Covid-19 : Tổng thống Mỹ Biden và kế hoạch kiềm chế tham vọng của Trung Quốc
Kế hoạch của tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc là đề tài được báo Pháp thiên hữu Le Figaro đặc biệt quan tâm. Thách thức đầu tiên mà chính quyền Biden đặt ra cho Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực phân phối vac-xin ngừa Covid-19.
Thông qua việc công bố vào hôm thứ Sáu 12/03/2021 một chương trình đầy tham vọng - sản xuất và phân phối một tỷ liều vac-xin ngừa Covid-19 ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương - với sự hợp tác của Ấn Độ, Nhật Bản và Úc (các thành viên bộ Tứ QUAD), tân tổng thống Joe Biden đã chọn dùng vũ khí riêng của Mỹ để đối phó với các tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực : biến phân phối vac-xin thành một phần của chính sách gây ảnh hưởng ở nước ngoài.
Trong chiến tranh lạnh mới giữa Washington và Bắc Kinh, kế hoạch vac-xin lần này có một số điểm tương đồng với Kế hoạch Marshall nhằm giúp Châu Âu tái thiết sau Đệ Nhị Thế Chiến. Nhưng thay vì chỉ là một chiều, kế hoạch vac-xin dựa trên khả năng của từng đối tác. Mỹ cung cấp một phần kinh phí, nhưng trên hết là kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực phát triển vac-xin. Ấn Độ, với ngành công nghiệp dược phẩm hùng mạnh, sẽ chịu trách nhiệm sản xuất vac-xin với số lượng lớn. Nhật Bản sẽ đóng góp tài chính cho hoạt động sản xuất và phụ trách hệ thống làm mát cần thiết để bảo quản vac-xin. Còn Úc sẽ chi 77 tỷ đô la cho việc phân phối vac-xin, đặc biệt là cho 19 quốc đảo ở Thái Bình Dương, những nước có tuyến vận chuyển nối với Úc và có quan hệ chặt chẽ với quân đội Úc.
Le Figaro nhận định sau khi đã để cho Bắc Kinh tiến hành một chính sách ngoại giao hiếu chiến trong năm 2020, với các nhà ngoại giao "chiến binh sói" nêu bật thành công của Trung Quốc trong việc quản lý đại dịch, nhưng phủ nhận mọi trách nhiệm về việc để đại dịch bùng phát, các chế độ dân chủ trong khu vực bắt đầu ngăn chặn các âm mưu của Bắc Kinh.
Liên quan đến cuộc gặp sắp tới giữa ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Jake Sullivan, với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, Le Figaro nhấn mạnh giờ không còn là lúc Mỹ có thể nhượng bộ Trung Quốc. Những sáng kiến đầu tiên của chính quyền Biden cho thấy có sự thay đổi kép trong chiến lược của Washington với Bắc Kinh. Đoạn tuyệt với chính sách ngoại giao cá nhân của Donald Trump, phương pháp ngoại giao của Biden truyền thống hơn, dựa vào các đồng minh trong khu vực, nhưng không hẳn là hồi sinh chính sách của Barack Obama và Hillary Clinton, mà theo Le Figaro, sự mù quáng, yếu đuối và tự mãn đã khiến Bắc Kinh được tự do hành động.
Năm đại dịch cũng là năm người Mỹ thức tỉnh trước Trung Quốc. Cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa Mỹ sẽ đều đồng ý về mối nguy hiểm từ đối thủ chiến lược Trung Quốc. Dù hiện vẫn chưa có học thuyết Biden như Mỹ từng có học thuyết Truman khi chiến tranh lạnh bắt đầu, nhưng tân tổng thống Mỹ Biden đã chứng tỏ ông không muốn ở thế bị động khi đối mặt với cường quốc mới ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Thế kẹt của ASEAN
Trên trận địa vac-xin Mỹ - Trung, Le Figaro chú ý đến thế kẹt của các quốc gia Đông Nam Á và nhận định "Bắc Kinh hay Washington ? Các nước Châu Á từ chối chọn lựa". ASEAN nay đã trở thành chiến trường then chốt trong cuộc đấu địa chính trị Le Figaro giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Nhưng theo, các quốc gia Đông Nam Á rất thực dụng, không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Họ muốn duy trì các mối quan hệ quan trọng sống còn với gã khổng lồ Trung Quốc - thường là đối tác thương mại hàng đầu của các quốc gia này - nhưng vẫn mong chờ sự trở lại của Mỹ. Chẳng hạn, trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, ngoại trưởng Singapore tái khẳng định sự cần thiết của vai trò lãnh đạo của Mỹ, nhưng cũng rất chú ý đến các mối liên hệ với Bắc Kinh.
