Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/02/2021

Điểm báo Pháp - Covid-19 và Sao Hỏa

RFI tiếng Việt

Covid-19 và Sao Hỏa : Nghịch lý giữa thất bại và thành công của nước Mỹ

Ngày 22/02/2021, Hoa Kỳ đồng thời chứng kiến một thất bại khủng khiếp và một thành công vang dội. Một mặt, đại học Johns-Hopkins thông báo nước Mỹ đã vượt ngưỡng 500.000 ca tử vong vì Covid-19. Mặt khác, NASA công bố đoạn video về thời khắc hạ cánh của phi thuyền chwor xe tự hành Perseverance trên Sao Hỏa hôm 18/02. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta chứng kiến phi thuyền đến từ trái đất hạ cánh xuống một hành tinh khác.

saohoa0

Ngày 22/02/2021, NASA công bố video Perseverance hạ cánh xuống Sao Hỏa.  Handout NASA/JPL-Caltech/AFP

Bài xã luận của Le Monde nói đến nghịch lý kỳ lạ : Nước Mỹ, cường quốc khoa học hàng đầu thế giới, không kiểm soát được đại dịch Covid-19 trên chính lãnh thổ của mình, nhưng lại đưa được lên Sao Hỏa một cỗ máy nặng hơn một tấn và điều khiển rất phức tạp. Nghịch lý tương tự cũng xảy ra với nước Pháp : Quê hương của nhà khoa học Louis Pasteur không chế được vac-xin ngừa Covid-19, nhưng lại cung cấp được SuperCam, công cụ khoa học chính của phi thuyền Perseverance.

Thám hiểm không gian và hệ mặt trời luôn khiến công chúng phải ngạc nhiên, nhưng trong hoàn cảnh đại dịch trong hiện tại, những cỗ máy đó càng khiến người ta thán phục. Chẳng hạn, đoạn phim chiếu cảnh cuộc đổ bộ của phi thuyền Perseverance, chỉ tính riêng trên kênh YouTube của NASA, đã đạt tổng cộng gần 7 triệu lượt người xem trong vòng 24 giờ kể từ khi được tải lên. Những người hâm mộ Elon Musk, một cộng đồng thực sự, rất hào hứng với mỗi lần thử nghiệm Starship, tên lửa phóng hạng nặng trong tương lai của SpaceX, cho dù Starship có nổ tung ở mỗi lần hạ cánh; và chắc chắn rằng lần trở lại không gian của nhà du hành Pháp Thomas Pesquet vào cuối tháng 04/2021 sẽ càng khơi dậy trong giới trẻ Pháp những cảm hứng mới về mong ước trở thành phi hành gia.

Không gian, ngay cả khi ngày càng trở thành một thách thức quân sự, vẫn tiếp tục là nơi mang tính biểu tượng của tự do, nơi con người vượt qua, cho dù là phần nào, những căng thẳng địa chính trị.

Bằng chứng là trong hơn hai mươi năm, Trạm Không gian Quốc tế chủ yếu do Mỹ và Nga đồng quản lý. Và mặc dù tổng thống Trump tuyên bố chấm dứt chủ nghĩa đa phương, nhưng điều đó đã không được áp dụng trong không gian. Chẳng hạn, Mỹ sẽ trở lại mặt trăng với Châu Âu, bởi chính Châu Âu cung cấp cho Mỹ một mô-đun của tàu vũ trụ Orion.

Đối với chuyến bay của phi thuyền Perseverance - đưa về Trái đất các mẫu đất đá lấy từ Sao Hỏa - chặng đầu tiên của một cuộc phiêu lưu lớn hơn, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng : cung cấp robot di động, mà trong một vài năm tới sẽ mang về các mẫu đất đá mà Perseverance đã lấy được. Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cũng sẽ tham gia vào việc xây dựng tàu vũ trụ đưa những mẫu vật quý giá này về Trái đất, để các nhà khoa học phân tích, với hy vọng tìm ra dấu vết của sự sống trên Sao Hỏa trong quá khứ.

Còn về Trung Quốc, mặc dù đã thành công trong việc mang về các mẫu đất đá từ Mặt Trăng hồi tháng 12/2020, đã sẵn sàng để phi thuyền riêng của họ hạ cánh xuống Sao Hỏa vào khoảng tháng 5/2021, Bắc Kinh vẫn đang trong quá trình học hỏi và đuổi theo các tiến bộ của Mỹ. Trong những năm gần đây, cả Bắc Kinh và Washington đều đưa ra kịch bản về một cuộc chạy đua mới trong không gian giữa hai siêu cường. Nhưng trên thực tế, theo Le Monde, cuộc chạy đua mới đó mới chỉ là giả tưởng, bởi vì khoảng cách công nghệ giữa hai bên vẫn còn rất lớn.

