Tại Châu Âu, vac-xin chống siêu vi corona, thành tựu khoa học vượt kỷ lục thời gian không ngờ gặp vấn đề khi tiêm chủng. Tại Mỹ, tổng thống thứ 45 vẫn tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử một cách vô vọng. Tại Trung Quốc, Đảng cộng sản tăng tốc tiêu diệt doanh nghiệp tư nhân. Covid-19, Donald Trump, Tập Cận Bình tiếp tục chiếm các trang báo Pháp từ 2020 đến 2021.
Covid-19 : La Croix đưa độc giả đi tìm cội nguồn siêu vi ở Vũ Hán nhưng báo trước ngay trên trang nhất là không thể kết luận được. Libération lo âu cho nền dân chủ Mỹ đang là nạn nhân của một nguyên thủ say mê quyền lực đến mức độ phủ nhận thực tế : Donald Trump, tham thì thâm, có thể mất cả chì lẫn chài. Trang nhất của Le Figaro đưa tựa lớn : Vac-xin, bị chỉ trích chậm trễ, Macron cam kết sẽ có một chiến lược mới. Với bức ảnh tỷ phú Jack Ma ngồi trầm tư, nhật báo thiên hữu mời độc giả tìm hiểu vì sao sáng lập viên Alibaba bị thất sủng, bị cấm rời Trung Quốc.
Chỉ một trang nhất, Le Monde gói ghém các chủ đề cần thiết cho phép nắm bắt toàn cảnh tình hình bất cập trong và ngoài nước. Bầu cử Mỹ : Donald Trump và áp lực cuối cùng. Covid-19, hành pháp đứng trước hiểm nghèo. Tổng thống và chính phủ Pháp bị công kích kịch liệt vì chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 tiến hành chậm chạp, đối lập tố cáo "tình trạng quan liêu y tế". Tại nhiều vùng, việc phân phối liều lượng bị trễ, số bác sĩ cũng không đủ. Mục diễn đàn, một nhóm nhà khoa học và y sĩ đồng ký tên một lời kêu gọi "cải cách hệ thống y tế Pháp". Ưu tư cũng tràn ngập các trường đại học, một vị viện trưởng không dấu điều lo ngại cho tương lại "một thế hệ sinh viên" bị Covid làm xáo trộn chuyện học hành.
Câu hỏi đặt ra là vì sao có những trục trặc trong chiến lược chống Covid-19 ? Điều này có làm hình ảnh của nước Pháp nói riêng và của Châu Âu nói chung bị tác hại hay không ? Le Monde trả lời qua một bức tranh biếm họa và một bài xã luận.
Nguyên nhân thứ nhất, với nét bút của Plantu, là tính hoài nghi của người Pháp đối với vac-xin đốt giai đoạn chế tạo. Hình thứ nhất : Một ông Tây đội mũ vải, thúc hối một y tá tay cầm ống tiêm, từ xa chạy vắt giò lên cổ : Sao chậm thế, bộ muốn tôi chết sao ? Hình thứ hai : y tá cầm ống tiêm đưa lên, thế là ông Tây phản đối : Ê, định tiêm cho tôi đấy à ? Thà chết còn hơn".
Một cách nghiêm túc hơn, bài xã luận của Le Monde nêu ra những thách thức to lớn mà Châu Âu vượt qua được cũng như những thiếu sót không thể tránh.
Chiến dịch tiêm chủng gặp nhiều trắc trở tại một số nước Châu Âu vì được tung ra trong điều kiện về hậu cần, chính trị và tâm lý cực kỳ khó khăn. Sự kiện chế tạo được vac-xin trong thời gian kỷ lục đã là một kỳ công. Kỳ công khoa học và công nghệ : nỗ lực tuyệt vời của các nhà nghiên cứu, của công nghiệp dược phẩm, của chính phủ các nước phát triển đã tài trợ dồi dào cho các phòng thí nghiệm, trong thời gian kỷ lục, không đốt giai đoạn, tiến hành nghiên cứu thuốc chủng mà lợi nhuận không có gì bảo đảm.
Kế tiếp là kỳ công chính trị và ngoại giao trong nội bộ Châu Âu. Để tránh chay đua cạnh tranh lẫn nhau và tái diễn tình trạng thiếu hụt khẩu trang hồi mùa xuân, trách nhiệm đặt mua vac-xin cho 27 thành viên được trao cho một cơ quan duy nhất và Ủy Ban Châu Âu. Hai tỷ liều được đặt cho 6 công ty bào chế, cho 450 triệu dân để sau đó phân chia đồng đều mà không cần biết công ty nào sản xuất trước. Nếu không tập trung đặt hàng, tiền của mỗi nước chi ra mua riêng rẽ sẽ đắt đến bao nhiêu ? Ngay Hungary, hùng hổ nhận đợt Sputnik-V của Nga đầu tiên hồi tháng 11, sau đó phải chọn thuốc chủng do Châu Âu phân phối.
Tuy nhiên, đến công đoạn tiêm đại trà thì bị lủng củng. Một mặt vì các thành viên phụ thuộc vào chương trình của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu. Anh Quốc tách ra nên tiêm trước dưới sức ép của làn sóng đại dịch. Đức Quốc, dưới sức ép của công luận, xin phép tiến hành từ ngày 26/12/2020 trước thời điểm ấn định chung cho toàn Liên Hiệp 24 giờ. Trong khi đó, Hà Lan chọn ngày 08/01/2021.
Thế rồi, cả Anh lẫn Đức phải dừng lại sau đợt đầu tiên vì các viện bào chế cung cấp không kịp. Nước Pháp cũng bị chỉ trích mạnh sau khi mất một tuần mà chỉ tiêm cho 500 người vì tổ chức kém.
Le Monde kết luận một cách mô phạm : Cũng như mỗi giai đoạn trong cơn đại dịch này, phần tiêm chủng cũng đòi hỏi một sự uyển chuyển, khiêm tốn và tổ chức. Có những nước có nhiều ưu điểm hơn nước kia.
Truy tìm cội nguồn siêu vi corona chủng mới, một năm sau khi đại dịch bùng phát tại Vũ Hán là việc khó khăn. Trước khi một phái bộ khoa học gia của Tổ chức Y tế Thế gới được Bắc Kinh cho phép nhập cảnh và hoạt động có điều kiện. Theo La Croix, phăng đến gốc đại dịch là chuyện mò kim đáy biển nhưng có biện pháp để khống chế dịch.
Thật ra trước La Croix đã có một số đồng nghiệp khác phân tích các giả thuyết mà các nhà khoa học phải xem xét từ loài dơi cho đến phòng thí nghiệm P4. Những giả thuyết siêu vi do người chế tạo hay thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán đều thiếu cơ sở để xác nhận nhưng cũng không thể loại trừ. Nhưng báo cáo của sứ quán Mỹ vào năm 2018 cần được lưu ý : Phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán thiếu kỹ thuật viên lành nghề. Báo cáo khác cho biết các nhà nghiên cứu chứng minh được siêu vi của dơi có khả năng giao tiếp với tế bào con người và điều này làm cho việc theo dõi diễn biến của siêu vi đề phòng xảy ra dịch bệnh trong tương lai rất khó khăn.
Theo La Croix, hai thông tin này sẽ không bị lịch sử ngày sau bỏ quên. Trách nhiệm này hôm nay là phải truy cho ra cội nguồn để thảm nạn hôm nay không tái diễn.
Nhật báo công giáo trong bài xã luận "Từ không biết từ đâu đến bao trùm khắp nơi" đề xuất : Chống đại dịch như Covid có lẽ phải theo hai biện pháp có vẻ mâu thuẫn nhau : Phải có một sự hợp tác y tế rộng lớn trên thế giới nhưng cùng lúc phải hạn chế tương đối giao lưu hàng hóa và sự đi lại của con người từ nước này sang nước kia .
Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày càng độc hiểm đối với doanh nhân trong nước và tách xa giá trị của phương Tây. Mã Vân (Jack Ma), chủ nhân Alibaba là nạn nhân điển hình nhưng không phải là người duy nhất.
Les Echos trong bài "Trung Quốc 2021, ngày càng xa dần phương Tây" cho biết năm nay là năm quan trọng đối với Bắc Kinh, là năm Đảng cộng sản 100 tuổi. Trung Quốc đang theo chính sách đóng cửa ba mặt : chính trị, kinh tế và ảnh hưởng từ bên ngoài.
