Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/03/2021

Điểm báo Pháp - Anh Quốc : Cứng rắn với Nga nhưng dè dặt với Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Chính sách mới của Anh Quốc : Cứng rắn với Nga nhưng dè dặt với Trung Quốc

Covid-19 và những khó khăn đang đè nặng trên vai chính phủ Pháp và tổng thống Macron đúng một năm sau ngày nước Pháp phải phong tỏa lần đầu tiên để chống dịch, là chủ đề chính được báo chí Pháp ra ngày hôm 17/03/2021, khai thác rộng rãi. Về Châu Á, ngoài hồ sơ Miến Điện tiếp tục thu hút sự chú ý, các báo cũng rất quan tâm đến sự kiện Anh Quốc chính thức công bố chính sách ngoại giao và quốc phòng thời hậu Brexit.

anh1

Ảnh minh họa. Cờ Anh và Trung Quốc trong một cuộc đối thoại hợp tác về kinh tế tài chính, tổ chức tại Bắc Kinh năm 2015.  Reuters - POOL New

Dù không nêu bật thành tựa lớn, nhưng nhật báo kinh tế Les Echos và tờ báo cánh hữu Le Figaro đều ghi nhận trên trang nhất, sự chuyển hướng chiến lược của Vương Quốc Anh. Nếu Les Echos không ngần ngại nhấn mạnh rằng : "Sau Brexit, Anh Quốc dứt khoát quay sang Châu Á", thì Le Figaro ghi nhận một cách khách quan : "Luân Đôn định nghĩa trở lại chỗ đứng của mình trên thế giới".

Cả hai tờ báo đều trích dẫn và bình luận văn kiện được chính phủ Anh công bố vào hôm qua 16/03, mang tên "Nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh", một bản "Đánh giá tổng hợp về an ninh, quốc phòng, phát triển và chính sách đối ngoại" nhằm vạch ra hướng đi tương lại cho "Nước Anh toàn cầu - Global Britain", với ưu tiên được dành cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, được Luân Đôn xem là đang trên đường trở thành "trung tâm địa chính trị mới của thế giới".

Boris Johnson cho Anh Quốc xoay trục qua Châu Á

Trong bài phân tích bên trong mang tựa đề "Boris Johnson cho Vương Quốc Anh xoay trục qua Châu Á", báo Les Echos cho rằng việc Luân Đôn lần đầu tiên cho thấy quan điểm của mình về vị trí nước Anh trên thế giới trong thời hậu Brexit là một bước tiến quan trọng đối với một quốc gia mà tương lai bên ngoài Liên Hiệp Châu Âu cần được định hình trở lại.

Theo tờ báo Pháp, để cụ thể hóa hướng xoay trục qua Châu Á, Anh Quốc đã bắt đầu các thủ tục nhằm tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương CT-TPP và xích lại gần khối Đông Nam Á (ASEAN) hơn. Ngoài ra, một trong hai hàng không mẫu hạm Anh Quốc, chiếc HMS Queen Elisabeth, sẽ được gởi đến vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trong năm nay.

Nga là kẻ thù, Trung Quốc vừa là đối thủ, vừa là đối tác

Theo Les Echos, về các đối thủ của nước Anh thời hậu Brexit, tài liệu chiến lược vừa được công bố đã khẳng định rằng nước Nga là kẻ thù chính, thậm chí bị coi là một "mối đe dọa tích cực". Đây là một điều không có gì là lạ. Đáng ngạc nhiên hơn là vai trò của Trung Quốc, được mô tả như là một "thách thức hệ thống", hơn là một kẻ thù không đội trời chung.

Nói cách khác, đối với Luân Đôn, Bắc Kinh giống như một đối thủ cạnh tranh, mà Anh Quốc cần nương nhẹ. Khi giới thiệu tài liệu, thủ tướng Boris Johnson còn nhấn mạnh : "Những ai kêu gọi một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc hoặc cô lập hoàn toàn nền kinh tế của chúng ta khỏi Trung Quốc [...] đã sai : Chúng ta phải tìm ra sự cân bằng và có một mối quan hệ sáng suốt" với nước này.

Tài liệu được công bố ghi rõ : "Trung Quốc ngày càng là một đối tác quan trọng trong việc ứng phó với các thách thức toàn cầu như chuẩn bị đối phó với các đại dịch, bảo vệ sự đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu... Chúng ta phải tiếp tục duy trì một mối quan hệ kinh tế tích cực".

