Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/01/2021

Điểm báo Pháp - Siêu vi đi trước, Nhà nước theo sau

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Siêu vi đi trước, Nhà nước theo sau

Trung Quốc báo động tối đa, Pháp tăng cường giới nghiêm, kiểm soát biên giới, sinh viên khủng hoảng tinh thần, siêu vi diễn biến khó lường, luồn lách các biện pháp đối phó của con người là mối ưu tư của báo chí Pháp trong ngày 15/01/2021.

sieuvi0

Covid-19 : cả thế giới bấn loạn vì virus corona chủng mới. Ảnh minh họa.  © NEXU Science Communication via Reuters

Ngày tàn của Donald Trump ? Trang nhất của Le Monde ghi tựa lớn : Donald Trump đối mặt với thủ tục "Impeachment" lần thứ hai. Hạ viện thông qua bản luận tội chủ nhân Nhà Trắng "kích đông bạo lực".

Tại Pháp, Le Figaro tập trung vào các biện pháp chống dịch loan báo chiều 14/01/2021 : Giới nghiêm kể từ 18 giờ để tránh phong tỏa. Tăng cường kiểm soát biên giới, trợ giúp thêm cho xí nghiệp. "SOS, giới chủ nhân doanh nghiệp túng quẫn", La Croix báo động.

Libération, mở đầu bốn trang phóng sự với ảnh chụp sau lưng một nữ sinh viên trên phông đen : Sinh viên, nỗi cô đơn tuyệt vọng. Tâm trạng chơi vơi của giới trẻ, vừa không có "cua" ở giảng đường vừa bị các biện pháp cách ly chống dịch trói chân. Công đoàn giáo chức, hội đoàn sinh viên báo động tình trạng khủng hoảng tinh thần của sinh viên, báo chí nhập cuộc.

Sau nhiều vụ tự tử hụt, giới chức đại học và Nhà nước Pháp phải hành động. Tin phấn khởi đầu tiên là thủ tướng và bộ trưởng đặc trách lĩnh vực đại học tiếp đại diện sinh viên và giáo sư trong ngày 15/01/2021. Tình trạng tinh thần của giới sinh viên rất đáng lo, theo phóng sự của nhật báo thiên tả : Giảng bài qua cầu truyền hình là một sự khó khăn khủng khiếp. Chúng tôi làm hết sức nhưng sinh viên vẫn bỏ cuộc, nhiều vị thầy than thở. Trợ lý tâm lý ở đại học cũng bị "quá tải".

Khắp nơi, siêu vi corona đi trước con người nhiều bước.

Các biện pháp đối phó, từ vac-xin cho đến nghiêm cấm triệt để tự do đi lại dường như vô hiệu trước con siêu vi tinh quái. La Croix Le Monde phân tích vì sao sau 8 tháng định hướng thông tin, Trung Quốc ra lệnh báo động tối đa trước đợt tấn công mới.

Với tựa "Đợt tấn công mới của siêu vi tại Trung Quốc, Bắc Kinh nhìn nhận một ca tử vong đầu tiên từ tháng 5, ra lệnh phong tỏa 22 triệu dân", Le Monde cho là tin xấu này rơi xuống không đúng lúc. Vì chính vào thời khắc này, Trung Quốc cuối cùng chấp nhận cho phái đoàn chuyên gia Tổ Chức Y Tế Thế Giới đến Vũ Hán điều tra cội nguồn siêu vi thì Bắc Kinh phải đối phó với Covid-19 bùng lại tại Hà Bắc. Chiến lược không thay đổi, 22 triệu dân trong vùng bị cách ly tại nhà. Xét nghiệm và tiêm ngừa toàn thể. Tập Cận Bình tỏ ra tự tin nhưng trên internet, kiểm duyệt ngăn chận mọi thông tin hoài nghi chính quyền trung ương.

Một vài chỉ trích hiếm hoi nhắm vào chính quyền địa phương còn được dung thứ nhưng với mục đích giúp chính quyền trung ương áp đặt uy thế. Nhà báo Hoa lục được chỉ thị dùng các từ "liên đới, lòng trắc ẩn" nhưng tránh dùng từ "cách ly, tử vong". Bản án tù 14 năm trừng phạt nhà báo Trương Triển là lời cảnh cáo gửi đến những công dân muốn báo động tình trạng đại dịch.

Theo đặc phái viên của Le Monde, siêu vi bùng lên trở lại có lẽ là do chính quyền Trung Quốc "tuyên bố chiến thắng quá sớm" và tự tin đến mức tổ chức triễn lãm với chủ đề "Nhân dân trên hết, sinh mạng trên hết". Cho đến nay, chế độ Trung Quốc hưởng lợi trong cách quản lý đại dịch, so với Tây phương. Nhưng nếu tình hình y tế đảo ngược thì chấn động có thể rất nặng nề.

