TikTok : Biểu tượng một cuộc Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung kiểu mới
Thời sự trong nước chiếm lĩnh hầu như toàn bộ trang nhất các tờ báo lớn tại Pháp vào hôm 07/08/2020. Trong lúc La Croix tìm hiểu về giới chống khẩu trang hiện nay, Le Figaro báo động về tình trạng mất an ninh thường nhật tại Pháp, thì Libération chú ý đến cách thức chính quyền Macron tranh thủ trào lưu sinh thái đang vươn lên, còn Les Echos nêu bật ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên các đại gia của thị trường chứng khoán Paris.
Duy chỉ có Le Monde là quan tâm nhiều đến thời sự quốc tế, đã dành tựa lớn cho vụ nổ thảm khốc tại Lebanon, với chuyến viếng thăm đột xuất của tổng thống Pháp và nhất là bài xã luận về quan hệ Mỹ-Trung đang rất căng thẳng.
Dưới tựa đề : "Trump chống TikTok, hay cuộc Chiến tranh lạnh trên mạng", Le Monde đã phân tích cuộc đọ sức Mỹ-Trung qua một lăng kính địa chính trị khá lý thú.
Một ứng dụng giải trí cho giới trẻ lại trở thành vũ khí Chiến tranh lạnh
Theo Le Monde, lẽ ra một ứng dụng cho thanh thiếu niên như TikTok, chỉ dùng để chia sẻ những tiểu phẩm video hay những bài hát nhái ngẫu hứng, không có vai trò làm dấy lên một cuộc chiến tranh lạnh trên mạng tin học toàn cầu. Thế nhưng đó lại là điều đang diễn ra.
Bực tức trước sự đột phá ngoạn mục của ứng dụng Trung Quốc vào sân chơi của các chàng khổng lồ Mỹ trong lãnh vực Internet - hơn 2 tỷ người trên thế giới đã tải nạp TikTok – tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định biến ứng dụng này thành mục tiêu tấn công trong cuộc phản công chống lại đà bành trướng của Bắc Kinh và duy trì thế thống trị của Hoa Kỳ trên màng lưới tin học toàn cầu.
Với lý do quan ngại trước nguy cơ dữ liệu cá nhân của khoảng 50 triệu người sử dụng TikTok hàng ngày ở Mỹ sẽ bị Trung Quốc nắm giữ, ông Trump thoạt đầu thông báo ý định cấm ứng dụng này, trước khi đổi ý, yêu cầu để cho Microsoft hay một tập đoàn khác của Mỹ, mua lại TikTok từ tay tập đoàn Trung Quốc ByteDance, chủ nhân của ứng dụng. Thương vụ này phải được hoàn thành trước ngày 15/09.
Theo Le Monde, như vậy là sau Hoa Vi, vốn cũng bị cáo buộc là làm gián điệp cho chế độ Bắc Kinh, ứng dụng TikTok đã trở thành vũ khí tấn công của một tổng thống Mỹ đang gặp khó khăn trong chiến dịch giành thêm nhiệm kỳ thứ hai.
Không chỉ có hệ quả về chính trị và kinh tế, quyết định giận dữ của ông Trump đối với Trung Quốc còn đánh dấu một khúc quanh đối với mạng Internet toàn cầu. Được thiết lập như một hệ thống trao đổi không biên giới, Internet như đã bị tách đôi trước những biến động địa chính trị.
Trung Quốc là bên nêu gương xấu trước
Nhật báo Pháp Le Monde tuy nhiên cũng công nhận rằng Trung Quốc là phía đã nêu gương xấu trước tiên.
Bắc Kinh chưa bao giờ cho phép các đại gia Internet phương Tây hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc, mà tập trung phát triển những phiên bản nội địa của Google, Facebook hay Amazon để kiểm soát dễ dàng hơn dữ liệu của công dân họ và gạt bỏ mọi quan điểm chỉ trích. Tại Trung Quốc, ứng dụng TikTok chẳng hạn, có tên là Đẩu Âm (Douyin), và không để lẫn fan Trung Quốc với fan Mỹ hay Châu Âu.
