Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/10/2020

Điểm báo Pháp – Nhà giáo Pháp : "Chiến sĩ tuyến đầu"

RFI tiếng Việt

Nhà giáo Pháp : "Chiến sĩ tuyến đầu" và "thành trì cuối cùng" của nền Cộng hòa

Giống như gần 6 năm về trước, Chủ nhật 18/10/2020, cả nước Pháp lại xuống đường. Vụ Hồi giáo cực đoan giết hại một giáo viên cấp hai dạy môn sử - địa, hôm thứ Sáu tuần trước, một lần nữa đặt nước Pháp trước thách thức nghiêm trọng. Trên trang nhất các báo là ảnh những biển người tràn ngập đường phố, bày tỏ lòng thương tiếc người thầy giáo.

phap1

Dân chúng tập hợp tại quảng trường Cộng Hòa (place de la République, Paris) tưởng niệm giáo viên Samuel Paty, ngày 18/10/ 2020.  RFI/Alexandra Cagnard

Người truyền thụ cho học sinh "quyền tự do tư tưởng, tự do bày tỏ, tự do viết và tự do vẽ" đã bị một kẻ căm thù tự do hạ sát. "Cắt cổ một giáo viên, khủng bố Hồi giáo tấn công trường học, đúng vào tâm não", tựa của Le Monde. "Xúc động và giận dữ", tựa Le Figaro. "Đối mặt với nạn cuồng tín", trang nhất La Croix. Les Échos nói đến "Cuộc phản công cần thiết".

"Những người gieo mầm ý thức cộng hòa"

Mục "Mỗi ngày một sự kiện" của Les Échos ghi nhận vụ khủng bố nhắm vào thầy Samuel Paty cho thấy các giáo viên - thực thi sứ mạng "gieo mầm tinh thần cộng hòa trong mỗi tâm hồn trẻ thơ"đang phải đối mặt với những đe dọa sát hại tàn bạo. Nhưng nhật báo kinh tế Pháp cũng nhấn mạnh là "những người giáo viên của chúng ta không chỉ đứng trên tuyến đầu, mà họ cũng chính là thành trị cuối cùng bảo vệ chúng ta".

Tại sao lại là thành trì cuối cùng ? Bởi, cũng chính những người chiến sĩ tuyến đầu ấy là người giúp cho các thế hệ tương lai, tự do suy nghĩ, "miễn dịch" với các tuyên truyền cực đoan đủ loại, để giúp các thảm kịch như thế này không bao giờ xảy ra, như lời giải thích của nhà báo, nhà viết tiểu luận Caroline Fourest.

Bài xã luận của Libération mang tựa đề "Người hy sinh vì sứ mạng của nền Cộng hòa" nói đến một giáo viên được học sinh ngưỡng mộ, một người thầy truyền cho học sinh niềm khát khao học hỏi, ngay cả với những học sinh không thích đi học cũng trở nên chăm chú, chuyên cần, khi được học với "thầy Paty".

"Hai tuần lễ hận thù" dọn đường cho tội ác

Các báo Pháp tập trung làm sáng tỏ con đường dẫn đến tội ác man rợ hôm thứ Sáu 16/10. Xã luận La Croix, với tựa đề "Chống lại man rợ", bác bỏ một hướng suy nghĩ khá phổ biến trong xã hội, cho rằng thủ phạm là "một kẻ bệnh hoạn" hành động đơn độc, do bị ảnh hưởng bởi các tuyên truyền nhồi sọ nói chung trên mạng. Trong trường hợp người giáo viên ở Conflans-Sainte-Honorine bị sát hại, rõ ràng là có mối liên hệ trực tiếp giữa các kêu gọi trả thù mà một phụ huynh học sinh đưa lên mạng và hành động của kẻ sát nhân.

Le Figaro số ra hôm nay, dành một vị trí đặc biệt cho bài xã luận, vốn thường chỉ là hai khổ báo nhỏ, nằm ở phía dưới trang. Bài xã luận mang tựa đề "Những giọt nước mắt, những lời tưởng niệm. Nhưng sau đó thì sao ?" (dài gần trang báo hôm nay) khẳng định "trong vòng hai tuần lễ", Samuel Paty đã trở thành "đối tượng của một chiến dịch kêu gọi trả thù được tổ chức một cách kỹ lưỡng và hết sức kín đáo". Hành động tội ác đã hoàn toàn không diễn ra ngẫu nhiên, do một kẻ "tâm thần bất ổn" gây ra. Trong số những phần tử Hồi giáo cực đoan đừng đằng sau vụ này, có một "phụ huynh học sinh", cũng là một phần tử Hồi giáo cực đoan, vốn có mặt trong danh sách bị an ninh Pháp truy lùng. Thủ phạm hoàn toàn không phải là "một con sói cô độc", mà được cả một môi trường Hồi giáo cực đoan bao bọc.

