Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/07/2020

Điểm báo Pháp – Liên Âu đàm phán khó khăn về chấn hưng kinh tế

RFI tiếng Việt

Số phận của Châu Âu qua đàm phán về kế hoạch chấn hưng kinh tế

Đàm phán căng thẳng tại Bruxelles từ hơn ba ngày nay tìm thỏa hiệp cho dự án chấn hưng Liên Âu, loạt trừng phạt chưa từng có của Mỹ nhắm vào nhiều quan chức Trung Quốc, Pháp nỗ lực đối mặt với nguy cơ đợt dịch Covid thứ hai, hỏa hoạn nhà thờ Nantes gây bàng hoàng. Trên đây là các chủ đề lớn trên các báo Pháp ra ngày thứ Hai 20/07/2020. 

lienau1

Kế hoạch chấn hưng : Các lãnh đạo Châu Âu trong một buổi đàm phán tại Bruxelles, ngày 18/07/2020. POOL/AFP

Les Echos Libération dành nhiều trang cho cuộc đàm phán giữa lãnh đạo 27 thành viên Liên Âu tại Bruxelles. Trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa "Tại Bruxelles, trong hậu trường cuộc cận chiến giằng co". Chủ đề trang nhất của Libération : "Châu Âu. Cuộc kháng cự của những nước keo kiệt", kèm theo nhận định : "các nước ‘‘khắc khổ’’ đứng đầu là Hà Lan đã chiến đấu suốt kỳ nghỉ cuối tuần qua chống lại kế hoạch chấn hưng, đặc biệt được Paris và Berlin hậu thuẫn. Vấn đề đoàn kết Liên Âu trở thành điểm chia rẽ mới trong nội bộ khối".

Bất đồng chính : Hàng trăm tỉ euro trợ giúp không hoàn lại

Hồ sơ đàm phán Châu Âu của Les Echos có bài "Kế hoạch chấn hưng : các nước Châu Âu phơi bày mâu thuẫn", cho biết cuộc đàm phán, khai mạc hôm thứ Sáu 17/07, dự kiến kết thúc ngày 18/07, đã phải kéo dài thêm một ngày Chủ Nhật 19/07, nhưng không đạt kết quả. Lãnh đạo các nước tiếp tục gặp nhau chiều nay. Khả năng thành công là "rất không chắc chắn", nguy cơ thất bại nhãn tiền. Theo Les Echos, "không khí bi quan ngự trị" ngay trong hai ngày thương thuyết đầu tiên, với thế đối đầu quyết liệt giữa một bên là cặp Đức-Pháp và các nước miền Nam Châu Âu, và bên kia là nhóm 5 nước "khắc khổ" Bắc Âu, đứng đầu là Hà Lan. 

Cặp Pháp-Đức chủ trương một kế hoạch chấn hưng với 750 tỉ euro, trong đó 500 tỉ là tiền hỗ trợ các nước nạn nhân đại dịch, chủ yếu ở miền Nam Châu Âu. Một trong các bất đồng lớn xoay quanh số lượng tiền hỗ trợ không hoàn lại (bên cạnh vấn đề kiểm tra việc sử dụng tiền). Hà Lan kiên quyết không chấp nhận một khoản viện trợ lớn, mà thiên về giải pháp cấp tín dụng để các nước được vay bồi hoàn sau đó. Theo một nguồn tin Châu Âu, một đề nghị mới được đưa ra để các đoàn tham khảo, theo đó số tiền này chỉ còn 390 tỉ euro, so với 500 tỉ trước đó (trước đó, cặp Đức-Pháp chấp nhận hạ mức tiền xuống còn 450 tỉ, nhưng không được phía các nước khắc khổ chấp nhận). 

Merkel kiên quyết đến cùng, Macron "sẵn sàng hành lý"

Đầu giờ chiều ngày hôm Chủ nhật 19/07, thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cho biết, từ 7 năm gần đây, ông chưa bao giờ thấy giữa các thành viên Châu Âu lại "đối kháng triệt để trong nhiều vấn đề đến như vậy". Khai mạc ngày đàm phán thứ ba, hôm qua, thủ tướng Đức Angela Merkel phải cảnh báo thượng đỉnh "sẽ có thể không đi đến kết quả nào". Về phần mình, tổng thống Pháp cũng nói trước là "sẽ không chấp nhận các thỏa hiệp nào gây tổn hại cho kỳ vọng xây dựng Liên Âu".

