Mỹ : Làn sóng chống bạo lực cảnh sát tiếp diễn (RFI, 13/06/2020)
Phong trào phản kháng tại Mỹ chống kỳ thị và bạo lực cảnh sát dấy lên từ sau cái chết của người Mỹ da đen George Floyd giảm cường độ nhưng vẫn chưa tới hồi kết. Tại thủ đô Washington rào cản bao quanh công viên Lafayette đối diện với Nhà Trắng đã được dỡ bỏ. Nhưng tại thành phố Seattle, miền tây bắc Hoa Kỳ, tình hình vẫn còn căng thẳng.
Người dân tại Seattle, Mỹ, vẽ khẩu hiệu "Black Lives Matter" trên phố nơi họ tuyên bố là "khu phố tự quản", ngày 11/06/2020. Jasmyne Keimig - The Stranger /via Reuters
Sau loạt bạo động tuần qua, đặc biệt là nhắm vào một số cơ sở của cảnh sát, một khu phố tại Seattle tự nhận là "khu tự quản". Tình trạng này khiến tổng thống Trump, ngày 12/06/2020, cứng giọng với những người phản kháng. Thông tín viên Anne Corpet từ thủ đô Washington :
Một tấm biểu ngữ dẫn vào khu vực Capitol Hill của thành phố ghi : "Nơi đây giờ thuộc về nhân dân". Khu này trải rộng trên 5 tòa nhà, và người biểu tình tìm cách tuyên bố tự quản không cần có sự hiện diện của cảnh sát.
Nhiều bức tranh, biểu ngữ được vẽ trên vỉa hè. Người biểu tình biểu diễn văn nghệ, tổ chức các cuộc thảo luận... Không khí có vẻ hòa dịu. Nhưng tổng thống Trump xem đây là những hành vi làm tối loạn trật tư không thể chấp nhận được. Trên mạng xã hội Twitter ông ra lệnh cho chính quyền địa phương làm chủ lại tình hình tại thành phố này và đe dọa can thiệp.
Trên đài truyền hình Fox News nguyên thủ Mỹ tuyên bố "Tôi nói cho quý vị biết, nếu họ không giải quyết tình hình, chúng tôi sẽ can thiệp. Tôi muốn nói đơn giản một điều : sẽ không để cho những thành phần vô chính phủ chiếm đóng Seattle. Nếu cần chúng tôi sẽ làm, bằng cách này hay cách khác. Người ta không thể chiếm đóng một phần của một thành phố đẹp" như Seattle.
Trước đe dọa của chính quyền liên bang, thị trưởng Seattle một người thuộc đảng Dân chủ, Jenny Durkain, trên Twitter trực tiếp nhắm vào tổng thống Trump khi viết "Hãy để chúng tôi sống trong an toàn. Hãy trở lại hầm trú ẩn của ông đi". Nguyên thủ Mỹ xem thông điệp này là một điều "thê thảm".
Cũng do dư âm từ vụ người Mỹ da đen George Floyd làm dấy lên phong trào đấu tranh vì bình đảng màu da, tổng thống Trump hôm 12/06/2020 thông báo hoãn lại một ngày cuộc vận động tranh cử tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma.
Ban đầu tổng thống Trump dự kiến khởi động lại chiến dịch vận động tranh cử ngày 19/06/2020. Nhưng đó là ngày nước Mỹ kỷ niệm chấm dứt chế độ nô lệ 19/06/1865. Hơn nữa, Tulsa là nơi năm 1921 trong 2 ngày liên tiếp, cộng đồng người Mỹ da đen ở khu phố Greenhood đã bị người da trắng tàn sát. Đến Tulsa đúng ngày 19/06 không khác nào đổ thêm dầu vào lửa nên ông đã hoãn lại cuộc vận động tại này 1 ngày.
Thanh Hà
**********************
Moderna sắp bắt đầu thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine ngừa Covid-19 (VOA, 12/06/2020)
Moderna ngày 11/6 xác nhận kế hoạch bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa virus corona trên 30.000 tình nguyện viên vào tháng 7 tới đây trong lúc công ty bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Trụ sở công ty công nghệ sinh học Moderna tại Cambridge, bang Massachusetts.