"Quyền tự do mong manh"

Không phản đối việc tìm hiểu các nguyên nhân cụ thể dẫn đến vụ sát hại thầy giáo, cũng như môi trường dung dưỡng hành động tội phạm, Le Monde cho rằng các tranh luận về những vấn đề này là "cần thiết và không tránh khỏi trong mọi xã hội dân chủ", nhưng nhật báo Pháp muốn tập trung nhấn mạnh trên hết quyền tự do ngôn luận

Bài xã luận, mang tựa đề "Vụ người giáo viên bị cắt đầu ở Conflans-Sainte-Honorine : Đối mặt với đe dọa gieo rắc sợ hãi, cần bảo vệ quyền tự do ngôn luận", lưu ý là các "quyền tự do tư tưởng, tự do bày tỏ, tự do viết và tự do vẽ" đã liên tục bị tấn công từ nhiều năm nay. Tiếp theo vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo đầu năm 2015, là vụ thảm sát nhà hát Bataclan cuối năm 2015, rồi đến vụ những người tham dự ngày Quốc khánh 2016 tại Nice bị tàn sát… Không kể đến rất nhiều âm mưu khủng bố đã bị các lực lượng an ninh phá vỡ. Người Pháp không hình dung được đe dọa khủng bố rình rập mình đến mức nào, các quyền tự do căn bản đang trở nên mong manh như thế nào. Vụ thầy giáo sử - địa bị khủng bố giết hại đã một lần nữa nhắc lại điều này.

Theo Le Monde, vụ sát hại diễn ra đúng vào đêm trước ngày Paris và 8 đô thị lớn ban hành lệnh giới nghiêm, chống Covid-19, cho thấy rõ hai cuộc khủng hoảng mà người Pháp đang phải đối mặt: đe dọa khủng bố và đe dọa dịch bệnh. Hơn bao giờ hết, người dân không phân biệt nguồn gốc, quan điểm, tôn giáo cần đoàn kết để cùng nhau hành động.

Thế lực Hồi giáo cực đoan "tràn ngập" xã hội ?

Nhưng đoàn kết như thế nào ? Vẫn xã luận Le Figaro tỏ ra hết sức lo ngại trước tình trạng các thế lực Hồi giáo cực đoan tràn ngập khắp nơi. Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh đến việc Hồi giáo cực đoan có cả một tổ chức hoạt động công khai mang tên Tập hợp những người chống lại nạn kỳ thị Hồi giáo (CCFI), cũng như nhiều cơ sở bán chính thức và các chân rết ngầm, nhiều luật sư tài ba - ủng hộ lập trường Hồi giáo cực đoan - có cơ hội tiếp cận với thượng tầng quyền lực Nhà nước. Hồi giáo cực đoan cũng được nhiều doanh nghiệp chu cấp tài chính, những nhà giảng đạo có mặt khắp các thánh đường… giới Hồi giáo cực đoan còn có cả chỗ dựa trong nhiều đảng phái chính trị, nhiều phương tiện truyền thông, nơi truyền bá các quan điểm rất có lợi cho Hồi giáo cực đoan. Theo Le Figaro, để những phần tử như vậy trà trộn trong hàng ngũ những người tưởng niệm vị thầy giáo vừa hi sinh cho nền Cộng hòa là một điều "ô nhục"

Le Figaro khẩn thiết chất vấn : "Giờ đây ta phải làm gì ? Sau những giọt nước mắt và lời tưởng niệm, sau các diễn văn hùng hồn và các cuộc mít tinh… điều gì sẽ xảy ra ?". Theo Le Figaro, không có cách nào khác là phải đáp trả bằng một chính sách kiên quyết, "nói ít hơn và hành động nhiều hơn". Cụ thể là đóng cửa tất cả các thánh đường nào truyền bá lòng hận thù nhắm vào nước Pháp, trục xuất ngay tức khắc những giáo sĩ nước ngoài reo rắc hận thù, giải tán tổ chức CCIF và tất cả các tổ chức nhân danh cuộc chiến chống "kỳ thị đạo Hồi", để dung dưỡng Hồi giáo cực đoan. Hay chấm dứt tình trạng khoan dung với các phần tử Hồi giáo cực đoan nằm trong danh sách bị an ninh truy lùng, cấm các phần tử nằm trong danh sách bị theo dõi đảm nhiệm các nghề nghiệp nhạy cảm, như giáo viên, cho dù không phạm pháp. Tóm lại, theo Le Figaro, phải cứng rắn, bởi "mục tiêu cuối cùng của các phần tử Hồi giáo cực đoan không phải là chia rẽ xã hội Pháp, mà là thống trị, và áp đặt luật lệ của mình ở bất cứ nơi nào có tín đồ Hồi giáo". Theo Le Figaro, chính giới Pháp cho đến nay đã thiếu dũng cảm để hành động như vậy.

