Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/08/2020

Đại dịch Covid-19 ngày càng bất kham : Liên Hiệp Quốc lo ngại

RFI tổng hợp

Covid-19 và bất ổn : Liên Hiệp Quốc lo ngại tác động dây chuyền (RFI, 04/08/2020)

Đại dịch siêu vi corona làm cho khủng hoảng kinh tế và nhân đạo trên thế giới nghiêm trọng thêm, các cuộc xung đột đẫm máu hơn. Trên đây là báo động của các chuyên gia và nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc với giới truyền thông vào hôm nay 04/08/2020.

covi1

Một trại tị nạn tại Idleb, Aleppo, miền tây bắc Syria, ngày 11/07/2020.  Omar Haj Kadour / AFP

Theo AFP, Liên Hiệp Quốc rất lo ngại sẽ có nhiều cuộc xung đột và bạo động dữ dội hơn trong thời gian tới. "Chúng ta chỉ mới ở màn đầu tiên trong thảm kịch khá dài", theo nhận định của chuyên gia Richard Gowan cũng như giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc.

Các cường quốc Tây phương, vì bận tâm và huy động tài lực chống đại dịch Covid tại nước mình nên nguồn tài trợ nhiều chương trình viện trợ nhân đạo và kinh tế bị cắt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 còn làm cho kinh tế thế giới suy thoái và có thể gây thêm tình trạng bất ổn và xung đột.

Do vậy, hồi tháng 3, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi ngưng bắn toàn cầu. Thế nhưng, cho đến nay tại Yemen, Syria và Libya vẫn còn tiếng súng. Tại Syria và Libya, chính quyền Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hậu thuẫn quân sự cho các phe đối nghịch tấn công lẫn nhau. Tại Yemen, chiến sự vẫn tiếp diễn, nạn đói kéo dài trong khi các tổ chức nhân đạo can kiệt ngân sách.

Từ nay, các quốc gia hào phóng tại Châu Âu, điển hình là Đức, đều tập trung vực dậy kinh tế Châu Âu. Giới chuyên gia cũng quan ngại cho Lebanon, nằm sát cạnh Châu Âu. Lebanon đã lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, tiền tệ và tài chính khủng khiếp nhất từ những thập niên gần đây.

Toàn cảnh thế giới được một nhà ngoại giao mô tả trong hai từ "bi thảm và chán nản".

Tú Anh

*********************

Covid-19 : WHO thông báo hoàn tất chuẩn bị nghiên cứu nguồn gốc virus (RFI, 04/08/2020)

Kể từ khi xuất phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào cuối tháng 12/2019, virus corona chủng mới đã khiến gần 690.000 người chết trên khắp thế giới, tính đến tối 03/08/2020 và hơn 18 triệu ca nhiễm được thông báo chính thức. Nhóm chuyên gia được Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cử đến Trung Quốc ngày 10/07 đã hoàn thành "nhiệm vụ tạo dựng nền móng cho nỗ lực xác định nguồn gốc của virus".

covi2

Ảnh minh họa : Ống xét nghiệm virus corona Reuters/Dado Ruvic

Trong buổi họp báo trực tuyến ngày 03/08, tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết bước tiếp theo là "những nghiên cứu dịch tễ học sẽ được bắt đầu ở Vũ Hán để xác định khả năng nguồn gốc lây nhiễm của những ca đầu tiên".

AFP nhắc lại, đa số các nhà nghiên cứu cho rằng loài dơi là nguồn gốc của virus corona chủng mới, được gọi là SARS-CoV-2, nhưng được truyền qua một vật chủ trung gian trước khi lây sang người. Vật chủ trung gian này là điều bí ẩn mà cộng đồng khoa học quốc tế cũng như Tổ Chức Y Tế Thế Giới hy vọng khám phá ra được để hiểu về nạn dịch đang xảy ra, tránh những rủi ro cũng như khả năng phòng ngừa một đại dịch mới.

Cũng trong buổi họp báo trực tuyến, tổng giám đốc WHO cảnh báo nguy cơ dịch kéo dài và khả năng sẽ không bao giờ có liệu pháp thần kỳ. Ông cho rằng "những thử nghiệm lâm sàng cho chúng ta hy vọng. Nhưng điều đó không hẳn có nghĩa là chúng ta sẽ có một loại vac-xin hiệu quả, kể cả về lâu dài".

Hiện đang có khoảng 200 loại vac-xin chống Covid-19 đang được thử nghiệm trên thế giới. Sau thông báo của Mỹ và Trung Quốc về khả năng chuẩn bị sản xuất đại trà vac-xin, Moskva cũng thông báo có ba công ty Nga có thể sản xuất hàng trăm triệu liều vac-xin chống Covid-19 trong một tháng kể từ tháng Chín, và ngay từ đầu năm 2021 trở đi sẽ là vài triệu liều mỗi tháng.

Thu Hằng

******************

Covid-19 : Nam Mỹ vượt ngưỡng 5 triệu ca, Hoa Kỳ vẫn có số ca tăng mạnh

Virus corona vẫn tiếp tục hoành hành dữ dội tại Châu Mỹ. Số ca nhiễm Covid-19 đã vượt quá 5 triệu tại Nam Mỹ và vùng Caribê, theo thống kê ngày 03/08/2020 của AFP, dựa trên số liệu chính thức. Trong khi đó, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Mỹ vẫn ở mức cao, thêm hơn 46.300 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ.

covi3

Nhân viên xét nghiệm Covid-19 lấy mẫu, tại một trung tâm xét nghiệm PCR, tại Los Angeles, Hoa Kỳ, tháng 07/2020. AFP/File

Từ đầu mùa dịch Covid-19 tới nay, đã có 202.000 người thiệt mạng tại Nam Mỹ, trong đó gần một nửa số nạn nhân là ở Brazil (95.000 người), trong bối cảnh hệ thống y tế nước này ngày càng lộ rõ những điểm yếu do không được đầu tư thỏa đáng. Mêhicô có số ca tử vong cao thứ hai tại Châu Mỹ Latinh (sau Brazil), gần 48.000 người tính từ đầu dịch. Nước Guatemala nhỏ bé ở Trung Mỹ cũng có tổng cộng hơn 2.000 người chết và hơn 51.500 ca nhiễm. Bolivia có thêm bộ trưởng thứ 10 bị nhiễm Covid-19.

Còn tại Hoa Kỳ, virus corona vẫn chưa có dấu hiệu giảm tốc độ lây lan. Với hơn 46.300 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, theo số liệu tối 03/08 của đại học John Hoppins, hiện Mỹ có 4,7 triệu ca nhiễm Covid-19 và 154.860 ca tử vong (thêm 532 ca).

Trái ngược với số liệu chính thức, ngày 03/08, tổng thống Donald Trump tuyên bố có "những dấu hiệu rất đáng khích lệ" dù ông khẳng định virus lây lan tại nhiều ổ dịch ở miền nam và tây Hoa Kỳ.

Trước tình hình đó, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ kêu gọi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép lưu hành bộ xét nghiệm nhanh, chỉ có giá 1 đô la. Michael Mina, giáo sư dịch tễ học tại đại học Harvard, người vận động cho sáng kiến này từ nhiều tuần nay, cho rằng dù bộ xét nghiệm đại trà này ít chính xác (chỉ cho kết quả chính xác đối với những người có tỉ lệ virus cao trong cơ thể), nhưng người dân có thể thực hiện nhiều lần trong tuần, thay vì phải chờ xếp hàng trong nhiều giờ để được xét nghiệm PCR, chính xác hơn, nhưng phải chờ nhiều ngày mới có kết quả.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 689 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)