Bi kịch Pháp
Tờ báo thiên hữu Le Figaro vẫn đặc biệt chú ý đến vụ khủng bố Hồi giáo sát hại một cách man rợ thầy giáo sử-địa Samuel Paty. Trên trang nhất, nổi bật trên nền bức ảnh lễ tưởng niệm quốc gia tối hôm qua tại khuôn viên đại học Sorbonne Paris là hàng tựa "Và bây giờ, chúng ta làm gì ?". Bên dưới là bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn : "Bi kịch Pháp".
Tối hôm qua, nguyên thủ Pháp Macron đã vinh danh thầy giáo Samuel Paty là "gương mặt mới của nền Cộng Hòa", nhưng thực tế sẽ cho thấy truyền thông rồi lại sẽ quên đi thầy giáo Samuel Paty và danh sách dài các nạn nhân của Hồi giáo cực đoan. Kể từ vụ khủng bố 11/09/2001 tại Mỹ, kể từ vụ khủng bố Mohamed Merah, những buổi lễ tưởng niệm, sự phẫn nộ, những lời tuyên bố đều tan biến trong các cuộc đấu tranh chống tư tưởng bài Hồi giáo, chống nạn bạo lực cảnh sát, chống nạn phân biệt đối xử.
Theo cây bút xã luận của Le Figaro, trong suốt 20 năm qua, chính những ý tưởng điên rồ đó đã ngăn cản các định chế của Pháp hành động. Sự lảng tránh không chỉ có trong ngành giáo dục, mà ở khắp nơi, trong nội các, ở các cơ quan hành chính, tòa soạn, nhà thờ, bệnh viện, đồn cảnh sát, doanh nghiệp… Nỗi lo sợ chạm phải những đề tài cấm kỵ đã triệt tiêu mọi hành động. Tác giả bài viết nhấn mạnh, từ nay trở đi, ở mọi nơi, mọi lúc, dũng khí đầu tiên mà người Pháp cần có là nói ra những gì họ thấy, những gì họ trải qua và những gì họ sợ. Trên hết, đó chính là Nhà nước pháp quyền.
Theo điều 2 của Tuyên ngôn Nhân quyền, nhân quyền là quyền có tự do, quyền sở hữu, được đảm bảo an ninh và chống lại áp bức. Samuel Paty đã bị tước đoạt những quyền đó. Quyền tự do ngôn luận bị suy giảm do mối hăm dọa từ xã hội, tư pháp... Còn sự an toàn ? Khả năng chống lại áp bức ? Đối với cây bút xã luận của Le Figaro, ai cũng biết kết cục tồi tệ của cái mà ông gọi là "bi kịch Pháp".
Sự phát triển quá mức của các quy tắc, sự gia tăng quyền lực của các thẩm phán, án lệ của các tòa án của Liên Hiệp Châu Âu theo hướng không được làm những gì có thể coi là tạo nguy cơ cho người vô tội lại là một "chiếc áo chống đạn" cho thủ phạm, là "kho vũ khí pháp lý" mà các phần tử Hồi giáo cực đoan sử dụng làm lợi thế chống lại những người mà họ muốn diệt trừ. Hồi giáo cực đoan dùng dao, dùng súng chống lại nước Pháp, còn nước Pháp lại cung cấp phương tiện bảo vệ những kẻ như vậy !
Cả Châu Âu kháng cự làn sóng Covid thứ hai
Báo Le Monde hôm nay đặc biệt quan tâm đến dịch Covid-19 tại Châu Âu, chạy tựa trang nhất : "Dịch bệnh : Châu Âu dần dần phong tỏa trở lại". Trong bài xã luận "Covid-19 : Kháng cự trước làn sóng thứ hai ở Châu Âu", Le Monde nhận định làn sóng dịch thứ hai đã ập đến, Châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch và lần này, khác với đợt dịch bùng phát lần đầu, không một nước nào thoát khỏi virus corona, kể cả khu vực Trung Âu.
