Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/01/2021

Điểm báo Pháp - Quả bom nổ chậm của Donald Trump

RFI tiếng Việt

Quả bom nổ chậm của Donald Trump dành cho Tập Cận Bình

Trung Quốc vươn vòi bạch tuộc ra thế giới, tổng thống Mỹ Donald Trump trước nhiều khó khăn một khi mãn nhiệm, nhà đối lập Nga Alexei Navalny bị bắt ngay khi về nước, vac-xin chống Covid là những đề tài chính của các báo Pháp hôm nay 18/01/2021.

bom1

Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh 13959 bổ sung cho luật HFCAA, ngăn chận các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ trong tương lai. Ảnh tư liệu chụp ngày 20/11/2020.  AP - Susan Walsh

Bị Mỹ cô lập, Trung Quốc muốn ký hiệp định thương mại với nhiều nước

Le Mondetrong bài "Trung Quốc mở rộng mang lưới thương mại ở khắp thế giới" nhận định, trong lúc Washington tìm cách cô lập Bắc Kinh, Trung Quốc tìm mọi cách để ký bằng được các hiệp định thương mại đa phương hoặc song phương tại Châu Á, Châu Âu và Châu Phi.

Sau khi ký hiệp định RCEP với 14 nước Châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11/2020, đến cuối tháng 12 Trung Quốc gút được với Liên Hiệp Châu Âu (EU) hiệp định tự do mậu dịch đã thương lượng từ 2013, đến lượt đảo Maurice ở Châu Phi. Tổng cộng đến nay Bắc Kinh có trong tay 19 hiêp định tự do mậu dịch ký với 26 quốc gia, chiếm 35% ngoại thương.

Trung Quốc tả xung hữu đột để nhân lên các đối tác trước khi chính quyền mới của Mỹ lên thay. Ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc phải rời Wall Street vì bị ông Trump cho vào danh sách đen. Gần đây nhất là Xiaomi vì có liên hệ với quân đội Trung Quốc, và tập đoàn dầu khí CNOOC vì quấy nhiễu, đe dọa Việt Nam ở Biển Đông.

Châu Âu vội tin vào lời hứa của Bắc Kinh

Riêng hiệp định đầu tư ký với EU, theo Le Monde, vừa là chiến thắng về ngoại giao, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho Bắc Kinh : đang căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc rất cần thu hút công nghệ và đầu tư. Trong hậu trường, một số nước thành viên (như Hà Lan, Pháp, Ý, Áo, Hung) tỏ ra bất mãn trước sự vội vã ký kết này. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, làm thế nào một Nhà nước tập quyền lại có thể cho mở cửa các lãnh vực chiến lược cho đầu tư nước ngoài ?

Trong 20 năm qua, Trung Quốc ít khi tôn trọng các hiệp ước đã ký. Dù đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bắc Kinh vẫn trợ giá ồ ạt cho khu vực quốc doanh, vi phạm sở hữu trí tuệ, áp đặt chuyển giao công nghệ. Các quy định của Trung Quốc cũng giống như những con búp bê Nga Matrioska, dẹp cái này lại mọc ra cái khác.

Chuyên gia Alicia Garcia Herrero của Natixis nhận xét : "Ngay cả nếu Bắc Kinh không còn đòi liên doanh đối với các dưỡng đường, các nhà đầu tư ngoại quốc vẫn phải xin giấy phép". Tin cậy vào một chế độ độc tài, hiếu chiến là quá rủi ro, và theo chuyên gia Amrita Narlikar ở Đức, thì EU đã "đặt lợi ích lên trên các giá trị, đặt kinh tế ngắn hạn lên trên độc lập về chiến lược dài hạn".

Sau con đường tơ lụa là bức tường nợ nần

Le Mondecũng đề cập đến "Con đường tơ lụa mới : Các nước nghèo lọt vào bẫy nợ". Những món tiền lớn mà Trung Quốc cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng có thể dẫn đến vỡ nợ đối với một số nước.

Đại dịch từ Vũ Hán đã làm giảm hẳn khả năng trả nợ : thuế thu vào ít hơn nhưng lại phải chi ra nhiều cho y tế, xã hội, giá nguyên liệu xuất khẩu lao dốc. Tháng 12/2020, các nhà nghiên cứu trường đại học Boston khẳng định từ 2008 đến 2019, Trung Quốc đã cho vay đến 462 tỉ đô la, ngang với Ngân hàng Thế giới trong cùng thời kỳ. Chính sách này đã khựng lại vào 2016 vì rủi ro cả về tài chính lẫn chính trị.

