Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/09/2020

Điểm báo Pháp – Trump lên án Trung Quốc qua diễn đàn Liên Hiệp Quốc

RFI tiếng Việt

Donald Trump kịch liệt lên án Trung Quốc tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc

Trong bài phát biểu đặc biệt dữ dội, tổng thống Mỹ nhấn mạnh : "Ngay khi đại dịch vừa xuất hiện, Trung Quốc đã cấm các chuyến bay nội địa nhưng lại cho phép con virus lan tràn ra các nước bên ngoài". Một lần nữa ông gọi Covid-19 là "virus Trung Quốc".

lhq1

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước kỳ họp thứ 75 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 22/09/2020 qua video thu hình sẵn.  Reuters – Mike Segar

Le Figaro  Libération hôm nay dành tựa chính cho vấn đề di dân tại Châu Âu. Le Monde tỏ ra lo lắng khi tốc độ tan băng ở Bắc cực tăng nhanh. La Croix quan tâm đến quy định dùng thuốc trừ sâu đối với nhà nông, còn Les Echos nói về việc sáp nhập các tập đoàn Veolia và Suez. 

Về quan hệ quốc tế, Les Echoscho biết "Donald Trump tấn công mãnh liệt Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc". Dù tổng thư ký António Guterres bày tỏ lo ngại thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới, sự đối địch Mỹ-Trung chiếm lĩnh ngày khai mạc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 75, lần đầu tiên được tổ chức qua video do đại dịch. 

Tổng thống Donald Trump lại tố cáo "virus Trung Quốc"

Trong bài phát biểu đặc biệt dữ dội, tổng thống Mỹ kêu gọi Liên Hiệp Quốc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình, và nếu cần, phải trừng phạt Bắc Kinh. Tổng thống Trump nhấn mạnh : "Ngay khi đại dịch vừa xuất hiện, Trung Quốc đã cấm các chuyến bay nội địa nhưng lại cho phép con virus lan tràn ra các nước bên ngoài". Một lần nữa ông gọi Covid-19 là "virus Trung Quốc".

Nhân dịp này Donald Trump cũng lên án việc Bắc Kinh đổ "hàng triệu tấn plastic vào các đại dương", càn quét nguồn lợi hải sản, phát thải khí carbone nhiều hơn Hoa Kỳ ít nhất hai lần… Tổng thống Mỹ cứng rắn trước Trung Quốc và Iran, đồng thời chứng tỏ là người xúc tiến hòa bình. Ông nói : "Tôi chưa bao giờ lạc quan về tương lai của Trung Đông đến thế. Chúng tôi sử dụng phương pháp khác và đã mang lại các kết quả tốt đẹp hơn", ý nói thỏa thuận mới đây giữa Israel, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrein. 

"Nước Mỹ thực hiện sứ mệnh kiến tạo hòa bình, nhưng dựa trên sức mạnh. Chúng tôi chưa bao giờ sở hữu những vũ khí mãnh lực cao đến thế, và tôi cầu nguyện Thượng đế là đừng bao giờ phải sử dụng đến". Cũng theo Donald Trump, Liên Hiệp Quốc cần tập trung vào "những vấn đề thực sự" như khủng bố, buôn ma túy, thanh lọc các thiểu số tôn giáo, nữ quyền…

Trước những cáo buộc của ông Donald Trump mà Tập Cận Bình cho là "vô căn cứ", chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh đến đa phương, cho biết "không hề có ý định tiến hành chiến tranh lạnh". Ông Tập nói rằng đã đóng góp 50 triệu đô la cho kế hoạch chống dịch của Liên Hiệp Quốc, khoe khoang nỗ lực của 1,4 tỉ người Trung Quốc để chiến thắng con virus.

Về phía tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi "xây dựng lại một trật tự thế giới mới", không thể chỉ là sự đối địch giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông nói : "Chúng ta không còn có thể tự hài lòng với chủ nghĩa đa phương trên cửa miệng". 

Trung Quốc, cường quốc chuyên gây chia rẽ

Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, chuyên gia Alice Ekman của Viện nghiên cứu An ninh Liên Hiệp Châu Âu nhận xét "Bắc Kinh muốn tránh né những chỉ trích tập thể của nhiều nước". 

Nhà nghiên cứu nhận thấy Tập Cận Bình từ khi xảy ra đại dịch đã tìm cách ca ngợi việc xử lý khủng hoảng của Đảng cộng sản, thông qua một chiến dịch tuyên truyền đại quy mô. Thái độ này khiến rất nhiều nước bực tức, nhất là Châu Âu, vốn đã bất bình về tình hình Hồng Kông và Tân Cương. Tuy nhiên một số nước như Lebanon, Kenya, Pakistan do nhận được các trợ giúp y tế của Bắc Kinh, không có cùng quan điểm. 