Mối liên hệ giữa đại dịch và kết quả bầu cử

Đại dịch "Liệu đại dịch Covid-19 có phải là yếu tố quyết định kết quả bầu cử của các chính đảng trong các cuộc bầu cử sắp tới ?" là câu hỏi mà kinh tế gia Paul Seabright cố gắng tìm lời giải đáp trong mục Thời luận của báo Le Monde.

Thật lạ là hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về tác động của dịch bệnh đối với cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 03/11/2020. Chẳng hạn, hãng thông tấn AP ngày 06/11 thông báo những khu vực bầu cử ở Mỹ từng có tỉ lệ tử vong cao nhất vì ​​Covid-19 li có t l phiếu ng h ông Donald Trump áp đảo. Tương t, National Public Radio cho biết t lệ phiếu ủng hộ Trump đã tăng lên ở những khu vực bầu cử bị dịch gây nhiều tác hại nhất. Thế nhưng, nhiều phân tích khác lại tiết lộ tác động tiêu cực của đại dịch đối với tổng thống mãn nhiệm.

Nhìn lại dịch cúm Tây Ban Nha, vốn dĩ nghiêm trọng hơn nhiều so với Covid-19 về số ca tử vong, tác động tiêu cực đến kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội Hoa Kỳ năm 1918 chỉ là rất nhỏ.

Vậy còn tác động của Covid đối với đời sống chính trị vào năm 2021 sẽ ra sao ? Kết luận của nhiều nghiên cứu khẳng định thành quả trong nhiệm kỳ của người sắp mãn nhiệm chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc tác động đến sự lựa chọn cử tri, ít nhất là sau các đại dịch. Liệu có phải đó là do cử tri mù quáng, thiếu hiểu biết, hoặc bị ám ảnh bởi lòng trung thành với đảng ? Theo kinh tế gia Paul Seabright, không hẳn là như vậy. Đại dịch rất hiếm xảy ra. Việc xử lý tốt dịch bệnh rất ít liên quan đến các đặc thù của một chế độ chính trị, dù là ngày nay hay cách đây một thế kỷ.

Nói tóm lại, cử tri thường quan tâm đến nhu cầu của họ trong tương lai hơn là chú ý đến sự kém cỏi của chính quyền sắp mãn nhiệm trong việc giải quyết dịch bệnh.

Covid-19 : Philippines muốn đổi y tá lấy vac-xin

Về cuộc chiến chống Covid-19, hiện giờ mọi sự chú ý ở các quốc gia đều đang đổ dồn vào chiến dịch tiêm chủng. Le Figaro quan tâm đến chiến lược "đổi y tá lấy vac-xin" của Philippines. Quốc gia Đông Nam Á sẽ cần 148 triệu liều vac-xin cho hơn 70 triệu người, tức là 2/3 dân số.

Bị đại dịch Covid-19 gây tác hại nặng nề, Philippines có y tá, nhưng không có vac-xin. Vì thế, chính phủ đã không ngần ngại đề nghị trao đổi với các nước phương Tây, trong đó có Anh và Đức. Được đào tạo bài bản, nhiều y tá Philippines thường đi "xuất khẩu lao động", ra nước ngoài hành nghề. Để hạn chế tình trạng di cư này, Manila đã giới hạn số lượng nhân viên y tế được phép rời khỏi đất nước : 5.000 người/năm. Bà Alice Visperas, giám đốc Cơ quan phụ trách các vấn đề quốc tế tại Bộ Lao động Philippines, cho biết bà đã chuẩn bị thắt chặt giới hạn nói trên để đổi lấy vac-xin.

Le Figaro cho biết Luân Đôn đã từ chối đề xuất mà họ coi là "đáng ngờ" của Manila. Cơ quan Y tế Quốc gia của Anh đang thiếu nhân viên trầm trọng, mặc dù đã có 30.000 y tá đến từ Philippines trong thời gian gần đây để bù đắp cho sự sụt giảm số nhân viên y tế đến từ Liên Hiệp Châu Âu do Brexit. Anh Quốc vừa hứa sẽ chia sẻ với các nước nghèo những liều thuốc còn dư sau chiến dịch tiêm chủng. Còn Đức không phản ứng sau đề xuất của Philippines. Lô vac-xin Trung Quốc đầu tiên dự kiến ​​s được chuyn đến Philippines trong tun này - nhưng không có sự đánh đổi lấy nhân viên y tế. Kết thúc bài viết, Le Figaro cho biết nghiệp đoàn y tá Philippines cảm thấy "ghê tởm về việc nhân viên y tế có thể bị chính phủ coi như hàng hóa hoặc hàng xuất khẩu".

