Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/01/2021

Điểm báo Pháp - Joe Biden : Hòa hợp để đi tới

RFI tiếng Việt

Joe Biden : Hòa hợp để đi tới

Tổng thống thứ 46 của Mỹ nhậm chức. Lời hứa đoàn kết cùng hành động mang ý nghĩa gì ? Covid-19, có vac-xin, Châu Âu loay quay với vac-xin. Le Monde đặc biệt phân tích con đường chông gai của Alexei Navalny và Maria Kolesnikova hai nhà đối lập Nga và Belarus và con đường danh lợi của đại gia Trung Quốc Mã Vân (Jack Ma) và tỷ phú Mỹ Elon Musk.

biden1

Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, ngày 20/01/2021.  AFP – Brendan Smialowski

Có vac-xin nhưng thiếu nhân sự

Le Monde chạy một loạt tựa : Covid, dân chúng Pháp đổ xô ghi danh tiêm ngừa, chính phủ lúng túng. Điện thoại bão hòa, xin khất ngày hẹn, các trung tâm tiêm ngừa quá tải hai ngày sau khi chiến dịch chủng ngừa siêu vi cho người trên 75 tuổi khai màn.

Bộ Y tế cam kết cải thiện phương tiện y tế. Trên toàn quốc, các đại biểu dân cử tố cáo tình trạng thiếu thuốc, thiếu ống tiêm và hướng dẫn minh bạch về liều lượng.

Cả Châu Âu lên con sốt tranh cãi về đề xuất thiết lập "thông hành tiêm ngừa" để kích hoạt ngành du lịch. Le Figaro báo động với thông tin "bằng cách nào siêu vi corona xâm nhập vào tế bào não".

Le Monde trên trang nhất và quốc tế, cho rằng "Giữa Trump và Biden, cuộc chuyển giao quyền lực thù nghịch", bởi vì Donald Trump bằng mọi cách tránh mặt Joe Biden.

Trong bài diễn văn từ giã, Trump chứng tỏ không đủ khả năng nhắc tên của người kế nhiệm. Trong bài "Biden, tổng thống bị Trump làm ngơ", Le Monde trách tổng thống mãn nhiệm không tôn trọng truyền thống, không tham dự lễ bàn giao, xách chiếc vali có hệ thống mật mã chỉ huy và điều động vũ khí hạt nhân về Florida trong tâm trạng ta vẫn còn làm tổng thống đến phút chót mà !!! Vì lý do an ninh quốc gia, một chiếc vali tương tự lập tức được đặt bên cạnh Joe Biden.

Chuyển giao quyền lực căng thẳng nhưng cũng xong. Le Monde tóm gọn nội dung qua biếm họa của Plantu : Donald Trump như chú bé con giận dỗi ngồi một góc trong phòng bệnh viện tâm thần còn trên màn ảnh truyền hình Joe Biden đưa một bàn tay phải lên tuyên thệ.

Libération chúc mừng "Joe Biden, tổng thống của tình trạng khẩn cấp". La Croix tự hỏi liệu báo chí Mỹ có còn được hay bị Donald Trump "thu hút" nữa hay không ?

Đừng quá phấn chấn với Joe Biden

Trong diễn văn tuyên thệ, tổng thống thứ 46 của Mỹ kêu gọi hòa giải hòa hợp chung quanh những giá trị "dân chủ và sự thật". Le Figaro đi sâu vào những điểm cốt lõi và không quên hai câu hỏi : Châu Âu cần Mỹ hay Mỹ cần Châu Âu ? Trung Quốc có thể "thở phào hay chưa ?".

Joe Biden tập họp người Mỹ lại, lời thề của tân tổng thống. Kamala Harris, nữ phó tổng thống đầu tiên. Chương trình khẩn cấp 100 ngày đầu. Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh đến bốn biện pháp khẩn cấp : 100 triệu liều vac-xin, 1.900 tỷ đô la vực dậy kinh tế và trợ cấp xã hội, hội nhập trở lại Hiệp định khí hậu Paris và phục hồi vai trò lãnh đạo thế giới.

Về điểm thứ tư này, Le Figaro, qua bài xã luận "Thế giới lộn ngược" khuyến cáo Châu Âu : Không nên hưng phấn quá mức trước lời tuyên bố "Nước Mỹ trở lại tuyến đầu" của Antony Blinken. Tân ngoại trưởng Mỹ đã lấy lại luận điểm của Mike Pompeo : cứng rắn với Bắc Kinh cũng như giữ nguyên trạng các quyết định của Donald Trump về Jerusalem, về quyết định rút quân ở Afghanistan và Iraq. Còn phục hồi Hiệp định hạt nhân với Iran, chuyện này còn tùy thuộc vào sự "khéo léo" của chính quyền mới.

