Vì sao dư luận quan tâm đến "phó tướng" tương lai của Joe Biden ?
Tựa chính của các báo Paris hôm nay tập trung vào thời sự nước Pháp. Le Monde chạy tựa "Covid-19 : Cảnh báo của Hội đồng Khoa học". La Croix nói về "Binh đoàn Covid" : tờ báo theo chân các nhà điều tra ở Nanterre để tìm kiếm những người tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19.
Le Figaro nhấn mạnh đến "Du lịch ở Pháp : Ngạc nhiên thú vị trong mùa hè", ngược lại Libération nói về "Mùa hè u ám của các rạp chiếu phim". Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến "Chủ tư doanh : Cuộc khủng hoảng sẽ thay đổi những gì".
Về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, La Croix giải thích vì sao việc chọn lựa người làm phó cho ứng cử viên Joe Biden lại gây chú ý nhiều như thế tại Hoa Kỳ, khác hẳn với những lần trước.
Đối thủ Dân Chủ của ông Donald Trump trong những ngày tới sẽ loan báo người được chọn để làm phó tổng thống trong trường hợp chiến thắng. Vì sao quyết định này rất được chờ đợi, trong khi thường thì chỉ có báo chí và các chuyên gia để ý phân tích, còn dư luận khá thờ ơ ?
Trước hết vì đó sẽ là một phụ nữ. Trong lịch sử bầu cử Mỹ, đây chỉ là trường hợp thứ ba sau bà Geraldine Ferraro năm 1984 và Sarah Palin năm 2008. Tiếp theo, trong bối cảnh phong trào Black Lives Matter, xã hội dân sự đang mạnh mẽ đòi hỏi một phó tổng thống phù hợp với nước Mỹ đa sắc tộc của năm 2020.
Cuối cùng, vì ông Joe Biden đã 78 tuổi, nên nếu thắng cử, ông sẽ trở thành tổng thống lớn tuổi nhất từ trước đến nay khi bước chân vào Nhà Trắng. Do quá cao tuổi, ông khó thể tranh cử được một nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2024. Dù người phụ nữ được Biden chọn làm phó là ai đi nữa, thì bà này sẽ có nhiều ưu thế để một ngày nào đó trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.
Vai trò của phó tổng thống Mỹ
Quyết định này sẽ có tác động như thế nào đến cuộc bầu cử ? Cho dù các chuyên gia thường nói rằng việc chọn người đứng chung liên danh không giúp cho ứng cử viên chiến thắng, nhưng quy trình chọn lựa rất chặt chẽ. Phải tìm được một người bù đắp được một điểm yếu của ứng cử viên – năm 2008, ứng viên trẻ Barack Obama đã chọn một nhân vật kinh nghiệm là Joe Biden – nhưng cũng phải bảo đảm rằng quá khứ người này không có vấn đề gì có thể gây rắc rối một khi được "soi" trước bàn dân thiên hạ.
Thế nên xu hướng chung là tìm một người đầy kinh nghiệm, quá khứ rõ ràng. Trong số những cái tên được nhắc đến hiện nay có bà Susan Rice, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc thời Obama, một cái tên có thể làm yên tâm. Bên cạnh đó là thượng nghị sĩ Kamala Harris và dân biểu Karen Bass, cả hai đều ở bang California ; Elizabeth Warren, đối thủ cũ của Joe Biden trong kỳ bầu cử sơ bộ, và Tammy Duckworth, thượng nghị sĩ Illinois.
Câu hỏi cuối cùng, phó tổng thống Mỹ có vai trò gì ? Hiến pháp Hoa Kỳ không quy định cụ thể, ngoài việc quyết định đứng về bên nào trong trường hợp Thượng Viện bất phân thắng bại trong một vấn đề. Trên thực tế, đó là một cố vấn có thể được tổng thống lắng nghe hoặc không, và được giao phó một số công tác. Dưới thời Barack Obama, ông Joe Biden phụ trách cải cách việc mang vũ khí, sau vụ xả súng cuối năm 2012.