Còn đâu bài diễn văn "thế giới đa phương" của chủ tịch Trung Quốc vào năm 2017 tại Davos đấm vào hông Donald Trump.
Les Echos nhắc lại "người quân tử nhìn vào hành động, không nghe lời nói"
Chính sách Đảng kiểm soát kinh tế được thể hiện rõ nét là "trừng phạt tỷ phú Mã Vân", sáng lập viên Alibaba đã trở thành một nhân vật quá mạnh, dưới mắt Tập Cận Bình. Đây cũng là nhận định của Le Figaro giải thích vì sao thần tượng công nghệ cao của Hoa lục bị thất sủng. Sức mạnh của Mã Vân là nhìn xa, phá rào, tự tin là với tài năng xuất chúng ông có thể chiến thắng mọi nghịch cảnh. Sự kiên Mã Vân thông báo từ chức chủ tịch Alibaba cùng lúc với Tập Cận Bình quyết định tu chính Hiến pháp để lãnh đạo trọn đời là một hành động bị xem là khiêu khích.
Trong chính sách "khống chế lại các doanh nghiệp tư nhân", hàng loạt doanh nhân tỷ phú Hoa lục kẻ bị giam, người bỏ của chạy lấy thân trong số đó có con bộ trưởng.
Về thời sự Mỹ, cú điện thoại của tổng thống Donald Trump gây áp lực bang Georgia đảo ngược kết quả bầu cử vào lúc chỉ còn hai tuần là đến ngày bàn giao, được báo chí Pháp xem là nỗ lực vô vọng "hết nước mà vẫn còn tát"
Le Monde e rằng thái độ "cứng đầu" của Donald Trump, theo nghĩa "lạm dụng quyền lực tối đa để bám trụ" làm cho nước Mỹ phân hóa trầm trọng.
Trước nguy cơ Donald Trump sử dụng mọi thủ đoạn để đảo ngược kết quả bầu cử, kể của huy động quân đội, 10 cựu bộ trưởng quốc phòng, kể cả hai người do Donald Trump bổ nhiệm phải đồng loạt và long trọng kêu gọi quân đội đứng ngoài, không can thiệp vào bầu cử .
Libération cũng cùng phân tích "âm mưu đảo chính có nguy cơ gây ra hậu quả lâu dài cho sinh hoạt chính trị Mỹ". Theo nhật báo thiên tả, Donald Trump coi chừng tính già quá non, mất cả chỉ lẫn chài, tặng cho Joe Biden hai chiếc ghế thượng nghị sĩ của bang Georgia
Ong bầu và hoa
Kết thúc điểm báo hôm nay với một phát hiện mới về côn trùng học do La Croix đăng tải : loài ong bầu (có tự điển gọi là ong gấu) không hút nhụy hoa một cách ngẫu nhiên đụng hoa nào táp vô hoa đó. Theo dõi đường bay của loài bourdon, một nhóm côn trùng học của Anh thấy rằng ong bầu sau khi hút nhụy, nếu cứ bay vòng quanh nhiều lần là để ghi nhớ vị trí của hoa để trở lại. Hoa đó chắc chắn sẽ có nhiều đường. Thứ hai là chỉ có ông bầu trưởng thành mới tìm cách "định vị" còn các chú ong con thì bằng lòng với các đóa hoa cạnh nhà.
Kết luận, chính vì chịu khó bay xa cho nên loài ong bầu đóng vai trò đắc lực và hiệu quả trong việc thụ phấn.
Tú Anh
Các báo Pháp hôm 04/11/2021 ra những trang báo giấy đầu tiên của năm mới 2021. Tuy nhiên các chủ đề được quan tâm chính vẫn là đại dịch Covid 19 với chiến dịch tiêm chủng ở Pháp vừa bắt đầu đã gặp nhiều vấn đề : Triển khai chậm chạp, chính phủ lúng túng.
Với các báo Pháp, năm mới 2021 khởi đầu cũng giống khi năm cũ kết thúc. Các tờ báo đều tập trung vào thời sự nổi bật là chiến dịch tiêm chủng rộng lớn phòng Covid-19 tại Pháp, vừa mới bắt đầu được 1 tuần đã bị dư luận chỉ trích gay gắt. Cũng như nhiều tờ báo khác, Le Figaro ghi nhận việc triển khai tiêm chủng đại trà tại Pháp diễn ra quá chậm chạp, chính phủ đang đứng trước sức ép phải tăng tốc chiến dịch. Các đảng phái chính trị những ngày qua liên tiếp chỉ trích chiến lược tiến hành tiêm chủng ngừa Covid 19, vẫn lại thất bại như với vụ khẩu trang hay làm xét nghiệm.
Theo tờ báo, nhận được đợt đầu 500 nghìn liều vac-xin, giống như các nước khác trong Liên Hiệp, nhưng đến thời điểm này Pháp mới chủng được cho vài trăm người, trong khi mà nước Đức đã làm được cho 200 nghìn người, chưa kể Anh (ngoài Liên Âu) đi trước đã tạo được miễn dịch cho cả triệu người.
Xã luận tờ báo đặt ra một loạt câu hỏi cho chiến dịch tiêm chủng vô cùng quan trọng này : "Ai lãnh đạo ? Ai quyết định ? Ai thực thi ?". Không ai khác là chính phủ. Tờ báo ca thán, trong khi một loạt các nước như Đức, Israel, Anh Quốc tiến hành chiến dịch tiêm chủng một cách thần tốc thì Pháp đang bò như ốc sên : "Là nhà vô địch trong các hạn chế, huy chương vàng trong lĩnh vực giấy xác nhận, nhưng Pháp lại xếp cuối trong các giải pháp".
Theo Le Figaro, không có gì biện minh cho sự chậm chễ này vì chính phủ đã có nhiều tháng để chuẩn bị cho công tác hậu cần cùng những thông báo rất tự tin. Nhưng giờ đây, khi triển khai thì lại không có gì. Xã luận tờ báo nhấn mạnh đây quả thực là một "cuộc khủng hoảng đường lối", "đáng xấu hổ" cho nước Pháp.
Chính phủ không có lựa chọn nào khác lúc này là phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Báo Libération chạy tựa chính trang nhất : "Tiêm chủng : tăng tốc dưới áp lực" sau khi lỡ nhịp những ngày đầu chiến dịch tiêm chủng. Xã luận tờ báo thắc mắc, "chính phủ đã xoay sở thế nào mà để sự khởi đầu chiến dịch tiêm chủng, một tin vui, biến thành chuyện lộn xộn chính trị và tranh cãi trong cả nước ?
Lý do được các báo nhắc đến một phần là do dân Pháp nghi ngại hiệu quả vac-xin, nhưng chủ yếu là do các thủ tục hành chính của Pháp nặng nề, trong khi đó chính phủ điều hành không nhất quán và kiên quyết, tỏ ra thận trọng không cần thiết.
Giờ đây Pháp buộc phải thay đổi chiến lược tiêm chủng bằng cách xem lại lịch trình chiến dịch. Từ hôm 02/01 việc tiêm chủng mở sang đối tượng ưu tiên thứ 2 là các nhân viên chăm sóc y tế ở độ tuổi trên 50. Mục tiêu của chính phủ Pháp là từ nay đến mùa hè 26 triệu người sẽ được tiêm phòng Covid-19 trong khi mục tiêu trước đặt ra là từ 15 đến 20 triệu dân.
Liên quan đến đại dịch Covid-19, nhật báo Les Echos có bài phóng sự điều tra dài : "Vì sao Châu Á kháng cự rất tốt với virus corona".
Bài phóng sự của thông tín viên tờ báo tại Tokyo thực hiện cho thấy một thực tế : Khu vực Đông Á (gồm 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) chiếm 30% dân số của địa cầu, nhưng trong 1 năm đại dịch virus corona, vùng này chỉ ghi nhận có hơn 44 nghìn ca tử vong vì Covid-19, tức chiếm có 2,4% con số nạn nhân của thế giới.
Các nhà khoa học đang rất thắc mắc về "hiệu quả" chống dịch đó của một số nước Châu Á. Có nhiều yếu tố được đặt ra từ các khía cạnh xã hội chính trị, văn hóa và giờ đây hướng tìm hiểu về miễn dịch khu vực cũng đang được xem xét.