Alice Ekman nhấn mạnh, Trung Quốc là một cường quốc chuyên gây chia rẽ. Bắc Kinh cố gắng "mở rộng vòng thân hữu", lập ra danh sách càng dài càng tốt những nước nào ủng hộ "Con đường tơ lụa mới", và các hành động của Trung Quốc tại Tân Cương, Hồng Kông, Biển Đông. Mục tiêu là chận trước những chỉ trích của các nhóm nước ở Liên Hiệp Quốc và các tổ chức đa phương khác. 

Trong số "thân hữu", Trung Quốc dựa vào Nga, cũng đang muốn chia sẻ chiếc bánh khi Mỹ không còn đóng vai "sen đầm quốc tế". Do thế giới lưỡng cực vẫn chưa rõ rệt và còn đang tiến triển, Bắc Kinh có lợi khi lập quan hệ đối tác càng nhiều càng tốt, kể cả với những nước đồng minh của Hoa Kỳ. Cho dù Donald Trump là kẻ thù đáng sợ nhất của Tập Cận Bình, nhưng dù ông Trump hay Biden đắc cử, Trung Quốc vẫn chuẩn bị cho việc tách biệt giữa hai nền kinh tế, giảm lệ thuộc vào công nghệ Mỹ. 

Trả lời câu hỏi, phải chăng trong nội bộ vị thế của Tập Cận Bình đã yếu đi do kinh tế chậm lại vì đại dịch, nhà nghiên cứu xác nhận điều này, nhưng cho biết khó thể đánh giá mức độ, vì đảng có các phương tiện hùng hậu để kiểm soát về công nghệ và con người. Tập Cận Bình nói muốn "nạo chất độc đến tận xương", đòi hỏi ngoài giám sát bằng công nghệ, còn phải tự kiểm, giám sát lẫn nhau, tố cáo. Alice Ekman cho biết rất ấn tượng trước tâm trạng sợ hãi của các cán bộ đảng, "đôi khi sự im lặng nói được nhiều hơn từ ngữ". 

Nhậm Chí Cường 18 năm tù giam : "Chú hề" đại đế đã trả thù

Về vấn đề thanh trừng, Le Figarocho biết "Trung Quốc kết án nặng nề một nhân vật chỉ trích Tập Cận Bình", Libérationnói về "Nhậm Chí Cường, một tên tuổi lớn bị trừng phạt". Đại gia địa ốc từng đả kích việc xử lý đại dịch của chủ tịch Trung Quốc vừa bị kết án 18 năm tù giam. 

"Đại bác" không còn lên tiếng nữa. Tòa án Trung Quốc hôm 22/09 đã tuyên bản án nặng nề cho Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), có biệt danh là "khẩu đại bác" vì những tuyên bố thẳng thừng, một trong những nhân vật cuối cùng còn dám phản đối sự thâu tóm quyền hành của Tập Cận Bình. Phiên tòa được xử kín, khu phố được công an canh gác cẩn mật. Theo tòa án, bị cáo đã "thú nhận mọi tội lỗi" : "tham nhũng", "biển thủ", "lạm dụng quyền lực".

Nhậm Chí Cường là một trong những khuôn mặt hàng đầu của giới "tinh hoa đỏ" chủ trương mở cửa kinh tế. Ông tố cáo xu hướng độc đoán từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, và khi xảy ra đại dịch, ông mỉa mai : "Chúng ta nhìn thấy một thằng hề trần truồng nhưng luôn quyết tâm đóng vai đại đế". Câu nói này lan tràn trên mạnh nhanh như chớp : Nhậm Chí Cường có đến 37 triệu người theo dõi trên mạng Vi Bác.

Hôm qua, "chú hề" đã trả thù : ngoài 18 năm tù giam, Nhậm Chí Cường còn bị phạt 620.000 đô la sau khi bị khai trừ đảng hồi tháng Bảy vì "thiếu trung thành". Tại Bắc Kinh, nhiều người thấy rõ rằng vụ án mang danh nghĩa kinh tế này thực chất là vụ án chính trị, và 18 năm tù thực ra là bản án chung thân đối với nhà đối lập đã 69 tuổi. 

Thái Hà (Cai Xia), cựu giảng viên Trường Đảng trung ương nay lưu vong ở Mỹ nhận xét, vụ này "đe dọa thẳng thừng 92 triệu đảng viên, khiến họ phải ngoan ngoãn như nô lệ của Tập". Bà khẳng định Nhậm Chí Cường là một người không bao giờ chịu khuất phục trước bạo quyền, "được tất cả những người công chính trong và ngoài đảng tôn trọng và tin tưởng". 

Vũ Hán : "Chiến thắng" trước virus đã được đưa vào Bảo tàng Cách mạng

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echoscó bài điều tra "Vũ Hán, tủ kính trưng bày của ‘chiến thắng’ trước con virus". Còn Le Monde trong bài giới thiệu cuốn nhật ký Vũ Hán của nhà văn Phương Phương (Fang Fang), cũng khởi đầu bài viết với cùng nhận định : vào lúc thế giới lao đao do con virus xuất phát từ Vũ Hán và đang lo sợ một đợt bùng phát thứ hai, Bắc Kinh lại không hề tỏ ra khiêm tốn khi tưng bừng mừng "chiến thắng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của đảng".

