Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/07/2020

Điểm báo Pháp - Quốc khánh 14 tháng 7

RFI tiếng Việt

Quốc khánh Pháp : chính quyền vinh danh ngành y, nạn nhân Covid-19 đòi bồi thường

Pháp mừng ngày Quốc khánh năm 2020 theo cách thức chưa từng có : Bãi bỏ duyệt binh, chủ đề chính là vinh danh nhân viên ngành y, những người "trên tuyến đầu" cuộc chiến chống Covid-19. Chính phủ Pháp chuẩn bị công bố cương lĩnh ra khỏi khủng hoảng trong 600 ngày còn lại của nhiệm kỳ, trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu về một làn sóng Covid thứ hai, và áp lực đòi cải tổ ngành y tế gia tăng. Trên đây là một số chủ đề chính trên báo Pháp ngày Quốc khánh 14/07/2020. 

quockhanh0

Pháp mừng ngày Quốc khánh năm 2020 theo cách thức chưa từng có : Bãi bỏ duyệt binh, chủ đề chính là vinh danh nhân viên ngành y, những người "trên tuyến đầu" cuộc chiến chống Covid-19.

Quốc khánh chưa từng có 

Trang nhất Le Figaro chạy tựa : "Ngày Quốc khánh, đất nước vinh danh ngành y". Theo Le Figaro, "con virus đã làm đảo lộn tất cả. Sau cuộc khủng hoảng y tế mùa xuân vừa qua, các nghi thức Quốc khánh phải được "sáng tạo lại". Chủ yếu do thiếu thời gian chuẩn bị, cuộc duyệt binh trên đại lộ Champs-Elysées bị hủy, lần đầu tiên kể từ năm 1945". Duyệt binh được thay bằng một nghi thức quân sự quy mô nhỏ tại quảng trường Concorde, chỉ với sự tham gia của 37 đơn vị, mỗi đơn vị tối đa là 49 quân nhân. 

Trong số 1.400 khách mời, có các y bác sĩ, viên chức, những người hoạt động hiệp hội, thành viên xã hội dân sự, những nhân vật có tên tuổi đã tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch, gia đình nhiều nhân viên ngành y đã qua đời trong thời gian đại dịch. Nhân viên ngành y bốn vùng bị dịch tàn phá nhiều nhất, là Île-de-France, Hauts-de-France, Grand Est và Bourgogne-Franche-Comté, có nhiều đại diện hơn. Cùng với những người trên "tuyến đầu", là đại diện của các ngành nghề ở "tuyến hai, tuyến ba", như giáo viên, người bán hàng, nhân viên ngành tang lễ, lực lượng an ninh, các doanh nghiệp sản xuất các vật tư thiết yếu… Đại diện Đức, Áo, Thụy Sĩ và Luxembourg, bốn quốc gia tiếp nhận 161 bệnh nhân Pháp, cũng có mặt. 

Tổn thất : "3.000 nhân viên ngành y"

Tổn thất của những người trên tuyến đầu chống dịch là vô cùng lớn. Theo Le Figaro, có ít nhất 3.000 nhân viên ngành y tại 73 quốc gia (tính đến ngày 05/06), do Covid-19, theo Amnesty. Chỉ có rất ít quốc gia cung cấp số liệu chính thức, và ngay cả tại các quốc gia đó, đây vẫn chưa phải là toàn bộ nhân viên ngành y chết trong thời gian đại dịch. Số y bác sĩ tử vong cao nhất, theo số liệu của chính quyền các nước, là tại Mỹ (507 người), Anh (504 người), Nga (101 người), Tây Ban Nha (63 người), Đức (20 người). Riêng tại Nga, đầu tháng 6, Hiệp hội nghề y Nga đưa ra con số 545 người. 

Tại Pháp, theo thống kê của ngành Y tế, ngày 30/06, tổng cộng trong ngành Y có 16 người qua đời, trong đó có 5 bác sĩ, 4 hộ lý, 7 nhân viên ngành y nhưng không thuộc bộ phận chăm sóc người bệnh. Amnesty International nhấn mạnh là các dữ liệu nói trên mới chỉ lấy từ gần một phần ba số cơ sở y tế, và "con số toàn quốc chắc chắn sẽ cao hơn nhiều". 