Châu Âu có một "người bạn ở Nhà Trắng" nhưng theo Le Figaro, Joe Biden là một nhân vật quốc tế tự do theo trường phái cũ cộng với quan điểm thực tiễn, thận trọng trước những dự án can thiệp. Tuy ông có "tinh thần đạo đức" nhưng không phải là một nhà truyền đạo dân chủ. Tổng thống mới có nhiều công việc nội trị phải lo trước. Nếu có tái định vị theo hướng đa phương thì cũng chỉ là "vì quyền lợi nước Mỹ". Để có thể trông cậy "vào người bạn ở Nhà Trắng", Châu Âu phải tỏ ra hữu dụng cho nước Mỹ trước đã. Hoa Kỳ ngày nay cũng mong chờ Châu Âu giúp đỡ như đã giúp Châu Âu.

Nhật báo thiên hữu cũng đặt câu hỏi với chuyên gia François Godement liệu Trung Quốc có cảm thấy nhẹ nhõm hay không ? Câu trả lời là "Không". Bởi lẽ, Biden đã cho biết lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Donald Trump cứng rắn nhưng tiền hậu bất nhất. Bắc Kinh ghét thái độ đổi thay như chong chóng nhưng hiện tượng hỗn độn ở thượng tầng lãnh đạo của chính quyền Trump làm đồng minh của Mỹ hoài nghi các tuyên bố của tổng thống Mỹ và như thế tạo thuận lợi cho Trung Quốc.

Giờ đây, người ta thấy chọn lựa của chính quyền Biden, ít ra là qua các tuyên bố "lên án chính sách diệt chủng ở Tân Cương" rất quan trọng. Bởi vì những gì Trung Quốc thi hành nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan đúng là "tội ác chống nhân loại". Tín hiệu thứ hai là chính quyền Biden sẽ tiếp tục tẩy chay sản phẩm công nghệ điện tử của Trung Quốc nhất là nếu có quan hệ với quân đội Hoa lục.

Bạo chúa Nga và lòng nhẫn nại của Berlin

Đó là tựa và cũng là nội dung bài bình luận về địa chính trị của Le Monde qua tấm gương can đảm của hai nhà đối lập đồng tâm bám trụ ở Nga và Belarus.

Giữa Alexei Navalny và Maria Kolesnikova có một định mệnh bi thảm tương đồng ngoài sự kiện cả hai đều ngồi tù. Điểm gắn kết hai nhà tranh đấu này là tự chọn đi vào tù khi tình thế đòi hỏi. Một người ở Nga và một người ở Belarus, hai nhà đối lập đồng tâm bám trụ ở Nga và Belarus.

Bài phân tích khá dài, xin điểm qua một số ý chính. Ngày 07/09/2020, Maria Kolesnikova, 38 tuổi, nhạc sĩ, một trong những khuôn mặt đối lập chống nhà độc tài Lukashenko bị cảnh sát bắt cóc đưa đến biên giới Ukraine để trục xuất. Tại biên giới, bà xé hộ chiếu. Không có hộ chiếu, Ukraine không nhận, thế là trục xuất bất thành. Từ đó Maria Kolesnikova bị giam trong một nhà tù ở Minsk.

Chủ nhật 17/01/2021, Alexei Navalny cũng lấy quyết định tương tự, trở về Nga cho dù biết chắc sẽ bị tù : Tôi không sợ, tôi có quyền trở về.

Chính quyền Nga và Belarrus làm đủ cách để buộc các nhà tranh đấu lưu vong nhưng ra đi là tự sát chính trị. Từ nhà tù, Alexei Navalny kêu gọi "dân Nga xuống đường vào Chủ Nhật 23/01".

Maria Kolesnikova và Alexei Navalny dũng cảm chọn con đường tù tội. Họ chứng tỏ không sợ một chính quyền đang sợ họ.

Một phụ nữ khác, bà Svetlana Tsikhanovskaia, cựu ứng cử viên tổng thống Belarus cũng bị đặt trong sự lựa chọn tương tự : nhà tù hay lưu vong. Bà không có cách nào khác vì chồng ngồi tù, hai con còn nhỏ, nên đành chọn Litva dung thân và từ bên ngoài phát động chiến dịch yểm trợ đối lập trong nước đang bị đàn áp rất mạnh.