Qua bài "Trung Quốc báo động tối đa trước Tết âm lịch", La Croix cho biết thêm về các biện pháp phong tỏa tại Hà Bắc : đóng cửa trường học, giao thông hàng không, đường sắt, đường bộ đều ngưng hoạt động. Đảng viên, công nhân viên Nhà nước được lệnh không du hành vào dịp Tết để làm gương. Điều làm chính quyền y tế Trung Quốc lo lắng nhất là siêu vi biến chủng của Anh Quốc đã lọt lưới kiểm dịch.

Lãnh đạo Iran lo chống đế quốc hơn là chống dịch

Giáo chủ Khamenei quyết định cấm sử dụng vac-xin của Tây phương. Dân chúng và giới y sĩ Iran phẫn nộ. Tại Trung Đông, Iran là nước bị siêu vi gây tang tóc nặng nề nhất với gần 57 ngàn nạn nhân, con số thấp hơn nhiều so với thực tế. Tuy nhiên, giáo chủ Ali Khamenei, với lập luận vac-xin của Tây phương không hiệu quả, hàm chứa chất độc, cấm nhập khẩu các thuốc chủng của Anh và Mỹ. Trong chiều hướng này, Tehran không nhận kiện hàng 150.000 liều Pfizer-BioNtech mà cộng đồng người Iran tại Hoa Kỳ quyên góp hỗ trợ cho dân trong nước.

Trên mạng tràn ngập lời than oán của dân chúng nhất là trong bối cảnh từ nhiều tháng qua, chính quyền Iran không ngừng lên án Mỹ cấm vận khiến cho Tehran không mua được vac-xin. Một sinh viên 23 tuổi viết trên mạng : vấn nạn của chúng ta không chỉ có Mỹ cấm vận mà còn do một người muốn cấm vac-xin. Một cách khéo léo, báo chí Iran nhắc lại rằng thuốc tiêm chủng của BioNtech là kết quả nghiên cứu của Ugur Sahin, nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ mang quốc tịch Đức, từng được giải thưởng khoa học gia giỏi của thế giới Hồi giáo do Iran tổ chức vào năm 2019 (giải Mostapha). Trong buổi lễ trao giải có sự hiện diện của bác sĩ Alizera Marandi, bác sĩ riêng của giáo chủ lãnh đạo tối cao.

Le Monde trích lời nhận xét chua chát của một bác sĩ Iran : Mỗi sáng thức giấc nghe thấy đâu đâu cũng tăng tốc tiêm ngừa chỉ có Iran là bị cấm. Chúng tôi như một đứa bé mồ côi nhìn ra đường tìm một người hảo tâm cứu giúp trong khi ở ngay trong nhà chẳng có ai quan tâm.

Navalny : Một thách thức cho Putin, một bài học cho Châu Âu 

Về nhân quyền, nhà đối lập Nga Alexei Navalny, sức khỏe phục hồi sau vụ đầu độc, quyết định "tổ chức" chuyến hồi hương, kêu gọi thân hữu đến đón ở phi trường vào ngày 17/01/2021. Le Monde gọi đây là một hành động thách thức phải làm trong bài xã luận "Một thách thức cho Putin, một bài học cho Châu Âu".

Alexei Navalny chọn con đường trở về sau 5 tháng điều trị tại Đức Theo nhật báo độc lập, khắc tinh của tổng thống Putin nhất định không để bị cắt cánh, sống xa phong trào tranh đấu trong nước như một số nhân vật khác như nhà tỷ phú Mikhail Khodokovski, cũng đang lưu vong tại Đức sau khi lãnh án 10 năm tù vì muốn mở rộng hệ thống chính trị của Nga. Mikhail Khodokovski khen ngợi quyết định của Alexei Navalny với cảnh báo "rủi ro".

Chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày 17/01/2021 khi chuyến bay DP 936 đáp xuống phi trường quốc tế Moskva ?

Nhưng với bất cứ rủi ro nào, Alexei Navalny là một thách thức thật sự đối với chính quyền Nga trong bối cảnh 2021 là năm bầu cử Quốc hội. Nhà tranh đấu chứng tỏ ông không sợ hãi và tiếp tục vai trò chống tham ô và tố giác những sai trái của chế độ Vladimir Putin với Hiến Pháp tu chính, nắm quyền đến năm 2036.