Khi đánh vào TikTok, Donald Trump đã bọc thêm một bức màn sắt của Mỹ trên bức trường thành ngăn chặn internet của Trung Quốc. Mục tiêu của thương vụ TikTok - Microsoft là để tách rời hoạt động của TikTok tại Mỹ ra khỏi hoạt đông tại Trung Quốc, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu đã có phương tiện kỹ thuật tách biệt hoàn toàn hai hệ thống hay chưa, để bảo vệ được các dữ liệu của người Mỹ.
Theo Le Monde, những cáo buộc về nguy cơ gián điệp, thu gom dữ liệu cá nhân phục vụ chế độ Trung Quốc, không phải là chuyện viển vông. Luật lệ Trung Quốc buộc các công ty Internet, không những phải trả lời mọi yêu cầu của cơ quan tình báo, mà còn phải giữ kín những chuyện này.
Nhu cầu ngăn chặn các nỗ lực thâm nhập của một chế độ độc tài vào thế giới phương Tây là điều cần thiết, nhưng cách làm thất thường của ông Trump chỉ càng thúc đẩy nhanh và một cách nguy hiểm việc cắt đứt tình trạng lệ thuộc vào nhau giữa hai siêu cường vốn bảo đảm sự chung sống hòa bình giữa hai bên.
Tại Lebanon, sau thảm họa là sự giận dữ và những câu hỏi
Tựa lớn trang nhất của Le Monde được dành cho chủ đề Lebanon : "Beyrut : Nỗi giận dữ và những câu hỏi sau thảm họa".
Tờ báo nhắc lại rằng tình trạng khẩn cấp đã được chính quyền Lebanon ban hành trong bối cảnh người dân Lebanon không tránh khỏi giận dữ trước điều bị họ cho là tầng lớp chính trị lãnh đạo đang đùn đẩy trách nhiệm về sự cố.
Một câu hỏi đang được đặt ra là do đâu mà các hóa chất đã bùng nổ để gây ra thảm họa lại được tàng trữ ở cảng Beyrouth trong ròng rã sáu năm mà không hề chú ý đến các biện pháp an toàn. Vì tắc trách hay vì tham nhũng, cuộc điều tra vừa được khởi động sẽ phải giải thích được điều đó.
Tại chỗ, Le Monde ghi nhận những nỗ lực cứu trợ khẩn cấp trong một khung cảnh hoàn toàn hỗn loạn, với 250.000 cư dân thành phố phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, và thiệt hại vật chất được ước tính lên đến 3 tỷ đô la.
Con số thương vong tiếp tục tăng cao với thời gian, đã vượt mức 137 người chết và 5.000 người bị thương. Điều mà giới quan sát lo ngại là thảm họa này sẽ để lại những hậu quả dài hạn về mặt sức khỏe đối với người dân.
Tờ báo Pháp dĩ nhiên đã nêu bật phản ứng đoàn kết tương trợ nhanh chóng của nước Pháp, với tổng thống Macron đích thân đến thủ đô Lebanon vào sáng hôm qua.
Macron muốn đối lập sinh thái "tiến bộ" với "lạc hậu"
Trang nhất Libération được dành cho một chủ đề chính trị nội bộ Pháp với hàng tựa chính đầy tính chất châm biếm : "Macron và (tính toán) tái chế chính sách sinh thái".
Theo nhận xét của Libération, sau các thắng lợi rõ rệt mới đây của các đảng theo xu hướng sinh thái tại cuộc bầu cử các hội đồng thị xã thành phố, đa số đang cầm quyền của tổng thống Macron đã tìm cách giành lại ưu thế.
