Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/08/2020

Ông Trump sẽ cấm các app nào nữa của Trung Quốc, ngoài TikTok ?

BBC tiếng Việt

Tổng thống Donald Trump và các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ đang cân nhắc việc cấm TikTok, nhưng các ứng dụng, dịch vụ khác chạy trên phần mềm của Trung Quốc cũng có thể sẽ bị nhắm tới.

tiktok1

Hôm Chủ nhật, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng một số công ty công nghệ của quốc gia Châu Á này đang "gửi dữ liệu thẳng về cho Đảng Cộng sản Trung Quốc".

Vậy những phần mềm hay các công ty nào khác đang có nguy cơ ?

Mục tiêu hiển nhiên nhất là WeChat của Tencent, cũng là sản phẩm duy nhất bị ông Pompeo điểm danh bên cạnh Tik Tok.

Wechat được miêu tả như một mạng xã hội, nhưng trong thực tế nó hoạt động mạnh hơn thế nhiều.

Nó cho phép thực hiện các hoạt động trả tiền, chạy các chương trình mini bổ sung, hẹn hò và nhận tin tức, bên cạnh dịch vụ nhắn tin và các hoạt động xã hội khác.

Có lẽ chính xác nhất là có thể coi nó như một dạng hệ điều hành thứ hai chạy trên nền iOS hoặc Android.

Nó cũng được coi là một công cụ chủ chốt của hệ thống giám sát nội bộ tại Trung Quốc - nó đòi người dùng nội địa, nếu bị cáo buộc là đã từng lan truyền tin đồn độc hại thì phải đăng ký scans khuôn mặt và giọng nói.

Thêm vào đó, người ta cho rằng nó được Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng rộng rãi để tuyên truyền đến cộng đồng người Hoa ở nước ngoài.

Một cuộc hội thảo, được Viện Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) thực hiện hồi đầu năm nay, đã thảo luận về cách thức mà các nhóm trong ứng dụng này dùng : đầu tiên là gợi ý nơi đi nghỉ, nhà hàng tốt, hay những nội dung tương tự mỗi ngày, sau đó chuyển sang gửi các tin nhắn với nội dung phù hợp đường lối của Bắc Kinh vào những thời điểm quan trọng.

Trong lúc đó, một nghiên cứu gần đây do các nhà nghiên cứu an ninh từ phòng thí nghiệm Citizen Lab của Canada đã nêu chi tiết việc các văn bản, hình ảnh gửi qua lại giữa những người dùng có đăng ký và không ở Trung Quốc đã được rà soát xem có chứa các nội dung mà giới chức Trung Quốc coi là nhạy cảm về mặt chính trị hay không.

Nghiên cứu này không tìm thấy bất kỳ trường hợp nào bị chặn, nhưng nói rằng các dữ liệu được thu thập đã được dùng để phục vụ công tác tăng cường kiểm duyệt bên trong Trung Quốc.

Tencent trước đó nói rằng mọi nội dung được chia sẻ giữa người dùng quốc tế của WeChat đều được giữ ở chế độ riêng tư.

Danh sách dài

Ấn Độ đang ra chỉ dấu cho thấy các ứng dụng nào khác của Trung Quốc có thể sẽ bị cấm.

Quốc gia Nam Á này hiện đã cấm 59 ứng dụng có liên quan tới Trung Quốc, với lý do chúng đe dọa tới "chủ quyền quốc gia và an ninh".

Tik Tok và WeChat nằm trong danh sách bên cạnh các tên tuổi lớn như :

- Baidu Maps và Baidu Translate - là các đối thủ cạnh tranh với sản phẩm của Google, do nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm hàng đầu của Trung Quốc tung ra ;

- Weibo, dịch vụ tiểu blog tương tự như Twitter

- Clash of Kings và Mobil Legends Bang Bang - hai video games

- CamScanner - ứng dụng scan tài liệu

- QQMail - dịch vụ thư điện tử và gửi file

BBC đã liên hệ với một số ứng dụng có thể bị ảnh hưởng nhưng chưa nhận được phản hồi.

tiktok2

Baidu Translate là dịch vụ dịch thuật trực tuyến và cung cấp tin thời sự ở dạng song ngữ

Ấn Độ và Trung Quốc đang có tranh cãi về vấn đề đường biên.

