"Bùa mê" của Donald Trump
Kỳ bầu cử tổng thống Mỹ là một đề tài được Le Monde quan tâm. Tờ báo giới thiệu bài viết đáng chú ý của cây bút thời luận Alain Frachon "Bùa mê của Donald Trump".
Trong kỳ bầu cử năm 2016, ông Trump được 46% số phiếu của cử tri. Lần này, theo các cuộc khảo sát, ông Trump vẫn được hơn 40% cử tri ủng hộ. Điểm tín nhiệm của Donald Trump không giảm sút nhiều sau 4 năm ồn ào và giận dữ, 4 năm tranh giành chính trị với những lời nói dối hàng ngày. Trong khi nước Mỹ bị rung chuyển bởi Covid-19 và suy thoái kinh tế, "pháp thuật" của Trump vẫn phát huy tác dụng.
Ông Trump dù không mấy đọc sách nhưng lại là người truyền cảm hứng cho các nhà báo và các nhà viết luận, tất cả đều bận rộn làm sáng tỏ các yếu tố dẫn đến thành công to lớn của Donald Trump. Theo cây bút thời luận của Le Monde, phần lớn là do những thành quả kinh tế trước khi Covid-19 ập đến, với những số liệu tích cực, niềm tin của người tiêu dùng cũng như các nhà đầu tư. Ca ngợi mình là một thiên tài, ông Trump luôn tự nhận hết công lao về mình.
Trong cuốn sách "Nước Mỹ trong những năm dưới thời Trump", nhà xuất bản Gallimard, Jérôme Cartillier, phóng viên AFP tại Nhà Trắng, và Gilles Paris, thông tín viên báo Le Monde tại Washington, đã khám phá một cách tinh tế một khía cạnh hiếm khi được nêu bật : ông Trump thành thạo về mạng xã hội, giỏi giang trong các chương trình truyền hình thực tế và hiểu rõ ý nghĩ của những người đã bầu cho ông. Một cách nào đó, có thể nói đó là "một tài năng chính trị" !
Cho dù ông Trump đã vi phạm một phần nguyên tắc kinh tế của đảng Cộng hòa, đặc biệt là về tự do mậu dịch, nhưng tổng thống Mỹ vẫn trung thành với mục tiêu giảm thuế cho người giàu, giảm quyền lực công đoàn… Nhưng Covid-19 đã cho thấy nhà lãnh đạo dân túy không đủ năng lực. Về mặt chính trị, con số 220.000 người chết vì đại dịch ở Hoa Kỳ lẽ ra đã "hạ đo ván" Donald Trump, thế nhưng ông Trump đã tìm ra cách đối phó : gây ra nỗi sợ hãi về một nước Mỹ mà người da trắng mất ưu thế trước các nhóm thiểu số và hứa hẹn đưa đất nước trở lại như những năm 1950 : bảo thủ, da trắng và theo Cơ Đốc giáo.
Tại Mỹ hồi năm 2016, bối cảnh rất thuận lợi cho chiến thắng của Donald Trump. Các mạng xã hội lấn át các phương tiện truyền thông, phổ biến các thuyết âm mưu được phe cực hữu Mỹ ủng hộ. Kênh Fox News dành "cả thể xác và linh hồn" cho Donald Trump. Rất đông người da trắng, thường là người cao tuổi, cuộc sống bị xáo trộn vì toàn cầu hóa, cảm thấy đất nước mỗi ngày một đa chủng tộc và đa văn hóa, khiến họ bị đe dọa, bị coi thường… Người dân Mỹ đã mệt mỏi với những cuộc chiến bất tận ở những vùng đất xa xôi và ông Trump hứa hẹn rút nước Mỹ về "pháo đài".
Trong suốt 4 năm, tổng thống Trump chỉ quan tâm đến thành phần tri cốt lõi ủng hộ ông. Ông coi họ là những đại diện cho một nước Mỹ thực thụ, trung thành với các giá trị Mỹ, còn người Mỹ ở các thành phố lớn thuộc phe Dân Chủ là "những kẻ phản bội". Le Monde kết luận ông Trump chỉ là tổng thống của một nửa nước Mỹ !
Macron - vị tổng thống đơn thương độc mã trên tuyến đầu
Trên các nhật báo Pháp hôm nay, thời sự trong nước vẫn được quan tâm nhất. Bài phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên truyền hình tối hôm thứ Tư 14/10/2020 và các biện pháp giới nghiêm chống dịch Covid-19 vẫn chiếm nhiều trang báo.