Le Figaro cho biết cụ thể, số liệu nói trên chưa tính đến nhân viên ngành y làm việc tại các trung tâm dưỡng lão Ehpad, cũng như các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Theo CARMF, cơ sở quản lý quỹ hưu trí của các bác sĩ tại Pháp, vào đầu tháng 6/2020, có 46 bác sĩ tư (trong đó có 26 người đang hoạt động và 20 người đã nghỉ hưu) qua đời vì Covid-19. Theo tổ chức SOS Médecins, có tới 16% nhân viên ngành y có thể đã nhiễm virus corona chủng mới. 

Xét trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh là việc thiếu thốn các trang thiết bị phòng dịch là một nguyên nhân khiến nhiều nhân viên ngành y bị nhiễm virus. Amnesty International cũng cho biết cụ thể hơn là, theo một điều tra giữa tháng 5, được tiến hành tại 62 nước (do ISP, liên minh quốc tế các nghiệp đoàn dịch vụ công tiến hành), chỉ có chưa đầy một phần tư số nghiệp đoàn cho biết có đủ thiết bị bảo hộ. ISP tập hợp 700 nghiệp đoàn và 30 triệu người lao động trên toàn thế giới. Tình trạng này tác động lớn ngay cả đến các nước phát triển. 

Vùng Grand-Est : Y bác sĩ tại bệnh viện "được bảo hộ khá tốt"

Nhật báo Libération cũng có bài đi sâu vào việc tính toán cụ thể số lượng người làm trong ngành y bị nhiễm virus corona chủng mới, cũng thừa nhận là hiện chưa có được một con số chung toàn quốc. Libération đặt câu hỏi : Liệu tỉ lệ người làm nghề y bị nhiễm có cao hơn tỉ lệ trung bình của dân cư không ? Nhật báo tỏ ra dè dặt : chưa có gì để đủ chứng minh điều này. Chỉ có một "điều tra về kháng thể" với virus gây bệnh Covid-19 mới có thể cho ra kết quả sát nhất với thực tế. 

Tại vùng Grand-Est, tâm dịch của nước Pháp, nơi dân cư ước tính 11% nhiễm virus (theo điều tra của Viện Pasteur), tỉ lệ nhân viên ngành y bị nhiễm có thể thấp hơn. Theo giám đốc Viện virus học các bệnh viện đại học Strasbourg, bà Samira Fafi-Kremer, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy các y bác sĩ "được bảo vệ khá tốt tại bệnh viện", phần lớn vụ lây nhiễm với họ diễn ra bên ngoài bệnh viện. 

Thân nhân "người bị hy sinh" đòi bồi thường

Trong lúc nhật báo thiên hữu Le Figaro tập trung trước hết vào toàn cảnh nghi thức vinh danh chính thức, nhật báo thiên tả Libération đưa lên hàng đầu chân dung những người hy sinh trong đại dịch. Tựa trang nhất của Libération : "Những người bị hy sinh", trên nền hình ảnh chiếc ống nghe treo lơ lửng, như một biểu tượng về những người bác sĩ vừa ra đi. Nhật báo Libération dành bài đầu dài hai trang cho ba nhân chứng, thân nhân của ba bác sĩ đa khoa vừa qua đời, với tựa đề "Covid-19 : Tôi muốn người ta thừa nhận đã bỏ rơi các bác sĩ phòng khám". 

Đối với bà Hakima Djemouri, chiếc áo choàng trắng của người chồng bác sĩ vẫn còn nằm nguyên trên ghế, từ ba tháng nay. Hakima Djemouri, 48 tuổi, là một trợ lý y tế, phụ tá của người chồng bác sĩ, tại tỉnh ngoại ô Paris Val-de-Marne. Từ khi ông qua đời ngày 02/04, và cho đến tận bây giờ, bà vẫn không tin nổi chồng mình đã ra đi mãi mãi, để lại bà và bốn người con. 

Theo bà Hakima Djemouri, bà cùng chồng và nhiều nhân viên y tế làm việc tại các phòng khám, đã không có đủ đồ bảo hộ cần thiết. Bây giờ là lúc Nhà nước cần nhìn nhận việc này và chấp nhận đền bù. Hakima Djemouri là một trong các khách mời của buổi lễ mừng Quốc khánh đặc biệt năm nay tại quảng trường Concorde. Bà cho biết muốn trực tiếp gặp riêng tổng thống Emmanuel Macron, để buộc tổng thống phải đối mặt với "các trách nhiệm của ông ấy" và nhắc nhở ông ấy nhớ đến "sự hy sinh quan trọng của giới bác sĩ tư". Bà Hakima Djemouri đã đệ đơn kiện cựu thủ tướng Edouard Philippe, cựu bộ trưởng Y tế Agnès Buzyn và người kế nhiệm Olivier Véran.