Covid-19 : Nghịch lý nước Pháp

Báo Libération đặc biệt quan tâm đến tình hình nước Pháp, với nhiều chủ đề dàn trải, từ tiến bộ vượt bậc bất ngờ của giới nông gia trong việc sử dụng các phương tiện, ứng dụng kỹ thuật số để tiếp cận tốt hơn với khách hàng, bán nông phẩm, cho đến khó khăn tài chính của tập đoàn đường sắt quốc gia Pháp SNCF… Thế nhưng, hồ sơ nổi bật nhất của Libération hôm nay vẫn là tình hình dịch bệnh Covid-19.

Nghịch lý là trong khi đại dịch trên thế giới đang trên đà giảm, thì tình hình tại Pháp lại đáng lo ngại, ngày càng xấu đi và có thể xảy ra làn sóng dịch thứ ba. Nếu trong nửa đầu tháng 2, số ca nhiễm mới thường nhật là khoảng 18.500/ngày thì đến nửa cuối tháng hai, con số này đã tăng nhanh. Khoảng 10 tỉnh lâm vào tình trạng nghiêm trọng. Đặc biệt một số địa phương đang trong tình cảnh khẩn cấp, chẳng hạn tại thành phố Nice (miền nam Pháp), 95% số giường bệnh điều trị Covid-19 tại đại học Y Nice đã có bệnh nhân, và cứ 1.000 dân thì có gần 8 người nhiễm virus. Còn ở bệnh viện Đại học Y của thành phố Lille (miền bắc Pháp), 88% giường bệnh Covid-19 đã có người nằm. Bệnh viện ở Dunkerque đã quá tải, phải chuyển 55 bệnh nhân đến bệnh viện địa phương khác.

Biện pháp giới nghiêm có thể hãm phần nào đà lây lan của virus chủng "truyền thống", nhưng các biến thể mới lại có đà lây lanh nhanh và ngày càng chiếm tỉ lệ cao. Trong bối cảnh đó, theo Libération, nước Pháp chỉ có giải pháp là chạy đua với thời gian để tiêm chủng cho người dân càng nhiều càng tốt. Vấn đề là Pháp đang thiếu vac-xin do các hãng bào chế chậm giao hàng. Hiện giờ mới chỉ có 1,84% dân Pháp chích ngừa xong hai mũi tiêm. Tỉ lệ người được tiêm ngừa Covid tại Pháp thấp hơn nhiều nước khác, kể cả so với láng giềng Tây Ban Nha.

Đánh cắp và bán dữ liệu y tế - những dịch vụ làm ăn phi pháp có lãi

Vẫn liên quan đến nước Pháp, nhưng về đề tài tấn công mạng. Sau vụ nhiều bệnh Pháp bị tin tặc tấn công vô hiệu hóa hệ thống ti học để đòi tiền chuộc, báo công giáo La Croix lại quan tâm đến vụ tin tặc đánh cắp thông tin hồ sơ y tế cá nhân của 500.000 người tại Pháp và công bố danh sách trên mạng internet.

Với mỗi cá nhân liên quan, có tới 60 loại thông tin bị tin tặc đánh cắp : tên tuổi, ngày sinh, nơi sinh, địa chỉ, số an sinh xã hội, số điện thoại, tình trạng sức khỏe, nhóm máu, bệnh tật, liệu pháp điều trị, kể cả những thông tin nhạy cảm như nhiễm HIV… Thường thì thông tin đánh cắp được không được công bố "miễn phí" như lần này, nhưng theo suy đoán của nhiều chuyên gia, đây có thể là do các băng đảng tin tặc phá nhau để đối thủ không kiếm lời được. La Croix dẫn lại thông tin của báo Libération ngày 23/02 theo đó các thông tin này bị đánh cắp từ khoảng 30 cơ sở xét nghiệm tại vùng tây bắc nước Pháp. Hiện giờ CNIL, cơ quan bảo vệ dữ liệu cá nhân, đang điều tra vụ việc.

La Croix đặc biệt nhấn mạnh đến mối nguy hiểm của tội phạm mạng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Đối với báo công giáo, đó là các phi vụ làm ăn "trong bóng tối" : Một khi đột nhập được vào hệ thống, tin tặc có thể mã hóa thông tin đó để đòi tiền chuộc, hoặc sao chép thông tin rồi bán cho bên thứ ba, tạo ra một đường dây buôn bán, kẻ bán đi người bán lại, giá cả các phi vụ mua bán thông tin cá nhân đánh cắp dao động từ vài ngàn đến hàng trăm ngàn, hàng triệu euro, tùy thuộc thị trường ngầm darknet - mảng chìm của mạng Internet. Các nạn nhân rất có thể sẽ bị kẻ xấu dùng các dữ liệu đánh cắp để giả mạo danh tính, xin cấp giấy tờ để làm hồ sơ vay tiền của ngân hàng trên mạng internet - một hoạt động mà La Croix gọi là "siêu lợi nhuận".

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 541 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)