Theo bài báo, nhìn vào số liệu y tế thì quả thực đây có thể coi là một bí ẩn lớn của đại dịch Covid-19. Bị dính dịch trước Châu Âu và Mỹ nhiều tháng, nhưng các quốc gia Đông Á lại bị thiệt hại về nhân mạng rất thấp, dù các nước này cũng bị hai ba đợt sóng dịch tấn công và dân số rất đông đúc.
Tờ báo dẫn số liệu thống kê người tử vong vì Covid-19 theo tỷ lê trên 1 triệu dân : Việt Nam là 0,36, Đài Loan 0,29, Trung Quốc 3,4. Lào và Cam Bốt thậm chí không ghi nhận ca tử vong nào suổt 11 tháng qua. Để so sánh, ở Pháp có 970 ca tử vong trên 1 triệu dân, tỷ lệ này ở Mỹ là 1.034 người.
Tháng gần đây, số lượng ca nhiễm mới tại Nhật Bản và Hàn Quốc có bùng lên mạnh nhưng cũng chỉ ở mức vài nghìn mỗi ngày, chưa thấm vào đâu so với các nước Âu, Mỹ.
Những tháng qua, các nhà nghiên cứu cố gắng tìm nguyên nhân của thành công Châu Á. Người ta đưa ra nhiều lý do các nước này có các đặc thù văn hóa, người dân cam chịu, chế độ chính trị chuyên chế… Thế nhưng đại đa số các nước trong vùng nói trên trong cuộc hủng hoảng dịch này không hề xâm phạm gì đến quyền tự do cơ bản của công dân nước mình. Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan đều không hề ban hành các biện pháp cấm đoán, hạn chế đi lại hay phong tỏa.
Có điểm chung là người dân các nước vùng Đông Á này đều dễ dàng chấp nhận đeo khẩu trang, một cách tự giác, không có tranh luận bàn cãi về vật dụng vệ sinh nhỏ này ngay từ đầu dịch. Các nước trên đều đóng cửa với thế giới từ rất sớm ngay từ trước tháng 3 năm ngoái. Và đặc biệt, các nước đều áp dụng cách ly nghiêm ngặt với các đối tượng nghi nhiễm hay từ nước ngoài vào, cùng với tiến hành xét nghiệm đồng loạt nhanh chóng để khoanh vùng dịch.
Nhưng từng đó yếu tố chính trị xã hội đó vẫn không lý giải hết được sức kháng cự tốt của các nước Đông Á trước trận đại dịch. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm các lý giải mang tính y học. Liệu có phải dân Châu Á đề kháng tự nhiên tốt hơn trước virus corona ? Liệu có tồn tại một hình thúc miễn dịch Châu Á do liên quan đến những đợt dịch trong quá khứ hay những đặc tính di truyền nào đó ?
Các nhà khoa học ở Tokyo đang tập trung nghiên cứu hướng thắc mắc này. Tuy nhiên, theo bài báo, họ hy vọng công việc nghiên cứu đó không làm ảnh hưởng đến những đường hướng chỉ đạo phòng dịch như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên… Những biện pháp đang được đánh giá có hiệu quả trên toàn cầu hiện nay. Hơn thế, còn phải mất nhiều năm nghiên cứu nữa thì thế giới mới hiểu rõ được về trận đại dịch này.
Cũng liên quan đến Châu Á, chuyển qua với nhật báo công giáo La Croix. Tờ báo trở lại với chủ để thỏa thuận đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc, vừa hoàn tất nội dung những ngày cuối năm qua. Mục Tranh luận của tờ báo đặt câu hỏi lớn : "Thỏa thuận đầu tư giữa Tung Quốc và EU có cân bằng ?".
Theo Bruxelles, thỏa thuận này phải giúp làm cân bằng các quan hệ thương mại với Bắc Kinh. Nhưng mặc dù đã có nhiều nhượng bộ có phần bất ngờ từ phía Trung Quốc nhưng vẫn xuất hiện nhiều chỉ trích cho rằng thỏa thuận "nguyên tắc" được đúc kết quá nhanh và các cam kết của Trung Quốc vẫn còn sơ sài, đặc biệt trên hồ sơ lao động cưỡng bức. Giới quan sát vẫn hoài nghi về một thỏa thuận cân bằng.
Trong bài xã luận mang tựa đề "EU-Trung Quốc, thận trọng", La Croix ghi nhận thỏa thuận đầu tư vừa được đúc kết hôm 30/12 vừa qua không nói lên được rằng giữa Trung Quốc và EU đã có sự tin cậy lẫn nhau. Theo tờ báo thỏa thuận mang tính "nguyên tắc" này sẽ không thể sớm có hiệu lực, còn phải qua các công đoạn hoàn tất về pháp lý và kỹ thuật và còn phải được Nghị Viện Châu Âu thông qua trước khi được phê chuẩn. Việc đúc kết thỏa thuận chỉ thuần túy là dấu hiệu chính trị. Hai siêu cường kinh tế mới thể hiện thiện chí làm sâu sắc thêm các quan hệ vào lúc mà Hoa Kỳ đang có xu hướng co cụm, bảo hộ.
Nhưng dù gì thì đó cũng là việc làm tốt nếu người ta cho rằng các trao đổi làm ăn sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế và ổn định chính trị. Nhưng theo tờ báo, thỏa thuận vẫn không che giấu được hết các bất đồng. Điều này được chứng minh khi mà hai bên phải mất tới 7 năm đàm phán mới đúc kết được nội dung.
Châu Âu đã thay đổi cái nhìn về Trung Quốc, không chỉ coi quốc gia đó là một thị trường lớn đầy hứa hẹn mà còn là một đối thủ cạnh tranh và… thường không trung thực. Châu Âu có thể tin được một Trung Quốc không phải là một Nhà nước pháp quyền, ở đó các cơ quan độc lập đến đâu cũng phải tuân thủ quyền lực chính trị ?
Xã luận tờ báo kết luận, chính vì thế Liên Hiệp Châu Âu phải đồng thời trang bị các công cụ bảo vệ thị trường nội địa của mình, hỗ trợ các doanh nghiệp của mình. Tư do trao đổi, đó cũng là một phần của cuộc đọ sức.
Thời sự khác liên quan đên Châu Âu được các báo pháp chú ý ngày đầu năm này đó là từ ngày 01 tháng Giêng 2021, Anh Quốc đã kết thúc giai đoạn chuyển tiếp chia tay dứt điểm với Liên Hiệp Châu Âu, sau khi đạt được thỏa thuận vào phút cuối vào ngày Noel vừa qua.
Các báo cố gắng khai thác khía cạnh những ngày đầu tiên của Brexit có tác động thế nào với các nước trong Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc đã chuẩn bị gì cho thực tế này. Le Monde đặt vấn đề : "EU vượt qua sự ra đi của Vương quốc Anh thế nào".
Theo Le Monde, nhìn chung, không giống những dự bão hoài nghi, việc Anh Quốc ra đi hẳn không gây xáo trộn gì lớn ở Châu Âu trước mắt, lưu thông hàng hóa, con người vẫn trôi chảy. Nhưng về lâu dài phần còn lại của Châu Âu sẽ còn gặp nhiều thách thức trong quan hệ giao thương với Anh Quốc cũng như nhiều vấn đề có thể nảy sinh từ phần đảo Anh liên quan đến Bắc Ireland hay Scotland.
Nhật báo La Croix chạy tựa trang nhất : "Biên giới trở lại", ghi nhận tuần đầu mọi việc diễn ra suôn sẻ nhưng cũng dự báo tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn trong thời gian tới ở các cửa khẩu biên giới giữa Liên Âu và Anh Quốc.
Anh Vũ
Thanh Hà, RFI, 18/12/2020
Đến lượt vac-xin của Moderna được phép lưu hành tại Hoa Kỳ. Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ, khuyến cáo sử dụng vac-xin do tập đoàn Moderna bào chế. Hàng triệu liều thuốc sẽ nhanh chóng được phân phối song song với vac-xin của Pfizer.
Khuyến cáo được đưa ra hôm qua, 17/12/2020, trong bối cảnh trong nhiều ngày liên tiếp virus corona cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 bệnh nhân trong 24 giờ và số ca lây nhiễm hàng ngày vẫn dao động ở mức 250.000 người.