Nhưng đối đầu với chế độ độc tài hậu cộng sản khổ nhọc vô cùng, theo thú nhận của Svetlana Tsikhanovskaia.

Cho dù cuộc đấu tranh ngày nay không khác gì cuộc chiến của nhà ly khai Liên Xô Andrei Sakharov và phong trào đoàn kết ở Ba Lan nhưng giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu rất thận trọng, con mắt lúc nào cũng nhìn về Moskva.

Le Monde thất vọng vì Châu Âu không sử dụng các đòn bẩy mà Navalny nêu ra "Phong tỏa tài sản của những quan chức thi hành lệnh trấn áp đối lập". Đánh vào chỗ làm họ đau nhất : "Tài sản cất giấu trong ngân hàng phương Tây, bất động sản ở Nice, Luân Đôn, Viena, Berlin…".

Đòn bẩy thứ hai là hệ thống ống dẫn khí đốt Nord Dream số 2. Nhật báo độc lập kêu gọi Berlin hãy ra tay : Đức đã cứu mạng Navalny thì không thể nào quay lưng lại với nhà đối lập Nga.

Mã Vân và Elon Musk : Không đồng chí nhưng cùng thủ đoạn

Qua góc nhìn của chuyên gia, một đại gia đỏ ở Trung Quốc và một đại gia tư bản Mỹ có một điểm chung nào cho phép họ làm giàu ?

Hai nhân vật được Le Monde nói đến là Jack Ma (Mã Vân) và Elon Musk : không cùng đảng nhưng cùng chí hướng khai thác nhược điểm của chế độ để trở thành tỷ phú.

Cả hai đều gầy dựng cơ nghiệp riêng nhờ vào ô dù của Nhà nước. Alibaba phất lên là nhờ luật Trung Quốc cấm nước ngoài cạnh tranh với xí nghiệp Trung Quốc. Elon Musk cứu công ty không gian SpaceX khỏi tình trạng phá sản nhờ ký hợp đồng với NASA.

Hai tay đại gia này không hề tranh đấu chống lại bộ máy hành chánh kềnh càng, trái lại họ lợi dụng kẽ hở không thể sửa đổi này. Mặt khác, cả hai đều thân cận với chế độ chính trị : Jack Ma là đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc còn Elon Musk vào năm 2016 là cố vấn của Donald Trump và đến 2020 là ủng hộ viên đắc lực.

Chủ nghĩa tư bản Trung Quốc và Mỹ tuy dựa vào những định chế khác nhau nhưng sự thành công của các xí nghiệp công nghệ siêu sao của họ thể hiện thành đạt cá nhân, của chủ nghĩa tư bản đầu cơ miễn là đừng đe dọa chế độ hay trật tự tài chính có sẵn, nếu không muốn bị thất sủng.

Trong chiều hướng này, bài "Jack Ma tái xuất" của Les Echos suy đoán : sau hai tháng biệt tăm, Jack Ma tái xuất hiện chứng tỏ là "đã bình thường hóa quan hệ" với chính quyền trung ương.

Người nữ tù sống sót từ Goulag Trung Quốc

Trong hồ sơ nhân quyền, Le Figaro dành một trang lớn giới thiệu "Người nữ tù thoát chết từ Goulag Trung Quốc" : Gulbahar Haitiwaji được Pháp cưu mang.

Phóng viên của Le Figaro giới thiệu tác giả quyển sách kể lại ba năm trong lao tù Trung Quốc, trải nghiệm bản thân của chính tác giả, Gulbahar Haitiwaji bị bắt trong một cuộc bố ráp vào năm 2016 khi từ nước ngoài về thăm gia đình. Hai chân còn dấu cùm tra tấn. Bị cáo buộc là khủng bố, phiên tòa diễn ra có 9 phút.

Cảm giác tuyệt vọng khủng khiếp đến mức độ : "nếu họ đem tôi ra bắn, tôi cũng bất cần". Lý do duy nhất để Gulbahar Haitiwaji phấn đấu để tồn tại là cần phải sống để thuật lại những gì diễn ra trong quần đảo ngục tù Trung Quốc, thay cho những nạn nhân không có cơ may thoát chết.

Le Figaro cũng có một bài thuật lại chi tiết đoạn băng dài hai tiếng đồng hồ, kết quả cuộc điều tra độc đáo của Alexei Navalny, về "tòa lâu đài xa hoa của Putin". Cuốn băng được phát tán một ngày sau khi nhà đối lập trở về nước và bị tống giam.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tú Anh
Read 518 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)