"Cuộc chiến đang tiếp diễn" 

Dịp kỉ niệm Quốc khánh Pháp năm nay có thêm một điều đặc biệt nữa, theo Le Figaro, đó là ngành y được vinh danh, trong lúc cuộc chiến chống đại dịch vẫn tiếp diễn. Bài xã luận của Le Figaro "Cuộc chiến đang tiếp diễn" lưu ý là, từ một thế kỷ nay, cuộc duyệt binh ngày 14/07 hàng năm thường là dịp để vinh danh những con người dũng cảm chống lại kẻ thù, trên các mặt trận ở trong nước Pháp, hay ở bên ngoài. Đây cũng là một truyền thống có từ thời La Mã, nhằm ăn mừng "đại thắng". Lần này cũng không có gì khác, nhưng thay vì để vinh danh những người mang quân phục, là những người mặc áo blu. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn là giờ đây, những người được vinh danh vẫn đang tiếp tục cuộc chiến. Le Figaro dùng lại cách nói của tướng de Gaulle : "chống lại virus corona, nước Pháp đã thắng một trận đánh, nhưng toàn bộ cuộc chiến thì chưa kết thúc". 

Có dấu hiệu đợt Covid thứ hai

Ám ánh về một đợt dịch Covid thứ hai hiện rõ. Le Monde, trong bài "Nhiều chỉ dấu cho thấy dịch Covid-19 có chiều hướng trở lại tại Pháp", cho biết giới y tế đã ghi nhận được tổng cộng 333 ổ dịch, tính đến ngày 08/07. 

Nhà dịch tễ học Daniel Lévy-Bruhl, một chuyên gia về y tế công, xác nhận virus Sars-Cov-2 có xu thế đang lan truyền mạnh hơn. Tổng thư ký SOS-Médecins France, mạng lưới gồm 1.300 bác sĩ, thông báo số lượng các ca khám do nghi ngờ nhiễm virus corona mới, của các bác sĩ trong mạng này, tăng gần gấp rưỡi trong tuần lễ từ 29/06 đến 05/07. Tuy nhiên, trên thực tế, số người khám bệnh hiện nay vẫn thấp hơn rất nhiều so với thời điểm đỉnh dịch (chỉ bằng chưa đầy 1/10). Và về cơ bản, số lượng người nhập viện để điều trị Covid vẫn ổn định, chứ không tăng. Nhà dịch tễ học Daniel Lévy-Bruhl nhấn mạnh : đáng lo ngại nhất là "các ổ dịch nhỏ trong cộng đồng, nếu không được kiểm soát tốt, có thể làm bùng lên một đợt dịch mới".

Chính quyền Pháp hiện đang đứng trước áp lực phải ra chỉ thị "buộc mang khẩu trang trong các không gian kín công cộng", Le Figaro cho biết. Trong chuyến công tác tại Guyane, tân thủ tướng Castex cho biết chính phủ đang nghiên cứu vấn đề này. Bộ trưởng Y tế nói rõ hơn chính phủ đang thảo luận về việc sẽ ra khuyến cáo hay yêu cầu bắt buộc. Sức ép gia tăng với việc một nhóm bác sĩ đưa ra yêu cầu đòi hỏi bắt buộc "để tránh lây nhiễm tăng vọt" trên báo Le Parisien, nhiều chính trị gia đối lập cũng ủng hộ việc này. 

Lo hội hè tràn lan

Vẫn theo Le Figaro, bên cạnh các không gian kín, chính quyền cũng đặc biệt lo ngại về các dịp hội hè "hoang dã" được tổ chức trong dịp hè, vừa bắt đầu, sau khi lệnh phong tỏa chấm dứt. Việc giới hạn quy mô 5.000 người tối đa trong những dịp này là không đủ. Cuộc liên hoan âm nhạc ngoài trời tại Nice hôm thứ Bảy vừa qua, với hàng nghìn người tham dự chen chúc, không báo hiệu điều gì tốt lành. Hiện tại virus vẫn hiện diện khắp nơi tại Pháp, cũng như tại các nước láng giềng, chỉ cần chờ dịp là dịch bùng lại. Trên thực tế, trong dịp Quốc khánh này, chính quyền nhiều địa phương đã hủy đa số các hoạt động ăn mừng, từ pháo hoa cho đến đêm vũ nhạc, để phòng ngừa. 