Thông tín viên Loubna Anaki từ New York tường trình :
Sự chấp thuận của Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ FDA giúp tăng cường chiến dịch tiêm chủng đại trà được khởi động từ đầu tuần. Theo cơ quan này, vac-xin của Moderna chống Covid-19 có thể sử dụng càng sớm càng tốt.
Quyết định sau cùng được đưa ra vào thứ Sáu 18/12/2020 và điều đó có nghĩa là ngay từ cuối tuần này, sáu triệu liều có thể được phân phối trên toàn lãnh thổ Mỹ. Sáu triệu liều vac-xin đó tăng cường thêm cho ba triệu liều thuốc của tập đoàn Pfizer đã được phân phối từ thứ Hai đầu tuần.
Theo đánh giá của các giới chức Mỹ, lợi thế của vac-xin do Moderna bào chế là có thể được phân phối một cách rộng rãi đến các vùng nông thôn và hẻo lánh, do không cần phải giữ lạnh ở mức độ cao như thuốc của Pfizer. Trong khi đó, vac-xin của Pfizer phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 70°C.
Với giấy phép cấp cho hai loại vac-xin, chiến dịch chích ngừa sẽ tăng tốc khi mà các tập đoàn dược phẩm có thể sản xuất nhiều hơn để bảo đảm một cách liên tục nhu cầu tiềm chủng. Hiện tại ưu tiên được dành cho nhân viên y tế và những người cao tuổi trong các viện dưỡng lão.
Tất cả đang diễn ra trong bối cảnh số người bị nhiễm và tử vong tiếp tục tăng lên tại Mỹ. Hôm qua đã có 3611 bệnh nhân qua đời vì Covid-19.
Thanh Hà
********************
Trọng Nghĩa, RFI, 18/12/2020
Ngày tiêm chủng Covid-19 thống nhất cho toàn Liên Hiệp Châu Âu đã được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu xác nhận vào hôm qua, 17/12/2020. Theo bà Ursula von der Leyen, chiến dịch tiêm chủng có thể bắt đầu vào ba ngày 27, 28 và 29 tháng 12.
Ngoài thách thức lớn về mặt hậu cần, chiến dịch tiêm chủng cũng là một thách thức khoa học đối với Liên Âu. Mọi con mắt đều đổ dồn vào việc đánh giá vac-xin đầu tiên của Pfizer & BioNTech, mà Cơ Quan Dược Phẩm Châu Âu đã bắt đầu vào ngày 1 tháng 12 và phải kết thúc ngày 21 tháng 12, một tuần lễ sớm hơn dự kiến, dưới sức ép chính trị.
Thông tín viên Pierre Benazet tường thuật từ Bruxelles :
Mọi việc bắt đầu vào thứ Hai 21/12 tới đây với cuộc họp của Ủy Ban Dược Phẩm dùng cho người thuộc Cơ Quan Dược Phẩm Châu Âu. Cơ quan này hy vọng đưa ra được một ý kiến chính thức "nếu có thể được" về vac-xin BNT162b2 của nhóm Pfizer & BioNTech. Thế nhưng cơ quan này cũng duy trì cuộc họp dự kiến ban đầu vào ngày 29 tháng 12.
Sau đó, đến lượt Ủy Ban Châu Âu sẽ ban hành quyết định cho phép đưa sản phẩm ra thị trường và sẽ cho khởi động chuỗi cung ứng vac-xin.
Nhà máy lớn nhất thế giới của Pfizer được đặt tại Puurs, thuộc vùng Flanders của Bỉ, và chính đây là nơi xuất phát của các đoàn xe tải đông lạnh vận chuyển vac-xin trong đá khô ở nhiệt độ âm 80°.
Do lĩnh vực hàng không đang hoạt động chậm, hầu hết công việc vận chuyển sẽ được thực hiện bằng đường bộ, trước tiên là đến các bệnh viện lớn có tủ đông lạnh để bảo quản vac-xin với nhiệt độ âm 70° cần thiết.
Ủy Ban Châu Âu đã đặt mua của Pfizer&BioNTech 300 triệu liều vac-xin cho 27 quốc gia thành viên Liên Âu, và sẽ phân phối theo tỷ lệ dân số các nước.
Covid-19 : Châu Âu ghi nhận hơn nửa triệu người chết
Theo thống kê của hãng tin Pháp AFP, tính đến trưa ngày 17/12/2020, khu vực Châu Âu lại thành vùng chịu hậu quả nặng nề nhất của dịch Covid-19.
Theo số liệu chính thức, Châu Âu – với 52 quốc gia và vùng lãnh thổ - là khu vực trên thế giới có số người chết vì Covid-19 cao nhất, đã vượt mức nửa triệu người.
Chỉ trong bảy ngày qua, đã có gần 37.000 trường hợp tử vong do Covid-19 đã được ghi nhận ở Châu Âu, một ngưỡng chưa bao giờ đạt được kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Sau khi đứng đầu thế giới vào tháng 3 và tháng 4, sau đó bị Châu Mỹ vượt qua, từ tháng 10 vừa qua Châu Âu đã một lần nữa trở lại thành tâm chấn của đại dịch, cùng với Hoa Kỳ.
Trọng Nghĩa
*********************
Trọng Nghĩa, RFI, 18/12/2020
Là quốc gia đầu tiên bị đại dịch Covid-19 và được cho là đã kiểm soát được virus corona, Trung Quốc sắp khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà. Dự tính, khoảng 50 triệu người sẽ được chích ngừa Covid-19 trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán vào tháng Hai 2021 tới đây.
Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde, cho biết thêm chi tiết :
Với nào là nhạc, nào là video ngắn trên Tik Tok, cơ quan y tế tỉnh Tứ Xuyên cho thấy quyết tâm hướng tới mục tiêu chích ngừa cho toàn bộ người dân, kể cả những tầng lớp trẻ tuổi nhất. Về hình thức, đây có vẻ như là một chiến dịch tiêm chủng bắt buộc từ nay đến ngày 05/02 năm tới, nhưng trên thực tế vac-xin chỉ liên quan đến những người thuộc diện "ưu tiên cao nhất".
Theo các phương tiện truyền thông chính thức, 118.000 liều vac-xin Covid-19 đã đến tỉnh miền tây Trung Quốc rộng lớn này. Một số tỉnh khác cũng có liên quan, trong đó có Hắc Long Giang ở phía đông bắc. Qua điện thoại, Ủy Ban Y Tế huyện Thang Nguyên (Tangyuan), gần biên giới với Nga cho biết :
"Chúng tôi hiện đang đánh giá số lượng người muốn được tiêm chủng. Vac-xin vẫn chưa đến. Việc chích ngừa chỉ dành cho người dân địa phương. Chúng tôi đang kiểm kê số người tình nguyện và sẽ bắt đầu tiêm khi được cơ quan y tế bật đèn xanh".
Trong thời gian chờ đợi, trong những ngày qua, giới lãnh đạo các trung tâm phòng chống dịch bệnh đã được tập huấn qua video. Theo một chuyên gia y tế được báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn, Bắc Kinh có kế hoạch phân phối 100 triệu liều vac-xin Sinopharm và Sinovac, tức là sẽ có 50 triệu người được tiêm phòng trước dịp Xuân Tiết (Chunjie), tức là Tết Nguyên Đán.
Trọng Nghĩa
********************
Thanh Phương, RFI, 17/12/2020
Một hãng dược phẩm của Việt Nam, hôm 17/12/2020, bắt đầu thử nghiệm vac-xin Covid-19 trên người, với tham vọng cung cấp một thuốc tiêm chủng giá rẻ cho các nước đang phát triển. Vac-xin mang tên Nanocovax của hãng Nanogen là một trong bốn vac-xin hiện đang được bào chế ở Việt Nam.
Tại Hà Nội, 3 người tình nguyện đầu tiên đã được chích vac-xin thử nghiệm và sẽ được theo dõi trong 74 tiếng đồng hồ tại Học viện Quân y. Theo một quan chức bộ Y Tế được hãng tin AFP trích dẫn, trong giai đoạn một thử nghiệm lâm sàng, 60 người tình nguyện sẽ được tiêm vac-xin Nanocovax. Giám đốc Học viện Quân y Đỗ Quyết khẳng định là các nhân viên y tế đã được chuẩn bị cho trường hợp những người tham gia bị các phản ứng phụ của vac-xin.
