Hoa Vi : Anh Quốc không cưỡng lại được áp lực của Mỹ
Trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay 15/07/2020 chủ yếu được dành cho chủ đề lễ Quốc Khánh Pháp được cử hành một cách rất đặc biệt vào hôm qua trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn gây lo ngại. Tuy nhiên, một đề tài khác cũng rất được báo giới Pháp quan tâm là quyết định của nước Anh cấm tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi tham gia mạng 5G tại nước này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) và tổng thống Mỹ Donald Trump trong thượng đỉnh NATO, tại Watford, Anh, ngày 04/12/2019. Reuters - Peter Nicholls
Số phận của Hoa Vi tại Anh Quốc đã được nhật báo kinh tế Pháp Les Echos nêu thành tựa chính trang nhất "5 G : Luân Đôn đuổi Hoa Vi", trong lúc ở trang quốc tế, nhật báo cánh hữu Le Figaro ví von : "Boris Johnson loại Hoa Vi ra khỏi cuộc chơi tại Anh Quốc".
Tranh cãi chung quanh cái giá phải trả khi loại Hoa Vi
Sau khi nhắc lại quyết định của chính quyền Anh vào hôm qua, theo đó thì các công ty Anh bị cấm mua thiết bị của Hoa Vi kể từ năm tới, và phải tiến hành việc dỡ bỏ dần dần các thiết bị 5G đang sử dụng từ đây đến 2027, Les Echos đã nhấn mạnh đến cuộc tranh luận đã bùng lên chung quanh cái giá mà Anh phải gánh chịu khi loại bỏ tập đoàn Trung Quốc ra khỏi mạng 5G của mình.
Theo Les Echos, Hoa Vi hiện là nhà cung cấp 1/3 ăng ten điện thoại di động ở Châu Âu. Cấm Hoa Vi vì lý do an ninh quốc gia sẽ tốn kém rất nhiều cho các công ty viễn thông. Tốn kém bao nhiêu vẫn là một ẩn số.
Năm ngoái một nghiên cứu của GSMA, tập hợp 750 công ty và nhà sản xuất điện thoại di động, đã đưa ra con số cực lớn là 55 tỷ euro tốn kém cho các công ty Châu Âu. Thế nhưng, vào tháng Sáu năm nay, Strand Consult, nhóm chuyên về viễn thông của Đan Mạch, chỉ nói đến… 3 tỷ euro thiệt hại mà thôi. Khoản tiền này dĩ nhiên không nhỏ, nhưng không đến nỗi quá lớn so với 3 tỷ euro mà 4 công ty Pháp đầu tư hàng năm vào các hệ thống điện thoại di động hay 7 tỷ euro mà họ đổ vào việc triển khai hệ thống cáp quang.
Thế nhưng, theo tờ báo Pháp, giá thiết bị chỉ là bề nổi của tảng băng. Các công ty viễn thông cho rằng ngoài chi phí thiết bị, phải thêm vào những chi phí gián tiếp như việc bị mất khách hàng do việc khởi động chậm trễ hệ thống 5G, thiết bị cạnh tranh với Hoa Vi lại tăng giá...
Một nghiên cứu của hãng Oxford Economics gần đây đánh giá là không có Hoa Vi, giá các ăng ten sẽ tăng từ 8 đến 29% ở Châu Âu, nhưng Les Echos đã cho biết ngay là nghiên cứu này lại do chính tập đoàn Trung Quốc yêu cầu thực hiện.
Trong tình hình đó, nhật báo Pháp cho rằng cái giá quan trọng nhất mà nước Anh phải chịu là quan hệ với Trung Quốc xấu đi. Bắc Kinh đã đe dọa trả đũa nếu hoạt động của Hoa Vi bị cản trở. Việc loại bỏ Hoa Vi có thể phải trả bằng các thất bại trong việc xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân hay máy bay Airbus qua Trung Quốc.
Hoa Vi không còn được hoan nghênh ở phương Tây
Cũng về Hoa Vi, dưới tựa đề "Boris Johnson loại Hoa Vi ra khỏi cuộc chơi tại Anh Quốc", Le Figaro ghi nhận là dưới sức ép của Mỹ, Luân Đôn đã cấm Hoa Vi trong chương trình triển khai hệ thống 5G tại Anh Quốc.
Tác giả bài viết, Arnaud de La Grange, nhận định ngay là giữa thị trường mênh mông Trung Quốc và quan hệ đặc biệt với Hoa Kỳ, thủ tướng Anh Boris Johnson đã chọn lựa. Đảo ngược một quyết định đưa ra vào tháng Giêng, thủ tướng Anh đã loại bỏ Hoa Vi với lý do an ninh quốc gia. Đối với Hoa Vi, đây là một thất bại lớn, một dấu hiệu cho thấy là tập đoàn Trung Quốc không còn được hoan nghênh ở phương Tây.
Theo Le Figaro, trong thời gian qua, thủ tướng Johnson đã chịu nhiều sức ép, từ bên ngoài cũng như bên trong. Trước tiên là áp lực từ phía Mỹ, vốn rất bực tức sau vụ ông Johnson vào tháng Giêng vừa qua, đã bật đèn xanh cho Hoa Vi tham gia một phần vào hệ thống 5G ở Anh.
Washington đã cảnh cáo Luân Đôn là việc trao đổi thông tin tình báo giữa 2 nước có thể bị ảnh hưởng, trong lúc các phái viên Mỹ liên tục cho hiểu là hồ sơ Hoa Vi có thể đè nặng lên các cuộc thảo luận về một hiệp định tự do mậu dịch Anh-Mỹ, rất cần thiết đối với Luân Đôn sau khi đã rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu.
