Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/06/2020

Thảm họa Covid-19 đang đè nặng lên thế giới thứ ba

RFI tổng hợp

Covid-19 : Brazil vượt mốc biểu tượng 40.000 người chết và 800.000 ca nhiễm (RFI, 12/06/2020)

Virus corona tiếp tục gieo rắc tang tóc tại Brazil với 1.239 ca tử vong mới ghi nhận vào hôm qua, 11/06/2020, nâng tổng số người chết vì Covid-19 tại nước này lên thành 41.919 người kể từ đầu dịch. Số ca nhiễm cũng tiếp tục tăng vọt, với thêm 30.465 người mắc bệnh trong 24 tiếng đồng hồ, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 802.828 người, theo số liệu chính thức của bộ Y Tế Brazil.

tiers1

Nhân viên nhà tang lễ chuyển quan tài một người chết vì virus corona tại Rio de Janeiro, ngày 18/05/2020 2020. Reuters/Ricardo Moraes

Tính ra, trong ngày hôm qua, Brazil vừa vượt qua hai ngưỡng biểu tượng là 40 ngàn người chết và 800 ngàn người nhiễm bệnh, vừa giữ kỷ lục đáng buồn là quốc gia có số ca nhiễm mới và số ca tử vong mới cao nhất thế giới, cao hơn nhiều so với nước Mỹ.

Trong bối cảnh đáng ngại đó, Brazil như đang muốn bám vào cái phao Trung Quốc, với việc bang São Paulo liên kết với một tập đoàn Trung Quốc - tập đoàn Sinovac Biotech - để thử nghiệm vác-xin chống virus corona trên con người.

Đây là là "giai đoạn 3" của tiến trình thử nghiệm lâm sàng, sẽ bắt đầu tại Brazil ngay vào tháng tới đây. Thông tín viên RFI tại Sao Paulo Martin Bernard cho biết thêm chi tiết :

"9.000 người tình nguyện Brazil sẽ thử nghiệm vác-xin chống virus corona do Sinovac Biotech, tập đoàn Trung Quốc, chế tạo. Vac-xin với tên gọi là Coronavac, đã qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Bây giờ còn lại giai đoạn quyết định để chứng thực hiệu quả trên con người trước khi đưa ra thị trường.

Thống đốc bang Sao Paulo, Joao Doria đã ký một thỏa thuận với tập đoàn Trung Quốc này.Sao Paulo là bang giầu nhất nhưng cũng là bang bị Covid-19 nghiêm trọng nhất tại Brazil. Bang sẽ đầu tư 15 triệu euro vào công cuộc thử nghiệm.

Sau nhiều tuần lễ tranh cãi dữ dội với tổng thống Brazil Bolsonaro, người luôn giảm nhẹ tầm quan trọng của dịch bệnh, thống đốc Sao Paulo, ông Joao Doria, bây giờ chơi lá bài đồng thuận : "Việc chính trị hóa con virus đã không cho phép cứu vãn mạng sống con người, tại Brazil cũng như tại nơi khác, và cũng không cho phép giải quyết bất kỳ vấn đề gì. Ngược lại, chỉ làm cho mọi việc thêm nghiêm trọng, làm cho có nhiều nạn nhân hơn. Chúng tôi muốn có giải pháp và đó là điều mà chúng tôi đang tìm kiếm".

Nếu thử nghiệm thành công, theo ông Joao Doria, thuốc chủng Trung Quốc sẽ được sản xuất vào 6 tháng cuối năm tới, kể cả ở Brazil".

Châu Mỹ Latinh có hơn 1,5 triệu ca nhiễm

Thảm cảnh đang diễn ra tại Brazil vì dịch Covid-19 cũng là tình trạnh chung tại Châu Mỹ Latinh. Theo số liệu của AFP dựa trên thống kê chính thức tại khu vực, vào hôm qua, số người nhiễm Covid-19 trong toàn khu vực Mỹ Latinh đã vượt ngưỡng 1,5 triệu trường hợp. Số tử vong đã vượt 73.600 trường hợp, với hơn một nửa tại Brazil.

Trọng Nghĩa

******************

Covid-19 : Ấn Độ, thảm họa y tế đang ở trước mắt (RFI, 13/06/2020)

Với hơn 10.000 ca nhiễm virus corona trong một ngày, Ấn Độ là một trong bốn quốc gia có số ca lây nhiễm cao nhất thế giới. Theo thống kê chính thức của New Delhi tính đến hôm 12/06/2020 trên toàn quốc có gần 230.000 bệnh nhân.

tiers2

Một bệnh viện dã chiến dựng tại Bombay, Ấn Độ ngày 11/06/2020, cho các bệnh nhân Covid-19. Reuters- Francis Mascarenhas

Về mặt chính thức quốc gia đông dân thứ nhì trên thế giới 8.498 trường hợp tử vong, tương đối thấp so với tổng số 1,3 tỷ dân. Trên thực tế, giới quan sát báo động đà lây nhiễn đang tăng nhanh, đặc biệt là tại các thành phố lớn như ở thủ đô New Delhi.