Trong khi dịch Covid ở Ấn Độ, Brazil và Mỹ đang giảm dần, thì số ca nhiễm thường nhật tại Châu Âu còn cao hơn cả số ca nhiễm ở ba nước trên cộng lại. Trong các bệnh viện, số bệnh nhân nhập khoa hồi sức tăng vọt, số ca tử vong hàng tuần cũng lên cao bằng hồi giữa tháng Năm vừa qua. Tuy nhiên, theo Le Monde, mặc dù vẫn chưa có vac-xin ngừa bệnh và cũng chưa có phương thuốc chữa trị hiệu quả, nhưng may mắn là so với hồi mùa xuân, hiện giờ các biện pháp rào cản được chú ý hơn, khả năng xét nghiệm tầm soát cũng tăng đáng kể, việc chăm sóc chữa trị cho các ca bệnh nặng cũng đạt nhiều tiến triển.
Trong làn sóng dịch thứ nhất, đa phần các nước đều chấp nhận hy sinh kinh tế để ưu tiên bảo vệ sức khỏe, nhưng hiện nay các quốc gia đều tìm cách dung hòa, đảm bảo các biện pháp dịch tễ đủ hiệu quả để làm giảm đà lây lan của dịch bệnh, nhưng vẫn bảo vệ được tối đa các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, theo Le Monde, trong giai đoạn này, chưa có nước nào tìm ra giải pháp lý tưởng. Nếu xứ Wales tái phong tỏa 2 tuần, Ailen tái phong tỏa 6 tuần, thì phần còn lại của Châu Âu tìm đủ cách tránh bị tái phong tỏa toàn diện, bằng cách chỉ phong tỏa từng phần lãnh thổ, ra lệnh giới nghiêm hoặc đóng cửa quán rượu, nhà hàng …
Thế nhưng, chính những điều này lại cho thấy, chính phủ 27 nước thành viên Liên Âu mới chỉ tập trung vào tái thiết kinh tế chứ chưa tranh thủ giai đoạn dịch bệnh tạm lui vào mùa hè vừa qua để rút ra các bài học từ làn sóng dịch thứ nhất, đặc biệt là về việc hợp tác giữa các nước trong Liên Hiệp. Ngoài nỗ lực chung để đảm bảo người dân ở tất cả các nước đều được tiêm chủng nếu có vac-xin ngừa Covid, việc hợp tác về y tế vẫn là chưa đủ. Đối với Le Monde, để cùng nhau đối phó với làn sóng dịch thứ hai, Liên Âu có thể làm tốt hơn nữa và cũng cần làm tốt hơn thế.
Bầu cử tổng thống Mỹ 2020 : Sẵn sàng cho tất cả
Về bầu cử tổng thống Mỹ, ngoài 3 trang phóng sự, tờ báo thiên tả Libération còn có bài xã luận "Sẵn sàng cho tất cả". Ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden vẫn đang dẫn trước Donald Trump trong các cuộc thăm dò. Về mặt logic, nếu Joe Biden không phạm sai lầm lớn nào trong cuộc tranh luận sắp tới, ông sẽ thắng cử. Nhưng Libération cũng lưu ý "chấn thương" của năm 2016 vẫn còn đó ! Chưa có kết quả bầu cử thì vẫn chưa có gì là chắc chắn. Sau bốn năm nhiệm kỳ "cuồng loạn" và "thất thường", ai cũng biết Donald Trump đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho đến giây phút cuối cùng, để giành ưu thế trước đối thủ Joe Biden.
Nếu thế giới không bị virus corona càn quét thì vị tổng thống đương nhiệm của Mỹ hoàn toàn có thể sẽ được bầu lại mà không cần lo ngại gì. Nhưng cách ông Trump xử lý thảm họa dịch bệnh, khiến hơn 200.000 thiệt mạng trong vòng 9 tháng và làm bốc hơi các thành quả kinh tế, đã khiến sức mạnh của Donald Trump tiêu tan.
Tuy nhiên, cây bút xã luận của Libération cũng khách quan nhận xét : Nếu Joe Biden đắc cử thì không hẳn là nhờ ông ấy mang lại sự phấn khích cho cử tri, mà là vì cử tri cự tuyệt Donad Trump. Nhiệm vụ đang chờ đợi đại diện của phe Dân Chủ, nếu ông Biden đắc cử, là rất lớn : không chỉ phải khắc phục hậu quả kinh tế và sức khỏe do đại dịch gây ra, mà còn phải hòa giải "hai nước Mỹ" hiện giờ đang "bị chia rẽ".