Bài "Thượng đỉnh Châu Âu : Merkel và Macron đoàn kết đối mặt với Rutte (thủ tướng Hà Lan)" cho biết rõ thủ tướng Đức và tổng thống Pháp đã luôn có mặt cùng nhau trong tất cả các cuộc đối thoại tay ba, tay tư, hay trong nhóm sáu người với thủ tướng Hà Lan, đại diện cho nhóm các nước khắc khổ. Tối thứ Bảy, đàm phán có vẻ đi vào ngõ cụt. Sau bữa ăn tối, trước khi các bên chuẩn bị gặp nhau lần nữa để thảo luận thêm, tổng thống Pháp nhắn với các cộng sự "chuẩn bị hành lý" ra về, trong trường hợp đàm phán hoàn toàn bế tắc. 

Thủ tướng Hà Lan tự tin, bình thản

Bài phóng sự của Libération về diễn biến đàm phán, với tựa đề "Thượng đỉnh Châu Âu : Đòn của kẻ hà tiện" tập trung mô tả thái độ rất tự tin, thản nhiên của thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, bất chấp không khí căng thẳng, lo âu cao độ và gần như bế tắc. Nhiều nhân chứng có mặt trong các phái đoàn Châu Âu nhận xét phải chăng thủ tướng Hà Lan thực sự không hề có ý định thương thuyết hay chỉ coi đây là dịp để khẳng định mình như một người hùng trong con mắt cử tri Hà Lan : vị thủ tướng đã đương đầu thành công với cặp Pháp-Đức.

Vì sao kế hoạch chấn hưng có ý nghĩa lớn ? 

Trả lời Libération, kinh tế gia Xavier Timbeau-Đài quan sát các cơ hội kinh tế Pháp (OFCE)-nhấn mạnh là nếu đàm phán thất bại, hậu quả trước mắt là sẽ có "nhiều nước phải ra khỏi khu vực đồng euro". Ngược lại, nếu thành công, dự án chấn hưng Châu Âu, mà Đức và Pháp dồn mọi nỗ lực từ nhiều tháng nay để vận động, có một ý nghĩa tích cực to lớn đối với Liên Hiệp Châu Âu. Với dự án này, thẩm quyền của Ủy Ban Châu Âu sẽ tăng mạnh. Ủy Ban sẽ thực sự trở thành chính phủ của Liên Hiệp Châu Âu, với năng lực trực tiếp huy động vốn trên thị trường, cũng như tìm các nguồn thu mới (ví dụ như đánh thuế các-bon trên đường biên giới bên ngoài của Khối).

Việc Ủy Ban Châu Âu có năng lực độc lập về tài chính như vậy là điều kiện để Ủy Ban có thể chủ trì, trong tương lai, việc thực hiện dự án chuyển sang nền Kinh tế Xanh, dự án được coi là có tính quyết định với tương lai của khối. Cuộc đàm phán về kế hoạch chấn hưng như vậy có những hệ quả rất lớn, không chỉ dừng ở khoản tiền 750 tỉ euro, nhằm hỗ trợ các nước thoát khỏi khủng hoảng do Covid-19.

Từ "Liên minh" đến "Liên bang" : Châu Âu buộc phải đoàn kết hơn

Ngược lại với tình hình bế tắc trong đàm phán đang diễn ra, Libération trong bài xã luận "Tâm kịch" đưa ra một cái nhìn khá lạc quan về triển vọng đoàn kết trong nội bộ khối. Theo Libération, Liên Âu không có cách nào khác là phải siết chặt đoàn kết. Kế hoạch chấn hưng 750 tỉ euro, trên thực tế, gắn liền với việc Liên Hiệp Châu Âu phải nhanh chóng trở thành một Liên Bang. Một quyết định lịch sử như vậy chắc chắn không thể diễn ra một cách dễ dàng. Đây cũng chính là lý do khiến đàm phán diễn ra dai dẳng. Cuộc họp thượng đỉnh "hết sức khác thường này" lại càng có lý do để diễn ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng trước đại dịch Covid. Trong trường hợp dịch bệnh tái phát, theo Libération, Liên Âu ắt hẳn sẽ còn cần đoàn kết hơn nữa. 

Trung-Mỹ : "Để mặc độc tài trở thành cường quốc số một thế giới ?"

"Căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng" là hồ sơ chính trang quốc tế của Le Monde. Nhật báo Pháp mở đầu với nhận định của nhà nghiên cứu về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan (Đại học Báp-tít, Hồng Kông) : "Lần đầu tiên kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, Trung Quốc chưa bao giờ phải hứng chịu các trừng phạt mang tính hệ thống như vậy". Tuy nhiên, vấn đề giờ đây là hoàn toàn khác, theo Jean-Pierre Cabestan, "không còn là chuyện một vụ thảm sát, mà là liệu có thể để cho một chế độ độc tài chuyên chế trở thành cường quốc số một thế giới ?".

Từ Tân Cương, Hoa Vi… đến Hồng Kông mới đây, các quan chức tham gia đàn áp đã và sẽ bị trừng phạt. Riêng với Hồng Kông, hiện tại chưa rõ quan chức nào sẽ bị trừng phạt. Theo Bloomberg (hôm 15/07), rất có khả năng ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng) nằm trong danh sách. Đây là nhân vật đứng thứ bảy trong hệ thống quyền lực Trung Quốc. Nếu điều này là đúng, thì chưa bao giờ Washington lại trừng phạt một nhân vật cao cấp như vậy của chế độ Trung Quốc. 

Hiện tại, theo New York Times, chính quyền Trump cũng đang xem xét khả năng cấm thị thực nhập cảnh đối với 92 triệu đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc. Riêng về biện pháp này, Le Monde dẫn bình luận của nhà nghiên cứu về Trung Quốc người Mỹ Jude Blanchette, tỏ ra dè dặt, khi coi đây có thể là một biện pháp "chưa chín muồi", "thiếu suy nghĩ chiến lược", bởi một quyết định như vậy có thể khiến lãnh đạo Trung Quốc có cơ hội "thể hiện mình như là đang bị các thế lực thù địch phương Tây vây hãm". 

Điều tra Mỹ, Canada : Dân Trung Quốc khá tin vào Tận Cận Bình

Như để chỉ ra tính chất không đơn giản của vấn đề Trung Quốc, Le Monde giới thiệu hai kết quả điều tra về thái độ của người dân Trung Quốc với các lãnh đạo Trung Quốc, do một số đại học tại Mỹ và Canada tiến hành mới đây. 

Nghiên cứu do giáo sư Cary Wu, khoa xã hội học, đại học York Canada chủ trì, gửi bảng câu hỏi đến gần 20.000 người dân Trung Quốc sống tại Trung Quốc. Việc gửi bảng câu hỏi do 613 sinh viên Trung Quốc, theo học tại 53 đại học, được thực hiện trong tháng 4. Điều tra thứ hai do nhóm ba giảng viên đại học Mỹ (Edward Cunningham, Tony Saich và Jessie Turiel) thuộc Ash Center for Democratic Governance and Innovation của đại học Harvard (Massachussetts), phỏng vấn 31.000 người Trung Quốc (cuộc điều tra diễn ra 8 đợt từ 2003 đến 2016, kết quả công bố tháng 7/2020). 

Nhìn chung, theo tổng hợp của nhà báo Frédéric Lemaitre của Le Monde, người dân Trung Quốc đa số tỏ ra khá hài lòng với các lãnh đạo hiện nay. Kết quả điều tra năm 2016 của nhóm nghiên cứu đại học Harvard cho thấy, vào thời điểm đó 71% tin vào "các biện pháp chống tham nhũng" (so với 35% năm 2011). Cũng năm 2016, 75% cho rằng "biến đổi khí hậu là có thực và do con người gây ra", 43% cho rằng chất lượng không khí được cải thiện trong những năm gần đây. Nhà báo Le Monde dẫn nhận định của các nhà nghiên cứu Mỹ, vào thời điểm 2016, chính quyền của ông Tập Cận Bình được đông đảo người dân ủng hộ, điều chưa từng thấy đối với các chính quyền Trung Quốc trong vòng hai thập niên trước đó.

