Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/10/2020

Điểm báo Pháp - Nhiễm Covid, Donald Trump có dừng cuộc chơi ?

RFI tiếng Việt

Nhiễm Covid, "cỗ máy chiến tranh" Donald Trump có dừng cuộc chơi ?

Rốt cuộc ông Donald Trump cũng đành phải để cho con virus corona trở thành trung tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Nước Mỹ sẽ đi bầu trong hơn 30 ngày nữa, mà một trong hai ứng cử viên lại bị loại ra khỏi vòng chiến, ít nhất trong vài ngày. Đây chính là "ngạc nhiên của tháng 10" ?

covi1

Tổng thống Mỹ Donald Trump lên trực thăng đến quân y viện Walter Reed ở Washington sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona, 02/10/2020. AP - Alex Brandon

Hồ sơ của Courrier International nói về "Những tù nhân của Covid". Le Point dành trang bìa cho tài tử điện ảnh kỳ cựu Pháp Gérard Depardieu nhân việc ông cho ra mắt cuốn sách "Ailleurs", với dòng tựa "Nước Pháp đã bị phong tỏa mà không hay". L’Express đề cập đến "văn hóa cancel", có thể hiểu là văn hóa tẩy chay, phủ nhận, xóa sổ… mà những người nổi tiếng thường là nạn nhân chạy tựa "Hãy câm miệng hoặc biến đi". L’Obs đặt vấn đề "5G : Mối đe dọa hay sự tiến bộ ?". Ở các trang trong, bầu cử Mỹ và virus corona rất được quan tâm, bên cạnh các chủ đề công nghệ 5G, mối nguy thánh chiến.

Con virus từ Vũ Hán tấn công vào trung tâm quyền lực Mỹ

Trang web của tuần báo Le Point chơi chữ  chính là"Ông Trump dương tính với Covid-19 : Cỗ máy chiến tranh bị cảm cúm" (nhưng cũng có thể hiểu là bị ngưng chạy). Đây "ngạc nhiên của tháng 10", theo Courrier International, trong khi những tuần lễ qua nhiều nhà bình luận chỉ suy đoán xung quanh việc bỏ phiếu qua bưu điện. 

Le Point cho rằng chuyện gì phải đến đã đến. Rốt cuộc Donald Trump cũng phải để cho con virus corona trở thành trung tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Nước Mỹ sẽ đi bầu trong hơn 30 ngày nữa, mà một trong hai ứng cử viên lại bị loại ra khỏi vòng chiến, ít nhất trong vài ngày. Tổng thống Trump cùng với phu nhân Melania đều dương tính, phải cách ly. Chiến dịch vận động trên thực tế coi như đã dừng lại. 

Sau khi sát hại hơn 200.000 người và làm cho nền kinh tế xuống dốc, con virus corona tấn công thẳng vào người đứng đầu nước Mỹ. Ở tuổi 74, tổng thống Trump nằm trong số những người có nguy cơ, và giờ đây thế giới theo dõi sát tình hình sức khỏe do bác sĩ riêng của ông công bố. Donald Trump nối dài thêm danh sách các nguyên thủ bị nhiễm bệnh sau khi cho rằng chỉ là virus cúm thông thường, như Jair Bolsonaro ở Brazil, hay Boris Johnson ở Anh. Trong khi đó Vladimir Putin với bản tính ngờ vực, sống tách biệt ngay từ đầu đại dịch. 

Dù Nhà Trắng là địa điểm cách ly sang trọng (nay thì đã chuyển sang quân y viện), nhưng Donald Trump là con người của không gian trải rộng. Ông rất mê những cuộc mít-tinh cấp tốc. Những người ủng hộ Trump chờ đợi ông ở sân bay để xem chiếc Air Force One hạ cánh, một khán đài nhanh chóng dựng lên, một bài diễn văn hùng hồn chừng vài mươi phút và chiếc phi cơ 747 lại cất cánh đến một "swing state" khác. 

Từ nhiều tuần qua, các cuộc thăm dò cho thấy Donald Trump, chậm mà chắc, đang rút ngắn lại khoảng cách với Joe Biden. Ông trông cậy vào cuộc tranh luận để tạo ấn tượng. Nhưng theo người ủng hộ ông nhiệt tình nhất là cây bút xã luận Rush Limabuagh cũng cho rằng thay vì hạ nốc-ao Biden, Joe chỉ bị trầy xước một ít. Và giờ thì Donald bị nhiễm bệnh… 

Ông Trump dương tính với corona, còn Biden thế nào ? Cả hai ứng cử viên đều không bắt tay nhau, và hai chiếc bục của họ cũng cách xa nhau trong cuộc tranh luận. Nhưng họ có tôn trọng đầy đủ những quy định căn bản về dịch tễ hay không ? Ứng viên Dân chủ có thể sẽ phải đi xét nghiệm. Nếu Biden âm tính với virus, đó sẽ là một lợi thế rất lớn trước ông Trump, vào lúc chỉ còn một tháng nữa là đến bầu cử. 