"Hiện tượng tự kiểm duyệt" khá phổ biến

Nhiều báo, như Le Monde hay Le Figaro, cùng nêu bật hiện tượng "tự kiểm duyệt" trong hoạt động giảng dạy, kéo dài từ nhiều năm nay, để tránh gặp rủi ro với các phần tử cực đoan. Bài "Từ nhiều năm nay, tôi không còn nói về kinh Coran : các giáo viên tự kiểm duyệt" trên Le Figaro, dẫn lời của một giáo viên tiếng Pháp tại một trường cấp hai cũng thuộc tỉnh Yvelines, nơi có người thầy bị sát hại. Jeanne kể lại, cho dù trong các bài giảng đầu tiên, nói về kinh Coran một cách chừng mực, cô đã nhận lại các phản ứng dữ dội của nhiều học sinh xuất thân từ các gia đình có giáo dục tôn giáo theo xu hướng cực đoan. Kể từ đó, người giáo viên trẻ quyết định ngừng nói về đạo Hồi, cho dù đây là một chủ đề nằm trong chương trình giảng dạy. Trải nghiệm của Jeanne được nhiều người chia sẻ.

Theo ông Jean-Rémi Girard, chủ tịch nghiệp đoàn quốc gia các trường cấp 2 và cấp 3 (Snalc), tình hình này đã tồn tại từ nhiều năm ở nhiều trường học, và không có gì đã được làm để bảo vệ giáo viên. Vụ sát hại thầy Paty đã đến "như một cơn sốc điện", đã khiến nhiều nạn nhân lên tiếng. Le Figaro dẫn thông tin của cựu tổng thanh tra Giáo dục Jean-Pierre Obin, ước tính của khoảng 40% giáo viên trên toàn quốc tự kiểm duyệt trước một số chủ đề nhạy cảm, nhưng không cho biết cụ thể là các chủ đề nào.   

Trả lời phỏng vấn Le Figaro, nhà xã hội học Dominique Schnapper, nguyên thành viên Hội đồng Bảo hiến, chủ tịch Hội đồng các cố vấn về thể chế thế tục (Conseil des sages de la laïcité), do bộ Giáo dục thành lập năm 2018, chỉ trích việc chính quyền nhắm mắt trước tình trạng ảnh hưởng gia tăng của Hồi giáo cực đoan trong nhà trường, từ 15 năm nay.

Đông đảo học sinh vẫn được học về tự do ngôn luận

Cũng về chủ đề tự kiểm duyệt, Le Monde có một tiếp cận khác, không tập trung thái quá vào sự đối kháng giữa giáo viên và học sinh được giáo dục trong môi trường Hồi giáo cực đoan, và cũng không quá tập trung vào vấn đề Hồi giáo. Lo ngại tự kiểm duyệt là có thực, và có nguy cơ sẽ phổ biến trong tương lai, nếu không có biện pháp. Nhưng theo nhiều nhân chứng, tại các trường cấp hai và cấp ba hiện nay, tự do ngôn luận vẫn tiếp tục được giảng dạy lồng ghép trong nhiều môn học, từ giáo dục đạo đức - ý thức công dân đến sử - địa. Vấn đề tự do ngôn luận là tâm điểm của chương trình giáo dục đạo đức - ý thức công dân. Đông đảo học sinh được học về quyền tự do ngôn luận qua các đề tài như tự do, bình đẳng, nền dân chủ…

Thầy Ben, dạy học từ hơn 20 năm nay tại một trường ngoại ô Paris, tỉnh Seine-Saint-Denis, nói một cách hào hứng : "Tôn trọng người khác, tiếp nhận và chia sẻ các giá trị của nền Cộng hòa, tiếp thu có phê phán thông tin trên truyền thông: với ba chủ đề nằm ở tâm điểm của chương trình, chúng tôi phải đối mặt với nhiều chủ đề nhạy cảm. Nhưng đối với người giáo viên, thì thật là hấp dẫn : chúng tôi có cơ hội đi sâu vào các lĩnh vực như luật pháp, thời sự và hiển nhiên là lịch sử".