Công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại bang Massachusetts cho biết mục đích chủ yếu của cuộc nghiên cứu là ngăn ngừa Covid-19, một chứng bệnh do virus corona gây ra, và ngừa bệnh nặng, theo định nghĩa là giúp cho bệnh nhân không phải nhập viện.
Trong giai đoạn giữa của cuộc nghiên cứu, công ty nói đã ghi danh được 300 người trưởng thành khỏe mạnh, mỗi người được tiêm ít nhất một liều, cũng như ghi danh được 50 người lớn đầu tiên, tuổi từ 18 đến 54.
Thử nghiệm vaccine trên người trưởng thành lớn tuổi hơn sẽ là thiết yếu vì nhóm này có nguy cơ bị phản ứng cao do virus gây ra, và người lớn tuổi thường có hệ thống miễn nhiễm ít hữu hiệu.
Cuộc nghiên cứu ở giai đoạn giữa thử nghiệm tính an toàn và hiệu quả sơ khởi của hai liều vaccine chích cách nhau 28 ngày.
Người tham gia cuộc thử nghiệm sẽ được theo dõi trong một năm.
Theo Reuters
******************
Chuyên gia : Tháng 9, tử vong vì Covid-19 tại Mỹ có thể lên tới 200 ngàn người (VOA, 12/06/2020)
Trong tháng 9 tới đây Hoa Kỳ có thể chứng kiến 200.000 ca tử vong vì virus corona, một chuyên gia hàng đầu cảnh báo trong khi tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ đã vượt quá 2 triệu.
Ghép phổi cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Northwestern Memorial Hospital ở Chicago.
Ông Ashish Jha, người đứng đầu Viện Y tế Toàn cầu thuộc Đại học Harvard nói với đài CNN hôm 10/6 rằng nếu không có hành động quyết liệt, số tử vong tại Mỹ sẽ gia tăng.
"Thậm chí nếu số ca nhiễm không tăng, bình ổn, thì vẫn có thể dự kiến rằng tới tháng 9 số tử vong [vì Covid-19] sẽ chạm mức 200.000", ông Jha nói. "Và đó chỉ là tính tới tháng 9. Đại dịch này không chấm dứt vào tháng 9".
Tổng số người chết liên quan đến virus corona tại Mỹ, tính tới ngày 10/6, là 112.754, cao nhất thế giới. Ông Jha nói việc này liên hệ trực tiếp tới chuyện Hoa Kỳ là nước lớn duy nhất tái mở cửa khi chưa đặt được tỷ lệ ca bệnh dưới tầm kiểm soát—tức là tỉ lệ những người xét nghiệm dương tính với virus corona duy trì ở mức 5% hay thấp hơn, trong ít nhất 14 ngày
Ông cảnh báo tử vong vì Covid-19 không phải là chuyện "số mạng an bài" mà có thể ngăn chặn bằng tăng cường xét nghiệm và theo dõi tiếp xúc, giãn cách xã hội nghiêm ngặt cùng với sử dụng khẩu trang rộng rãi.
Trong những ngày gần đây, một vài tiểu bang chứng kiến những ca virus corona tăng vọt, gây nên những lo ngại cho các chuyên gia rằng nhà cầm quyền nới lỏng các hạn chế quá sớm.
New Mexico, Utah và Arizona mỗi tiểu bang đều có số ca nhiễm tăng 40% trong tuần lễ chấm dứt hôm 7/6, theo phân tích của Reuters. Florida và Arkansas là những điểm nóng khác.
Trên toàn quốc, các ca lây nhiễm tăng nhẹ sau 5 tuần sụt giảm, theo phân tích của Reuters.
Ghi nhận số ca nhiễm tăng một phần là do xét nghiệm nhiều, ở mức kỷ lục hôm 5/6 là 545.690 ca, cao nhất trong một ngày, nhưng từ đó đã giảm sút, theo Dự án Theo dõi Covid-19.
Đây dường như cũng là kết quả của việc người ta bắt đầu ra đường, một số doanh nghiệp mở cửa trở lại, và các hoạt động xã hội tại tất cả 50 tiểu bang dần dần tái mở cửa sau thời gian phong toả chặn Covid-19 lây lan.
