Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/10/2020

Điểm báo Pháp - Covid-19 : làn sóng dịch thứ 2

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Trước làn sóng dịch thứ 2, Pháp không loại trừ trở lại phong tỏa

Nước Pháp chuẩn bị siết chặt thêm các biện pháp đối phó với làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 ngày thêm dữ dội; căng thẳng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ-Pháp lên cao, lợi ích của Pháp ở Trung Đông bắt đầu bị tấn công ; bầu cử tổng thống Mỹ, cuộc đua của hai ứng cử viên Trump- Biden bước vào chặng nước rút gay cấn. Trên đây là những chủ đề chính của các báo Pháp ra hôm nay.

covi1

Các bác sĩ chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 trong một phòng điều trị tích cực của bệnh viện Robert Ballanger, ngoại ô Paris. Ảnh chụp ngày 26/10/2020.  Reuters- GONZALO FUENTES

"Covid : Pháp chuẩn bị siết chặt thêm" là hàng tựa lớn trang nhất nhật báo Le Figaro và cũng là tựa mà độc giả có thể bắt gặp ở khắp các phương tiện truyền thông Pháp hôm nay. Trước tình hình mỗi ngày có thêm hàng chục nghìn ca nhiễm, lệnh giới nghiêm dường như không đủ để ngăn chặn đà lây lan của virus corona, liên tiếp trong ngày hôm nay và ngày mai, tổng thống Macron triệu tập hai cuộc họp khẩn với Hội Đồng Quốc Phòng về y tế để tìm các biện pháp nghiêm ngặt hơn để đối phó với đà lây lan của Covid -19.

Theo Le Figaro, cuối tuần qua, tổng thống Pháp Macron đã phát biểu rằng "không có sự lựa chọn nữa", tình hình y tế của cả nước đang nghiêm trọng, trước sự bùng lên của trận dịch "không còn kiểm soát được". Trong tuần này, chính phủ phải thông báo các biện pháp siết chặt hơn nữa để đối phó với làn sóng dịch thứ 2. Có nhiều kịch bản giải pháp đã được đặt lên bàn : Bắt đầu lệnh giới nghiêm sớm hơn ; Toàn bộ dân cư có thể bị phong tỏa trong những ngày cuối tuần ; Cho phong tỏa toàn bộ trong nhiều tuần ở các vùng dịch đang bùng nổ. Khả năng lựa chọn của chính phủ không nhiều, trong lúc họ phải cân nhắc giữa một bên là sức khỏe người dân và một bên là kinh tế. Nếu một lần nữa đặt cả nước trong phong tỏa thì sẽ là một "tai họa cho kinh tế". Đây chính là điều khiến chính phủ đau đầu.

Nhật báo Les Echos ghi nhận : "Covid : làn sóng dịch thứ 2 dữ dội buộc Macron ra các biện pháp thắt chặt mới". Theo tờ báo thì tình hình chưa bao giờ nghiêm trọng như thế này kể từ đợt dịch thứ nhất mùa xuân vừa rồi. Làn sóng dịch thứ 2 mới bắt đầu đã tăng tốc mạnh chưa từng thấy, có ngày ghi nhận thêm 52 nghìn ca nhiễm mới, buộc chính phủ và tổng thống Macron phải hành động ngay. Còn báo Le Monde nhận thấy, "khi mối hoài nghi về các biện pháp xử lý khủng hoảng dịch của chính phủ vẫn ngày càng lớn, tổng thống Macron buộc phải chứng tỏ là một tổng thống quyết đoán, thậm chí độc đoán".

Làn sóng dịch thứ 2 dâng trào khắp Châu Âu

Các báo cũng ghi nhận, không chỉ riêng nước Pháp đang phải hứng chịu đợt bùng phát dữ dội của virus corona mà cả Châu Âu. Có thể nói là khắp châu lục, các nước đều đã và đang khẩn trương ban hành những biện pháp nghiêm ngặt, đồng thời vẫn cố gắng tìm cách duy trì hoạt động kinh tế.