Tuy nhiên, một chuyên gia nói rằng nhu cầu giúp cho các nhà phát triển phần mềm trong nước chứ không phải là những quan ngại an ninh thực sự mới là nhân tố chính khiến Ấn Độ ra quyết định cấm các sản phẩm Trung Quốc.

"Điều mà họ đang thực sự muốn gửi tín hiệu ra, đó là Ấn Độ đã cảm thấy quá đủ đối với Trung Quốc và muốn tự mình cắt đi các mối liên hệ", Gareth Price, nhà nghiên cứu cao cấp tại tổ chức Chattham House ở London, bình luận.

Bất kể thế nào thì Delhi cũng mới chỉ là bắt đầu.

Theo các tường thuật địa phương, chính phủ đang cân nhắc cấm thêm 275 ứng dụng nữa, trong đó có một số khá quen thuộc với thị trường Mỹ, như :

- AliExpress, ứng dụng mua sắm của của hãng bán lẻ trực tuyến khổng lồ Trung Quốc Alibaba

- Video games của NetEase, là hãng tung ra một số thương hiệu siêu nhân Marvel

- Các game của Tencent trong đó có Player Unknown Battlegrounds (PUBG) Mobile

- Một số ứng dụng mang nhãn hiệu Mi của nhà sản xuất điện thoại di động Xiaomi

- Báo chí Ấn Độ nói rằng hãng Supercell của Phần Lan, nhà phát triển video game Clash Of Clans, có thể cũng sẽ bị cấm tại Ấn Độ với lý do Tencent nắm phần lớn cổ phần trong công ty này.

Cho dù Hoa Kỳ có đi theo hướng tương tự hay không thì Riot Games, hãng phát hành trò chơi điện tử Liên minh Huyền thoại (League of Legends) và Epic Games, hãng phát triển trò chơi điện tử Fortnite, có lẽ sẽ có lý do để lo lắng.

Quét mặt

Ông Pompeo cũng nói rằng phần mềm nhận diện khuôn mặt đang gây quan ngại.

Tuy ông không nêu rõ tên bất kỳ sản phẩm nào, nhưng tại Trung Quốc có rất nhiều công ty sản xuất ứng dụng kiểu này.

Mạng xã hội Kwai và ứng dụng hướng dẫn làm đẹp YouCam Makeup đều dùng thuật toán nhận diện khuôn mặt, và đều nằm trong số các ứng dụng bị cấm tại Ấn Độ.

Điều đáng lưu ý đó là các hạn chế của của Hoa Kỳ đối với các hãng Trung Quốc không phải là điều gì hoàn toàn mới mẻ.

Hồi năm ngoái, chính quyền ông Trump đã bổ sung hàng chục các công ty Trung Quốc vào danh sách đen về kinh tế, theo đó hạn chế các hãng này mua công nghệ Hoa Kỳ nếu không được chính phủ chuẩn thuận.

Trung Quốc nói rằng họ hoàn toàn phản đối bước đi của Hoa Kỳ.

tiktok3

CloudMinds đem đến dịch vụ kiểm soát từ xa đốiv ới Pepper và các loại người máy khác

Zoom đang 'nghĩ lại'

Zoom là một cái tên nữa đang gây quan ngại.

Dịch vụ chuyện trò qua video này do doanh nhân Eric Yuan, người gốc Trung Quốc, tung ra.

Nó đã bị chỉ trích về việc việc từng chuyển hướng "nhầm" một số cuộc gọi về các máy chủ đặt tại Trung Quốc, cũng như việc đóng các tài khoản từng tổ chức sự kiện chỉ trích Bắc Kinh mà người tổ chức nằm ở ngoài Trung Quốc.

Công ty này vừa tuyên bố rằng họ sẽ ngừng dịch vụ trực tiếp cho người dùng ở Trung Quốc, và thay vào đó sẽ cung cấp dịch vụ thông qua các đối tác địa phương.

"Chúng tôi đã thông báo cho các khách hàng của mình rằng việc này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/8", hãng nói trong một tuyên bố.

Thời điểm trên có thể là trùng hợp ngẫu nhiên, tuy nhiên việc này cho thấy các công ty công nghệ đang rất thận trọng, không muốn Hoa Kỳ có bất kỳ lý do gì để nghi ngờ mình.

Leo Kelion

Nguồn : BBC, 04/08/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Leo Kelion
Read 659 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)