Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/01/2021

Điểm báo Pháp – Truất phế Donald Trump có nguy cơ chia rẽ đất nước

RFI tiếng Việt

Phe Cộng hòa tố đảng Dân chủ hối hả truất phế Tổng thống Trump, bất chấp nguy cơ chia rẽ đất nước

Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị tiến hành thủ tục trừng phạt đến hai lần trong nhiệm kỳ, với mức độ cao nhất trong Hiến pháp. Ông Trump cũng là tổng thống đầu tiên bị luận tội một cách hết sức chóng vánh, ngay tại nơi xảy ra sự kiện.

impeach1

Quân cảnh Mỹ triển khai tại Thượng Viện trong lúc Hạ Viện bỏ phiếu truất phế tổng thống Donald Trump ngày 14/01/2021.  Reuters – Joshua Roberts

Le Figarohôm nay chạy tựa "Vac-xin : Ủy Ban Châu Âu dưới áp lực". Le Mondecảnh báo "Covid : Chính quyền đứng trước nguy cơ các biến chủng". Libération coi "Biến thể của Covid-19 : Những kẻ xâm lăng". Nhật báo công giáo La Croixnói về việc Ailen tưởng niệm hàng ngàn trẻ em đã chết từ 1922 đến 1998 tại các ngôi nhà dành cho những bà mẹ đơn thân do chính quyền và tôn giáo quản lý, còn tờ báo kinh tế Les Echos quan tâm đến việc Nhà nước Pháp ngăn chặn việc mua lại chuỗi siêu thị Carrefour.

Ở các trang trong, bên cạnh chủ đề dịch Covid, sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump phải đối mặt với một tiến trình truất phế lịch sử được tất cả các báo đề cập đến.

Tổng thống Mỹ đầu tiên bị đưa ra truất phế hai lần trong nhiệm kỳ

Hạ Viện ngày 13/01 đã thông qua việc truất phế tổng thống Trump vì "xúi giục nổi dậy" với 232/197, trong đó có 10 phiếu thuận của Cộng hòa. Le Figaro nhận định ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị đưa ra trừng phạt hai lần với mức độ cao nhất trong Hiến pháp.

Donald Trump cũng là tổng thống đầu tiên bị luận tội nhanh chóng như thế, ngay tại nơi xảy ra sự kiện. Phe Dân chủ cho rằng không cần thiết phải lắng nghe các nhân chứng hay được các chuyên gia giải thích thế nào là khinh tội hay trọng tội. Một tuần trước đó, họ có mặt trong gian phòng họp mà những người biểu tình toan phá cửa. Dân biểu Dân chủ Jim McGovern nói : "Chúng tôi tranh luận về biện pháp lịch sử này ngay tại hiện trường vụ án".

Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh căng thẳng, người ta sợ lại bạo động vào lúc nhiệm kỳ ông Donald Trump sắp kết thúc. Điện Capitol biến thành chiến hào với những đội ngũ vũ trang bao quanh và bên trong tòa nhà Quốc hội, những người lính cắm trại ngay trong các hành lang. Các dân biểu, nghị sĩ cũng phải đi qua hàng rào kiểm tra an ninh. Vệ binh Quốc gia được lệnh mang vũ khí, một điều hiếm khi xảy ra. Tổng cộng có 20.000 quân nhân hiện diện trong thành phố để phục vụ lễ nhậm chức của Joe Biden.

Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi nhấn mạnh tổng thống Donald Trump là mối nguy hiểm cho quốc gia, phải ra đi lập tức. Theo Le Figaro, bên cạnh đối lập chính trị với ông Trump, bà còn có thù oán cá nhân. Pelosi đã khởi động vụ truất phế hồi năm 2019, văn phòng bà bị người biểu tình xâm nhập. Bà tố cáo "những kẻ khủng bố trong nước được tổng thống xúi giục và gởi đến".

Con dao hai lưỡi cho đảng Dân chủ

Lần trước không có nghị sĩ Cộng hòa nào bỏ phiếu truất phế ông Trump, nhưng kỳ này có 10 người đứng về phía Dân chủ trong đó có Liz Cheney, con gái cựu phó tổng thống Cộng hòa Dick Cheney. Tuy nhiên đa số đại biểu Cộng hòa không ủng hộ một tiến trình vội vã, có nguy cơ gây phẫn nộ tại một đất nước vốn đã chia rẽ.

Dân biểu Tom McClintock của California cảnh báo việc áp dụng biện pháp nặng nề nhất "một cách khẩn cấp, không có điều trần, chỉ một tuần trước khi tân tổng thống nhậm chức". Nhiều người nhấn mạnh khía cạnh đảng phái. Dân biểu Tom Cole của Oklahoma tố cáo : "Họ cố gắng thanh toán ân oán thay vì hòa giải". Dân biểu Louie Gohmert của Texas nói với phe Dân chủ : "Các vị dùng việc phế truất làm vũ khí, điều này rất nguy hiểm".