Còn lại, vai trò của phó tổng thống Mỹ chủ yếu là phải sẵn sàng… trong trường hợp xấu nhất. Trong lịch sử, đã có tám vị phó được cánh cửa Phòng Bầu dục mở ra sau khi tổng thống qua đời – vì bạo lực hoặc bệnh. Riêng ông Gerald Ford năm 1974 là trường hợp đặc biệt, đã trở thành nguyên thủ nước Mỹ mà không hề tham gia chiến dịch tranh cử nào. Tuy không được chọn đứng chung liên danh với ông Richard Nixon năm 1968 lẫn 1972, nhưng ông Ford đã thay thế phó tổng thống Spiro Agnew khi ông này phải từ chức năm 1973 vì trốn thuế.
Chức phó tổng thống còn có thể là lực đẩy : George Bush cha hay Richard Nixon chẳng hạn, đã từng giữ chức vụ này trước khi lên làm tổng thống.
Trump bật đèn xanh và ra tối hậu thư vụ TikTok
Liên quan đến cuộc thương lượng giữa Microsoft và mạng xã hội TikTok, Le Monde nói về"đèn xanh và…tối hậu thư của Donald Trump",còn Les Echos nhận xét về"đòi hỏi hiếm thấy" của ông Donald Trump trong thương vụ này.
Tổng thống Mỹ cho phép hai bên thương thảo, nhưng yêu cầu phải đạt đến thỏa thuận trước ngày 15/09. Trong trường hợp thất bại, ứng dụng này sẽ bị cấm trên lãnh thổ nước Mỹ. Còn nếu Microsoft mua được, ông Trump đòi phải dành một số "phần trăm" cho ngân khố Hoa Kỳ !
Theo Le Monde, các cuộc thương lượng bí mật giữa tập đoàn Microsoft với ByteDance, công ty sở hữu TikTok đang diễn ra và có thể đạt đến thỏa thuận vào thứ Sáu tuần trước, thì tổng thống Donald Trump tuyên bố muốn cấm ứng dụng này. TikTok, có trên 80 triệu người sử dụng tại Mỹ, bị nghi ngờ thu thập dữ liệu của người tiêu dùng Mỹ để chuyển cho Bắc Kinh, tiếp tay tuyên truyền cho Trung Quốc và kiểm duyệt các video, chủ yếu liên quan đến Hồng Kông. Mới đây Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấm nhân viên sử dụng trên các máy do cơ quan cung cấp.
Người sáng lập TikTok là Trương Nhất Minh (Zhang Yimin) đã làm mọi cách để đánh tan những nghi ngờ : ứng dụng này không hoạt động tại Hoa lục, chọn tân tổng giám đốc là một người Mỹ và dự định chuyển trụ sở sang Anh. TikTok cũng đã bị Ấn Độ chặn, sau vụ đụng độ đẫm máu ở Himalaya.
Nhà Trắng chia làm hai phe. Phe kịch liệt chống Trung Quốc, nhất là phó thủ tướng Mike Pence và cố vấn thương mại Peter Navarro muốn loại
hẳn TikTok. Phe ôn hòa hơn, trong đó có bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin và ngoại trưởng Mike Pompeo, chủ trương để một tập đoàn Mỹ mua lại. Các cố vấn cảnh báo ông Trump về rủi ro khi cấm một ứng dụng rất được giới trẻ ưa chuộng, kể cả cử tri Cộng hòa.
Les Echos cho biết đến tối Chủ nhật, sau khi nói chuyện điện thoại với tổng giám đốc Microsoft, tổng thống Donald Trump chuyển sang ủng hộ việc mua TikTok, nhưng đặt ra tối hậu thư phải xong trước 15/09. Tuy nhiên yêu cầu của ông Trump dành một số phần trăm cho ngân khố Mỹ bị chỉ trích. Một giáo sư luật trên New York Times cho rằng việc này sẽ ít bị tranh cãi nếu được áp dụng đồng đều cho các doanh nghiệp khác, thông qua một sắc thuế. Còn tờ báo chuyên ngành Techcrunch gọi đây là một kiểu đòi "hoa hồng trung gian".