Trên mục thời luận, nhà báo Solenn de Royer của Le Monde nhận định tổng thống Macron đã tỏ ra rất mô phạm với những phát biểu rõ ràng. Tuy nhiên, khi hơi "sa đà" đi vào các tiểu tiết, tổng thống đã phải đóng cùng lúc nhiều vai, từ ông bố trong gia đình đến người cha của cả dân tộc, từ thủ tướng đến bộ trưởng Y tế... Cây bút thời luận của Le Monde trích dẫn một chính trị gia cấp cao, gọi đó là "hội chứng cô độc".
Tổng thống Macron hiện đang đơn độc trên tuyến đầu bởi ông đã thay thủ tướng Edouard Philippe, một người khá được lòng dân, bằng ông Jean Castex, một người không mấy được công chúng biết đến và dù mới nhậm chức chưa lâu nhưng điểm tín nhiệm trong các cuộc khảo sát đã sụt giảm. Còn trên sân khấu chính trị Pháp, các đảng phái lâm cảnh bị giằng xé, tan rã và không trọng lực. Chỉ cần tổng thống vừa dứt bài phát biểu là các phe đối lập đã chỉ trích, trong khi họ thường chẳng có đề xuất gì tốt hơn. Tổng thống Macron một mình ra trận, xông pha lên tuyến đầu mà không hề có lá chắn bảo vệ.
Trong bài phát biểu, nguyên thủ Pháp đã gửi gắm đến dân chúng : "Tôi cần từng người trong số tất cả quý vị". Ông Macron biết rằng ông sẽ là người duy nhất phải trả giá trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp 2022. Những nhân vật thân cận với tổng thống giải thích là bài phát biểu hôm 14/10 của ông Macron đánh dấu "một bước ngoặt" trong nhiệm kỳ tổng thống 5 năm. Macron đã ra khỏi cuộc khủng hoảng Áo Vàng với các cuộc thảo luận toàn quốc, hồi mùa xuân ông cũng đã ghi điểm khi liều lĩnh đưa đất nước ra khỏi phong tỏa sớm nhất có thể cho dù nội các khuyên không nên làm điều đó. Lần nào cũng vậy, tổng thống Pháp đều thành công khi đưa điểm tín nhiệm của ông lên cao được một chút. Lần này ông Macron cũng đã "đặt cược" vào bài phát biểu trên truyền hình.
Người dân ủng hộ quyết định của tổng thống
Trong khi đó, tờ báo thiên hữu Le Figaro cho biết bài phát biểu của nguyên thủ Pháp được được nhiều người theo dõi và bình luận rộng rãi trên các mạng xã hội, với 750.000 tin nhắn, từ xuất hiện nhiều nhất là "bất công", "thiếu logic", "các thanh niên" và "nhà hàng". Theo cuộc điều tra Odoxa và Dentxu Consulting thực hiện cho Le Figaro và đài France Info, 64% dân Pháp ủng hộ biện pháp giới nghiêm mà tổng thống Pháp đưa ra để đối phó với làn sóng dịch thứ hai.
Tuy nhiên, có đến 52% số người được hỏi nghi ngờ là dân Pháp sẽ không tôn trọng quy định giới nghiêm. 63% cho là các phát biểu của tổng thống đã rất rõ ràng. 55% nhận định nguyên thủ Pháp đã cho thấy ông thấu hiểu được nỗi lo của người dân. Thế nhưng, nhìn rộng ra, Le Figaro cho rằng điều nguyên thủ cần làm hiện nay là thuyết phục được người dân rằng ông có đủ khả năng đưa đất nước "sang trang", thoát khỏi khủng hoảng.
"Cơn mưa chỉ trích" nhắm vào chính phủ
Bài phát biểu của tổng thống Emmanuel Macron trên truyền hình tối hôm 14/10 vừa dứt, chính quyền Pháp đã phải đối mặt với hàng loạt lời chỉ trích từ phía các đảng phái chính trị về sự thiếu chuẩn bị trong cách đối phó với dịch bệnh, cách xử lý sai lầm cuộc khủng hoảng y tế, chiến lược thất bại… Libération cho biết, đối mặt với làn sóng chỉ trích, chính phủ Pháp, mà người đứng mũi chịu sào là thủ tướng Jean Castex, lưu ý giờ là lúc phải tập trung mọi năng lượng cho cuộc chiến chống dịch bệnh và sự lây lan của virus. Một vị bộ trưởng cũng nhấn mạnh : "Sẽ đến lúc đưa ra các bài học nhưng hiện giờ, trước tiên là phải tránh để xảy ra tử vong".