Nga - Trung : "Mặt trận kép" của Mỹ trong không gian mạng
Vẫn liên quan tới Mỹ, Le Monde quan tâm đến căng thẳng trong không gian mạng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc. Điều gì đang xảy ra trong không gian mạng ? Chúng ta đang chứng kiến một bước ngoặt trong việc sử dụng mạng làm phương tiện và tác động của việc này trong lĩnh vực ngoại giao ? Theo báo Le Monde, đây là điều mà ngày càng nhiều nhà quan sát đang tìm hiểu.
Sau một cuộc tấn công mạng lớn đầu tiên, chính thức được quy tội cho Nga và được tiết lộ vào tháng 12/2020, đến đầu tháng 03/2021, Hoa Kỳ lại phải đối phó với hậu quả của một chiến dịch tấn công mạng quy mô lớn nhắm vào Microsoft, một trong những công ty hàng đầu của Mỹ về công nghệ thông tin. Theo một số chuyên gia, vụ tấn công mạng này có lẽ liên quan đến Trung Quốc.
Căng thẳng gần đây nhất xảy ra vào ngày 10/03 : quyền truy cập vào một số trang web chính thức của Nga bị chặn bất thường trong vài giờ, nhất là cổng thông tin của Hạ Viện Duma, điện Kremlin, thậm chí là cổng thông tin của Roskomnadzor, cơ quan An ninh Hệ thống Thông tin và Quản lý Truyền thông Điện tử của Nga. Moskva chưa chính thức phản ứng, nhưng nhiều chuyên gia xem là có liên quan đến vụ tấn công mạng cùng ngày của Nga nhằm làm chậm mạng xã hội Twitter. Nhưng một số chuyên gia khác lại xem đó là vụ đáp trả đầu tiên từ Mỹ.
Phản công mạng - hack back
Bài báo trên New York Times hôm 07/03 trích dẫn một số quan chức Mỹ, thông báo hàng loạt vụ trừng phạt trong vòng ba tuần và nhận định các hành động bất hợp pháp thông qua các mạng lưới của Nga, được cho là hiển nhiên với Vladimir Putin, chứ không phải với phần còn lại của thế giới.
Mong muốn phản công mạng - "hack back" - được coi như một biện pháp đáp trả hoạt động "gián điệp mạng" tinh vi nhắm vào SolarWinds, được tiết lộ hồi cuối năm 2020. Trong nhiều tháng trời, có thể là từ tháng 03/2020, tin tặc Nga đã đột nhập thành công vào hệ thống tin học của hàng chục ngàn khách hàng của công ty phần mềm tại bang Texas, trong đó có nhiều doanh nghiệp có tên trong bảng xếp hạng 500 công ty hàng đầu của Mỹ theo quy mô doanh thu, cũng như các cơ quan liên bang quan trọng của Mỹ, kể cả bộ An Ninh Nội Địa và Lầu Năm Góc.
Cho dù bài báo với giọng điệu bất thường New York Times đã bị thông tín viên đài CNBC tại Washington bác bỏ phần nào, một nguồn tin chính thức giấu tên từ Nhà Trắng phủ nhận là có một vụ phản ứng dưới hình thức "tấn công mạng". Nhưng Le Monde nhận định dù sao thì sự rự rò rỉ thông tin nói trên cho thấy đang có sự phân vân, do dự của chính quyền Biden trong khi hồi đầu tháng 3, Nhà Trắng đã thừa nhận một mặt trận khác vừa mở ra trong không gian mạng, với một cuộc tấn công khi đó nhắm vào Microsoft Exchange, ứng dụng nhắn tin rất phổ biến.
Đến nay, chính quyền Mỹ vẫn tránh quy kết trách nhiệm vụ tấn công này, cho dù nhiều chuyên gia an ninh mạng và chính ban lãnh đạo của Microsoft cho biết đã xác định phương thức hoạt động của tin tặc có liên quan đến Trung Quốc
Con đường nào cho Biden ?
Cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã thể hiện sự kiềm chế tương đối trong lĩnh vực mạng. Nhưng dưới thời người kế nhiệm Donald Trump, những vụ quy kết trách nhiệm đã tăng lên gấp bội, đặc biệt với việc quy tội cho 12 nhân viên tình báo Nga hồi năm 2018, song song với các biện pháp trừng phạt kinh tế. Giờ đây tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chọn con đường nào ?
Trong lĩnh vực chiến tranh thông thường, tân tổng thống Mỹ đã bắt đầu vạch ra lộ trình. Còn về không gian mạng, Hoa Kỳ đã ký một hiệp ước không tấn công mạng với Trung Quốc vào năm 2015. Nhưng theo nhiều nhà quan sát, hiệp ước đã thất bại. Ngay từ đầu, thỏa thuận đồng thuận tối thiểu này đã không tính đến cuộc tấn công của các tổ chức phi nhà nước nhắm vào các công ty tư nhân, chẳng hạn trường hợp của Microsoft. Kể từ vụ tiết lộ về các cuộc xâm nhập gần đây nhất, Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), quản lý cả các hành động tấn công và phòng thủ mạng, đã nhận thấy cần xem xét lại hiệp ước.
10 năm Syria : Tro bụi, máu và nước mắt
Một đề tài quốc tế khác được các báo Pháp hôm nay quan tâm là hồ sơ 10 năm cuộc chiến Syria. Báo thiên tả Libération dành hai trang giới thiệu phóng sự của đặc phái viên Wilson Fache : "Raqqa, thành phố của tro bụi, máu và nước mắt". Còn báo kinh tế Les Echos phân tích "10 năm nội chiến Syria, thảm kịch đương đại khủng khiếp nhất".
Trong suốt 10 năm qua, Syria không chỉ trải qua cuộc nội chiến tồi tệ nhất của thế kỷ 21 mà còn là nơi diễn ra sự đối đầu giữa các cường quốc thế giới và khu vực. Hy vọng hòa bình vẫn ngoài tầm tay. Không thể tính hết số nạn nhân ở một số vùng, nhưng theo thống kê, có khoảng 450.000 người thiệt mạng, một nửa dân số Syria đã phải bỏ nhà bỏ cửa đi sơ tán (tỉ lệ vô song trên thế giới). Các chỉ số phát triển (sức khỏe, dinh dưỡng, tuổi thọ, xóa mù chữ …) tụt hậu nhiều thập niên.
Les Echos trích dẫn tổ chức phi chính phủ Handicap International gọi đây là vụ khủng hoảng thế giới khủng khiếp nhất tính từ năm 1945. Lương thực khan hiếm, giá cả sinh hoạt tăng gấp 30 lần so với trước khi xảy ra cuộc chiến, đồng tiền Syria mất giá tới 98%. Nhiều khu vực ở thành phố Aleppo, từng là lá phổi kinh tế và công nghiệp của Syria, đã bị san phẳng hoàn toàn.
Les Echos nhấn mạnh, trừ Trung Quốc, hầu hết các cường quốc thế giới và khu vực đều trực tiếp hay gián tiếp can dự vào cuộc xung đột Syria : Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Israel. Nghịch lý là chế độ Syria của tổng thống Bachar al Assad không thể tham gia, nhưng cũng không thể tồn tại tách rời khỏi hệ thống quốc tế.
2020 : Dân Pháp vẫn hào phóng với các chương trình quyên góp
Trong lĩnh vực xã hội, báo công giáo La Croix cho biết các khoản quyên góp đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2020, chủ yếu dành cho nghiên cứu y khoa và cứu trợ khẩn cấp. Hầu như tất cả các tổ chức thiện nguyện lớn đều ghi nhận tình đoàn kết, tương ái của người Pháp tăng cao chưa từng có trong "năm đặc biệt" Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh, các cuộc tiếp xúc trực tiếp và các chương trình biểu diễn gây quỹ bị hạn chế, các hiệp hội, tổ chức thiện nguyện cũng đã tiến hành cải cáchphương thức gây quỹ, mở các quỹ quyên góp trên mạng internet, mạng xã hội như Facebook, TikTok để tiếp cận được nhóm người hiến quyên tặng trẻ tuổi hơn.
Thùy Dương