Hãng Nanogen dự trù sẽ bán vac-xin của họ với giá 5 đôla/liều, rẻ hơn nhiều so với giá 30 đôla/liều vac-xin của Pfizer-BioNTech hay của Moderna.
Theo AFP, một nghiên cứu được công bố hôm qua báo động là ít nhất 1 phần 5 dân số thế giới có nguy cơ không tiếp cận được vac-xin ngừa Covid-19 trước năm 2022. Các nước giàu, chỉ chiếm 14% dân số thế giới, đã đặt mua trước hơn phân nữa số liều vac-xin sẽ được 13 hãng dược phẩm sản xuất vào năm tới, theo các nhà nghiên cứu của Johns Hopkins Bloomberg School of Public Health.
Thanh Phương
Trọng Thành, RFI, 11/12/2020
Vac-xin chống Covid-19 đang trở thành lĩnh vực cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt. Tại Châu Á, việc Indonesia, quốc gia đang bị Bắc Kinh lấn lướt ở Biển Đông, quyết định đặt mua vac-xin Trung Quốc với khối lượng lớn, gây lo ngại. Vac-xin Covid có thể là cơ hội để Trung Quốc gây áp lực với Indonesia, trong bối cảnh, chính sách thiên về phô trương quân sự của chính quyền Mỹ trong thời gian gần đây dường như đang gây khó khăn cho Jakarta. RFI tổng hợp thông tin.
Đầu tháng 12/2020, Jakarta tiếp nhận một đợt vac-xin chủng ngừa Covid-19 đầu tiên của công ty dược phẩm Trung Quốc Sinovac Biotech. Giới quan sát đánh giá đây là một cột mốc đáng chú ý. Dịch bệnh Covid là mối ám ảnh hàng đầu của đảo quốc Đông Nam Á. Giới lãnh đạo Indonesia đứng trước áp lực phải sớm có vac-xin đủ dùng cho gần 300 triệu dân.
Kể từ tháng 3/2020 đến nay, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á bị Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Theo số liệu thống kê chính thức, khoảng 18.000 người chết vì dịch, hơn một triệu người dương tính với virus. Theo nhiều chuyên gia, số liệu chính thức trên có thể thấp hơn nhiều so với thực tế.
Ngay từ mùa hè, tổng thống Indonesia Jokoe Widodo, trong chuyến thăm một nhà máy của tập đoàn Bio Farma của Indonesia (nơi sẽ sản xuất vac-xin của hãng Trung Quốc Sinovac), nhận định là chỉ có vac-xin mới cho phép chặn đứng được đà lây lan của đại dịch đáng sợ từ Vũ Hán.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư hành tinh, không có một nền công nghiệp dược phẩm đủ mạnh. Hy vọng được đặt vào các hãng bào chế nước ngoài.
Hiện tại, Jakarta đã đặt mua tổng cộng hơn 350 triệu liều vac-xin chủng ngừa Covid-19, theo số liệu của trung tâm Global Health Innovation Center, Đại học Hoa Kỳ Duke. Các hãng bào chế dược phẩm Trung Quốc như Sinovac, Cansino, Sinopham và G42 Healthcare (Trung Quốc hợp tác với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất), có kế hoạch cung cấp hơn một nửa số liều vac-xin nói trên. Jakarta cũng có một số hợp đồng với hãng dược phẩm Anh AstraZeneca và hãng Mỹ Novax. Indonesia không đặt mua vac-xin Sputnik V của Nga, ngược lại với Ấn Độ.
Trả lời AFP, nhà chính trị học Evan Laksmana, trung tâm tư vấn chiến lược CSIS, ở Jakarta, lưu ý "việc Jakarta phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng dược phẩm Trung Quốc, trong một thời gian dài, chắc chắn sẽ để lại các hệ quả". Trong một nghiên cứu của Viện Yusof Ishak, Singapore, vừa công bố hồi đầu tháng 12/2020, hai nhà nghiên cứu Ardhitya Eduard Yeremia et Klaus Heinrich Raditio, nhận định : "Chính sách ngoại giao vac-xin sẽ đi kèm theo các điều kiện", "Trung Quốc có thể sử dụng các khoản quà tặng vac-xin để thúc đẩy các mục tiêu trong khu vực, đặc biệt trong các vấn đề nhạy cảm như, các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông".
Các nhà quan sát đặc biệt chú ý đến việc Indonesia đang phải thủ thế ngay tại sân nhà, trong vùng đặc quyền kinh tế quốc gia tại Biển Đông, cách đảo Hải Nam, vùng lãnh thổ cực nam của Trung Quốc gần 2.000 km. Hồi tháng Giêng năm nay, trước khi đại dịch bùng phát, Indonesia đã phải triển khai nhiều tàu chiến và phi cơ quân sự xung quanh quần đảo Natuna, để đẩy lui đội tàu cá đông đảo của Trung Quốc. Các đội tàu cá này hoạt động với sự hậu thuẫn của tuần duyên, hải cảnh Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tàu cá Trung Quốc vẫn tiếp tục khai thác tại vùng biển này, trong lúc chính quyền Jakarta mới đây đã phải hạ giọng, và thể hiện thái độ chủ yếu thông qua các phản đối ngoại giao.
Theo nhiều chuyên gia, trong hiện tại, Indonesia tiếp tục duy trì chính sách "đi dây khá khôn ngoan, để tránh bị phụ thuộc hoàn toàn vào một trong hai đại cường", theo nhà chính trị học Marcus Mietzner, giảng viên Đại học quốc gia Úc. Nhà chính trị học Úc ghi nhận, Jakarta giữ khoảng cách với kêu gọi thành lập liên minh Ấn Độ - Thái Bình Dương, đối phó với Trung Quốc, của Hoa Kỳ và các đồng mình trong Bộ Tứ, nhưng đồng thời không muốn có một liên minh quân sự với Trung Quốc. Cụ thể là, Jakarta cho biết "sẽ không chấp nhận đề nghị của Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự tại Indonesia, nếu Bắc Kinh đề xuất". Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi : thế đi dây hiện nay của Jakarta sẽ ra sao, nếu Indonesia tăng cường hợp tác về y tế với Trung Quốc, phụ thuộc ngày càng nhiều vào vac-xin Trung Quốc.
Ông Evan Laksmana, ghi nhận là trong hiện tại, không có dấu hiệu đáng kể nào về các nhân nhượng của Jakarta, để đổi lấy vac-xin Trung Quốc, tuy nhiên, nhà chính trị học Indonesia nhấn mạnh là : "Tại Jakarta, tất cả mọi người đều hiểu rằng một số sáng kiến ngoại giao hay các sáng kiến khác sẽ khó được đưa ra, nếu như có thể gây cản trở cho quan hệ với Trung Quốc".
Khối ASEAN hiện đang đàm phán với Trung Quốc về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC). Điều mà nhiều người lo ngại là thái độ nói trên của chính quyền Indonesia, quốc gia ASEAN ven Biển Đông, có thể khiến khối ASEAN có nguy cơ sẽ phải nhân nhượng nhiều trong các đàm phán với Trung Quốc.
Về vac-xin phòng Covid-19, Jakarta đã từng đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ, nhưng Washington không có phương tiện để giành cho Indonesia các khoản hỗ trợ "hào phóng" như Bắc Kinh. Nước Mỹ cũng đang sa lầy trong đại dịch ngay ở trong nước. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là vac-xin, mà là một chiến lược hợp tác thực chất giữa Hoa Kỳ với Indonesia, đã dường như vắng bóng, theo nhiều nhà quan sát. Điều này thể hiện rõ trong bối cảnh đại dịch nước sôi lửa bỏng.
Cuối tháng 10/2020, Reuters có bài nhận định đáng chú ý mang tựa đề "Cần vac-xin, không cần máy bay dọ thám : Thất bại của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á". Hãng tin Anh dẫn lại một nguồn tin từ nội bộ chính quyền Indonesia, phàn nàn là Washington đã sử dụng "quá nhiều trừng phạt, quá nhiều sức mạnh võ biền", trong lúc "Trung Quốc thì khôn ngoan, thường xuyên sử dụng quyền lực mềm, tiếp cận kinh tế, tiếp cận phát triển". Đề nghị mang tính phô trương của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 7, tháng 8, yêu cầu Jakarta để phi cơ dọ thám Mỹ P-8 Poseidon tiếp liệu đã bị chính quyền Jakarta từ chối.