Ô nhiễm không khí và "cái giá đắt" cho các thành phố ở Châu Âu
Về môi trường, Le Monde có bài viết đáng chú ý : "Cái giá nặng nề về kinh tế từ ô nhiễm không khí". Ô nhiễm không khí khiến 400.000 người chết sớm ở Châu Âu mỗi năm. Nhưng không chỉ có vậy ! Theo một nghiên cứu mới về chất lượng không khí được thực hiện cho Liên Hiệp Châu Âu vì sức khỏe cộng đồng (EPHA) và được công bố hôm 21/10, 423 thành phố ở Châu Âu mỗi năm thiệt hại tổng cộng hơn 166 tỉ euro do ô nhiễm không khí. Nếu tính theo đầu người, mức độ thiệt hại trung bình là 1000/dân/năm, tức 4% GDP bình quân đầu người, tỉ lệ này có thể lên tới 10% ở nhiều thành phố của Romania, Bulgary và Ba Lan, đặc biệt do các nhà máy nhiệt điện than.
Nghiên cứu cho thấy có sự bất bình đẳng giữa các thành phố. Thành phố bị tác động nhiều nhất là Luân Đôn, mất 11,3 tỉ euro/năm, tiếp theo là Bucarest (6,3 tỉ euro), Berlin (5,2 tỉ euro). Paris đứng ở vị trí thứ 7 (3,5 tỉ euro). Nhưng nếu tính trên quy mô dân số, thủ đô Bucarest của Romania là thiệt hại nặng nề nhất (3.000 euro/năm/người), tiếp theo là Milano (2.800 euro), Warsawa (2.433 euro). Tính riêng 67 thành phố của Pháp, Paris chịu thiệt hại nặng nhất (1602 euro/người).
Về nguyên nhân gây ô nhiễm, nhìn chung giao thông đường bộ là nguồn thải khí độc hại nhiều nhất ở các thành phố lớn. Ba chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn, dioxyd azot và ozon. Mỗi loại chất gây ô nhiễm đều kéo theo nhiều chi phí xã hội-kinh tế tốn kém để khắc phục hậu quả, chẳng hạn chi phí y tế để chữa trị bệnh hen suyễn hoặc viêm phế quản ở trẻ nhỏ, các bệnh về đường hô hấp và tim mạch…
Nhật Bản : Tỷ lệ phụ nữ tự tử tăng vọt
Trong lĩnh vực xã hội, nhìn sang Châu Á, báo công giáo La Croix đề cập đến nạn tự vẫn gia tăng tại Nhật Bản, nhất là ở nữ giới. Trong bài viết "Tại Nhật Bản, tỷ lệ tự tử ở phụ nữ tăng vọt", thông tín viên báo La Croix tại Tokyo cho biết, kể từ tháng 7, số vụ tự tử vốn dĩ đã giảm dần trong những năm gần đây, lại tăng 45% ở phụ nữ và 55% ở giới trẻ dưới 30 tuổi. Khủng hoảng y tế, nạn thất nghiệp và tình trạng bấp bênh của phụ nữ giải thích cho sự bùng nổ số vụ tự tử.
Sau 15 năm giảm (sau kỷ lục 34.427 trường hợp vào năm 2003), tỉ lệ tự tử gia tăng khiến giới chức y tế Nhật Bản lo lắng. Tại Cơ quan phòng chống nạn tự tử của thành phố Tokyo, không ai che giấu thái độ thất vọng. Các chuyên gia về nạn tự tử trong các cơ quan xã hội hoặc các hiệp hội phi chính phủ vẫn đang bối rối trước những con số khủng khiếp nói trên. Mặc dù dịch coronavirus và những lo ngại mà dịch bệnh gây ra có thể tác động đến người dân, nhưng các chuyên gia cho cho rằng còn có những nguyên nhân khác, chẳng hạn làn sóng tự tử trong giới biểu diễn và điện ảnh trong những tháng gần đây.
Bác sĩ Chiaki Kawanishi, giáo sư về tâm thần học tại đại học Y Sapporo (Hokkaïdo), còn cho rằng chính phủ Nhật đã thất bại trong việc khắc phục bất bình giới, khiến vị thế của phụ nữ không được cải thiện nhiều. Năm 2019, mức lương của phụ nữ vẫn thấp hơn 30% so với nam giới. Nhiều phụ nữ phải làm những công việc không an toàn, lương thấp và dễ bị sa thải trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.
Thùy Dương