Donald Trump và bốn năm làm rung chuyển nền dân chủ Mỹ
Chỉ còn một ngày nữa là tổng thống mãn nhiệm Mỹ Donald Trump ra đi, nhường Nhà Trắng lại cho tổng thống tân cử Joe Biden. Sự kiện được cả thế giới theo dõi dĩ nhiên đã làm tốn rất nhiều giấy mực của báo chí Pháp ra ngày 19/01/2021. Nổi trội nhất là báo Le Monde, đã ra một phụ bản đặc biệt 12 trang điểm lại những nét nổi bật về 4 năm cầm quyền của ông Trump.
Mang tựa đề "Thời luận về những năm của Trump" (Chronique des années Trump), phụ trang đăc biệt của Le Monde tập hợp một số bài thời luận (chronique) hàng tuần tiêu biểu mà Gilles Paris, thông tín viên tờ báo tại Washington, đã viết suốt từ năm 2017 đến nay về một nhiệm kỳ tổng thống mà nhật báo uy tín nhất tại Pháp không ngần ngại gọi là "hỗn loạn (chaotique)".
Nhận định của Le Monde không một chút khoan nhượng : "Donald Trump đã kết thúc nhiệm kỳ của mình trong sự cuồng nộ và hủy hoại. Sự kiện những người ủng hộ ông, bị ông kích động đến cực điểm, xông vào chiếm Điện Capitol hôm 06/01/2021, sẽ được lưu lại như biểu tượng của bốn năm đã làm rung chuyển nền dân chủ Mỹ".
Giống như một quyển biên niên sử thu nhỏ, phụ trang của Le Monde bắt đầu bằng Năm I, 2017 với bài viết đầu tiên ngày 29/01/2017 mang tựa đề : "Tuần lễ đầu tiên đầy sôi động của tổng thống Trump", trong đó thông tín viên Pháp đã ghi nhận những yếu tố xuyên suốt trong toàn bộ nhiệm kỳ của vị tổng thống vừa nhậm chức : Chỉ quan tâm đến việc làm hài lòng các cử tri đã bầu cho mình, chứ không phải là cho toàn dân Mỹ ; nhân lên gấp bội lượng sắc lệnh được ban hành và chỉ trích các phương tiện truyền thông chính thống thường rất phê phán đối với ông.
Phụ trang Le Monde kết thúc với bài viết ngày 10/01/2021 mang tựa đề "Tổng thống Trump, năm IV : Sự sụp đổ cuối cùng" trong đó nhà báo Pháp nhấn mạnh : "Với các sự kiện trên Đồi Capitol, Donald Trump, người từng hứa sẽ khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ, đã tự gây ra cho mình một sự ô nhục tồi tệ nhất".
Đối với Le Monde đọc lại những bài viết về 4 năm cầm quyền của ông Trump, người ta có cảm giác như đã sống qua một thời điểm chính trị dồn dập, dưới sự dẫn dắt của một tổng thống luôn trong tình trạng nóng hừng hực. Sự kiện ông Trump ca ngợi người tiền nhiệm Andrew Jackson (1829-1837), được coi là tổng thống "dân túy đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ", người "đã được một đám đông cuồng nộ đưa vào Nhà Trắng sau khi hầu như đã phá hủy hoàn toàn tòa nhà", đã có âm hưởng hoàn toàn mới kể từ ngày 6 tháng 1, ngày mà người ủng hộ Trump xông vào làm loạn tại Quốc hội Mỹ.
Theo Le Monde, những bài thời luận đã phác họa ra chân dung của một tổng thống tự coi mình là một "thiên tài rất ổn định", một người "không thể lắng nghe tiếng nói của ai khác ngoài tiếng nói của chính mình hoặc của những kẻ xu nịnh nhất, và đã nhanh chóng tự nhốt mình trong sự phủ nhận thực tế, như để tự bảo vệ minh".
Biến quyền hành pháp thành quyền lực phục vụ tổng thống
Tuy nhiên, đối với Le Monde, đằng sau bề ngoài đó, thực ra ông Trump có một chiến lược rõ rang : "Biến quyền hành pháp thành một quyền hạn tổng thống được tăng cường vì lợi ích duy nhất của Donald Trump và những người theo ông".