Nhưng sức ép, theo tờ báo Pháp, cũng đến từ phe của ông Boris Johnson. Một số nghị sĩ đảng bảo thủ, ít ra là 60 người, đã phản đối quyết định bật đèn xanh cho Hoa Vi, vì theo họ điều này sẽ có hại cho an ninh quốc gia. Họ còn nêu bật sai lầm địa chính trị khi đứng về phía Trung Quốc và đối đầu với đồng minh Mỹ.
Le Figaro ghi nhận là quyết định về Hoa Vi được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Anh - Trung Quốc căng thẳng hẳn lên. Luân Đôn đã tố cáo Bắc Kinh "vi phạm" các cam kết về Hồng Kông và mở rộng cửa đón người Hồng Kông muốn đến định cư tại Anh.
Báo Times vào hôm qua còn cho biết thêm là một trong hai tàu sân bay của Anh có thể sẽ được triển khai ở Châu Á, trước mối đe dọa của Trung Quốc.
Biển Đông : Washington chơi vỗ mặt Bắc Kinh
Liên quan đến mối đe dọa Trung Quốc, dưới tựa đề "Washington muốn đối phó với ‘đế chế hàng hải’ Trung Quốc", báo Le Figaro đã nhắc lại tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ hôm thứ hai 13/07, cho rằng yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là "bất hợp pháp".
Theo tác giả bài viết, Sébastien Faletti, thì đúng là Washington đang kết hợp lời nói với hành động. Sau khi gởi hai tàu sân bay đến Biển Đông chỉ cách đây vài ngày, thì Mỹ lại tung đòn ngoại giao nhắm vào tham vọng của cường quốc thứ nhì thế giới tại Biển Đông, trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng thêm trên vấn đề Hồng Kông và nguồn gốc dịch Covid-19.
Le Figaro cho rằng qua tuyên bố hôm 13/07, Washington như vậy đứng thẳng thừng về phía Philippines và khuyến khích Hà Nội làm như Manila trước đây là "lôi con Rồng" - cách phương Tây thường gọi Trung Quốc - ra trước tòa án quốc tế, từ bỏ thái độ dè dặt ngoại giao cố hữu để chà đạp tấm bản đồ "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Đối với tờ báo Pháp, đây là một thay đổi quan trọng của Mỹ, cho đến gần đây vẫn thận trọng đứng ngoài cuộc tranh chấp, chỉ lên tiếng bảo về quyền tự do hàng hải, không đứng về phía Trung Quốc hay các láng giềng Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Indonesia.
Thế nhưng, giờ đây, chính quyền Trump đã công khai vạch mặt Trung Quốc, cho dù không chính thức ủng hộ đòi hỏi chủ quyền của các quốc gia khác. Tờ báo dẫn lời nhà nghiên cứu Collin Koh, Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore : "Washington đã quyết định từ bỏ thái độ gián tiếp để ủng hộ công khai hơn đòi hỏi của các nước (Đông Nam Á) ở Biển Đông".
Pháp : Lễ Quốc khánh đặc biệt giữa mùa dịch Covid-19
Dưới ảnh chụp Tổng thống Pháp Macron bên cạnh thủ tướng Jean Castex, cả hai đều mang khẩu trang, nhật báo cánh tả Libération chạy tựa lớn : "Hướng đi giấu mặt", ý nói đến việc ông Macron, trong cuộc phỏng vấn quan trọng nhân ngày Quốc khánh, chỉ thông báo về việc bắt buộc mang khẩu trang ở những nơi công cộng trong không gian kín, hay việc làm của giới trẻ, nhưng không vạch ra những đường hướng cho giai đoạn cuối nhiệm kỳ 5 năm của ông.
Đối với tờ báo tổng thống Macron có vẻ không muốn thay đổi chính sách của ông mặc dù đã gặp nhiều chỉ trích trong việc đối phó với dịch Covid-19 và phong trào Áo Vàng. Cuộc phỏng vấn lễ Quốc Khánh lẽ ra là dịp để ông cụ thể hóa lời hứa sẽ đổi hướng đi, thế nhưng, sau hơn một giờ đồng hồ trả lời phỏng vấn, rõ ràng là hướng đi mà ông Macron đã vạch ra không thay đổi gì cả, "điểm đến" vẫn như thế, điểm quan trọng chỉ là "thay đổi con đường đi đến đích" mà thôi.
Le Figaro cũng dành trang nhất cho chủ đề Quốc Khánh, và thấy rằng tổng thống Macron vẫn đang tìm kiếm một "đường đi mới", tựa lớn trên trang nhất. Tờ báo cũng nêu bật hai điểm quan trọng trong trả lời phỏng vấn của tổng thống Pháp : việc làm của thanh niên và sự cần thiết của khẩu trang.
Tờ báo chú ý đến kế hoạch vực dậy kinh tế "ít ra 100 tỷ euro" cộng thêm số 460 tỷ hỗ trợ kinh tế từ đầu dịch bệnh. Thanh niên được ưu tiên trong kế hoạch này : sẽ có 300 000 hợp đồng hội nhập và 100 000 chỗ làm dịch vụ công dân được thiết lập sau mùa hè.
Về y tế, tổng thống Pháp vẫn lo ngại về một làn sóng dịch bệnh thứ hai, do vậy ông đã tỏ ý muốn bắt buộc mọi người dân phải đeo khẩu trang tại những nơi công cộng có mái che kể từ ngày 01/08/2020.
Trọng Nghĩa