Ai sẽ lên thay tổng thống ?

Hậu quả sẽ như thế nào đối với chiến dịch tranh cử tổng thống ? Trước hết là lịch trình bị đảo lộn, trong lúc chẳng còn được bao nhiêu thời giờ. Về chương trình ở những bang "chiến địa" (swing state) : cuộc mít-tinh ở Florida đã bị hủy bỏ, Wisconsin và Arizona bị hoãn hoặc tổ chức qua mạng. Cuộc tranh luận thứ hai với Joe Biden dự kiến ngày 15/10 cũng có nguy cơ không diễn ra được. Mọi cái nhìn nay đều hướng về đối thủ Joe Biden đã 77 tuổi. 

Điều gì sẽ diễn ra nếu tổng thống Trump không thể làm nhiệm vụ ? Theo tu chính án 25 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, phó tổng thống Mike Pence - hiện giờ vẫn âm tính với con virus - sẽ đảm đương. Cho đến nay, tu chính án này mới vận dụng được ba lần. Lần đầu vào năm 1985, khi Ronald Reagan bị phẫu thuật, phó tổng thống George H. W. Bush trở thành tổng thống trong 8 tiếng đồng hồ. Đến năm 2007, hai lần George W. Bush chịu gây mê, quyền lực được chuyển giao cho Dick Cheney trong 2 giờ.

Trong trường hợp sức khỏe bị giảm sút trầm trọng cho đến cuối nhiệm kỳ, tất nhiên là phó tổng thống lên thay. Theo điều 2 Hiến Pháp và luật 1947, có đến 18 nhân vật có thể kế nhiệm. Sau phó tổng thống là chủ tịch Hạ Viện (hiện nay là bà Nancy Pelosi, nhân vật Dân chủ duy nhất trong danh sách). Tiếp đến là chủ tịch Thượng Viện, rồi ngoại trưởng…

Nhưng nếu xảy ra một thảm kịch tại Washington khiến tất cả những người kế nhiệm không còn nữa ? Hệ thống Mỹ vẫn còn một "chiêu" cuối : "người kế nhiệm được chỉ định". Trong những dịp chính thức như lễ nhậm chức hay diễn văn về liên bang, tổng thống chọn trước một người thay thế, được bảo vệ ở một nơi an toàn. Hồi năm 2018 khi tổng thống Trump đọc bài diễn văn, bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue đã được đưa đến một địa điểm an ninh tuyệt đối.

Chuyến đi hụt Florida có thể đáng tiếc cho ông Trump

Việc ông Trump không thể đến Florida vận động có thể là điều đáng tiếc, vì theo The Economist, Donald Trump có nhiều hy vọng tại tiểu bang hay nghiêng ngả này.

Đại diện đảng Cộng hòa tại đây cho biết "đã gõ trên 1,7 triệu cánh cửa, còn Dân chủ chỉ ngồi tại trụ sở nhưng lại cố giành chiến thắng". Tuy nhiên Joe Biden bắt đầu đến Florida từ 15/09, và càng cận ngày càng tung thêm tiền vào bang này, lấy trong số 100 triệu đô la do Michael Bloomberg tài trợ. Ứng cử viên nào thắng được ở Florida có nhiều hy vọng trở thành tổng thống Mỹ : trong 12 cuộc bầu cử vừa qua, chỉ có mỗi một lần dân Florida bầu cho người thua cuộc. Nếu thất bại ở bang này, Donald Trump hầu như không còn cơ hội.

Hai nhóm cử tri nắm giữ chiếc chìa khóa là người Mỹ la-tinh và người lớn tuổi, ông Trump có lợi thế ở nhóm đầu và bất lợi ở nhóm sau. Có đến 1/3 người Mỹ la-tinh tại Florida gốc Cuba, có truyền thống bầu cho Cộng hòa ; những người gốc Venezuela, Columbia và Nicaragua cũng vậy, chỉ có cộng đồng Mêhicô thường bầu cho Dân chủ.

Dân chủ quyết giành cử tri da đen ở Detroit

Còn tại Detroit, thuộc bang Michigan, cuộc chiến được quyết định bởi lá phiếu của người Mỹ da đen. Phóng sự của L’Express cho thấy phe Dân chủ cần đến lớp cử tri này hơn bao giờ hết. Ê-kíp của ông Joe Biden cố gắng vận động tầng lớp cử tri từng cảm thấy bị bỏ rơi hồi năm 2016.