Samsung ngưng sản xuất máy tính ở Trung Quốc, Việt Nam có thể được lợi
Cũng trên lãnh vực kinh tế, Les Echos cho biết "Samsung sẽ ngưng sản xuất máy tính tại Trung Quốc". Sau khi chuyển sản xuất điện thoại thông minh sang Việt Nam, tập đoàn Hàn Quốc đến cuối tháng Tám sẽ đóng cửa các dây chuyền lắp ráp máy tính bàn và máy tính xách tay có từ năm 2002 ở Tô Châu (Suzhou).
Hôm thứ Hai 03/08, một phát ngôn viên Samsung Electronics xác nhận với Yonhap tin trên, và phân nửa trong số 1.700 công nhân sẽ bị sa thải hoặc chuyển sang cơ sở khác. Tuy Samsung không cho biết sẽ chuyển sang nước nào, nhưng báo chí Hàn Quốc khẳng định máy tính từ nay sẽ được lắp ráp tại Việt Nam, nơi tập đoàn này đã đầu tư ồ ạt vào khoảng giữa những năm 2010.
Đối với nhiều tập đoàn, Made in China giờ đây trở nên quá tốn kém hoặc quá nhiều rủi ro, từ khi xung đột Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng. Nhà máy ở Tô Châu, 18 năm sau khi Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không còn thu hút nữa vì giá lao động tăng lên, trong khi thị phần của Samsung lại giảm xuống, từ 4,3 tỉ đô la chỉ còn 1 tỉ. Nhà máy Tô Châu bị đóng cửa sau khi ba nhà máy khác của Samsung ở Thâm Quyến (Shenzhen), Thiên Tân (Tianjin) et Huệ Châu (Huizhou) bị cho ngừng hoạt động vào năm 2018 và 2019 để chuyển sang Việt Nam.
Cà phê robusta lên giá
Một tin mừng khác cho Việt Nam, lần này dành cho người trồng cà phê : việc phong tỏa tại nhiều nước trên thế giới do đại dịch đã khiến cho tiêu thụ cà phê tại nhà tăng lên. Chủ yếu là loại robusta mà Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, đa số trồng tại vùng đất đỏ bazan Ban Mê Thuột.
Giá cà phê robusta (còn gọi là cà phê vối) đã tăng lên, và xu hướng này vẫn tiếp tục trong trung hạn, còn loại arabica (cà phê chè) lại giảm xuống. Đó là do robusta được sử dụng làm cà phê hòa tan bán cho các gia đình, và tiêu thụ tại nhà sẽ còn kéo dài cùng với nhu cầu làm việc từ xa – theo dự báo của các nhà phân tích Rabobank được Les Echos trích dẫn. Một yếu tố khác khiến giá tăng là sản lượng robusta của Việt Nam và Brazil bị sút giảm.
Còn arabica (cà phê chè) được cho là "danh giá" hơn, thường sử dụng tại các quán cà phê, ít có khả năng tăng giá trở lại vì mối lo một đợt dịch mới, và Brazil năm nay được mùa arabica.
Cựu vương Tây Ban Nha lưu vong vì tai tiếng tham nhũng
Tại Châu Âu, sự kiện cựu vương Tây Ban Nha Juan Carlos đi lưu vong được tất cả các báo Pháp chú ý. Le Monde và Le Figaro gần như đưa cùng một ý"Bị điều tra, cựu vương Juan Carlos chọn lựa lưu vong". La Croix nói về"Thảm họa tại hoàng gia Tây Ban Nha", Les Echos tỏ ý tiếc cho"Juan Carlos, sự xuống dốc của một nhà vua từ lâu được ngưỡng mộ". Còn Libération tóm lược"Juan Carlos lưu vong, Felipe bị cô lập, Tây Ban Nha chán ngán".
Cựu vương sẽ được lịch sử ghi nhận như một nhà vua đã giúp Tây Ban Nha quay lại với chế độ dân chủ, vào cuối thời kỳ Franco độc tài. Tuy nhiên hồi kết của ông lại không mấy gì làm vẻ vang : phải chạy trốn để tránh tiếng xấu cho con trai là quốc vương đương nhiệm, sau phát hiện về mạng lưới tham nhũng xung quanh ông.