"Tuần hành đối trọng" của nhiều nghiệp đoàn ngành y 

Không chỉ có áp lực đòi hỏi chính sách cứng rắn trong cuộc chiến chống dịch, chính phủ Pháp cũng đứng trước áp lực đòi cải tổ ngành Y. Ngày 14/07 này, nhiều nghiệp đoàn y tế kêu gọi xuống đường, cuộc tuần hành coi như để "đối trọng" với nghi thức vinh danh ngành y của tổng thống tại quảng trường Concorde. Theo Libération, hôm thứ Hai vừa qua, sau 7 tuần thương lượng với các nghiệp đoàn, chính phủ ra thông báo giải ngân 7,5 tỉ euro để tăng lương cho các nhân viên ngành y tế, và 450 triệu euro riêng cho các bác sĩ tại bệnh viện. Một số nghiệp đoàn, như CGT và Sud, cực lực phản đối quyết định này, cho rằng chính quyền đã "khinh thường" các yêu sách của phía nghiệp đoàn. 

Bài xã luận Libération cũng nhấn mạnh đến hai sự kiện tương phản. Một bên là nghi thức quân sự vinh danh các nhân viên y tế nhân ngày Quốc khánh tại Concorde, và bên kia là cuộc tuần hành của các nghiệp đoàn ngành y, yêu cầu chính phủ có các đền đáp vật chất xứng đáng, tăng lương, trợ cấp, tiền thưởng.

Nhật báo Le Figaro phỏng vấn bác sĩ Thomas Gille, cũng tham gia vào một cuộc tuần hành của giới y tế, bên lề các nghi lễ chính thức ngày Quốc khánh, với tựa đề "Tôi không muốn sự vinh danh, mà yêu cầu thực trạng bệnh viện được cải thiện". Vị bác sĩ chuyên ngành hô hấp bệnh viện Bobigny cực lực phản đối việc tổ chức vinh danh ngành y một cách phô trương. Theo ông, đây chỉ là "một trò lừa", điều mà giới y tế thực sự cần là các cải thiện cụ thể trong điều kiện làm việc, và để các y bác sĩ có nhiều thời gian hơn cho chăm sóc bệnh nhân. Việc mỗi nhân viên y tá được tăng thêm 180 euro lương tháng là đáng kể, nhưng chỉ là bù mức thiệt thòi của họ trong những năm qua, và điều chủ yếu đáng tiếc là việc cải thiện điều kiện làm việc không được thảo thuận trong dịp thương lượng vừa qua giữa bộ Y tế và các nghiệp đoàn. 

Macron nối lại với truyền thống phỏng vấn Quốc khánh

Công luận Pháp đặc biệt chú ý đến cuộc trả lời phỏng vấn của tổng thống chiều nay. Le Figaro có bài "Macron nối lại với truyền thống phỏng vấn 14/07 để vạch ra hướng đi sắp tới". 

Le Figaro ghi nhận ngay từ khi lên cầm quyền, tổng thống Macron đã từng quyết định đoạn tuyệt với truyền thống nguyên thủ trả lời phỏng vấn ngày Quốc khánh, được duy trì từ 40 năm liên tục. Tuy nhiên, theo Le Figaro, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 và thất bại nặng nề của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua, ông Macron đã buộc phải trở lại với truyền thống trả lời phỏng vấn ngày 14/07. 

Theo Le Figaro, tổng thống Pháp đang đứng trước thách thức kép. Thách thức "bên trong", ông phải tiếp tục duy trì được chủ trương cải cách, điều làm nên bản sắc riêng của ông, và đối với "bên ngoài", phải thành công việc thoát khỏi khủng hoảng "để nước Pháp giữ được uy tín với quốc tế", theo đánh giá của một bộ trưởng. Trong đường hướng hành động của tổng thống, việc thiết lập một ủy ban cao cấp, phụ trách lập ra "Kế hoạch" hành động quốc gia ra khỏi khủng hoảng - có thể đã được giao phó cho chính trị gia François Bayrou - là một trọng tâm. Cho đến tối thứ Hai, nhiều vấn đề vẫn còn được để ngỏ. 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 452 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)