Tại Pakistan, nơi 50 tỉ đô la đổ vào cơ sở hạ tầng, nhiều công dân Trung Quốc đã bị tấn công. Năm 2020, nhóm nổi dậy Sindhudesh Revolutionary Army tố cáo Bắc Kinh cưỡng chiếm đất, hai lần toan sát hại nhiều người Hoa, còn nhóm Baloch Liberation Army giết chết một số cảnh sát trong vụ tấn công vào thị trường chứng khoán Karachi, nơi Trung Quốc nắm giữ 40%.

Giáo sư Ni Gao của Kedge Business School ghi nhận do dịch Covid và quan hệ căng thẳng trên thế giới, đầu tư của Trung Quốc được đưa về những nước lân cận có văn hóa gần gũi hơn. Đại dịch đã làm hình thành một trật tự kinh tế thế giới mới, tạo điều kiện cho "khu vực hóa". Sau ba thập niên phát triển, mức độ lệ thuộc kỹ nghệ và bổ sung cho nhau giữa các nước Châu Á khá cao, thị trường và tầng lớp trung lưu Châu Á tăng trưởng nhanh.

Quả bom nổ chậm của Donald Trump dành cho Trung Quốc

"Trước tham vọng của Trung Quốc, có một sự đồng thuận ở Mỹ", đó là nhận định của chuyên gia Isabelle Feng ở Bruxelles. Hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sau thời gian dài lơi lỏng, đã thông qua một luật mà về lâu về dài sẽ loại các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường chứng khoán New York.

Đầu năm nay, thị trường NYSE loan báo hủy niêm yết ba tập đoàn Trung Quốc là China Telecom, China Mobile, China Unicom, theo sắc lệnh 13959 của tổng thống Donald Trump có hiệu lực từ ngày 11/01, cấm 35 công ty Trung Quốc có liên hệ với quân đội lên sàn. Các chỉ số Dow Jones, S&P, FTSE Russell và MCSI rút ba công ty Trung Quốc khỏi danh sách, các ngân hàng Goldman Sachs, JPMorgan, Morgan Stanley hủy 500 mã chứng khoán.

Sắc lệnh 13959 bổ sung cho luật về trách nhiệm các công ty ngoại quốc (HFCAA) được cả Thượng Viện (Cộng hòa) và Hạ Viện (Dân chủ) nhất trí thông qua. Dù tên gọi chung chung, thực ra luật này được đo ni đóng giày để chĩa mũi dùi vào Trung Quốc. Mục 2 quy định phải khai báo có phụ thuộc vào một định chế tư pháp nước ngoài hay không, còn Mục 3 buộc khai tên các nhà lãnh đạo và người điều hành là đảng viên cộng sản Trung Quốc.

Và nếu không tuân thủ các quy chế của cơ quan quản lý chứng khoán Hoa Kỳ ba năm liên tiếp và từ chối cho thanh tra, sẽ bị loại khỏi sàn. Trong khi theo báo cáo của Quốc hội Mỹ tháng 10/2020, trong số 260 công ty ngoại quốc không chấp nhận cho thanh tra, có đến 238 có trụ sở ở Hoa lục và Hồng Kông.

Khác với các sắc lệnh khác của ông Trump đánh vào WeChat, TikTok, Bắc Kinh không thể kiện tụng gì được vì Lầu Năm Góc nêu vấn đề an ninh quốc gia. Đây là quả bom nổ chậm được tổng thống Trump cài lại, và tác động đối với quan hệ Mỹ-Trung sẽ được nhận ra trong vòng bốn năm tới.

Khúc ca khải hoàn mong manh của Tập Cận Bình

Trên lãnh vực y tế, bài điều tra của Les Echos nhận định "Covid : Tại Trung Quốc, khúc khải hoàn mong manh của Tập Cận Bình". Một năm sau khi đại dịch khởi phát, ông Tập ca ngợi chiến thắng trước con virus và kinh tế khởi sắc trở lại. Nhưng thách thức là vô cùng lớn đối với một Trung Quốc mà hình ảnh đã sụp đổ tại phương Tây.

Bắc Kinh đàn áp các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo và các nhà báo công dân, chê bai các nước dân chủ phương Tây chống dịch không tốt. Tuy nhiên dịch corona lại bùng lên lần nữa ở Hà Bắc gần Bắc Kinh, nhắc nhở rằng con virus độc hại vẫn quanh quẩn đâu đó. Về kinh tế, ông Tập khoe rằng đã xóa đói giảm nghèo, nhưng hố sâu bất bình đẳng ngày càng rộng. Về chính trị, việc Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh đến an ninh, ổn định, đã tố cáo nỗi lo sợ bị lật đổ của ông ta.

Còn về đối ngoại, lợi dụng tổng thống Donald Trump mãn nhiệm, Hoa Kỳ đang sa sút, Trung Quốc ngỡ rằng sẽ độc chiếm thiên hạ. Nhưng việc đàn áp Tân Cương, Hồng Kông, thái độ hung hăng với Đài Loan, Ấn Độ và trên Biển Đông ; tung những "chiến binh sói" ra thế giới, viết lại lịch sử Vũ Hán để trốn tránh trách nhiệm, cản trở WHO điều tra… khiến thế giới càng ác cảm với Bắc Kinh.