Theo tờ báo, dường như không ai có thể ngăn cản con người luôn cho mình ở bên trên luật pháp. Đảng Dân chủ đã phải khó khăn điều chỉnh hoạt động đối lập của mình dù nắm được Hạ Viện, còn đối với những người đảng Cộng hòa, nếu ban đầu họ tin rằng họ có thể khiến ông Trump ôn hòa hơn khi tiếp xúc với các định chế của Mỹ, thì họ đã nhanh chóng thi nhau tỏ thái độ phục tùng, khiếp sợ trước ý tưởng bị ông loại bỏ bằng một loạt tin nhắn Twitter. Một bài thời luận đã chạy tựa : "Sự im lặng hèn nhát".
Nhận xét chung của Le Monde rất nghiêm khắc : "Năm 2016, ông Trump đã được bầu trong sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, ngay cả khi đối thủ Hillary Clinton đã thắng ông về số phiếu phổ thông (ông cũng đã từng tố cáo hàng triệu phiếu gian lận...). Chiến thắng đó đã cho phép đảng Cộng hòa của ông nắm tất cả quyền lực với sự kiểm soát Thượng Viện và Hạ Viện (trong hai năm đầu) cũng như củng cố đa số bảo thủ trong Tòa Án Tối Cao. Bốn năm sau, ông đã mất tất cả, ngoại trừ Tòa Án Tối Cao. Và người tự nhận là kẻ chiến thắng ‘the winner" đã kết thúc như một kẻ thua cuộc cay cú, và cuốn theo mình hình ảnh của một nước Mỹ bị ông hy sinh".
Bức tường biên giới của ông Trump giờ ra sao
Cũng làm tổng kết về 4 năm cầm quyền của ông Donald Trump, nhật báo Pháp Le Figaro đã thử tìm hiểu về tình trạng "Bức Tường mà ông Trung hằng mơ ước và thực tế đã được xây dựng"
Năm 2016, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump bắt đầu liên tục cổ vũ cho việc xây dựng "bức tường bê tông tuyệt đẹp" để "tách biệt" một cách cụ thể - Mexico khỏi Hoa Kỳ một cách vĩnh viễn, để bảo vệ người Mỹ khỏi "bọn tội phạm bạo lực", khỏi làn sóng ma túy và sự gia tăng của các đoàn lữ hành di cư.
Ông đã đưa ra ba lời hứa: Bức tường sẽ chạy dài dọc theo suốt 3.144 km biên giới, từ Thái Bình Dương đến tận Vịnh Mexico ; chi phí xây dựng sẽ là 8 tỷ đô la (tối đa là 12 tỷ đô la) ; những người đóng thuế Mỹ sẽ không phải gánh vác vì ông nói sẽ buộc Mexico tài trợ cho việc xây dựng.
Bốn năm sau, vài hôm trước ngày Joe Biden nhậm chức bước vào Nhà Trắng, bức tường nổi tiếng có hình thù ra sao?
Trước tiên, đó không phải là tường bê tông, bức tường chủ yếu vẫn là một loại hàng rào làm bằng cột cao, hoặc tấm thép, được gia cố ở những vị trí chiến lược nhất định bằng giàn kẽm, dây thép gai, camera giám sát, thiết bị cảm biến phát hiện sự chuyển động…
Trong số 727 km hàng rào bổ sung mà ông Donald Trump nói rằng đã xây dựng xong, chỉ có 76 km hoàn toàn mới, được dựng lên ở những nơi trước đây không có hàng rào nào, và những đoạn còn lại khác đều là phần củng cố thêm các cấu trúc đã có sẵn, nhưng đã lỗi thời.
Cuối cùng, về chi phí, khoản này đã tăng lên thành 15 tỷ đô la cho đến nay. Và như mọi người chờ đợi, Mexico đã không tài trợ một xu nào.
Dự luật chống ly khai tại Pháp gây chia rẽ
Dù nói nhiều về nước Mỹ, nhưng các tờ báo lớn tại Pháp hôm nay lại không dành tựa chính trang nhất cho hồ sơ này, mà chủ yếu nói về nước Pháp. Le Monde chạy tựa chính trang nhất về tình hình chính trị, đề cập đến "Các xu hướng ly khai : Một dự luật gây chia rẽ".
