Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/10/2020

Điểm báo Pháp - Covid-19 "vuột khỏi tầm kiểm soát"

RFI tiếng Việt

Covid-19 "vuột khỏi tầm kiểm soát", Pháp sắp bị "tái phong tỏa"

Cơn sốt dâng cao tại Pháp trước đà lây lan theo cấp số nhân của dịch Covid-19 trên toàn quốc là chủ đề thời sự được phân tích, bình luận nhiều nhất trên báo chí Pháp ra ngày 28/10/2020. Bên cạnh đó, cuộc vận động tranh cử tổng thống nước rút ở Mỹ cũng tiếp tục được chú ý vào lúc còn không đầy một tuần nữa là đến ngày bầu cử.

vuot1

Thủ tướng Pháp Jean Castex (phải) và bộ trưởng Giáo Dục Jean-Michel Blanquer trên bậc thềm Điện Elysée, Paris, ngày 28/10/2020.  AFP - LUDOVIC MARIN

Riêng về Châu Á, các báo mỗi tờ một trọng tâm : Trong lúc Le Monde chú ý đến một sáng kiến khác thường của phong trào thanh niên đòi cải tổ chế độ quân chủ Thái Lan, thì Les Echos để mắt đến việc Hoa Kỳ và Ấn Độ củng cố liên minh chống Trung Quốc, La Croix quan ngại trước cuộc đọ sức càng lúc càng gay go giữa Bắc Kinh và Washington trên vấn đề Đài Loan, và Le Figaro quan tâm đến thế kẹt của ngân hàng Anh Quốc HSBC dưới sức ép của Mỹ và Trung Quốc.

Về tình hình dịch Covid-19 tăng tốc độ lây lan tại Pháp, phân tích của các báo đều xoay quanh hai cụm từ khóa : "vuột khỏi tầm kiểm soát" và "tái phong tỏa".

Covid-19 trở thành bất khả kiểm soát

Trang nhất Le Monde chạy một tựa lớn hết sức bi quan : "Dịch bệnh giờ đây đã vuột khỏi tầm kiểm soát". Theo tờ báo, tình hình đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Khắp nơi trên lãnh thổ Pháp, các bệnh viện đều đã kích hoạt hệ thống đối phó với khủng hoảng, chuẩn bị đón làn sóng bệnh nhân Covid-19, được cho là sẽ tràn vào các cơ sở y tế trong một hai tuần lễ sắp tới.

Tại vùng Paris-Ile de France, các bệnh viện đã được chỉ thị tạm hoãn đại bộ phận các ca giải phẫu không khẩn cấp, để dành giường điều trị đặc biệt cho các bệnh nhân Covid-19. Về phần chính phủ, các hạn chế sẽ được siết chặt thêm, và nhiều biện pháp mới được quyết định vào sáng hôm nay thứ Tư, 28/10.

Thủ tướng Castex từ giảm phong tỏa đến tái phong tỏa

Một trong những biện pháp mới đó sẽ là việc tái phong tỏa nước Pháp để kềm hãm tốc độ truyền nhiễm của virus corona. Đối với Libération, đây sẽ là một thực tế thật oái oăm đối với thủ tướng Jean Castex.

Ngay trên trang nhất, trên một bức ảnh chụp thủ tướng Pháp đang cúi đầu đeo khẩu trang, nhật báo thiên tả Pháp chạy hàng tít lớn vỏn vẹn vài ba từ "Coronavirus : Ngài Tái phong tỏa – Monsieur Reconfinement". Đây là một danh hiệu thật mỉa mai đối với người mà cách đây vài tháng từng được ca ngợi là tác giả của một kế hoạch giảm phong tỏa thành công.

Theo Libération, chiến lược giảm nhẹ phong tỏa vừa qua coi như đã thất bại. Dịch bệnh bùng phát trở lại, dữ dội hơn, lệnh giới nghiêm ban hành để đối phó không hiệu quả. Tình hình đó đã buộc tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải công bố các biện pháp hạn chế nghiêm khắc hơn nhiều, và chính thủ tướng Castex sẽ phải đệ trình kế hoạch ra trước Quốc hội để được thông qua vào ngày mai.

Tái phong tỏa sẽ đánh qụy nền kinh tế

Không hẹn mà gặp, cả hai tờ Le Figaro Les Echos đều có vẻ không mấy tán thành biện pháp tái phong tỏa khi nêu bật nguy cơ nền kinh tế Pháp bị đánh gục hoàn toàn vào lúc vừa ngoi ngóp được trở lại sau hàng tuần lễ phong tỏa.

Le Figaro chạy trên trang nhất tựa lớn dưới dạng câu hỏi "Có thể nào tái phong tỏa mà không làm kinh tế phá sản hay không ?".