Các giới chức y tế yêu cầu những người tham gia phong trào biểu tình ‘Coi trọng mạng sống người da màu’ trên toàn quốc nên đi xét nghiệm. Các cuộc biểu tình này khởi sự từ cái chết của người Mỹ gốc Phi tên George Floyd trong khi ông này bị cảnh sát khống chế hôm 25/5 tại Minneapolis.
Các chuyên gia lo ngại là những cuộc biểu tình, không có giãn cách xã hội, có thể khiến các ca lây nhiễm Covid-19 tại Mỹ tăng thêm nữa.
******************
Covid-19 : Hơn 113.000 người chết, 2 triệu ca nhiễm, Mỹ lo làn sóng thứ hai (RFI, 13/06/2020)
Số ca nhiễm và tử vong vì virus corona tại Hoa Kỳ liên tục tăng trong những ngày gần đây gây lo ngại xảy ra làn sóng thứ hai. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, đã có thêm 941 người qua đời và khoảng 20.000 ca nhiễm mới, theo số liệu ngày 11/06/2020 của đại học John Hopkins. Như vậy, tính từ đầu mùa dịch, Hoa Kỳ có đến 113.774 ca tử vong và hơn 2,2 triệu người nhiễm virus corona.
Theo số liệu ngày 11/06/2020 của đại học John Hopkins, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, Mỹ có thêm 941 người qua đời vì virus corona và khoảng 20.000 ca nhiễm mới. AFP/File
Theo Reuters, khoảng 20 bang có số ca nhiễm mới tăng nhanh, trong đó Texas và Arizona liên tiếp ghi nhận số ca nhập viện kỷ lục. Giám đốc y tế bang Arizona yêu cầu các bệnh viện kích hoạt kế hoạch khẩn cấp và tăng khả năng điều trị tích cực. Còn tại bang Bắc Carolina, hiện chỉ còn khoảng 13% số giường bệnh tại bệnh viện chuyên khoa của bang (USI) là còn trống. Trong khi đó, thị trưởng Houston tuyên bố thành phố sẵn sàng biến một sân vận động thành bệnh viên dã chiến nếu cần thiết.
Đây cũng là những bang đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình rầm rộ chống bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc Phi bị một cảnh sát da trắng ghì cổ đến chết.
Các doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng lo ngại làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Mỹ. Tuy nhiên, bộ trưởng Ngân Khố Mỹ Steven Mnuchin báo trước đất nước sẽ không thể "đóng cửa kinh tế thêm một lần nữa" vì như vậy sẽ có "thêm nhiều thiệt hại hơn". Ông tin vào khả năng về xét nghiệm và trong các bệnh viện hiện đã đủ để tránh một đợt phong tỏa mới.
Dù nguy cơ virus corona tiếp tục lan rộng, buổi lễ chỉ định ứng viên chính thức của đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 vẫn được tổ chức tại bang Florida, từ ngày 24 đến 27/08, theo thông báo trên Twitter ngày 11/06 của chủ tịch đảng Ronna McDaniel.
Từ giờ đến lúc đó, ông Donald Trump tiếp tục gặp gỡ cử tri. Sự kiện sắp tới là buổi mit-tinh ngày 19/06 tại Tulsa, bang Oklahoma. Đội ngũ vận động tranh cử của tổng thống Donald Trump đã yêu cầu những người muốn tham dự ký vào điều khoản không kiện nếu chẳng may họ bị nhiễm virus corona trong buổi mit-tinh này.
Thu Hằng
*******************
Mỹ : Covid-19 lây lan trong ngành sản xuất-đóng gói nông phẩm (VOA, 12/06/2020)
Từ các cơ sở đóng gói táo tại tiểu bang Washington cho đến các công nhân làm việc trong các trang trại ở Florida và nơi được mệnh danh là ‘tô salad của thế giới’ ở California, virus corona đang bùng phát tại những nông trại trái cây-rau quả cũng tại các nhà máy đóng gói ở Mỹ.
Công nhân lựa tỏi tại trang trại trồng tỏi Christopher Ranch, ở Gilroy, California.
Ngày càng nhiều công nhân nông trại và công nhân đóng gói lâm bệnh Covid-19 sau khi hàng ngàn công nhân của các nhà máy thịt bị nhiễm virus có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động thêm nữa và một làn sóng gián đoạn mới trong ngành sản xuất thực phẩm Hoa Kỳ.