Tại đây, bệnh viện bị quá tải như tường thuật của thông tín viên Sébastian Farcis :

Năm giờ rưỡi chiều, khi Kamal Gupta, một người đàn ông 41 tuổi bước vào bệnh viện tư BL Kapooor ở phía tây thành phố New Delhi. Ông bị bệnh tiểu đường và có triệu chứng của bệnh cúm, đi cùng ông là người em trai Bhupesh.

Bhupesh cho biết : "quãng 8 giờ tối Kamal mới được chụp X quang, và được bác sĩ kê đơn thuốc. Nhưng đến nửa đêm, thì bệnh viện cho ra về vì không có chỗ để giữ bệnh nhân lại điều trị. Chúng tôi đã đi tất cả 4 bệnh viện, công có, tư có, nhưng không còn một chỗ nào. Khi chúng tôi đến bệnh viện thứ 6, thì lượng đường của anh tôi đã xuống còn có 57, tức là ở mức rất thấp. Anh ấy thở không được, vậy mà vẫn bị bệnh viên từ chối. Có nhà thương nào đang tâm làm như vậy hay không ?".

Ứng dụng chống Covid-19 của thành phố New Delhi thì vẫn hướng dẫn là các bệnh viện còn chỗ điều trị và có khả năng tiếp nhận bệnh nhân, nhưng những thông tin đó đôi khi sai lệch. Có khi bệnh viện còn giường nhưng không đủ nhân viên để chăm sóc bệnh nhân. Hai ngày sau anh trai của Bhupesh qua đời.

 Ông phân trần : "Chẳng có xét nghiệm xem anh tôi có chết vì Covid-19 hay không. Chúng tôi cũng không biết anh ấy chết vì bệnh gì, nhưng tôi tin rằng nếu được điều trị, anh ấy vẫn còn sống".

Các giới chức y tế Ấn Độ thẩm định, số người nhiễm có thể sẽ được nhân lên gấp năm lần trong trong vòng một tháng tại thủ đô New Delhi. Chính quyền đang chuẩn bị mở bệnh viện dã chiến tại các sân vận động và khu vực vẫn được dùng để tổ chức các cuộc triển lãm.

Thanh Hà

*******************

Covid-19 : Ấn Độ là nước bị nặng thứ tư, gần 300.000 ca nhiễm (RFI, 12/06/2020)

Sau Mỹ, Brazil và Nga, Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới có số ca nhiễm virus corona cao nhất. Ngày 12/06/2020, bộ Y Tế Ấn Độ đưa ra thống kê 297.535 ca nhiễm Covid-19, tăng thêm 10.956 ca trong vòng một ngày. Số ca tử vong từ đầu mùa dịch là 8.498.

tiers3

Mỹ, Brazil, Nga và Ấn Độ là 4 nước ghi nhận nhiều ca nhiễm virus corona nhất thế giới tính đến hôm nay 12/06/2020. AFP/Archivos

Viễn cảnh khá ảm đạm ở Ấn Độ. Đội ngũ bác sĩ bắt đầu đầu kiệt sức trong khi vẫn phải "chuẩn bị tinh thần và thể lực để đối phó với tình trạng tồi tệ nhất" vì cuộc khủng hoảng dịch tễ mới chỉ bắt đầu và "chưa biết khi nào sẽ đến đỉnh dịch", theo phát biểu của một bác sĩ với AFP. Dù vậy, quốc gia đông dân thứ hai thế giới đã tiến hành dỡ phong tỏa.

Nga, nước thứ ba trên thế giới bị Covid-19 tác động mạnh, thông báo ngày 12/06 đã có thêm gần 9.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 tiếng, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 511.423 ca và có tổng cộng 6.715 người qua đời vì virus corona tính từ đầu mùa dịch.

Tại Pháp, số ca tử vong tại bệnh viện đã giảm xuống còn 27 trường hợp trong vòng 24 giờ (tổng cộng như vậy là 29.346 ca). Tương tự, số ca nặng trong khoa hồi sức cũng đã giảm xuống : thêm 26 ca mới và hiện có tổng cộng 903 ca đang được điều trị hồi sức.

Tại Châu Á, Hàn Quốc có thể sẽ phải tiếp tục thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội do số ca nhiễm mới trong cộng đồng vẫn tăng, trong đó hơn 96% ca nhiễm mới trong hai tuần gần đây đều được ghi nhận ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận.

Còn thủ đô Tokyo của Nhật Bản bước sang giai đoạn 3 dỡ phong tỏa kể từ ngày 12/06 do số ca nhiễm trong cộng đồng giảm, chỉ còn 22 ca mới được ghi nhận ngày 11/06. Theo trang NHK, hàng quán sẽ được mở cửa cho đến nửa đêm, các khu vui chơi giải trí và sòng bạc cũng được mở cửa trở lại.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 585 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)