Nhưng không phải ai cũng hân hoan trước các lễ hội hoành tráng, ở một thành phố chiếm đến 80% tổng số nạn nhân của con virus trên toàn quốc. Một nghệ sĩ trẻ ẩn danh nói : "Chính quyền phong người dân làm anh hùng để chúng tôi quên đi mình là nạn nhân". Một nữ y tá cho biết : "Ngay cả sau khi đã dựng lên các bệnh viện dã chiến, số người xếp hàng vẫn rất đông, tôi có cảm giác cả thành phố đều nhiễm bệnh". Cho đến bây giờ, mỗi đêm cô đều bị những người chết ám ảnh. Nhiều người vẫn chưa quên những dối trá lúc ban đầu và chậm trễ của chính quyền.

Thế nhưng con virus đã được đưa vào viện bảo tàng : tại Bảo tàng Cách mạng, người ta trưng bày những hình ảnh và hiện vật về cuộc chiến chống virus corona. Và thực tế sau khi giải tỏa không mang màu hồng như tuyên truyền : GDP Vũ Hán mất 40%, taxi, nhà hàng… đều than thở mất khách. Từ ngày 16/09 các chuyến bay quốc tế đã mở lại, CCTV chiếu cảnh hành khách người Hoa từ các nước về phải chịu xét nghiệm và cách ly tại các khách sạn được chỉ định. Nguy cơ dịch bệnh giờ đây là từ nước ngoài !

Về cuốn nhật ký xuất bản tại Pháp của Phương Phương mang tên "Vũ Hán, thành phố bị phong tỏa" với dòng chữ giới thiệu "Để con cháu chúng ta biết được những gì đã xảy ra tại Vũ Hán", Le Monde cho rằng thành công của cuốn sách là nhờ tính chân thực của người trí thức. Tác giả ghi nhận nỗ lực của ủy ban khu phố, tình tương thân tương ái của cư dân, nhưng đặt câu hỏi : Tại sao lại chậm trễ đến 20 ngày mới phong tỏa, để cho con virus mặc sức tung hoành ? Ai chịu trách nhiệm ? Bà đòi thực thi công lý, các nhà báo phải được tự do đưa tin, những ai sai phạm phải bị trừng phạt, và phẫn nộ khi các quan chức vui vẻ giơ cao lá cờ, vào ngày Tập Cận Bình đến Vũ Hán khi đã hết dịch.

Mỹ bắt một điệp viên Trung Quốc len lỏi vào ngành cảnh sát

Le Figaro cho biết về "Một điệp viên Trung Quốc xâm nhập lực lượng cảnh sát Mỹ". Baimadajie Angwang, giả danh người tị nạn chạy trốn sự đàn áp của Bắc Kinh, đã bị bắt hôm thứ Hai 21/09 và có nguy cơ lãnh án đến 55 năm tù. 

Từ cuộc điều tra bí mật của NYPD và FBI, một hồ sơ 24 trang cho thấy các hành vi của bị cáo 33 tuổi. Đến Mỹ bằng visa trao đổi văn hóa, Angwang được gia hạn lưu trú và sau đó xin tị nạn chính trị, nói rằng bị bắt và tra tấn vì gốc gác Tây Tạng. Sau khi được nhập quốc tịch Mỹ, Angwang thi đậu vào ngành cảnh sát New York năm 2016. Tuy nhiên thực ra cha mẹ Angwang đều là đảng viên, người anh (hoặc em trai) là quân nhân dự bị, và "người tị nạn chính trị" này lại thường xuyên đi về Hoa lục mà không có vấn đề gì. 

Các tiếp xúc với lãnh sự quán Trung Quốc ở New York có từ năm 2014, trước khi trở thành cảnh sát. Angwang trao đổi 53 lần bằng điện thoại hoặc tin nhắn với viên chức Trung Quốc đầu tiên, và sau đó 55 lần với người phụ trách anh ta. Các cuộc điện thoại được nghe lén cho thấy Angwang gọi người này là "Boss", và đề nghị thâm nhập vào giới đối lập Tây Tạng lưu vong, trong khi "Boss" làm việc tại lãnh sự quán với danh nghĩa cán bộ của một "hiệp hội Trung Quốc bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Tạng". 

Chỉ trong vòng một tháng vào năm 2016, Angwang chuyển 150.000 đô la cho người anh (em), trong khi lương chỉ có 53.000 đô la/năm. Anh ta bị truy tố bốn tội danh và bị tạm giam, không được tại ngoại hầu tra. Với số tiền lớn trong tài khoản của Angwang, chính quyền liên bang cho rằng "có nguy cơ lớn là bị cáo sẽ đào tẩu".

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 533 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)