Cách đây bốn năm, Michigan đã gây ngạc nhiên cho toàn thế giới. Là chiếc nôi của kỹ nghệ xe hơi, thành trì của các nghiệp đoàn và công nhân cánh tả, tiểu bang này là "bức tường xanh" Dân chủ. Được cho là luôn nằm ngoài tầm tay với của Cộng hòa, nhưng Donald Trump đã giành được chiến thắng khít khao : vượt 11.000 phiếu trên tổng số 5 triệu. Đến nỗi tờ báo lớn nhất ở địa phương là The Detroit Free Press đã loan báo bà Hillary Clinton thắng cuộc, và sau đó phải đính chính.

Tại Detroit, nơi 8/10 cử tri là người da đen, có đến 14% không đi bầu năm 2016, bỏ trống trận địa cho cử tri nông thôn da trắng theo Cộng hòa. Phía ông Joe Biden quyết giành lại lực lượng này. Ngay lối vào thành phố, một pa-nô khổng lồ chiếu số người chết vì virus corona được cập nhật, bên cạnh con số 200.000 là chân dung Donald Trump. Trên những đài phát nhạc rap, liên tục xen vào những câu quảng cáo kết án ông Trump đã giết hại hàng mấy chục ngàn người da đen.

Tuy nhiên con virus cũng gây khó khăn cho phía Dân chủ, vì hầu hết vận động gián tiếp qua mạng xã hội, tin nhắn, điện thoại… Giờ đây phải sáng tạo thêm, như phân phát thực phẩm cho người nghèo và đề nghị họ đăng ký đi bầu. Nhưng phía ông Donald Trump cũng xông ra thực địa : lần đầu tiên trong lịch sử Cộng hòa mở văn phòng ở Detroit vào đầu năm nay, và các tình nguyện viên gõ cửa từng nhà vận động.

Báo chí bảo thủ vẫn bênh Donald Trump

Nếu đa số báo chí Mỹ tỏ ra bức xúc trước cuộc tranh luận đầu tiên hôm 29/09 được cho là rất lộn xộn, thì không ít nhà quan sát bảo thủ lại đánh giá Donald Trump đã thành công. Courrier International trích dịch một số tờ báo bảo thủ cho rằng ông Trump tiếp tục thu hút cử tri khi bỏ qua những quy luật truyền thống.

Theo họ, Donald Trump là một "pitbull đã bảo vệ nước Mỹ" và tấn công Biden tơi tả. New York Post viết : "Trong một thế giới loạn ly, dưới sự đe dọa của những kẻ hiếu chiến như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bạn có thể trông cậy vào ai để bảo vệ đất nước ? Một con pitbull hung hăng sẵn sàng làm mọi thứ để chiến thắng, hay một người yếu đuối tươi cười ?".

Tương tự đối với tạp chí Anh The Circle, ông Trump là một "chiến binh đường phố" đối mặt với địch thủ mang tính truyền thống. Wall Street Journal ví von Donald Trump như một con voi cần thiết "trong cửa hàng đồ sứ phủ đầy bụi của chính trường Mỹ", tuy nhiên tỏ ý tiếc về sự hỗn độn của cuộc tranh luận. Ngược lại The Circle bênh vực : "Ông ấy quyết liệt, dí dỏm, ông đã cao giọng về những điều mà một số người không dám nói ra".

Trung Quốc bóp méo sự thật về cuộc chiến Triều Tiên

Nhìn sang Châu Á về mặt lịch sử, The Economist chú ý đến việc Tuần báo Anh tỏ ra ngạc nhiên khi"Trung Quốc kỷ niệm 70 tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên".  những luận điệu dối trá từ thời Mao Trạch Đông cho đến nay vẫn được lặp lại, Bắc Kinh bóp méo lịch sử một cách trắng trợn.

Khu đài tưởng niệm nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống thành phố biên giới Đan Đông vừa mở cửa lại vào cuối tháng Chín, trước ngày kỷ niệm 70 năm Trung Quốc tham gia cuộc chiến 1950-1953, mà Bắc Kinh gọi là "Chiến tranh chống Mỹ và giúp đỡ Triều Tiên". Tại đây trưng bày một số "hiện vật" sơ sài nhằm tố cáo "chiến đấu cơ Mỹ thả bom vi trùng" xuống Triều Tiên và miền bắc Trung Quốc năm 1952. Tuy nhiên sự thật đã được làm sáng tỏ từ rất lâu, chủ yếu từ tài liệu của Liên Xô cũ giải mật nhiều thập niên sau cuộc chiến, khẳng định cái gọi là chiến tranh vi trùng đã được sáng tác ra.

Dù vậy, học sinh Hoa lục được dạy rằng Trung Quốc phải nhập cuộc để chống Mỹ, những tình nguyện quân giày vải đơn sơ chiến đấu với xe tăng, máy bay Mỹ… Thực tế đây là một cuộc chiến đẫm máu với 400.000 lính Trung Quốc tử trận (khu lưu niệm ghi con số không đầy phân nửa), và làm đất nước Triều Tiên bị chia đôi ở vĩ tuyến 38.