Covid : Pháp nỗ lực tránh đợt dịch thứ hai 

Nước Pháp sẵn sàng đối phó với đại dịch Covid-19 lần nữa là chủ đề chính của nhật báo Les Échos. Tựa trang nhất : "Tăng cường biện pháp để tránh một đợt dịch thứ hai". Theo Les Échos, "đã có một số dấu hiệu chớm cho thấy dịch bệnh có thể trở lại. Việc mang khẩu trang sẽ là bắt buộc tại các địa điểm công cộng trong không gian kín. Trong trường hợp dịch bùng lại, một kế hoạch tái phong tỏa cục bộ gần như đã sẵn sàng". 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm thứ Sáu, 18/07, thủ tướng Pháp cho biết tình hình tại Pháp chưa phải là nghiêm trọng, nhưng cần sẵn sàng cảnh giác. Chính phủ đã có bốn kịch bản đối phó. Theo Les Échos, lệnh tái phong tỏa cục bộ có thể được ban hành ngay từ cuối tháng 7 này, đối với một số lĩnh vực, khu phố hay trường học. 

Trong lĩnh vực giáo dục, Le Monde cho hay hệ thống đại học tại Pháp đang đứng trước áp lực chưa từng có vào dịp khai giảng năm nay. Do tỉ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông ở mức cao chưa từng thấy (95,7%), các trường đại học phải sẵn sàng đối phó với việc số sinh viên đăng ký theo học rất cao, vượt quá khả năng đáp ứng hiện tại, đặc biệt trong bối cảnh khó tiên liệu viễn cảnh dịch bệnh trong những tháng tới. 

Cũng liên quan đến dịch Covid-19, Le Monde có bài viết đáng chú ý về "Ấn Độ : Tái khởi động kinh tế với cái giá phải trả cho môi trường và xã hội rất lớn". 

Nhà thờ Lớn Nantes : Thêm một vụ cháy khiến bao con tim tan nát

Vụ cháy Nhà thờ Lớn ở Nantes là chủ đề chính của hầu hết các báo Pháp số ra đầu tuần. Le Figaro dành bốn trang đầu cho Nhà thờ Lớn Nantes, với hàng tựa trang nhất : "Sau Nhà thờ Đức Bà Paris, lại thêm một vụ nữa khiến bao con tim tan nát". Nhật báo công giáo La Croix chạy tựa lớn : "Những ngôi nhà thờ lớn : Vấn đề an toàn cần được đặt ra". Tờ báo khẩn thiết kêu gọi "cần khẩn cấp rà soát lại các điều kiện an toàn hiện nay tại các nhà thờ lớn. Cần phải cố gắng hết sức để vụ cháy thứ hai này không mở đầu cho một chuỗi hỏa hoạn không dứt". Về vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Lớn Nantes, Libération có bài phỏng vấn một chuyên gia về di sản, cho biết vụ cháy này đã làm nước Pháp mất đi nhiều tác phẩm nghệ thuật "đáng được trưng bày trong các bảo tàng". 

Đài France Cuture giải oan cho Marx 

Trong lĩnh vực văn hoá, báo chí Pháp giới thiệu chương trình phát thanh bốn kỳ trên kênh France Culture (Chương trình mang tên "Karl Marx, un inconnu" (Karl Marx, một con người chưa được biết đến) gồm 4 tập, mỗi tập 1 giờ 49 phút của chuyên gia về Đức Christine Lecerf nằm trong chuyên mục "Grandes Traversées"), bắt đầu từ hôm nay, về Karl Marx, nhà tư tưởng người Đức, mà nhiều người coi như ông tổ của chủ nghĩa độc tài toàn trị cộng sản. Bài "Kênh France Culture nói về ''tư tưởng bị cướp phá'' của Karl Marx", trên Le Monde, nhấn mạnh : "cái gọi là ''chủ nghĩa Mác'' do Lênin sáng tạo ra, đã làm biến chất hoàn toàn dự án thoạt tiên mang tính giải phóng, mà Karl Marx tìm cách xây dựng, thành một lý thuyết được sử dụng để nô dịch triệt để con người". 

Nhật báo công giáo La Croix cũng có bài giới thiệu chương trình phát thanh về Marx trên France Culture, với tựa đề "Karl Marx, một con người chống giáo điều cần được khám phá lại". La Croix dẫn lời triết gia Pháp Lucien Sève, phát biểu trong chương trình phát thanh nói trên của France Culture, "Thế kỉ XX là thế kỉ của chủ nghĩa Mác, nhưng không hề có Mác". Chương trình "Karl Marx, một con người chưa được biết đến" mô tả việc tác phẩm của Marx đã bị những người thừa kế đầu tiên bóp méo, bị chế độ Stalin sử dụng, bị chế độ Đức Quốc xã thiêu hủy" trước khi đưa thính giả đến với cuộc đời và tư tưởng thực sự của Karl Marx. 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 528 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)