Mỹ siết chặt gọng kềm, đe dọa ngôi vị độc tôn của điện thoại thông minh Huawei (VOA, 19/08/2020)
Việc Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp chế tài mới, siết chặt lệnh trừng phạt đối với Huawei, có khả năng cắt đứt nguồn cung cấp chip khiến tập đoàn Trung Quốc không tiếp cận được các con chip trên thị trường, đe dọa ngôi vị hàng đầu của Huawei, tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Điều này có thể làm gián đoạn nguồn cung công nghệ toàn cầu, các giám đốc điều hành và chuyên gia cảnh báo.
Ảnh chụp ngày 6/3/2019 tại Huawei tại Thẩm Quyến, tỉnh Quảng Đông.
Chính quyền của Tổng Thống Trump mở rộng các lệnh chế tài đối với Huawei hôm thứ Hai 17/8, nghiêm cấm các nhà cung cấp bán chip sản xuất bằng công nghệ của Mỹ cho Huawei, nếu không có giấy phép đặc biệt – qua đó trám lại các lỗ hổng trong lệnh trừng phạt hồi tháng 5, có thể cho phép Huawei tiếp cận công nghệ thông tin từ các bên thứ ba.
Các biện pháp siết chặt cấm vận mới nêu bật sự rạn nứt ngày càng lớn hơn trong các quan hệ Mỹ-Trung giữa lúc Washington hối thúc các chính phủ hãy ngừng sử dụng các thiết bị Huawei, và tố cáo tập đoàn này có thể chuyển dữ liệu cho Bắc Kinh để được sử dụng trong các hoạt động tình báo.
Huawei bác bỏ cáo buộc tố họ làm gián điệp cho Trung Quốc.
Ông Neil Campling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu TMT tại Mirabaud Securities nhận định :
"Nếu Mỹ cứ tiếp tục bóp nghẹt Huawei, thì ảnh hưởng của các biện pháp chế tài này sẽ lan rộng ra toàn bộ công nghệ bán dẫn, "và chưa biết đòn trả đũa từ Trung Quốc sẽ ra sao, nhưng đây là một rủi ro đáng kể".
Hoạt động kinh doanh của tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei đã sa sút kể từ khi Mỹ đưa tập đoàn này vào sổ đen cách đây một năm.
Các chuyên gia nói nếu Huawei không thể tiếp cận các con chip vì các biện pháp trừng phạt mở rộng của Mỹ, thì kể như "mảng kinh doanh thiết bị cầm tay của họ có thể sẽ tan biến".
Các công ty môi giới khác, gồm JP Morgan, cũng đồng tình với quan điểm này, nói rằng thêm vào đó, sự thể này sẽ mở ra cơ hội cho các công ty như Xiaomi và Apple, tăng thị phần của họ. Huawei không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Những biện pháp mới tác động nặng nề tới Huawei và các nhà cung cấp chip, ít nhất là trong thời gian tới, vì họ phải xin giấy phép đặc biệt để tuân thủ các quy định mới.
Trung Quốc cực lực phản đối Mỹ bóp nghẹt Huawei
Hôm thứ Ba 18/8, sau khi chính quyền Trump tuyên bố thắt chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế đối với Huawei, Bắc Kinh nói họ kiên quyết phản đối việc Hoa Kỳ bóp nghẹt tập đoàn công nghệ Huawei.
Lên tiếng trong cuộc họp báo hàng ngày, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) kêu gọi Hoa Kỳ hãy ngừng hạ uy tín của các công ty Trung Quốc.
Ông Triệu nói chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
**********************
Mỹ thắt chặt các hạn chế đối với Huawei (VOA, 17/08/2020)
Hôm 17/8, Chính quyền Trump tuyên bố sẽ thắt chặt hơn nữa các hạn chế đối với công ty Huawei của Trung Quốc, nhằm ngăn chặn quyền tiếp cận các con chip thương mại, theo Reuters.
Hôm 17/8, Chính quyền Trump tuyên bố sẽ thắt chặt hơn nữa các hạn chế đối với công ty Huawei của Trung
Các hành động của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, được Reuters loan tin trước nhất, sẽ mở rộng các hạn chế như đã công bố vào tháng 5 nhằm ngăn chặn công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc có được chất bán dẫn nếu không có giấy phép đặc biệt - bao gồm cả các chip của các công ty nước ngoài, vốn được phát triển hoặc sản xuất bằng phần mềm hoặc công nghệ của Hoa Kỳ.