Cô Christine Guimonnet, giáo viên một trường trung học ở Val-d’Oise, tổng thư ký Hiệp hội các giáo viên sử - địa, thì nhấn mạnh trước hết đến thời gian mà cô dành để học sinh trình bày quan điểm của mình về các nội dung lĩnh hội, mong đợi của các em, cũng như các vấn đề học sinh muốn được đào sâu. Tổng thư ký Hiệp hội các giáo viên sử địa Pháp cũng rất chú ý đến việc "nhiều học sinh trung học không theo tôn giáo nào" đã thường xuyên nhấn mạnh đến "thái độ tôn trọng cần phải có với các tôn giáo". 

Chống cuồng tín bằng tự do tư tưởng, hiểu biết về tôn giáo

Theo Le Monde, xu hướng "tự kiểm duyệt"  có nguy cơ sẽ phát triển trong tương lai, như ghi nhận của thầy Iannis Roder, giáo viên tỉnh Seine-Saint-Denis và thành viên Hội đồng các cố vấn về thể chế thế tục của do bộ Giáo Dục, một phần chủ yếu do việc người giáo viên "thiếu đào tạo" trong các lĩnh vực giảng dạy liên quan đến tự do ngôn luận. 

Libération cho rằng, để vinh danh tài năng sư phạm của thầy giáo quá cố Samuel Party, ngay đầu năm học tới, cần tổ chức một bài học về các bức biếm họa nhà tiên tri Mahomet cho 12 triệu học sinh. Rất cần làm điều này bởi nhiều thế lực không muốn các em được hưởng một nền giáo dục quá thế tục như vậy, được tiếp xúc với các giảng viên quá tự do như thầy Paty. 

Cũng như nhiều báo khác, nhật báo công giáo La Croix đặc biệt chú ý đến các giải pháp căn bản để ngăn ngừa các thảm kịch tương tự tái diễn. Theo La Croix, bên cạnh các biện pháp cứng rắn về pháp luật, việc hoàn thiện hệ thống đào tạo về tự do tư tưởng, tự do ngôn luận trong nhà trường vẫn là điều căn bản. Một lãnh đạo của nghiệp đoàn giáo viên Sgen-CFDT nhấn mạnh đến tình trạng khá phân tán của lĩnh vực đào tạo quan trọng này. Chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố, thượng nghị sĩ Nathalie Goulard, đảng UDI thì lưu ý đến việc cần đào tạo giáo viên và ban giám hiệu nhà trường về năng lực nhận dạng các phần tử cực đoan, để có "các biện pháp báo động và xử lý phù hợp". 

Nhật báo kinh tế Les Échos cũng thừa nhận các lỗ hổng của đào tạo hiện nay, khi chỉ có 6% giáo viên được đào tạo về thể chế thế tục (laïcité), một nguyên tắc nền tảng của nền Cộng hòa Pháp. Tình trạng kém đào tạo này cũng giải thích một phần nguyên nhân khiến Hồi giáo cực đoan có cơ hội xâm nhập mạnh mẽ vào nhà trường. Vẫn theo thầy Iannis Roder, thành viên Hội đồng các cố vấn về thể chế thế tục của bộ Giáo Dục, nếu hỏi các giáo viên "thể chế thế tục là gì", thì câu trả lời nhận được thường chỉ là "lập trường trung lập" về tôn giáo, hay chính trị. Thật quá ít ỏi so với một nguyên tắc được coi là nền tảng của chế độ Cộng hòa Pháp.

Nguyên tắc thế tục không đồng nghĩa với việc chống lại tôn giáo, bài trừ tôn giáo như không ít người lầm tưởng. Một trong các điểm quan trọng nhất của nguyên tắc thế tục là ứng xử với các tôn giáo như các tồn tại khách quan. Les Échos dẫn lời bộ trưởng Giáo Dục Jean-Michel Blanquer cho biết, ông đang muốn thúc đẩy giảng dạy về các tôn giáo, để học sinh hiểu rõ  hơn về "đạo Thiên Chúa, đạo Do Thái, đạo Hồi, đạo Phật, cũng như lịch sử chủ nghĩa vô thần và trào lưu tư tưởng tự do (la libre-pensée)", thông qua nhiều môn học, như văn học, triết học, tiếng Anh, bên cạnh môn lịch sử - địa lý. "Tất cả những hiểu biết này cần có mặt trong hành trang văn hoá của mỗi học sinh", bộ trưởng Giáo Dục Pháp khẳng định. 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 525 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)