Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/10/2020

Điểm báo Pháp - Chính phủ chuyển sang thế tấn công Hồi giáo cực đoan

RFI tiếng Việt

Pháp : Chính phủ chuyển sang thế tấn công Hồi giáo cực đoan

Nước Pháp vẫn còn chưa hết choáng váng với vụ khủng bố Hồi giáo cực đoan chặt đầu thầy giáo Samuel Paty tại tỉnh Yvelines. Sau một nước Pháp đầy xúc động với các cuộc tập hợp, tuần hành khắp cả nước tưởng nhớ thầy giáo bị khủng bố sát hại, giờ là một nước Pháp hành động, chủ động tấn công, không để thụ động trước khủng bố.

cucdoan1

Đông đảo người Pháp tập trung tại quảng trường Cộng hòa - République, Paris ngày 18/10/2020 để tưởng nhớ thầy giáo Samuel Paty, người bị khủng bố Hồi giáo sát hại dã man. Reuters – Charles Platiau

Trên trang nhất các báo Pháp hôm nay đều đề cập đến một chủ đề chung là hành động của chính phủ sau vụ khủng bố man rợ mà thủ phạm đã được chỉ rõ là Hồi giáo cực đoan.

Nhật báo Le Monde chạy tựa trang nhất : "Hồi giáo cực đoan : Macron hứa "hành động cụ thể". Tựa chính của Le Figaro : "Hồi giáo cực đoan : Chính phủ muốn đáp trả cứng rắn". Tương tự, trang nhất Libération phủ hàng tựa lớn, nhấn mạnh : "Khủng bố : Đến lúc đáp trả".Trong khi đó, La Croix chạy tựa : "Hồi giáo cực đoan vùng xám".

Các báo đều dành nhiều bài viết để phản ánh quyết tâm hành động của chính phủ trước đòi hỏi của dư luận xã hội về việc Pháp cần phải có ngay những biện pháp mạnh mẽ bài trừ những phong trào Hồi giáo cực đoan. Xã luận của Le Monde mang tiêu đề "Để không còn phải chết vì dạy học"Bài viết kêu gọi cần phải ủng hộ mạnh mẽ các nhà giáo, coi họ là những người trên tuyến đầu chống Hồi giáo cực đoan, giống như nhân viên y tế là những người trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19. Cả nước, mỗi người dân phải đoàn kết với đội ngũ giáo viên, ủng hộ họ thay vì làm họ trở nên yếu ớt, bảo vệ họ thay vì chỉ trích họ, nhằm bảo đảm ở Pháp sẽ không bao giờ có ai chết vì dạy học.

Trong khi đó, Le Figaro đặt câu hỏi : "Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Khẩu hiệu đó sắp tới sẽ ra sao nếu nước Pháp cứ cúi mình ?". Để chống lại có hiệu quả chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nước Pháp cần phải được vũ trang lại toàn bộ, từ trong  suy nghĩ cho đến hệ thống pháp luật, chính sách nhập cư, quyền tị nạn, quyền của trẻ vị thành niên… và phải hành động một cách thực dụng thì nước Pháp mới có thể chiến thắng được Hồi giáo cực đoan và những kẻ cuồng tín vốn dĩ chỉ muốn nước Pháp phải câm lặng. Điều quan trọng là các nhà chính trị Pháp không chỉ hô hào bằng lời nói mà phải bằng hành động cụ thể, không còn theo kiểu nửa vời. Từ tổng thống Emmanuel Macron cho đến bộ trưởng Nội vụ trong những ngày qua đã cố gắng tỏ rõ quyết tâm đưa ra những biện pháp cụ thể để chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, Le Figaro ghi nhận.  

Trong khi đó, xã luận Libération viết : "Sau các cuộc tập hợp cuối tuần qua để tưởng nhớ đến thầy giáo sử - địa Samuel Paty, và trước ngày tưởng niệm toàn quốc dành cho ông ngày mai, chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm chống khủng bố Hồi giáo. Bắt giữ, trục xuất những thành phần nguy hiểm, đe dọa cấm một số tổ chức hiệp hội, Emmanuel Macron đã yêu cầu tại cuộc họp Hội đồng Quốc phòng tối Chủ nhật là cần phải có "những hành động cụ thể". Nhưng "sự đáp trả an ninh cần thiết chỉ có thể thực hiện với sự hỗ trợ của một thứ vũ khí khác : luật pháp,  luôn là luật pháp… Luật pháp cũng như văn hóa, giáo dục, đó là những thứ thuốc giải độc bổ trợ không thể thiếu cho kho vũ khí trấn áp".

Còn xã luận của La Croix nhấn mạnh : Thực tế những gì đã xảy ra cho thấy  cần phải phân định rõ giữa Hồi giáo và Hồi giáo cực đoan.  "Nhiệm vụ sẽ khó khăn, đòi hỏi phải rất kiên trì", La Croix kết luận.

Bầu cử Mỹ 2020 : Chuyển biến trong cử tri có thay đổi kết quả bầu cử ?  

Chuyển qua phần thời sự quốc tế khác : Chỉ còn hơn chục hôm nữa đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ, những biến chuyển hàng ngày ở nước Mỹ vẫn liên tục được các báo Pháp quan tâm theo dõi.

