Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/01/2021

Điểm báo Pháp - Chủng ngừa Covid-19 tại Châu Âu : những thách đố

RFI tiếng Việt

Chủng ngừa Covid-19 : Châu Âu đương đầu với nhiều thách đố

Tại Châu Âu, vac-xin chống siêu vi corona, thành tựu khoa học vượt kỷ lục thời gian không ngờ gặp vấn đề khi tiêm chủng. Tại Mỹ, tổng thống thứ 45 vẫn tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử một cách vô vọng. Tại Trung Quốc, Đảng cộng sản tăng tốc tiêu diệt doanh nghiệp tư nhân. Covid-19, Donald Trump, Tập Cận Bình tiếp tục chiếm các trang báo Pháp từ 2020 đến 2021.

chichngua1

Tại trung tâm phòng chủng Covid-19 ở Potsdam, Đức, ngày 05/01/2021  via Reuters - Pool

Covid-19 : La Croix đưa độc giả đi tìm cội nguồn siêu vi ở Vũ Hán nhưng báo trước ngay trên trang nhất là không thể kết luận được. Libération lo âu cho nền dân chủ Mỹ đang là nạn nhân của một nguyên thủ say mê quyền lực đến mức độ phủ nhận thực tế : Donald Trump, tham thì thâm, có thể mất cả chì lẫn chài. Trang nhất của Le Figaro đưa tựa lớn : Vac-xin, bị chỉ trích chậm trễ, Macron cam kết sẽ có một chiến lược mới. Với bức ảnh tỷ phú Jack Ma ngồi trầm tư, nhật báo thiên hữu mời độc giả tìm hiểu vì sao sáng lập viên Alibaba bị thất sủng, bị cấm rời Trung Quốc.

Chỉ một trang nhất, Le Monde gói ghém các chủ đề cần thiết cho phép nắm bắt toàn cảnh tình hình bất cập trong và ngoài nước. Bầu cử Mỹ : Donald Trump và áp lực cuối cùng. Covid-19, hành pháp đứng trước hiểm nghèo. Tổng thống và chính phủ Pháp bị công kích kịch liệt vì chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 tiến hành chậm chạp, đối lập tố cáo "tình trạng quan liêu y tế". Tại nhiều vùng, việc phân phối liều lượng bị trễ, số bác sĩ cũng không đủ. Mục diễn đàn, một nhóm nhà khoa học và y sĩ đồng ký tên một lời kêu gọi "cải cách hệ thống y tế Pháp". Ưu tư cũng tràn ngập các trường đại học, một vị viện trưởng không dấu điều lo ngại cho tương lại "một thế hệ sinh viên" bị Covid làm xáo trộn chuyện học hành.

Vac-xin Covid : Châu Âu bị tổ trác ?

Câu hỏi đặt ra là vì sao có những trục trặc trong chiến lược chống Covid-19 ? Điều này có làm hình ảnh của nước Pháp nói riêng và của Châu Âu nói chung bị tác hại hay không ? Le Monde trả lời qua một bức tranh biếm họa và một bài xã luận.

Nguyên nhân thứ nhất, với nét bút của Plantu, là tính hoài nghi của người Pháp đối với vac-xin đốt giai đoạn chế tạo. Hình thứ nhất : Một ông Tây đội mũ vải, thúc hối một y tá tay cầm ống tiêm, từ xa chạy vắt giò lên cổ : Sao chậm thế, bộ muốn tôi chết sao ? Hình thứ hai : y tá cầm ống tiêm đưa lên, thế là ông Tây phản đối : Ê, định tiêm cho tôi đấy à ? Thà chết còn hơn".

Một cách nghiêm túc hơn, bài xã luận của Le Monde nêu ra những thách thức to lớn mà Châu Âu vượt qua được cũng như những thiếu sót không thể tránh.

Chiến dịch tiêm chủng gặp nhiều trắc trở tại một số nước Châu Âu vì được tung ra trong điều kiện về hậu cần, chính trị và tâm lý cực kỳ khó khăn. Sự kiện chế tạo được vac-xin trong thời gian kỷ lục đã là một kỳ công. Kỳ công khoa học và công nghệ : nỗ lực tuyệt vời của các nhà nghiên cứu, của công nghiệp dược phẩm, của chính phủ các nước phát triển đã tài trợ dồi dào cho các phòng thí nghiệm, trong thời gian kỷ lục, không đốt giai đoạn, tiến hành nghiên cứu thuốc chủng mà lợi nhuận không có gì bảo đảm.