Vương triều Juan Carlos (1975-2014) là độc nhất vô nhị trong thế kỷ 20, chưa bao giờ một nhà vua lại đóng vai trò chính trị quan trọng như thế trong lịch sử đất nước. Khi nhà độc tài Francisco Franco qua đời năm 1975, ông lên ngôi theo luật và lập tức được sự ủng hộ của một thế hệ quyết tâm kết thúc những thù địch của thời kỳ nội chiến. Nhưng đến 1981, khi quốc vương ra tay ngăn chận một vụ đảo chính của quân đội trong lúc Quốc Hội đã bị bao vây, Juan Carlos mới chiếm được trái tim của mọi người dân Tây Ban Nha.
Vị vua được ca ngợi nay dính nhiều xì-căng-đan
Năm 2012, ông bị ngã gãy xương đùi trong một cuộc đi săn voi xa hoa do người tình người Đức Corinna Larsen tổ chức ở Botswana, khiến dư luận bất bình trong lúc đất nước đang lâm vào khủng hoảng tài chính nặng nề. Sau một loạt xì-căng-đan, ông nhường ngôi cho con trai Felipe năm 2014, tuy nhiên việc thoái vị đã khiến Juan Carlos không còn được quyền đặc miễn.
Phát súng ân huệ đến từ tư pháp Thụy Sĩ tháng Ba vừa qua, với cuộc điều tra về món quà 100 triệu đô la của Ả Rập Xê Út, liên quan đến một hợp đồng tàu cao tốc ; và năm tháng sau đến lượt Công tố viện Tây Ban Nha mở điều tra. Quốc vương Filipe loan báo từ chối nhận gia tài của cha, thậm chí còn hủy bỏ trợ cấp chính thức cho Juan Carlos.
Cựu vương sẽ lưu vong ở đâu ? Cộng hòa Dominicana, vùng vịnh Caribê hay Bồ Đào Nha, Pháp, Ý theo những lời đồn đãi ? Đa số các chính đảng cho rằng việc Juan Carlos ra đi là đúng để giữ thể diện cho một hoàng gia đang xuống dốc, nhưng phe dân tộc chủ nghĩa và cực tả cho rằng đó là một thái độ "đáng phẫn nộ". Họ công kích tính chính danh của Felipe VI, vị vua trẻ đang cô đơn hơn bao giờ hết.
Vụ nổ lớn ở Lebanon : Họa vô đơn chí
Tại Lebanon, hai vụ nổ lớn đã làm rung chuyển thủ đô Beirut vào 18 giờ hôm qua 04/08/2020, làm hơn 100 người thiệt mạng và khoảng 4.000 người bị thương. Những cuộn khói hình cây nấm khổng lồ khiến người ta liên tưởng đến quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki.
Libération mô tả cửa kính các tòa nhà cách đó nhiều cây số đều bị vỡ tung, làm cư dân bị thương. Hầu như toàn bộ cửa kính các cửa hàng và kính xe hơi ở khu Hamra để vỡ vụn, còn những tòa nhà cao tầng ở gần địa điểm tai nạn đều sụp đổ. Các bệnh viện vốn đã bị quá tải vì các bệnh nhân Covid, chỉ có thể nhận những ca nặng. Nguyên nhân được cho là do kho chứa 2.750 tấn nitrat ammonium phát nổ. Đây một loại muối trắng không mùi vị, là hóa chất có trong thành phần phân bón lẫn chất nổ - đã từng gây ra nhiều tai nạn công nghiệp như vụ nổ nhà máy AZF ở Toulouse (Pháp) năm 2001.
Nhiều nước đề nghị giúp đỡ, kể cả kẻ thù Israel cũng muốn viện trợ cho Lebanon, đặc biệt Pháp đã gởi ngay nhiều tấn vật liệu y tế đến Beirut. Thảm họa này xảy ra vào lúc Lebanon đang bị khủng hoảng tài chính, kinh tế, xã hội lẫn dịch tễ, quả là họa vô đơn chí !
Thụy My