Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/10/2020

Điểm báo Pháp - Covid-19 : Giờ giới nghiêm

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Giờ giới nghiêm

Pháp sẽ giới nghiêm từ 21 giờ đêm đến 6 giờ sáng tại 9 thành phố lớn, trong đó có Paris và vùng phụ cận, ít nhất là trong một tháng, để chống Covid-19 là hồ sơ số một của báo chí Pháp ngày 15/10/2020. Các chủ đề quốc tế không thiếu : từ căng thẳng Ấn-Trung, bầu cử tổng thống Mỹ đến sự kiện Bắc Kinh và Moskva được (tái) đắc cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Trang nước Pháp của Libération đưa độc giả trở lại "ngôi làng Việt Nam" ở Sainte Livrade-sur-Lot.

gioinghiem1

Thủ tướng Castex (trái) và bộ trưởng Y tế Olivier Véran họp báo chi tiết hóa lệnh giới nghiêm, Paris, ngày 15/10/2020.  Reuters - POOL

Giới nghiêm để giành lại thế chủ động chận siêu vi corona

"Giới nghiêm", "Đi ngủ sớm", kèm theo bức ảnh chụp màn hình khi tổng thống Emmanuel Macron trả lời phỏng vấn của hai đài truyền hình Pháp thực hiện tại điện Elysée đêm hôm qua là tựa chung của các nhật báo Pháp hôm nay.

Với tựa "Giới nghiêm để giành lại thế chủ động", Le Figaro tóm ý thông điệp của chủ nhân Điện Elysée : Do tình hình nghiêm trọng, cần phải có một chiến lược đối phó với đợt tấn công thứ hai của Covid-19 theo nghĩa hạn chế sinh hoạt xã hội nhưng không làm ngưng trệ hoạt động kinh tế. Kể từ thứ Bảy, gần 20 triệu dân Pháp phải ở nhà sau 21 giờ đêm cho đến 5 giờ sáng, ít nhất là trong một tháng. Người vi phạm sẽ bị phạt 135 euro lần đầu tiên. Chiến lược này tuy có nhiều trói buộc nhưng nếu áp dụng triệt để, theo giải thích của tổng thống, sẽ tránh cho nước Pháp phải tái diễn tình trạng phong tỏa xã hội như hồi tháng Ba. Còn đối với Le Figaro, viễn ảnh "sống, sinh hoạt, làm việc từ xa" trong nhiều tháng, có thể phải sống chung với siêu vi đến mùa Hè đưa nước Pháp vào "thời kỳ buồn thảm". Đã thế, chiến lược này có cơ may thành công hay không ? Le Figaro nhấn mạnh vào hai lời kêu gọi của tổng thống Pháp : Mọi công dân cùng góp tay và tôi cần tất cả mọi người. Nhưng theo tác giả bài phản biện "Tìm lại niềm tin đã mất", cần phải chờ xem lời kêu gọi "đoàn kết" và "nỗ lực cộng đồng" của Macron chỉ là một ước mơ hay là một phương tiện để nhìn thấy ngõ ra khỏi đường hầm.

Phải ủng hộ lời kêu gọi "toàn dân liên đới"

Khác với thái độ "chờ xem" của đồng nghiệp thiên hữu, nhật báo công giáo, La Croix ủng hộ quyết định của tổng thống Pháp qua bài xã luận "Một cách thẳng thừng".

La Croix mô tả chủ nhân Điện Elysée là một nhân vật chính trị "đáng kinh ngạc" theo nghĩa tốt. Ông có thể đi sâu vào từng chi tiết nhỏ như là tiền phạt gia tăng bao nhiêu nếu tái phạm nhưng cũng có khả năng làm rung động người nghe khi ca ngợi giá trị đạo đức của tinh thần toàn dân liên đới. Nhật báo công giáo tiên liệu sẽ có nhiều phản ứng chống đối quyết định của tổng thống Macron. Vì thế, cần phải nói thẳng thừng là đại dịch này rất nghiêm trọng, nguy hiểm cho người già, hoặc người có bệnh mãn tính. Siêu vi cũng hoành hành rất mạnh trong tầng lớp dân nghèo. Chưa hết, người ta đã thấy hệ thống y tế, bệnh viện đã bị tràn ngập bệnh nhân Covid như thế nào đến mức phải hạn chế số ca mổ các bệnh nhân khác. Vậy thì, chúng ta phải hợp sức với nhau để tránh tình trạng rủi ro tái diễn vào mùa thu năm nay, La Croix kết luận.