Kế tiếp là kỳ công chính trị và ngoại giao trong nội bộ Châu Âu. Để tránh chay đua cạnh tranh lẫn nhau và tái diễn tình trạng thiếu hụt khẩu trang hồi mùa xuân, trách nhiệm đặt mua vac-xin cho 27 thành viên được trao cho một cơ quan duy nhất và Ủy Ban Châu Âu. Hai tỷ liều được đặt cho 6 công ty bào chế, cho 450 triệu dân để sau đó phân chia đồng đều mà không cần biết công ty nào sản xuất trước. Nếu không tập trung đặt hàng, tiền của mỗi nước chi ra mua riêng rẽ sẽ đắt đến bao nhiêu ? Ngay Hungary, hùng hổ nhận đợt Sputnik-V của Nga đầu tiên hồi tháng 11, sau đó phải chọn thuốc chủng do Châu Âu phân phối.

Tuy nhiên, đến công đoạn tiêm đại trà thì bị lủng củng. Một mặt vì các thành viên phụ thuộc vào chương trình của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu. Anh Quốc tách ra nên tiêm trước dưới sức ép của làn sóng đại dịch. Đức Quốc, dưới sức ép của công luận, xin phép tiến hành từ ngày 26/12/2020 trước thời điểm ấn định chung cho toàn Liên Hiệp 24 giờ. Trong khi đó, Hà Lan chọn ngày 08/01/2021.

Thế rồi, cả Anh lẫn Đức phải dừng lại sau đợt đầu tiên vì các viện bào chế cung cấp không kịp. Nước Pháp cũng bị chỉ trích mạnh sau khi mất một tuần mà chỉ tiêm cho 500 người vì tổ chức kém.

Le Monde kết luận một cách mô phạm : Cũng như mỗi giai đoạn trong cơn đại dịch này, phần tiêm chủng cũng đòi hỏi một sự uyển chuyển, khiêm tốn và tổ chức. Có những nước có nhiều ưu điểm hơn nước kia.

Covid : Biện pháp khống chế

Truy tìm cội nguồn siêu vi corona chủng mới, một năm sau khi đại dịch bùng phát tại Vũ Hán là việc khó khăn. Trước khi một phái bộ khoa học gia của Tổ chức Y tế Thế gới được Bắc Kinh cho phép nhập cảnh và hoạt động có điều kiện. Theo La Croix, phăng đến gốc đại dịch là chuyện mò kim đáy biển nhưng có biện pháp để khống chế dịch.

Thật ra trước La Croix đã có một số đồng nghiệp khác phân tích các giả thuyết mà các nhà khoa học phải xem xét từ loài dơi cho đến phòng thí nghiệm P4. Những giả thuyết siêu vi do người chế tạo hay thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán đều thiếu cơ sở để xác nhận nhưng cũng không thể loại trừ. Nhưng báo cáo của sứ quán Mỹ vào năm 2018 cần được lưu ý : Phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán thiếu kỹ thuật viên lành nghề. Báo cáo khác cho biết các nhà nghiên cứu chứng minh được siêu vi của dơi có khả năng giao tiếp với tế bào con người và điều này làm cho việc theo dõi diễn biến của siêu vi đề phòng xảy ra dịch bệnh trong tương lai rất khó khăn.

Theo La Croix, hai thông tin này sẽ không bị lịch sử ngày sau bỏ quên. Trách nhiệm này hôm nay là phải truy cho ra cội nguồn để thảm nạn hôm nay không tái diễn.

Nhật báo công giáo trong bài xã luận "Từ không biết từ đâu đến bao trùm khắp nơi" đề xuất : Chống đại dịch như Covid có lẽ phải theo hai biện pháp có vẻ mâu thuẫn nhau : Phải có một sự hợp tác y tế rộng lớn trên thế giới nhưng cùng lúc phải hạn chế tương đối giao lưu hàng hóa và sự đi lại của con người từ nước này sang nước kia .