Phi cơ P-8 được sử dụng để theo dõi các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Jakarta lo ngại xung đột vũ trang bùng nổ, trong bối cảnh Mỹ, Trung gia tăng tập trận tại Biển Đông hồi đầu tháng 7.
Nhiều giới chức và chuyên gia Indonesia khẳng định chính quyền Trump nhìn chung đã phạm nhiều sai lầm ngoại giao trong chính sách với khối Đông Nam Á. Kể từ năm 2017, Washington không có đại sứ tại ASEAN. Việc tổng thống Trump không tham dự thượng đỉnh ASEAN – Mỹ năm 2019, mà chỉ cử một quan chức cấp thấp, khiến 7 trong số 10 lãnh đạo ASEAN tẩy chay cuộc họp này. Reuters dẫn nhận định của nhà phân tích Aaron Connelly, Viện CSIS Singapore, thừa nhận Washington đang "nhường hẳn sân" cho Bắc Kinh trong đại dịch Covid-19, với việc rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, tuyên bố lo vac-xin trước hết cho nước Mỹ, trong lúc Trung Quốc khẳng định tham gia tích cực vào nỗ lực quốc tế chia sẻ vac-xin.
Cựu đại sứ Indonesia tại Mỹ (2010-2013), ông Dino Patti Djalal, nhấn mạnh là chiến dịch truyền thông rầm rộ của tổng thống Trump nhằm lên án Trung Quốc là quốc gia "độc ác", với việc để virus Covid tràn ra thế giới, có mục tiêu trước hết là để đánh lạc hướng các chỉ trích mạnh mẽ trong nước về việc chính quyền Trump xử lý đại dịch kém cỏi. Chính sách thùng rỗng kêu to của ông Trump vô hình chung đã để Trung Quốc rảnh tay, nhân đại dịch, mặc sức thi hành chính sách "ngoại giao vac-xin", khẳng định vị thế của một mạnh thường quân.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 11/12/2020
Thanh Phương, RFI, 07/12/2020
Với thành công đạt được, Việt Nam chắc sẽ duy trì chiến lược kềm chế dịch Covid-19 hơn là vội vã tìm mua cho đủ vac-xin với với nhiều rủi ro về tài chính.
Sau nhiều tháng xét nghiệm đại trà một cách ồ ạt, cách ly gắt bao kiểu trại lính hiểu theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen (một số doanh trại đã từng được sử dụng làm trung tâm cách ly), cho tới nay Việt Nam coi như đã thành công trong việc kềm chế dịch Covid-19, với tổng số ca nhiễm chưa tới 1.400 ca và số ca tử vong chỉ là 35 người, theo các số liệu chính thức.
Cũng theo các số liệu chính thức, chính phủ Việt Nam đã chi ra gần 780 triệu đôla để kềm chế dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả kinh tế của đại dịch, nhờ vậy mà kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng phục hồi nhanh hơn nhiều nước khác. Trong tháng 9, chính phủ Việt Nam sẽ đề ra mục tiêu tăng trưởng từ 2% đến 2,5% cho năm nay và 6,7% cho năm 2021.
Với thành công như vậy, Việt Nam chắc sẽ duy trì chiến lược kềm chế dịch Covid-19, hơn là vội vã tìm mua cho đủ vac-xin với với nhiều rũi ro về tài chính.
Hiện nay, trên thế giới, cuộc đua tìm vac-xin ngừa Covid-19 có vẻ như sắp chuyển sang giai đoạn tung ra thị trường. Anh Quốc đã là quốc gia đầu tiên cấp phép cho vac-xin và một số nước cũng đã lên kế hoạch chích ngừa cho người dân.
Riêng ở Việt Nam, việc nghiên cứu chế tạo vac-xin chỉ mới ở giai đoạn đầu. Theo tin của Vietnamnet vào cuối tháng 10, một công ty đang tiến hành tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên khỉ. Cụ thể, tờ báo trích lời ông Đỗ Tuấn Đạt, chủ tịch công ty VABIOTECH, cho biết từ ngày 27/10, đơn vị này đã bắt đầu thử nghiệm vac-xin Covid-19 trên giống khỉ vàng Macaca mulatta ở Đảo Rều (Quảng Ninh). Vac-xin được sử dụng để thử nghiệm tiền lâm sàng trên khỉ sẽ có mô hình gần giống với loại dự định tiêm cho người. Nếu kết quả thử nghiệm trên khỉ thành công, khoảng 4 tháng nữa, công ty VABIOTECH sẽ trình lên Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế.
Hiện nay, tại Việt Nam, ngoài VABIOTECH, có 3 đơn vị đang khác đang tham gia nghiên cứu sản xuất vac-xin Covid-19 : Viện Vac-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vac-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), Công ty Công nghệ sinh học Dược NANOGEN. Theo lời phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi trả lời chất vấn tại Quốc Hội ngày 06/11, trong số 4 cơ sở đang nghiên cứu chế tạo vac-xin, có 2 đơn vị đi trước, dự kiến cuối năm sẽ thử nghiệm vòng 1 trên người. Nhưng ông Vũ Đức Đam nói thêm là vac-xin "made in Vietnam" nhanh nhất đến cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 mới sản xuất được.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Nội thần kinh, bệnh viện Nhi đồng, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 24/11/2020, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã có nhiều kinh nghiệm từ việc chế tạo các vac-xin khác, cũng như từ việc hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực này :
"Việt Nam ngay từ đầu cũng đã suy nghĩ về chế tạo vac-xin, sau khi đã cấy được con virus đó ở Việt Nam. Theo tôi biết thì vac-xin đã được thử nghiệm trên động vật rồi và theo thông báo của Bộ Y tế, có thể đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ thử ở giai đoạn 3. Từ thử nghiệm giai đoạn 3 cho đến lúc có được vac-xin chắc là khoảng từ 6 đến 10 tháng. Nếu như việc cung cấp vac-xin trên thế giới có khó khăn, thì có thể lúc đó Việt Nam sẽ có đủ an ninh về vac-xin để sử dụng cho dân.
Thật ra Việt Nam đã tự điều chế vac-xin từ lâu rồi. Trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam cũng đã tự lo nhiều loại vac-xin, như bại liệt, sởi, rồi cũng đã từng thử nghiệm vac-xin cúm gà, thành ra kinh nghiệm cũng đã có. Nhưng chắc là trong quá trình nghiên cứu sẽ có hợp tác với vài nước. Bình thường thì Việt Nam vẫn có hợp tác với Anh, Nhật".
(Theo tin báo chí trong nước hôm 07/12/2020, Việt Nam chính thức thử nghiệm vac-xin ngừa Covid-19 trên người từ ngày 10/12 tới đây, ban đầu là thử nghiệm trên khoảng 20 tình nguyện viên. Vac-xin được thử nghệm là của công ty Nanogen, sử dụng công nghệ tái tổ hợp protein).
Thế còn về khả năng của Việt Nam, một trong những nước nghèo trên thế giới, mua vac-xin từ nước ngoài ? Tổ chức Y tế thế giới và liên minh vac-xin toàn cầu đã thành lập chương trình gồm 92 nước và vùng lãnh thổ tham gia, với tham vọng cung cấp vắc xin giá rẻ cho 20% số người trên thế giới. Tuy nhiên, chưa công ty nào cam kết bán vac-xin cho liên minh, mà Việt Nam thì cũng chưa tham gia liên minh này.
Vào tháng 8 vừa qua, chính phủ Hà Nội thông báo đã đăng ký mua 50-150 triệu liều vac-xin của Nga. Việt Nam cũng dự định sẽ mua vac-xin từ nước Anh, nơi mà Việt Nam có ký đối tác tham gia phát triển một vac-xin nội địa với Đại học Bristol. Việt Nam cũng đang làm việc với các đối tác khác, kể cả Trung Quốc. Nhưng theo lời phó thủ tướng Vũ Đức Đam, việc mua vac-xin trực tiếp từ các nước là rất khó khăn, vì trong bối cảnh mà cả thế giới đang cần đến vac-xin, chính phủ nước nào muốn mua đều phải "đặt cọc" trước và rủi ro về tài chính thì rất cao.