Gần như đồng quan điểm về mặt y tế, nhật báo thiên tả Libération làm một loạt phóng sự ở một số bệnh viện công, sau đợt một, tổn hao sinh lực và nhân lực. Từ bác sĩ, y tá cho đến những nhân công cấp thấp nhất trong nhà thương tự biết là trong mọi hoàn cảnh, họ phải tận lực "chèo chống" một mình bởi vì đa số người dân Pháp "mặc kệ". Trong bài xã luận, Libération đánh đồng tổng thống Pháp với đa số dân Pháp : Macron tìm cách câu giờ theo sở trường quen thuộc vì cho phép dân vui chơi đến 21 giờ. Như vậy có ngăn cản được siêu vi lây lan hay không ? Tổng thống biết nói những lời chín chắn nhưng có đáp ứng những mong chờ của nhân viên y tế hay không ? Dân Pháp cũng thế, Libération kết luận chua chát.

Các nước láng giềng đối phó ra sao ?

Đối chiếu với Pháp, mối đe dọa của Covid-19 tại các thành viên khác trong Châu Âu còn nghiêm trọng hơn. Các nước láng giềng chật vật không kém ? Thái độ của công luận như thế nào ?

Tại Đức, nhiều biện pháp trói buộc khó được chấp nhận, cụ thể như cấm cho người từ vùng dịch đến ở tạm. Doanh nhân di chuyển thì được nhưng du khách thì không. Tại Anh, các biện pháp mạnh như đóng cửa các quán rượu, tụ điểm truyền thống của người Anh (đàn ông) làm thủ tướng Boris Johnson mất điểm tín nhiệm. Trái lại tại Ý, dân chúng tin cậy vào thủ tướng Giuseppe Conté, đó là loạt bài trên La Croix.

Với nhãn quan kinh tế, Les Echos cho biết thủ tướng Đức đàm phán rất gay go với lãnh đạo các bang nhưng vẫn chưa đạt đồng thuận trên các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Cùng lúc đó, giới kinh tế Đức lên tiếng chống các biện pháp quá khắc nghiệt có thể làm nản lòng giới chủ nhân xí nghiệp.

Cũng cùng một chiều hướng, Le Monde kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu "đừng bắn vào kế hoạch vực dậy kinh tế". Ngân sách tài trợ dự kiến gần 1000 tỷ euro nhưng Ba Lan và Hungary vẫn đe dọa ngăn cản. Chính quyền hai nước này không nhiệt tình với điều kiện gắn liền trợ giúp tài chính với nguyên tắc Nhà nước thượng tôn pháp luật.

Biên giới Ấn–Trung : Quân Ấn kéo lên tăng viện

Trang quốc tế, thông tín viên của La Croix tại Ấn Độ cho biết tình hình tại biên giới Ấn-Trung căng thẳng thêm.

Bài phóng sự được minh họa qua bức ảnh một người lính Ấn Độ đeo súng canh gác trên một con đường trong vùng Ladakh, nơi xảy ra những cuộc xung đột giữa hai đơn vị Ấn Độ và Trung Quốc hồi tháng Sáu. Nhà báo Vassana Dougnac cho biết "bốn tháng sau vụ đụng độ làm 20 binh sĩ Ấn thiệt mạng, Ấn Độ tăng cường lực lượng đồn trú trong khu vực trước khi băng giá phủ xuống. Từng đoàn quân xa chở binh lính, vũ khí, lương thực được không quân yểm trợ, mỗi ngày vượt qua các ngọn đèo cao ngất về thung lũng ở phía đông sát biên giới Trung Quốc. 50.000 quân đôi bên quan sát nhau như bày chó sói.

Mùa đông là thời điểm bất trắc. Chiến tranh Ấn-Trung đầu tiên nổ ra vào năm 1962 cũng vào tháng 10. Theo giới chuyên gia, quân đội Trung Quốc được trang bị tốt hơn nhưng lính Ấn nắm vững địa hình hơn đối phương ở vùng cao nguyên hiểm trở này. Theo một viên tướng hồi hưu, tương quan lực lượng có lợi cho Ấn Độ.