Trung Quốc : Nhìn vào hành động của Tập

Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày càng độc hiểm đối với doanh nhân trong nước và tách xa giá trị của phương Tây. Mã Vân (Jack Ma), chủ nhân Alibaba là nạn nhân điển hình nhưng không phải là người duy nhất.

Les Echos trong bài "Trung Quốc 2021, ngày càng xa dần phương Tây" cho biết năm nay là năm quan trọng đối với Bắc Kinh, là năm Đảng cộng sản 100 tuổi. Trung Quốc đang theo chính sách đóng cửa ba mặt : chính trị, kinh tế và ảnh hưởng từ bên ngoài.

Còn đâu bài diễn văn "thế giới đa phương" của chủ tịch Trung Quốc vào năm 2017 tại Davos đấm vào hông Donald Trump.

Les Echos nhắc lại "người quân tử nhìn vào hành động, không nghe lời nói"

Chính sách Đảng kiểm soát kinh tế được thể hiện rõ nét là "trừng phạt tỷ phú Mã Vân", sáng lập viên Alibaba đã trở thành một nhân vật quá mạnh, dưới mắt Tập Cận Bình. Đây cũng là nhận định của Le Figaro giải thích vì sao thần tượng công nghệ cao của Hoa lục bị thất sủng. Sức mạnh của Mã Vân là nhìn xa, phá rào, tự tin là với tài năng xuất chúng ông có thể chiến thắng mọi nghịch cảnh. Sự kiên Mã Vân thông báo từ chức chủ tịch Alibaba cùng lúc với Tập Cận Bình quyết định tu chính Hiến pháp để lãnh đạo trọn đời là một hành động bị xem là khiêu khích.

Trong chính sách "khống chế lại các doanh nghiệp tư nhân", hàng loạt doanh nhân tỷ phú Hoa lục kẻ bị giam, người bỏ của chạy lấy thân trong số đó có con bộ trưởng.

Donald Trump : tham thì thâm

Về thời sự Mỹ, cú điện thoại của tổng thống Donald Trump gây áp lực bang Georgia đảo ngược kết quả bầu cử vào lúc chỉ còn hai tuần là đến ngày bàn giao, được báo chí Pháp xem là nỗ lực vô vọng "hết nước mà vẫn còn tát"

Le Monde e rằng thái độ "cứng đầu" của Donald Trump, theo nghĩa "lạm dụng quyền lực tối đa để bám trụ" làm cho nước Mỹ phân hóa trầm trọng.

Trước nguy cơ Donald Trump sử dụng mọi thủ đoạn để đảo ngược kết quả bầu cử, kể của huy động quân đội, 10 cựu bộ trưởng quốc phòng, kể cả hai người do Donald Trump bổ nhiệm phải đồng loạt và long trọng kêu gọi quân đội đứng ngoài, không can thiệp vào bầu cử .

Libération cũng cùng phân tích "âm mưu đảo chính có nguy cơ gây ra hậu quả lâu dài cho sinh hoạt chính trị Mỹ". Theo nhật báo thiên tả, Donald Trump coi chừng tính già quá non, mất cả chỉ lẫn chài, tặng cho Joe Biden hai chiếc ghế thượng nghị sĩ của bang Georgia

Ong bầu và hoa

Kết thúc điểm báo hôm nay với một phát hiện mới về côn trùng học do La Croix đăng tải : loài ong bầu (có tự điển gọi là ong gấu) không hút nhụy hoa một cách ngẫu nhiên đụng hoa nào táp vô hoa đó. Theo dõi đường bay của loài bourdon, một nhóm côn trùng học của Anh thấy rằng ong bầu sau khi hút nhụy, nếu cứ bay vòng quanh nhiều lần là để ghi nhớ vị trí của hoa để trở lại. Hoa đó chắc chắn sẽ có nhiều đường. Thứ hai là chỉ có ông bầu trưởng thành mới tìm cách "định vị" còn các chú ong con thì bằng lòng với các đóa hoa cạnh nhà.

Kết luận, chính vì chịu khó bay xa cho nên loài ong bầu đóng vai trò đắc lực và hiệu quả trong việc thụ phấn.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 437 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)