Ông Biden tìm cách tiếp cận kế hoạch vaccine giữa lúc bị trì hoãn bàn giao
VOA, 17/11/2020
Các cố vấn khoa học của Tổng thống đắc cử Joe Biden có kế hoạch gặp gỡ các nhà sản xuất vaccine trong những ngày tới, ngay cả khi quá trình chuyển đổi tổng thống bị đình trệ khiến họ bị loại ra khỏi việc tham gia vào kế hoạch tiêm chủng Covid-19 cho toàn bộ người Mỹ, theo AP.
Chánh văn phòng Ron Klain (giữa) được Tổng thống đắc cử Joe Biden (phải) bổ nhiệm cho biết các chuyên gia của ông Biden sẽ nhanh chóng tiếp cận với những người liên quan đến kế hoạch phân phối vaccine.
Tổng thống Donald Trump vẫn từ chối chấp nhận ông thua cuộc bầu cử. Điều này có nghĩa là nhóm của ông Biden không thể có một cái nhìn bao quát rõ ràng về công việc trong chính phủ cho một chiến dịch tiêm chủng hàng loạt kéo dài sang năm tới, AP dẫn lời Chánh văn phòng Ron Klain của ông Biden cho biết.
"Bây giờ chúng ta có khả năng có một loại vaccine bắt đầu từ tháng 12 hoặc tháng 1", ông Klain nói, theo AP. "Những người trong Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (HHS) đang lập kế hoạch triển khai loại vaccine đó. Các chuyên gia của chúng tôi cần phải nói chuyện với những người đó càng sớm càng tốt để không có gì bất ngờ xảy ra khi thay đổi quyền lực vào ngày 20/1".
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ, Bác sĩ Anthony Fauci, cho rằng việc thiếu phối hợp giữa các cơ quan hành chính mãn nhiệm và kế nhiệm sẽ "đặc biệt gây vấn đề" trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ngày càng tồi tệ.
"Tất nhiên sẽ tốt hơn nếu chúng tôi có thể bắt đầu làm việc với họ", AP dẫn lời bác sĩ Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, và đã trải qua nhiều lần chuyển đổi tổng thống trong 36 năm ông phục vụ chính phủ.
Việc tổng thống đắc cử tiếp cận với các nhà sản xuất vaccine diễn ra vào lúc đại dịch virus corona ở Hoa Kỳ bước vào giai đoạn được xem là nguy hiểm nhất.
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày ở Mỹ là 148.725, tính trong bảy ngày cho đến Chủ nhật (15/11). Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ đang có thêm khoảng 1 triệu ca nhiễm mới mỗi tuần. Số người chết trung bình là 1.103 người/ngày, tăng 33% trong hai tuần qua, tính đến 15/11.
*********************
Vaccine Moderna thành công, thêm hy vọng chặn Covid-19 cho thế giới
VOA, 17/11/2020
Loại vaccine thử nghiệm của công ty Moderna, với hiệu quả 94,5% trong việc ngăn ngừa Covid-19 theo dữ liệu tạm thời từ một thử nghiệm giai đoạn cuối, giúp công ty này trở thành nhà sản xuất dược phẩm thứ hai của Hoa Kỳ báo cáo kết quả vượt xa mong đợi, Reuters dẫn thông tin từ công ty cho biết hôm 16/11.
Moderna dự kiến sẽ có đủ dữ liệu an toàn cần thiết để được Hoa Kỳ cấp phép trong khoảng tuần tới.
Cùng với vaccine của Pfizer, cũng có hiệu quả hơn 90% và đang chờ thêm dữ liệu an toàn và xem xét theo quy định, Hoa Kỳ có thể có hai loại vaccine được phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12 với khoảng 60 triệu liều có sẵn trong năm nay.
Năm tới, chính phủ Hoa Kỳ có thể tiếp cận hơn 1 tỷ liều vaccine chỉ từ hai nhà sản xuất trên, nhiều hơn mức cần thiết cho 330 triệu cư dân của nước Mỹ.
Được phát triển bằng công nghệ mới mRNA, cả hai loại vaccine được xem là công cụ mạnh để chống lại đại dịch đã lây nhiễm cho 54 triệu người trên toàn thế giới và giết chết 1,3 triệu người.
Thông tin về thành công của vaccine xuất hiện đúng vào thời điểm số ca lây nhiễm Covid-19 đang tăng vọt, đạt kỷ lục mới tại Hoa Kỳ và đẩy một số quốc gia Châu Âu trở lại tình trạng bị phong toả.
"Chúng ta sẽ có một loại vaccine có thể ngăn chặn Covid-19", Reuters dẫn lời Chủ tịch Moderna, Stephen Hoge, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Phân tích tạm thời của Moderna dựa trên 95 ca nhiễm trong số những người tham gia thử nghiệm được tiêm vaccine. Trong số này, chỉ có 5 trường hợp bị lây nhiễm trong số những người được chủng ngừa, và họ được tiêm hai mũi cách nhau 28 ngày.