Tổng thống Donald Trump đứng trước những khó khăn khi mãn nhiệm

Về tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm,Libérationchạy tựa trang nhất "Donald Trump, sau thất cử lại đến phá sản ?". Gần đến ngày rời Nhà Trắng, các khách sạn của ông vắng khách, các chủ nợ đòi tiền, còn các sân gôn thì thua lỗ.

Việc thị trưởng Dân chủ New York loan báo chấm dứt các hợp đồng thương mại với Trump Organization mang tính biểu tượng, tuy vài triệu đô la không thấm vào đâu so với gia tài của nhà tỉ phú. Không còn được quyền đặc miễn kể từ khi kết thúc nhiệm kỳ vào thứ Tư tới, Donald Trump có nguy đối mặt với một số vụ kiện. Có thể kể : vụ chi 130.000 đô la cho cô đào Stormy Daniel, chưởng lý Manhattan đòi điều tra thuế, khoảng 10 cáo buộc tấn công tình dục, lại thêm cô cháu gái Mary Trump khiếu nại về thừa kế.

Deutsche Bank, đối tác trung thành từ 20 năm qua cũng chia tay với ông. Signature Bank, nơi Ivanka nằm trong hội đồng quản trị suốt hai năm, đề nghị Donald Trump từ chức chủ tịch và đóng hai tài khoản của ông. Một công ty môi giới địa ốc ngừng hợp tác. Ngay cả khi "lưu vong" dưới bầu trời xanh biếc của Palm Beach, Trump cũng không thể làm ngơ trước những đám mây xám ở New York, nơi đặt trụ sở của tổ chức do hai con trai ông điều hành từ năm 2017.  

Có đến 70% tài sản của Donald Trump nằm tại đây, chủ yếu là năm cao ốc trong đó bốn ở Manhattan, nổi tiếng nhất là Trump Tower ở Đại lộ số 5. Do đại dịch và một phần do biểu tình, các căn hộ sang trọng tại đây phải bán lỗ, không ít văn phòng cho thuê phải bỏ trống, nhà hàng, quán bar trong cao ốc đóng cửa.

Thất bại về chính trị, túi tiền Trump còn có thể bị đe dọa – điều tồi tệ nhất đối với ông. Nhưng Donald Trump vẫn là tỉ phú : Bloomberg ước lượng tài sản của với khoảng 500 khách sạn, cao ốc cho thuê, văn phòng, câu lạc bộ gôn…lên đến 3,2 tỉ đô la. Hiện nay các nhà tài trợ vắng bóng, tuy nhiên bài xã luận của tờ báo cho rằng vẫn còn hy vọng vì họ biết là thương hiệu Trump có đến trên 70 triệu "khách hàng" tiềm năng.

Nga : Nhà đối lập Navalny và "cuộc hạ cánh thô bạo"

Nhìn sang nước Nga, sự kiện nhà đối lập Alexei Navalny bị đầu độc suýt chết cách đây năm tháng nay từ Đức bất chấp nguy hiểm trở về Nga và bị bắt ngay lập tức, vụ này cũng rất ly kỳ.

Le Figaro cho biết các hành khách trên chuyến bay 936 Berlin-Moskva của công ty Pobeda đã cười rộ lên khi phi công loan báo sẽ không hạ cánh xuống Vnoukovo như dự kiến, mà là Sheremetyeto, một sân bay khác ở đầu kia của thủ đô Nga. Nhưng phi công không nhầm lẫn như họ tưởng. Trên máy bay có Alexei Navalny, 44 tuổi, kẻ thù số một của điện Kremlin. Libération nói về "một sự hạ cánh thô bạo" lúc 21 giờ đêm qua : Anh thậm chí còn chưa chính thức đặt chân vào lãnh thổ Nga, vì bị bắt dẫn đi ngay khi trình passport, để lại người vợ Ioulia cùng với phát ngôn viên Kira Yarmish, bất chấp sự phản đối kịch liệt của luật sư Olga Mikhailova.

Việc chuyển hướng máy bay vào phút chót rõ ràng là để nhà đối lập không thể gặp được những người ủng hộ ra đón ở phi trường. Vnoukovo hôm Chủ nhật dày đặc các đơn vị cảnh sát chống bạo động, chỉ những ai có vé bay trong ngày mới được cho vào, báo chí bị cấm đưa tin. Nhiều phi đạo ở sân bay này bị đóng, và nhiều chuyến bay bị buộc đổi hướng. Khoảng 60 người bị bắt trong đó có em trai nhà đối lập, Oleg Navalny và luật gia Lioubov Sobol.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 624 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)