Chính quyền Trump tháng trước cho biết có thể mở rộng sắc lệnh duy trì hoạt động các nhà máy thịt sang áp dụng cho cả các nhà sản xuất rau quả, một dấu hiệu cho thấy chính quyền quan ngại là việc sản xuất rau quả tươi có thể là lãnh vực kế tiếp bị ảnh hưởng.
Trong khi giãn cách xã hội có thể dễ dàng thi hành đối với công nhân thu hoạch rau quả ở ngoài đồng và làm việc bên ngoài có thể giảm bớt những nguy cơ virus lây lan, thì công nhân các nhà máy đóng gói thực phẩm như táo và cà rốt làm việc kế cận nhau sẽ góp phần làm virus bùng phát như tình trạng tại các nhà máy đóng gói thịt.
Vào cuối tháng 5, có hơn 600 ca Covid-19 trong số các công nhân nông nghiệp tại Quận Yakima, tiểu bang Washington. Trong số này, 62% là công nhân trong ngành công nghiệp táo và những hoạt động đóng gói khác hay bộ phận nhà kho, theo Reuters.
Với 4.834 ca tính đến ngày 10/6, quận này có số lây nhiễm tính theo đầu người cao nhất tại khu vực Bờ Tây nước Mỹ.
Tại quận Monterey ở California, nơi nổi tiếng là "tô salad của thế giới" vì những nông trại trồng rau, Sở Y tế địa phương báo cáo hơn 247 công nhân nông nghiệp xét nghiệm dương tính với virus corona tính tới ngày 5/6, chiếm 5,39% tổng số các ca của quận.
Trong khi đó, các ca virus corona gần Immokalee, bang Florida, nơi chuyên trồng cà chua, cũng gia tăng. Việc lây lan virus corona trong số công nhân trang trại ở Florida có ảnh hưởng đáng kể tới việc sản xuất thực phẩm tại Mỹ.
Thượng Nghị sĩ Dân chủ bang Michigan Debbie Stabenow, nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters là các công nhân trang trại gặp nguy cơ gia tăng vì trái cây như táo, cherry đang vào mùa thu hoạch.
Thượng nghị sĩ Debbie Stabenow, thành viên cao cấp trong Ủy ban Nông nghiệp ở Thượng viện, nói với Reuters rằng công nhân trang trại đang đối mặt với nguy cơ gia tăng khi cây trái đang bước vào mùa thu hoạch tại Mỹ.
Nghị sĩ Stabenow hôm 27/5 đã đưa ra một dự luật cấp tiền và các khoản vay cho các công ty để nâng cấp máy móc và mua trang bị bảo hộ cá nhân cũng như tài trợ cho việc xét nghiệm Covid-19 và sát trùng cơ sở.
Theo Reuters
*****************
Mỹ không thể đóng cửa kinh tế lần nữa (VOA, 12/06/2020)
Hoa Kỳ không thể để cho virus coronona đóng cửa nền kinh tế một lần nữa, Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin tuyên bố ngày 11/6 và cho biết thêm rằng hơn 1.000 tỉ đô la tiền cứu trợ sẽ đổ vào nền kinh tế trong tháng tới.
Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin điều trần trước Thượng viện về việc thi hành luật cứu trợ vì virus corona ngày 10/6/2020.
Ông Mnuchin, phát biểu trên kênh truyền hình CNBC, nói ông chuẩn bị trở lại Quốc hội xin thêm tiền để hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng ngân quỹ được cấp thêm sẽ nhằm vào những lãnh vực đang cần cứu trợ nhất, bao gồm khách sạn, nhà hàng, du lịch và các công ty giải trí.
Người đứng đầu Bộ Tài chánh, nhân vật được chính quyền Trump giao nhiệm vụ thương thuyết các chương trình cứu trợ, nói ông tin rằng việc gia tăng lây nhiễm Covid-19 tại một số khu vực có thể đối phó được nhờ vào cải thiện xét nghiệm, theo dõi tiếp xúc và khả năng vững mạnh của bệnh viện.
"Chúng ta không thể lại đóng cửa nền kinh tế. Tôi nghĩ chúng ta rút tỉa rằng nếu chúng ta đóng cửa nền kinh tế, chúng ta sẽ tạo thêm nhiều thiệt hại, không chỉ thiệt hại về kinh tế", ông nói và cho biết thêm là việc này sẽ bao gồm nhiều vấn đề khác nữa.
