Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/06/2020

Chính sách không gian của Mỹ, AIEA muốn vào Iran thanh tra

RFI tổng hợp

Chiến lược phòng thủ không gian : Nga tố Mỹ "hiếu chiến" (RFI, 20/06/2020)

Bộ Ngoại giao Nga hôm qua 19/06/2020 tố cáo "sự hiếu chiến" trong chính sách không gian của chính quyền Mỹ, hai ngày sau khi Washington công bố "chiến lược phòng thủ mới trong không gian".

my1

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi xem phóng phi thuyền Crew Dragon lên không gian ngày 30/05/2020 tại Cape Canavera, Florida, Hoa Kỳ. Reuters - Jonathan Ernst

Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Nga nhấn mạnh Mỹ coi không gian như là chiến trường. Nga kêu gọi Mỹ tiếp cận vấn đề này một cách có trách nhiệm, bởi vì "một cuộc đối đầu vũ trang trong không gian có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược". Đồng thời, Moskva khẳng định chủ trương "ưu tiên sử dụng và thăm dò không gian chỉ vì mục đích hòa binh" và nỗ lực "ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian".

Theo chiến lược Lầu Năm Góc công bố hôm 17/06, Mỹ muốn ngăn chặn khả năng Trung Quốc và Nga kiểm soát không gian. Washington cũng dự tính dựa vào các đồng minh, cả về tài chính, để đạt mục tiêu chiến lược không gian. Tài liệu của Lầu Năm Góc còn khẳng định "Trung Quốc và Nga đại diện cho mối đe dọa chiến lược quan trọng nhất, bởi vì họ đã phát triển, thử nghiệm và triển khai năng lực quân sự trong không gian và học thuyết quân sự của họ cũng dự kiến sử dụng chúng trong trường hợp xung đột xảy ra".

Theo AFP, bộ Quốc Phòng Mỹ cũng khẳng định : "Học thuyết quân sự của Trung Quốc và Nga nhìn nhận không gian là quan trọng đối với chiến tranh hiện đại và coi việc sử dụng vũ khí không gian như một biện pháp làm giảm hiệu quả quân sự của Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ, và để chiến thắng trong các cuộc chiến tranh trong tương lai".

Kiểm soát vũ khí hạt nhân : Mỹ - Nga nối lại thương lượng

Tại Vienna, Áo, vào ngày thứ Hai 22/06, Mỹ và Nga sẽ nối lại đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo giới quan sát, sẽ không có nhiều hy vọng là hai bên đạt thỏa thuận. 

Đại sứ Marshall Billingslea, đại diện của tổng thống Trump về các vấn đề giải trừ vũ khí, và thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Riabkov, sẽ thảo luận về hiệp ước song phương New Start được ký kết vào năm 2010, sẽ hết hạn vào đầu năm 2021 - ngay sau khi Donald Trump hết nhiệm kỳ.

Moskva đã kêu gọi đàm phán để gia hạn hiệp ước kể từ cuối năm 2019, nhưng chính quyền Trump cho đến nay vẫn muốn Bắc Kinh tham gia đàm phán. Mỹ lo ngại là số vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong vòng 10 tới trong khi Bắc Kinh lại thiếu minh bạch. Trung Quốc từ chối tham gia các cuộc thương lượng ba bên, nhưng để mở khả năng thảo luận đa phương.

Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (Sipri), Nga và Mỹ vẫn nắm giữ hơn 90% số vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Thùy Dương

************************

AIEA yêu cầu Iran cho vào thanh tra hai cơ sở hạt nhân (RFI, 20/06/2020)

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA/AIEA) ngày 19/06/2020 đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Iran để các thanh tra vào hai địa điểm nguyên tử bị nghi ngờ là có những hoạt động bí mật trong những năm 2000.

my2

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi phát biểu trước truyền thông sau cuộc họp của Hội đồng các lãnh đạo quốc gia tại trụ sở IAEA trong vụ dịch coronavirus (Covid-19) tại Vienna, Áo ngày 15/6/2020. Reuters / Leonhard foeger Reuters- Leonhard Foeger

Đây là nghị quyết chỉ trích Iran đầu tiên kể từ năm 2012, được các nước tham gia hiệp ước Vienna là Đức, Pháp, Anh soạn thảo. Trung Quốc và Nga bỏ phiếu chống. Tuy chỉ mang tính biểu tượng, nhưng đây có thể là bước đầu trước khi chuyển lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để trừng phạt.

Cơ quan tình báo Mỹ và Israel, cũng như AIEA đều cho rằng Iran đã tiến hành một chương trình vũ khí nguyên tử bí mật, và đã ngưng lại vào năm 2003, nhiều năm trước khi ký thỏa thuận 2015, nhưng Teheran bác bỏ cáo buộc đó.

Cũng trong ngày 19/06, Anh, Pháp, Đức đứng về phía Hoa Kỳ, chống lại việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí quy ước đối với Iran vào tháng 10 tới. Ngoại trưởng ba nước Châu Âu, trong một tuyên bố chung, cho rằng bãi bỏ nghị quyết 2231 sẽ tác động mạnh đến an ninh khu vực. Tuy nhiên, ba nước ký kết hiệp ước nguyên tử Iran cũng cảnh báo Washington là sẽ không ủng hộ mọi ý định đơn phương xóa bỏ hiệp định hạt nhân với Ỉan.

Từ khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định nguyên tử năm 2018 và Iran trả đũa bằng cách lại bắt đầu làm giàu uranium, hiệp ước này trong tình trạng chỉ mành treo chuông, tùy theo nhịp độ thanh tra của AIEA. Nếu Iran bị phát hiện vi phạm và vấn đề được đưa ra Liên Hiệp Quốc, tất cả những biện pháp trừng phạt trước khi có hiệp định đều được tái lập, trừ phi Hội Đồng Bảo An quyết định ngược lại - mà điều này là bất khả vì Hoa Kỳ có quyền phủ quyết.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 496 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)