Theo Les Echos, quan điểm trên đây về Trung Quốc có khả năng kích động cơn giận dữ của nhiều nghị sĩ bảo thủ, từng công khai tỏ thái độ thù địch với chế độ Bắc Kinh. Đây là điều càng đáng ngạc nhiên sau những căng thẳng gần đây giữa hai bên về Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh, cũng như về quyết định loại trừ tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi ra khỏi việc xây dựng mạng 5G trong tương lai ở nước Anh, hay thậm chí là thái độ nghị kỵ công khai đối với nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc CGN trong ngành điện hạt nhân.

Anh liệt Nga vào diện "quốc gia thù đich"

Nhật báo Le Figaro cũng ghi nhận quan điểm cứng rắn của Anh Quốc đối với Nga, nhưng có phần nhẹ nhàng đối với Trung Quốc được nêu lên trong tài liệu mới về các ưu tiên chiến lược của Luân Đôn

Le Figaro nhận thấy là trong tài liệu có nhắc đến "các quốc gia thù địch", một điểm đặc biệt nhằm vào Nga, được mô tả là "mối đe dọa trực tiếp cấp bách nhất đối với Vương Quốc Anh". Tờ báo Pháp nhắc lại rằng ba năm trước đây, Anh đã cáo buộc GRU, cơ quan tình báo quân đội Nga, là kẻ đứng sau âm mưu đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái ông ta ở ngay trên đất Anh.

Với Trung Quốc, Le Figaro cũng đồng ý rằng quan hệ hứa hẹn sẽ phức tạp hơn, với việc Luân Đôn không ngần ngại đối đầu với Bắc Kinh về Hoa Vi, Hồng Kông hay chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Việc triển khai một tàu sân bay Anh trong vùng biển Châu Á sẽ không làm giới lãnh đạo Trung Quốc hài lòng. Tuy nhiên, Luân Đôn có thái độ tế nhị với Trung Quốc hơn là với Nga, và tự hài lòng với việc coi Bắc Kinh là một "đối thủ cạnh tranh hệ thống" và kêu gọi duy trì một quan hệ "tích cực" với cường quốc Châu Á.

Tổng thống Macron trong gọng kềm Covid

Như nói ở trên, các khó khăn mà chính quyền của tổng thống Macron gặp phải trong việc ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 tại Pháp là đề tài nổi bật trên trang nhất nhiều tờ báo Pháp hôm nay, với hai tờ Le Figaro Le Monde chạy tựa lớn gần như nhau. Trong lúc Le Monde nhận thấy : "Vac-xin, phong tỏa : Kế hoạch của Hành Pháp gặp trở ngại", thì Le Figaro nói thẳng : "Vac-xin, phong tỏa : Macron bị áp lực".

Đối với Le Monde, trở ngại nghiêm trọng nhất mà chính phủ Pháp đang gặp phải là sự kiện một loạt nước như Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ý rối đến Pháp đã tạm hoãn việc sử dụng vac-xin chống Covid AstraZeneca do những trường hợp phản ứng phụ gây chứng huyết khối (thrombose).

Về trường hợp nước Pháp, chính tổng thống Macron vào hôm qua, 16/03, đã nối gót Berlin, quyết định tạm dừng tiêm chủng bằng thuốc AstraZeneca, trong khi chờ đợi đánh giá của Cơ Quan Dược Phẩm Châu Âu, trong lúc mà thủ tướng Pháp Jean Castex một hôm trước đó vẫn bảo vệ vac-xin này.

Hậu quả của quyết định tạm dừng kể trên, theo Le Monde, là chiến lược của chính phủ nhằm tránh phải tái phong tỏa, chủ yếu dựa trên việc đẩy mạnh tiêm vac-xin, đã trở nên khó khăn hơn. Tờ báo Pháp còn tham khảo ý kiến của Hội Đồng Khoa Học, cho rằng chỉ tiêm chủng thôi chưa đủ để tránh một làn sóng bệnh nhân mới tràn ngập các bệnh viện.

Macron lại phải ra lệnh tái phong tỏa Paris ?

Tại Ile-de-France, bao gồm thủ đô Paris và các vùng phụ cận, tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng, với số lượng bệnh nhân trong các khoa chăm sóc tích cực đã lên cao hơn mức của đợt dịch thứ hai hồi tháng 11 vừa qua.

Le Figaro thì nhấn mạnh đến nỗi băn khoăn của bản thân tổng thống Pháp Emmanuel Macron về sự cần thiết phải tái phong tỏa khu vực Paris – Ile de France, điều mà ông luôn cố tránh. Đối với tờ báo, Macron có cảm giác khó chịu khi phải sống lại tình huống đúng một năm trước đây, khi ông từng phải đối mặt với sự tiến triển không thể kiểm soát của dịch Covid-19, và đã phải miễn cưỡng ra quyết định phong tỏa đất nước.