Theo nhật báo cánh hữu Pháp, giới chủ doanh nghiệp đã rất lo ngại trước nguy cơ hy vọng hồi phục kinh tế đang manh nha sau cú sốc của lần phong tỏa đầu tiên sẽ bị dập tắt hoàn toàn nếu chính phủ áp đặt các biện pháp y tế quá mạnh bạo để chống dịch.

Le Figaro khẳng định rằng hiện nay nhiều ngành nghề đang lâm nguy, và theo giới chủ doanh nghiệp, nếu chính quyền quyết định tái phong tỏa ở cấp toàn quốc, một số lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như cửa hàng kinh doanh sẽ không còn gượng dậy được nữa.

Nỗi lo ngại của giới doanh nhân

Cùng một quan điểm như Le Figaro, nhật báo kinh tế Les Echos cũng thấy là tại Pháp : "Nền kinh tế đang bị nguy cơ tái phong tỏa đe dọa". Tờ báo nhắc lại rằng chính quyền dự trù một biện pháp phong tỏa trên bình diện quốc gia, nhưng không gắt gao như vào mùa xuân vừa qua.

Theo Les Echos, các doanh nghiệp, từng bị đại dịch Covid-19 làm cho điêu đứng từ tháng 3 vừa qua, giờ đây đang nơm nớp trước nguy cơ gọng kềm y tế lại siết chặt trở lại. Đối với tờ báo Pháp, chính quyền cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các hoạt động kinh tế trong quý IV sẽ tuột dốc, buộc chính phủ phải ban hành các biện pháp hỗ trợ nếu không muốn toàn bộ nền kinh tế sụp đổ.

Tuổi 20 và những hạn chế thời Covid-19

Trái với các đồng nghiệp, nhật báo công giáo La Croix không nói dông dài về các diễn biến mới nhất liên quan đến dịch Covid-19, mà nêu bật tác động của đại dịch trên tầng lớp thanh niên Pháp.

Ngay trang nhất, La Croix chạy hàng tít lớn : "Được 20 tuổi vào năm 2020", kèm theo câu hỏi : "Thanh niên Pháp nhìn cuộc sống của mình bị dịch Covid-19 đảo lộn như thế nào ?".

Ở trang trong, trong bài phóng sự mang tựa đề "Sống tuổi 20 trong thời giới nghiêm", La Croix chua chát nhận định : "Ở vào độ tuổi khi người ta thích vui chơi, nhảy múa, sẵn sàng thức thâu đêm để bàn luận về việc cải tạo thế giới, lệnh giới nghiêm đã vang lên như tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi đã kết thúc".

Thế nhưng, theo ghi nhận của tờ báo, giới trẻ không hề bi quan. Cho dù đối với một số thanh niên, bước đầu tiên vào đời sống trưởng thành đã trông giống như một bước hụt chân, thế nhưng họ vẫn tiếp tục mơ ước về một tương lai tươi sáng.

Cái hay của biện pháp tự nguyện cách ly

Cũng liên quan đến dịch Covid-19, rất đáng chú ý là bài xã luận trên La Croix mang tựa ngắn gọn : "Tự kiểm soát".

Tờ báo nhắc lại ý tưởng ngày càng được chia sẻ là dịch bệnh tại Pháp có lẽ đã trở thành bất khả kiểm soát. Đối với La Croix, quả thực là những tuần lễ sắp tới đây mang tính then chốt và đặc biệt rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu virus ngày càng lan rộng thì chính phủ vẫn còn những công cụ để khống chế đà lây nhiễm.

Trong những biện pháp dự kiến có việc tái phong tỏa - một phần hoặc theo đối tượng cụ thể - thậm chí biện pháp gọi là "tự phong tỏa tự chọn" như một số bác sĩ chủ trương. Đây là việc các cá nhân tự nguyện tuân thủ các hạn chế để góp sức chống đại dịch, điều mà trong thực tế nhiều người cao niên và các đối tượng dễ bị tác hại nhất đã áp dụng để tránh giao lưu với người ngoài và tự bảo vệ mình.

Đối với La Croix, đây là một bài tập dân chủ khá tế nhị, đòi hỏi một sự cân bằng giữa tự do cá nhân và biện pháp cưỡng chế, nhưng đó cũng là một thái độ tự giác, có trách nhiệm để bảo vệ mình và bảo vệ cả tập thể. Và nhất là để không hẳn mất quyền kiểm soát.

Nga "bầu" cho Trump

Chủ đề lớn thứ hai được các báo khai thác là cuộc đua nước rút tại Mỹ giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, khi chỉ còn không đầy một tuần là đến ngày bầu cử.

Le Monde đặc biệt ghi nhận sự kiện nữ thẩm phán Barrett được Thượng Viện Mỹ bầu vào Tối Cao Pháp Viện mà tờ báo xác định là "Một chiến thắng của ông Trump", tựa bài báo trong chuyên mục Bầu Cử Mỹ 2020.