Ông Mnuchin cho hay trong số 3.000 tỉ đô la cứu trợ virus corona được Quốc hội chấp thuận trong năm nay, tới nay mới có 1.600 tỉ được đưa vào nền kinh tế.
"Trong tháng tới, quý vị sẽ thấy thêm 1.000 tỉ đô la nữa được bơm vào nền kinh tế, việc này sẽ có ảnh hưởng to lớn", ông Mnuchin nói. Chương trình cho vay Main Street của Cục Dự trữ Liên bang đối với các doanh nghệp trung bình chỉ mới bắt đầu và "chúng tôi chuẩn bị trở lại Quốc hội để xin cấp thêm tiền cho công nhân Mỹ", ông nói.
Được hỏi liệu ông có cứu xét cứu trợ thêm cho các tiểu bang hay không, ông Mnuchin nói đó sẽ là đề tài thương thuyết với Quốc hội.
Ông Mnuchin nói thêm là vì có việc gia hạn 24 tuần các khoản vay của Chương trình Bảo vệ Tiền lương, ông hy vọng nhiều tiệm ăn trước đây chần chừ không vay sẽ tiến tới để nhận lấy một phần đáng kể số tiền còn lại của Chương trình.
Theo Reuters
*****************
Mỹ đối diện làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, số ca nhiễm vượt mốc 2 triệu (VOA, 11/06/2020)
Tổng số ca nhiễm virus corona ở Mỹ đã vượt 2 triệu người vào ngày 10/6, theo một thống kê của Reuters, trong khi các quan chức y tế kêu gọi bất cứ ai tham gia vào các cuộc biểu tình nên đi xét nghiệm.
Tình nguyện viên dọn dẹp các cửa hàng bị cướp phá trong các cuộc biểu tình ở bang California, Mỹ, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19.
"Đang có một làn sóng nhiễm bệnh mới xuất hiện ở nhiều nơi trên nước Mỹ", Bloomberg dẫn lời ông Eric Toner, một học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins nói. "Mặc dù làn sóng này cho tới nay vẫn còn nhỏ và xa, nhưng nó đang đến".
Trên cả nước Mỹ, các ca nhiễm mới đang tăng nhẹ sau 5 tuần giảm xuống. Theo Reuters, một phần lý do gia tăng là vì số người đi xét nghiệm nhiều hơn, đạt mức cao kỷ lục vào ngày 5/6 là 545.690 người xét nghiệm trong một ngày.
Số lượng nhiễm bệnh gia tăng xảy ra vài tuần sau khi nhiều bang ở Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại. Tuy nhiên, không rõ sự gia tăng này có liên quan đến hoạt động kinh tế đang tăng lên trở lại hay không.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế Mỹ cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận rằng các cuộc biểu tình lớn nổ ra trong hai tuần qua có dẫn đến thêm nhiều người nhiễm bệnh hay không.
Tính đến nay trong tháng 6, trung bình ở Mỹ có 21.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, so với trung bình 30.000 ca/ngày vào tháng 4 và 23.000 ca/ngày trong tháng 5, theo Reuters.
Tổng số ca tử vong liên quan đến virus corona ở Hoa Kỳ cho tới nay đã vượt qua 112.000 người, cao nhất trên thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 12/5 khuyến nghị các chính phủ chỉ nên mở cửa trở lại khi tỷ lệ người được xác nhận dương tính với virus corona duy trì ở mức 5% hoặc thấp hơn trong ít nhất 14 ngày.
Tỷ lệ số người được xét nghiệm dương tính ở Mỹ dao động trong khoảng từ 4% đến 7% trên cả nước, nhưng nhiều tiểu bang vẫn quyết định mở cửa lại.
Tuần trước, một số bang báo cáo tỷ lệ dương tính vượt trên mức khuyến nghị của WHO như Maryland là 8%, Utah 9%, Nebraska 9%, Virginia 9%, Massachusetts 11% và Arizona 12%.
Trong thời gian cao điểm vào tháng Tư, có đến 25% - 50% các xét nghiệm ở Mỹ cho kết quả dương tính.