Libération cho rằng đây là con dao hai lưỡi đối với đảng Dân chủ. Nếu bị truất phế, Donald Trump sẽ bị mất tất cả mọi lợi tức dành cho cựu tổng thống, và không thể giữ bất kỳ chức vụ nào trong chính quyền liên bang. Nhưng khi độc chiếm những cuộc họp Thượng Viện, thủ tục này có nguy cơ cản trở những hoạt động của hành pháp vào đầu nhiệm kỳ Biden.

Về vụ xâm nhập Điện Capitol,Le Monde cho biết Bộ Tư pháp đã hứa hẹn trừng phạt nghiêm khắc. Trên 170 cuộc điều tra hình sự đã được mở ra, gần 70 người bị khởi tố, trong đó có một người ở Alabama vì mang theo 11 bom xăng và 5 khẩu súng. FBI kêu gọi cung cấp chứng cứ để nhận diện những kẻ bạo động, đã nhận được trên 100.000 tấm hình và video. Một số cảnh sát tỏ ra có cảm tình với ông Donald Trump như chụp hình chung với người biểu tình, đội nón "Make America Great Again"… đã bị đình chỉ công tác.

Anh Quốc mạnh dạn tố cáo "sự man rợ" của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ

Liên quan đến Châu Á, Le Figaro ca ngợi sự can đảm của Anh Quốc khi tố cáo cách đối xử dã man của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ. Khác với các nhà lãnh đạo Châu Âu khác, thủ tướng Boris Johnson không sợ làm mất lòng Bắc Kinh. Luân Đôn hôm qua đã công bố các biện pháp nhằm cấm các mặt hàng được lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương sản xuất.

Ngoại trưởng Anh không hề lựa lời khi tuyên bố "Đó là một sự man rợ tưởng chừng đã được xóa bỏ trong quá khứ, nay lại diễn ra". Trước các nghị sĩ, ông nêu ra hiện trạng "bắt giam bừa bãi, buộc đi cải tạo, lao động cưỡng bức, tra tấn, buộc triệt sản" người Duy Ngô Nhĩ, với mức độ công nghiệp.

Việc xuất nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ bị cấm. Một mặt, "các công ty Anh không tham gia các chuỗi cung ứng dẫn đến cổng các trại cải tạo Tân Cương", mặt khác "các sản phẩm do vi phạm nhân quyền không thể có mặt trong siêu thị". Tuần trước, chuỗi cửa hàng Marks & Spencer đã cam kết quần áo bán ra không được dệt từ sợi bông Tân Cương, trở thành công ty lớn nhất của Anh hưởng ứng lời kêu gọi của 300 tổ chức phi chính phủ.

Các nghị sĩ bảo thủ còn muốn chính phủ đi xa hơn, với việc trừng phạt các quan chức Trung Quốc kiểu như luật Magnitsky. Hôm thứ Ba 12/01, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) yêu cầu Anh "ngưng can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc". Nhưng Canada đã theo chân Luân Đôn. Trong khi Liên Hiệp Châu Âu vừa ký một thỏa thuận về đầu tư gây tranh cãi, hành động can đảm của Anh được coi là biểu hiện cho chính sách đối ngoại độc lập sau Brexit. Ngoại trưởng Dominic Raab khẳng định vẫn muốn có mối quan hệ mang tính xây dựng với Bắc Kinh, "nhưng không thể hy sinh các giá trị và sự an ninh" của mình.

Nỗi lo trước virus corona biến thể

Về đại dịch Covid, Libération nhận định những biến thể Anh, Nam Phi, Brazil… của con virus corona, lây nhiễm mạnh hơn và khó phát hiện hơn, khiến các nhà nghiên cứu lo ngại vac-xin không tác động được nơi một số virus. Trong bài xã luận, tờ báo chỉ trích sự trễ tràng của Pháp trong việc giải mã trình tự gien của con virus, sau khi đã chậm chân trong việc cung ứng khẩu trang, làm xét nghiệm, tiêm chủng.

Tại Pháp, đáng lo nhất là biến chủng Anh B.1.1.7. vốn lây lan rất mạnh, chiếm 1% số ca dương tính. Hội đồng khoa học đề nghị làm xét nghiệm rộng rãi trong hàng ngũ giáo viên và đóng cửa các lớp học thậm chí cả trường ngay khi phát hiện biến chủng này. B.1.1.7. có đến 20 biến thể trong ARN, trong đó có N501Y giúp virus sống sót và lây lan. Chỉ trong ba tháng, B.1.1.7. là thủ phạm phân nửa số ca dương tính ở Anh và nay hiện diện tại 45 nước. May mắn là con virus biến thể này không gây ra những dạng Covid nặng, và N501Y không ảnh hưởng đến vac-xin Pfizer cũng như kháng thể của các bệnh nhân đã khỏi.