Phong tỏa, không còn là kiêng kỵ nữa. Một số nước như Ý đã áp dụng phong tỏa cục bộ từng vùng. Tây Ban Nha thì siết thêm lệnh giới nghiêm… Các báo đều có chung nhận xét "những tháng tới dự báo sẽ còn rất khó khăn". Báo Le Monde chạy tựa : "Châu Âu căng thẳng trước viễn ảnh tái phong tỏa". Căng thẳng với tốc độ bùng phát của dịch bệnh, lo lắng kinh tế đất nước suy sụp vì các biện pháp chống dịch, trong khi đó ở một số nước như Ý và Ba Lan, việc xử lý khủng hoảng y tế cùng các biện pháp giới hạn tự do bị chỉ trích, thậm chí còn bị một bộ phận dân chúng phản đối.

Khi Erdogan nhân danh người bảo vệ đạo Hồi

Chuyển qua với một thời sự khác đang nóng thêm từng ngày ở Pháp, nhưng liên quan đến ngoại giao. Vài câu lăng mạ của ông Recep Tyyip Erdogan nhắm vào đồng nhiệm Emmanuel Macron đã đẩy căng thẳng quan hệ Pháp – Thổ, vốn đã nhiều bất hòa, lên một nấc mới.

Nhiều tờ báo đều cố gắng lý giải "Vì sao Erdogan công kích thô bạo Macron", tựa chính của Le Monde. Trong khi La Croix đặt câu hỏi : Vì sao Erdogan nhằm vào nước Pháp".

Quan hệ Paris – Ankara thời gian gần đây đã có không ít căng thẳng trên nhiều hồ sơ địa chính trị khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ của tổng thống Erdogan không ngừng bành trướng ảnh hưởng, hành động ngạo mạn. Căng thẳng bùng lên khi tổng thống Erdogan liên tiếp có các phát biểu sỉ vả ông Emmanuel Macron bị thần kinh chỉ vì tổng thống Pháp khẳng định quan điểm bảo vệ tự do ngôn luận xung quanh các tranh biếm họa đấng tiên tri Mohamed của người Hồi giáo liên quan đến vụ khủng bố chặt đầu thầy giáo Samuel Paty vừa xảy ra tại Pháp hôm 16/10 vừa qua.  

Xã luận báo Le Monde đặt câu hỏi : Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm gì ? Trước tiên ông tìm cách khuấy thêm các xung đột ở bên ngoài và để xuất hiện trước dân chúng trong nước như là một người kiến tạo một đế chế Ottoman mới, trong lúc Erdogan đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chính trị ở bên trong. Ở bên ngoài, Tayyip Recep Erdogan muốn chứng tỏ mình là người bảo vệ chính cho thế giới Hồi giáo, nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Saudi Arabia.

Theo tờ báo, phản ứng thô lỗ của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn thể hiện sự hậm hực trước việc Paris đang chuẩn bị một dự luật về Đạo Hồi, điều đó sẽ ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ gây ảnh hưởng trong cộng đồng người Hồi giáo tại Pháp.

Theo Le Monde"Pháp, trên tuyến đầu ở phía đông Địa Trung Hải, không thể bị đơn độc đối mặt với chính sách phiêu lưu của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ". Các lãnh đạo Châu Âu đã lên tiếng bày tỏ đoàn kết ủng hộ Pháp, đây là điều quan trọng. Tờ báo kêu gọi lãnh đạo các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt là Đức, phải lên tiếng, cũng như tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg đã tỏ lập trường cứng rắn hơn trước những hành động lệch lạc của Ankara trong liên minh này.

Cũng về hồ sơ này, nhật báo công giáo La Croix  đồng quan điểm với các báo khác, cho rằng việc "tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đả kích thô bạo ông Emmanuel Macron còn nhằm cố gắng chia rẽ Châu Âu và che giấu những thất bại kinh tế, cũng như quân sự". Xã luận La Croix khẳng định : Tất cả những việc làm thái quá, ngang ngược của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua chỉ có thể được coi như là cơn bốc đồng của một lãnh đạo dân túy đang suy yếu.

Mặc dù bị lên án vì những phát ngôn thóa mạ đồng nhiệm Pháp, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không lùi bước. Ông còn khuấy động làn sóng bài Pháp ở khắp nơi trong thế giới Hồi giáo và đặc biệt trong vùng Ả rập.

Nhật báo Les Echos ghi nhận : "Kêu gọi tẩy chay : Ankara tiếp tục cuộc tấn công Paris". Lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp của ông Erdogan đã kích động được ít nhiều ở các nước Hồi giáo Ả rập. Nhật báo Libération nhận thấy phong trào bài Pháp ở các nước Ả rập tuy quy mô mới manh nha, phản ứng ở từng nơi có khác nhau tùy theo tính chất quan hệ chính trị và ngoại giao với Paris. Ở chiều ngược lại đang hình thành ở khu vực Trung Cận Đông một trục chống Thổ bảo vệ Pháp, đi đầu là Ai Cập và Saudi Arabia.