Đối với Le Monde, bà Amy Coney Barrett là thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Mỹ thứ ba được chính tổng thống Trump đề cử. Việc bà được vào Tối Cao Pháp Viện được cho là rất quan trọng trong bối cảnh định chế này rất có thể sẽ phải xử lý nhiều vấn đề nẩy sinh nhân cuộc bầu cử tới đây.

Trong một bài phân tích thứ hai về cuộc đua vào Nhà Trắng nhìn từ phía Nga, Le Monde chạy tựa rất dí dỏm, biến cụm từ thường thấy trên đồng đô la Mỹ "In God We Trust" thành "In Trump We Still Trust" tạm dịch là "Chúng tôi vẫn tin vào Trump".

Theo Le Monde, cho dù quan hệ Nga-Mỹ có nhiều dấu hiệu thụt lùi trong 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump, nhưng Moskva đã tận dụng được những hỗn loạn và khoảng trống do tổng thống Mỹ Trump tạo ra để hưởng lợi.

Mặt khác, dù chính quyền của ông rất cứng rắn với Moskva, nhưng bản thân ông Trump thường tìm cách tránh đụng chạm hoặc dàn hòa với Nga, vì vậy nhìn từ phía Nga, việc ông Trump làm tiếp một nhiệm kỳ thứ hai được nhiều người hoan nghênh.

Những người Cộng hòa không thích Trump

Cũng nhìn về cuộc bầu cử Mỹ, nhật báo Libération trong số ra hôm nay đã xoáy mạnh trên những cử tri hay thành phần trong đảng Cộng hòa chống ông Trump.

Một phóng sự của đặc phái viên Le Monde tại Ohio và Florida đã tìm hiểu xem lý do vì sao một số cử tri thất vọng vì ông Trump đã quyết định bầu cho ông Joe Biden lần này.

Một bài thứ hai đề cập đến hoạt động của nhóm được mệnh danh là "Never Trumpers", tạm dịch là "Không bao giờ theo Trump nữa". Đây là các nhóm đảng viên đảng Cộng hòa, như nhóm mang tên là Lincoln Project chẳng hạn, đã dùng mọi hình thức để thuyết phục những ai còn do dự hay đang thất vọng vì ông Trump là nên ủng hộ Joe Biden. 

Mỹ và Ấn Độ liên thủ chống Trung Quốc

Về Châu Á, hai bài viết lý thú nhất là bài về tương quan tay ba Ấn Độ, Hoa Kỳ và Trung Quốc trên tờ Les Echos, và bài trên tờ Le Monde đề cập đến sự kiện phong trào biểu tình tại Thái Lan yêu cầu nước Đức hỗ trợ trong cuộc đấu tranh đòi cải tổ chế độ quân chủ. 

Trong bài "Mỹ và Ấn Độ trên "cùng một làn sóng" chống Trung Quốc", nhật báo Les Echos ghi nhận sự kiện mới đây khi đến New Delhi để gặp gỡ các đồng nhiệm, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper và ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chủ yếu nói về thái độ của Bắc Kinh trong khu vực.

Điểm đáng nói được Les Echos ghi nhận là nếu các bộ trưởng Mỹ lớn tiếng tố cáo đích danh Trung Quốc hiếu chiến, xâm lược, thì hai đồng nhiệm của họ thì không nêu cụ thể tên Trung Quốc trong cuộc họp, nhưng ngoại trưởng Ấn nói rằng hòa bình chỉ có thể thực hiện được nếu tất cả các nước tôn trọng "sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả các quốc gia".

Theo Les Echos, dù là Ấn Độ hay Mỹ, quan hệ với Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng. Hoa Kỳ đang tham gia vào một cuộc chiến thương mại trong khi gia tăng những lời cảnh báo chống lại sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng lớn của Bắc Kinh. New Delhi thì đang tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế sau một cuộc đụng độ chết người vào tháng 6 ở Ladakh, vùng biên giới với Trung Quốc, vụ đầu tiên trong 45 năm, khiến 20 người chết ở phía Ấn Độ và một số nạn nhân chưa xác định trong hàng ngũ Trung Quốc.

Thanh niên Thái Lan biểu tình cầu viện Đức

Le Monde thì chú ý đến sự kiện phong trào sinh viên biểu tình tại Thái Lan lại mong chờ hỗ trợ từ phía Đức, nơi mà Quốc Vương Thái Lan thường xuyên cư ngụ, cho dù vẫn điều hành đất nước.

Một trong những lý do giải thích điều trên, đó là việc vua Maha Vajiralongkorn, một trong những đối tượng bị phong trào sinh viên Thái Lan phản đối hiện đang làm cho Berlin bất bình vì vi phạm một nguyên tắc bất thành văn trong ngành ngoại giao là không điều hành đất nước từ nơi ông chỉ có tư cách là khách.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 426 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)