Reuters dẫn lời giáo sư miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, Eleanor Riley, nói : "Có nhiều hơn một nguồn vaccine hiệu quả sẽ làm tăng nguồn cung toàn cầu và nếu may mắn, chúng sẽ giúp tất cả chúng ta quay trở lại trạng thái bình thường vào năm 2021".
Moderna dự kiến sẽ có đủ dữ liệu an toàn cần thiết để được Hoa Kỳ cấp phép trong khoảng tuần tới và công ty dự kiến sẽ nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) trong những tuần tiếp theo.
Cổ phiếu của công ty, vốn đã tăng hơn bốn lần trong năm nay, tăng 15% trong giao dịch tiền thị trường trong khi chứng khoán Châu Âu và hợp đồng tương lai của Phố Wall tăng vọt nhờ thông tin cập nhật vaccine. Chỉ số S&P 500 tương lai tăng 1,3%, lên mức cao kỷ lục mới, trong khi STOXX 600 toàn Châu Âu đạt trở lại mức cao nhất của cuối tháng Hai.
Cổ phiếu của Pfizer đã giảm 1,7% trong giao dịch tiền thị trường trong khi AstraZeneca của Anh, công ty vẫn chưa công bố bất kỳ kết quả nào từ các cuộc thử nghiệm vaccine giai đoạn cuối, lại giảm 0,7%.
Một ưu điểm chính của vacine Moderna là không cần bảo quản siêu lạnh như của Pfizer, giúp cho việc phân phối dễ dàng hơn.
Moderna hy vọng vaccine sẽ ổn định ở nhiệt độ của tủ lạnh thông thường từ 2 đến 8 độ C (36 đến 48°F) trong 30 ngày và có thể được bảo quản đến 6 tháng ở -20C.
Vaccine của Pfizer phải được vận chuyển và bảo quản ở -70C, loại nhiệt độ điển hình của mùa đông Nam Cực. Nó có thể được bảo quản đến 5 ngày ở nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn hoặc lên đến 15 ngày trong hộp vận chuyển nhiệt.
Là một phần của chương trình Operation Warp Speed (chương trình nhằm tăng tốc phát triển vaccine) của chính phủ Hoa Kỳ, Moderna dự kiến sản xuất khoảng 20 triệu liều cho nước Mỹ trong năm nay. Hàng triệu liều trong số này đã được sản xuất và sẵn sàng giao hàng nếu được FDA cho phép.
95 trường hợp mắc Covid-19 tham gia thử nghiệm bao gồm nhiều nhóm chính có nguy cơ cao mắc bệnh nặng, bao gồm 15 trường hợp người lớn từ 65 tuổi trở lên và 20 trường hợp thuộc các nhóm đa dạng về chủng tộc.
Một điều còn chưa biết đối với loại vaccine này và tất cả những vaccine khác hiện đang được thử nghiệm là liệu chúng có ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 hay không.
"Nhiều khả năng là vaccine có thể ngăn ngừa triệu chứng bệnh, làm giảm thời gian và mức độ lây nhiễm, và do đó giảm sự lây truyền. Nhưng chúng tôi chưa biết liệu tác động này có đủ lớn để tạo ra bất kỳ sự khác biệt có ý nghĩa nào đối với sự lây lan của virus trong cộng đồng hay không", Reuters dẫn lời Giáo sư Riley tại Đại học Edinburgh cho biết.
Hoa Kỳ có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới với hơn 11 triệu ca nhiễm và gần 250.000 ca tử vong.
Moderna đã nhận được gần 1 tỷ đô la tài trợ nghiên cứu và phát triển từ chính phủ Hoa Kỳ và ký một thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ đô la cho 100 triệu liều. Chính phủ Hoa Kỳ cũng có thêm lựa chọn cho 400 triệu liều khác.
Công ty hy vọng sẽ sản xuất từ 500 triệu đến 1 tỷ liều vào năm 2021, phân chia giữa các cơ sở sản xuất ở Hoa Kỳ và quốc tế, tuỳ theo nhu cầu.
Moderna cũng cho biết họ sẽ sử dụng dữ liệu của mình để xin cấp phép ở Châu Âu và các khu vực khác.
Cơ quan quản lý y tế của Châu Âu hôm 16/11 cho biết họ đã đưa ra một "đánh giá tổng hợp" trong thời gian thực đối với vaccine của Moderna, sau các đánh giá tương tự đối với vaccine của Pfizer và AstraZeneca.
Các quốc gia khác như Trung Quốc và Nga đã bắt đầu tiêm chủng. Nga đã cấp phép sử dụng vaccine Sputnik-V Covid-19 trong nước vào tháng 8, trước khi công bố dữ liệu từ các thử nghiệm quy mô lớn. Nước này cho biết vào ngày 11/11 rằng vaccine của họ có hiệu quả 92% dựa trên 20 ca nhiễm trong cuộc thử nghiệm lớn của họ.