Như vậy thì nếu có vac-xin trên thế giới, thì trước mắt Việt Nam sẽ chưa thể chích miễn phí cho nhiều người, theo dự đoán của bác sĩ Trương Hữu Khanh :
"Theo tôi thì có khả năng là phải chọn lọc, vì mình không thể chờ tất cả mọi nơi để có số lượng lớn bán cho mình. Có lẽ Việt Nam cũng sẽ làm như những nước khác, tức là khi chưa thể chích đại trà cho dân, thì sẽ chích cho nhóm có nguy cơ cao, ví dụ như nhân viên y tế. Ở Việt Nam, hệ thống tiêm chủng dịch vụ khá là mạnh, cho nên có khả năng là có những công ty, nếu có đủ vac-xin, sẽ liên lạc với những cơ sở chích dịch vụ đó để chích cho người dân. Còn khả năng nhà nước mua về thì cũng khó, vì Việt Nam là nước nghèo, bao giờ vac-xin rẻ thì mới mua được. Chứ còn trong lúc vac-xin còn mắc như vậy, thì ở Việt Nam có hệ thống tiêm dịch vụ, có nghĩa là có những trung tâm chích ngừa sẽ tự nhập vac-xin về, cũng giống như các vac-xin khác có trong chương trình quốc gia miễn phí, ví dụ như vac-xin ngừa thủy đậu, rubella... Có những công ty sẽ nhập thẳng về để bán cho các trung tâm chích ngừa dịch vụ, người dân đến chích rồi trả tiền.
Cho tới khi mà Việt Nam sản xuất được vac-xin, thì lúc đó giá thành sẽ rẻ. Nhưng Việt Nam có điểm đặc biệt là những loại vac-xin dù có giá khoảng mấy chục đô một mẫu, thì vẫn có một số người dư khả năng để chích. Thật ra hiện nay một số vac-xin mà trên thị trường thế giới có giá khoảng 1 triệu mấy, 2 triệu, thì ở Việt Nam người dân cũng chích cho trẻ con nhiều lắm, nhiều khi người ta chích một đợt như vậy là mấy mũi. Như vậy, có khả năng là nếu nhà nước không làm được, người dân sẽ tự thu xếp theo cách đó".
Như vậy là trước mắt, hãy còn lâu người dân ở Việt Nam mới có thể được chích ngừa Covid-19 một cách rộng rãi và Việt Nam sẽ vẫn phải tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 như hiện nay, hay nói đúng hơn là mọi người phải tập sống chung an toàn với virus corona trong một thời gian dài, vì đại dịch này được dự báo là sớm nhất đến cuối năm 2021 mới chấm dứt.
Theo lời bác sĩ Trương Hữu Khanh, trong khi chờ vac-xin, Việt Nam phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây nhiễm, đặc biệt là từ các bệnh viện :
"Ở Việt Nam hiện nay, ý thức về mang khẩu trang ở nơi công cộng, đặc biệt là những nơi đông đúc, thì rất là tốt. Thứ hai là Việt Nam kiểm soát rất là tốt những người đi qua đường sân bay. Còn đối với những người đi đường bộ, qua vụ ở Đà Nẵng, chắc chắc là người ta sẽ kiểm soát tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không để lọt lưới nguồn lây từ bên ngoài vào.
Cho nên Việt Nam hiện nay vẫn rất là dè chừng và Việt Nam đang có chiến lược kiểm soát tại bệnh viện, tại vì nếu ở ngoài cộng đồng có những ca lây nhẹ thì nó sẽ tự hết, nhưng nếu bệnh nặng thì chắc chắc là phải vào bệnh viện. Thành ra Việt Nam đang khuyến cáo các bệnh viện là nếu thấy có những bệnh nhân nào mà đặc biệt thì phải xét nghiệm ngay và nếu có ca nhiễm nào thì khoanh vùng lại ngay để chống lây lan. Đó là cách phòng chống lâu dài của Việt Nam trong thời gian thế giới ổn định và có vac-xin. Nếu mình phát hiện sớm ở bệnh viện thì ở ngoài cộng đồng mình sẽ chặn sớm hơn, không tạo ra gánh nặng lây lan cho những người bệnh nặng, lúc đó điều trị sẽ khỏe hơn".
Cũng theo lời bác sĩ Trương Hữu Khanh, nếu phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh để tránh dịch bệnh lây trở lại từ bên ngoài, có thể Việt Nam cũng phải yêu cầu những người muốn đến Việt Nam chích ngừa Covid-19 trước :
"Nếu đúng là vac-xin có hiệu quả và đã phổ biến trên thế giới mà Việt Nam chưa chích ngừa được và dịch chưa được khống chế trên toàn thế giới, thì Việt Nam phải tiếp tục chặn con đường lây nhiễm từ ngoài. Đương nhiên là những người nào đã được chích ngừa rồi thì sẽ được đến Việt Nam để sinh hoạt, làm ăn, làm việc, du lịch.
Đó là chuyện bình thường. Cũng giống như hiện nay, những người đi vào Việt Nam, chúng ta phải chặn lại để xét nghiệm hoặc hỏi là trước khi đi, họ đã được xét nghiệm như thế nào. Cũng là một cách để bảo đảm là những người đó không có khả năng lây nhiễm. Những người đã được chích vac-xin có hiệu quả rồi thì người ta đâu có mắc bệnh đâu mà lây sang những người khác".
Hiện giờ Việt Nam vẫn đóng cửa biên giới, chỉ cho phép các chuyến bay quốc tế chở công dân Việt Nam hồi hương, hoặc chở các nhà ngoại giao, các chuyên gia ngoại quốc đến Việt Nam. Tính đến ngày 1/12, Việt Nam chỉ ghi nhận 1.347 ca nhiễm virus corona, trong đó có 35 ca tử vong. Theo Bộ Y tế, gần phân nữa tổng số người bị nhiễm là các ca ngoại nhập. Trong những tháng qua, gần như toàn bộ các ca nhiễm Covid-19 mới ở Việt Nam là những người từ bên ngoài vào. Chỉ có hôm 30/11 mới có ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên trong vòng 89 ngày ở Việt Nam, đó là một cư dân ở Sài Gòn. Theo tờ Tuổi Trẻ, toàn bộ 137 người đã có tiếp xúc với ca nhiễm mới đều bị đưa đi cách ly và trung tâm dạy tiếng Anh, nơi mà người này là giáo viên, cũng bị đóng cửa. Nhờ dịch bệnh được kiểm soát gắt gao như vậy mà ở Việt Nam bây giờ, ngoài quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, hầu như không còn giãn cách xã hội nữa, mọi sinh hoạt coi đã trở lại bình thường. Cho nên, chắc không có nhiều người quan tâm đến việc khi nào sẽ có vac-xin ngừa Covid-19.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 07/12/2020
Ông Biden tìm cách tiếp cận kế hoạch vaccine giữa lúc bị trì hoãn bàn giao
VOA, 17/11/2020
Các cố vấn khoa học của Tổng thống đắc cử Joe Biden có kế hoạch gặp gỡ các nhà sản xuất vaccine trong những ngày tới, ngay cả khi quá trình chuyển đổi tổng thống bị đình trệ khiến họ bị loại ra khỏi việc tham gia vào kế hoạch tiêm chủng Covid-19 cho toàn bộ người Mỹ, theo AP.
Chánh văn phòng Ron Klain (giữa) được Tổng thống đắc cử Joe Biden (phải) bổ nhiệm cho biết các chuyên gia của ông Biden sẽ nhanh chóng tiếp cận với những người liên quan đến kế hoạch phân phối vaccine.
Tổng thống Donald Trump vẫn từ chối chấp nhận ông thua cuộc bầu cử. Điều này có nghĩa là nhóm của ông Biden không thể có một cái nhìn bao quát rõ ràng về công việc trong chính phủ cho một chiến dịch tiêm chủng hàng loạt kéo dài sang năm tới, AP dẫn lời Chánh văn phòng Ron Klain của ông Biden cho biết.
"Bây giờ chúng ta có khả năng có một loại vaccine bắt đầu từ tháng 12 hoặc tháng 1", ông Klain nói, theo AP. "Những người trong Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (HHS) đang lập kế hoạch triển khai loại vaccine đó. Các chuyên gia của chúng tôi cần phải nói chuyện với những người đó càng sớm càng tốt để không có gì bất ngờ xảy ra khi thay đổi quyền lực vào ngày 20/1".
