Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/09/2020

Dùng diễn đàn Liên Hiệp Quốc để tố cáo lẫn nhau

RFI tổng hợp

Đối đầu Mỹ-Trung tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc

RFI, 23/09/2020

Hôm 22/09/2020, tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đối đầu với nhau trong một bầu không khí "Chiến tranh lạnh mới", ngay vào lúc cả thế giới đang phải đối phó với đại dịch Covid-19.

forum1

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu, qua cầu truyền hình, tại khóa họp thứ 75 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 22/09/2020  via Reuters – United Nations

Do tình hình dịch Covid-19, phiên họp thường niên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chủ yếu diễn ra qua mạng. Trong bài phát biểu qua video, tổng thống Donald Trump đã tuyên bố : "Liên Hiệp Quốc phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về những hành động của họ vào lúc khởi đầu dịch Covid-19". Ông cáo buộc Bắc Kinh đã để cho "virus Trung Quốc" lây nhiễm cả thế giới.

Về phần chủ tịch Tập Cận Bình , trong bài diễn văn cũng được thâu trước, ông nhấn mạnh là Trung Quốc "không có ý định lao vào một cuộc Chiến tranh lạnh", đồng thời kêu gọi không nên "chính trị hóa" cuộc chiến chống virus corona. Sau phát biểu của ông Tập Cận Bình, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ "những cáo buộc vô căn cứ" của tổng thống Trump về dịch Covid-19.

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten tường trình :

"Trong khi nhiều nhà ngoại giao, đứng đầu là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi nên thoát khỏi cuộc đấu tay đôi Mỹ-Trung, tổng thống Donald Trump đã tấn công trực diện Trung Quốc trên những vấn đề mà ông vẫn đặc biệt cảm thấy khó chịu : nguồn gốc của virus gây bệnh Covid-19, ô nhiễm và trao đổi thương mại.

Chủ tịch Tập Cận Bình thì lại cố chứng tỏ ông là một đại diện tiêu biểu của mô hình đa phương, thể hiện qua việc thông báo tài trợ hàng trăm triệu đôla cho Liên Hiệp Quốc, một cách để khẳng định ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong một bài diễn văn dài, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo là không thể để thế giới sống trong cảnh đối đầu Mỹ-Trung, đồng thời ông kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế. Trong khi đó, không có gì đáng ngạc nhiên trong các bài phát biểu của hai lãnh đạo Brazil và Iran. Tổng thống Brazil Bolsonaro lên án một chiến dịch bóp méo thông tin tại Liên Hiệp Quốc về tình hình của vùng Amazon, còn tổng thống Iran Rohani thì kêu gọi bãi bỏ các trừng phạt của Mỹ.

Về phần tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, ông kêu gọi một cuộc đối thoại thành thật để giải quyết cuộc xung đột giữa nước này với Hy Lạp và Liên Hiệp Châu Âu tại vùng Địa Trung Hải. Và dĩ nhiên là không một lãnh đạo nào lại không nói đến dịch Covid-19 và cách thức mà quốc gia của họ đối phó với đại dịch này".

Thanh Phương

********************

Tổng thống Philippines bất ngờ nêu bật giá trị phán quyết Biển Đông năm 2016 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc

RFI, 23/09/2020

Báo chí Philippines ca ngợi bài phát biểu, qua video, của tổng thống Rodrigo Duterte, ngày hôm qua, 22/09/2020, nhân khóa họp thường niên Đai Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tại New York. Nguyên thủ Philippines đã tuyên bố kiên quyết phản đối những nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.

forum2

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh chụp ngày 21/09/2020.  AP - Albert Alcain

Trong diễn văn được thu trước để phát tại hội trường Liên Hiệp Quốc, tổng thống Duterte trước hết khẳng định những hành động của Philippines tại Biển Đông luôn phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982 và Phán Quyết Trọng Tài 2016.