Công kích Nga nhưng không quên trách nhiệm của Châu Âu. Le Monde nhắc đến thách thức của Châu Âu và của Hoa Kỳ dưới thời Joe Biden. Châu Âu cưu mang nhà đối lập nhưng ngoài các biện pháp trừng phạt Moskva, tỏ ra bất lực đối với cả Nga lẫn Belarus, nơi mà đối lập anh dũng tiếp tục bị đàn áp. Nếu không có cách chế tài thì tối thiểu Châu Âu phải ngưng dung thứ Putin và thêm vào đó là phải giúp xã hội công dân được thông tin, mở rộng hoạt động một cách mạnh mẽ, càng nhiều sinh lực càng tốt.

Thỏa thuận Trung Quốc-Châu Âu : Lẽ ra không nên có

Cũng đồng điệu với Le Monde, nhưng liên quan đến quan hệ Châu Âu-Trung Quốc, báo thiên tả Libération dành trang Ý kiến cho đại biểu nghị viên Châu Âu Bernard Guetta. Trong bài "Lẽ ra không nên có thỏa thuận thương mại Châu Âu-Trung Quốc". Bernard Guetta đặt câu hỏi "Làm sao có thể thỏa thuận với một chế độ không tôn trọng các quyền cơ bản mà không đánh mất giá trị của chính mình ?".

Sau khi dứt khoát cho biết sẽ bỏ phiếu chống, tác giả phân tích các sai lầm chính trị và thua thiệt về quyền lợi khi "chơi" với Bắc Kinh, tác giả nhận định : Thay vì đoàn kết với Hoa Kỳ đối phó với Trung Quốc, chế độ độc tài hùng mạnh và đông dân nhất địa cầu, thì Liên Hiệp Châu Âu lại bắt tay với Trung Quốc.

Đó là lý do quan trọng nhất mà Nghị Viện Châu Âu và Quốc hội của từng 27 thành viên sẽ biểu quyết chống thỏa thuận, nghị sĩ của khối "Châu Âu mới" xác quyết.

Châu Âu xem vậy mà có thế lắm đó ! Trang quốc tế của Le Figaro cho biết tổng thống Erdogan xuống giọng với Bruxelles bởi vì điểm tín nhiệm trong nước xuống thấp. Với nền kinh tế thảm hại, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố với đại sứ 27 thành viên Châu Âu trong cuộc họp hôm thứ Ba là ông muốn "tái lập tình trạng bình thường" trong quan hệ với Châu Âu.

Donald Trump đến ngày tàn ?

Trở lại thời sự quốc tế, sự kiện tổng thống Mỹ bị luận tội vào giờ thứ 25 chiếm nhiều trang báo với các câu hỏi : Đảng Dân chủ thật sự muốn gì ? Đảng Cộng hòa mưu tính gì ? Và liệu có thể vô hiệu hóa được Donald Trump hay ngược lại ?

Theo Le Monde, phe đa số Dân chủ hy vọng đồng nhiệm Cộng hòa góp sức "đập tan ảnh hưởng của Donald Trump".

Còn La Croix, với tựa "Donald Trump đi vào lịch sử với tai tiếng hai lần bị đe dọa phế truất". Tuy nhiên, theo nhật báo công giáo, các kết quả thăm dò ý kiến và tranh luận tại lưỡng viện cho thấy tổng thống Donald Trump vẫn còn được ủng hộ vững chắc trong nội bộ đảng Cộng hòa và cử tri.

Les Echos tìm hiểu vì sao xu hướng cực hữu ngày càng nguy hiểm tại Mỹ. Chủ nghĩa dân túy mang tên Trump sẽ tồn tại và phong trào cực đoan không biến mất một sớm một chiều.

Cam kết hàn gắn mối chia rẽ trong xã hội Mỹ, tổng thống tân cử Joe Biden đứng trước một thách thức lớn lao.

Nhà thơ Ocean Vương và một thoáng huy hoàng

Le Monde giới thiệu chân dung một nhà thơ trẻ Mỹ gốc Việt Ocean Vương, 31 tuổi trên trang văn học. Công thức "không có bom đạn = không có gia đình = không có tôi" nói lên tâm trạng và cội nguồn phức tạp của một nhà thơ trẻ Mỹ gốc Việt tự cho là sản phẩm của chiến tranh, tuy sinh năm 1988.

Tâm tình này bàng bạc trong tập thơ On Earth We’re Briefly Georgus, vừa được dịch sang tiếng Pháp, Un bref instant de splendeur (Một thoáng huy hoàng). Nhà xuất bản Gallimard phát hành.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tú Anh
Read 470 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)