Tranh thủ mối quan tâm lớn của người Pháp đối với các vấn đề môi trường và sinh thái, được phản ánh qua cuộc bầu cử vừa qua, chính quyền của ông Macron đã thúc đẩy điều được gọi là chủ trương "sinh thái tiến bộ" chống lại quan điểm bị cho là "mang tính chất trừng phạt và đẩy lùi tăng trưởng" mà theo chính quyền, các đảng Xanh từng theo đuổi.
Theo tờ báo cánh tả Pháp, để đạt mục tiêu là phô trương tính chất "tiến bộ" của chính sách sinh thái của mình, đảng cầm quyền không ngần ngại cường điệu, chế nhạo các thị trưởng mới thuộc phong trào sinh thái, gọi họ là những thành phần "lạc hậu" và "tả khuynh".
Bạo lực thường nhật gia tăng tại Pháp
Cũng quan tâm đến lãnh vực xã hội, nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro nhấn mạnh đến tình trạng an ninh đang xấu đi tại Pháp.
Trong hàng tựa lớn trang nhất, Le Figaro nêu bật mối quan tâm về đến tình hình an ninh ở Pháp và giới thiệu một "tài liệu" mà tờ báo mệnh danh là "ký sự về tình trạng bạo lực thường nhật tại Pháp".
Trong bài "72 tiếng đồng hồ bạo lực thường nhật ở Pháp", tờ báo cho biết bản ký sự đó chính là bản tập hợp báo cáo hàng ngày của cảnh sát và hiến binh trên toàn quốc mà tờ báo có được.
Đối với Le Figaro, tình hình an ninh tại Pháp xấu đi đến mức mà tân bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin, vào cuối tháng 7, đã phải thốt lên "nước Pháp bị bệnh bất an ninh".
Bản báo cáo mà tờ báo tham khảo xác nhận tình trang đó. Chỉ trong 3 ngày ngay giữa mùa hè, các vụ phạm pháp làm cho người ta chóng mặt, từ mưu toan giết người, phóng hỏa, thanh toán nhau dẫn đến chết người, cho đến gài bẫy cảnh sát, tấn công thị trưởng, cố tình đâm xe vào hiến binh…
Trong một bài viết thứ hai, Le Figaro nêu bật sự kiện là "Lực lượng cảnh sát và hiến binh quan ngại về tình trạng cứ 30 phút là có một hành vi bất phục tùng".
Sô liệu này, theo tờ báo, cho thấy tất cả những khó khăn, vất vả mà các nhân viên công lực gặp phải trong việc duy trì trật tự.
Covid-19 và những kẻ chống khẩu trang
Riêng về dịch Covid-19, nhật báo công giáo Pháp La Croix trở lại với một sự kiện xã hội hoàn toàn mới tại phương Tây trong hàng tựa trang nhất : "Những kẻ không chấp nhận khẩu trang".
Theo La Croix, bất chấp những lập luận mạnh mẽ về y tế, một thiểu số trong dân chúng các nước vẫn không chấp nhận thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan, đặc biệt là đeo khẩu trang. Tính đặc thù của cuộc khủng hoảng Covid-19, theo tờ báo, đang đánh thức những "người nổi loạn" mới, chống lại mọi khuyến cáo cho dù những lời khuyên này chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ mạng sống của họ.
La Croix ghi nhận là ngay từ đầu hè, nhiều cuộc biểu tình đã bùng lên ở Đức để phản đối việc đeo khẩu trang, trong lúc ở Mỹ thì đã nổ ra những hành vi bạo lực dữ dội hơn, và nhất là tạo ra một sự phân biệt chính trị, giữa phe đeo khẩu trang thuộc đảng Dân chủ và phe không chịu đeo, thường thuộc đảng Cộng hòa.
Tại Pháp, dù đó đây đã xuất hiện một vài hành vi bạo lực chống việc đeo khẩu trang, nhưng đó chỉ là những biểu hiện cá biệt, không nhuốm màu sắc chinh trị năng nề như ở Hoa Kỳ.
Trọng Nghĩa