Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/07/2020

Đại dịch Covid-19 : Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ít được nhắc tới

RFI tổng hợp

Syria : Liên Hiệp Quốc hồi phục cứu trợ nhân đạo, nhưng bị bó hẹp (RFI, 12/07/2020)

Sau một tuần lễ chia rẽ và ít nhất bảy lần bỏ phiếu, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 11/07/2020 đã cho phục hoạt các chương trình viện trợ nhân đạo xuyên biên giới tại Syria, nhưng với chỉ còn một đường độc đạo để tiếp tế.

trungdong1

Một góc trại người tị nạn Syria tại Idleb, Alep, gần thành phố Maaret Misrin, tây bắc Syria, ngày 11/07/2020. Omar Haj Kadour / AFP - MAR HAJ KADOUR / AFP

Nghị quyết do Đức và Bỉ đề nghị, theo đó chương trình trợ giúp nhân đạo qua hai cửa khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ và kéo dài thêm sáu tháng, bị Nga và Trung Quốc phủ quyết với lập luận chỉ cần một hành lang. Cuối cùng hai bên đi đến thỏa hiệp : Một hành lang nhưng kéo dài trong một năm.

AFP nhắc lại số ngả đường để gởi hàng viện trợ của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ đến Syria giảm dần trong những thời gian gần đây : Ban đầu là 4 cho đến tận tháng 12/2019, rồi giảm xuống còn 2 đến thứ Sáu 10/7 và bây giờ chỉ còn lại một ở vùng tây bắc Syria. Những chốt chuyển hàng xuyên biên giới vừa bị đóng cửa cách nay vài giờ ngày 11/7, do các nhà ngoại giao đã không kịp đạt được một đồng thuận mới.

Từ New York, thông tín viên đài RFI, Carrie Nooten tường thuật :

"Đây là một trong những cuộc tranh luận gay gắt nhất mà các thành viên của Hội Đồng Bảo An đã đối đầu nhau kể từ đầu năm nay, và nước Nga đã thắng trong cuộc chiến sau cùng khi buộc các thành viên khác của Hội Đồng phải chấp nhận đi theo ý kiến của Nga là chỉ có thể sử dụng một điểm xuyên biên giới duy nhất để chuyển hàng viện trợ qua ngả tây bắc Syria. 

Tuy nhiên, 13 thành viên khác của Hội Đồng phải mất đến ba lần, cảnh báo những hậu quả nguy kịch có thể có nếu đóng cửa điểm trung chuyển gần vùng Alep đối với 1,3 triệu thường dân tị nạn. Không chút động lòng, Matxcơva trước đó cho rằng cứu trợ nhân đạo kể từ giờ phải được đưa đi từ trong nước, với sự chấp thuận của Damas. Nga không ngần ngại sử dụng hai lần quyền phủ quyết liên tiếp, nhờ sự tiếp sức của Trung Quốc để đạt mục đích của mình.

Đức và Bỉ, đồng tác giả của nghị quyết không còn chọn lựa nào khác đành đề nghị một cuộc bỏ phiếu sau cùng ngày hôm qua để giữ lại một điểm trung chuyển duy nhất dẫn đến Idleb, bằng không, tất cả mọi ngả vào sẽ bị đóng cửa. Anh Quốc tố cáo Nga và Trung Quốc chính trị hóa cứu trợ nhân đạo tại Syria."

RFI tiếng Việt

******************

Thổ Nhĩ Kỳ chuyển đổi bảo tàng thành nhà thờ Hồi Giáo (RFI, 11/07/2020)

Hôm 10/07/2020, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo là viện bảo tàng Hagia Sophia, nguyên là một nhà thờ Chính Thống Giáo Đông Phương, sẽ được chuyển đổi thành nhà thờ Hồi Giáo, bất chấp các cảnh báo của nước ngoài.

trungdong2

Một góc bên ngoài công trình Hagia Sophia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ được chuyển thành nhà thờ Hồi Giáo. Ảnh chụp ngày 02/07/2020. Reuters - MURAD SEZER

Tòa án hành chính cấp cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận yêu cầu của nhiều hiệp hội, hủy bỏ quyết định của chính phủ năm 1934 cấp cho Hagia Sophia quy chế của một viện bảo tàng. Ngay sau phán quyết nói trên, tổng thống Erdogan thông báo công trình kiến trúc từng là nhà thờ Chính Thống Giáo Đông Phương sẽ được mở cửa cho tín đồ Hồi Giáo vào cầu nguyện.

Là một trong những công trình lớn, tiêu biểu cho kiến trúc Byznatine, được xây dựng vào thế kỷ 6, Hagia Sophia, nằm tại Istanbul, được tổ chức UNESCO xếp vào danh sách di sản thế giới. Đây cũng là một trong những địa điểm tham quan thu hút nhiều du khách nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, với 3,8 triệu người đến chiêm ngưỡng vào năm 2019.

Sau khi Constantinople bị đế quốc Ottoman chiếm năm 1453, Hagia Sophia được chuyển thành nhà thờ Hồi Giáo, trước khi trở thành một viện bảo tàng vào năm 1934. Vào lúc đó, lãnh đạo của nước Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ non trẻ, Mustafa Kemal muốn "tặng" công trình kiến trúc này cho nhân loại.

Nhiều quốc gia, nhất là Nga và Hy Lạp, cũng như Pháp và Hoa Kỳ, đã cảnh báo Ankara là không nên biến Hagia Sophia thành nhà thờ Hồi Giáo. Đây là dự án mà tổng thống Erdogan, thuộc đảng Hồi Giáo bảo thủ, đã vận động từ lâu.

Hôm qua, các nước nói trên đã có phản ứng ngay. Hy Lạp lên án "với một sự cứng rắn nhất" quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, xem đây là "một sự khiêu khích đối với thế giới văn minh". Hoa Kỳ cho biết rất "thất vọng", còn Pháp thì tỏ ý "lấy làm tiếc".

Cho dù du khách vẫn tiếp tục được vào tham quan Hagia Sophia, việc công trình kiến trúc quan trọng của lịch sử Thiên Chúa Giáo biến thành nhà thờ Hồi Giáo đang gây ra những căng thẳng tôn giáo. Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga tỏ ý lấy làm tiếc là mối quan ngại của hàng triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo đã không được tòa án Thổ Nhĩ Kỳ lắng nghe.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 528 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)