Đại dịch từ Vũ Hán làm toàn nhân loại khốn đốn chưa từng thấy

Nhân kỷ niệm một năm kể từ khi đại dịch Covid bắt đầu, Les Echos ghi nhận cuộc sống hàng ngày tại khắp nơi trên thế giới đều bị đảo lộn. Con virus đến từ Vũ Hán đã làm nhân loại khốn đốn không thua những đại họa trước đây trong lịch sử, từ chiến tranh cho đến dịch bệnh.

Phong tỏa, xét nghiệm, làm việc từ nhà, khẩu trang, giới nghiêm, đi đâu phải mang theo tờ khai, rửa tay thường xuyên… Một năm qua, cuộc sống thường nhật của người dân toàn cầu bị ảnh hưởng chưa từng thấy. Chưa bao giờ có trận dịch nào và cả đại chiến thế giới lại áp đặt những giới hạn ngặt nghèo như thế đối với những hoạt động của cả nhân loại, và trải rộng như thế về địa lý.

Khoảng 60 nước với khoảng phân nửa dân số thế giới vào tháng Ba, tháng Tư đã buộc người dân không được ra khỏi nhà trừ khi đi chợ, đi khám bệnh và phải mang theo giấy chứng nhận. Chỉ trong vài ngày người dân trên năm châu lục phải từ biệt các rạp xi-nê, không còn được đi nghe nhạc, du ngoạn, thậm chí uống một ly nước trong quán ; đa số trẻ em phải ở nhà trong nhiều tháng vì trường học đóng cửa.

Sau một năm, kinh tế suy sụp chưa từng thấy trong lịch sử, kể từ cuộc đại khủng hoảng thập niên 30. Riêng khu vực đồng euro phải trả giá nhiều nhất với GDP bị thụt lùi 7,5% và phải đợi đến ít nhất năm 2022 mới có thể khởi sắc.

Lebanon phong tỏa ngặt nghèo trong bối cảnh khủng hoảng

Riêng ở vùng Cận Đông,Le Mondemô tả "Phong tỏa toàn bộ tại một nước Lebanon đang lâm vào đường cùng". Từ đầu tuần, người dân đổ xô đến các siêu thị ở Lebanon để mua thực phẩm dự trữ. Lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực kể từ hôm nay 14/01 đến 25/01 để chống Covid đang lan tràn.

Đông đảo khách hàng chen chúc trước lối vào, chen lấn ở các quầy hàng, kẹt cứng ở quầy tính tiền… Từ khi xâm nhập vào Lebanon hồi tháng Hai, con virus đã tấn công 226.000 người trong đó có 30.000 người bị lây nhiễm chỉ trong vòng một tuần qua. Tờ báo địa phương Al Akhbar chạy tít lớn "Địa ngục". Một địa ngục với hai cuộc khủng hoảng cùng lúc : đồng lira sụt giá khiến hơn phân nửa dân số bị rơi xuống dưới ngưỡng nghèo khó, và hậu quả vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hôm 04/08/2020.

Trong vòng 10 ngày tới, dân Lebanon không được ra khỏi nhà dù để đi làm, đi chợ, tập thể dục hoặc dắt chó đi dạo. Những gia đình nào không trữ đủ thức ăn sẽ được giao hàng tại nhà. Chỉ có một số nghề nghiệp thiết yếu mới được tiếp tục như tiệm bánh mì, tiệm thuốc tây, những người làm việc trong ngành y tế và thực phẩm.

Việc dỡ bỏ các hạn chế trong dịp lễ Noel và Tết dương lịch đã khiến chỉ trong vài ngày, số người bị lây nhiễm hàng ngày từ 1.500 vọt lên 4.500. Các khoa hồi sức có tỉ lệ giường bệnh lấp đầy đến 95%. Mới đây nhân viên Hồng Thập Tự phải bỏ lại bệnh nhân trước cửa một bệnh viện vì không còn chỗ, còn tại một bệnh viện khác, nhân viên y tế phải chữa trị ngay trong xe. Một trở ngại nữa là thiếu nhân sự : nhiều y tá, bác sĩ đã ra nước ngoài kiếm sống, hoặc ngã bệnh.

Các dưỡng đường tư nhân vốn chiếm 80% trong lãnh vực, ngần ngại không muốn gia tăng số giường cho bệnh nhân Covid vì Nhà nước đang nợ ngập đầu, khó thể thanh toán chi phí sớm. Chính phủ lâm thời thiếu tính chính danh, đang phải đơn độc xoay sở. Hai bệnh viện dã chiến có tổng cộng 1.000 giường do Qatar viện trợ từ tháng 11 đến nay vẫn chưa hoạt động được. Phong tỏa, giải tỏa rồi lại phong tỏa, một cái vòng lẩn quẩn chết người mà Lebanon chưa thể nào thoát khỏi được.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 499 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)