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ, Bác sĩ Anthony Fauci, cho rằng việc thiếu phối hợp giữa các cơ quan hành chính mãn nhiệm và kế nhiệm sẽ "đặc biệt gây vấn đề" trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ngày càng tồi tệ.
"Tất nhiên sẽ tốt hơn nếu chúng tôi có thể bắt đầu làm việc với họ", AP dẫn lời bác sĩ Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, và đã trải qua nhiều lần chuyển đổi tổng thống trong 36 năm ông phục vụ chính phủ.
Việc tổng thống đắc cử tiếp cận với các nhà sản xuất vaccine diễn ra vào lúc đại dịch virus corona ở Hoa Kỳ bước vào giai đoạn được xem là nguy hiểm nhất.
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày ở Mỹ là 148.725, tính trong bảy ngày cho đến Chủ nhật (15/11). Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ đang có thêm khoảng 1 triệu ca nhiễm mới mỗi tuần. Số người chết trung bình là 1.103 người/ngày, tăng 33% trong hai tuần qua, tính đến 15/11.
*********************
Vaccine Moderna thành công, thêm hy vọng chặn Covid-19 cho thế giới
VOA, 17/11/2020
Loại vaccine thử nghiệm của công ty Moderna, với hiệu quả 94,5% trong việc ngăn ngừa Covid-19 theo dữ liệu tạm thời từ một thử nghiệm giai đoạn cuối, giúp công ty này trở thành nhà sản xuất dược phẩm thứ hai của Hoa Kỳ báo cáo kết quả vượt xa mong đợi, Reuters dẫn thông tin từ công ty cho biết hôm 16/11.
Moderna dự kiến sẽ có đủ dữ liệu an toàn cần thiết để được Hoa Kỳ cấp phép trong khoảng tuần tới.
Cùng với vaccine của Pfizer, cũng có hiệu quả hơn 90% và đang chờ thêm dữ liệu an toàn và xem xét theo quy định, Hoa Kỳ có thể có hai loại vaccine được phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12 với khoảng 60 triệu liều có sẵn trong năm nay.
Năm tới, chính phủ Hoa Kỳ có thể tiếp cận hơn 1 tỷ liều vaccine chỉ từ hai nhà sản xuất trên, nhiều hơn mức cần thiết cho 330 triệu cư dân của nước Mỹ.
Được phát triển bằng công nghệ mới mRNA, cả hai loại vaccine được xem là công cụ mạnh để chống lại đại dịch đã lây nhiễm cho 54 triệu người trên toàn thế giới và giết chết 1,3 triệu người.
Thông tin về thành công của vaccine xuất hiện đúng vào thời điểm số ca lây nhiễm Covid-19 đang tăng vọt, đạt kỷ lục mới tại Hoa Kỳ và đẩy một số quốc gia Châu Âu trở lại tình trạng bị phong toả.
"Chúng ta sẽ có một loại vaccine có thể ngăn chặn Covid-19", Reuters dẫn lời Chủ tịch Moderna, Stephen Hoge, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Phân tích tạm thời của Moderna dựa trên 95 ca nhiễm trong số những người tham gia thử nghiệm được tiêm vaccine. Trong số này, chỉ có 5 trường hợp bị lây nhiễm trong số những người được chủng ngừa, và họ được tiêm hai mũi cách nhau 28 ngày.
Reuters dẫn lời giáo sư miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, Eleanor Riley, nói : "Có nhiều hơn một nguồn vaccine hiệu quả sẽ làm tăng nguồn cung toàn cầu và nếu may mắn, chúng sẽ giúp tất cả chúng ta quay trở lại trạng thái bình thường vào năm 2021".
Moderna dự kiến sẽ có đủ dữ liệu an toàn cần thiết để được Hoa Kỳ cấp phép trong khoảng tuần tới và công ty dự kiến sẽ nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) trong những tuần tiếp theo.
Cổ phiếu của công ty, vốn đã tăng hơn bốn lần trong năm nay, tăng 15% trong giao dịch tiền thị trường trong khi chứng khoán Châu Âu và hợp đồng tương lai của Phố Wall tăng vọt nhờ thông tin cập nhật vaccine. Chỉ số S&P 500 tương lai tăng 1,3%, lên mức cao kỷ lục mới, trong khi STOXX 600 toàn Châu Âu đạt trở lại mức cao nhất của cuối tháng Hai.
Cổ phiếu của Pfizer đã giảm 1,7% trong giao dịch tiền thị trường trong khi AstraZeneca của Anh, công ty vẫn chưa công bố bất kỳ kết quả nào từ các cuộc thử nghiệm vaccine giai đoạn cuối, lại giảm 0,7%.
Một ưu điểm chính của vacine Moderna là không cần bảo quản siêu lạnh như của Pfizer, giúp cho việc phân phối dễ dàng hơn.
Moderna hy vọng vaccine sẽ ổn định ở nhiệt độ của tủ lạnh thông thường từ 2 đến 8 độ C (36 đến 48°F) trong 30 ngày và có thể được bảo quản đến 6 tháng ở -20C.
Vaccine của Pfizer phải được vận chuyển và bảo quản ở -70C, loại nhiệt độ điển hình của mùa đông Nam Cực. Nó có thể được bảo quản đến 5 ngày ở nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn hoặc lên đến 15 ngày trong hộp vận chuyển nhiệt.
Là một phần của chương trình Operation Warp Speed (chương trình nhằm tăng tốc phát triển vaccine) của chính phủ Hoa Kỳ, Moderna dự kiến sản xuất khoảng 20 triệu liều cho nước Mỹ trong năm nay. Hàng triệu liều trong số này đã được sản xuất và sẵn sàng giao hàng nếu được FDA cho phép.
95 trường hợp mắc Covid-19 tham gia thử nghiệm bao gồm nhiều nhóm chính có nguy cơ cao mắc bệnh nặng, bao gồm 15 trường hợp người lớn từ 65 tuổi trở lên và 20 trường hợp thuộc các nhóm đa dạng về chủng tộc.
Một điều còn chưa biết đối với loại vaccine này và tất cả những vaccine khác hiện đang được thử nghiệm là liệu chúng có ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 hay không.
"Nhiều khả năng là vaccine có thể ngăn ngừa triệu chứng bệnh, làm giảm thời gian và mức độ lây nhiễm, và do đó giảm sự lây truyền. Nhưng chúng tôi chưa biết liệu tác động này có đủ lớn để tạo ra bất kỳ sự khác biệt có ý nghĩa nào đối với sự lây lan của virus trong cộng đồng hay không", Reuters dẫn lời Giáo sư Riley tại Đại học Edinburgh cho biết.
Hoa Kỳ có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới với hơn 11 triệu ca nhiễm và gần 250.000 ca tử vong.
Moderna đã nhận được gần 1 tỷ đô la tài trợ nghiên cứu và phát triển từ chính phủ Hoa Kỳ và ký một thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ đô la cho 100 triệu liều. Chính phủ Hoa Kỳ cũng có thêm lựa chọn cho 400 triệu liều khác.
Công ty hy vọng sẽ sản xuất từ 500 triệu đến 1 tỷ liều vào năm 2021, phân chia giữa các cơ sở sản xuất ở Hoa Kỳ và quốc tế, tuỳ theo nhu cầu.
Moderna cũng cho biết họ sẽ sử dụng dữ liệu của mình để xin cấp phép ở Châu Âu và các khu vực khác.
Cơ quan quản lý y tế của Châu Âu hôm 16/11 cho biết họ đã đưa ra một "đánh giá tổng hợp" trong thời gian thực đối với vaccine của Moderna, sau các đánh giá tương tự đối với vaccine của Pfizer và AstraZeneca.
Các quốc gia khác như Trung Quốc và Nga đã bắt đầu tiêm chủng. Nga đã cấp phép sử dụng vaccine Sputnik-V Covid-19 trong nước vào tháng 8, trước khi công bố dữ liệu từ các thử nghiệm quy mô lớn. Nước này cho biết vào ngày 11/11 rằng vaccine của họ có hiệu quả 92% dựa trên 20 ca nhiễm trong cuộc thử nghiệm lớn của họ.