Bắc Kinh hy vọng xuất khẩu lò phản ứng nguyên tử

Trên lãnh vực kinh tế, L’Express cảnh báo nguy cơ "Con rồng nguyên tử Trung Quốc tấn công thế giới". Trong những tuần lễ sắp tới, Bắc Kinh sẽ đưa vào hoạt động các lò phản ứng thế hệ thứ ba đầu tiên hoàn toàn Made in China, hy vọng có thể xuất khẩu được.

Lò phản ứng Phúc Thanh (Fuqing) số 5 dùng công nghệ HPR-1000, là loại lò áp lực được đặt tên là Hoa Long (Hualong), do hai tập đoàn China General Nuclear Power Corporation (CGN) và CNNC thiết kế, sản xuất, mở ra một kỷ nguyên mới cho Trung Quốc. Trước đó Bắc Kinh lệ thuộc vào công nghệ của Areva và EDF (Pháp), Westinghouse (Mỹ), vì lò phản ứng thế hệ thứ ba cần mức độ an toàn rất cao.

Với 48 lò phản ứng nguyên tử, Trung Quốc đang theo sát nút Pháp (56 lò), và đây là mặt hàng xuất khẩu mới. Tại Pakistan, hai lò Hoa Long đang được Trung Quốc xây dựng và sẽ có thêm ba lò nữa, Argentina cũng là khách hàng sắp tới. Với giá thành rất cạnh tranh, Bắc Kinh đang dòm ngó Châu Âu, nhưng nguyên tử là lãnh vực nhạy cảm nên địa chính trị đóng vai trò quan trọng, có nguy cơ chịu chung số phận với 5G của Hoa Vi.

Vì sao Trung Quốc gây hấn với Ấn Độ ?

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nguyệt san Le Monde Diplomatique phân tích "Vì sao Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu trên nóc nhà thế giới".

Trong đêm 15 rạng 16/06/2020, trên rặng Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn) thuộc vùng biên giới Ấn-Trung, quân lính hai bên đã xáp lá cà như thời Trung Cổ. Suốt 7 tiếng đồng hồ trong đêm đen như mực, ở độ cao 4.200 mét, họ đánh nhau bằng chùy bọc kẽm gai, gậy sắt, đá tảng và cả tay không. Đến sáng, phía Ấn Độ đếm được 78 binh sĩ bị thương và 20 tử thương – đa số bị chết đuối trong dòng sông lạnh giá Galwan. Bắc Kinh từ chối công bố thiệt hại, nhưng các nguồn tin phía Ấn nói rằng có hơn 40 lính Trung Quốc chết. Lần đầu tiên kể từ 45 năm qua đôi bên có thiệt hại nhân mạng.

Tờ báo Pháp tiết lộ những yếu tố cho thấy đúng ra đây là một trận phục kích được phía Trung Quốc chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhiều con suối nhỏ đã bị chuyển dòng trước đó để nhấn chìm đối thủ phía dưới. Một ngạc nhiên khác cho Ấn Độ là vụ tấn công diễn ra trên phần lãnh thổ mà chưa bao giờ Trung Quốc đòi chủ quyền. Đây là lần đầu Bắc Kinh tuyên bố chiếm toàn bộ thung lũng Galwan với cớ "xưa nay vẫn thuộc về Trung Quốc".

Hồi năm 1988, Ấn-Trung đã chọn lựa hòa dịu thay vì đối đầu, lúc đó GDP hai bên xấp xỉ nhau và có cùng ngân sách quốc phòng 20 tỉ đô la. Hai mươi năm sau, GDP Trung Quốc lớn gấp 5 Ấn Độ, quân đội có ngân sách cao gấp 3,6 lần ; thế quân bình không còn nữa.

Với "ngoại giao chiến lang", Tập Cận Bình coi Biển Đông là mặt trận chiến lược – khiến Việt Nam và Đài Loan phải tỏ ra cứng rắn hơn – còn tranh chấp biên giới với Ấn Độ chỉ ở hàng thứ hai. Phải chăng Bắc Kinh muốn New Delhi phải ở trong thế bất ổn thường xuyên ?

Le Monde Diplomatique cho rằng có nguyên nhân đối nội lẫn đối ngoại. Kinh tế sa sút, chính quyền Trung Quốc còn bị cả thế giới chỉ trích vì đại dịch corona, bên cạnh đó Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa khi Ấn Độ xích gần với Hoa Kỳ trong lúc quan hệ Mỹ-Trung xuống dốc. Thông qua các vụ tấn công ở biên giới, Trung Quốc muốn bóp nghẹt từ trong trứng nước tham vọng khu vực của nước láng giềng Ấn Độ.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 625 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)