Theo ông : "Phán quyết này giờ đây là một phần của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài mọi thỏa hiệp và vượt ra ngoài tầm của các chính phủ khác nhau để có thể bị xóa mờ, giảm thiểu giá trị hay bỏ đi". Ông Duterte khẳng định rằng Philippines "kiên quyết phản đối những nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết này".

Lãnh đao Philippines đồng thời "hoan nghênh việc ngày càng có nhiều nước ủng hộ phán quyết" mà theo ông "đại diện cho chiến thắng của lẽ phải trước sự thiếu suy nghĩ, của luật pháp trước sự vô trật tự, của tình thân trước tham vọng".

Phát biểu của tổng thống Philippines về Biển Đông, và nhất là về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, rõ ràng sẽ khiến Trung Quốc bất bình. Phát biểu trước ông Duterte, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không hề nói đến Biển Đông.

Động thái của ông Duterte khá bất ngờ vì trước đó, ông hoàn toàn im lặng trước những lời kêu gọi ông nêu vấn đề Biển Đông tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, trong lúc trong chính quyền của ông đã có một số ý kiến cho rằng không cần phải nhắc đến phán quyết này ở Liên Hiệp Quốc.

Báo chí Philippines đã lên tiếng ca ngợi tổng thống Duterte. Một ví dụ : Trang tin Rappler cho rằng ông Duterte đã "làm nên lịch sử" khi mượn một diễn đàn của Liên Hiệp Quốc để nêu lên "chiến thắng pháp lý đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông". Theo Rappler, tuyên bố của ông Duterte chẳng khác gì một "quả bom".

Trước phát biểu về Biển Đông của tổng thống Philippines, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 21/09 đã lên tiếng hoan nghênh việc ba nước Châu Âu là Anh, Đức và Pháp, ngày 16/09 đã gởi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong một tin nhắn Twitter, ông Pompeo tuyên bố "hoan nghênh việc Anh, Đức và Pháp bác bỏ yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông tại Liên Hiệp Quốc".

Mai Vân

************************

Tổng thống Philippines bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế về Biển Đông

RFA, 23/09/2020

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 22/9 lên tiếng bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế về Biển Đông trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

forum3

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu trước quốc hội ở Manila hôm 27/7/2020 / AFP

Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể khóa 75 trước UN, ông Duterte khẳng định : "Phán quyết bây giờ là một phần của luật quốc tế, vượt quá sự thoả hiệp và tầm với của các chính phủ định pha loãng, bác bỏ hoặc từ bỏ. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ mọi nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết này".

Vào tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) đã ra phán quyết có lợi cho Philippines, theo đó, tòa bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông, xác định đường này là trái với Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).

Trung Quốc ngay lập tức sau đó đã lên tiếng phản đối phán quyết của toà.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều nước trên thế giới bao gồm Việt Nam đã liên tục gửi các công hàm đến Liên HIệp Quốc để bày tỏ sự ủng hộ phán quyết của tòa và bác bỏ các yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hồi tuần trước, ba nước Anh, Pháp, Đức đã gửi chung một công hàm tới UN để ủng hộ phán quyết của toà, UNCLOS và khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Hồi tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã chính thức lên tiếng bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi đã gửi một công hàm lên UN để ủng hộ phán quyết của tòa PCA.

Phát biểu trước UN, Tổng thống Duterte nói : "chúng tôi hoan nghênh con số đang gia tăng những quốc gia ủng hộ phán quyết này - đó là chiến thắng của lý lẽ trước sự liều lĩnh, của luật pháp trước sự mất ổn định, của tình hữu nghị trước tham vọng".

Tổng thống Duterte từ khi lên nắm quyền ở Philippines vào năm 2016 đã có những nỗ lực nhằm xích lại gần hơn với Trung Quốc, thậm chí còn chỉ trích Hoa Kỳ, nước đồng minh của Philippines. Ông Duterte từng phát biểu mong muốn đặt phán quyết của tòa PCA sang bên để hợp tác với Trung Quốc.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 543 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)