Lực lượng Ấn có thể sẽ được tăng cường hơn nữa vì mọi vị trí giành được trong tháng 10 sẽ tồn tại cho đến mùa xuân, theo phân tích của một chuyên gia quốc phòng Ấn Độ.

Nga và Trung Quốc "len lỏi sâu" vào nhân quyền

Sự kiện Nga và Trung Quốc được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc gây một làn sóng phẫn nộ trong giới tranh đấu bảo vệ quyền làm con người.

La Croix cũng phê bình định chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đón nhận một số thành viên không tôn trọng nhân quyền. Nhưng tại sao các chế độ phi dân chủ lại tìm cách gia nhập ?

Hội đồng Nhân quyền là một cơ quan "liên Nhà nước" mà "các Nhà nước là tác nhân làm luật quốc tế"

Theo giải thích của một nhà nghiên cứu Pháp về công pháp quốc tế, Nga và Trung Quốc chui vào Hội đồng Nhân quyền vì cơ quan này đang xem xét tình trạng nhân quyền ở 42 nước và có thể lập nhóm điều tra. Thành viên được tự do quyết định tuân thủ hay không. Là thành viên, Bắc Kinh có thể ngăn chặn mọi quyết định liên quan đến Trung Quốc. Cho dù Hội đồng Nhân quyền không có cách chế tài để làm ngưng các hành động chà đạp nhân quyền tại một nước nhưng các phiên họp luôn công khai. Những lời tố cáo vang động khắp thế giới cũng là cho các chế độ độc tài nhức nhối lắm.

Làng Việt Nam Sainte-Livrade 65 năm sau với nỗi buồn không nguôi

Ở mục "Nước Pháp", và với tựa "Tiểu Việt nam", Libération trở lại thăm ngôi làng Sainte-Livrade nằm giữa Bordeaux và Toulouse như một cuộc hành hương. 65 năm sau từ khi các gia đình tị nạn chiến tranh Đông Dương di tản về khu doanh trại của quân đội Pháp bỏ hoang, thời gian không làm ngôi làng Việt thay đổi nhiều.

Những người mẹ đầu tiên đã khuất, thế hệ sau này cũng gần 60, thế hệ thứ ba muốn tiếp tục sống chung cộng đồng như các thế hệ trước. Một phần lớn nhà trại bị phá hủy sau vụ cháy năm 2005. Chính quyền địa phương xây cất những chung cư mới và các gia đình bám trụ được cấp căn hộ mới tiện nghi hơn. Một số cơ sở cũ vẫn được bảo tồn với một "ngôi chùa" trong căn nhà chung và hai quán ăn. Nhưng 65 năm sau, theo phóng viên Libération, người ta còn cảm nhận được nỗi bất bình của thế hệ thứ tư. Nước Pháp không một lời xin lỗi, không một cử chỉ cám ơn. Một số cụ bà lúc trẻ là giáo viên tại Việt Nam. Có cả một công nương. Lẽ ra chính quyền Pháp phải đối xử tốt hơn với ông bà chúng tôi, bố trí một nơi định cư thuận lợi hơn để làm lại cuộc đời và bồi thường cho những mất mát.

Libération khéo léo đưa tâm trạng bất bình này trong phần kết luận với giai thoại ma (*) ở làng Sainte- Livrade sur Lot "Có những đêm khuya, đôi khi có ma xuất hiện. Đó là những oan hồn trong trại, mặc áo đẹp với nhiệm vụ canh chừng linh hồn của trại".

Về bầu cử Mỹ, Le Monde để hai trang báo nói về thuyết âm mưu và mạng lưới QAnon lây lan tại nước Mỹ, ủng hộ Donald Trump.

Phóng viên La Croix kể lại kinh nghiệm sống ba tuần với Lực lượng đặc biệt Pháp, trong cuộc tập trận hàng năm. Năm nay, các đơn vị viễn chinh của Pháp tập huấn theo kịch bản chiến trường ở bán đảo Crimea và Donbass

Về thám hiểm không gian, Les Echos cho biết Châu Âu sẽ hợp tác với NASA để thám hiểm sao Hỏa và Mặt trăng. Tập đoàn Airbus của Pháp sẽ cộng tác với chuơng trình hỏa tinh, còn Thalès chọn chị Hằng.

Tú Anh

(*) Phải từng một lần đến làng Sainte-Livrade sur Lot (tỉnh Lot et Garonne) trong thập niên 70, 80 mới thấm thía.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 556 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)