Le Figaro ghi nhận : Hôm qua ở Montauban, sau khi tuyên bố tạm ngừng sử dụng vac-xin AstraZeneca, tổng thống Pháp đã thở dài và than rằng : "Thật không may, khống chế thời gian lại là con virus". 

"Sự cố" AstraZeneca xẩy ra không đúng lúc

Le Figaro cũng nhắc lại thông báo tạm ngưng sử dụng vac-xin Astrazeneca được đưa ra trong lúc ngày trước, thủ tướng Jean Castex đã đảm bảo rằng người ta phải tin tưởng vào loại vac-xin này, giống như bộ trưởngY Tế Olivier Véran, vài ngày trước đó.

Tờ báo nhìn thấy toàn cảnh cho thấy tình hình khá hỗn độn ở cấp độ Châu Âu, mỗi quốc gia quyết định theo góc độ riêng của mình để đình chỉ vac-xin AstraZeneca và kéo những nước khác vào tình trạng hỗn loạn và tùy cơ ứng biến.

Đối với Le Figaro, sự đình chỉ đột ngột này diễn ra vào thời điểm tồi tệ nhất đối với ông Macron. Nó làm dấy lên những mối nghi kỵ về tiêm chủng, vốn đã khá mạnh ở Pháp, gây tâm lý hoang mang, trong lúc cách chính phủ đối phó với virus vốn đã khá lộn xộn.

Trên hết, nó trì hoãn tiến độ của một chiến dịch tiêm chủng vốn đã bị chậm trễ, trong khi chiến dịch tiêm chủng cho đến lúc này vẫn là cứu cánh của nguyên thủ quốc gia, một trong những cơ hội cuối cùng của ông Macron, nếu thành công, để xóa bỏ tai tiếng về khẩu trang, sự cố ứng dụng TousAntiCovid, sự chậm trễ trong quá trình xét nghiệm và nói chung là quản lý cuộc khủng hoảng y tế hàng ngày.

Cũng nói về các khó khăn mà tổng thống Pháp gặp phải trong việc chống dịch Covid-19, Libération có vẻ mỉa mai hơn, chạy tựa "Covid - Chủ nhân của thời gian bị mất", trên nền một bức ảnh bán thân của tổng thống Pháp, đầu cúi xuống, miệng đeo khẩu trang, trên người mặc áo blouse màu trắng.

Covid-19 : Đành phải sống chung cùng với virus

Cũng khai thác chủ đề dịch Covid-19 tại Pháp, nhật báo công giáo La Croix đã trở lại với tình hình nước Pháp đúng một năm sau ngày quyết định đợt phong tỏa đầu tiên, nhưng có vẻ chấp nhận thực tế không mấy vui qua hàng tựa : "Một năm sau, sống chung với (covid)".

La Croix nhắc lại rằng cách đây đúng một năm, cũng vào ngày 17 tháng 3, ''nước Pháp đã phải tự nhốt mình trong nhà''. Tuy nhiên, tờ báo không nói dông dài về các khó khăn của cuộc sống thời kỳ phong tỏa, và chủ trương nêu bật khía cạnh tích cực, qua 4 bức chân dung của một số người đã nỗ lực thể hiện tình đoàn kết xã hội. 

Trong bài xã luận, vói tựa đề duy ý chí : "Chúng ta sẽ thành công", tờ báo chiêm nghiệm lại một năm về trước, nước Pháp đã nhập cuộc với suy nghĩ rằng vài tuần phong tỏa chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, và tiếp theo, mọi người sẽ nhanh chóng bước vào "thế giới sau đó". "Một năm đã trôi qua, virus vẫn còn đó và chưa bao giờ làm người ta hết ngạc nhiên, làm đảo lộn những dự báo, đi khắp hành tinh gieo rắc những biến thể Điều cần thiết với chúng ta bây giờ là phải học cách sống chung cùng với virus".

Theo La Croix, phải thừa nhận rằng, làm được việc này không dễ dàng. Chúng ta đi khám phá một vùng đất chưa được biết đến. Đó là điều mà thời đại của chúng ta đã phần nào mất đi thói quen, khi tin rằng bản thân có khả năng biết và kiểm soát mọi thứ. Bây giờ chúng ta phải học lại cách ứng phó với những điều không chắc chắn.

Mai Vân

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Vân
Read 393 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)