Các nguồn tin cho Reuters biết, chính quyền Trump cũng sẽ liệt thêm 38 chi nhánh Huawei ở 21 quốc gia vào danh sách đen của chính phủ Hoa Kỳ, nâng tổng số lên 152 chi nhánh kể từ khi Huawei bị liệt lần đầu tiên vào tháng 5/2019.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nói với Fox Business rằng những hạn chế đối với con chip do Huawei thiết kế được áp đặt vào tháng 5 "khiến họ phải thực hiện một số biện pháp né tránh. Họ thực hiện hành động này thông qua bên thứ ba," ông Ross nói. "Quy tắc mới nêu rõ rằng bất kỳ việc sử dụng phần mềm của Mỹ hoặc thiết bị chế tạo nào của Mỹ đều bị cấm và cần phải có giấy phép," ông Ross cho biết thêm.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết các thay đổi trong quy tắc "sẽ ngăn Huawei lách luật của Hoa Kỳ thông qua sản xuất con chip thay thế và cung cấp chip bán sẵn". Ông nói thêm trong một tuyên bố : "Huawei đã liên tục cố gắng né tránh" các hạn chế của Hoa Kỳ đã áp đặt vào tháng 5.
Bộ Thương mại cho Reuters biết rằng các hành động mới, có hiệu lực ngay lập tức, sẽ ngăn chặn những nỗ lực của Huawei nhằm phá vỡ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ.
Một quan chức Bộ Thương mại nói với Reuters rằng các quy tắc mới này "chứng tỏ rõ rằng chúng tôi đang lật tẩy việc Huawei có thể đang tìm cách mua [các công nghệ Mỹ] từ một công ty thứ ba".
*********************
TT Trump xem xét gây áp lực lên các công ty Trung Quốc (VOA, 16/08/2020)
Tổng thống Donald Trump hôm 15/8 cho biết ông có thể gây áp lực lên các công ty khác của Trung Quốc như Alibaba sau khi có bước đi cấm TikTok, theo Reuters.
Tổng thống Trump trong cuộc họp báo hôm 15/8.
Khi được hỏi tại một cuộc họp báo rằng liệu ông có cân nhắc cấm các công ty nào khác của Trung Quốc như Alibaba hay không, ông Trump trả lời : "Có, chúng tôi đang xem xét những thứ khác".
Ông Trump đã và đang gây áp lực lên các công ty của Trung Quốc như ByteDance khi tuyên bố cấm ứng dụng chia sẻ video TikTok của hãng này ở Hoa Kỳ.
Mỹ hôm 14/8 yêu cầu công ty ByteDance bán hoạt động của TikTok tại Mỹ trong vòng 90 ngày.
Theo Reuters, đây là nỗ lực mới nhất nhằm gây thêm áp lực vì quan ngại về dữ liệu thông tin cá nhân.
Hãng tin Anh nói rằng ông Trump coi việc thay đổi quan hệ thương mại Mỹ - Trung là một trong các chủ đề trọng tâm trong thời kỳ nắm quyền của mình.
Tới nay, Tổng thống Trump đã lên án Trung Quốc và cũng đồng thời ca ngợi việc chính quyền Bắc Kinh mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ theo thỏa thuận thương mại đạt được cuối năm ngoái.
**********************
Phản ứng xung quanh lệnh cấm nhắm vào TikTok (VOA, 15/08/2020)
Bất chấp những quan ngại của nhà chức trách Mỹ và giới chuyên môn về tính an ninh-an toàn khi sử dùng ứng dụng TikTok của Trung Quốc, một số người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, xem đây là một công cụ giải trí được yêu thích giúp họ thỏa chí sáng tạo và thể hiện bản thân.
TikTok và WeChat là hai ứng dụng Trung Quốc bị Mỹ đưa vào tầm ngắm
Hôm 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp, cấm các thực thể và công ty Mỹ giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu của TikTok Trung Quốc, sau 45 ngày nếu như ByteDance không bán lại TikTok cho một công ty Mỹ.
Lý do chính quyền Trump đưa ra là TikTok ‘có khả năng đánh cắp dữ liệu người dùng Mỹ để phục vụ cho chính phủ Trung Quốc’ và ‘kiểm duyệt nội dung đăng tải theo hướng có lợi cho mục đích tuyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc’.
Theo các nhà quan sát, sắc lệnh hành pháp này là một sự thay đổi trong lập trường trước đó của ông Trump vốn muốn cấm tiệt ứng dụng này trên lãnh thổ Mỹ. Các cố vấn của ông lo ngại lệnh cấm này sẽ khiến ông Trump mất lòng các cử tri trẻ vốn là người dùng trung thành của TikTok.