Thủ tướng Castex cũng khẳng định không phải chính phủ chậm trễ trong xử lý dịch bệnh mà là trong những ngày qua virus lây lan quá nhanh. Đáp lại lời chất vấn của một chính trị gia về việc chính phủ đã làm gì để tăng khả năng tiếp nhận bệnh nhân Covid tại các khoa hồi sức cấp cứu, bộ trưởng Y Tế cho biết phải mất 11 năm mới đào tạo được một bác sĩ hồi sức cấp cứu, nhưng từ mùa xuân vừa qua, đã có 750 y tá, hộ lý được được đào tạo bồi dưỡng để tăng cường nhân lực hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19. Còn đối với thủ tướng Pháp, không một hệ thống y tế nào có thể đối phó với một đại dịch quy mô lớn đến như vậy và nếu không có các biện pháp ngăn chặn đà lây nhiễm virus thì sẽ có hàng chục, hàng trăm ngàn người bệnh Covid nặng phải nhập viện cấp cứu.
Làn sóng Covid thứ hai : Bài toán hóc búa của Châu Âu
Không chỉ là vấn đề nổi cộm tại riêng Pháp, theo báo kinh tế Les Echos, cuộc chiến chống làn sóng Covid thứ hai còn là bài toán hóc búa của cả Liên Hiệp Châu Âu. Hôm nay các nhà lãnh đạo Châu Âu họp thượng đỉnh tại Bruxelles để tìm cách phối hợp chống dịch. Tình hình đã rất khẩn cấp. Tổ Chức Y Tế Thế Giới hôm qua ghi nhận đại dịch Covid-19 đã đến mức "rất đáng lo ngại" ở Châu Âu.
Về phần mình, Ủy Ban Châu Âu đã gióng hồi chuông cảnh báo với các nước thành viên, bởi tỉ lệ lây nhiễm virus ở khắp Châu Âu đều tăng ngày càng nhanh. Ủy Ban Châu Âu kêu gọi chính quyền các nước thành viên làm mọi việc cần thiết để tránh biện pháp phong tỏa diện rộng với những hệ quả tàn phá cả về mặt xã hội, kinh tế và sức khỏe người dân. Bruxelles còn kêu gọi các nước chuẩn bị sẵn chiến lược tiêm chủng quốc gia, ưu tiên trước cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Một thách thức lớn khác đặt ra cho Liên Âu là tránh lặp lại sai lầm hồi dịch bùng phát đợt 1 vào tháng 03, giai đoạn thiếu vắng hoàn toàn sự phối hợp, các nước đóng cửa biên giới kiểu "mạnh ai nấy làm".
Thượng Karabakh : Người dân sống chung với mối đe dọa từ máy bay không người lái
Về cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tại vùng Thượng Karabakh, Le Monde giới thiệu bài viết "Thắng hay là chết" nói về nỗi sợ và quyết tâm chiến đấu của người dân Stepanakert, thủ phủ vùng Thượng Karabakh, những người đặt niềm hy vọng vào hòa bình, nhưng dù có sợ cũng sẵn sàng chiến đấu và hy sinh.
Còn báo công giáo La Croix nói về máy bay không người lái do thám và tấn công thông minh đang được quân đội Azerbaijan sử dụng ồ ạt vùng Karabakh. Cuộc sống của người dân vùng này dường như gắn liền với tiếng gầm gừ đe dọa của những máy bay quân sự không người lái Azerbaijan chủ yếu nhập từ Isarael và Thổ Nhĩ Kỳ.
Được sử dụng để do thám các vị trí của đối phương, dẫn đường cho các cuộc pháo kích hoặc tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất, những máy bay không người lái này đã mang lại ưu thế cho quân đội Azerbaijan. Thế nhưng, điều đáng buồn nhất, theo La Croix, là các thường dân Thượng Karabakh phải làm quen và sống chung với các máy bay quân sự không người lái, vốn dĩ bị coi là một loại vũ khí "phi nhân tính».
Thùy Dương