Tờ báo ghi nhận sự kiện một ủy ban đặc biệt của Quốc hội Pháp vào hôm 18/01/2021 đã bắt đầu xem xét bản dự luật về "củng cố việc tôn trọng các nguyên tắc của nền Cộng hòa", với 1.721 đề nghi sửa đổi đã được đệ trình, một con số dự báo những tranh cãi nẩy lửa.
Điều đáng chú ý, theo Le Monde, là một số dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa Tiến Bước đang cầm quyền đã muốn đưa vào văn bản luật một số điều khoản nhằm nghiêm cấm việc trùm khăn choàng Hồi giáo tại những nơi công cộng, những ý kiến đã được cánh hữu và cực hữu ủng hộ.
Bên cạnh đó, tranh luận cũng sẽ rất gay gắt trên điều 21 của dự luật, quy định việc bắt buộc phải cho con em đến trường và hạn chế việc giáo dục tại gia, một điều khoản chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của các dân biểu cánh hữu trong đảng Những Người Cộng hòa.
Một vấn đề khác sẽ gây tranh cãi : đó là các biện pháp chống truyền bá tư tưởng thù hận trên mạng, được soạn thảo sau vụ nhà giáo Samuel Paty bị một phần tử Hồi giáo cực đoan hạ sát. Các biện pháp này sẽ làm dấy lên tranh cãi về vấn đề quyền tự do ngôn luận.
Tiếng kêu tuyệt vọng của sinh viên Pháp
Le Figaro dành tít trang nhất cho Covid-19, nhưng lưu ý đến "Nỗi chán nản của sinh viên", nêu bật tình trạng đại dịch đã buộc họ dành cả thời giờ để ngồi sau màn hình máy tính. Bị tước đoạt những gì làm nên điều hứng thú của những năm đại học, giới trẻ cảm thấy mệt mỏi.
Theo Le Figaro, trên mạng xã hội, các sinh viên tự đặt biệt danh cho mình là "những con ma". Một cô gái trẻ tâm sự trong bức thư gửi cho tổng thống Emmanuel Macron "cảm giác đã chết". Từ khi bắt đầu có đại dịch, bị buộc phải sống ẩn dật trong phỏng thuê hoặc ở nhà cha mẹ, không lớp học, không giảng đường, không thư viện, không công việc vặt, không tiệc tùng, không nếp sống văn hóa, các sinh viên không còn có thể chịu đựng sự đơn điệu này nữa.
Trong cuộc họp báo mới nhất của mình, thủ tướng dường như đã cho thấy rằng ông đã đo lường được nỗi hoang mang, thất vọng này. Trong tuần tới, sinh viên năm nhất sẽ có thể tham gia các buổi hướng dẫn, theo nhóm được chia đôi. Và trong khi họ yêu cầu trở lại điều kiện học hành bình thường, họ được hứa hẹn sẽ có thêm nhiều nhà tâm lý học đến với họ.
Trung Quốc đại lợi nhờ Covid-19
Riêng nhật báo kinh tế Les Echos dành tựa chính trang nhất cho Trung Quốc, ghi nhận các hệ quả của sự kiện : "Khi Trung Quốc đào sâu khoảng cách".
Tờ báo Pháp ghi nhận là với 2,3% tăng trưởng trong năm 2020, Trung Quốc là nước lớn duy nhất đã tránh được suy thoái. Và các công ty ngoại quốc vẫn tiếp tục đầu tư ồ ạt vào quốc gia này.
Les Echos ghi nhận là thành công của công ty Mỹ Tesla tại Trung Quốc đã tạo ra phản ứng ganh tỵ của các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.
Sức hút kinh tế của Trung Quốc đã thúc đẩy Pháp và Liên Hiệp Châu Âu ra sức bảo vệ Thỏa thuận về đầu tư đã ký với Bắc Kinh.
Riêng nhật báo công giáo La Croix thì dành trọn trang nhất cho "Hằng hà sa số giáo phái truyền ba phúc âm tại Pháp". Trong một hồ sơ đặc biệt, tờ báo tìm hiểu tính chất đa dạng của hệ phái Tin Lành này, không được thấy rõ lắm tại Pháp, nhưng đã phát triển đều đặn từ 3 thập niên nay.
Còn Libération thì dành hồ sơ đặc biệt để nói về Jean-Pierre Bacri, nam diễn viên Pháp nổi tiếng, kiêm biên kịch, đã qua đời ngày 18/01/2019 ở tuổi 69.
Trọng Nghĩa