Ứng dụng này giúp người dùng tạo ra, đăng tải và xem các video ngắn dưới 15 giây.
Công cụ để ‘sáng tạo’
"Đó là công cụ giúp mình sáng tạo", Emily Hoang, 21 tuổi, sinh viên Đại học George Mason ở bang Virginia, người sử dụng TikTok hàng ngày và có sản phẩm lên tới 2,2 triệu lượt xem, nói với VOA.
Emily thích TikTok vì nó giúp cô ‘thể hiện bản thân’ với bạn bè đồng trang lứa, có chức năng chỉnh sửa video tiện lợi hơn các nền tảng xã hội khác, và phần đông người dùng là giới trẻ.
Về khả năng bị trộm thông tin cá nhân khi dùng TikTok, Emily nói cô ‘không hề nghĩ đến’ nhưng cô hiểu ‘đó là một quan ngại’.
"Nhưng nói một cách công bằng, dữ liệu của người Mỹ bị lấy trộm mỗi ngày, nếu chúng ta lên Amazon và chọn một món hàng nào đó thì thông tin đó sẽ được đánh cắp và chia sẻ cho các mạng xã hội khác mỗi ngày", cô phân tích. "Thành ra chúng ta không thật sự có sự riêng tư cho bất cứ thứ gì chúng ta làm mỗi ngày".
Dù không ủng hộ lệnh cấm, nhưng Emily nói cô không lo vì ‘Lúc nào cũng sẽ có cái mới ra đời. Nếu ứng dụng này không được, thì sẽ có cái khác để thử.’
Đơn thuần giải trí
Một người sử dụng khác tên Lilly Bui, 23 tuổi, sinh viên năm cuối ở Dickonson College, bang Pennsylvania, cho biếtcô ‘không ngại về việc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân’ khi dùng TikTok cũng như ‘không thấy có nội dung gì về chính trị hay tuyên truyền cho Trung Quốc mà chỉ thuần túy giải trí’.
"Lên TikTok không phải để nhắn tin hay kết nối với bạn bè mà là đơn thuần để thư giãn", Lilly nói.
Theo người sử dụng này, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay với những nỗi lo lắng, tuyệt vọng, cô vào TikTok nhiều hơn như một cách thoát ra khỏi những điều tiêu cực để nhẹ nhàng đầu óc.
"Bình thường em rất thích cover dance, mà cover dance là nội dung rất phổ biến trên TikTok", Lilly bày tỏ.
"Lúc đầu em cảm thấy buồn khi biết là TikTok sẽ bị cấm ở Mỹ nhưng bây giờ em không chắc là Tổng thống Trump có thực sự cấm được TikTok hay không vì TikTok có thể kiện ngược lại Nhà Trắng", cô cho biết về phản ứng của cô trước lệnh cấm TikTok.
Quan ngại
Dù chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy TikTok đã cung cấp dữ liệu của người dùng ở Mỹ cho chính phủ Trung Quốc, nhưng có những lo ngại việc này có thể xảy ra vì luật pháp và quy định của Trung Quốc.
"Ấn Độ là một trong những quốc gia xài TikTok nhiều nhất. 43% người dùng TikTok là từ Ấn Độ mà Ấn Độ đã cấm ứng dụng này rồi. Tại sao ? Đó là vì gần đây khi Trung Quốc đụng độ với Ấn Độ ở biên giới thì TikTok đã cho phép dùng ứng dụng này để biết những chuyển động của quân đội Ấn Độ. Nó liên quan tới vấn đề gián điệp và tình báo", Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, một chuyên gia về kinh tế và tài chính ở Texas theo dõi thông tin về TikTok, nhận định trong một cuộc phỏng vấn trước đây với VOA.
Theo Tiến sĩ Lộc, rất nhiều thông tin có giá trị của người dùng có thể được thu thập từ ứng dụng này nhờ những thuật toán, trí tuệ nhân tạo và công cụ sinh trắc theo dõi chặt chẽ những nhu cầu và thị hiếu của người sử dụng.
Các quốc gia khác cũng đang cấm TikTok như Australia, Pakistan hoặc Indonesia, ông cho biết.
Cách đây không lâu, Quốc hội Mỹ đã soạn luật cấm nhân viên liên bang Mỹ không được dùng ứng dụng TikTok của Trung Quốc trên các thiết bị của chính phủ.