Nhật báo Le Monde có bài viết với tựa đề khá lạ : "Khi California "xuất khẩu" các cử tri".Bài báo đề cập đến việc thời gian gần đây rất đông người dân của bang rộng lớn có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ đã chuyển đến sống tại các bang vốn là thành lũy của phe Cộng hòa như Texas, Arizona hay Nevada. Sự biến động dân cư này đang là yếu tố có thể làm thay đổi cán cân lực lượng cử tri trong cuộc bỏ phiếu tới đây ở nhiều bang. Tờ báo cho biết, từ năm 2007 đã có 7 triệu người dân California chuyển đến sinh sống ở các bang miền tây nước Mỹ. Sự biến động dân cư đã dẫn đến những chuyển biến rõ nét. Trong các cuộc bầu cử ở các địa phương này thời gian qua, phe Dân chủ có xu hướng lấn dần sân của phe Cộng hòa. Đây là một trong những yếu tố quan trọng mà phe Cộng hòa sẽ phải tính đến trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Trong một bài viết khác, Le Monde ghi nhận tại Mỹ có "Ba mươi hai triệu cử tri gốc La-tinh" và phe Dân chủ hy vọng huy động được lực lượng cử tri của sắc dân thiểu số hàng đầu đất nước này, đặc biệt là giới trẻ và phụ nữ. Bài báo cũng ghi nhận là thách thức chủ yếu là vận động để các cử tri gốc La-tinh đăng ký vào danh sách đi bầu cử vì tỷ lệ nhóm cử tri này tham gia bầu cử ở Mỹ thường vẫn rất thấp.   

Chuyển qua báo Le Figaro, tờ báo ghi nhận hai tuần trước ngày bầu cử, Donald Trump vẫn tiếp tục tự tin sẽ chiến thắng, chưa có gì khẳng định ông sẽ bị thất cử cho dù ứng cử viên Dân chủ vẫn đang đầy hy vọng giành thắng lợi. Trong lúc mà thất bại bất ngờ trong kỳ bầu cử tổng thống 2016 trước Donald Trump vẫn còn ám ảnh phe Dân chủ, tờ báo viết : "Hai tuần trước ngày đi bầu. Kỳ bầu cử tổng thống kỳ lạ diễn ra trong bối cảnh chưa từng có của đại dịch và khủng hoảng kinh tế, cả phe Cộng hòa cũng như Dân chủ đều bị ám ảnh bởi cuộc bầu cử 2016".

Đảng Cộng hòa thì hy vọng lặp lại chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trước Hillary Clinton, khi đó vẫn được các cuộc thăm dò cho kết quả thắng. Còn đảng Dân chủ lúc này thì lại lo sợ gặp lại kịch bản thảm họa là thắng số phiếu phổ thông nhưng lại thua về số đại cử tri. Trong các cuộc thăm dò dư luận hiện tại, ứng viên Joe Biden luôn dẫn trước Donald Trump 11 điểm, gần giống như những gì đã xảy ra với ứng viên Dân chủ 4 năm trước, đến sát bầu cử bà Hillary Clinton luôn dẫn trước đến 10 điểm thăm dò nhưng kết cục thì như đã thấy. Vì thế, các viện thăm dò thì cứ thăm dò, còn không nhà chính trị, bình luận hay nhà báo nào dám khẳng định hay dự báo trước điều gì. Nhất là dù có hơi bị hao hụt chút năng lượng, ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump với tính cách đặc biệt không giống ai vẫn tiếp tục khiến những người ủng hộ ông phát cuồng.

Trung Quốc cố hồi phục sau đại dịch

Liên quan đến Châu Á, báo Libération trở lại Trung Quốc với bài phóng sự dài "Vũ Hán trở lại từ từ với cuộc sống"Bài phóng sự cho thấy, cái tên Vũ Hán đã gắn một cách đáng buồn với Covid-19. Thành phố lớn này giờ đây đang cố gắng tìm cách thu hút trở lại các du khách nội địa, hiện vẫn không thể ra khỏi Trung Quốc. Thành phố Vũ Hán mở cửa miễn phí hầu hết các tụ điểm du lịch, nới lỏng các biện pháp y tế phòng dịch. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, thành phố từng bị coi là cái nôi của virus corona này vẫn còn bị ám ảnh vì nỗi sợ hãi dịch bệnh. Vũ Hán đang cố gắng trở lại với cuộc sống bình thường, nhưng sẽ còn phải rất nhiều thời gian nữa đại dịch này mới có thể lùi vào quá khứ.

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, các trang báo kinh tế của le Figaro cũng như Les Echos đều chú ý tới việc kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi, tìm lại được tăng trưởng. Sau quý đầu năm sụt giảm nặng nề do dịch bệnh, trong hai quý liên tục vừa rồi, GDP của nước này đã tăng trở lại 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc giờ là nước duy nhất trên thế giới bị dịch Covid-19 nhưng thoát được suy thoái trong năm 2020. Trung Quốc dường như bắt đầu giành lại thị trường xuất khẩu, đặc biệt nhờ bán các sản phẩm, trang thiết bị y tế. Le Figaro gọi đó là "hiệu ứng Covid" tích cực với Bắc Kinh.

Ấn Độ : Miền đất hứa mới cho GAFA

Trở lại với trang kinh tế của Le Monde, tờ báo có bài viết :"GAFA đổ xô đến Ấn Độ". Bài viết ghi nhận một thực tế đang diễn ra là các ông chủ của những đại tập đoàn tin học hàng đầu thế giới của Mỹ : Google, Apple, Facebook, Amazon đang đầu tư hàng núi tiền vào các doanh nghiệp công nghệ cao ở Ấn Độ, thị trường lớn chỉ sau Trung Quốc. Lý do khiến những người khổng lồ này đi tìm một thị trường mới là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, môi trường kinh tế ở Ấn Độ cũng cởi mở hơn so với Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ chưa hẳn đã là miền đất hứa mới cho những ông lớn công nghệ số của Mỹ. Bởi lẽ Ấn Độ là đất nước rộng lớn, đông dân nhưng kinh tế lại yếu kém, người nghèo còn quá đông, môi trường chính trị, xã hội phức tạp.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 520 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)