chúng tôi không thể tự hài lòng với vị trí thứ nhì thế giới, và sẽ vươn lên hàng đầu trong 20 hoặc 30 năm tới". Ông Lưu là một diều hâu Trung Quốc, với các tác phẩm được gợi hứng từ câu khẩu hiệu của chủ tịch Tập Cận Bình.
Năm 2008, Wall Street sụp đổ, phương Tây hoảng hốt. "Cuộc khủng hoảng tài chính là một bước ngoặt lớn : người Trung Quốc hiểu rằng nước Mỹ xuống dốc nhanh hơn dự báo. Tập Cận Bình coi đây là cơ hội ngàn năm một thuở, và đã nắm lấy" - Aaron Friedberg, giáo sư ở Princeton giải thích.
Bành trướng trên Biển Đông
Trước một Obama rụt rè, ông hoàng đỏ Tập dấn mạnh các quân cờ, xây lên bảy đảo nhân tạo tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh yêu sách đến 90% diện tích bất chấp các nước láng giềng.
Tân hoàng đế quẳng vào sọt rác các lời khuyên của Đặng Tiểu Bình nên thận trọng ẩn mình chờ thời. Tương quan lực lượng quân sự và công nghệ ngày càng nghiêng về Trung Quốc.
Năm 1976, Hải quân Mỹ đã làm mất mặt chủ tịch Giang Trạch Dân khi gởi hàng không mẫu hạm USS Nimitz đến eo biển Đài Loan, trả đũa các vụ thử hỏa tiễn của Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc bèn nỗ lực tái vũ trang ồ ạt, ngân sách quốc phòng luôn tăng với hai con số. Hiện nay Bắc Kinh triển khai Đông Phong 26, được khoe là "sát thủ hàng không mẫu hạm", hỏa tiễn đạn đạo tầm trung có thể cầm chân Hải quân Mỹ tại căn cứ Guam trong trường hợp xung đột.
Ngày nay điều quan trọng nhất là chiến thắng trong cuộc cách mạng kỹ nghệ mới, đó là trí tuệ nhân tạo. Ông François Godement, giám đốc ECFR nhận định, đối với Tập Cận Bình, kỹ thuật số mang tính chiến lược. Nó giúp chế độ Bắc Kinh kiểm soát trực tiếp được dân chúng, đồng thời áp đặt sức mạnh Trung Quốc và các tiêu chí của mình lên toàn cầu. Trước bộ tứ GAFA của Mỹ, chỉ có các tập đoàn Trung Quốc như Alibaba, Tencent hay Baidu mới có tầm cỡ đối mặt.
Và như vậy, sau bốn thập niên hợp tác, bây giờ là thời điểm đối đầu trực diện Mỹ-Trung.