Bầu cử tổng thống Mỹ : Cuộc đua tập trung ở vài bang chủ chốt

Một chủ đề thời sự khác mà các báo Pháp không để bỏ qua lúc này là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, chỉ còn một tuần nữa sẽ chính thức diễn ra.

Le Figaro ghi nhận, trong chặng cuối cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, hai đối thủ Trump-Biden vẫn tiếp tục bám sát nhau. Nhưng hơn thua giữa hai đối thủ vẫn sẽ chỉ được phân định ở một vài bang.

Các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu của những ngày này vẫn cho kết quả ứng cử viên đảng Dân chủ vượt trên ứng viên đảng Cộng hòa với khoảng cách cả chục điểm trên phạm vi toàn quốc. Điều này cũng giống như kỳ bầu cử tổng thống 2016. Lần này cũng vậy, chiến trường phân định thắng thua vẫn chỉ ở một vài bang chủ chốt.

Nhưng theo Le Figaro, ở ít nhất 3 bang chủ chốt như Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, Donald Trump đang thu hẹp khoảng cách, Joe Biden chỉ còn vượt trên Donald Trump có 3 điểm. Đây cũng là 3 bang mà ông Trump đã giành chiến thắng cách đây 4 năm. Ứng viên Dân chủ cũng đang mất dần ưu thế ở 3 bang miền nam : Florida, Georgia và Bắc Carolina.

Tình hình ở các bang quyết định khác cũng đang biến động lên xuống khó lường. Chính vì thế mà cả hai ứng viên trong tuần qua đã dồn tổng lực vận động ở các bang chiến trường. Ông Trump thậm chí có ngày làm tới 2-3 cuộc mít tinh tranh cử. Phe Dân chủ huy động cả cựu tổng thống Obama vào cuộc. Đường đua càng ngắn lại thì càng thêm gay cấn. Không một dự báo nào có thể đáng tin cậy.

Xã luận của Le Figaro phân tích chút hy vọng cho cả 2 đối thủ. Tờ báo đặt câu hỏi : Liệu nước Mỹ có thay đổi so với kỳ bầu cử 2016 ? Thái độ miệt thị coi thường giới chính trị của ông Trump đã mất hẳn chưa ? Không có gì bảo đảm, nếu cứ nhìn vào sự phấn khích của những người ủng hộ vị tổng thống sắp mãn nhiệm thì thấy không có dấu hiệu nào chứng tỏ ông Doanld Trump đang suy yếu. Tuy nhiên kỳ bầu cử này diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn khác cách đây 4 năm. Có điều cần ghi nhận : Trump vẫn là Trump, nhưng Joe Biden không phải là Hillary Clinton. Ứng viên Dân chủ hiện tại không bị ghét bằng cựu ngoại trưởng của Barack Obama. Ý thức được điểm yếu, ông Biden tỏ ra kín đáo một cách khéo léo, tận dụng tối đa sự chán trường, mệt mỏi của người dân Mỹ. Trump lúc này đang phải chiến đấu với chính mình.

Còn nhật báo Les Echos thì đề cập đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dưới khía cạnh kinh tế qua bài viết ghi nhận bảng thành tích kinh tế của Trump bị Covid 19 phá hỏng. Kinh tế là vũ khí chủ đạo để giúp ông Donald Trump tái đắc cử. Thế nhưng, trận đại dịch virus corona tràn vào nước Mỹ đang cản trở tham vọng của ông Trump. Đồng thời, việc phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nhằm mục tiêu là bảo hộ kinh tế Mỹ, nhưng chính nó đã làm thâm hụt ngân sách, tăng trưởng chậm lại và làm kinh tế Mỹ bị suy yếu, Les Echos dựa trên các số liệu của viện nghiên cứu Oxford Economic khẳng định.

Trong một bài viết khác, Les Echos cho rằng trong 4 năm làm tổng thống, ông Trump đã "không làm biến đổi được nước Mỹ như ông hứa hẹn nhưng ông đã thành công trong việc làm biến đổi diện mạo, cục diện thế giới".

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 490 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)